Mục Lục |
|
Sau 2 tháng 14 ngày bị cảnh lao lung nơi Huyện Phú Khương vì mục đích bảo vệ Đạo Pháp, thân tôi phải tiều tụy không còn sức khỏe để ngồi viết lại thiên hồi ký nầy. Tôi không thể tưởng tượng sức khỏe của tôi xuống dần hồi nào mà đến đổi tôi đạp xe đạp qua không nổi những chặn đường có cát và khi xe ngã, tôi không thể nâng nổi chiếc xe đạp dựng lên được.
Hôm nay đã trải qua 1 tháng ra khỏi tù, bao nhiêu thuốc men và bồi dưỡng, tôi vẫn còn sưng vù 2 chân vì thiếu sanh tố, nhưng cũng ráng viết lại những gì xảy ra để lưu lại 1 kỷ niệm khó quên của đời mình.
Thánh Địa ngày 22-5-Kỹ Mùi (1979)
Sĩ Tải Bùi Văn Tiếp
Ngày mùng 8 tháng 2 Kỷ Mùi (5-3-1979) tôi đang đẩy xe nước mía ra để dọn hàng phụ với bà xã thì được một thanh niên trạc tuổi 20 đến gần lễ phép nói: “Xin lỗi Ông, Ông phải ông Tiếp không ? Tôi trả lời mau : Bạn có việc chi ?
- Nhà Ông ở đâu, xin mời về nhà tôi cò việc cần.
Linh tính đã biết việc không lành sẽ xảy ra. Về nhà, thanh niên trao cho tôi cái giấy mời của Công An Phú Khương, phải đi liền khi nhận được giấy.
Tôi một mặt thay quần áo, một mặt bảo người nhà cho ông Ô Trưởng sát vách hay để ông nầy xác nhận việc mình bị chánh quyền mời chánh thức.
Tôi được con tôi đưa bằng xe đạp đến công an Huyện, kè bên là nhơn viên công lực hồi nãy. Đến nơi tôi đứng lựng xựng chờ lịnh thì được một nhân viên dẫn xuống Hội Trường nói: Ông ngồi đó chờ…..
Rồi từ sáng đến chiều tối, tôi không được ai hỏi thăm sức khỏe chi hết. Thế là tôi ngủ 1 đêm đãi muỗi, con nào con nấy no tròn vì gặp mồi ngon.
Lối 9 giờ sáng hôm sau, tôi được gọi lên làm việc. Một người nói giọng Bắc có vẽ thông minh hỏi cung tôi.
Trước tiên ông lấy lai lịch tôi từ thành phần cha mẹ đến vợ con, rồi qua các thời đại làm gì cho đến hiện tại.
Vào đề, ông cho biết tôi bị mời vì đã tổ chức một cuộc hội họp đông người ở Hiệp Thiên Đài mà nội dung có tánh cách chánh trị. Ông yêu cầu tôi tường thuật rõ ràng từ đầu chí cuối cho ông nghe và ra 2 điều kiện:
1) Điều kiện thứ nhứt là ai chịu trách nhiệm cuộc họp đó ?
2) Điều kiện thứ nhì là cuộc họp đó có phải nhầm mục đích sách động quần chúng để chống lại Cách Mạng hay không ?
Tôi trả lời:
Cũng khó mà nói lại đầy đủ 1 sự việc xảy ra đầy phức tạp, nhưng tôi cố ôn lại, có lẽ không tránh được nhiều sơ sót.
Số là hôm ấy là ngày Vía Đức Chí Tôn tức mùng 8 tháng giêng năm Kỷ Mùi, được chánh quyền cho phép cúng khuya. Tôi và Sĩ Tải Phan có bàn nhau là nhơn dịp nầy chúng tôi mời anh em nhơn viên Bộ Pháp Chánh họp mặt từ 3 giờ đến 5 giờ chiều để dự một tiệc trà mừng xuân. Dự định số người lối 15 hoặc 20 toàn là Chức Sắc Hiệp Thiên Đài ở địa phương và ở trung ương Tòa Thánh tham dự. Địa điểm cuộc họp là trù phòng Bộ Pháp Chánh.
Lối 3 giờ chiều, tôi từ ngoài vô thấy anh em đông quá, chẳng những Chức Sắc Hiệp Thiên Đài mà còn có Chức Sắc Phước Thiện, Cữu Trùng Đài và Bàn Trị Sự, vì muốn chung vui với chúng tôi nên đến xin dự tiệc.
Tôi nói: “Đây không phải ai đãi ai, ai muốn vui thì bỏ ra 1 đồng hoặc 2 đồng mua trà kẹo thuốc lá rồi bàn việc tào lao cho qua 3 ngày Tết.
Vì Trà Phòng không đủ chứa nên họ kéo lên Hiệp Thiên Đài bày ghế đẳng ra làm 1 tiệc lớn. Số người tham dự ước lượng từ 40 đến 60 người.
Bắt đầu ông Cải Trạng Võ Thành Quốc mở hội bằng những lời chúc lành cho toàn thể được Chí Tôn, Phật Mẫu ban cho từng cá nhân và cả gia đình. Kế Hiền Tài Muộn đọc một bức thư của Đức Hộ Pháp gởi cho Bà Giáo Hữu Hương Dự, đại diện Đạo tại Bắc Việt. Tiếp theo Sĩ Tải Tỷ giải thích thơ ấy, nội dung chẳng những đức Giáo Chủ nhắn nhũ tín đồ ở Miền Bắc phải tôn trọng luật lệ nhà nước XHCN mà còn muốn tỏ cho chánh quyền Hà Nội biết rõ lập trường của Đức Ngài đối với quốc gia dân tộc. Ngài luôn giữ vững lập tường tôn giáo thuần túy, còn tính đồ ở miền nào thì phải tuân theo luật lệ của chánh quyền miền đó với phận sự một công dân Việt Nam. Đến Luật Sự Xía cũng phát biểu đại ý chúc tết cùng với một vài người nữa tôi không nhớ rõ…Có Hiền Tài Tâm thay mặt giới trẻ góp ý làm những gì mà mình có khả năng phục vụ đại chúng. Tới Sĩ Tải Phan đọc một một bức thư của bác Tôn Đức Thắng nhơn danh Chủ Tịch Đoàn Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam mời Đức Hộ Pháp đến Hà Nội viếng tín đồ Cao Đài và đồng bào Miền Bắc. Đến lược tôi (Sĩ Tải Tiếp) tôi đọc một điện tín của Bác Hồ hoan nghinh chánh sách Hòa Bình Chung Sống của Đức Hộ Pháp là đường lối hòa giải dân tộc có tính cách yêu nước. Cuối cùng Cô Giáo Thiện Ẩn thay mặt cho Nữ Phái chúc xuân toàn thể hưởng một năm đầy hứa hẹn, hạnh phúc.
Buổi lễ bế mạc hồi 6 giờ tối trong bầu không khí vui tươi và thoải mái.
Người cán bộ ghi đại ý lời tường thuật của tôi rồi chận hỏi những câu như sau:
- Anh có chịu trách nhiệm cuộc hội nầy không ?
- Tôi chỉ chịu trách nhiệm về tổ chức mặc dầu tôi không phải là Trưởng Ban Tổ Chức, nhưng xét rằng tôi có dự phần trong đó nên tôi phải nhận trách nhiệm. Nhưng trong hội nếu có cá nhân nào phát biểu bừa bải phạm đến luật lệ nhà nước thì cá nhân ấy phải gánh trách nhiệm với lời nói của họ chớ tôi đâu có bao gồm tất cả trách nhiệm được.
Ông còn ghép biểu Sĩ Tải Phan phải chịu trách nhiệm nữa. Tôi cải lại rằng trong một cuộc hội họp chỉ một người chịu trách nhiệm là đủ rồi; tôi đã gánh chịu thì không còn có một người thứ 2 chịu trách nhiệm nữa. Ông gật đầu chấp thuận.
Ông hỏi tôi có xin phép Hội Thánh không ?
- Chính Hội Thánh đã ngồi trong hội thì cần gì phải xin phép. Ông Cải Trạng Tất là Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh đã dự tiệc với chúng tôi thì đương nhiên ông chấp nhận sự hợp pháp của buổi tiệc.
Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy rằng, tôi có lỗi với chánh quyền là tôi có tổ chức một cuộc hội họp đông người mà không có xin phép. Còn chánh quyền cho nội dung cuộc họp có tánh cách sách động quần chúng chống lại chánh quyền thì đó là điều tôi không nhận được. Vì từ ngày tôi họp đến ngày tôi được mời là chẳng 1 tháng, tôi không thấy xảy ra một cuộc bạo động nào, một cuộc rối loạn trị an nào khả dĩ làm mất trật tự công cộng.
- Ngoài việc đọc điện tín của Bác Hồ ông có phát biểu gì nữa không ?
- Có, hôm ấy tôi có nói thêm rằng : “Đại nghiệp của nền Đạo hôm nay là do Đức Giáo Chủ đào tạo, Ngài đã bứng từng gốc cây, ban từng gò mối, biến nơi rừng thiên nước độc thành 1 nơi trù phú, có Đền Thánh nguy nga, Đền Thờ Phật Mẫu tráng lệ, có dinh thự nầy, cơ sở kia, có đủ các cơ quan để lại cho chúng ta tu hành. Phận sự của Đức Ngài đã tròn, Đức Ngài trở về Tiên Cảnh và hằng căn dặn chúng ta phải cố bảo thủ đại nghiệp ấy hầu trước qua, sau tới, tô xuê cho nó càng ngày càng xinh lịch.
Nhưng hôm nay chúng ta còn gì ?.....
Chúng ta đã mất hết ! ! !
Thế là chúng ta có trách nhiệm đối với Đức Ngài…..v.v…”
Nói đến đây tôi nghẹn ngào không nói được nữa mà súc động…
- Đây có phải là một cử chỉ sách động chăng? Vì theo ông nói mục đích cuộc họp chỉ chúc xuân thôi, nhưng nay lại biến ra đủ thứ, ông nghĩ sao ?
- Tôi không dự định đến chổ đông người để khóc bao giờ. Đó là tình cảm bọc phát nhứt thời không dự đoán. Cũng như tất cả các cô gái khi bước lên xe hoa thì lại khóc sướt mướt, nếu có ai hỏi cô buồn hay vui thì cô cũng khó trả lời, vì buồn vui lẫn lộn. Đó cũng là tình cảm bộc phát nhứt thời chớ không có tác dụng gì sâu rộng cả.
Tôi được mời làm việc trước sau lối 10 lần với 4-5 cán bộ khác nhau, mỗi ông vấn 1 đề tài khác nhau, nhưng ngoài nội dung vấn đề cuộc họp ở Hiệp Thiên Đài. Có ông ghi vào lời khai, có ông hỏi khơi khơi rồi không viết một chữ nào.
Như Đại Úy Đạt Công An Phó huyện Phú Khương nói: “Tôi xem anh là người trí thức mà sao anh ngu ngốc quá lẻ, anh đi thờ chi ông Phạm Công Tắc là tay sai cho Pháp, cho Nhựt rồi làm CIA cho Mỹ, nay ổng chết, quốc dân lên án ổng, anh còn đứng ra binh vực thật anh ngu ngốc quá.”
- Tôi xin lỗi ông, mỗi người trên thế gian nầy tư tưởng đều khác nhau, mỗi người tìm chúa mà thờ. Ngược dòng lịch sử, từ thời Pháp, Diệm, Thiệu có biết bao cán bộ Cộng Sản bị bắt, bị tra tấn giam cầm, hành hạ đến chết đi sống lại có khi nào họ nhận Bác Hồ sai lầm không ? Tôi rất khâm phục tin thần thượng võ ấy. Cái tin thần của Trần Bình Trọng “Thà làm quỉ nhà Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc” ấy đã nêu gương dân tộc Việt Nam anh hùng bất khuất. Nay tôi cũng trong hoàn cảnh tương tự, tôi yêu cầu quí ông đừng đá động đến người tôi tôn thờ trước mặt tôi, tôi có bổn phận phải binh vực.
Từ đó về sau họ nể không dám sổ sàn với Đức Hộ Pháp nữa.
Nhưng tóm lược lại cán bộ nào cũng buộc tội tôi về tội sách động quần chúng chống lại Cách Mạng. Tôi tuyên bố chừng nào tôi hô “Đã Đảo” thời mới gọi chống đối chớ, tôi khóc mà sao ai cũng ghép tôi vào tội chống đối mãi vậy ?
- Nếu anh đã đảo, hay có hành động sách động thì chúng tôi đã bắn anh rồi.
Đây là câu nói của cán bộ Bảy Tiến đã hớ hinh nhìn rằng tôi không có hành động gì phản động.
Cuối cùng thấy không có yếu tố nào khép tội tôi được nên họ ra 2 điều bắt tôi làm bản tự khai:
Điều thứ nhứt: Quan điểm của anh về bản án.
Điều thứ hai: Quan điểm của anh về thông tri số 1.
Tôi trả lời bằng bút mực:
1) Bản Án: Chánh quyền có mở 1 cuộc học tập về bản án trước tết, tôi có dự ở tổ 1 mà chính tôi làm tổ trưởng. Chúng tôi đã tranh luận với giảng viên Tư Tịnh, thành viên Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh trong 3 hôm và cuối cùng được ông Ba Cát, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh xác nhận: “Đây không phải là việc làm mất uy tín ai, cũng không phải đã đảo ai, đây chỉ tìm nguyên do sự sai trái của các nhà lãnh Đạo giáo phái Cao Đài Tây Ninh đã bắt đầu từ đâu, chúng ta không còn lâm vào những sai trái đó nữa.”
Ông Chủ Tịch còn nhìn nhận từ ngày giải phóng đến nay giáo phái Cao Đài Tây Ninh đã có 7 tiểu đoàn tân binh phục vụ Tổ Quốc, có những đoàn dân công chuyến tuyến, có những đoàn làm thủy lợi tăng gia sản xuất, có những đoàn đào địa Đạo cắm chông để chống lại bọn Bôn Bốt Insari. Cứ cái đà ấy tiến mãi thì đời Đạo tương đắc, Đạo sáng đời vinh. Ông còn nói một câu bất hữu: “Chống Đạo tức là chống lại dân tộc.”
Như vậy tôi rất đồng quan điểm với ông Chủ Tịch MTTQVN Tỉnh Tây Ninh về vụ bản án.
2) Thông Tri: Thông Tri là một bản văn thi hành nghị quyết của UBND Tỉnh Tây Ninh ngày 13-10-1978 nơi điều III mà Hội Thánh đã ban hành cho toàn Đạo, tôi xin trả lời từng khoản:
Khoản I. Chánh quyền giải thể tất cả các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở.
-Người xưa thường nói: Nhơn hư Đạo bất hư. Tôi đồng ý với quí ông rằng: khi một trưởng cơ quan làm sai thời chánh quyền xử lý người ấy chớ không đồng ý giải tán cơ quan ấy. Nhưng đây một loạt các cơ quan trong nền Đại Đạo đều bị giải tán tức là “Cấm Đạo” trái với quyền tự do tín ngưỡng, nghịch với tinh thần bản nghị quyết 297 của Thủ Tướng Chánh Phủ. Như vậy tôi thấy 2 nghị quyết phản trắc nhau nên tôi không đồng ý với khoản I.
Khoản II. Cấm Cơ Bút
-Vì cơ bút là phương thông công từ phàm đến Thánh, nó bắt nguồn cho sự khai Đạo. Ngày sanh của Đại Đạo là ngày rằm tháng 8 năm Ất Sữu (1925) do Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm và Đức Thượng Sanh làm Lễ Hội Yến Diêu Trì tại Sài gòn cũng do Cơ Bút chỉ bảo. Đến có Pháp Chánh Truyền, Tân Kinh, Tân Luật đều do cơ bút mà sản xuất. Nay chánh quyền cấm cơ bút tức là Cấm Đạo, mà cấm Đạo thì cũng phạm nghị quyết 297 của Thủ Tướng Chánh Phủ nên tôi không đồng ý ở khoản II.
Khoản III. Trưng thu các cơ sở ở nội ô có tính cách kinh doanh và không có chức năng tôn giáo.
-Các danh thự nội ô là tài sản của nhơn sanh do công lao của thợ hồ, thợ mộc, thợ cưa, thợ nề…do mồ hôi cực khổ, đồng tiền chén gạo của từng tín đồ trung ương cũng như địa phương. Như vậy Hội Thánh là người giữ của cho nhơn sanh chớ Hội Thánh không có quyền vi chủ nó. Nếu nuốn giao cho ai, chỉ có đại biểu của nhơn sanh mới có quyền giao. Nếu Hội Thánh ký hứa giao cho chánh quyền thì là một điều không hợp pháp lý, nên tôi không đồng ý ở khoản III.
Tuy nhiên tôi là một Chức Sắc tiểu cấp của Hội Thánh. Nếu Hội Thánh đã ký thông tri thì tôi vẫn phải cúi đầu tuân mạng không hề dám chống lại.
Trường họp nầy tôi có thể tỷ như 1 cô gái được cha mẹ định hôn cho 1 chàng trai mà mình không thích. Nhưng vì chữ hiếu cô phải nén lòng bước lên xe hoa về nhà chồng. Rồi một đôi năm sau, cô dẫn một đoàn cháu ngoại về thăm quê ngoại một cách vui vẽ không có chi là lạ.
ĐƯỢC TRẢ TỰ DO
Thình lình tôi được kêu trả tự do trong lúc cuộc tranh luận còn đang dằn co chưa ngã ngũ. Tôi cũng không biết do động lực nào tôi được thả.
Nơi giấy tha tôi có mấy chữ: “Tổ chức một cuộc họp nhóm bất hợp pháp”.
Như thế tôi không can một án lệ nào, chỉ phạm tội vi cảnh mà phải ngồi khám 2 tháng rưỡi. Thật đáng buồn cười cho số phận.
Ôn lại thời gian bị giam, tôi sáng tác được 11 bài thi bằng cách trợn mắt suy tư chớ không có viết cũng không có giấy. Đó là lần đầu tiên tôi làm được, vì ở nhà khi muốn làm một bài thi, tôi phải viết tới sửa lui, rồi chỉnh văn nơi giấy trắng mực đen mới thành được.
Vào ngày thứ nhứt, tâm tôi còn sao xuyến. Đến ngày thứ nhì tôi có làm một bài tựa đề là:
CHÍ TRƯỢNG PHU
Bốn bức tường bao chí trượng phu,
Hiếp nhau chi lắm cảnh chung tù.
Trần hoàn là chốn đền nhân quả,
Ngục thất cũng nơi định trí ngu.
Hồn thả bao la ai dể nhốt,
Thân tuy thúc phược vẫn suy tư.
Cầm cương hay dở do người cởi,
Nẻo Thánh tay quơ vẹt ngút mù.
Ít hôm sau tôi làm thêm một bài tứ tuyệt:
THỌ KHỔ
Sáng chén cao lương, khỏe dạ dày,
Trưa xơi chén nữa ngủ phây phây.
Buổi chiều hai chén thêm rau muốn,
Chắm nước tương trong (1) sống trọn ngày.
Trọn ngày suy luận lẻ nên hư,
Ngặm đắng trêu cay, miệng vẫn cười.
Thọ khổ hầu tìm cơ thoát khổ,
Trượng phu phải mặt, chí nào lơi.
(1) nước muối
Nằm nhớ mới hồi nào mình dự hội Mừng Xuân một cách danh dự nơi ngôi nhà xinh đẹp của Hiệp Thiên Đài mà nay lại nằm co ro nơi dơ bẩn, nên tức cảnh làm một bài tựa là:
DỰ HỘI MỪNG XUÂN
Dự hội mừng xuân chúc phúc nhau,
Phúc đâu chẳng thấy, họa chen vào.
Tháng hai mùng tám Công An gọi,
Đài các dám bì cửa ngục lao.
Sau 22 ngày bị giam ở Hội Trường, tôi thấy còn được thông thả; một hôm tôi ăn rau muống sống cuốn bánh tráng bị mữa và bịnh cảm luôn. Hai mắt cứ nhắm lại như buồn ngủ, trong hai ngày không ăn uống chi được. Nhờ có Đầu Phòng Ích và em Bình ở Long Xuyên hết lòng chăm sóc nên mới qua khỏi. Ích có sáng kiến lấy 4 hủ chao rửa sạch làm 4 ống vác, vác lưng cho tôi. Nó cũng lại biết cắt bằng miểng của hủ chao, nặng máu ra nên nhẹ được. Còn em Bình thời thoa bóp, nấu lén nước nóng cho tôi uống thuốc.
Nhưng thình lình tôi bị đưa vào khám tối mà tôi đặt tên là “Thập Điện Diêm Cung” vì khám ấy có 10 phòng; mỗi phòng 4m x 3m vách đứng bằng tường, chỉ còn chừa 10 lổ hơi bằng miếng gạch tiểu nên ngột ngạt khó thở. Tôi có tự sự chứa đựng của nó đủ hạng người xấu xa trong xã hội, nhưng cũng lộn những hạt ngọc trong đám bùn dơ, tuy vậy sắc ngọc vẫn không phai và chưa hề dính bợn.
THẬP ĐIỆN DIÊM CUNG
Thập Điện Diêm Cung lẻ chốn nầy,
Mười phòng khám tối nhốt nhiều tay:
Trộm trâu, giựt bóp ăn rồi quỵt,
Đánh lộn, thổi xe, chứa bạc bài.
Đa số Ngụy quyền chưa cải tạo,
Lai rai cán bộ chấp hành sai.
Thành phần phản động nhiều hơn hết,
Thêm ít trò tu chẳng tố Thầy.
Tôi lọt vào phòng 5 của Thập Điện. Phòng nầy nhốt đa số phản động trừ 2 tên cướp. Khi bước vào phòng tôi bị hơi người dội lại và nhìn nét vàng vá, dơ dáy, ghẻ chóc của anh em ở lâu tôi thất thần, nên sáng tác:
PHÒNG NĂM KỶ NIỆM
Mười sáu người giam ngẹt một phòng,
Vuông dài ba bốn, khí không thông.
Mồ hôi độc lập, hừng tươm mở,
Ghẻ lát tự do, đích trổ bông.
Cơm tẻ ngày hai, tiêu chuẩn thiếu,
Tắm hai bữa một nước mưa phùn.
Ỉa thời năm phút, đi và chạy,
Tiến mạnh tiến nhanh đến chổ còng.
Không chi khổ bằng khi mặt trời lên cao, hơi nóng bóc lên thì không sao nằm được. Mỗi người đều quạt mà vẫn nóng và mồ hôi tươm như tắm. Từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối hơi hầm làm khó chịu vô cùng, nên người nào cũng nổi ghẻ. Nhứt là lát và lang ben nó rất ưa mồ hôi. Đít người nào cũng nổi về nầy qua về kia mà không có thuốc trị. Có bạn cái mình bông như cá trạch, hễ lặng tốp nầy là nổi tốp khác, xem thật thảm nảo.
Mỗi buổi 2 chén cao lương: sáng 2 chén, chiều 2 chén; nhưng nói 2 chén chớ cái chén mủ của trẻ nít chỉ còn 1 chén ăn của người lớn mà thôi. Còn rau muống chợ bán sao đem về để vậy, già non cũng luộc, rồi để nước làm canh, không ngày nào đổi món, chỉ cao lương, rau luộc nước muối nên làm sao không mất sức được.
Tắm thời 2 bửa một lần mà không đủ nước tắm. Một cái chảo đụng đựng nước mà 16 người tắm thì thử hỏi mỗi người đặng bao nhiêu nước, phải vuốt xà bông trơn trơn mà trở vào khám chịu cảnh trịnh trịnh trong 2 ngày để chờ kỳ tắm sau. Quần không có nước giặt, chỉ vắc phơi nên ghẻ càng dể phát.
Còn ỉa thì 5 phút mà từ phòng đến cầu mất hết 2 phút về 2 phút chỉ còn 1 phút rặng. Nếu ai bón thì phải bẻ ngan cục phẩn bằng tay vì cao lương cứng, sức mạnh của hậu môn không ngắc nó được. Rồi khúc còn lại làm cái nút, nhét lâu ngày nút ấy thêm dầy. Nếu ăn ít mà vẫn no vì hơi xuống không được. Thật là khó chịu với cái cảnh ỉa không tự do. Còn nếu có ỉa cầu bọc nghĩa là ỉa trong phòng, túm nơi bọc ny lon thời thúi cả anh em phải bị chưởi và bị phạt, mỗi lần phải đổ 3 phiên nước tiểu, đi đổ buổi sáng trong 3 ngày liền.
Rủi có người đánh giấm thì cả phòng đều hưởi mà trong 16 người luân phiên nhau địt thì cả ngày hôi thúi vẫn lảng vãng ít khi thở khỏe được. Thêm vào hơi nước tiểu trong bình sạt bóc lên trong bửa ăn cũng như trong lúc thức, nó cũng làm không khí đầy ô nhiễm.
Vào phòng 5 có 3 hôm thì xảy ra 1 vụ la rùng rợn. Số là nơi phòng 6 có 1 đứa nằm mơ thấy chi không biết rồi nó la ớ ớ …kế các phòng khác hưởng ứng la lên nhịp nhàn: hơ ! hơ ! hơ ! …Phòng nào cũng la làm cả huyện đều tưởng tù làm loạn. Chúng bố trí lính chung quanh khám lên cò rốp rốp. Hồi lâu mới dám mở cửa. Bảy Đán và Đại Uý Đạt là Giám Đốc và Phó Giám Đốc không dám bước vào, tay người nào cũng thủ súng lục, ghiềm từng bước một. Chập sau chúng mở cửa từng phòng hỏi ai la?
Không ai chịu có la nên chúng đánh ình ình chưởi bới ỏi tả.
Vào phòng 5 cán bộ tên Tư hỏi: phòng nầy ai la ? Ông già Nhiên nói: Không có ai la hết. Nhưng có một thằng chỉ, có thằng Mỹ và Hiền Tài Tiếm la. Cán bộ Tư cầm ma trắc đánh Mỹ 7-8 cái rồi đập Tiếm 3 cái, trở lại nện lên đầu già Nhiên và chưỡi: Ông bao che, nếu ông trẻ tôi đánh ông mềm xương.
May cho tôi khỏi bị đòn vì nó đánh cũng oải gân rồi. Có lẻ nó nghi cho phòng 5 là đầu nảo chỉ Đạo vụ la nên nó phạt kỹ luật 1 tuần lễ nghĩa là bị còng đêm và còng ngày và cấm tắm trong 7 ngày.
Sau đó tôi có sáng tác bài:
ĐÊM HÒ RÙNG RỢN
Giữa đêm vang vội tiếng hò la,
Khởi điểm từ phòng sáu phát ra.
Kế tiếp các phòng đều hưởng ứng,
Giọng hò vang vội khắp gần xa.
Đồng bào ngỡ giặc Miên đã đến,
Chánh phủ tưởng tù phá khám ra.
Tranh đấu bằng mồm, nhưng ảnh hưởng,
Trọn ngày chưởi, đánh để điều tra.
Cả ngày ấy thật xôn xao, mỗi người đều hồi hộp cho số phận của mình, hoặc phải ăn “Bánh ình” hau lảnh “đấm lưng”….
Rồi tối lại cán bộ đến thuyết trình đại ý: Chúng tôi vì đồng bào tranh đấu bị giam thì sự bạo động la hò là phải lẻ, còn các anh Cao Đài phản động chống lại nhân dân mà còn la là xu hướng bậy, không có chánh nghĩa. Ai muốn về với gia đình thì phải tự cứu mình, phải ngoan ngoản khai sự thật. Đây là phòng cải tạo thì mỗi cá nhân phải tự giải thoát lấy mình, chớ đừng hòng chờ mai kia mốt nọ Mỹ và Tàu sẽ đến giải thoát cho. Cũng đừng chờ Trời Phật đến mở cổng cho mình được.
Tôi có cảm tưởng một bài tựa:
CÁN BỘ THUYẾT TRÌNH
(Nối điệu bài trước)
Tra xong, cấm tấm, bỏ dơ chơi,
Tối lại còng chơn, kỹ luật nhồi.
Phản động Cao Đài xu hướng bậy,
Đấu tranh, Cộng Sản mới nhầm nơi.
Muốn về con vợ khuyên ngoan ngoãn,
Còn chống chánh quyền đánh ngộp hơi.
Chớ ngóng Mỹ Tàu vô giải thoát,
Đừng mong phép Phật với quyền Trời.
Vài hôm sau đêm la ấy, số người được trả tự do tăng vọt. Có lẻ do sự phản đối bẳng miệng ấy đánh vào tâm lý rằng vì họ quá khổ nên sự hưởng ứng nồng nhiệt. Một cuộc bạo động không phải bằng sức mà bằng mồm nói lên một cách gián tiếp cái phản uất ấm ức trong tâm tư.
Càng lao khổ chừng nào, tôi lại nhớ đến Đức Hộ Pháp đã chịu 5 năm 2 tháng bị đồ lưu ở hải ngoại. Như tôi mỗi tuần có người nhà gởi đồ thăm nuôi, biết được tin nhà. Còn Đức Ngài thời bặt tâm nhạn cá. Cái thời gian vài tháng không bằng cái lẻ của Đức Thầy nên tức cảnh đặt một bài tựa là:
THEO CHƠN SƯ PHỤ
Năm năm hai tháng chịu đồ lưu,
Thêm khổ ba năm ngụ xứ người.
Thảm nảo Thầy mang so bạc vạn,
Truân chuyên trò gánh sánh đồng xu.
Kiếp dầu bé bỏng, tâm không nản,
Mạng có chông chênh, chí chẳng lùi,
Thầy dẫn đến đâu, trò tới đó,
Đon đường Thánh Đức lắm công phu.
Hồi chưa vào khám, tôi muốn làm thi về sự gặp gở của Kiều và Kim Trọng mà cụ Nguyễn Du đã tả: “Vạch cây ra vịnh tám câu năm vần”. Vậy bài thi ấy như thế nào ? nội dung ra sao ? Nhưng thỏn mỏn ngày qua mà chưa đẻ nó ra được, nay vào khám đêm khuya trằn trọc nhớ việc nầy việc nọ, nếu không lưu bút thì đợi chừng nào nữa, nên rặng được một bài:
SƠ NGỘ TRỌNG KIỀU
Phất phơ tà áo bóng giai nhân,
Sơ ngộ lòng thơ luống ngại ngùng.
Yểu điệu dung nghi, mai cốt cách,
Đoan trang ngôn ngữ, tuyết tinh thần.
Đường về tư thất bao nhiêu dặm ?
Cội liễu buôn mành độ mấy xuân ?
Phong kín nhụy đào, hay có chủ ?
Long vân ước đặng chữ tao phùng.
Trong khám đọc được báo là điều hân hạnh, nhưng cũng nhờ ban quản lý lợi dụng bán báo cũ với giá cắt cổ nên mình cũng được đọc báo cách 1 tháng sau ngày xuất bản. Hai tờ báo mà họ bán 1 đồng tức 250$ 1 tờ, trong lúc báo mới chỉ bán 50 $ 1 tờ thôi. Người ta mua báo không phải để đọc mà để xé nhỏ ra dùng để vấn thuốc rê hút và để chùi đít.
Tôi được đọc một bài tán tụng công đức của Hai Bà Trưng trong đó có 1 câu đối mà 2 vế không chỉnh vào đâu hết. Tôi cố làm thử câu đối:
CÔNG ĐỨC TRƯNG VƯƠNG
Ái Thi Sách, mộ Nam Bang, nữ kiệt Á Âu duy nhứt tướng.
Diệt gian Tô, trừ Bắc Ngụy, anh thư kim cổ bất song quân.
Tôi còn ráng đặt một bài bát cú ca tụng tài lảnh Đạo của vị nữ anh hùng Hồng Lạc đã làm giá trị Việt Nam nổi bật trên trường quốc tế:
Thù chồng, hận nước lẻ nào cam ?
Giải ách non sông việc phải làm.
Chiêu mộ anh hùng trừ giặc Bắc,
Phất cờ nương tử cứu dân Nam.
Xác trôi sông Hát thơm giồng bích,
Hồn hiển Mê Linh quyện khói lam.
Nhớ thuở bành voi tung kiếm báu,
Nghe danh Tô Định xám như chàm.
Hồi còn tự do, tức trước khi chánh quyền trưng thu Đài Phát Thanh, tôi thường đến chơi với ông Giám Đốc là Hữu Phan Quân Lê Văn Thoại. Ông có cho tôi 1 tài liệu về 6 chữ HÒA của Đức Phật dạy là:
Thân hòa đồng trụ
Khẩu hòa vô tranh
Ý hòa đồng duyệt
Kiến hòa đồng giải
Giới hòa đồng tu
Lợi hòa đồng quân
Tôi nghỉ muốn để dễ nhớ mình nên làm một bài bát cú để tả 6 chữ hòa ấy. Trong vài đêm sau tôi được thỏa nguyện sau khi sửa tới chỉnh lui bằng tư tưởng. Thật là một việc khó làm vì không quen lối làm thơ không nháp:
LỤC HÒA CHÚ GIẢI
Phật dạy nhơn sanh sáu phép hòa,
Chấp hành nghiêm chỉnh hết can qua.
Hòa thân đồng trụ, cùng chung ở,
Hòa khẩu vô tranh, phải thật thà.
Ý dẫu uyên thâm cùng duyệt xét,
Kiến tuy siêu hoát, giảng nhau ra.
Giới răng tu chỉnh, lợi chưa đủ,
Thiên hạ vi công thể một nhà.
Trên đây là những bài thơ làm trong tù bằng phương pháp trợn mắt. Sự lợi ích của chuyến ngục du đã làm tôi tiến bộ về lối làm thi không nháp nầy khiến tôi tưởng lầm rằng các Đấng Thiêng Liêng khi về cơ đã làm trước bài thi rồi khi điển nhập cơ là viết một mạch. Nhưng nay mới hiểu là cái trí của mình chưa phải là trí Thánh mà còn làm được huống chi trí các Đấng xuất khẩu thành thi đâu cần phải đặt trước, hể quơ bút thì văn ra, có chi là lạ.
Sau khi được hội cùng với nhiều cán bộ tôi nhận họ có nhiều sở đoản không thể tưởng tượng, vì những gì xảy ra bên thế giới tự do thì phía cộng sản tịch mù, nên họ ngớ ngẩn trước sự trình bày rành mạch của tôi.
Một cán bộ hỏi: Cách tổ chức của tôn giáo Cao Đài có các cơ quan giống như cơ quan của chánh phủ, thế thì quí anh lập chính 1 phủ trong 1 chánh phủ nên sự giải tán các cơ quan từ trung ương đến cơ sở là hợp pháp.
Tôi trả lời: Vì sự hiểu lầm như thế mà xảy ra vụ mất đoàn kết Đạo đời. Các tổ chức của Đạo Cao Đài là một tổ chức của một tôn giáo quốc tế, nó là trung ương để điều động guồn máy về mặt thuần túy của Việt Nam và của các nước khác có Đạo Cao Đài như hiện nay Cao Miên, Trung Hoa...bởi thế mới có Hội Thánh Tần Nhơn, Hội Thánh Đường Nhơn. Sau nầy nếu nước nào có đông tín đồ thì sẽ có Hội Thánh của nước đó. Nó giống như Tòa Thánh Vatican vậy.
Dân Ý có Đạo Thiên Chúa thì dưới quyền của Đạo về mặt tôn giáo, còn phận sự công dân như nghĩa vụ quân sự hay luật lệ quốc gia Ý thì người tín đồ Thiên Chúa vẫn thi hành, hai việc ấy hoàn toàn không hề phản trắc nhau. Hội Thánh Công Giáo vẫn có các cơ quan để điều hành về mặt tôn giáo trên đất Ý và trên nước nào có tín đồ Công Giáo.
- Ai nhìn nhận tôn giáo Cao Đài là 1 tôn giáo quốc tế như Thiên Chúa Giáo ?
- Có chớ, chúng tôi đã có nhiều lần tham dự các phiên họp tôn giáo quốc tế ở Châu Âu do ông Tiếp Dẫn Đạo Nhơn Gabriel Gobron làm đại diện. Ông Gabriel vừa là nhơn viên Hàn Lâm Viện Pháp vừa là Chức Sắc Cao Đài thuộc Hội Thánh Pháp Nhơn.
Còn ở Nhựt Bổn chúng tôi có ông Lê Thiện Phước Bảo Thế Hiệp Thiên Đài và ông Thượng Sáng Thanh, Thượng Chánh Phối Sư Cữu Trùng Đài tham dự tại Tokyo.
Năm 1945, Đức Hộ Pháp cầm đầu phái đoàn dự hội nghị tôn giáo quốc tế tại Montreux xứ Thụy Sĩ, Montreux ở cách thành phố Jeneve lối 100 cây số. Đức Ngài có trao cho ban tổ chức một thông điệp trình bày sự thống nhứt các tôn giáo dưới quyền của Đức Thượng Đế, nhằm mục đích đại đồng huynh đệ. Chừng nào trên thế giới chỉ còn một nòi giống, một quốc gia, một tôn giáo thì chừng đó mới có hòa bình thiên hạ thật sự.
Thông điệp ấy được các vị đại diện các tôn giáo hoan nghinh nhiệt liệt.
Nói đến đây tôi thấy ông cán bộ chới với và ngạc nhiên về sự trình bày của tôi, cuối cùng ông nói: Thôi tôi không bàn về tính cách quốc tế của Đạo Cao Đài nữa mà chỉ muốn biết về cuộc họp của ông ở Hiệp Thiên Đài thôi.
Một cán bộ cao cấp khác là Đại Uý Đạt, phó Công An Trưởng Huyện Phú Khương nói: Lịch sử Việt Nam là lịch sử có mười mấy ngàn năm lâu đời nhất lịch sử thế giới.
- Tôi có đọc sử chỉ biết từ đời vua Hùng Vương lập quốc thì Việt Nam chỉ có 4.000 năm văn hiến, nay ông nói mười mấy ngàn năm như vậy căn cứ vô đâu ?
- Anh ngu quá lịch sử Việt Nam có lâu đời nhứt thế giới và trải mười mấy ngàn năm thì một đứa trẻ nít cũng biết mà sao anh già, anh có vẻ trí thức mà sao dốt nát quá vậy.
- Vì con nít nó chỉ nghe người lớn nói sao thời nó nghe theo vậy, chớ tôi già rồi, tôi đọc nhiều quyển sử, tôi biết rõ ràng nên ai nói sai thì tôi phải sửa.
- Tôi là học trò trường Lê Văn Trung do Trần Tuyên dạy sử sao tôi không nghe Trần Tuyên nói Việt Nam có 4.000 năm văn hiến?
Thật ngớ ngẩn đến thế thì thôi, không biết tại cán bộ Cộng Sản được dạy như vậy hay cá nhân ông Đạt bết bát như vậy.
Thêm vào đó ông còn hỏi tôi:
-Dân Việt Nam là dân gì?
-Là một sắc dân lai Tàu.
-Anh lại đần nữa, vì hiện nay chúng ta đang chống Trung Quốc mà nếu lời nói của anh lọt ra ngoài tuyên truyền cho quần chúng thì rất có hại cho sự chống xăm lăng của chánh quyền hiện tại.
-Mình là dân lai thì mình phải nhận là mình lai, có gì xấu đâu ? Từ hình thể đến ngôn ngữ đều là lai. Chúng ta là giống Giao Chỉ mà nay ít thấy người Giao Chỉ. Mình nói tiếng mẹ đẻ mà nay mình mượn của Tàu hết phân nữa để đủ ý nghĩ diễn tả tư tưởng. Như nói “Độc lập, tự do, hạnh phúc” là hoàn toàn mượn của người. Nếu nói tiếng mẹ đẻ thì chữ độc lập phải nói “đứng một mình” nghe sao được.
Còn tự do và hạnh phúc chưa chắc đã tìm được chữ nôm để thế vào.
Hơn nữa những sự tích như: Nóng như Trương Phi, khóc như Lưu Bị, mưu kế như Trương Lương …, hỏi những vị ấy có phải là người Tàu hay chăng? mà bộ hết người Việt Nam nóng tánh, hay mít ước hay mưu trí hay sao mà phải mượn tích của Tàu ?
Nói một hơi, ông Đại Uý hỏi lảng sang việc gia cảnh của tôi, không còn bàn việc nguồn gốc người Việt Nam nữa.
Ông cán bộ Bảy Tiến là người làm việc với tôi nhiều nhứt. Ông đã hâm bắn tôi 3 lần, ông chưởi quân đội Cao Đài lập ra chỉ làm tay sai cho Pháp, chống lại cách mạng chứ không có ích cho ai hết.
-Có chớ, chúng tôi đóng đồn bót gom Đạo vào những căn cứ nhờ QĐCĐ bảo vệ. Lúc ấy Pháp tìm bắt thân nhân của những cán bộ tập kết thì nơi căn cứ đã chứa biết bao gia đình của mấy anh. Còn muốn ra đi đường hay đi làm ăn xa mà không có giấy tờ hợp lệ thì làm sao đi được. Chính chúng tôi cấp giấy cho mấy anh đi lại mà nay lại quên ơn sao?
Nhứt là vùng Hòa Hảo Miền Tây, nếu xét không có giấy Hòa Hảo hay Cao Đài thì nhứt định là Việt Minh. Mà hể Việt Minh thì phải bị mò tôm, nghĩa là chết treo dưới nước. Sanh mạng còn rẽ hơn ong kiến.
Biết bao người lấy giấy Đạo để che thân mà có nhập môn vào Đạo đâu ? chúng tôi cứu sống biết bao người nhờ nhìn là người Đạo.
Còn Việt Minh chánh cóng bị Tây bắt, nếu có thâu nhận lại cậy Đạo lảnh thì chúng tôi cũng sẳng sàng can thiệp cho nhiều người được tự do.
Như vậy có công hay có tội ?
Cái công đáng kể nhất của QĐCĐ là ngày 9-3-1945, chúng tôi đã leo thành Onziéme RIC và thành OMA bắt Tây trói rồi mở cửa khám lớn phóng thích tù nhân, trong đó có mấy anh. Lại đem tàu ra Côn Đảo rước mấy anh về đất liền.
Như vậy QĐCĐ lập ra rất hữu ích chứ không phải vô ích như ông vừa nói.
Ông Bảy Tiến tịch ngòi nói: Tôi cấm anh nói việc đó.
- Ông Hồ Tấn Khoa làm gì mà tôn ổng làm người lảnh tụ trong Đạo. Ổng làm tay sai cho Tây đã đời rồi vô Đạo để bóc lột tín đồ, ngồi mát ăn bát vàng….
- Con người ông rất có công với Cách Mạng. Từ năm 1945 ông đã mở trọn kho bạc tại Châu Đốc giao cho chánh phủ Trần Văn Giàu. Vì đó khi Pháp trở lại lên án tử hình ổng. Nếu ổng không núp kịp vào bóng Đạo Cao Đài thì đã bị Pháp hành hình vì đã đem tiền của Pháp trao cho Cách Mạng.
Còn nói bóc lột Đạo tôi xin thưa: Từ ngoài đời ông Khoa đã được tiếng là vị quan thanh liêm. Khi thôi làm việc không có tài sản chi hết. Về với Đạo với hai bàn tay trắng, mấy người con phải đi may mướn để độ nhựt.
Sau 14 năm theo Đức Hộ Pháp ở Nam Vang, gia đình giai bất biết. Khi về Tòa Thánh cũng không được ưu đải.
Hiện giờ ông làm việc Đạo chỉ dùng 2 bửa cơm thanh đạm chứ có bóc lột ai đâu mà gọi là ăn bám.
- Tôi thấy khi ông dự hội với cán bộ ở tỉnh, ông thường thọt tay vào túi móc sâm ra nhai nhóc nhách nên tướng mạo của ông tuy già mà còn phương phi cũng nhờ sâm tẩm bổ. Trong lúc đó Chức Sắc khác và tín đồ ăn cháo không đủ tiêu chuẩn.
Tôi thấy ông Tiến ăn nói lật lọng quá nên làm thinh cho không khí khỏi sôi động, tôi không thèm đính chính.
Có lần Bảy Tiến đang tấn công tôi, tôi trình bày về hiệp định Genève 1954, chánh phủ do Bác Hồ lảnh Đạo đã bỏ rơi Miền Nam cho Pháp giầy xéo, chúng tôi không được bảo vệ nên phải tự lập để tồn tại.
Một cán bộ khác, tôi không biết tên, thấy tôi nói có lý nên cứu bồ bằng cách khoát nạt tôi:
-Anh phải biết bổn phận anh là một tên tù, chúng tôi hỏi gì anh nói nấy, không có quyền hỏi lại cán bộ, nói lý nầy lẻ nọ đủ thứ. Tôi đập anh nát đầu bây giờ…..
Phương pháp làm việc của CM vụng về đến thế sao? Nào hâm bắn, hăm đánh trong lúc lấy khẩu cung thì thật là thiếu kỹ thuật quá lẻ.
Trong bản tự khai tôi có nói: Biết đâu Đức Chí Tôn sai Cách Mạng đến để khảo chúng tôi.
Vài ngày sau Bảy Tiến kêu tôi lên nạt: Tại sao anh nói chúng tôi khảo mấy anh, bộ anh nói chúng tôi là ma quỉ phải không? Tôi còn nghe có nhiều vị cho chúng tôi là quỉ vương hay Kim Quan Sứ, vậy anh có xác nhận như thế không?
-Đó cũng là một sự hiểu lầm có ý xuyên tạc làm mất sự đoàn kết Đạo đời. Khảo Đạo tức là làm giám khảo để thi chúng tôi coi đậu rớt.
Cũng như học trò ở Châu Đốc đến kỳ thi thì phải có các thầy giám khảo ở Long Xuyên hoặc Cần Thơ lên gát lớp chấm bài. Còn học trò ở Long Xuyên hay Cần Thơ thì các thầy ở Châu Đốc hay Rạch Giá xuống làm giám khảo. Chớ học trò mà thầy mình làm giám khảo thì thi đậu hết còn gì ?
Thế thì giám khảo là ông thầy hạch hỏi, chấm bài đặng định sức học hay dở của học trò, chớ đâu phải khảo là ma quỉ . Hiểu như vậy thì rất tai hại cho tình đoàn kết.
Nghe qua Bảy Tiến tươi nét mặt, hỏi sang việc khác.
- Tại sao anh đang làm việc cho Cách Mạng lại bỏ sở trở về lấy cớ tu hành để ngồi không chờ Đạo hữu nuôi.
- Vì ban đầu khi tiếp thu trạm xăng thì Công Ty Xăng Dầu Miền Nam trả lương tôi và cấp dưởng vợ con đầy đủ. Lúc sau nầy họ nói chỉ phát lương cho công nhân thôi. Tôi nghĩ mình đi làm mướn để nuôi vợ con mà chỉ lảnh 18.000 $ không đủ ăn cơm thì ai nuôi bầy trẻ dại đây nên buộc phải xin trở về lo trồng trọt, lúa thóc. Đó cũng theo đúng chính sách bun dân của chánh quyền ra bớt khỏi thủ đô.
Hơn nữa tôi đã chán đời quá lẻ. Nhớ lại bài Ngụ Đời của Đức Lý Giáo Tông, tôi xem danh lợi như phù vân, trở về muối dưa cúng kiến để chờ chết hầu nhẹ nhàn linh hồn chớ không có ham chi hết. Hơn nữa câu:
“Kìa là vua, nọ là quan,
Cũng như bạn hát hí tràng bán vui.”
Đã làm tôi chán cuộc đời.
Thật vậy ! Bảo Đại trên ngai vàng vinh hiển biết bao rồi phải thoái vị đi nương náo nơi xứ người.
Ngô Đình Diệm oai phong trên thiên hạ với chức Tổng Thống mà chừng chết không dám chỉ cái mộ, sợ dân chúng đào liệng xác.
Nguyễn Văn Thiệu chiểm chệ thét ra lửa mà vẫn cuốn gió chạy dài trốn tránh nhiệm vụ chăn dân một cách nhục nhã.
Thậm chí như Bác Hồ bôn ba tranh đấu gian khổ cả kiếp sanh mà cũng không thấy được ngày thành công 30 tháng tư 1975.
Còn Bộ Trưởng, Tổng Trưởng đại sứ nọ, tướng tá kia kẻ lưu vong, kẻ học tập cải tạo, như thế thì có khác nào tuồng hát bản vui cho quần chúng xem chớ có ai được toại nguyện đâu ?
Tôi là kẻ bất tài chỉ làm Thư Ký cho 1 trạm xăng quèn thì danh vọng gì mà bán chức ấy nên tôi về chùa tu hành để chờ ngày bỏ xác hết ham thế sự.
Còn nói tôi muốn ngồi không để ăn bám của nhơn sanh thì tôi xin trả lời là đã 3 năm rồi, tôi làm việc không ăn lương cũng không ăn cơm trại đường, về nhà ăn cơm với vợ con.
Bao nhiêu đó cũng chứng tỏ tôi tu thiệt hay chờ sự nuôi dưởng của tín đồ, nói cách khác là ngồi ăn bám mồ hôi của người khác.
Bảy Tiến cho phép tôi trở về phòng Năm với vẽ mặt tươi hơn lúc mới hỏi cung.
Theo sự nhận xét của tôi thì kỳ ở tù nầy rất có ích cho kiếp sanh của tôi, vì nó tạo cho uy tín cá nhân tôi được lên cao. Nội việc nhìn đồ thăm nuôi hằng tuần tôi nhận nhiều hơn các bạn tù khác, tôi rất xúc động thấy cảm tình của đồng bào đối với tôi rất nên sâu đậm.
Ngày mùng 10 tháng tư kỷ Mùi tôi nhận rất nhiều trái cây nên hiểu rằng, đồ nầy do Hộ Pháp Đường gởi tặng. Buổi ăn trưa chúng tôi có 3 bạn ăn chay chung, đồng ý bày ra làm như lễ cúng, rồi đồng mật niệm kính thỉnh Thầy chứng kiến tấm lòng hiếu thảo của các đệ tử trong tù. Mỗi người đều xúc động, cố nén tâm tư mà lệ đâu vẫn ướm chảy.
Bao nhiêu gian khổ trong cảnh lao lung mà tâm tôi được trụ vững, không lùi bước trước những sự hâm dọa của cường quyền, bất cần sự sống chết của thể xác, chỉ giữ lập trường binh vực giá trị của Đức Giáo Chủ, thanh danh của nền Đại Đạo, đến ngày về không một lời phản tỉnh, không một cử chỉ hèn hạ của cảnh cá thớt chim lồng, nên tâm tư tôi rất thoải mái. Mặc dầu thể xác có tiều tụy, chơn còn sưng, thân hình chỉ còn như bộ xương nơi sách cách trí.
Về đến nhà, bà con lối xóm lại thăm, thấy thân hình ốm ròm của tôi đều chảy nước mắt. Số người thăm càng tăng ít ngày sau và số quà tặng bồi dưỡng, số thuốc men gởi đến tới tấp làm tôi xúc động vô hạn.
Các bạn thầy Tây, thầy thuốc Nam, thầy thuốc Bắc, người nào cũng muốn lảnh bịnh mình để trị miễn phí. Tình cảm sự thương yêu chẳng khác ruột thịt.
Mà thật ! chúng ta đã là môn đệ của Chí Tôn một cha chung thời tình Đạo nó khăn khít hơn tình ruột thịt của cha mẹ phàm. Vì anh em đã biết sự hiếu thảo của đứa con đời với cha mẹ, khi đứa ấy lâm nạn thì tình thương đổ dồn nơi đó là lẻ đương nhiên.
Đi đâu tôi cũng được bạn bè hỏi về sức khỏe, ai cũng muốn tôi tường thuật đầu đuôi câu chuyện, lý do bị bắt và sự đối đáp trước quyền đời những điều khó khăn của hiện tình trong cửa Đạo.
Có vào ngục thất mới biết được nhiều bạn đã tranh đấu cho Đạo với nhiều hình thức khác nhau, gặp được nhiều bạn mới với can đảm, Đạo đức…
Thành phần tranh đấu có anh em của quân nhân Cao Đài, nhóm quân đội quốc gia gốc Cao Đài. Có người vì không chịu ký tên truất phế Đức Giáo Chủ mà bị bắt, có người bị tình nghi phản động…nhưng tựu trung cũng là người Đạo.
Trái lại cũng biết được nhiều mặt Đạo đức giả, ở ngoài làm bộ tranh đấu để gây uy tín, nhưng khi vào khám thì cóm róm vâng dạ, tinh thần thấp thỏi đáng trách; ăn ở tập thể mà chỉ biết ích kỷ, bo bo không thi ân cho ai hết, không giúp đở ai, dầu 1 điếu thuốc hay 1 cái bánh tráng. Ăn thì dành phần nhiều, ngủ thì muốn nằm rộng, tắm thì dành nhiều nước, tranh từng cọng rau muống, miếng nước tương. Anh em phân công làm vệ sinh thì tới phiên mình làm lấy lệ. Cách đối xử với bạn tù, dầu tù chánh trị hay trộm cướp, nếu mình thiếu tư cách mà bị bọn cùng đinh nó khi thì còn gì là thể thống.
Nên bài học hôm nay, nếu ở ngoài thế không vào ngục thất thì có thể đâu học được; nó cay đắng mà giã tật, nó gian lao mà danh dự. Nếu nghĩ xa hơn nữa thì hầu hết danh nhân trên mặt đất thì ít nhất một lần vào cảnh lao lung.
Về thi phú tôi cũng sáng tác được hơn 10 bài thi cấu tạo bằng lối không cần viết giấy, điểm cho quyển Quang Minh Thi Tập nhiều ký họa vị thảo.
Chuyến du lịch bắt đắc dĩ nầy chỉ đem vài thiệt thòi vật chất cho tôi và gia đình tôi phải hao tổn thăm nuôi trong 2 tháng rưỡi trường, hại sức khỏe tôi hết 50% vì thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu thở, thiếu tự do ..v.v..
Nhưng nó gây ảnh hưởng tốt chẳng những cho cá nhân tôi mà cho chung Chức Sắc của Đạo. Tôi được nghe phong văn rằng cán bộ cộng sản tranh luận không lại Chức Sắc Cao Đài.
Tinh thần thượng võ của Trần Bình Trọng đã làm danh dự cho tinh thần tướng lảnh Việt Nam khiến quân Tàu nể bao nhiêu, thì ý chí kiên cường của tôi cũng có thể tiêu biểu cho ý chí của Chức Sắc Đại Đạo làm cộng sản kiên nể bấy nhiêu.
Từ tranh luận “bản án” đến “con chim trong lồng” đến “con rồng cháu Tiên” đến “hiếu nhỏ, trung lớn”, rồi đến tiếng đồn cán bộ phải lạy môn sinh thì thật là điều thế gian hy hữu. Nay vì 1 cuộc hội họp đông người không có xin phép mà lại bị phạt tù 2 tháng 14 ngày, không có án Tòa, không có lịnh của Biện Lý thì tôi tưởng luật rừng xanh biết đâu mà biện luận.
Có lẻ mình mắc phải quả kiếp trước chi đây nên kiếp nầy phải đền cho đủ số y như câu đối của Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ cho tôi Đạo hiệu là Giải Tâm.
GIẢI QUẢ TÙNG THIÊN MẠNG
TÂM THANH ĐẮC CHƠN NHƯ
Tôi thành thật cám ơn những bạn đã ủng hộ gia đình tôi trong cơn nguy biến, biếu gạo, biếu quà, biếu thuốc, nhứt là biếu tình thương.
Cũng xin đa tạ những vị đã cầu nguyện cho tôi mau thoát khỏi cảnh ngục tù.
Tôi nguyện đền đáp ơn ấy bằng sự cầu Chí Tôn, Phật Mẫu ban đầy hạnh phúc cho tất cả và hứa sẽ tiếp tục dâng mảnh thân nầy hiến cho Đạo.
Bắt đầu từ đây, nếu có xảy ra một cuộc bảo vệ Đạo quyền nào thì tôi hứa sẽ xung phong tiên phuông để đền đáp trong muôn một ân thâm của chư Hiền Huynh, Hiền Tỷ.
Viết xong tại Thánh Địa ngày mùng 6 tháng 6 năm Kỷ Mùi (27-6-1979)
Sĩ tải Bùi Văn Tiếp
Lưu Bút
Hồi ký lao trung bạn Giải Tâm,
Huệ Phong lưu bút nhận khôn lầm.
Vững Thần đã lập tài tranh luận,
Cải án Cao Đài lý diệu thâm.
Thọ khổ thắng thời còn thọ bịnh,
Tri nguyên thành thử mới tri âm.
Lập ngôn khéo để lời cương trực,
Cúi ngửa riêng đây chẳng hỗ thầm.
29-1- Canh Thân
Huệ Phong
Hết
*Ghi Chú:
“Đây là một thiên hồi ký có tính chất lịch sử của Đạo Cao Đài trong khoản thời gian Đạo đang gặp khó khăn về mọi mặt. Tuy nhiên so sánh thời điểm ấy với ngày nay chúng ta thấy nền Đại Đạo đã bắt đầu có dấu hiệu được hồi phục một cách đáng mừng. Bản thân người đánh máy lại bài viết nầy ban đầu cũng rất ái ngại khi phải chạm đến tính nhạy cảm của bài viết có một chút phần nào đó liên quan đến chánh trị. Nhưng tác giả bài viết đã qui Tiên rồi, chánh quyền ngày nay cũng đã nới lỏng cho tự do tín ngưỡng và đã thay đổi cách đối xử với người tín đồ Cao Đài được dể dãi hơn thời tác giả còn sống gấp nhiều lần. Suy nghĩ của người đánh máy đơn giản chỉ là cần lưu giữ lại những gì đã qua, không hề thêm bớt, không mang tính tuyên truyền hay chánh trị. Nếu có người nào đó lợi dụng bài viết với một mục đích khác thì là lỗi của họ chớ tiêu chí của người đánh máy không phải vậy.” T.T