ĐIẾU VĂN TIỄN BIỆT CỐ ĐẠO TRƯỞNG ĐỖ VẠN LÝ

Những giọt nước mắt nhỏ xuống âm thầm trên mộ phần người Tôn sư khả kính:

"ÐẠO TRƯỞNG MINH LÝ ĐỖ VẠN LÝ"

Nguyễn Anh Tuấn


* * *

Friday, August 22, 2008

Cách đây chưa đầy một tháng, tức vào những ngày cuối tháng 7-2008, tôi đã gọi điện thoại ba lần để thăm Ðạo Trưởng. Lần nào Ðạo Tỷ Bạch Hiển cũng cho biết Ðạo Trưởng đang nằm nghỉ vì hơi mệt. Lần thứ tư, Ðạo Trưởng hơi khỏe lại, tôi mới được dịp thưa chuyện với Ðạo Trưởng. Giọng nói Ðạo Trưởng đã hơi yếu nhưng còn tỉnh táo. Vì thế tôi phải cắt ngang và nói với Ðạo Trưởng:
- Con xin Ðạo Trưởng nghỉ đi, chừng nào khỏe, con gọi lại.

Ðó là lần cuối cùng tôi được nghe những lời sau chót của Ðạo Trưởng Minh Lý Ðỗ Vạng Lý, Trang Quốc Sĩ của đất Việt vào thế kỷ XX, người tôn sư khả kính nhất của đời tôi, và là bậc sĩ phu tiền bối duy nhất còn sống sót lại sau gần một thế kỷ dấn thân vào con đường tranh đấu cho đất nước và dân tộc ở thế kỷ XX.

Chỉ sau đó ba ngày, từ giường ngủ bước xuống, Ðạo Trưởng bị té phải đưa vào bệnh viện, rồi sau đó từ từ ra đi thật thanh thản. Trong những năm tháng cuối đời, Ðạo Trưởng đã cắt đứt liên lạc với mọi người và thế giới bên ngoài. Sống âm thầm lặng lẽ, ôm bể trầm luân của dân tộc yêu dấu như ôm mối sầu vạn cổ vào lòng mình. Tất cả tâm sự thầm kín của một người đã dâng trọn trái tim, trí tuệ và đời sống cho đất nước và dân tộc, Ðạo Trưởng đem trút hết cho tôi.

Tôi lắng nghe không chỉ bằng đôi tai, mà lắng nghe với tất cả băn khoăn thao thức và quằn quại của một người dân Ðất Việt cũng suốt đời mở rộng cõi lòng nghe tiếng réo gọi và tiếng thổn thức của dòng sử mệnh Việt. Tôi chưa thấy ai yêu dân, yêu nước nồng nàn như thế, sắt son như thế, mãnh liệt như thế và thánh thiện như thế. Tôi lắng nghe như tiếng của núi cao, của rừng vắng và của những dòng sông trên giang sơn gấm vóc. Tiếng nói như rót vào tai tôi, từ giờ này qua giờ khác, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác và từ chục năm này qua chục năm khác.

Tiếng nói đưa hồn tôi về với đạo lý của Trời cao và về với lịch sử bão bùng của dân tộc. Về với văn hiến, văn hóa Việt, và nhất là về với truyền thống sĩ phu ngàn thủa trước. Tôi không còn khả năng phân biệt đâu là tiếng của Nguyễn Du, đâu là tiếng của Ðạo Trưởng, bởi vì cả hai đều nói như nhau nhưng bằng ngôn ngữ khác nhau, khi nói về thân phận quê hương Việt Nam.

Một cung gió tủi, mưa sầu
Bốn giây nhỏ máu trên đầu ngón tay.

Nhiều lần ngồi bên Ðạo Trưởng, tôi nghe như có tiếng thì thầm của Ðạo Trưởng:
Kể sao xiết nỗi thảm sầu
Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Ngoài tâm sự thầm kín, Ðạo Trưởng cũng đem cả “túi kinh luân” của một đời dùi mài kinh sử hàng thế kỷ để ân cần trao lại cho tôi với tất cả kỳ vọng lớn lao. Trước khi Ðạo Trưởng nhắm mắt, Ðạo Trưởng dặn dò Ðạo Tỷ Bạch Hiển: Dặn Tuấn nối chí và nối nghiệp Ðạo Trưởng.

Ðạo Trưởng là con người đại nhân, đại trí, đại bi và đại đức. Suốt đời đi xây dựng đại nghiệp. Ðứng từ tinh thần Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðạo Trưởng mơ giấc mơ một ngày có Hòa Ðồng Tôn Giáo. Và cách đây hơn 20 năm, Ðạo Trưởng đã cùng các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, các nhà ái quốc, các sĩ phu trí thức tinh hoa ở hải ngoại, trong đó các nhân vật thuộc Lưỡng viện Quốc hội VNCH, và có cả các vị thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện của chính quyền Miền Nam - đứng ra thành lập nhóm Hòa Ðồng Dân Tộc. Nhưng vì gặp quá nhiều khó khăn nên hoạt động phải tạm ngưng hoạt động công khai, nhưng vẫn âm thầm xây dựng nền móng căn bản cho Hòa Ðồng Dân Tộc trên tinh thần đạo lý, văn hiến và văn hóa Việt từ mấy chục năm qua.

Khi phong trào Ðem Ðạo Vào Ðời được khởi xướng tại hải ngoại, Ðạo Trưởng tỏ ra rất hoan hỉ và thường nhắc nhở: Hoa Kỳ vẫn là mấu chốt chính của thế giới. Phải nghiên cứu kỹ con đường đạo đức của chính trị Hoa Kỳ để "Ðem Ðạo Vào Ðời" mà xây dựng đạo đức chính trị cho Việt Nam thì mới đem lại ấm no cho dân được.

Từ bao thế kỷ qua, người dân luôn luôn là nạn nhân khốn khổ của các chế độ chính trị phi nhân, phi đạo đức, và phi nghĩa. Lời dặn dò của Ðạo Trưởng luôn luôn vang vọng trong ý thức và tiềm thức của tôi. Ðạo Trưởng thường thích thú nói về nền Cộng Hòa của Plato và nền Cộng Hòa của Hoa Kỳ. Sau này tôi mới thấy tinh thần đó chỉ tóm gọn lại vài chục chữ: “Con người yêu tự do, một con người đi bảo vệ đức tin của đạo lý, một người xiển dương sự đoàn kết hiệp nhất quốc gia, một quán quân xây dựng hòa bình, một người muốn bảo vệ nền dân chủ, một con người đi canh giữ tất cả những gì thiêng liêng trong đời sống con người.”

Lover of liberty, a defender of faith, a promoter of unity, a champion of peace, a protector of democracy, and a guardian of all things sacred life (D.K. Webb).

Và Ðạo Trưởng cũng ước ao làm sao con đường đạo đức chính trị tương lai Việt Nam cũng sản sinh từ trong đám đông quần chúng những con người có nhân cách và phẩm hạnh như thế, kích thước và tầm vóc như thế, nếu không thì Ðem Ðạo Vào Ðời chỉ là cái thùng rỗng hay những lời ba hoa mà thôi.

Càng đi sâu vào đời sống chính trị, đi sâu vào lịch sử, đi sâu vào truyền thống tôn giáo, đi sâu vào văn minh văn hóa, và đi sâu vào đời sống tinh thần của Hoa Kỳ, tôi càng cảm phục cái viễn kiến sâu xa của Ðạo Trưởng về tương lai chính trị Việt Nam. Phải học hỏi nghiên cứu về mấu chốt chính của thế giới hậu hiện đại là đây - là đây, nơi chúng ta đang sống kiếp tha hương. Nhưng phần đông con người đã thờ ơ hay ngộ nhận quá nhiều về quốc gia này.

Hãy một lần lắng nghe người dân Hoa Kỳ đứng dưới là quốc kỳ cất cao giọng của họ.


I pledge allegiance to the flag
Of the United States of America
And to the Republic
For which it stands
One nation under God
Indivisible
With liberty and justice
For all.

“Tôi nguyện thề trung thành với lá quốc kỳ của quốc gia Hoa Kỳ và nguyện thề trung thành với nền Cộng Hòa, mà nhờ đó quốc gia này trường tồn với thiên thu. Một quốc gia được xây dựng và sống dưới sự quan phòng và dìu dắt bởi chính luật của Thiên Chúa. Bất khả phân ly với tinh thần tự do và tôn trọng công lý với tất cả mọi người.”

Chủ trương của Hòa Ðồng Dân Tộc là dựng lại Ngọn Cờ Ðại Nghĩa của Dân Tộc. Cũng trên tinh thần cao cả đó để làm linh hồn cho MẶT TRẬN KHÔNG TIẾNG SÚNG khi hàng ngũ hữu thần đối đầu với hàng ngũ vô thần, mặc dù hàng ngũ hữu thần đã bị đè bẹp nhất thời bằng mũi súng vào tháng 4-1975 bởi hàng ngũ CS vô thần.

NHƯNG CHIẾN TRANH VIỆT NAM CHƯA THỰC SỰ CHẤM DỨT; bởi vì người ta quên rằng cốt lõi của cuộc chiến VN giữa quốc gia và cộng sản là CHIẾN TRANH Ý THỨC HỆ, không chỉ giữa tự do dân chủ và độc tài mà còn là cuộc tương tranh giữa hữu thần và vô thần. Cuộc tương tranh này chưa hề phân thắng bại thì tại sao lại cho là cuộc chiến đã “kết thúc”?

Ðây là cuộc chiến giữa con cái của ánh sáng và con cái của bóng tối (the children of light and the children of darkness), giữa đạo lý của Trời - người và phường vô đạo, giữa hàng ngũ dân tộc và những kẻ đội lốt dân tộc, giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa thiện tâm và ác tâm, giữa công lý và bất công, giữa chân lý và sự dối trá điêu ngoa và nhất là giữa ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ, Ngọn Cờ Ðại Nghĩa của Dân Tộc Việt Nam và ngọn cờ Máu của tà thần ngụy thuyết Cộng Sản Vô Thần.

Ðây là MẶT TRẬN VĂN HÓA TƯ TƯỞNG mang tầm mức toàn cầu. Một MẶT TRẬN KHÔNG TIẾNG SÚNG, được dẫn đạo và điều hướng bằng những cây viết lấy ánh sáng của đại ngã tâm linh làm đuốc soi đường, lấy giáo luật và kinh điển của các chính giáo làm nơi nương tựa.

KHÔNG CÓ NHỮNG VÕ KHÍ ÐÓ THÌ KHÓ MÀ THẮNG NỔI HÀNG NGŨ VÔ THẦN trong chiến tranh Ý THỨC HỆ. Cuộc chiến thắng của Mặt Trận Không Tiếng Súng - nếu chưa dành được đất và chưa đoạt được thành từ kẻ địch thì cũng dành lại được NGỌN CỜ CHÍNH NGHĨA DÂN TỘC từ tay họ; và phá cho sụp đổ tan tành “ý thức hệ cộng sản” để dành chỗ cho ý thức dân tộc chính thống từ từ phục sinh lại trong vinh quang.

Vì thế mỗi lần nhắc đến cộng sản, Ðạo Trưởng có vẻ quyết liệt: “Hãy vạch mặt bọn chúng ra. Phá tan tành tất cả mọi thần tượng.Chôn tất cả thần tượng và ảo tưởng đi, đó là việc làm của các anh em của Tuấn.”

Và Ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ, Ngọn Cờ Ðại Nghĩa của Dân Tộc Việt được phất lên từ đó - phất lên cùng tiếng réo gọi âm thầm của hồn thiêng sông núi. Một nhân vật cao cấp trong chính quyền CS tại Hà Nội, đến California nghỉ hè đã nói với người bà con là một luật sư đang sống tại Mỹ rằng: “Cả dân Hà Nội của chúng tôi lấy ra từ internet bài “Cờ Vàng” của các anh ra đọc. Tất cả đều ngẩn ngơ. Trời ơi! Thù hận gì nhau mà đến nỗi như thế. Ðộc, độc quá! Ðộc đến nỗi làm cho bao nhiêu dự tính của người ta trong ra ngoài nước “lộn tùng phèo cả”. Bài Cờ Vàng đã được long trọng đọc lên tại Ðại Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị trên thế giới tại San Jose vào tháng 7, 2003 và được tất cả các báo lớn tại hải ngoại đăng liên tục gần hai năm. Vào tháng 8, 2008, tờ Thời Luận lại cho đăng lại bài “Cờ Vàng” này.

Từ đó đã làm nổ bùng một ý thức mới về Ngọn Cờ Ðại Nghĩa, nhưng không có ai chú ý xem nó xuất phát từ tinh thần nào, từ đâu và bao giờ? Ngọn Cờ Ðại Nghĩa được phất lên khắp nơi trên thế giới, nhưng không mấy ai hiểu được đó là một biểu tượng phục sinh từ những cái chết muôn vàn đắng cay của một dân tộc trước “lá cờ máu” đã từng nhuộm đỏ xác anh em và nhuộm đỏ mảnh đất tội tình của quê hương từ hơn nửa thế kỷ qua.

Tất cả 84 triệu công dân Việt Nam trong và ngoài nước sẽ đứng lên “thề nguyền trung thành” với Lá Cờ Ðại Nghĩa đó như toàn dân Hoa Kỳ đã nguyện thề trung thành với lá cờ của quốc gia Hoa Kỳ. Khi một quốc gia đã đem đến sự sống cho con người, đã đem đến tự do, đã bảo vệ đức tin của đạo lý, đã đem đến sự hòa đồng gắn bó keo sơn muôn triệu con người bất khả phân ly, đã đem đến sự thanh bình an lạc, đã bảo vệ quyền làm chủ của toàn dân, và quan trọng và đáng kính hơn cả là đã bảo vệ tất cả những gì thiêng liêng của đời sống con người. Trong một thế giới mà những kẻ vô thần bái vật và vô luân trong nhiều thế kỷ nay đã nhân danh đủ điều cao quý để xô cả nhân loại vào đời sống quá phàm phu tục tử, mất hết mọi giá trị thiêng liêng của đời sống và mất cả ý thức nhân bản và đạo đức.

Thiên Chúa và Trời đất quý nhất sự sống của con người, nhưng chính con người lại không biết quý sự sống của con người. Sự sống ấy vô cùng thiêng liêng màu nhiệm. Muốn xây dựng và bảo vệ sự sống ấy, con người phải có tự do, phải có niềm tin mãnh liệt vào đạo lý của người và đạo lý của Trời đất; phải biết yêu thương gắn bó với anh em để tạo ra sự bất khả phân ly, phải xây dựng sự thanh bình, phải tôn trọng quyền làm chủ và tự chủ của mỗi người; có làm như thế mới bảo vệ được tất cả những gì làm nên sự thiêng liêng của đời sống trong một thế giới chỉ còn lại những dòng sống cạn cợt, mù lòa, nhơ nhớp, vẩn đục và hôi tanh vì đặc tính vô thần và quá ư phàm tục của nó.

Chúng ta cầm Ngọn Cờ Ðại Nghĩa ấy không phải chỉ để bảo vệ ngọn cờ, mà bảo vệ tất cả những gì đã làm cho lá cờ đó trở thành biểu tượng linh thiêng nhất của sự sống và sự chết của dân tộc Việt. Tất cả những ai đang cầm và sẽ cầm ngọn cờ đó phải có khả năng chứng minh cho thế giới con người thấy Lá Cờ Ðại Nghĩa mà họ đang phất lên trước gió là báo hiệu cho biết MỘT SINH LỘ MỚI CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM đang được khai mở âm thầm trong đêm tối lịch sử này. Lá Cờ Ðại Nghĩa đó đang phục sinh từ cõi chết thì những con người muốn cầm nó phải xứng đáng với sự linh thiêng đó - nghĩa là họ cũng phải bước ra khỏi sự chết để phục sinh sống lại.

Con người cũ, con người vị kỷ, vị ngã, vị lợi phải chết đi để trở nên những con người mới - xả kỷ, sẵn sàng hy sinh, tự quên thân mình. Chúng ta phải ý thức rằng bi kịch thảm khốc đã xảy ra cho quê hương chỉ vì dân tộc này có quá nhiều những con người chỉ biết tranh bá đồ vương, tranh quyền cướp nước, và tranh danh đoạt lợi triền miên. Tất cả đã chỉ đưa đến sự chết và sự hoang tàn đổ nát cho quê hương và làm tắc nghẽn dòng sử mệnh Việt. Tất cả những con người như thế mà phất lên Ngọn Cờ Ðại Nghĩa chỉ làm cho Ngọn Cờ Ðại Nghĩa thêm tủi hổ và ô nhục cho hồn thiêng sông núi.

Giấc mơ, lý tưởng, ý nghĩa và mục tiêu của Ðạo Trưởng Minh Lý Ðỗ Vạng Lý khi khai sinh ra Hòa Ðồng Dân Tộc là réo gọi những con người tài trí và đức độ còn rơi rớt lại sau những cơn bão tố kinh hoàng của lịch sử dân tộc, ngồi lại với nhau để DỰNG LẠI NGỌN CỜ ÐẠI NGHĨA và tìm kiếm MỘT SINH LỘ CHO QUÊ HƯƠNG và DÂN TỘC mà Ðạo Trưởng đã ôm ấp ngay từ khi đi theo Phong Trào Ðông Du, đi Pháp học luật, qua Mỹ học và làm giáo sư chính trị học tại Hoa Kỳ. Rồi sau đó giúp cụ Ngô Ðình Diệm trên mọi phương diện khi cụ Diệm còn lang thang tại Mỹ. Cuối cùng Ðạo Trưởng đã theo cụ Ngô Ðình Diệm về nước để xây nên nền Ðệ I Cộng Hòa cho Miền Nam Việt Nam.
Ðạo Trưởng cưu mang dòng máu sĩ phu sôi sục trong tâm hồn và trí tuệ, đúng là mẫu người: phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di và uy vũ bất năng khuất, nên gia đình cụ Ngô không thích tính cương trực đó. Ðạo Trưởng buồn bỏ đi suốt đời làm Ðại Sứ cho VNCH, và trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và lão luyện của Miền Nam.

Mỗi lần nhắc đến Hòa Ðồng Dân Tộc, Ðạo Trưởng tỏ ra thất vọng, Ðạo Trưởng nói với tôi, lòng người ly tán quá! Mà Ðạo trưởng sắp đi rồi! Bây giờ chỉ trông vào lớp trẻ thôi.
Vì thế, tất cả ước nguyện, tất cả tâm huyết, tất cả sự hiểu biết và kiến thức một đời, và tất cả tâm sự não nề của mối sầu vạn cổ, Ðạo Trưởng đem trút tất cả cho tôi. Là một người có nhiều kinh nghiệm lịch sử về thực tế chính trị thế giới, Ðạo Trưởng dặn dò: Phải tìm mọi cách để tự lực, tự cường, tự đốt đuốc lên mà đi nếu muốn bảo vệ danh dự cho quốc gia và dân tộc. Chính trị dân chủ không phải “one man one vote”, mà phải xây dựng đạo đức dân chủ cho quốc gia thì quốc gia mới vững vàng được.

Ðạo Trưởng thường giảng giải cho tôi về giáo lý và giáo luật của Cao Ðài Giáo và nói: “Không phải Cao Ðài mới thực sự là Cao Ðài.” Tôi tặng Ðạo Trưởng cuốn Bible của King James versions và thường xuyên trao đổi với Ðạo Trưởng về Cựu Ước và Tân Ước, và Ðạo Trưởng thích thú cho rằng nhân loại đều từ gia đình Noah mà ra cả, tại sao con người lại chia rẽ nhau?

Người dân Hoa Kỳ tự nhận họ là “những người con của tự do” (the sons of liberty), nhưng Ðạo Trưởng thường nói:
- Tự do không phải muốn làm gì thì làm. Phải tìm hiểu thật kỹ xem người Mỹ quan niệm như thế nào về tự do.
Sau khi tìm hiểu, tôi thưa lại:
- “Thưa Ðạo Trưởng, Hoa Kỳ dùng hình ảnh chim đại bàng làm biểu tượng cho quốc gia - bởi vì đại bàng được mô tả là đầy sức sống, đầy quyền năng, biểu tượng cho sự chiến thắng, và quan trọng hơn là biểu tượng cho tự do, một thứ tự do toàn triệt, trọn vẹn bao hàm sự giải phóng con người ra tất cả mọi ảo tưởng, tất cả mọi trói buộc, phiền não trong thế giới của tâm thức, thoát ra ngoài thế giới ngoại vật vô thường để bay vào các bầu trời xanh lơ, và cuối cùng an trụ trong vòng tay đầy quyền nằng của Thiên Chúa hay Ðấng Tạo Hóa. Từ đó Hoa Kỳ mới có biểu tượng tự do: Liberty – In God We Trust

Ðạo Trưởng rất vui và nói: Ðúng thế, đúng như thế! Ðó là thứ tự do mà dân tộc Việt Nam phải hiểu để tranh đấu. Tuấn có bổn phận làm sáng tỏ ý nghĩa thật sự của tự do cho anh em hiểu. Cả bao thế hệ đổ máu mình ra để tranh đấu mà mình vẫn mơ mơ màng màng về hai chữ “tự do” và “độc lập”.
Vì ý nghĩa thiêng liêng ấy, người Âu Châu mới bỏ đi để tìm tự do trên thế giới mới và xây nên quốc gia vĩ đại này.
Patrick Henry, trong cuộc tranh đấu cho tự do độc lập của Hoa Kỳ trong tay đế quốc Anh, đã nói: “Cho tôi tự do hay cho tôi chết.” (Give me liberty or give me death). Và “Mặt Trận Không Tiếng Súng”, tức mặt trận “Văn Hóa Tư Tưởng” đã liên tục diễn ra từ 33 năm qua (1975-2008), nhưng rất ít người để ý. Nhưng hàng ngũ Cộng Sản Việt Nam thì biết rất rõ Mặt Trận Không Tiếng Súng này. Họ đã ra sức chống đỡ liên tục 33 năm mà không làm sao chống đỡ nổi để bảo vệ huyền thoại về các thần tượng của họ, bảo vệ huyền thoại tranh đấu dành “độc lập” của họ, bảo vệ lý tưởng cộng sản đại đồng của họ, bảo vệ định hướng XHCN của họ, và cuối cùng bảo vệ quyền làm chủ đất nước và dân tộc của họ để hành hạ và hiếp đáp cả một dân tộc cho đến ngày nay.

Những người CSVN chiếm đoạt được Miền Nam không chỉ bằng mũi súng, mà thắng về “Mặt Trận Không Tiếng Súng”, mà chính họ gọi là “Mặt Trận Văn Hóa Tư Tưởng”, hay Mặt Trận Tuyên Truyền (Propaganda Warfare) vô cùng hùng hậu và hữu hiệu của họ. Hàng ngũ này chiếm được đất, đoạt được thành và nô lệ được toàn dân vì có nhiều triệu con người tin vào các thần tượng của họ, tin vào huyền thoại chiến thắng của họ, tin vào lý tưởng cộng sản, và tin vào lòng “ái quốc ái quần” của họ.
Vì vậy Ðạo Trưởng Minh Lý Ðỗ Vạng Lý mới dặn dò: Phải chỉ ra cho thế giới thấy và mọi người thấy chiếc mặt nạ giả nhân giả nghĩa ghê tởm đó.

Và mục đích, ý nghĩa và định hướng của Mặt Trận Không Tiếng Súng là tấn công liên tục, tấn công triệt để và tấn công toàn diện để lột “CHIẾC MẶT NẠ” cộng sản đã xuất hiện trên dòng sử mệnh Việt như một cơn ác mộng chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Ðây mới thực sự là “chiến tranh ý thức hệ”, không chỉ giữa tự do dân chủ và độc tài cộng sản; mà còn là cuộc thư hùng giữa hàng ngũ HỮU THẦN và VÔ THẦN.
Cuộc chiến thắng của hàng ngũ vô thần vào mùa xuân 1975 chỉ là cuộc chiến thắng tạm bợ, nhất thời của đao kiếm và bom đạn. Nhưng hàng ngũ này đã và đang gục ngã trước cái mà họ gọi là “chiến tranh ý thức hệ” kéo dài trường kỳ liên tục 33 năm qua, chưa một lần ngừng nghỉ để đoạt lại NGỌN CỜ ÐẠI NGHĨA của dân tộc, và ngày nay ngọn cờ này không chỉ tung bay trên toàn thế giới, mà con làm cho tâm hồn muôn triệu con dân đất Việt cũng phất phới tung bay từ trong ra ngoài nước. Ðó là biểu tượng về sự phục sinh của niềm tin, phục sinh của tình yêu quê hương và phục sinh lại hy vọng cho một dân tộc đã phải chịu đựng trăm ngàn cái chết đắng cay do những kẻ thủ CS đưa lại cho dân tộc của chính họ.

Ðây là cuộc chiến thắng không chỉ của những con người yêu chuộng tự do trước những kẻ độc tài, mà còn là cuộc chiến thắng của ÐẠO LÝ trước hàng ngũ vô thần. Ðó là cuộc chiến thắng vĩnh cửu (eternal victory) của những người hữu thần, hữu đạo đối nghịch vô thần và vô đạo trong chiến tranh ý thức hệ đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua trên quê hương. Ðây mới là cốt lõi hay linh hồn của chiến tranh Việt Nam.

Binh pháp Tôn Tử đã dậy: “Công tâm trước khi công thành.” Chiếm được nhân tâm thì đoạt thành dễ như trở bàn tay. Và “chiến tranh ý thức hệ” đã “công tâm” quá hữu hiệu nên người CS đã chiếm được MNVN dễ dàng như thế. Cả Hoa Kỳ lẫn chính quyền MNVN đều dồn tất cả tài năng và năng lực vào việc giữ thành, mà quên đi hay không để ý đến việc giữ lấy nhân tâm của toàn dân, và nhân tâm của thế giới.

Tiếc thay đã 33 năm qua đi, thế mà nhiều người vẫn chưa học xong bài học cay đắng và tủi nhục khi mất Miền Nam. Bây giờ, sau 33 năm, giấc mơ đoạt lại thành từ tay người cộng sản vẫn còn đây, nhưng cũng chẳng có ai nghĩ đến chuyện “công tâm” để cho nhân tâm ly tán mãi như thế này thì đến bao giờ đoạt lại thành từ tay CS? Không có Mặt Trận Văn Hóa Tư Tưởng để CÔNG TÂM, để qui nhân tâm của cả một dân tộc về một mối thì không bao giờ có sức mạnh để lấy lại giang sơn đã mất. Ðem lại sức sống mãnh liệt cho Ngọn Cờ Ðại Nghĩa không phải chỉ xuống đường hoan hô, đả đảo mà có; phải khởi động sức mạnh tiềm ẩn thiêng liêng từ đáy hồn dân tộc; phải “lột mặt nạ” của ngọn cờ “máu”. Nhất là phải KHAI MỞ MỘT SINH LỘ MỚI” từ sự chết, và từ hoang tàn đổ nát hôm nay trong lòng của một dân tộc để làm cho NIỀM TIN, TÌNH YÊU và HY VỌNG vươn lên, vươn lên rực rỡ như ánh bình minh vừa ló dạng từ phương Ðông.
Ðây là việc làm của Mặt Trận Không Tiếng Súng, tức Mặt Trận Văn Hóa Tư Tưởng mà nhóm Hòa Ðồng Dân Tộc nhắm tới.
Ðiều ám ảnh và đau xót nhất của Ðạo Trưởng Minh Lý Ðỗ Vạng Lý - chính là “tình trạng ly tán nhân tâm của người mình”. Nếu không thống nhất được nhân tâm thì nói đến Hòa Ðồng Dân Tộc để làm gì?

Khi nhớ về quê hương, Ðạo Trưởng mượn Nguyễn Du để tỏ lộ:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

Lòng ái quốc thương dân của Ðạo Trưởng vút lên như núi cao, mà nỗi đau xót cũng vời vợi như thế.

Cửa người đày đọa chút thân
Sớm năn nỉ bóng đêm ngơ ngẩn lòng
Lâm chung chút nghĩa đèo bồng
Non nước để chữ tương phùng kiếp sau
Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.

Nhiều lần mở cửa đón tôi vào nhà, tôi nhìn Ðạo Trưởng trong chiếc áo chùng trắng, tóc bạc phơ như người thi sĩ tóc trắng Nguyễn Du mắt sáng long lanh, nụ cười héo hắt, bắt tay tôi. Tôi bồi hồi cảm xúc với hình ảnh người Quốc Sĩ thánh thiện của Ðại Việt nơi Ðạo Trưởng với tâm sự giấu kín.

Chân trời góc bể lênh đênh
Nắm xương biết gởi tử sinh chốn nào. (Nguyễn Du)

Trong những năm cuối đời, Ðạo Trưởng thường nói với tôi, “Ðạo Trưởng sắp đi đến nơi rồi! Ðạo Trưởng già quá rồi! Cả một đời tranh đấu hàng thế kỷ mà dân tộc vẫn lênh đênh trên bể khổ, nhân tâm con người thì ly tán. Ðạo Trưởng buồn quá, Tuấn ơi”.
Tôi an ủi Ðạo Trưởng:
- Ðạo Trưởng chưa thể đi đâu được. Con sẽ đưa Ðạo Trưởng và Ðạo Tỷ về thăm lại Huế - Sài Gòn - Hà Nội, rồi Ðạo Trưởng ra đi cũng chưa muộn.

Giờ đây tử sinh của Ðạo Trưởng đã gởi lại nắm xương trên quê hương người và dặn dò tôi: “Nối chí và nối nghiệp” của Ðạo Trưởng. Tôi cảm thấy mình tài hèn sức mọn trước bể khổ mênh mông của giống nòi và trước kỳ vọng lớn lao của Ðạo Trưởng; chí ấy là đại chí và nghiệp ấy cũng là đại nghiệp của truyền thống sĩ phu đất Việt đã truyền từ thời đại này qua thời đại khác và truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác để mỗi thế hệ tự gánh lấy trách nhiệm của chính mình trong sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Ngày xưa (1997), khi linh mục Kim Ðịnh nằm xuống, ngài cũng di chúc lại cho linh mục Phạm Quang Thúy tìm tôi để dặn dò: “nối chí và nối nghiệp” cha. Cả hai đều là Ân Sư của đời tôi và cả hai đều là những sĩ phu thông minh nhất, dũng liệt nhất, nhân từ nhất, minh triết nhất, thánh thiện nhất và cũng đau khổ nhất.

Ba trăm năm trước đây, trên sông Tiền Ðường, Nguyễn Du có “Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau”.

Ðánh liều nhắn một đôi lời
Nhờ tay ai đó vớt người trầm luân.

Ðạo Trưởng cũng có “Thiên Tuyệt Bút” viết về ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ để “nhờ tay ai đó vớt người trầm luân”. Và để lại Hòa Ðồng Dân Tộc với ước mơ như người thì sĩ tóc trắng Nguyễn Du:

Bấy nay kẻ Việt, người Tần cách xa
Sao cho trăm dặm một nhà
Cho người thấy mặt là ta vui lòng.

Hôm nay đứng trước vong linh và nắm xương tử sinh của Ðạo Trưởng gởi lại thành phố Chatsworth, tôi ngồi viết lên những hàng chữ này như những giọt nước mắt âm thầm nhỏ xuống những giọt nước mắt tiếc thương Trang Quốc Sĩ của đất Việt: đại chí, đại linh, đại nghiệp và đại nguyện của Ðạo Trưởng vẫn còn kia.
Chúng ta - tất cả chúng ta phải kết thúc chiến tranh Việt Nam bằng một cuộc chiến thắng tối hậu “không tiếng súng” giữa hữu thần và vô thần. Ðó là cuộc chiến thắng của Ðạo Lý và phường vô đạo, giữa con cái của ánh sáng và con cái của bóng tối, giữa dân tộc và những kẻ đội lốt dân tộc, giữa đạo đức và những kẻ vô luân, giữa công lý và bất công, giữa tự do và độc tài, giữa ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ và cờ máu đã nhuộm máu anh em.

Ðó là tất cả nội dung của Hòa Ðồng Dân Tộc mà Ðạo Trưởng Minh Lý Ðỗ Vạng Lý đã trao lại không chỉ cho một người, mà cho cả một dân tộc - một dân tộc đã sinh ra Ðạo Trưởng, đã nuôi dưỡng và giáo hóa Ðạo Trưởng từ tấm bé với tất cả ước vọng và kỳ vọng con người này sẽ nối chí và nối nghiệp tổ tiên và tiền nhân đất Việt. Và Ðạo Trưởng đã đền đáp lại ân sâu nghĩa nặng bằng cách trung thành với truyền thống đạo lý của Tổ Tiên, trung thành với truyền thống lịch sử, và trung thành với truyền thống sĩ phu của đất Việt.

Và đã để trọn vẹn tâm hồn, trí tuệ và đời sống mình vào các cuộc tranh đấu kéo dài liên tục hàng thế kỷ cho tự do, độc lập và hạnh phúc của toàn dân. Ðó là một dân tộc quá bất hạnh, quá khổ đau, quá thua thiệt mọi bề. Và cả đời Ðạo Trưởng đã ôm cả dòng sinh mệnh lịch sử bão bùng đó vào lòng mình như ôm mối sầu vạn cổ trong kiếp tử sinh của Ðạo Trưởng.

Xưa Lý Bạch có để lại vần thơ:

Sống là khách qua đường
Chết là trở lại cội nguồn thiên thu
Ðất trời quán trọ bao la
Hay chi mà hát khúc ca u sầu.

Làm người làm sao tránh khỏi “khúc ca u sầu” khi một người thân yêu mà mình thương yêu và tôn kính nằm xuống - nằm xuống với di chúc còn để lại như một liên tục của lịch sử. Và từ đây, Ngọn Cờ Ðại Nghĩa vẫn tiếp tục phất lên trên một SINH LỘ MỚI CHO DÂN TỘC đang từ từ ló dạng rực rỡ như một ánh bình minh để cho Ðại Linh của Ðạo Trưởng một lần nở nụ cười trước tương lai rạng rỡ của một dân tộc mà Ðạo Trưởng suốt đời yêu thương.

Muôn vàn thương tiếc!

Nguyễn Anh Tuấn
Thay Mặt Tổ Chức Hòa Ðồng Dân Tộc
Oklahoma, ngày 18-8-2008.

(Ghi Chú : bài này được trích từ - http://www.banthedao.org/)

Top of Page

      HOME