NGÀI PHỐI SƯ NGỌC NON THANH 1893-1972 Quang Minh ( sưu tầm ) |
BẢN TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP
Cữu Trùng Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Văn Phòng Đầu Sư Tứ Thập Thất Niên
Số: 140/ĐS.SDCN Toà Thánh Tây Ninh
Kính thưa Hội Thánh lưỡng đài và Hội Thánh
Kính thưa chư Chức Sắc Thiên Phong, Chức Việc và toàn Đạo lưởng phái.
Tôi nhơn danh Đầu Sư, Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Nam phái, xin long trọng tuyên dương công nghiệp hành Đạo của ông Cựu Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Non Thanh hồi hưu dưỡng lão, vừa qui vị hồi 5 giờ ngày mùng 5 tháng 5 Nhâm Tý (18-6-1972).
Ông cựu Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Non Thanh (quí danh Hồ Văn Non) sanh năm 1893 tại làng Phước Tuy, huyện Cần Đước tỉnh Chợ Lớn, quốc tịch VN, nhập môn ngày 28-11 Bính Dần (1926) tại Thánh Thất Tân Chánh (Cần Đước) là năm đầu tiên Đức Chí Tôn khai mở nền Đại Đạo.
Ông là một vị trưởng thành trong một gia đình Nho giáo, sẳn có tánh đức thuần tuý Nho phong và cang trực; khi ông vào cửa Đạo ông thường xuyên trực tiếp với quí Chức Sắc Tòa Thánh đi khai đàn thượng tượng vùng Cần Đước (Chợ Lớn) xa gần ông vẫn chung lo dẫn độ nhơn sanh hướng về Đại Đạo.
Buổi sơ khai giữa thời Pháp thuộc rất khó khăn nhiều trở ngại song nhờ tánh đức cũng như sở lành, gặp phải từ bi dụng hồng từ, gặp phải hồng oai, tuỳ cơ ứng phó để phổ hoá nhơn sanh thuận tùng chánh giáo.
Thế là ông đã có nguyên căn ngộ Đạo được Thiên Phong Giáo Hữu tại Đàn Cơ Thủ Đức (Gia Định) vào 21-6 Đinh Mảo (1927) do Dức Chí Tôn ban tứ.
Khi đắc vị Thiên Phong, trường trai, ly gia cắt ái, phế đời hành Đạo, lảnh sứ mệnh Hội Thánh giao phó trách vụ hành chánh Đạo như là:
-Năm Đinh Mão (1927) Nghị định trách vụ Đầu Họ Đạo Gò Công.
-NĂM Mậu Thìn (1928) Nghị định Đầu Họ Đạo Chợ Lớn.
-Năm Kỹ Tỵ (1929) Nghị định Quản Lý Văn Phòng Nội Viện Tòa Thánh.
-Năm Qúi Mùi (1933) đảm nhiệm Đầu Họ Đạo Sóc Trăng.
-Năm Ất Hợi (1935) đảm nhiệm Đầu Họ Đạo Tây Ninh.
-Năm Bính Tý (1936) thăng Giáo Sư đảm nhiệm Qủan Lý Hoà Viện.
-Nghị Định số 79 đề ngày 23-7 Đinh Sửu (1937) đảm nhiệm Khâm Trấn Long Hồ.
-Năm Mậu Dần (1938) tái nhiệm Quản Lý Hòa Viện.
-Năm Kỷ Mão Nghị Định đề ngày 4-8-1939 đảm nhiệm Thanh Tra Bắc Tông Đạo.
-Năm Canh Thìn (1940) đảm nhiệm Quản Lý Công Viện.
-Nghị Định ngày 10-10 Nhâm Ngọ (1942) Đầu Tỉnh Long Xuyên.
-Kế hiệp tác với ông Đại Biểu Trần Quang Vinh lo vận động cơ quan chuyển thế tại hảng tàu Nitinan (Sài gòn) liên tục đi Đà Lạt và Bình Định kêu gọi tinh thần hưởng ứng cộng tác cơ quan chuyển thế cho đến ngày 9-3-1945 là ngày lịch sử thành công mãn nguyện, ông trở về Tòa Thánh tiếp tục đảm nhiệm quyền quản lý Nông Viện trong một năm rất thạnh hành, giúp lương thực và phẩm vật cung cấp cho Đạo.
-Nghị Định đề ngày 25-12 Bính Tuất (1946) đảm nhiệm Thủ Trưởng Ban Cấp Tế tại Tòa Thánh để giúp đở Chức Sắc lâm hòan cảnh tai nàn.
-Thánh Lịnh số 6 đề ngày 7-4 Mậu Tý (1948) thăng Phối Sư do quyền Hội Vạn Linh công nhận.
-Tờ Tạm bổ số 56 đề ngày 6-3 kỹ Sửu (1949) lảnh trách nhiệm đại diện Hội Thánh Cữu Trùng Đài tùng sự nơi văn phòng Thừa Quyền Hộ Pháp.
-Thánh Lịnh số 20 đề ngày 19-2 Tân Mão (1951) đảm nhiệm trong phần Hội Đồng Tối Cao lúc Đức Hộ Pháp nhập tịnh nơi Trí Huệ Cung.
-Thánh Lịnh số 256 đề ngày 14-3 Tân Mão (1951) đảm nhiệm Quyền Ngọc Chánh Phối Sư.
-Huấn Lịnh số 17 đề ngày 2-5 Quí Tỵ (1953) đảm nhiệm Trưởng Ban Kiểm Soát Công Nghiệp Chức Sắc Thiên Phong.
-Thánh Lịnh số 313/VP.HP đề ngày 13-12 Quí Tỵ (1954) đảm nhiệm Thượng Thống Lễ Viện.
-Thánh Lịnh số 113/HP.HN đề ngày 23-8 Bính Thân (1956) của Đức Hộ Pháp cho tái nhiệm Ngọc Chánh Phối Sư.
Thời gian nầy gặp phải Ngô Triều áp đảo Đạo quyền, ông đảm nhiệm Trưởng Ban Tổ Chức cuộc Lễ Vía Đức Chí Tôn ngày 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu (1957) long trọng phô diễn các tuồng tích, sưởi ấm lại tinh thần của toàn Đạo để phản đối áp lực của Ngô Triều được Đức Hộ Pháp khen ngợi.
Bởi cớ chánh phủ thời nầy lên án ông là chống báng, nên bị chánh quyền địa phương tỉnh Tây Ninh bắt tại nhiệm sở ngày 4-5 Đinh Dậu (1957) lưu giữ tại Nhàn Du khách sạn (do công an giả chiến) ít hôm rồi trục ngoại ra khỏi tỉnh Tây Ninh. Ông đến tỉnh Chợ Lớn ở 2 năm.
Đến năm Đinh Hợi (1959) mãn hạng ông được trả tự do về Tòa Thánh Tây Ninh an dưỡng, nhưng đối với tinh thần, thương đời mến Đạo xin lập công đến hơi thở cuối cùng, song chưa hợp thời, Hội Thánh còn đình đải.
Năm Qúi Mão (1963) được Hội Thánh công nhận Thánh Lịnh 113/HP.HN của Đức Hộ Pháp giao quyền hành Ngọc Chánh Phối Sư cho ông đảm nhiệm kỳ ba.
Năm Gíap Thìn (1964) được Thánh Giáo đêm Rằm tháng tư Gíap Thìn của Đức Lý Đại Tiên Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ giáng cơ tại Cung Đạo Đền Thánh cho ông được về hưu dưỡng lão.
Suốt 45 năm hành Đạo, luôn luôn hiệp tác với Chức Sắc, sát cánh với Hội Thánh để cộng sự xây dựng Đạo nghiệp, lắm lúc thăng trầm, Thánh thể lắm lần gian nan khổ hạnh vẫn giữ một mực trung thành vì Đạo, vì chúng sanh, đến tuổi già vướng lấy căn bịnh trầm kha, bác sĩ lương y vô phương điều trị.
Đến đây chẳng qua Thiên số dĩ kỳ, ông cởi bỏ xác trần lúc 5 giờ sáng ngày 5-5 Nhâm Tý tại Gia Đường nơi Thánh Địa, hưởng thọ 79 tuổi.
Ông đã làm xong trách vụ Thiêng Liêng phó thác, anh linh trở gót về Tiên cảnh bái mạng Ngọc Hư. Đứng trước cảnh mất còn, âm dương lưỡng lộ dương trần hiển hiện, Tiên cảnh vô hình.
Từ đây khuất bóng 1 vị Đại Thiên Phong lão thành đã dày công với Đạo, Hội Thánh lấy làm luyến ái.
Ôi ông an giấc ngàn thu vĩnh biệt, nghĩa tình đồng Đạo, bạn đồng hành, chúng tôi xin nghiêng mình kỉnh biệt lần cuối cùng và phân ưu cùng gia đình tang gia hiếu quyến.
Trước khi dứt lời xin mời chư Chức Sắc, Chức Việc và tòan Đạo luỡng phái hướng về Bát Quái Đài thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng ban hồng ân cho anh linh nguyên Chánh Phố Sư hồi hưu Ngọc Non Thanh Được siêu thăng thoát hóa nơi cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống.
Nay Kính
Đầu Sư Thượng Sáng Thanh
(Ấn Ký)
(Trích Thông Tin số 55, ra ngày 5-7-1972 trang 13)
ĐIẾU THI
Bài của Giáo Sư Thượng Cảnh Thanh
Thánh Thất Vũng Tàu buổi khởi công,
Nhờ Ngài tạo được tiếng thơm nồng.
Hồi hưu tâm giữ làu son sắc,
Qui vị danh còn rạng núi sông.
Tánh đức ôn hòa toàn tín hữu,
Tinh thần kiên nhẫn một Thiên Phong.
Năm vần kính điếu trang kỳ cựu,
Vào cõi Tiên Bang hưởng phước hồng.
Bài của Phối Sư Thượng Tuy Thanh
Thôi rồi ! mất bạn Ngọc Non Thanh !
Áo tục giũ xong nghiệp Đạo thành.
Đau khổ trường đời trưu khỏi cổ,
Ân hồng đất phật trét đầy mình.
Non Thần rựu Thánh vui quê cũ,
Đảnh Hạc, cơ Tiên hiệp bạn lành.
Vắng dạng đành tuân theo định luật,
Ngàn thu noi dấu bực tài danh.
Từ Huệ
Bài của Giáo Hữu Thượng Thời Thanh
Khâm Châu Đạo Đô Thành Sài Gòn
Trống đỗ chuông ngân dội Cửu Trùng,
Phối Sư Ngài đã nhập Thiên Cung.
Nhớ xưa Hành Chánh vun nền Đạo,
Nhắc buổi hồi hưu vẹn thủy chung.
Khổ hạnh không nao trang khí phách,
Gian truân khó chuyển chí hào hùng.
Hưởng dương trung thọ về quê cũ,
Toàn Đạo đưa linh lệ ứa tròng.
ĐIẾU VĂN CỦA
NGÀI NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ NGỌC NHƯỢN THANH
Kính thưa Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính thưa quí quan khách,
Kính thưa chư Chức Sắc Thiên Phong, Chư Chức Việc và toàn bộ Nam Nữ,
Nhơn danh Ngọc Chánh Phố Sư thay mặt Chức Sắc Cửu Trùng Đài, tôi xin có đôi lời ai điếu Ngài Cố Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Non Thanh và chia buồn cùng tang quyến.
Ngài Chánh Phối Sư qui hồi Tiên cảnh, một tin buồn cho toàn Đạo xa gần đến cảm xúc tiếc thương.
Sinh trưởng trong một gia đình Nho phong Đạo đức tại Phước Ty (Chợ Lớn) nghe theo tiếng gọi Thiêng Liêng, Ngài nhập môn cầu Đạo năm Bính Dần (1926) tại Thánh Thất Tân Chánh (Chợ Lớn) và thọ Thiên Phong Giáo Hữu năm Đinh Mão (1927) tại Thánh Thất Thủ Đức (Gia Định) do cơ bút Chí Tôn điểm Đạo. Từ đầu Ngài nguyện chết vì đời, sống cho Đạo, hiến trọn mảnh thân phàm làm con tế vật cho Đức Chí Tôn để phụng sự cho quần linh, phổ thông nền chơn Đạo.
Cách đây 40 năm, nền Đạo của Đức Chí Tôn đến trên dãy đất VN nghèo nàn và nô lệ, sống trong vòng cương tỏa của bạo quyền thống trị. Bao nhiêu khó khăn áp lực mà Thánh Thể Đức Chí Tôn phải chịu đựng trong buổi sơ khai, trong ấy có Ngài, là một thử thách cam go để giồi mày chí Thánh, ung đúc tinh thần hầu xứng đáng là những bậc tinh thần cho nhơn loại trong buổi hạ ngươn tam chuyển.
Thời mạc Pháp, Thánh Đức lu mờ, bao nhiêu con cái Đức Chí Tôn đang chơi vơi nơi khổ hải, song trong niềm tuyệt vọng khổ đau thống thiết. Đại Từ Phụ động mối từ tâm khai sáng Đạo Trời, mượn Thánh Thể thay hình hài của Ngài mà xây đổi cơ đời, khai nguơn tứ chuyển. Thật là một sứ mạng muôn vàn trọng yếu và khó khăn. Sống giữa một xã hội ương hèn, sa đọa, một quốc gia bị trị, thực hiện được Thánh ý của Đức Đại Từ Phụ là một điều khoông thể dễ làm nếu không có mang trong mình một Thiên mạng. Tuy nhiên đã nguyện gắn liền kiếp sanh của mình vào đại nghiệp, Ngài không màng gian khổ chẳng nể chông gai, quyết vì Thầy, vì Đạo, lảnh sứ mạng mang hột Thánh cốc giao rải khắp cùng nơi cho nhơn sanh chung hưởng.
Đời càng lúc càng biến loạn, chiến tranh gây nên cảnh chiến tranh núi xương, sông máu, thì trọng trách của Thánh Thể càng trọng trách nặng nề suốt 47 năm trọn tùng luật Đạo tuân mạng lịnh Hội Thánh phó giao, một lòng cúc cung phận sự Đạo nghiệp, cuộc đời của Ngài là một chuổi ngày gian khổ, lúc Gò Công, Chợ Lớn, Sóc Trăng, khi Tây Ninh, Long Hồ, Bắc Việt. Cơ họp tác tại hãng tàu Nitinan hết lòng phục vụ, lại thực hành đường lối cứu thế của Đức Hộ Pháp mà phải bị đày an trí 2 năm.
Bấy nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ Ngài đã dầy công với Đạo, lao tâm tiêu tứ, phí bao tâm huyết nhiệt thành trong cương vị một Chánh Phối Sư Chức Sắc Đại Thiên Phong.
Nhọc nhằn bôn ba suốt mấy mươi năm, trên khắp nẻo đường đất nước để hoằng dương chơn Pháp cho đến lúc nắm quyền Chủ Trưởng Chức Sắc Cửu Trùng Đài nam phái, Ngài đã hòan thành viên mãn sứ mệnh của người lính già hữu thệ, nhiệm vụ của một nguyên nhân hình hài thánh thể. Chúng tiện đệ nguyện sẽ noi gương Ngài để nối tiếp cuộc hành trình của một bậc tiền bối đàn anh khả kính.
Ôn lại quảng đời lãnh Đạo trong quá khứ, thời loạn cũng như thời bình, Ngài một lòng giữ tròn khí tiết, gian nan chẳng quản, cay đắng không sờn, trụ vững đức tin chung lo Đạo nghiệp. Ngài là một tấm gương sáng cho đoàn em noi bước trong nhiệm vụ đem Đạo đến cho đời với sứ mạng “thể Thiên hành hóa”.
Nhưng từ ngày hồi hưu dưỡng lão để di dưỡng tinh thần, tuổi đời chồng chất sức khỏe hao mòn, theo định luật của Tạo Công, Ngài ngọa bịnh lâm nguy để rồi lúc 5 giờ sáng ngày 5-5 Nhâm Tý (1972) vĩnh biệt cô thân, qui hồi Tiên cảnh, hưởng thọ 79 tuổi.
Trong buổi chuyển thế khai Nguơn Thánh Đức, nếu không phải là những bậc Nguyên Nhân tiền căn cựu phẩm thì không dễ gì hòan thành Thiên mạng một cách viên mãn.
Hôm nay Ngài đã hóa ra người thiên cổ, tuy đã biết duyên Đạo đã xong, nợ trần phủi sạch, thể xác trả lại cho gió bụi để về bái mạng Ngọc Hư, nhưng trước cảnh tử biệt sanh ly, kẻ còn người mất, chúng tôi Chức Sắc cùng toàn Đạo không khỏi ngậm ngùi nhớ thương, mến tiếc 1 bậc đàn anh, bạn cùng thuyền đồng chung chí hướng, đã cùng vui cùng chia buồn, cùng sớt hoạn nạn để mưu cầu hạnh phúc cho nhơn sanh theo Thánh ý của Đại Từ Phụ.
Theo chơn lý Đạo, chết tức là sống, sống vĩnh cữu nơi cỏi Thiêng Liêng, nhục thể thổ sanh hườn tại thổ, linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên. Hội Thánh mừng cho Ngài đã làm xong sứ mạng của Đại Từ Phụ giao phó và đã về cõi Hằng Sống tiêu diêu, tên tuổi lưu truyền sử Đạo. Tuy Ngài vắng bóng, song những kỷ niệm do Ngài lưu lại góp phần tô điểm Đạo nghiệp, chứng tỏ Ngài không mất, tử cũng như sanh, vong như tồn, luôn luôn kề cận như huynh đệ như buổi sanh tiền để hộ trì Thánh thể.
Vậy nơi đây Ngài an nghĩ giấc nghìn thu, Hội Thánh và tòan Đạo xin nghiêng mình bái biệt lần cuối cùng và thành kỉnh cầu nguyện ơn trên Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng ban ơn lành cho chơn linh Ngài được cao thăng Thiên vị.
Sống Ngài nặng tình đồng Đạo, thì thác xin nhớ nghĩa kim bằng, Ngài chứng chiếu tất lòng thành và hộ trì Thánh thể về mặt huyền linh cho Đại Đạo chóng hoằng khai, sớm mang hạnh phúc thanh bình cho non sông chủng tộc cùng nhơn loại.
Hội Thánh một lần nữa xin chia buồn cùng tang gia hiếu quyến. Người tu mong ngày liễu Đạo, nay Ngài Chánh Phố Sư phỉ nguyền một kiếp, gia đìn, cũng không vì cách biệt âm dương mà quá bi ai. Xin thành tâm nối chí người thân cầu nguyện cho linh hồn người quá cố được yên lòng tiêu diêu nơi Lạc Cảnh.
Hiển linh xin chứng
Ngọc Chánh Phối Sư
Ngọc Nhượn Thanh.
ĐIẾU VĂN CỦA THỪA SỬ LÊ QUANG TẤN (Tự Trường)
thay mặt Chức Sắc Hiệp Thiên Đài
Kính bạch Hội Thánh,
Kính thưa quí Ngài,Quí Hiền Huynh, Hiền Tỷ, Hiền Hữu, Hiền Muội.
Trong giờ phút nghiêm trang và long trọng nầy, đứng trước linh sàng Đại Huynh Ngọc Chánh Phối Sư, nhân danh một Chức Sắc Hiệp Thiên Đài tôi xin phép Hội Thánh, quí Ngài, quí Hiền Huynh, Hiền Tỷ , Hiền Hữu, Hiền Muội, dành cho tôi một 1 đôi chút để tưởng nhớ công đức của bậc đàn anh gương mẫu, trên 46 năm qua đã dày công vun đấp nền Đại Đạo.
Thiết tưởng công nghiệp và tiểu sử của Đại Huynh Cựu Ngọc Chánh Phối Sư đã được Hội Thánh, quí Ngài, quí Hiền Huynh nhắc nhở đầy đủ.
Vậy tôi xin mạo muội sơ lược một đoạn về hạnh đức và chí khí can trường của Đại huynh một Chức Sắc đàn anh hiên ngang trước cơn thử thách của Đạo. Tôi còn nhớ rõ một đức tính phi thường của Đại Huynh là đang làm quyền Ngọc Chánh Phối Sư, chẳng may đàn em hành sự sai sót điều chi mà Đại Huynh phải chịu trách nhiệm và phải bị bổ nhiệm làm Thượng Thống Lễ Viện cho đến ngày được phục hồi Ngọc Chánh Phối Sư lại như trước mà không một ngày gián đọan công quả. Có phải chăng Đại Huynh đã dẹp bỏ dược mặc cảm và tự ái của cá nhân mà chỉ biết Đạo là trên hết.
Vào năm Đinh Dậu (1957) chánh quyền cố tìm mọi cách để hạ uy tín của Đức Hộ Pháp, họ ra lịnh cho các báo chí vu khống và bôi nhọ Đức Ngài đủ điều. Tệ hại hơn hết là dở thủ đoạn ly gián giữa Hội Thánh và Đức Hộ Pháp đang lưu vong ở Miên Quốc.
Thừa hiểu thủ đoạn thâm độc của bạo quyền buổi nọ, với tư cách Ngọc Chánh Phối Sư Đại Huynh đã khéo léo giúp cho một số Chức Sắc và bổn Đạo hòan thành 346 tấm biểu ngữ cho kịp ngày lễ vía Đức Chí Tôn ngày 9-1 Đinh Dậu (1957) để nương theo buổi lể mà phát động phong trào toàn Đạo hướng về Đức Hộ Pháp. Làn sóng người trùng trùng điệp điệp biểu dương tinh thần hưởng ứng nhiệt liệt đường lối hòa giải dân tộc do Đức Hộ Pháp chủ trương.
Những lời hoan hô Đức Hộ Pháp và hướng về Đức Hộ Pháp của bổn Đạo biểu diển quanh khán đài khiến cho ông Nguyễn Ngọc Thơ đại diện chánh quyền buổi nọ phải thấp thỏm và thì thầm với Ngài Bảo Thế trên hàng ghế danh dự tại khán đài: “Hoan hô Đức Hộ Pháp thì hoan hô chứ đừng la đã đảo Ngô Đình Diệm thì chết tôi.” Chí khí cương quyết của chư tín hữu đã bộc lộ niềm tin tưởng nơi Đức Hộ Pháp đã khiến cho chánh quyền Ngô Đình Diệm càng lo sợ.
Với trọng trách Ngọc Chánh Phối Sư, Đại Huynh đã xem thường mọi đe dọa và hiểm nguy để làm sáng tỏ đường lối cứu thế của Đức Hộ Pháp mà toàn dân nói chung, bổn Đạo nói riêng không ai quên được là trước áp lực của bạo quyền mà Đạo Cao Đài có những Chức Sắc cao cấp đứng ra thực thi đường lối hòa giải dân tộc của Đức Hộ Pháp để bảo vệ giọt máu của người Việt Nam đừng chảy một cách phi lý.
Ngoài ra Đại Huynh còn chỉ thị cho tòan Đạo thiết lễ mừng ngày sanh nhựt của Đức Hộ Pháp ngày mùng 5-5 Đinh Dậu để nói lên sự tuyệt đối trung thành và hậu thuẩn cho Đức Hộ Pháp trên mọi mặt. Nên chánh quyền buổi ấy đã câu lưu Đại Huynh tại Tây Ninh rồi đày đi khỏi Thánh Địa Tòa Thánh với mục đích dụ hổ ly sơn, lưu đày Đại Huynh để tránh hậu họa.
Hôm nay vì tuổi già sức yếu, vì chán ngán lòng dạ hiểm độc của con người chẳng nghĩ đến tình ruột thịt mà giết hại lẫn nhau, nhà tan cửa nát, mà Đại Huynh rời xa chúng em sớm trở về cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống để lại bao nổi cảm hoài luyến thương mến tiếc là đã mất đi một bậc đàn anh gương mẫu, đã hy sinh cả kiếp sanh tô điểm Đạo nghiệp Đạo.
Chúng em tin chắc rằng với công sức và sự hy sinh vì Thầy, vì Đạo của Đại Huynh nhứt định sẽ được Đức Chí Tôn ban thưởng xứng đáng và Đại Huynh lại được dịp kiến diện Đức Hộ Pháp mà không hổ thẹn đã hòan thành trách nhiệm của Đức Ngài giao phó.
Gương hy sinh cao cả của Đại Huynh chúng em nguyện tạc dạ ghi lòng và tiếp nối, xin Đại Huynh hiển linh xin chứng.
Thừa Sử Lê Quang Tấn
Quang Minh ( sưu tầm )