![]() ![]() ![]() ![]() |
. . . Vì muốn đền-đáp tấm lòng quí-mến của toàn Đạo hằng ngày cầu-nguyện cho ĐỨC NGÀI đặng đầy đủ sức-khỏe hầu làm tròn sứ-mạng, nên mới có mấy dòng thô-sơ ghi chép hành trình của ĐỨC NGÀI để làm kỷ-niệm, chớ chẳng phải văn-nhân đẽo gọt từng câu thanh-nhã, nếu có điều chi sơ-sót xin chư vị tha-thứ ...
Văn-Phòng Hiệp-Thiên-Đài,
Ngày 29 tháng 7 năm 1954 BẢO-ĐẠO, (ký tên và đóng dấu) HỒ-TẤN-KHOA Kính Chư Đạo-Tâm, |
7g30 Tới phi-trường Tân-Sơn-Nhứt. Chức-Sắc, Đạo-Hữu, chánh-khách đón để tiễn đưa.
9g00 Phi-cơ khởi cất cánh.
9g25 Phi-cơ bay ngang Trí-Huệ-Cung. Dòm ra cửa thấy núi BÀ ĐEN bên mặt, mây trắng bao phủ.
9g45 Bay ngang Phnom-Penh. Dưới tầm mắt, nhìn sông CỬU LONG uốn khúc quanh-co. Trong phi-cơ lần lần nghe mát-mẻ và khỏe-khoắn. Bay cao lối 5 km, bên ngoài có lẽ lạnh lắm và dòm ra ngoài Trời thấy mây dưới thấp rất xa.
10g50 Bay ngang Bangkok. Tốc-lực 450 km một giờ. Bay cao lên 5km600 Bên ngoài lạnh 5 độ dưới số không (-5 độ) nhưng trong phi-cơ nghe mát khỏe. ĐỨC HỘ-PHÁP vui-vẻ và khỏe-khoắn.
11g50 Bay ngang Padan (ThaiLand) có gió lớn, phi-cơ nhảy sóng dữ-tợn. Phải bật ghế nằm ngửa nhắm mắt lại cho khỏi dại sóng.
12g00 Phi-cơ hết nhảy sóng.
12g20 Bay ngang Rangoon, cho uống rượu khai-vị.
12g30 Dọn ăn. ĐỨC HỘ-PHÁP vui-vẻ và ăn ngon lành. ĐỨC NGÀI chừa mấy món thịt, chỉ ăn rau và phô-mách (fromage).
13g15 Ăn xong bữa. Phi-cơ lại nhảy sóng nên lật-đật bật ghế ra nằm.
13g30 Bay qua khỏi mỏm Rangoon và bay trên mặt biển Vịnh Bengale. Xem Kinh, đọc sách một lúc. Mọi người mòm ngủ hết.
14g30 Đang ngủ, nghe phi-cơ tuột xuống làm giựt mình thức-dậy. Bay đến Calcutta, dòm xuống thấy sông HẰNG uốn khúc quanh-co. Đây là chỗ ĐỨC PHẬT khi xưa tắm và bỏ xác tục và là chỗ những tín-đồ Phật-Giáo chết rồi thiêu xác đỗ tro xuống đó. Máy bay từ từ hạ xuống, tôi nhức lỗ tai quá, tôi lấy gòn nhét bít lỗ tai lại mà vẫn còn nhức quá. Mấy anh em biểu bịt mũi ngậm miệng khì hơi cho mạnh để tung màng mỏng con rái ra, vì đang ở trên cao hạ xuống chất khí trời không đều, nhứt là ở Calcutta khí-hậu nóng bức nên áp-lực không khí ép lỗ tai muốn nổ.
15g00 Phi-cơ đáp xuống phi-trường Calcutta. Đồng-hồ địa-phương mới có 01 giờ. Máy bay đã bay qua 2,338 Km. Ghé nghỉ 1 giờ,ø xuống đất đi tới đi lui cho rảng cẳng. Đây là xứ trồng dừa, cau nhiều như bên Việt Nam và cũng oi-bức như khí-hậu Saigon. Calcutta thuộc nước ẤN-ĐỘ.
16g00 Saigon (2 giờ địa-phương) Phi-cơ cất cánh bay đến Karachi. Lúc lên cao màng mỏng lỗ tai lại tung ra. Được phát kẹo ngậm để nuốt nước miếng cho rút vô. Calcutta ở cùng vĩ-tuyến với Hà-Nội mà vẫn nóng như ở Saigon.
17g00 Saigon Đang bay ngang xứ ẤN-ĐỘ cao trên 5 km, trong phi-cơ mát mẻ lắm.
19g00 Saigon (4g30 Địa-phương) Cho ăn bánh uống trà. Bay hết tốc-lực. ĐỨC HỘ-PHÁP ngủ một giấc ngon lành phải kêu dậy ăn bánh. ĐỨC NGÀI vui vẻ lắm. Nhờ có Ô. Ngô Khai-Minh và anh em mua thuốc Dramamin cho uống nên không có bị dại sóng.
19g30 Saigon (5g địa-phương) Trên phi-cơ nhìn xuống thấy đang bay trên vùng đất địa khô khan, màu vàng dợt, không có cỏ cây gì, hình như bãi sa mạc. Xứ nầy chắc nghèo lắm. Vì dân không trồng tỉa chi hết.
21g00 Saigon Từ đây thấy từng đốm nho nhỏ, cây cỏ xanh-xanh chút ít.
21g25 Saigon (6g địa-phương) Phi-cơ đáp xuống phi-trường Karachi, thuộc quyền Chánh-Phủ Hồi-Giáo. Xứ khô-khan toàn như sa-mạc. Thành-phố trơ-trọi, mặt trời chưa lặn nên còn sáng. Tuy ở một vĩ-tuyến với Đài-Loan (Formose) trên Hồng-Kông, nhưng có lẽ vì ở xứ sa-mạc nên khí-hậu nóng-nực như ở Saigon. Nghỉ tại đây 2 giờ, có xe hơi của hãng đưa rước. . đều về hãng máy bay chịu hết. Vì không có đủ giờ, nên ghé Calcutta và Karachi chỉ ở lẩn-quẩn nhà Khách và nhà hàng tại phi-trường nên không thấy thành-phố ra sao.
23g10 Saigon (8g10 địa-phương) mới đỏ đèn, phi-cơ cất cánh bay qua Beyrouth. Karachi thuộc quyền Hồi-Giáo, ở đây có vẻ trật-tự hơn Calcutta. Từ đây Trời tối hẳn, không còn nhận-định được bên ngoài phi-cơ.
23g30 Saigon (8g30 tối địa-phương) Cho uống nước cam.
24g00 Saigon (9g00 tối địa-phương) Trên phi-cơ tắt đèn, hành khách ngủ hết. Tôi ngủ một giấc, thức dậy không biết mấy giờ vì đèn tắt không xem giờ đặng. Bên ngoài trăng tỏ vằng-vặc. Trời trong yên-tịnh, lòng tôi bồi-hồi nhớ tới cảnh diệt-vong. Tôi cảm-xúc cầu nguyện CHÍ-TÔN cho sớm đặng thái-bình trở lại.
9g00 Saigon (4g30 khuya địa-phương) Phi-cơ cất cánh bay ngang Địa-Trung-Hải (Mer Méditerrannée)
9g30 Saigon (4g30 địa-phương) Tắt đèn cho hành khách ngủ lại.
11g40 Saigon (5g00 địa-phương) Trời vừa sáng, bay ngang qua cù lao Rhodes, phi-cơ lại nhảy sóng.
12g45 Saigon (6g địa-phương) Bay ngang thành Athènes thuộc xứ Hy-Lạp (Grèce).
13g15 Saigon (7g15 địa-phương) Dọn ăn lót lòng trên máy bay.
14g30 Saigon (8g30 địa-phương) Bay trên không-phận Italie.
16g00 Saigon Phi-cơ đáp xuống phi-trường thành La-Mã (Rome), chỗ Đức Giáo-Hoàng Thiên Chúa Giáo ở. Trên máy bay ngó xuống thấy Châu-thành xinh-đẹp. Xuống đất chơi và vô nhà hàng uống trà.
16g55 Saigon (9g10 địa-phương) Phi-cơ cất cánh bay đi Paris.
18g10 Saigon (11g10 địa-phương) Bay ngang thành Gênes.
19g10 Saigon (12g10 địa-phương) Bay ngang thành Génève. Vì mây trắng dày đặc nên dòm xuống không thấy Génève ra sao.
20g15 Saigon (1g15 trưa địa-phương) Phi-cơ đáp xuống phi-trường Orly Paris. Đường đi dài 11.270 cây số mà chỉ bay trong 30 giờ, nghĩ quyền-năng của nhơn-loại cũng dữ, bảo sao họ không tự-đắc xem Trời như không? Máy bay đáp xuống phi-trường gặp lúc trời mưa, nhưng không lạnh mấy. Nhơn-vật đến đón tiếp ĐỨC HỘ-PHÁP rất đông. Bên chánh phủ Việt-Nam có Phó Thủ-Tướng NGUYỄN TRUNG VINH, Tổng Trưởng Bộ Tài Chánh DƯƠNG TẤN-TÀI, đại-diện Cao-Ủy Phủ Việt-Nam: nhị vị DƯƠNG-HỒNG CHƯƠNG và ĐỖ-HÙNG và Việt-Kiều rất đông không biết hết được. Bên Chánh-Phủ Pháp có Ông Đô-Trưởng thành Paris thay mặt cho Quốc Trưởng Pháp, Ông Plas và Mattei đại-diện Ông Jacquet, Bộ-Trưởng Bộ Liên-Hiệp-Quốc. Ngoài ra còn có Cô BA và Ô. Quang đem xe ra rước về ở Hotel George V.
Các phóng-viên báo-chí, nhất là nhóm thợ săn ảnh chen-chúc nhau đón chụp ảnh ĐỨC HỘ-PHÁP và phỏng vấn ĐỨC NGÀI. Về đến phòng, có người theo xin thâu thanh những lời tuyên bố, thì ĐỨC HỘ-PHÁP phú cho Ô. Ngô Khai- Minh thay mặt đọc một bài cho họ thâu-thanh. Từ đây tôi xin lấy giờ bên Âu-Châu cho dễ, nếu chúng ta muốn tính giờ đối chiếu với giờ Saigòn, thì cứ tính giờ Saigon sớm hơn Paris 7 giờ đồng-hồ.
17g30 Đức Hộ-Pháp mở một cuộc hội-nghị báo-chí tại salon nhà hàng (hotel George V) và thết-đãi các đại-diện báo-chí một tiệc sâm-banh. Trong cuộc hội-nghị này ĐỨC HỘ-PHÁP cho Ông Ngô Khai-Minh đọc lời tuyên-bố sau đây: (xin xem ở phần chót của tập Nhựt-Ký). Trong lúc dự tiệc các đại-diện báo-chí có phỏng-vấn Đức Hộ-Pháp về đường lối chánh-trị thì ĐỨC NGÀI đáp rằng "ĐỨC NGÀI sang Pháp với danh-nghĩa Cố-Vấn tối-cao của ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG, ĐỨC NGÀI sẽ gặp ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG và sẽ thỉnh ý ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG mà thôi."
Báo-chí hỏi ĐỨC NGÀI có chống Cộng không? ĐỨC NGÀI trả lời rằng: "chúng tôi là người Tôn-Giáo, thay mặt Thượng-Đế cứu vớt tất cả con cái của NGƯỜI, nên dầu kẻ tội lỗi hư-hèn nào cũng cứu vớt hết. Chỉ có Cộng-Sản không chịu nhìn-nhận lòng tin-tưởng nơi Thượng-Đế là tự ý họ mà thôi."
20g00 Phó Thủ-Tưởng NGUYỄN-TRUNG-VINH mời ĐỨC HỘ-PHÁP và trọn đoàn tùy-tùng đi ăn cơm nơi một nhà hàng Huê-Kiều có đủ nhơn-vật trong Chánh-Phủ Việt-Nam đến dự. Ăn cơm xong về đến phòng là 11 giờ đêm. Trời mưa và khí trời khá lạnh.
12g00 Ông Trung-Tướng Nguyễn-Văn-Xuân, cựu Thủ-Tướng VIỆT-NAM mời ĐỨC NGÀI đến tư-gia ăn cơm. Bữa cơm có Ô. Ngô-Khai-Minh, Ô. Nguyễn-Văn-Ba (em của Trung-Tướng XUÂN) và Tôi cùng dự.
Vợ và con Ô. XUÂN tuy là đầm nhưng theo Việt-Nam triệt-để. Vì bị kẹt bữa cơm, tôi không đi rước phái-đoàn đi theo bữa sau đặng. Phải nhờ Ô. Quang đến rước và đưa về phòng ngủ.
14g00 Phi-cơ chở phái-đoàn sau đến phi-trường Orly có Ông Quang và nhiều anh em khác đón tiếp đưa về phòng nghỉ. Anh Bảo-Thế thuộc phái-đoàn Chánh-Trị thì đưa về ở tại Hotel Royal, một chỗ với Ô. Hoạch, còn hai Ông Tá (Đại-Tá Lê văn Tất & Trung-Tá Nguyễn Thái), Ô. Giáo-Sư TUY và em Sĩ-Tải Bùi Quang CAO thì đưa về ở chung một chỗ ở Boulevard Saint Honore.
15g00 Sau khi ăn cơm rồi, ĐỨC HỘ-PHÁP đi một vòng xem Châu-Thành Paris và rừng Boulogne, thật là một xứ rỡ-ràng xinh-đẹp. Mùa nầy đi tới đâu đều thấy bông trổ đủ màu trông thật đẹp mắt. Khi ĐỨC NGÀI trở về chỗ ở (Hotel George V) thì có Anh Giáo-Sư Thượng-Tuy-Thanh, hai Ô. Tá và em CAO đến chờ chào ĐỨC NGÀI.
20g00 ĐỨC HỘ-PHÁP đi Cannes chào ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG, có Đại-Tá TẤT, Ngô- Khai-Minh và Tôi theo hộ-vệ ĐỨC NGÀI.
Từ bữa ĐỨC HỘ-PHÁP xuống phi-trường Orly thì luôn luôn sở Công-An Pháp sắp đặt cuộc canh gát giữ an-ninh cho ĐỨC NGÀI châu-đáo. Luôn luôn ở trước đường trong salon nhà hàng cho đến quanh phòng ở đều có người mặc thường- phục, không có ra vẻ gì lính tráng để canh giữ ĐỨC NGÀI cẩn-thận. Khi xe ĐỨC NGÀI rời khỏi Hotel George V để ra gare thì có 2 người lính đi xe moto chạy trước dẹp đường, còn xe Công-An theo sau đưa. Dài theo đường có cả trăm lính gát theo các ngã ba, ngã tư đường để bắt xe khác lại để xe ĐỨC NGÀI đi thong-thả. Theo anh em bên này thì danh-dự từ trước đến giờ ít có ai đặng, dầu Thủ-Tướng Việt-Nam cũng chưa có.
Ra đến gare thì có tất cả chánh-khách ở Cao-Ủy-Phủ Việt Nam và nhiều nhơn-vật Việt-Pháp đưa đi lên xe vì không có lấy chỗ nghỉ gần nhau đặng, nên để Ông Ngô-Khai-Minh ở chung phòng với ĐỨC HỘ-PHÁP đặng Ô. phụng sự ĐỨC NGÀI, Ô. Đại-Tá TẤT và tôi thì ở chung nhau một phòng ở toa xe khác. Phòng có giường nệm và buồng rửa mặt không thiếu một món chi. Lên xe Ô. TẤT và Tôiø có đến phòng ĐỨC NGÀI thăm và chơi một lúc mới trở về phòng. Ai nấy ngủ một giấc ngon lành tới sáng thì xe tới Marseille. Thức giấc, trông phong-cảnh bên ngoài thật cực-kỳ xinh-đẹp, xứ mình ngoại trừ vịnh HAÏ-LONG chưa dễ có chỗ nào bằng. Xe chạy dọc theo bờ biển, có lúc chạy ngang qua hang núi tối-tăm, lúc trên đảnh cao, lúc đường hầm. Nhìn ra bên thì Núi, bên thì biển, sơn-thủy đủ đầy, tòng-bá xanh tươi, hoa rừng đượm đủ màu sắc, lại thêm vườn nho, vườn cây trái chen lẫn nhau xem thật là ngoạn-mục. Nhà cửa ở bên này cất toàn gạch ngói, cũng có nhà nguy nga lộng-lẫy mà cũng có nhà nhỏ bé một căn, nhưng chẳng lúc nào thấy nhà lợp tranh như ở xứ mình.
11g00 (trưa) Ô. Phạm-Lê-Bông một đại-biểu Bắc-Việt đến viếng ĐỨC NGÀI và mời luôn đoàn tùy-tùng đi dùng cơm. Bên này đủ rau cải (légumes) và trái cây nhiều lắm, lại thêm có fromage. Đi đến đâu gọi bồi làm đồ chay rất gọn, nghĩa là nấu với bơ là đặng.
2g00 (trưa) Dùng cơm xong, lấy xe chạy dọc theo bờ NICE. Giờ nầøy bên ta nóng-bức, trái lại nơi đây người ta đi chơi hoặc làm công việc mua bán rộn rịp vì buổi sáng lạnh người ta nghỉ đến 9 giờ mới thức và mới bắt đầu có người đi lai rai ngang đường, còn giờ này thì tấp-nập thiên-hạ, xe hơi quá nhiều không quen tay lái ắt là bị đụng. Đường đi Cannes qua Nice phong-cảnh rất xinh-đẹp.
4g00 chiều Xe trở lại điện Thorenc. Đến thềm thì có nhơn viên V/P QUỐC- TRƯỞNG đón tiếp đưa vào salon. ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG tiếp ĐỨC HỘ-PHÁP liền trong một phòng riêng, còn đoàn tùy tùng thì dùng trà ngoài V/Phòng.
Sau khi tiếp chuyện với QUỐC TRƯỞNG gần 2 tiếng đồng hồ, ĐỨC NGÀI tỏ vẻ hài-lòng lắm. ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG hứa sẽ lên Paris gặp ĐỨC NGÀI. Trước khi ra về ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG mời đoàn tùy tùng vào tiếp chuyện niềm-nỡ.
6g00 chiều Sau khi ra khỏi Biệt-Điện, Thủ-Tướng BỬU-LỘC mời ĐỨC NGÀI và đoàn tùy-tùng đến nhà hàng Majestic dùng cơm, Thủ-Tướng BỬU-LỘC và Bác-Sĩ Long tiếp chuyện vui-vẻ, đến 8 giờ mãn tiệc. ĐỨC NGÀI ra gare đi chuyến xe chiều về PARIS. Nhân viên V/P Quốc-Trưởng và V/P Thủ-Tướng đưa tận gare (mùa này ngày dài đêm ngắn rõ rệt lắm, sáng tới 3, 4 giờ là thấy sáng bét rồi, còn tối thì đến 8 giờ cũng còn sáng trắng, đến 9 giờ là bắt đầu tối).
8g15 Xe lửa đến Cannes, ĐỨC HỘ-PHÁP và Ô. Ngô-Khai-Minh cùng chung phòng, còn Ô. Đại-Tá Tất và Tôi cũng ở chung một phòng như đêm trước. Lên xe sắp đặt xong là đã khuya, ai nấy đều ngủ. Hừng sáng xe đến Lyon. Tôi thức sớm mở cửa xem phong-cảnh, đồng ruộng phì-nhiêu không có đất bỏ hoang, bò ngựa thả ăn ngoài đồng như bên mình. Buổi trưa ấm-áp người ta làm việc luôn đến chiều gần 8 giờ mới nghỉ.
9g00 sáng Xe lửa cập gare PARIS, các nhơn-vật Cao-Ủy-Phủ và anh em bổn-bộ đón tiếp và đưa ĐỨC NGÀI về phòng. Trong lúc ĐỨC HỘ-PHÁP đi Cannes, dầu trên xe, bận đi cũng như bận về hay lúc ĐỨC NGÀI ngủ, cũng có Công An canh gát cẩn-thận lắm.
11g00 trưa Ông LANIEL, Thủ-Tướng Pháp tiếp ĐỨC HỘ-PHÁP tại Điện Matignon. Cùng đi với ĐỨC NGÀI có Ô. Ngô-Khai-Minh, Ô. Nguyễn-Văn-Ba (Em Ô. Xuân) và Tôi. Mới đến, Ô. Bộ-Trưởng Liên-Quốc Marc Jacquet rước ĐỨC NGÀI vào phòng riêng. Cuộc hội-kiến nửa giờ đồng-hồ. Lúc ra về ĐỨC NGÀI tỏ vẻ vui . . . Tình hình chánh-trị mấy ngày trước khi ĐỨC HỘ-PHÁP qua Paris biến chuyển nhiều nỗi khó khăn lắm, các chánh-khách tỏ vẻ âu-lo. Bản hiệp-ước đã đăng trong báo, người ta phao đồn là đã ký rồi, nhưng qua đến đây mới hay là chưa ký. Tình hình coi như đến hồi bế-tắc (Bản hiệp-ước đã được ký vào ngày 4-6-1954).
Tất cả mọi người hiện nay ở Ba-Lê đều chú-ý ĐỨC HỘ-PHÁP và trông mong nơi ĐỨC NGÀI như một cứu-tinh. Chúng tôi cầu-nguyện cho cuộc hội-kiến giữa ĐỨC NGÀI và Chánh-Phủ Pháp sớm đem lại sự kết-quả thắng-lợi cho TỔ- QUỐC VIỆT-NAM.
01g00 trưa ĐỨC NGÀI trở lại phòng và nghỉ trưa, từ hôm qua đến nay, ngoài cuộc hội-nghị báo-chí ĐỨC NGÀI không tiếp phóng-viên nào hết.
03g00 chiều ĐỨC HỘ-PHÁP sau khi điểm-tâm, tiếp khách luôn đến 6 giờ. Anh em Việt-Kiều đến rất đông, mỗi người đều đưa một ý-kiến.
06g30 Chúng tôi lại thăm anh Bảo-Thế tại Hotel Fiedland Royal, bịnh anh thuyên-giảm một phần, sẵn dịp chúng tôi đồng lại thăm ĐỨC HỘ-PHÁP ở Hotel George V, phòng số 4/1.
04g00 chiều Ông Trần-Vinh,Trưởng-ban Nghi-lễ Cao-Ủy-Phủ Việt Nam đến bàn và sắp đặt chương trình ngày mai ĐỨC HỘ-PHÁP đi viếng và làm Lễ ở chùa thờ Chiến-Sĩ Trận-Vong Việt Nam tại Nogent-Sur-Marne và buổi chiều tới đặt tràng-hoa ở mộ Chiến-Sĩ trận-vong tại Arc-de-Triomphe. Công việc sắp đặt trọn buổi chiều mới xong.
10g00 sáng Nội đoàn khởi-hành một lượt, đi trước là 2 Cảnh sát cởi xe Moto dẹp đường, kế đó xe của ĐỨC HỘ-PHÁP, sau là xe tùy-tùng và xe của Công-An theo hộ-vệ. Đường đi từ Paris đến Nogent-sur-Marne xa trên 30 km. Hai bên toàn nhà lầu từ 4, 5 từng sấp lên cất liền nhau. Phố buôn bán sung-túc, xe hơi chen chúc nếu không có Cảnh-Sát dẹp đường thì đi lâu lắm. Thật là một thành phố lớn không thể tưởng tượng. Hai Cảnh-Sát lái xe Moto cũng là tay chạy tuyệt-diệu, xe chạy hết tốc-lực mà người buông tay để ra dấu khoát xe dẹp lại hai bên để cho xe ĐỨC NGÀI đi thong thả. Hai xe Moto chạy trước bóp kèn theo điệu xe chửa lửa bên mình, xe nào nghe đều phải dẹp lại hết. Cảnh-Sát đã có sẵn mỗi ngã đường, bắt chận xe, họ có téléphone kêu chuyền nhau từng phút cho hay trước thiệt là cách sắp đặt hết sức châu-đáo chỉ dành cho những vị QUỐC-TRƯỞNG mới đặng.
Đoàn xe đến Nogent-Sur-Marne vào lối 11 giờ trưa, xe dừng lại tại cửa ngỏ thì có nhiều nhơn-vật đón tiếp trong ấy có Ông Trần-Vinh, Trưởng-Ban Nghi-Lễ, thay mặt Chánh-Phủ Việt Nam và Đại-Tướng DIO thay mặt cho Chánh-Phủ Pháp. Ngoài ra còn có trọn ban Quản-Trị Chùa niềm-nỡ chào mời. Trưởng-Ban là Ô. Boso, Cựu Thống-Sứ Lào khi trước, năm nay đã 83 tuổi, lưng còm mà xem khỏe mạnh. Gặp ĐỨC NGÀI nhìn Ô. là Thầy dạy học khi xưa Ô. mừng lắm.
Ngôi chùa ở giữa một khu rừng, xem cảnh thanh-nhàn, u nhã và đẹp vô cùng. Cất toàn bằng cây do tay thiện nghệ của Trường Bá-Nghệ Thủ-Dầu-Một làm sẵn chở qua ráp. Trước cảnh này ai nấy đều ngùi-ngùi nhớ nơi cố thổ. Vào chùa Ô. Từ đón tiếp và đưa ĐỨC NGÀI ra hậu-đường thay Tiểu-Phục Vàng, đội Mão và mang giây SẮC-LỊNH xong ra làm lễ. Tôi cũng mặc Đạo-Phục. Ra Đại Điện, ĐỨC NGÀI quì giữa, Anh Giáo-Sư TUY và TÔI quì sau, còn mấy anh em kia và quan-khách đều đứng hầu. ĐỨC NGÀI niệm hương rồi lạy, chúng tôi đồng lạy theo.
Xong rồi trở ra ký tên vào quyển sổ vàng kỷ-niệm, ĐỨC HỘ-PHÁP và đoàn tùy-tùng xem phong-cảnh chung quanh Chùa một hồi rồi ra về. Trọn cuộc lễ này đều đặng chụp hình thường và quay phim điện-ảnh.
Ra về, tức cấp Cảnh-Sát đánh điện-thoại cho hay giữ trật tự các nẽo đường. Hai lão cởi Moto mà tiếng tục gọi là Motard, cũng như Chauffeur mà người ta gọi là Chauffard, khởi đi đầu và dẫn đường trở về cho tới chỗ mớiø thôi.
03g00 chiều Đúng giờ ai nấy đều sửa soạn đặng ra đặt tràng hoa tại đài kỷ-niệm Arc-de-Triomphe, nơi mồ Chiến-Sĩ vô-danh. ĐỨC HỘ-PHÁP mặc Tiểu-Phục, phần Tôi và Anh Giáo-Sư cũng mặc Tiểu-Phục theo hầu.
Xe đi cũng có hai Motards dọn đường và lính gát như buổi sáng và đúng 3 giờ thì đậu ngay Arc-de-Triomphe. Bên Pháp thì có Tướng Colliou, Gouverneur Militaire de Paris thay mặt Chánh-Phủ Pháp và Quân-Đội đón tiếp, còn bên Việt thì có Ô. Trần-Vinh (Chef de Protocole) Trưởng-Ban Nghi-Lễ Cao-Ủy V.N. tiếp đón. Có nhiều nhân-vật Pháp Việt khác tiếp đón rất đông nhưng không biết tên. Hai bên Đài thì có đoàn Vệ-Quân (Garde de Républicaine) bồng súng chào. ĐỨC HỘ-PHÁP đến trước Quốc-Kỳ đứng chào thì giàn Nhạc thổi bản Quốc-Thiều Việt Nam và Quốc-Thiều Pháp.
Dứt tiếng Nhạc, ĐỨC HỘ-PHÁP đặt tràng-hoa trên mồ Chiến-Sĩ vô-danh (Tombe du soldat inconnu) Ô. Giáo-Sư Tuy và Tôi khiên cái tràng-hoa ấy phụ với ĐỨC NGÀI. Dựng tràng-hoa xong, ĐỨC NGÀI cầu-nguyện vài phút rồi Ô. Tuy và Tôi đặt tràng-hoa ấy xuống và trở ra đứng chào. Nhạc đánh, dứt tiếng Nhạc ĐỨC HỘ-PHÁP trở ra chào đoàn Vệ-Quân rồi lên xe. Các quan-khách đưa tận xe. ĐỨC NGÀI bắt tay lần chót và ký vào sổ vàng rồi lên đường. Theo anh em bên nầy cho biết thì cuộc tiếp rước như thế là long-trọng lắm, vì đoàn Vệ-Quân (Garde Républicaine) nầy và giàn nhạc của họ chỉ để tiếp rước các vì Vua Chúa cùng Quốc-Trưởng các Cường-Quốc mà thôi, thường thì dùng lính Lục-Quân mà thôi.
04g00 chiều ĐỨC HỘ-PHÁP an-nghỉ, tất cả anh em hiệp tại phòng luận-bàn vui-vẻ.
09g00 sáng ĐỨC HỘ-PHÁP và đoàn tùy-tùng sửa-soạn đi viếng Điện Versailles. Trước khi lên xe thì Công-An đã đánh điện thoại cho Cảnh-Sát và những vị có phận-sự coi giữ Điện.
Từ Paris về Versailles xa lối 20 km, xe chạy cũng có nửa giờ, vì xe tấp-nập phải bị kẹt hoài, nhờ người ta biết số riêng, xe của ĐỨC HỘ-PHÁP đến được vô luôn trong sân Điện. Theo tục-lệ nơi đấy thì xe tư-nhơn phải đậu ngoài đường, chỉ có khách đặc-biệt Vương-Giả hoặc Sứ-Thần các nước mới được vô sân.
Xe vừa ngừng có người đến tiếp đưa đi xem tỉ-mỉ từ phòng và giải-thích từng chỗ. Thiệt là một kỳ-quan chưa từng thấy. Mỗi một cái phòng là một kho tàng vô giá, một tấm khảm trải dưới gạch cũng đáng giá mấy trăm triệu rồi. Điện nầøy cất hồi đời Vua Louis thứ 14, vào năm 1668, mà nay người ta vẫn giữ còn nguyên-vẹn. Hư đâu sửa đo,ù nên xem còn mới hoài. Mấy nấc thang, cột và tường đều là cẩm-thạch tốt vô cùng, có gân và bông thiệt đẹp. Theo người hướng-đạo nói thì đá cẩm-thạch này đếm ra trong đó có tất cả là 144 màu khác nhau.
Đến một cái phòng có để cái đồng-hồ, từ máy-móc đến cái võ ngoài, thảy đều bằng vàng hết. Cái đồng-hồ đó làm từ đời vua Louis thứ 14, đến nay gần 300 năm rồi mà vẫn chạy tốt đúng giờ. Cái võ đồng-hồ tượng-hình một đền Vua, khi ĐỨC HỘ-PHÁP vừa đi đến đó thì đúng 10 giờ, đồng-hồ khởi gỏ, máy chạy, tức thì Đền Vua mở cửa. Vua Louis 14 trong đền bước ra, thì có nhạc đánh chào, mỗi giờ thì đánh một bản khác, bản nhạc vừa dứt thì đồng-hồ gõ 10 tiếng, Ông Vua bước vô, cửa Đền đóng lại. Tất cả những công việc vừa kể là tự trong máy đồng-hồ một mình nó tự-động mà thôi, chớ không có ai rớ tay vào đó hết. Đây là nói sơ một chuyện chớ muốn kể cho hết thì cầu viết một cuốn sách to tướng cũng chưa chắc là đầy đủ. Người hướng-đạo còn dẫn xem phòng Vua Ngự, phòng tiếp khách Sứ-Thần, phòng ăn, phòng âm-nhạc, phòng khiêu-vũ, phòng tiếp-khách của Hoàng-Hậu. Nào là phòng ngủ của Vua, phòng ngủ của Hoàng-Hậu. Hai phòng này khít vách với nhau và có một cái cửa nhỏ bí-mật để qua lại. Nếu không ai cho mình biết thì không tài nào tìm thấy cửa ấy. Nhờ vậy mà khi phong-trào cách-mạng Pháp nổi lên, dân chúng Paris dấy lên kéo vô cướp Điện, kiếm bắt Vua và Hoàng-Hậu thì Bà Hoàng buổi ấy mới thoát thân kịp.
Điện Versailles rất rộng lớn. Nếu vào đó chưa ai dẫn ra, chưa chắc biết đường ra. Sau khi xem xong về đến chỗ trọ là hơn 12 giờ trưa. ĐỨC NGÀI nghỉ, còn anh em dọn dẹp trang-hoàng salon để đúng 3 giờ rưởi tiếp Ô. Bộ-Trưởng Mécheri, vị thay mặt Tổng-Thống COTY đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP.
03g thiếu 5 chiều Ô. Ngô-Khai-Minh, Ô. Đại-Tá TẤT và Tôi đồng đón tại cửa rước khách. Đúng giờ có xe đến. Vị đại-diện vừa bước xuống xe thì có chúng tôi tiếp liền đưa vào thang máy lên đến cửa phòng. Sau khi nhận chuông, Trung-Tá Thái mặc võ-phục rước vào salon. Ông Ngô Khai-Minh qua phòng bên thỉnh ĐỨC NGÀI. Chủ-khách bắt tay chào mừng. Chúng tôi rút êm qua phòng bên cạnh.
Câu chuyện kéo dài trót một giờ đồng-hồ, khi tiếp chuyện xong ĐỨC NGÀI cho gọi đoàn tùy-tùng giới-thiệu với Ô. Bộ-Trưởng. Tất cả đàm-đạo có vẻ thân-mật, đến 4g30 Ô. cáo-từ về.
Ô. Mécheri trước khi ra về có hứa với ĐỨC HỘ-PHÁP ngày mai đúng 6g30 chiều Tổng-Thống COTY sẽ rước ĐỨC NGÀI tại điện Élysée. Cuộc gặp-gỡ này thật là đặc sắc tỏ ra rằng Tổng-Thống Pháp rất kính-nể ĐỨC HỘ-PHÁP. Đáng lẽ ĐỨC NGÀI phải đến yết-kiến Tổng-Thống ngay khi đặt chơn lên đất Pháp.
05g00 chiều Ô. Henri Regnault, đại-diện Người Pháp của ĐẠO, đến chào mừng ĐỨC NGÀI. Cuộc hội-đàm có Tôi và ông Giáo-Sư TUY dự-thính. Sau hồi đàm-luận, ĐỨC HỘ-PHÁP có hứa sáng 29-5-54, đúng 9 giờ,ø tới thăm bà Regnault vì bà đang bịnh.
Đến 6 giờ chiều, Ông Regnault sửa-soạn ra về thì có Ông Phạm Lê-Bông và Ô. Nguyễn-Đệ: Đổng-Lý Văn, Võ-Phòng của QUỐC-TRƯỞNG đến yết-kiến ĐỨC NGÀI. Trong khi ĐỨC HỘ-PHÁP tiếp Ô. Nguyễn-Đệ thì chúng tôi tiếp Ô. Phạm Lê-Bông ở phòng bên cạnh. Sau một tiếng đồng-hồ Ô. Nguyễn-Đệ qua phòng chúng tôi, để Ông Phạm Lê-Bông hội-đàm với ĐỨC NGÀI. Ông Nguyễn-Đệ cùng tôi là bạn học cũ ở Trường Luật Hà-Nội, nên câu chuyện giữa Ông và Tôi rất thân mật và vui vẻ. Ông nhờ Tôi giải-bày cùng ĐỨC HỘ-PHÁP tấm lòng tôn-trọng của Ông đối với ĐỨC NGÀI và Ông yêu-cầu Tôi nói với ĐỨC HỘ-PHÁP đừng kể những lời dèm-pha của kẻ không bằng lòng Ông.
Khi khách về rồi, ĐỨC HỘ-PHÁP thuật lại rằng Ông Nguyễn-Đệ đối với ĐỨC NGÀI rất cung kính. Trong khi nói chuyện Ông kêu ĐỨC NGÀI là ĐỨC THÁNH CHA (Saint Père).
Bước vào Điện Ô. Mécheri đón tiếp vào salon. Vì đến trước 7 phút nên Ô. Mécheri đưa đi xem các phòng: Phòng tiếp các Sứ-Thần, phòng nhóm Tòa Nội-Các (Conseil des Ministres) phòng nhóm quốc-hội v.v.. Điện này giống Điện Versailles. Khi xưa là biệt-điện của Bà Hoàng Pompadour, kiến-trúc theo lối như ở Versailles, thật là một kỳ-quan của thời xưa để lại.
Lúc còn đang chờ hội-kiến cùng Tổng-Thống, bỗng Bà Coty đi ngang qua phòng được Ô. Mécheri giới-thiệu ĐỨC NGÀI và đoàn tùy-tùng, niềm-nỡ chào hỏi và khi Bà được biết mục-đích ĐỨC NGÀI qua đây thì Bà tỏ vẻ vui mừng chẳng xiết. Đúng giơ,ø Tổng-Thống COTY mời ĐỨC NGÀI luôn cả đoàn tùy-tùng vào phòng Tổng-Thống, phải đi ngang qua các Văn, Võ-Phòng, mỗi chỗ Ô. Mécheri đều giới-thiệu. Tổng-Thống đón chào tại cửa và rước vào phòng. Câu chuyện rất thân-mật. Tổng-Thống cho mời mấy vị Cộng-sự để giới-thiệu với ĐỨC HỘ-PHÁP rồi cùng trò chuyện vui vẻ. Sau đó mời ĐỨC NGÀI cùng chúng tôi sang phòng bên cạnh dùng rượu bánh. Có một điều chúng tôi không đặng hiểu, là trên mỗi mâm rượu hay bánh và thuốc đem lại đều có thắp một cây đèn cầy. Tiếp đãi trên nửa giờ hai nhân-vật tỏ vẻ rất luyến-ái trong cuộc gặp-gỡ này, ĐỨC NGÀI từ giã ra về.
11g10 sáng Xe vừa về đến cửa, Ô. Minh báo-cáo rằng Thủ-Tướng BỬU-LỘC đang chờ yết-kiến tại Hotel Raphael. Đến nơi nhơn viên VP/Thủ-Tướng đón tiếp và đưa ĐỨC NGÀI tận phòng. Thủ-Tướng rất niềm-nở. ĐỨC HỘ-PHÁP có kể chuyện mấy hôm đi thăm Thủ-Tướng Laniel, Phó Thủ-Tướng Paul Reynaud và Tổng-Thống Coty cùng các nhơn vật khác . . . Thủ-Tướng Bửu-Lộc tỏ vẻ vui mừng và định sáng hôm sau trở về Saigon, nhưng rồi huỡn lại và chiều đi Cannes báo tin và thỉnh ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG về Paris hội-kiến với ĐỨC HỘ-PHÁP. Câu chuyện kéo dài đến 12g30 ĐỨC NGÀI cáo-từ.
04g00 chiều Ông Giáo-Sư Gustave Meillon đến thăm ĐỨC NGÀI, có vẻ hiền-hậu và khiêm-tốn. Ông này đang nghiên-cứu về Đạo và đang viết một quyển sách bằng Pháp-Văn về Đạo Cao-Đài. Ông rất chăm-chỉ từng câu khi ĐỨC NGÀI giải-thích về Đạo và hứa sẽ cố-gắng viết cuốn sách này cho đầy-đủ. Hỏi Ô. chừng nào xuất-bản, thì Ô. trả lời rằng cần một năm nữa mới có thể xuất-bản, vì viết rồi còn phải xem đi xem lại năm mười lần và phải cần tìm tài-liệu khảo-cứu cho thiệt châu-đáo để cuốn sách ấy có thể đưa vào HÀN-LÂM-VIỆN (Académie) vì Ông cho rằng sáng-tác một tác-phẩm là trọng-hệ lắm, nếu sơ-sót thì không làm sao lấy lại đặng.
05g00 chiều Đại-Úy Jansson đến viếng, Ô. Meillon kiếu-từ. Ông Jansson rất vui mừng đặng gặp ĐỨC HỘ-PHÁP vì khi trước Ô. có ở Tây-Ninh. Ông cũng ngỏ ý muốn thăm Ông Tất và Ông Thái, và hứa giới-thiệu hai Ông này cho Đại-Úy Malaon hiện ở Paris.
07g00 chiều Ông Phạm Lê-Bông đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP với Ô. Hugues. Sau khi nghe ĐỨC HỘ-PHÁP bày-giải tình-hình, hai Ông rất tán-thành và hứa sẽ đem vấn-đề VN ra Quốc-Hội Pháp để giải-quyết và còn ngỏ ý muốn ĐỨC NGÀI tỏ sự tình giữa Hội một ngày gần đây. Ông cũng hứa sẽ bàn lại với các bạn Nghị-Viên đồng-chí với Ô. và xin phép hôm nào khác sẽ đến đông hơn để chào ĐỨC NGÀI.
11 g30 trưa Ông Đỗ-Hùng (Từ-Hàn Hội-Đồng Quốc-Gia Liên-Kết, tùng-sự V/P Tổng-Thống) đến hồi 10g30 nhưng ĐỨC NGÀI bận khách Vanony, nên Tôi rước cụ Đỗ-Hùng sang phòng bên cạnh tiếp chuyện trên tiếng đồng-hồ. Chờ lâu Cụ xin phép khi khác đến. Lúc Tôi tiễn Cụ ra cửa ĐỨC HỘ-PHÁP trông thấy mời Cụ lại sang phòng bên cạnh và tiếp chuyện. Tôi phải hầu chuyện với Serge Vanony và hai cậu Hiển/Kiển. Câu chuyện của ĐỨC HỘ-PHÁP và Cụ Đỗ-Hùng kéo dài đến 12g. Cụ Đỗ-Hùng cùng Vanony và Hiển/Kiển đồng kiếu-từ.
08g00 chiều Ông Giáo-Sư (Professeur) Pièrre Max kiêm ký giã đến ra mắt ĐỨC HỘ-PHÁP để hiểu biết quan-niệm của ĐỨC NGÀI về thời-cuộc hiện tại. Sau khi nghe ĐỨC NGÀI bày-giải, Ông rất vui-thích, hứa làm phúc-sự đệ lên cho Hội-Đồng Nội-Các tỏ-tường. Ông xin phép ĐỨC NGÀI cho Ông giới-thiệu nhiều nhân-vật trong giới chánh-trị và Tôn-Giáo, và nếu ĐỨC NGÀI chấp-thuận thì Ông sẽ dẫn tới. ĐỨC NGÀI chấp-thuận lời Ông xin.
10g00 sáng Ông Jacque Frymoth phóng-viên hình-ảnh báo Interpress đến biếu ĐỨC NGÀI một tấm hình mà Ông đã chụp trong mấy ngày qua tại Điện Élysée. Ông cũng xin với ĐỨC NGÀI cho phép lấy một bức Chơn-Dung đang ngồi xem sách và xin theo ĐỨC NGÀI để lấy ảnh khi đến "Công-Thần-Miếu" (Panthéon).
10g30 Ông Phạm Lê-Bông đến có dẫn theo hai Nghị-Sĩ Pháp đến chào ĐỨC NGÀI và xin bày-tỏ quan-niệm. Mấy Ông tỏ ý sẵn-sàng ủng-hộ ĐỨC NGÀI.
11g30 Ông Phó Chủ-Tịch Hội-Đồng Quốc-Gia Liên-Kết đến tiếp chuyện cùng ĐỨC NGÀI. Sau khi nghe ĐỨC NGÀI giải-thích quan-niệm, hình-thức Hội-Đồng Quốc-Gia, Ông xác-nhận là đúng. Câu chuyện kéo dài đến 12 giờ, Ông cáo-từ.
01g00 trưa Viếng Điện Panthéon.
02g50 Đúng 3 giờ xe tới cửa, Ông Trưởng-Ban Nghi-Lễ Cao-Ủy-Phủ VN đón tiếp ĐỨC NGÀI. Điện Panthéon là một tòa nhà nguy-nga lộng-lẫy. Những bức vẽ thật sắc-sảo từ mấy trăm năm vẫn linh-động mà Họa-Sĩ đời nay chưa hề vẽ nỗi. Giữa Điện có một bức vẽ trên trần, màu sắc rực rở, nhờ nóc Đền lợp kiếng, mỗi giờ mặt Trời xây chìu, thì bức vẽ ấy đổi màu luôn luôn. Theo sự tích thì Đền này là nhà Thờ, khi xưa thờ Bà Thánh Sainte Génévière tức là Bà Thánh Bảo-Hộ thành Paris (Patronne de Paris). Trên tường cò nhiều hình-ảnh tả về lịch-sử của Bà từ khi còn nhỏ đến lúc già. Có một bức họa lúc thành Paris bị vị vua bạo-tàn Attila của nước Tàu sang sát-phạt Âu-châu, không chừa một nước nào. Chỗ nào Ông đi qua không còn một cọng cỏ. Lúc Attila kéo binh đến cận thành Paris thì dân-sự kinh-tâm, kể chết 10 phần. Bà Sainte Génévière là người Tu đứng ra kêu gọi dân chúng vững tâm tổ-chức cuộc phòng-thủ và cầu-nguyện ĐỨC CHÚA TRỜI cứu cho. Có lẽ vì nhà thờ huyền-diệu Thiêng-Liêng nên khi Vua Attila kéo binh đến trước thành mà lại không vào lại kéo binh đi vòng bọc qua phía hậu thành rồi đi luôn. Một bức vẽ khác là lúc thành Paris bị nạn đói, thiên-hạ chết không biết bao nhiêu, Bà Sainte Génévière, một mặt cầu-nguyện, một mặt tổ-chức kêu gọi các nơi tiếp-tế. Nhờ vậy thành Paris mới thoát qua nạn đói. Bà hưởng thọ 93 tuổi. Về sau đến đời Vua Napoléon người ta dời thờ Bà nơi khác và lấy Đền nầy làm Báo-Ân-Từ nơi chôn xác các danh-nhơn dưới từng hầm. Dưới hầm nầy không có ánh-sáng mặt Trời, ban ngày mà vẫn phải thắp đèn mới thấy lối đi, tường xây toàn bằng đá tiết ra khí chất lạnh lạnh. Cách kiến trúc Đền này chưa từng thấy nơi nào bằng. Còn như Đền Versailles sánh với Đền-Thánh mình thì mình chưa được một phần trăm. Nói về sức lớn thì phòng khiêu-vu,õ gọi là phòng kiếng (vì vách khảm toàn bằng kiếng rọi mặt nguyên miếng lớn thật tốt) cũng xấp-xỉ cái Đền-Thánh mình rồi, nếu kể nguyên cái Đền thì sức lớn không biết bao nhiêu.
Đền Panthéon tuy nhỏ hơn Đền Versailles nhiều, nhưng sánh với Đền-Thánh ta thì lại hơn ta thập bội. Từ dưới lên đến chót nóc, cao 75 thước, còn Đền-Thánh ta chỉ có 35 thước. Kiến-trúc Đền này toàn bằng đá cục cả thước bề mặt dồi láng bóng. Cục này chồng lên cục kia khi trịt có lót miếng chì mỏng chớ không dùng ciment. Cột hai người ôm chưa giáp toàn bằng đá nguyên cục dồi tròn và bóng láng, lớn hơn một cột Đền-Thánh mình bằng hai rưởi, còn bề cao cũng là hai rưởi. Viên đá nào cũng to tướng chồng-chất lên thành một cái Đền nguy-nga đồ-sộ và chạm trổ cực-kỳ tinh-xão.
Người dẫn đường mở cửa hầm cho chúng tôi xem các Ngôi mộ các danh nhơn. Khi đi đến mộ của ĐỨC CHƯỞNG ĐẠO NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN, ĐỨC HỘ-PHÁP đốt nắm nhang đứng cầu nguyện, chúng tôi đứng bọc phía sau cũng đồng cầu nguyện rồi xá ba xá.
Khi ra, người hướng-đạo dẫn lên một đường khác phía trước rồi ĐỨC NGÀI và chúng tôi từ-giã ra về.
4g30 chiều Điện-thoại báo tin rằng có Ô. Tòa Weil (bạn thân của Đức Hộ-Pháp) đến, xin lên thăm. ĐỨC NGÀI và Ô. gặp nhau hết sức mừng rỡ ôm nhau hôn. Chuyện vãn hơn một giờ, Ô. Weil hứa sẵn-sàng giúp ĐỨC NGÀI đắc-thành sở nguyện.
5g00 chiều ĐỨC NGÀI còn đang đàm đạo với Ô. Weil, thì có 03 phóng-viên báo Samedi-Soir đến xin phỏng-vấn về Đạo. Tôi phải tiếp họ cho đến khi ĐỨC NGÀI mãn khách. Ô. Tòa Weil ra về, ĐỨC NGÀI tiếp ba phóng viên và giảng-giải về mặt Đạo tại salon. Và trước khi kiếu từ, ba phóng viên xin phép chụp 05 bức ảnh.
06g15 chiều Đưa ba phóng viên ra cửa, ĐỨC NGÀI liền tiếp Trạng-Sư Ngô Sách-Vinh đến từ lâu. Ô. Vinh vừa qua định đi Génève, và trước khi đi Ô. đến thỉnh-giáo nơi ĐỨC NGÀI, đến 6g30 Ô. mới từ-giã ra về.
03g00 chiều ĐỨC HỘ-PHÁP và bổn bộ đi viếng Điện Invalides, chỉ Ô. Giáo-Sư Tuy vắng mặt vì bị cảm và Ô. Bảo-Thế còn dưỡng bịnh. Xe đến sân, có Ông Trần-Vinh và Phó Giám-Đốc Điện Invalides đón sẵn, tiếp rước chúng tôi rất niềm nỡ. Nơi đây thiên-hạ đi xem đông lắm nên Ô. Phó Giám-Đốc mở cửa riêng cho ĐỨC NGÀI vào, giữa Điện có ngôi mộ của Hoàng-Đế Napoléon ler làm toàn bằng đá cẩm-thạch đỏ láng và chiếu ngời lấy từ xứ Finlande đem về. Ngôi mộ nằm giữa phòng, bao tròn xung quanh có 12 cây cột cũng bằng cẩm-thạch nguyên khối, chạm trổ rất khéo, bề mặt 1 thước 3 bề cao lối 8 tới 10 thước. Ba mặt dồi láng mặt kia chạm một hình người bề cao lối 5 hoặc 6 thước dính liền vào cây cột xem như người sống. Điện Invalides, phần nhiều là những di tích đời Hoàng-Đế Napoléon. Nào là Quốc-Kỳ đã thâu được trong những trận đánh nhau với các nước từ trước đến giờ. Nào là các quân-kỳ của mỗi trào Vua lưu truyền lại cho tới đời nay, mỗi mỗi đều sắp đặt có ngăn nắp xem rất ngoạn mục. Người ta cũng còn giữ cây cờ mà khi xưa Hoàng-Đế Napoléon đã ôm hun trước khi bị đày qua đảo Elbe. Đi xem phòng của Napoléon chúng tôi thấy: áo, nón, gươm, giường ngủ của Hoàng-Đế và của các Tướng-Soái của Hoàng-Đế. Món nào của ai đều có nhản-hiệu. Có điều ngộ là cái giường của Hoàng-Đế nhỏ xíu như giường con nít, hỏi ra thì mới biết Hoàng-Đế rất đẹt người, chỉ cao 1 thước 52, còn nhỏ thấp hơn người Việt trung-bình. Phòng này còn giữ bức chơn-dung của Hoàng-Đế mặc triều-phục rất đẹp. Theo người hướng-đạo thì mấy năm về trước Chánh-Phủ Huê-Kỳ có mướn Chánh-Phủ Pháp chơn-dung ấy đem về chưng cho dân-chúng xem. Chiếc tàu chở bức chơn-dung này khi ra giữa biển ngộ nạn chìm, của cải hàng-hóa trong tàu mất hết ai nấy cũng tưởng bức chơn-dung này đã chìm sâu dưới đáy nước rồi. Ai ngờ mấy bữa sau người ta thấy thùng đựng bức chơn-dung Hoàng-Đế còn bỏ sót lại bến Tàu, nhờ vậy mà ngày nay người ta còn được thưởng-thức bức-họa cực-kỳ xinh-đẹp ấy. Người chụp ảnh mời ĐỨC NGÀI đứng bên cạnh chơn-dung Hoàng-Đế để chụp kỷ-niệm, có ý so-sánh hai nhân-vật nhỏ người mà danh LỚN. Đáng chú ý hơn là phòng này có một bức vẽ xưa linh-hoạt về chiến-trận. Không hiểu họa-sĩ ngụ ý thế nào vẽ bức ấy mà hình người cứ ngó và xây theo người ta hoài, thậm-chí mấy khẩu súng cũng xây theo. Lúc ta đứng xem ở giữa, mấy họng súng và cả quan-quân vẽ trong đó đều hướng ngay ta, khi qua phía mặt và trái cả người lẫn súng cũng đều xây theo; người nào nhát, thấy vậy chắc phải sợ.
Chúng tôi đi xem phòng để thiết-giáp. Nơi đây vô-số thiết-giáp xưa còn giữ nguyên vẹn, bộ nào của ai đều có để tên họ, nhiều bộ chạm-trổ tỉ-mĩ tinh-xảo. Lúc ĐỨC QUỐC chiếm nước Pháp muốn lấy của này đem về xứ, đã sửa-soạn vô thùng kế thất trận không chở kịp. Bên cạnh Điện là chỗ của các Thương-binh Pháp. Cai-Quản sở này là vị Đại-Tướng bị-thương mất một chơn hồi trận 1914-1918. ĐỨC HỘ-PHÁP không gặp (vì vắng mặt) nên có gởi lại một ngân phiếu 300 ngàn quan tức là 30 ngàn đồng ta để giúp ngân-quỹ thương-binh.
06g00 chiều Chúng tôi đi mua cho ĐỨC NGÀI một máy thâu thanh (Radio hiệu Télé phukon) thật tốt để bắt tin, máy này giá 95.000 quan tức là 9.500$00 bên mình.
Ông hứa với ĐỨC HỘ-PHÁP rằng Ô. luôn luôn sẵn-sàng giúp ĐỨC NGÀI trong công việc xây-dựng một nước Việt Nam cường-thạnh, ngang hàng và bạn thân với nước Pháp. Sau câu chuyện, Ô. Mécheri mời ĐỨC NGÀI và đoàn tùy-tùng đi xem bên trong lâu-đài Liên-Quốc. Đây là phòng Thượng Hội Liên-Quốc (Haut Conseil de L'Union), chỗ rước khách và các Văn-Phòng. Lâu-đài này rộng lớn và xứng-đáng lắm. Vừa chuyện-trò và xem các nơi kể cũng hơn một tiếng đồng-hồ, đi mỗi chỗ đều có người quay điện-ảnh. Ra về đến trú-quán gần 12 giờ trưa.
2g30 chiều Sắp đặt đón tiếp Thủ-Tướng BỬU-LỘC.
3g25 chiều Ông Minh, Tất và Tôi tiếp Thủ-Tướng, Ông Thái mặc võ-phục rước vào salon, ĐỨC HỘ-PHÁP ra khách, Thủ-Tướng cho hay vừa ở Cannes mới về, báo-cáo về việc gặp ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG . . . ĐỨC NGÀI tỏ vẻ hài lòng v/v hội-kiến của Thủ-Tướng và Quốc-Trưởng. Câu chuyện kéo dài trên một tiếng đồng-hồ.
8g30 chiều Sau khi Đức Ngài viếng Tổng-Thống René Coty cách vài hôm, Tổng- Thống gởi lại một cái thiệp mời Đức Ngài và đoàn tùy-tùng (8 chỗ ngồi) đi xem tuồng Résurrection diễn tả theo quyển sách của Tolstoi tại Opéra-Comique. Chỗ ngồi (loge Présidentielle réservée) sát bên cạnh sân-khấu, rất dễ coi.
Vì lần đầu tiên trong Loge của Tổng-Thống hôm nay lại có Thượng-Khách VN nào đến xem hát, có cả hai Ông Đạo, khán-giả lấy làm lạ đặt ống dòm coi. Vãn hát về đến nhà là 12 giờ đêm.
Từ ngày ĐỨC HỘ-PHÁP qua Ba-Lê đến nay, tất cảcác giới từ Tổng-Thống René Coty, Thủ-Tướng Laniel, Phó Thủ-Tướng Paul Reynaud cùng nhiều nhân-vật và nghị-sĩ đều tán thành ý kiến ĐỨC NGÀI và hứa lo sớm, nhưng sự thật-hành rất là chần-chờ . . . làm cho chúng tôi sốt-ruột. Vì cớ chúng tôi đến Notre Dame de Paris đem hết tinh-thần cầu nguyện cho mau kết-quả. Đến nơi, Ô. Labbe G. Lenoble thay mặt vị Hồng-Y Cai-quản họ Đạo Notre Dame và Ông Trần-Vinh tiếp rước. Cầu-nguyện xong chúng tôi đi xem nội và ngoại-dung nhà Thờ. Nơi đây còn giữ nhiều di-tích và bảo-vật quí giá. Về mặt tâm-hồn, người ta không khỏi mũi lòng khi thấy đặng mãnh cây Thập-Tự-Giá mà ĐỨC CHÚA JÉSUS bị đóng đinh và nguyên cái mũ gai. Đền Thờ này kiến-trúc từ mấy trăm năm có vẻ vĩ-đại lắm. Từ dưới lên đến nóc, cao 35 thước, còn lầu chuông, trống thì cao hơn nhiều. Tường cột xây cất toàn bằng đá núi dồi từng cục lớn chồng chất lên nhau. Mấy tấm kiếng gắn theo khuôn cửa (vitraux) nhuộm màu xinh-đẹp, chói sáng. Theo lời Cha Sở thì ngày nay người ta không tìm ra cách nhuộm màu trong kiếng như vậy nữa, nên đó là những báu-vật có một không hai.
04g 30 chiều Điện-thoại gọi . . . thì ra Thủ-Tướng BỬU-LỘC xin hầu chuyện với ĐỨC NGÀI. Chúng tôi được nghe ĐỨC NGÀI hỏi vặn lại Thủ-Tướng một câu :"MỚI KÝ RỒI HẢ". Ai nấy đều đoán biết bản Hiệp-Ước Pháp/Việt đã ký xong, đều reo mừng. Thiệt là trong đời Tôi chỉ có giờ phút này mới biết cảm-động. Khi qua đến Pháp mới biết hiệp-ước ấy chưa ký. Lúc ĐỨC HỘ-PHÁP đến viếng Ô. Laniel và P. Reynaud thì hai Ông hứa chắc với ĐỨC NGÀI sẽ ký hai bản hiệp-ước ấy trong nội ngày, riêng về phần tôi thì vẫn lo ngại vì từ trước đến giờ người Pháp không hứa với mình lần thứ nhứt. Trái lại đã hứa bao nhiêu lần rồi nhưng không có lần nào đúng hẹn. Chờ đợi 4 ngày qua. ĐỨC NGÀI liên-lạc đi viếng Tổng-Thống René Coty (có Tôi theo). Ông R. Coty cũng hứa quả-quyết sẽ ký hai hiệp-ước ấy liền và nhìn nhận chủ-quyền Độc-Lập nước Việt Nam hoàn toàn. Một tuần lễ qua chúng tôi lấy làm lo ngại vì qua đây đã 10 ngày rồi mà chẳng một kết-quả gì rõ-rệt. Còn ĐỨC NGÀI vẫn tin tưởng nơi lời hứa của ba vị cầm quyền tối cao của Pháp.
Đến lúc chúng tôi gần như thất-vọng, thình lình lại đặng tin hai vị Thủ-Tướng Laniel và Bửu-Lộc vừa ký hai bản hiệp-ước ấy thì làm gì không vui mừng?
06g 00 chiều (Nhằm 1 giờ khuya ngày mùng 5, bên mình cúng thời Tý dâng sớ cầu Thọ cho ĐỨC HỘ-PHÁP) là ngày Sinh-Nhựt của ĐỨC HỘ-PHÁP, nơi đây anh em có tổ-chức bữa tiệc tại nhà hàng Hotel George V đãi các quan-kháck Pháp/Việt và Việt-Kiều cùng Lãnh-sự các nước, tiệc mời trên 200 người đãi bánh và Champagne.
Khách tới rất đông, anh em chia nhau tiếp đón. ĐỨC HỘ-PHÁP và chúng tôi phải đi vòng vòng bắt tay nói chuyện từ nhóm này qua nhóm khác, bữa tiệc kéo dài từ 6g đến 8g. Bữa đó người ta chiếu phim lễ xuất quân và đám xác Ngài Khai-Pháp với phim chụp ĐỨC HỘ-PHÁP mấy lúc qua bên này. Phim màu rất đẹp. Các quan-khách thấy công-cuộc bên mình họ lấy làm thích lắm. Nhà hàng có làm một cái bánh thật khéo có thắp nhiều ngọn nến gọi là bánh sinh-nhựt, ĐỨC NGÀI tắt hết đèn cặm quanh vành bánh cầm dao xắt ra đem cho mỗi người một miếng.
Nhân-dịp tiếp xúc với các quan-khách chúng tôi mới hay rằng: sau khi tiếp ĐỨC HỘ-PHÁP hôm nọ Tổng-Thống René Coty viết thư cho Thủ-Tướng Laniel nói rằng tôi đã hứa với ĐỨC GIÁO-CHỦ CAO-ĐÀI rồi, xin Thủ-Tướng ký tên hai bản hiệp-ước ấy cho vừa lòng ĐỨC NGÀI. Cũng trong dịp này, mới hiểu rằng Chánh-Phủ Pháp cố ý chờ đến ngày sanh-nhựt của ĐỨC NGÀI để ký làm món quà sanh-nhựt. Nghe vậy nên sau khi lễ xong, tôi làm thơ dâng lên ĐỨC NGÀI gởi cho Tổng-Thống và Thủ-Tướng Pháp để cám ơn.
11g00 sáng Ông Huỳnh-Văn-Giỏi, cựu Hội-Trưởng Hội Tương-tế Việt-Kiều tại Pháp đến với người bạn của Ông. Hội này gồm binh-sĩ Việt-Kiều đã sang Pháp trong 2 trận đại chiến vừa qua, phần đông lập gia-đình bên này. Họ đi làm thợ trong các xưởng, có nhiều người nghèo, song vì chánh-kiến hoặc vì tư-lợi mà ít ai đoàn-kết nhau. Những Chánh-Phủ Việt-Nam kế-tiếp nhau chẳng có giúp họ phương tiện. Trái lại đôi khi chỉ biết lợi-dụng lẫn nhau mà thôi. Nhà cầm-quyền muốn tổ-chức một cuộc đón tiếp một vị Lãnh-tụ hay chánh khách nào mới qua để tuyên truyền rằng mình đặng kiều-bào ở Pháp ủng-hộ thì lại ra tiền mướn họ đi cho đông. Lắm khi máy bay tới trễ họ đòi về thì lại đút thêm tiền cầm họ ở lại. Riêng phần Kiều-bào bên này chẳng biết đoàn-kết đời sống cho nhau, nhà ai nấy ở, ai chết nấy chịu, chẳng ai biết tới ai. Người nào lao-lách có tiền thì phung-phí nhiều người lại thiếu-kém vất-vả rất thương-hại nhứt là mỗi khi có nhân-vật nào đến, họ cầu-cạnh xin giúp-đỡ làm mất hết phẩm-giá con người.
ĐỨC HỘ-PHÁP nhận thấy tình-cảnh ấy rất thương-tâm nhưng cũng đành ngậm-ngùi để tìm phương tổ-chức cho họ chớ không thể nào cho tiền giúp-đỡ cho từng cá-nhơn. Riêng tôi, tôi nhận thấy điều đó rất khó vì chỉ có đoàn-thể mới bảo-toàn nhau nổi.
ĐỨC HỘ-PHÁP dạy tôi trả lời cho hai anh em Ông Giỏi rằng khi nào có một tổ-chức nào có tánh-cách công-cộng thì ĐỨC NGÀI sẽ giúp tiền cho.
Đến 12g30 khách về.
03g00 chiều Ô. Trần Vinh ở Văn-Phòng Cao Ủy-Phủ Việt-Nam đến xem coi ĐỨC NGÀI có định đi đâu đặng Ông sắp đặt. Từ ngày ĐỨC HỘ-PHÁP sang đây đến nay, mỗi khi đi đâu Ông đều lo chu-tất. ĐỨC NGÀI cho Ông hay rằng ngày chúa-nhựt ĐỨC NGÀI sẽ viếng điện Fontainebleau.
05g00 chiều Ông Phạm-lê-Bông đến báo-cáo cho ĐỨC NGÀI hay các nhân-vật nghị- sĩ sắp đến, câu chuyện kéo dài đến 6 giờ ông mới ra về.
Tới Fontainebleau thì gần 12 giờ trưa, dùng cơm tại nhà hàng hiệu "Con Ó Đen" (Hotel L' Aigle noir), ĐỨC HỘ-PHÁP, Ông Giáo-Sư TUY và TÔI dùng đồ légumes, còn hai Ông Tá, Minh và em Cao, hai viên Công-An với lão Tài-Xế thì nhậu-nhẹt đồ mặn. Xong rồi dẫn nhau đi xem Điện, đến Điện xe du-lịch đậu nghẹt cả đường phải kiếm hồi lâu mới chen đặng chỗ, thiên-hạ dập-dìu, nam thanh, nữ tú, lũ-lượt xem Điện. Ông Công-An vào trình giấy cho vị Cai-Quản Điện và cho biết rằng có lịnh Chánh-Phủ cho Ông theo hộ-vệ ĐỨC HỘ-PHÁP xem các nơi, nên được tiếp đón một cách đặc-biệt, theo các chỗ, đến Đài hay Cung-Điện mỗi người phải mua vé (khi vô xem). Tiền đó để trả một phần chi-phí cho nhơn-viên. Người ta chen lấn vào xem không phải đẩy nhau như giựt giàn, họ tự giữ trật-tự, sắp hàng tuần-tự kẻ trước người sau. Khi vào một tốp lối 100 người thì có một nhơn-viên trong Điện dẫn đi giải-thích mỗi chỗ. Chừng xem giáp vòng rồi mở cửa cho ra. Phần chúng tôi được tiếp riêng nơi cửa cái (cửa đặc-biệt) đến trong một nhơn-viên đặc-biệt theo hầu và dẫn đi xem từng chỗ. Người thường chẳng đặng vào mà chúng tôi thì được ưu-đãi. Điện này nhỏ hơn Điện Versailles một ít nhưng rất xinh-đẹp. Đây là chỗ ở của Hoàng-Đế Napoléon ngày xưa, người ta gìn-giữ tất cả những di-tích người xưa không thiếu một vật gì dầu nhỏ mọn. Một cây viết chẳng hạn người ta cũng giữ kỷ, mọi máy móc cũng còn. Đây là phòng ngủ hoặc phòng làm việc của Napoléon lúc còn làm Nghị-sĩ; đây là phòng của Ngài lúc làm Đại-Tướng Bonaparte; đây là phòng của Ngài lúc làm Hoàng-Đế. Nào là giường ngủ mùng mền, nệm gối cho tới bàn ghế, salon, bồn tắm, thứ gì cũng sắp đặt có thứ lớp như chỗ thiệt. Chúng tôi xem từ chỗ, mỗi nơi có người đưa đi cắt-nghĩa rõ ràng: chỗ Hoàng-Đế ngự, chỗ hội-nghị, chỗ tiếp khách các Sứ Thần, phòng ăn, phòng âm nhạc, phòng khiêu-vũ, các cung-điện của Hoàng-Hậu cùng các bà Hoàng, Phòng ngủ của Hoàng Tử, cái nôi cũng còn. Về phần các Ba,ø thì cũng không biết bao nhau là phòng như: phòng ngủ, phòng tiếp khách nữ, phòng âm-nhạc, chỗ làm việc, cái bàn căng để Hoàng-Hậu thêu; mỗi mỗi đều còn nguyên, sắp đặt trang-hoàng, sách vở gìn-giữ không chút bụi. Cái phòng Hoàng-Hậu ở, lúc Đức Vua giận Bà ra lịnh ly-dị Bà, gợi lại không biết bao nhiêu trang sử về nghệ-thuật cũng như ở Versailles, bức thêu màn treo, bức thảm trải đất, những bức tranh vẽ, bàn ghế, cửa nẻo, tường, plafond, chạm-trổ rất mỹ-thuật và tinh-xảo, nước thuốc vẽ 5, 7 trăm năm, một ngàn năm rồi mà không phai-lợt chút nào. Ngắm ra sân, đầy dẫy hoa đẹp. Phía bên cạnh có một cái hồ nuôi giống cá Carpe rất nhiều không ai đặng phép câu hay bắt, nên cá sanh rất nhiều. Theo lời người dẫn đường thì giống cá ấy nuôi từ đời Napoléon tới bây giờ. Còn lời phao-truyền bên ngoài, thì những con cá có đeo chiếc plaque vàng để niên-hiệu đời Napoléon, đến nay vẫn còn, nhưng người dẫn đường nói rất hữu-lý rằng cá ấy bây giờ không thể còn vì loài cá không phải trường-sanh. Nó đã chết mất đi hồi nào, nhưng có điều chắc chắn là những con cá bây giờ là chắt, chít của mấy con cá khi xưa sanh-sản ra lưu lại. Người đi xem liệng bánh mì xuống nó giành ăn với nhau, thấy con nào con nấy rất lớn, loại cá này giống như cá chẽm của mình (thịt nó rất ngon).
Xem qua chưa mãn là 6g30 chiều. Trời mưa lâm râm, lạnh buốt người, chúng tôi lật đật về Paris, đến phòng gần 9g00.
06g00 chiều Ông Phạm-Lê-Bông đi Cannes hội-kiến với ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG về báo cáo công-việc cho ĐỨC HỘ-PHÁP nghe, đến 7g00 Ông ra về.
Điện ở gần sông Seine (Xe-nờ) một đền-đài mênh-mông rộng lớn, tưởng khi hồi xưa vua chúa trong Điện cả đời có nhiều chỗ không bao giờ để chơn tới. Điện ấy ngày nay dùng làm Bảo-Tàng-Viện (Muséùe), người ta đi xem chen chưn không lọt. Nơi đây muốn coi kỷ ít ra cũng phải mấy ngày coi mới hết, thời giờ ngắn-ngủi chúng tôi xem thoáng qua mỗi chỗ, lật-bật đã gần đến 2g00 chiều mà xem chưa hết phân nữa; vì trưa quá, Anh em bạch với ĐỨC NGÀI về nghỉ sớm khi khác đến xem tiếp. Hôm nay chỉ xem những phòng để những tượng chạm thời tối cổ mà người ta đào đặng ở các nơi gom-góp đem về nơi đây, có nhiều pho-tượng lâu đời tới mấy ngàn năm mà nghệ-thuật thời xưa thiệt là tuyệt-xảo. Người ta chạm những pho tượng bằng cẩm-thạch coi như sống có những cái hòm bằng đá (sacrophage) hay bằng cẩm-thạch chạm-trổ rất khéo, tính ra cũng có đến 5, 10 ngàn năm nay.
Chúng tôi đi lần qua những gian phòng chưng những bức họa của các nghệ-sĩ nổi tiếng hồi xưa. Nơi đây vô số bức họa linh-động, có những họa-sĩ Pháp, Việt và Ngoại-Quốc đem đồ nghề mình vào đó lựa bức họa nào họ thích rồi dọn ra đó mà vẽ.
Lật-bật gần 2g00 trưa, người dẫn đường cáo lỗi đã đến giờ nghỉ. Chúng tôi đành phải ra về hứa hẹn ngày nào rảnh sẽ trở lại xem nốt.
03g00 chiều Ông Tòa Weil đến, hẹn ngày thứ năm 10 Juin sẽ rước ĐỨC HỘ-PHÁP và chúng tôi đi Nantes.
04g30 chiều Ông Weil chưa ve,à thì có Đạo-Hữu Renard Roger, nhà ở đường Elisé Reclua số 26 Nanterre, đến thăm ĐỨC HỘ-PHÁP. Tôi tiếp Ông vào phòng bên cạnh. Ông nói rõ lai-lịch mới biết rằng Ông khi trước có ở Saigon và Biên-Hòa, nhập-môn hồi năm 1928 tại Biên-Hòa do Ông Vidat và một người bạn Việt-Nam ở Dakao tiến-dẫn và Ông Đầu-Sư Thái-Thơ-Thanh làm phép chứng đàn cho Ông nhập-môn. Ông nói rằng về Pháp gần 20 năm nay không có liên-lạc với ai trong Đạo, nay nghe tin ĐỨC HỘ-PHÁP sang Paris, Ông lật-đật tìm đến để chào mừng, tiếp chuyện với tôi một lúc, Ông Weil ra về, ĐỨC HỘ-PHÁP trở vô gặp Ông Renard Ông rất mừng rỡ và khi nghe tin Ông Thái ĐẦU-SƯ tử-nạn, Ông mủi lòng khóc tức-tửi. ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi thấy người Đạo-Hữu đã vì hoàn-cảnh phải xa Đạo gần 20 năm mà vẫn còn tâm-đạo nên cũng bùi-ngùi. ĐỨC NGÀI và Tôi để cho Ông khóc một lúc cho hả bớt tất lòng rồi mới khuyên lơn Ông và cho biết rằng từ nay ĐỨC NGÀI sẽ mở một Văn-Phòng Đạo tại Paris để Ông tiện bề tới lui với anh em đồng đạo. Tôi có cho địa-chỉ của mấy bạn Đạo để Ông tiếp-xúc. Ông năm nay lối 50 tuổi, có lẽ lai Phi-Châu, nhưng cũng giống Tây nhiều lắm, Ông hỏi thăm chuyện này đến chuyện khác và rất mừng khi nghe nói Tòa-Thánh bây giờ được đồ-sộ, ở chơi đến gần 5 giờ Ông mới từ-giả ra về.
Ông Bà giới thiệu cho ĐỨC HỘ-PHÁP nhóm đệ-tử của Ông George Roux, đây là nhóm Đại-Đạo có một Đức-Tin phi thường, theo chỗ tin-tưởng của môn-đồ cho Ông là ĐỨC CHÚA J. CHRIST giáng-sanh, nghe nói Ông có nhiều huyền-diệu lắm. Theo tôi hiểu thì Ông có khiếu tiếp điển mạnh và có lẽ vì thế mà J. Christ mượn xác Ông để truyền Đạo chăng? Họ cũng nhận Cao-Đài là cùng một mối Đạo với họ, nhưng khổ một điều là họ chẵng khác nào là các bạn Chi-Phái bên mình là đức-tin họ quá mạnh đi tới chỗ mê-tín và vì quá tin nơi Tôn-Sư của mình là trung-tâm-điểm, muốn sao cho mọi người đều tùng theo y như họvậy. Vì thế nhiều khi họ bị nhà cầm-quyền làm khó dễ bắt-bớ đánh đập là khác. Theo bài vở Các ĐẤNG dạy họ thì họ xưng là Thiên-Chúa Giáo chấn-hưng (Eglise Chrétienne Rénovée). Khổ một điều là mấy Ông này quá bôn-chôn. Thấy Các Đấng dạy rằng ngày giờ cận-mõng, cơ tận-diệt đến kề rồi, họ quính muốn chạy cho mau để cứu nhơn-loại thoát cơ tận-diệt. Họ cho rằng Thiên-Chúa-Giáo ngày nay đã thất kỳ-truyền cần phải chấn-hưng lại, rồi họ in những Thánh-Giáo và những bài-vở đã học-hỏi ra thành Báo Chí hoặc truyền-đơn và sách-vở đến trước Nhà Thờ mà phát không cho thiên-hạ đọc, gây ra sự phản-động. Nhà Công Giáo phải kêu cảnh-sát can-thiệp, đuổi họ cũng không đi, bắthì cũng không đi, cho họ là điên và đánh họ mà họ vẫn tươi cười. Họ hành-động một cách thản nhiên không ai lay chuyển đặng. Riết rồi Cảnh-Sát phải chịu thua mấy Ông và mấy Bà. Phái-đoàn họ đi đây gồm hai người: Ông Claude và Bà Jeanne Aubertin. Trụ-sở 18 rue d'Enghien. Họ mời ĐỨC HỘ-PHÁP đến viếng Tôn-Sư họ là Ông George Roux. Thấy tấm lòng quá tin-tưởng của họ, ĐỨC NGÀI hứa nếu rảnh sẽ đến viếng. Họ đàm luận với ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi đến gần 11g00 mới ra về hẹn còn trở lại nữa. Sau khi ra về Ông Đỗ-Hửu-Tấn còn cho Tôi biết thân-thế của mấy người ấy và nói rằng đám đó khi đặng Thánh-Lịnh ơn Trên dạy đi đâu thì dầu nguy-hiểm cho mấy cũng cứ đi. Họ quả-quyết rằng vưng Thánh-Lịnh thi-hành, thì không khi nào chết, mà dầu có chết đi nữa thì là về Thiêng-Liêng sớm chầu CHÍ-TÔN hưởng hạnh-phúc cao thăng phẩm-vị chớ chẵng sợ chút nào.
04g00 chiều ĐỨC-NGÀI tiếp chuyện với Trạng-Sư Huỳnh-văn-Chính tới 4g30, lúc ấy Ông Joseph Lê-Văn-Thới, Tổng-Thơ-Ký Hội Ái-Hữu cựu chiến-binh và học-sinh ở Pháp đến viếng. Tôi hỏi tiếp và mời Ông sang phòng bên cạnh. Trong lúc Tôi hỏi chuyện Ông Lê-Văn-Thới thì mới rõ rằng anh em bên nầy rất rời-rạc. Hội này ban sơ lập ra do anh em Lính tình-nguyện sang Pháp trong trận 1914-1918 (O.N.S) rồi ở luôn bên nầy lập gia-đình và làm thợ trong các xưỡng, các hãng. Lúc trước thì rất vất-vả. Thủ-Tướng Nguyễn-Văn-Tâm có cho tiền mua một căn nhà để lamø trụ-sở và một số tiền để làm căn-bản nhưng rồi ít lâu, mấy Ông trong Ban Trị-Sự làm tiêu hết vốn-liếng, hườn cốt, còn có căn nhà không, bây giờ chẳng ai tới lui nữa. Trước cảnh tượng đó ĐỨC HỘ-PHÁP không định giúp cho họ tiền bạc gì, ví dầu có giúp bao nhiêu đi nữa rồi ít lâu mấy Ông cũng làm tiêu hết.
Tuy là nói không giúp chớ nhiều Kiều-Bào lâm vào cảnh đặc-biệt, thất-nghiệp có giấy chứng hoặc đau nằm nhà thương, con đông và bịnh hoạn họ vẫn đi xin tiền trợ giúp. Muốn khỏi làm phiền lòng ĐỨC HỘ-PHÁP, Tôi bảo Ngô-Khai-Minh cho họ tùy theo trường-hợp từ 2 ngàn quan tới mười ngàn quan. Ông J. Lê-Văn-Thới tới 5g30 mới ra về.
06g00 tối Theo lời của Ông Henri Regnault, Ông Giáo-Sư TUY và Tôi đến tại nhà Ông để lập đàn Cơ cho Ông hầu, đồng tử của Ông là người Pháp. Tôi bạch với Đức Hộ-Pháp chứng phép cho hai anh em chúng Tôi đến chứng đàn, muốn cho họ đầy đủ đức-tin, Tôi xin để đồng-tử của họ. Bấy lâu, tưởng Ông Regnault có thâu đặng số Đạo-Hữu đáng kể, nào dè khi qua đến thấy rõ sự thật, ĐỨC HỘ-PHÁP rất thương tâm, song Ông có công truyền Đạo bằng mấy bài diễn-thuyết ở các Hội-Nghị Quốc-Tế về Tôn-Giáo. Hôm thăm Ông kỳ trước Tôi có khuyên Ông nên dọn bàn thờ để thờ ĐỨC CHÚA và kiếm một người cầu ƠN TRÊN về dạy cho. Ông không có đồng-tử nào, nhưng Ông hứa ráng kiếm rồi sẽ trả lời cho Tôi hay. Bữa sau tự-nhiên có một người đồng-tử quen với Ông khi trước, cách nay 11 năm, không có tới lui, nay nhớ tới Ông mà đến thăm. Ông hỏi người đồng-tử muốn gặp chúng tôi và chịu ngồi đồng chăng? Người đồng-tử vui chịu và hẹn tối nay hội tại nhà Ông.
Khi Ông Giáo-Sư TUY và TÔI đến, chỉ có Ông Regnault ra tiếp chúng tôi còn Bà Regnault hôm nay bịnh nên không có dự.
Ông dọn bàn-thờ trên mặt lò sưởi (cheminée), một tấm hình ĐỨC CHÚA J. CHRIST cỡ Carte Postale, đặt đứng xiêng xiêng với hai ngọn nến. Ngồi vào không đầy 5ph thì Ông đồng-tử và hai cô tốc-ký đến. Người đồng-tử trên 40 tuổi đàng-hoàng và có vẻ thông-minh, Ông làm chủ một phòng đấm bóp (cabinet de massage et d 'esthétique) ở tại Place du Marché Saint-Hénore. Ông, người biết Đạo nhiều hơn Regnault, ăn chay trường, trước có tu theo Đạo Ấn-Độ (Hindhouisme). Tôi giải-thích Ông mau hiểu lắm và rất tán-thành Đạo Cao-Đài, 10giờ thì khởi sự lập Đàn, Tôi đeo giây Sắc-Lịnh và đội mão trang-hoàng đến trước bàn thờ quì với ông Giáo-Sư TUY thành-tâm cầu-nguyện, cả nhà cầu-nguyện theo. Sau khi lạy xong thì lập Đàn. Đồng-Tử này nghe và nói cho Tốc-Ký viết (Médium auditif et voyant). Ông nhắc một cái ghế ngồi xây lưng vô bàn thờ, định-thần không đầy 5ph thì thở dài rồi nhắm mắt lại, hai tay để trên bắp vế và bắt đầu nói tới khi mãn Đàn. Vị đồng-tử tỉnh-táo thuật lại rằng: thấy một vị mặc đồ trắng giống như áo Đạo chúng tôi, nhưng Parements thì khác. ĐẤNG đó đến một tay để trên trán vị đồng-tử, một tay thì nắm lấy tay vị đồng-tử để vào tay tôi, rồi biểu hai người nắm lấy tay nhau và cho biết từ nay Đông Tây sẽ hiệp và dặn tôi và các anh em phải hiệp tâm nhau mà làm việc. Đấng giáng Đàn là vị Sư của đồng-tử (.. Esprit guide ) lấy tên là Père Pierre. ĐỨC HỘ-PHÁP xem bài Thánh-Giáo này khen lắm. Và vưng theo Thánh-Lịnh, Chúng tôi hẹn nhau tuần tới hội lại đây để ƠN TRÊN dạy bảo thêm. Ra về 11g30 đêm.
12g00.- ĐỨC HỘ-PHÁP kiếu-từ ra về, Đức Cha niềm-nỡ đưa ĐỨC NGÀI tận xe.
02g00 chiều Ông Tòa Weil đến mời ĐỨC HỘ-PHÁP đi Nante, hôm nay ĐỨC HỘ- PHÁP cho phép Cô BA đi theo để thăm bà Weil luôn, ĐỨC HỘ-PHÁP đi xe Cao-Ủy-Phủ với Cô Ba, em Cao và Tôi, Ông Thái đi theo xe Công-An, còn Ông Quang đi xe riêng, song xe Ông Quang vì còn chạy rodage, nên lúc ra khỏi thành Paris bị kẹt xe hết mấy phút nên chạy lạc.
Đây là một cái trại ruộng, châu vi lối trên hai ngàn mẫu, nhà nhỏ thấp, nhưng Bà Weil sửa-soạn lại, đủ tiện nghi, không thiếu món gì. Tuy làng nhỏ có lối trăm cử tri như vậy mà cũng có đủ đèn nước máy.
Bà Weil người Pháp, trên 60 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, chung với con gái và cháu, nói tiếng việt rất sành. Bà Weil có quen với Tôi khi Tôi còn làm việc tại Biên-Hòa. Bà dọn một căn-phòng theo lối người Việt cho chúng tôi nghỉ trưa.
Hôm nay mưa gió lạnh, phần đường xa 80 cây-số ngàn cách Paris, chúng tôi ở chơi đến 6 giờ mới ra về.
03g00 chiều Ông Đỗ-Hửu-Tấn đến bàn tính về việc kiếm đất và nhà tại Paris để lập Văn-Phòng và Tiểu-Thánh-Thất để có phương tiện truyền-giáo. ĐỨC HỘ-PHÁP thì muốn gần đường Métro hay là xe Autobus đặng làm chỗ trú cho sinh-viên tùng học cho tiện. Chuyện vãn một lúc bỗng đệ-tử của Ông Roux, mặc dầu ĐỨC NGÀI bận khách, nhưng cũng rước vào nói chuyện. Cậu Claude hôm trước và cậu con trai Ông Roux vừa gặp ĐỨC HỘ-PHÁP liền nói: Có Thánh Lịnh Chúa dạy ĐỨC HỘ-PHÁP phải gặp Ông Roux lập tức đúng 6 giờ chiều nay, để có phương cứu-khổ cho nhơn-sanh và Ông quả quyết rằng vận-mạng sống chết của nhơn-loại cũng do cuộc hội-kiến này.
Tóm tắt kỳ trước: Môn-đồ Ông George Roux quyết mời ĐỨC HỘ-PHÁP cho đặng để hội-kiến với Ông Roux, song ĐỨC NGÀI không thể nhận lời mời một cách đột-ngột như vậy, vì thế họ đến làm rộn bao nhiêu lần, nhưng sau cùng nhờ tài thuyết-khách của Ông HỒ BẢO-ĐẠO làm cho họ bớt nóng-nảy. Môn-đồ Ông Roux quả quyết rằng: "Dưng Thánh-Lịnh cho ĐỨC HỘ-PHÁP hay như vậy nếu ĐỨC NGÀI không đi thì trách nhiệm Thiêng-Liêng về phần ĐỨC NGÀI chịu." Tôi thấy ĐỨC NGÀI bực bội nên nói với hai vị ấy rằng: "đường đi xa trên 600km làm sao đi cho kịp 6 giờ chiều". Nào dè họ đã bao một chiếc máy bay rồi, nếu ĐỨC NGÀI ra đi trong 1 giờ là tới nơi. Giáp mặt Ông Roux, nói chuyện xong là trở về liền. Thấy họ cột buộc mãi và thấy ĐỨC NGÀI khó chịu Tôi trả lời rằng:"Thường lẽ có việc gì trọng-hệ thì ĐỨC NGÀI tiếp lịnh Thiêng-Liêng dạy NGÀI cũng như Các ĐẤNG dạy mấy Ông, nhưng kỳ này ĐỨC NGÀI chưa đặng lịnh nên chưa quyết định đặng, xin hai ông về thành-tâm cầu-nguyện và bên này chúng tôi cũng đồng nguyện thế nào cho ĐỨC CHÚA giáng lịnh ngay ĐỨC HỘ-PHÁP thì ĐỨC NGÀI sẽ đi liền và ĐỨC NGÀI cũng dám bỏ tất cả các việc làm phàm-trần để tuân-hành Thánh-Lịnh". Nói họ nghe được họ mới chịu ra về, nhưng coi vẻ họ buồn lắm. Sau khi môn-đồ Ô. Roux ve,à chúng tôi hỏi Ông Tấn:"Đệ-tử Ông Roux tiếp Thánh-Lịnh bằng cách nào?" Ông trả lời rằng: "Người con Ông Roux có khiếu như vợ tôi vậy, nhưng vợ tôi thì chỉ nghe tiếng chuông mà thôi, còn con Ông Roux đây nghe tiếng nói, dạy làm gì thì họ làm y như vậy, không bao giờ sai chạy. Họ có một đức-tin mãnh-liệt, khi có lịnh dạy làm gì dầu nguy-hiểm đến đâu, họ chẳng nao núng chút nào và quả-quyết rằng làm việc cho CHÍ-TÔN, chẵng có ai làm gì họ đặng. Có nhiều khi họ được lịnh đi gấp đến một xứ nào mà xin thông-hành chưa được, thì họ nhảy đại lên máy bay, ai muốn bắt họ thì bắt, nhưng rồi họ vẫn đi đặng như thường. Làm xong phận-sự rồi về. Chính con Ông Roux đặng lịnh qua ĐỨC làm phận-sự ấy. Mới vừa về tới thì đặng lịnh đi mời ĐỨC HỘ-PHÁP nên nó mới lo lắng như vậy. Thật ra thấy họ cũng đáng thương lắm. Nhưng ĐỨC HỘ-PHÁP làm chuyện gì cũng phải để cho NGÀI suy-nghĩ kỷ-lưỡng và thong-thả chớ không thể thúc-giục.
Lối 4g30 chuông điện-thoại reo, thì ra nhơn-viên phi-trường cho hay rằng có người bao một chiếc máy bay để rước ĐỨC HỘ-PHÁP và hỏi lại coi ĐỨC NGÀI có định đi không? Tôi trả lời rằng:"ĐỨC NGÀI đi không đặng và xin cáo lỗi". Theo lời ĐỨC HỘ-PHÁP thì Ông George Roux này cũng có sứ-mạng thiêng-liêng lớn chớ chẵng phải không và sớm muộn gì ĐỨC NGÀI cũng đến gặp Ông một lần.
5g00 chiều Ông Weil đến rước ĐỨC HỘ-PHÁP đi dự cuộc diễn-thuyết ở 'Académie diplomatique'. Xe đến thấy thính-giả đã tựu lại đông. Ông Weil giới-thiệu ĐỨC HỘ-PHÁP với nhiều nhơn-vật trọng yếu rồi vào phòng diễn-thuyết. Đúng giờ, Ông Hội-Trưởng khai mạc giới-thiệu các diễn-giả. Trước hết Đức Cha Marella Nonce Apostolique của Tòa-Thánh Vatican bên Pháp. Kế đến Ô. De la Chauvinière, Introducteur des Ambassadeurs, Chef des Services de Protocole, nói về vấn-đề 'Diplomatie, Protocole et Egalité des Etats. Sau chót là S.E. Le Comte Robert de Billy, Ministre Plénipotentiaire nói về vấn-đề 'L'ordre de Malte, préfiguration de l' armée Européenne'. Các diễn-giả đều nói rất hay, thính-giả hoan-nghinh nhiệt liệt.
10g30 trưa Về tới nhà là 11g30 làm Ông Max-André chờ hết nữa giờ. ĐỨC NGÀI lật-đật chào hỏi và xin lỗi về việc chờ lâu. Hai Ông tiếp chuyện trên một giờ mới ra về. Khi đưa, Tôi hỏi Ông về câu chuyện khi nãy, Ông tỏ vẻ hài lòng và rất tán-đồng ý-kiến của ĐỨC NGÀI về vấn-đề VIỆT/PHÁP.
4g00 chiều Ông Henri Trần-văn-Ba (Đạo-Hữu) có viết thơ thăm, hôm trước ĐỨC-NGÀI mới qua, nay Ông đến thăm và Ông là con của Ông Phan-Minh ở Saigon. Năm 1928, Ông còn nhỏ có về ở Tòa-Thánh làm đồng nhi và sau làm Thơ-Ký cho Ông Từ-Hàn của ĐỨC QUYỀN GIÁO-TÔNG buổi nọ. Ông ra khỏi xứ gần 20 năm nay và sang Pháp đến nay là 16 năm rồi.
Ông không có gia-đình, làm Chirurgien/Dentiste nhà số: 66 đường Garvès (Montouge). ĐỨC HỘ-PHÁP tiếp, Ông hết sức vui mừng và nhắc lại những ngày xa Tòa-Thánh. Ông hầu chuyện với ĐỨC HỘ-PHÁP gần 6 giờ mới ra về, và còn hứa kiếm nhà và đất để lập Thánh-Thất và chỗ cư-ngụ cho học-sinh.
Đi theo ĐỨC HỘ-PHÁP có Cô Ba, Ông Tuy, hai Ông Tá, em Cao, Ông Công-An, Ông Quang với Tôi, tất cả là 9 người. Xe nhà bữa nay còn chạy rodage lối 60-70km. Khi chạy qua phần đường đủ cây-số ngừng lại một garage cho thay nhớt, ai nấy xuống đi tới lui cho rãng chơn. Trời bữa nay lạnh hơn mọi bữa, Ông Tuy dỡ chịu lạnh nhứt, mười lăm phút sau lên đường, từ Paris qua Nancy xa 307 Km. Đường xa mà lúc nào xe chạy cũng êm như thường, như Châu-Thành Sai-Gon. ĐỨC HỘ-PHÁP ngồi xe lâu chắc mõi, liền than:"Người ta ở xa như vầy nên chi hồi đó bảo Regnault và Minh đi liên lạc với Hương-Mai, họ không đi đặng là phải (mình tưởng đâu họ ở gần nhau lắm).
Nancy ở về phía đông Paris, càng đi xa trời càng lạnh thêm. Phong cảnh lần lần thay đổi. Khi mới ra khỏi Paris đồng ruộng còn bằng phẳng, lần đến chỗ đất gò-nỗng cao-thắp không chừng. Ở vùng Paris ít thấy cây thông và bách (Pins và Sapins) mà ở đây cây thông và bách mọc lưa thưa xem đẹp mắt. Rồi tới Nancy thứ cây này lại càng đông-đặc hơn. Phong-cảnh xem giống Đà-lạt lắm, xinh đẹp vô cùng. Nơi đây người ta thích cất nhà lầu. Nhiều làng nhỏ độ vài trăm cái nhà cũng có nhà lầu hai, ba, hoặc bốn từng. Phong cảnh tốt tươi nhà ở sạch-sẽ có đủ nhu cầu đèn nước và có lẽ sung-túc lắm. Dân sự hiền lành không có một ai ham giặc, thế mà nhà cầm quyền vì chịu mạng lịnh của một nhóm tư-bản đưa những con yêu-quý của đất nước họ ra làm mồi cho súng đạn, nghĩ cũng tội-nghiệp. Có một điều mâu thuẩn trong tâm-lý họ là khi hỏi họ chịu chế-độ quân-chủ không thì họ không chịu, nhưng lúc nói chuyện với mình thì họ rất hãnh-diện mà nhắc-nhở đến các trào Vua Chúa của họ luôn. Có nhiều khi họ còn thốt ra rằng "những di-tích quí-báu trong xứ là đều của các Vua họ, chớ từ khi lập Chánh-Phủ đến giờ không có làm cái chi đặng xứng đáng hết, như thế là họ chịu ảnh-hưởng của phong-trào dân-chủ, tra cho họ một lớp võ mõng bên ngoài. Kỳ thật họ vẫn còn hoài cổ luôn luôn. Nếu một ngày kia phong-trào thay-đổi thì họ trở về quân-chủ rất dễ.
Vì cảm-xúc cảnh-vật bên ngoài mà Tôi quên nói chuyện đi Nancy. Lão Lucien, tài-xế chiếc xe của Cao-Ủy-Phủ Việt-Nam người rất thông-thạo đường sá. ĐỨC HỘ-PHÁP dặn y ghé dùng cơm chỗ nào có phương-tiện rồi sẽ đi. Lối gần 12 giờ trưa đến một đô-thị nhỏ nếu so sánh với các Đô-thị lớn bên này thì nó bé-bõng nhưng thật ra thì nó đồ-sộ không thua gì Mỹ-Tho, hay Vỉnh-Long, Sađéc bên mình. Lão Lucien đưa lại 'Auberge de L'Étoile' để dùng cơm. Tuy là Auberge ở chợ nhà quê chớ làm dĩa, bàn, muổng, nỉa, ly, tách gì họ đặt riêng chỗ lo sẵn, có nhãn hiệu tiệm đàng-hoàng chớ không phải thứ bán ngoài chợ đem về xài đâu. Chỗ này là Vitry le Francois. Hồi kỳ giặc rồi (1939-1945), ĐỨC chiếm nước Pháp thì chỗ này bị tàn phá nhiều nhứt. Nhà cửa phố-thành khác vì nhà cửa phố-thành hiện giờ đều xây dựng theo lối kim-thời, còn mấy chỗ kia thì còn theo lối xưa. Ngày nay có lẽ là ngày rước lễ Bao-đồng (1ère Communion) nên dọc đường gặp nhiều đám đồ Lễ trắng đi nhà thờ. Chúng tôi gặp một gia-quyến xúm nhau đến nhà hàng làm tiệc ăn mừng. Chúng tôi thấy vui vui cũng qua chúc mừng. Họ lấy làm sung-sướng chào hỏi lại chúng tôi coi tình thân mật, chúng tôi cũng có quây phim bữa lễ của họ để kỷ-niệm, còn phần họ cũng chụp hình đứng chung với chúng tôi. Tuy là gặp gở giữa đường trong chốc lát nhưng khi ra đi có tình quyến-luyến lắm. Thật rõ ra Người Pháp ở Chánh-quốc có khác hơn ở Đông-Dương.
01g30 Từ đây đi Nancy tuy không có núi non chớn-chở song nhiêu gò nổng cao thấp gộp thành những núi con con tạo ra một phong cảnh thiệt là xinh-đẹp, đường quanh-co uốn lượn, tài-xế phải dè dặt mới tránh đặng rủi ro. Có một chỗ giây chằn-chịt trên không trung băng ngang đường, mà trên giây những thùng vuông vuông, lớn bằng ba bốn thùng đựng hồ chạy qua chạy lại. Hỏi ra mới biết nơi đây là nhà máy làm thạch-cao (Plâtre), những chỗ lấy đá vôi để hầm ra thạch-cao thì ở xa nên họ đặt máy điện chở chuyên những thùng đá vôi đưa từ hầm đá tới lò. Hai đầu có hai tốp cu-li làm, hễ lấy đá đầy thùng rồi thì cứ để lên máy, giây điện rút thùng ấy chạy ra đầu kia trút ra. Vì vậy mà ta thấy lủ-khủ thùng treo lẳng-lơ trên giây sắt, cái thì chạy qua, cái thì chạy lại rất ngộ-nghĩnh. Gần tới Nancy hai bên vệ đường phía ven rừng những nhà trại cất lúp-xúp có treo cờ Mỹ, đây là trại quân-đội Mỹ còn đóng để phòng-ngừa sự bất-trắc có thể gây ra chiến-tranh miền này, vì Nancy ở gần biên-giới Pháp/Đức. Đường từ Vitry le Francois tới Nancy lối 130 km ngàn, đến là 3g30 chiều, nhà Bà có đủ salon, phòng ăn, phòng ngủ, nhà bếp, nhà tắm. Bà Lễ-Sanh Gobron ở một gian nhà như vầy trên từng lầu thứ tư mà người ta thường gọi là (appartement). Bà Gobron ở chung với người em gái Mademoiselle Schmit và hai cháu Hiển và Kiển. Bà Schmit năm nay đã 56 tuổi, không chồng từ nhỏ. Bà Gobron năm nay 57 tuổi, đến thình-lình không có đánh dây thép trước, nên khi kêu cửa nội nhà gặp mừng đến đổi hai chưn phát run. Bà Gobron bảo em Hiển đánh điện-thoại lại sở vệ-sanh mời Bà Schmit vì Bà làm việc nơi sở này; còn vài năm nữa sẽ được hưu-trí. Bà Gobron thì ở nhà lãnh đồ may. Căn nhà Bà có một cái phòng vừa làm salon vừa làm phòng ăn luôn, một cái phòng nhỏ để làm phòng học cho hai cháu, tính ở chơi tới khoảng 6, 7 giờ sẽ trở về Paris, nhưng khi tính cáo-từ thì hai chị em Bà Gobron cầm lại dùng cơm với hai Bà. Thấy tấm lòng hai Bà quá ân-cần nên chúng tôi nể lời ở lại sơi cơm.
Châu-thành Nancy cũng là đồ-sộ lắm, nhưng nhà cửa nguy-nga lớn đẹp, cất năm bảy từng. 'Place Stanislas' là đài kỷ-niệm. Ông Stanislas ngày xưa cách nay lối 600 năm, Ông đã xây dựng thành Nancy này. Đài kiến-trúc hoa-my,õ bốn phía đều có cửa sắt thếp vàng thiệt đẹp, ban đêm đốt đèn xem còn đẹp hơn thập-bội. Xe chạy vòng nội-thành, nghĩa là thành cũ, mà thời xưa mỗi thành đều có đào hào chung quanh, xây cách bốn phía, có bốn cửa vào thành, ngày bỏ điếu-kiều xuống để đi, đêm thì rút điếu-kiều lên để ngừa quân giặc xâm-chiếm. Ngày nay vách thành phá đổ và hào đã lấp hết, nhưng bốn cửa thành vẫn còn nguyên-vẹn và đồ-sộ lắm, có một cái cửa còn khắc hiệu năm xây thành, tính ra đến năm nay có lối 600 năm rồi. Nơi đây mua bán sung-túc có những chi-ngánh của mấy magasins lớn ở Paris, như những hiệu Printemps, Samaritaine chẵng hạn. Tuy lànơi chi-ngánh chớ thật ra thì nó cũng xấp xỉ với hiệu Courtinet và em em Magasins Charner bên mình. Nơi đây cũng có trường Đại-Học (Cité Universitaire) và nhiều trường lớn. Có một salon de Coiffure (phòng hớt tóc) của người Việt gốc Bạc-Liêu. Tuy nói phòng hớt tóc chớ bên này phải vốn liếng lớn lắm mới dựng nổi. Ra ngoài thành lên trên một cái đồi cao dòm xuống thấy Châu-thành Nancy ở giữa một cái trủng, bốn phía đều là đồi cao. Đứng trên dòm xuống trông ngoạn mục lắm. Rão dài theo mé đồi xem hoa rừng xinh-đẹp mọc đầy. Về đến nhà là lối 7 giờ rưởi, dùng cơm xong là gần 9 giờ. Chúng tôi từ giã ra về, hai Bà và hai cháu xem bộ quyến-luyến đưa xuống tận xe.
Trời đã sậm tối, xe ĐỨC HỘ-PHÁP chạy trước xe ông Quang. Theo ý chúng tôi thì tính cho ĐỨC HỘ-PHÁP ngủ một giấc về tới Paris không ngờ ĐỨC NGÀI sợ lão chauffeur ngủ gục nên thức nói chuyện chọc cười nôn ruột, dặn chừng lão Lucien đừng ngủ gục. Vì lão Công-An ngồi kế bên sẽ làm giấy phạt. Ai dè xe chạy một lúc thì lão Công-An ngủ trước. Ai đời thiên-hạ ngủ gục thì thường gục tới phía trước còn lão Công-An này lại bật ngữa ra đàng sau? ĐỨC NGÀI cười lớn viên Công-An giựt mình thức dậy. Tôi liền hỏi Ông bây giờ ai làm biên-bản phạt ai? Nãy giờ lão Lucien làm biên-bản Ông mấy lần rồi. Gần 12 giờ khuya xe tới Vitry le Francois, hiệu cơm Auberge de L'Éùtoile vì khuya quá nên họ đóng cửa, Lão Lucien cho xe chạy vòng Châu-Thành kiếm đặng tiệm còn mở cửa ghé vào uống café rồi mới ra đi. Trời khuya quá, Tôi mòm ngủ tự hồi nào, nhưng vì trong bụng cũng hơi sợ sợ nên lúc ngủ lúc thức. Xe về đến phòng là 4 giờ.
11g00 Có Ông Trần-Văn-Tùng xin ra mắt ĐỨC HỘ-PHÁP, nhưng vì ĐỨC NGÀI còn mệt nên tôi tiếp thế. Ông Tùng là một nhơn vật có biệt-tài, viết sách rất hay, phần nhiều sách của Ông viết đều được Hàn-Lâm-Viện Pháp chấm thưởng. Ông mới xuất bản sau nầy hai quyển Nhan-đề: 'Le Việt-Nam et sa Civilisation' (Xứ VN và nền Văn-Minh của nó) và cuốn : 'Le Việt Nam immortel' (Xứ VN bất-diệt). Cuốn thứ nhứt đặng Hàn-Lâm-Viện chấm thưởng (Couronné par L'Académie Francaise) Ông đến trình mấy cuốn sách mới của Ông và xin mua giúp. Tôi có lấy mỗi thứ 5 cuốn và giúp số tiền ủng-hộ. Ông nói chuyện đến gần 12 giờ mới ra về.
3g00 chiều Ông Mécheri (Tổng-Thơ-Ký Liên-Hiệp-Pháp) Sécrétaire Général de L'Union Francaise đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP. Ông Minh và Tôi đón tiếp. Ông là tay kiện-tướng binh-vực cho nền Độc-Lập VN và rất có cảm tình với ĐỨC HỘ-PHÁP. Hai nhân-vật gặp nhau chuyện vãn thân-mật và câu chuyện kéo dài hơn 4 giờ Ông Mécheri mới ra về.
5g00 Ông Hà-Minh-Tự (làm ở Việt Nam Presse) đến. Tôi tiếp chuyện với Ông đến 5g30.
5g30 Vừa đưa Ông Hà-Minh-Tự thì Ông Gustave Meillon (người đang soạn viết một cuốn sách về Đạo Cao-Đài) đến. Tôi tiếp Ông và trả lời cho Ông những chỗ Ông còn thắc mắc hoặc còn chưa rõ. Mỗi mỗi Ông lấy viết biên rành mạch. Hơn một giờ Ông ra về và tỏ lời cám ơn.
03g00 Cậu Nguyễn-An-Mỹ (Con của Nguyễn-An-Ninh) đến báo-cáo công-việc cho ĐỨC HỘ-PHÁP rõ . . .
04g00 chiều Ông Bảo-Thế bữa nay mạnh, nhưng còn ốm nhiều đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP báo-cáo cho ĐỨC HỘ-PHÁP nhiều việc quan-hệ mà Ông đã thâu thập được trong những cuộc tiếp xúc của Ô. với nhiều nhơn-vật.
05g00 Ông Phạm-Lê-Bông đi Cannes mới về, đến viếng ĐỨC HỘ-PHÁP và báo-cáo công-việc của Ông mới tiếp-xúc với ĐỨC-QUỐC-TRƯỞNG. Tình-hình bên nầy lúc nầy rối-rắm lắm, bên Chánh-Phủ Pháp thì (trang 42 hàng 4 XXX bị mất chữ) Nội-Các Laniel đổ, Thủ-Tướng Mandès France lên, còn đang lập Nội-Các. Bên Việt Nam Thủ-Tướng Bửu-Lộc từ-chức và ĐỨC-QUỐC-TRƯỞNG định đưa Ngô-Đình-Diệm lên thay thế. Nói chuyện đến gần 7g 00 Phạm-Lê-Bông ra về.
09g00 tối Theo lời hẹn kỳ-trước hôm nay Anh Giáo-Sư Tuy và Tôi trở lại nhà Ông Henri-Renault để gặp các bạn Đạo mới quen. Gặp nhau mừng rỡ, chuyện-vãn thân-mật như tình ruột thịt. Ông bạn Raoul Chabrol có đem cho mấy số báo 'Les amis spirituel', mới hay Ông ta là Hội-Trưởng của Hội 'Les amis Spirituel' và Mme Baus (spelling) là Tổng-Thơ-Ký của Hội. Mỗi tuần-lễ họ có tổ-chức cuộc diễn-thuyết chiều chúa-nhựt từ 3 đến 6 giờ, họ có mời Tôi chiều chúa-nhựt đến dự đặng họ giới-thiệu cho tất-cả mọi người. Tôi nhận lời. Chuyện-vãn một hồi lâu rồi mới khởi cúng và lập Đàn như kỳ trước. Lần này chúng tôi cũng nhận đặng một bài Thánh-Giáo rất hay mà hôm Anh Tuy và em Cao về 11g30. Sáng mới báo-cáo lại cho ĐỨC NGÀI hay.
11g trưa Ông Đoàn-Bửu-Giám, Hội-Đồng Liên-Hiệp-Pháp hầu chuyện với ĐỨC NGÀI đến gần 12 giờ. Ông tỏ vẻ rất hài-lòng và thán-phục ý-kiến ĐỨC HỘ-PHÁP. Trời bữa nay nắng tốt, thiên-hạ đua nhau ra đường phơi nắng vì quanh năm lạnh nên họ thấy nắng là mừng.
04g30 chiều Vị Đại-diện của Đại-Sứ Mỹ (Ambassadeur) ở Paris đến viếng ĐỨC NGÀI, chúng tôi tiếp và giới-thiệu với ĐỨC NGÀI. Câu chuyện kéo dài đến gần 6 giờ mới mãn. Chưa hiểu nói chuyện gì, song hai Chánh-khách có vẻ lạc-quan. Chiều bữa nay Thủ-Tướng Mandès France trình-diện với QUỐC-HỘI để bỏ thăm tín-nhiệm (vote de confiance). ĐỨC NGÀI nghe vô-tuyến truyền-thanh, rõ ra hội bỏ thăm tín-nhiệm với 419 thăm thuận chỉ có 27 thăm nghịch. Chánh-Phủ Pháp ngày nay đã quyết-định con đường đi của mình và đặt trọn tín-nhiệm nơi Tân Thủ-Tướng và Ông này lại quả-quyết vấn-đề ở Đông-Dương trong một tháng phải cho xong bằng không sẽ từ-chức.
3 giờ 30 chiều Ông Đỗ-Bá-Thế đến gặp hai Ông Hổ và Thìn. Mấy Ông quen biết nhau từ lâu. Ông Thìn lại có dịp cứu Ông Thế khỏi chết lúc thời-kỳ hổn-độn 1945.
4g chiều Trong lúc 3 Ông này đang bàn luận về Ông Ngô-Đình-Diệm thì có Ông Trần-Tấn-Thành là đại-diện của Ông Ngô-Đình-Diệm. ĐỨC HỘ-PHÁP tiếp Ông Trần-Tấn-Thành tại phòng khách. Đại-ý Ông Thành đến để thay mặt cho Ông Ngô-Đình-Diệm chào ĐỨC HỘ-PHÁP và thỉnh ĐỨC NGÀI đến tại Hotel Royal Nalesberbe gặp cụ Tân Thủ-Tướng vào 9 giờ sáng ngày mai. Đồng thời Cụ NGUYỄN-ĐỆ (Đổng-Lý Văn-Phòng ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG) lại cho hay rằng ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG ở Cannes vừa về Paris, sẽ tiếp ĐỨC NGÀI vào khoảng 10 giờ tại Plaza Hotel.
5 giờ chiều Ông Trần-Tấn-Thành vừa ra ve,à thì có hai nhà báo Đức, do Ông Hồ-Bá-Thế giới-thiệu, đến phỏng-vấn ĐỨC NGÀI về ĐẠO. NGÀI giải-thích cho họ nghe rất chú-ý biên từ đoạn. Ông Đỗ-Bá-Thế còn dè-dặt sợ e mấy Ông hiểu không rõ viết sai với ý-nghĩa của ĐỨC NGÀI, nên dặn hai Ông phóng-viên ấy sau khi viết bài phải đưa cho Ông xem lại rồi mới đặng phép đăng, họ rất bằng lòng. Họ xin chụp ảnh ĐỨC NGÀI để làm bìa báo rồi kiếu từ ra về và tỏ lòng cám ơn ĐỨC HỘ-PHÁP về lời chỉ-giáo.
9giờ tối Chúng tôi đi xem hát Nhựt-Bổn, gánh hát mới vừa sang Paris bằng máy bay. Họ diễn-kịch ngắn về phong-tục ở Nhựt trong bốn mùa. Mùa Xuân hoa-đào đua nở, cô gái quê có điệu múa uyển-chuyển vô cùng. Mùa Hạ đi cấy, một tốp Đào giả đi cấy với những điệu múa ăn rập nhau, coi thật ngoạn-mục. Mỗi cô cầm một cặp sanh và giả bộ đi cấy, mỗi bước tới là cúi xuống cấy lại nhịp sanh và hát như điệu đi cấy bên Nhựt. Mùa Thu lại là mùa trồng, múa đèn và múa lân, nhứt là múa lân làm cho ĐỨC NGÀI cười ngất nhớ lúc mấy em múa Long-Mã ở Tòa-Thánh. Ngoạn mục nhứt là điệu múa lụa, nhắc tích bên Nhựt mùa nhuộm lụa, nhuộm xong đem nhúng xuống dưới một cái suối linh cho màu sắc đừng phai. Kịch này có 6 cô Đào tha thướt, họ giủ lụa như sóng gợn mà không lúc nào đụng chạm nhau hay là rối lại, đến 11 giờ là vãn hát.
10 giờ sáng Sau khi nói chuyện với Thủ-Tướng, ĐỨC NGÀI đi viếng ĐỨC QUỐC- TRƯỞNG. Có ông Đổng-Lý-Văn-Phòng là NGUYỄN-ĐỆ đưa đi. QUỐC-TRƯỞNG tiếp ĐỨC HỘ-PHÁP nơi phòng riêng còn Ông Đệ và chúng tôi chuyện vãn tại phòng bên cạnh. Câu chuyện kéo dài đến 11 giờ, ĐỨC NGÀI vừa ra đến ngưỡng cửa thì lại gặp Ông Thượng-Sứ Dejean ở Việt Nam mới về và cũng đến chào ĐỨC QUỐC-TRƯỞNG. Gặp ĐỨC HỘ-PHÁP thình lình hai nhân-vật mừng rỡ chào từ giã và hẹn ngày tái-ngộ. Dự-bị chúa nhựt đi Normandie, ra bờ biển Dauville và Trouville xem chỗ Quân-Đội Pháp đổ-bộ trở về nước, đánh đuổi quân Đức. Nơi đây có đài kỷ-niệm và mỗi năm đến ngày ấy thì có làm lễ long-trọng.
3g00 chiều Mấy bạn tụ-họp đi dạo chơi. Anh Tuy vì không đặng khỏe nên vắng mặt còn tôi vì có hẹn với các bạn Đạo dự cuộc diễn-thuyết hằng tuần mỗi chiều chúa nhựt của nhóm 'Les amis Spirituel' từ 3 giờ đến 6 giờ, vì ở Pháp ít người biết Đạo Cao-Đài lắm. Đi Normandie kỳ này, Anh Bảo-Thế có tham-gia đi hứng gió biển. Đêm thứ ba nghỉ tại bãi biển và sáng chúa nhựt đi xem phong-cảnh.
3 g chiều Theo lời ước hẹn với Raoul Chabrol, tôi kêu xe Taxi đi dự hội. Theo ý bạn Chabrol thì không muốn cho tôi tới sớm. Để chờ khởi hội lối nửa giờ, các thính-giả yên-lặng thì sẽ đến, đặng họ rước vô (đánh mạnh về tâm-lý quần-chúng, créer un choc pshychologique). Còn riêng phần tôi thì lại muốn đến sớm để cùng Anh-Em thân-mật chuyện vãn. Vì vậy mà chưa 3 giờ tôi kêu xe đi rồi, té ra rỉ khiến tôi bất ý không xem cái giấy mời cho kỹ, nên lại nhà của bạn Chabrol (hội quán của nhóm 'Les amis spirituel' thấy vắng tanh, nhận chuông chẵng thấy một ai trả lời. Tôi ngờ là họ đi trễ, không dè chờ hoài chẵng thấy dạng người nào. Người ta gạt mình chăng, hoặc mình xem lộn địa-chỉ? mò túi kiếm cái giấy mời, thì ra bỏ quên ở nhà. Tôi đành trở về phòng xem cái giấy lại, thì té ra người ta mời tại nhà hội Musée Social ở đường Lascase, số 5. Lật đật đến nơi là hơn 3g rưởi. Cuộc hội đã khởi hồi 3 giờ, Tôi vừa đến thì đã có Bà Baus đón sẵn rước vào và bạn Chabrol, khi mới nhập hội, đã báo cáo cho toàn thính-giả hay rằng một lát nữa sẽ có một chức-sắc Đạo Cao-Đài đến, vì vậy mà người ta trông-ngóng, Khi tôi đến thì bạn Chabrol (là Chủ hội) mời tôi lên trên diễn-đài, ngồi chung với các diễn-giả khác. Lúc ấy thì có Ông René Emmanuel đang diễn-giải về vấn-đề: một thế giới huyền-bí ghê sợ và hiển-hiện là hiện-tượng của tư-tưởng (Un monde mystérieux redoutable et vivant clui des Formes-Pensées) Diễn-giả tả một xác thật những tư-tưởng chúng ta đều biến hình rõ-rệt, có thể chụp-hình được và có thể ảnh-hưởng tốt hoặc xấu đối với cả vũ-trụ và tư-tưởng người khác. Ông đưa những hình tư-tưỡng đã chụp được cho thính-giả xem coi và kết-luận khuyên tất cả mọi người phải giữ tư-tưởng mình cho thanh-cao, trong-sạch và tốt-đẹp, vì lằn tư-tưởng chúng ta phóng ra là một luồng điện đi ra gây những làn sóng điện bay dội khắp vũ-trụ. Nếu phần đông nhân-loại phóng ra những tư-tưởng xấu-xa, ác-nghiệt thì sẽ có một làn ác-khí xông lên không-trung và khi nó dội xuống nó sẽ gây ra không biết bao nhiêu tai-hại, còn nếu phần đông nhân-loại có những tư-tưởng lành thì sẽ gây ra một khối điển lành đem lại hạnh-phúc cho nhân-loại. Thiệt là một bài diễn-văn có thể gọi là bài thuyết-đạo rất khoa-học vô cùng. Thính-giả hoan-nghinh vỗ tay khen ngợi. Sau khi diễn-giả dứt lời bạn Raoul Chabrol đứng lên giới-thiệu Tôi cho các diễn-giả và cho toàn thính-giả. Tôi vừa đứng dậy thì thiên-hạ vỗ tay hoan-nghinh nhiệt-liệt làm cho tôi phải định Thần hết một phút. Tiếng vỗ tay dứt rồi tôi mới để vài lời chào và cảùm ơn toàn cả thính-giả và giải-thích sơ chủ-nghĩa của Đạo là đem tình thương-yêu vô-tận của ĐỨC CHÍ-TÔN gieo rải khắp nơi để đem Hòa-Bình và hạnh-phúc cho nhân-loại. Tôi vừa dứt lời thì công-chúng lại vỗ tay. Một lần nữa tôi thú-thật vì bữa nay quá cảm-xúc nên tôi nói không có gì hay lắm. Nhưng không hiểu Các ĐẤNG làm thế nào mà Tôi nhận thấy rằng khi tôi vô là họ đã cảm mến rồi. Về sau Bà Baus là vị Tốc-ký-viên cho tôi biết rằng có nhiều Bà già cảm-động đến ra nước mắt. Sau đó là tới phiên Cô Nữ Trạng-Sư tên Monique Marseille nói về vấn-đề 'Phụ-Nữ và Văn-Chương' và sau rốt là Bạn Chabrol nói về 'sự tương-phản trong con người', giải-thích sự tranh-đấu giữa lương-tâm và tà-tâm được công-chúng hoan-nghinh lắm. Nhơn-dịp nghỉ xả-hơi 10 phút sau lúc cô Monique Marseille diễn-thuyết, Tôi bước xuống diễn-đài đi chào nói chuyện với nhiều người họ tỏ vẻ cung kính và cảm-động. Giải-thích Đạo Cao-Đài cho họ nghe họ rất chú-ý và vui mừng.
Nơi diễn-đài này có thể làm nơi truyền-bá Đạo rất tốt, bên này có trọn quyền tự-do hội-họp và ngôn-luận màBạn Chabrol của chúng ta lại là Hội-Trưởng, lại thêm có Bà Bạn Baus là Tổng-Thư-Ký trong hội. Cuộc gặp gỡ bữa nay đem lại một kết-quả bất-ngờ, sau khi bế mạc Bạn Chabrol ngỏ ý rằng chiều thứ bảy tới nhằm 26 Juin là buổi họp chót của Hội, Ông sẽ đi nghỉ hè, nên ước ao sao Tôi trở lại, nếu có thể đặng, thì xin thỉnh ĐỨC HỘ-PHÁP đến chủ-tọa buổi hội ấy cho thêm phần long-trọng. Tôi trả lời, phần Tôi thì xin hứa chắc còn phần ĐỨC HỘ-PHÁP, thì xin để ngày thứ hai 21 Juin ĐỨC HỘ-PHÁP tiếp Bạn Chabrol, thì dịp ấy sẽ thỉnh ĐỨC NGÀI, coi ĐỨC NGÀI định lẽ nào. Tôi bắt tay thân-mật kiếu-từ ra về đến phòng là 6 giờ rưởi chiều.
7 giờ chiều Ông Colonel Grimaldi (trước ở Tây-Ninh) mới từ Việt Nam về đến chào ĐỨC HỘ-PHÁP đặng sáng ngày sang Maroc. Ông báo-cáo công-việc bên nhà cho ĐỨC NGÀI hay và hầu chuyện đến gần 8 giờ mới ra về. Thấy tình-cảnh nước nhà rối-rắm, ĐỨC NGÀI rất bực-trí về vụ thay đổi bất-ngờ, vì cớ nên trước khi ĐỨC NGÀI đi Dauville thì đã đọc cho tôi viết bức thư gởi về cho Hội-Thánh dạy hành-động theo sở-kiến của ĐỨC NGÀI, sau khi ĐỨC NGÀI ký tên thì liền Ông TUY, TẤT, và em CAO được lịnh sắm sửa ngày mai (21) trở về xứ gấp để lo việc tiếp rước Cụ NGÔ-ĐÌNH-DIỆM. Mấy Ông được lịnh thình-lình coi bộ bở-ngỡ tất cả, nhưng rồi không chần-chờ mỗi người sắp soạn valise cho kịp ngày lên đường.
3 giờ chiều Ông Đỗ-Đức-Hổ đến rước ĐỨC HỘ-PHÁP đi xem đất và nhà để làm trú- quán-sinh (Foyer des Étudiants Caodaistes) Ông dẫn coi một ngôi nhà rộng lớn đến 100 phòng, có đất rộng làm sân-banh và chỗ tập thể-dục mà giá có 11 triệu quan tây tức là 1.100.000 bạc Đông-Dương . Đất và nhà gần Phi-trường Orly mà giá rất rẻ, sợ e chỗ bị đuổi, về sau hỏi thật lại thì quả là chỗ bị đuổi nên phải bỏ luôn. Ông cũng dẫn đi xem một chỗ khác, ngang dinh Quốc-Hội nhưng lại rủi là chỗ này vừa bán xong trước đây chừng một tháng.
6 giờ chiều Theo lịnh ĐỨC HỘ-PHÁP phái chúng tôi đến Thủ-Tướng Phủ bàn về vụ tiếp đón tại SaiGon, ba Ông TUY, TẤT và MINH đi viếng Thủ-Tướng NGÔ-ĐÌNH-DIỆM và được tiếp trong 10 phút.
7 giờ chiều Bạn Raoul Chabrol và hai mẹ con Bà Baus đến chào ĐỨC HỘ-PHÁP và được ĐỨC NGÀI tiếp chuyện một cách thân-mật làm cho mấy bạn cảm-động quá đến đổi rưng-rưng nước mắt. Bạn Raoul Chabrol ngỏ ý thỉnh ĐỨC HỘ-PHÁP chiều thứ bảy 26 Juin đến chủ-tọa cuộc hội mãn năm, trước khi đi nghỉ hè, tại Musée Social. ĐỨC HỘ-PHÁP nhận lời họ mừng hết sức và kiếu từ vào khoảng 8 giờ.
8 giờ chiều Bạn Chabrol vừa ra, có cha Hoàng-Quỳnh đến chào ĐỨC HỘ-PHÁP và bày-tỏ tình-hình bên xứ vì Ông mới qua tới. Ông tỏ ý lo ngại cho Bùi-Chu, Phát-Diệm, số phận rất mỏng-manh không biết phương nào bảo-vệ và sang Pháp có ý gần Quốc-Trưởng để bày-tỏ tình-cảnh đau-thương của tín-đồ Công-Giáo ở Bùi-Chu và Phát-Diệm Ông. Ở nói chuyện đến hơn 9 giờ mới ra về.
3 giờ chiều Chúng tôi đưa ba Ông lên đường về Việt Nam.
9 giờ 10 phút tối Máy radio kêu bộ-hành đi chuyến máy bay nầy vô sân và lên máy bay. Ai nấy kéo đi hết, còn một mình Ông Bảo-Thế tới sau vì dùng cơm chưa xong. Theo phép ở đây người đi đưa không đặng vô sân bay. Họ có làm một cái hàng rào ngang, mình đứng ngoài dòm vô thấy ba Ông xách valise từ từ trong cửa bước ra, lại cầu thang dòm trở lại và ngoắt chúng tôi, mấy anh em cũng ngoắt lại, lòng thấy nao-nao. Bộ-hành vào trong cửa đóng lại, máy bay từ từ chạy mút đầu đường xa rồi đậu chờ đúng giờ lấy trớn bay đi.
12 giờ trưa Hai vợ chồng Ông Pech (Người chụp hình cho ĐỨC HỘ-PHÁP) đem phim chiếu thử cho ĐỨC HỘ-PHÁP xem và xin chụp một bức ảnh mặc Tiểu-Phục vàng có áo choàng để đăng báo.
X giờ chiều Ông Minh ra phi-trường đưa Thủ-Tướng Ngô-Đình-Diệm lên phi-cơ về nước. Tôi bữa nay cũng còn phải đi hầu đàn tại nhà Ông Henri Renault. Nghe ra cuộc tiễn đưa Thủ-Tướng với số người lưa-thưa lắm.
X giờ tối Tôi đến nhà Ông Henri Regnault như thường lệ và tới trước Bạn Chabrol và Bà Baus lối 5 phút. Chúng tôi mừng nhau và nhắc chuyện hôm chúa nhựt. Bà Baus và Bạn Chabrol muốn rằng thứ bảy tới có ĐỨC HỘ-PHÁP sẽ đặng thành-công to. Vì thời-cuộc đang gay cấn, Thủ-Tướng Pháp Mandès France muốn cầu hòa với Việt-Minh nên định chia đôi nước Việt. Tôi cũng hơi lo nghĩ và mấy bạn Pháp cũng mong chấm dứt chiến-tranh vì họ chán ngán lắm rồi. Khi nhập đàn thì cũng Père PIERRE về. Bạn Chabrol nói 'Thấy Cha Pierre đi với một vị Chức-Sắc Cao-Đài và có tiên-tri rằng bữa thứ bảy tới đây chúng tôi sẽ lấy làm lạ mà nhận thấy rằng những bạn Đời bạn Đạo cùng luôn cả thính-giả sẽ cảm-động vô cùng, sẽ hiểu chúng ta và thương chúng ta. Ông còn dặn gạch đít hai chữ 'Vous aimeront'. Lời tiên-tri này bữa thứ bảy thiệt-hiện y như vậy, để đến ngày ấy Tôi tường-thuật rõ hơn, về việc chiến-tranh Ông bảo chớ nên lo sợ và cũng gạch đít chữ 'soyer sans inquiétude'. Đến 11 giờ bãi đàn ai nấy vui-vẻ ra về, nghỉ ngơi và trông đến ngày kết-quả.
11 giờ trưa Cụ DƯƠNG-HỒNG-CHƯƠNG, Cao-Ủy Việt Nam ở Pháp, đến chào ĐỨC NGÀI và chúc ĐỨC NGÀI đi Génève gặp nhiều may mắn. Ông nói chuyện đến 12 giờ mới ra về, đằng này chúng tôi dùng cơm và sửa-soạn valise đồng thời đổi tiền Suisse.
2 giờ trưa Chúng tôi sắp-sửa khởi-hành ra phi-trường, nhưng ĐỨC NGÀI nghe nói máy bay 3g30 mới cất cánh, nên nán lại đợi 2 giờ rưởi sẽ đi. Đúng giờ,ø bị kẹt xe thành thử khi tới phi-trường Orly là 3 giờ 10 phút. Vừa đến, là nghe radio kêu hành-khách đi Génève ra sân, Tôi và Ông Millot (viên công-an) lật dật chạy vô ghi giấy thì người làm nói trễ giờ rồi, để tôi làm mau cho, nhưng khi đem giấy vô cho Ông chủ thì Ông không chịu ký. Ông Millot và Tôi vô tận Văn-Phòng yêu-cầu, mà Ông một mực chối-từ. Nói riếc, Ông bỏ đi chỗ khác. ĐỨC HỘ-PHÁP chờ mãi tới chừng còn 5 phút nữa máy bay lấy trớn, cùng-cực chúng tôi bạch cho ĐỨC NGÀI hay, ĐỨC NGÀI ra lịnh đi về, ai nấy đều phàn-nàn Ông chủ phi-trường sao quá gắt-gao. Về đến nhà chưa kịp thay đồ thì chúng tôi nghe điện-thoại bên Génève kêu hỏi sao máy bay đã tới mà không thấy ĐỨC HỘ-PHÁP, Tôi liền trả lời vì bị nhiều trắc trở nên qua không đặng và xin anh em cảm phiền. Đường hàng không Paris-Génève trên 600 km, máy bay đi chỉ có một giờ đồng hồ. Chúng tôi vừa về tới nhà thì máy bay cũng tới Génève.
3 g00 chiều Ông Mancio người Ý ra mắt ĐỨC HỘ-PHÁP và đề-cập đến vấn-đề sang Rome viếng ĐỨC GIÁO-HOÀNG. Ông chưa bao giờ đến xứ Việt Nam mà học tiếng Việt Nam rất giỏi. Ông hỏi Tôi làm gì trong Đạo, tôi nói là Bảo-Đạo thì Ông hỏi liền là Protecteur de la Religion. Chuyện nghe cũng lý-thú, vì từ trước đến giờ người ta học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tàu chớ ít nghe người ngoại-quốc không cần du-lịch mà cũng sành tiếng Việt Nam.
4 g 00 chiều Ông Trung-Tướng Nguyễn Văn Xuân đến thăm ĐỨC HỘ-PHÁP được đàm luận riêng đến 5 giờ Ông mới ra về.
9 g 00 tối ĐỨC HỘ-PHÁP và chúng tôi sẽ đi dự hội chung niên của nhóm 'Les Amis Spirituel' của bạn Chabrol. Ông Bảo-Thế và Ô. Thái cùng đi với ĐỨC HỘ-PHÁP và tôi. Theo sự sắp-đặt của bạn Chabrol thì khởi mở hội đúng 9 giờ. Nhưng chúng tôi đợi tới 9 giờ15 phút mới khởi-hành và đến 9 g 25 tới Musée Social. Vừa đến, có Madame Pech đón chụp hình và Mme Baus đón tiếp. Họ rước ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi lên diễn-đài (vì chúng tôi mặc Đạo-phục) còn Ông Bảo-Thế và Ông Thái mặc thường phục, dự theo hàng thính-giả. Việc này đã tiên-liệu như vậy để nghe lời phê-bình của thính-giả. Cũng như lần trước, bạn Chabrol khi mở hội đã báo-cáo trước, cho nên công-chúng biết rằng bữa nay có ĐỨC HỘ-PHÁP đến, mọi người để ý chờ đợi, nên chúng tôi vừa bước vô khỏi cửa thì thiên-hạ vỗ tay hoan-nghinh nhiệt-liệt, cho đến lên tới diễn-đan rồi mà họ cũng vẫn còn vỗ tay, làm cho mình cũng hơi nao-nao. Hai vợ chồng của Henri Regnault cũng đón tiếp. Ông Regnault thì được mời lên ngồi trên diễn-đàn còn Bà thì cũng ngồi theo hàng thính-giả.
Mlle Gillot đang diễn-giải về Magic Egyptienne, nhưng bị chúng tôi vào nên phải ngưng lại một chút. Khi chúng tôi an-vị xong Bà mới tiếp-tục. Tuy gọi là Mademoiselle chớ Bà năm nay cũng lớn tuổi, tóc bạc nhiều. Bà giải nghĩa chữ Magic là do tiếng Grèce có nghĩa là sáng-suốt thông hiểu theo luật thiên-nhiên, chớ không phải như người ta lầm, thường cho Magic là ảo-thuật hay là quỉ-thuật. Bà nói rằng người xưa được biết nhiều điều huyền-vi bí ẩn mà người đời nay không biết đặng. Có thể với những phương-cách đặc-biệt tầm thấu những điển-lực thiên-nhiên rồi cho vào cái tượng đá hay tượng cây rồi tượng ấy sẽ có đủ điển-lực mạnh và có thể giữ những điển-lực ấy lâu đời lắm. Bằng cớ là nhiều nơi còn những tượng mà người ta gọi là Linh-Thiêng, nếu ai đến trước mặt mà vô lễ hay là uế-trượt sẽ bị bịnh hay là chết có khi. Việc đó Bà chứng rằng có thật và chính mình Bà đi tận nơi tận chỗ, nhứt là ở xứ Ai-Cập thì còn rất nhiều chỗ huyền-bí và những việc phát-minh tối-tân bây giờ không nghĩa lý gì đối việc hiểu biết thời xưa, và đời nay tự-hào văn-minh chớ thật ra còn dốt lắm.
Khi Bà diễn-giải xong công-chúng rất hoan-nghinh, kế Bạn Chabrol đứng lên giới-thiệu ĐỨC HỘ-PHÁP, ĐỨC NGÀI vừa đứng dậy là người ta vỗ tay hoan-nghinh nhiệt-liệt ĐỨC NGÀI bắt đầu giảng Đạo cho họ nghe và kết-luận lại là con người (không phân-biệt màu da sắc tóc) đều là con cái của ĐỨC CHÍ-TÔN hết thảy, nên phải thương-yêu nhau như con một cha vậy và chính mình ĐỨC NGÀI đây cũng chẳng phải lãnh sứ-mạng đến đây để làm Chúa Thiên-Hạ mà là một người ANH CẢ đến để lamø Tôi cho Nhơn-loại và dìu dắt đoàn em mà thôi. ĐỨC NGÀI nói tiếng Pháp chẩm-rải và hay lắm, khi dứt lời người ta hoan-nghinh vỗ tay vang dội cả phòng. Sau đó tới phiên Bạn Henri Regnault đứng lên nhắc lại Lịch-Sử của Đạo Cao-Đài, thính-giả rất vui mừng được biết Đạo Cao-Đài đã mở từ hồi nào đến giờ và hoan-nghinh diễn-giả. Khi ấy thì có nhà khiêu-vũ trứ-danh trên hoàn-cầu là Serge Lifar đến, được giới-thiệu. Ông giảng-giải rằng: những điệu khiêu-vũ chẳng phải mới bày ra đời nay mà trái lại từ đời tối cổ đã có rồi. Nghiên-cứu cho kỷ thì thấy rằng những điệu khiêu-vũ sản-xuất từ trong Đạo-Giáo mà ra và chỉ rõ rằng trong Thánh-Kinh, trong những tượng hay hình vẽ thời xưa nay tìm lại đặng và một bằng cớ hiển-nhiên là những dân-tộc tối cổ còn sống riêng biệt với xã-hội kim-thời còn giữ được những điệu múa rất hay mỗi khi có Lễ cúng. Ông là người Nga Trắng (Russe blanc) nói tiếng Pháp giọng còn hơi cứng, nên công-chúng so-sánh còn khen ĐỨC HỘ-PHÁP thêm nữa, nói rằng ĐỨC NGÀI nói tiếng Pháp rất sành hơn là Serge Lifar.
Sau đó Cô Blanche Ariel, một nữ thi-sĩ Pháp ra ngâm những bài thi của Cô viết, với tinh-thần cao cả. Khi ngâm dứt mấy bài thi, bạn Chabrol báo cáo xả hơi 10 phút, rồi sẽ chiếu cuốn Film ĐỨC HỘ-PHÁP âu-du, bắt đầu từ khi đi. Trong lúc nghỉ xả hơi ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi xuống diễn-đài chào anh em và chị em, họ mừng lắm áp nhau lại bu vây ĐỨC HỘ-PHÁP và Tôi, người nào người nấy đều dành bắt tay cho đặng. Họ vây chặt cứng, thiếu điều họ muốn ôm hun cho đả mới vừa. Cô Seylyne Bonchamp (chúng tôi gặp bữa trước tại nhà hàng Damière) cũng có đến và chạy lại chào mừng ĐỨC HỘ-PHÁP và tôi, coi bộ cô cảm-động rưng-rưng nước mắt lận. Tôi dẫn cô lại giới-thiệu cho Bạn Chabrol và Bà Baus để cho họ tới lui dìu-dẫn nhau trên con đường Đạo. Họ rất mừng và trao đổi địa-chỉ. Ông Bảo-Thế và Ô. Thái ngồi ngoài nghe họ bàn với nhau một cánh mừng rỡ lắm, người thì nói bữa nay tôi bắt tay được Ông Giáo-Chủ Đạo Cao-Đài, người khác nói Ông dễ thương quá, xả hơi xong bắt đầu chớp bóng, mỗi khi họ thấy hình ĐỨC HỘ-PHÁP là họ vỗ tay. Nhiều người đến nói với tôi làm sao quí Ông được thường đến gần gũi chúng tôi. Họ hỏi thêm Đạo Cao-Đài có gì trái với Đạo Thiên-Chúa không và khi họ nghe nói rằng: Không, họ vẫn được thờ ĐỨC CHÚA JÉSUS CHRIST đi nhà thờ của họ và họ cũng có thể đến nhà thờ Đạo Cao-Đài không có tội họ rất thích lý-tưởng Đại-Đồng của Đạo Cao-Đài lắm và cho rằng đây là một bữa hội lịch-sử vậy.
Khi ra về người ta vẫn còn bu theo đưa cho đến khi xe chạy khuất dạng. Thiệt là từ ngày sang Pháp đến nay cực nhọc lao tâm khổ trí bao nhiêu, ngày nay tôi lãnh phần-thưởng này còn dư, có lẽ ai cũng được hã dạ cả. Sau đây tôi xin gởi bài kỷ-thuật trong báo 'Les Amis Spirituel'. Hôm kỳ-đàn rồi ở nhà của Henri Regnault, tôi có khuyên mấy bạn nên thừa dịp ĐỨC HỘ-PHÁP còn ở Paris xin nhập-môn đặng ĐỨC NGÀI làm phép cho. Tôi còn nói ngừa rằng: đó là lời nhắc nhở để cho anh chị em suy-nghĩ và tự định lấy. Tuy không ai trả lời ra sao chớ tôi có cảm giác rằng Henri Regnault là người Ông Trần đã độ từ lâu lại không chịu nhập-môn mà trái lại Bạn Chabrol và Mẹ con Bà Baus sẽ nhập-môn và hành-đạo một cách đắc-lực lắm thật quả y như vậy. Tôi nhận thấy Henri Regnault không có đức-tin về Đạo-Giáo mà chỉ muốn lợi-dụng Đạo Cao-Đài đặng tuyên-truyền cho nhóm Thần-Linh-học (Groupement Spirite) của Ông. Ông thường nói: đó mấy Ông thấy không khoa Spiritisme một khoa cao-cả là dường nào vì một đạo giáo lớn lao gồm mấy triệu tín-đồ mà cũng do nơi khoa Spiritisme mà sản xuất. ĐỨC HỘ-PHÁP cũng nhận thấy như vậy, và nhiều khi tỏ ý không bằng lòng, nhưng cũng công của Ông đã nhiều phen đem Đạo Cao-Đài ra trước Hội-Nghị Quốc-Tế về Đạo-Giáo. Riêng phần tôi thì mỗi khi cúng đều cầu nguyện ƠN TRÊN dìu-dẫn Ông.
tiểu bang Washington-Hoa Kỳ đánh máy lại