GÓP NHẶT CHUYỆN ĐẠO

 

Quyển V

 

 

 

MỤC LỤC:
1.NGƯỜI LÀ LINH HỒN NHỎ TRONG LINH HỒN LỚN TÁCH RA
2.LƯU DANH HẬU THẾ
3.TAM GIÁO ĐÃ QUI NGUYÊN 1.500 NĂM VỀ TRƯỚC
4.LÒNG ÁI QUỐC CỦA ĐỨC HỘ PHÁP
5.TRẦN THẾ CHẲNG KHÁC SÂN KHẤU
6.NGƯ TIỀU VẤN ĐỐI
7.TAM BÀNH-LỤC TẶC
8.NHÌN LÊN BÀN THỜ

9.SỔ LƯU NIỆM TẠI TÒA THÁNH
10.CỜ PHƯỚNG VÀ PHAN
11.CÁCH LẠY
12.QUYỀN CỦA BÀN TRỊ SỰ KHÔNG NHỎ
13.CHÍ TÔN GIẢI VỀ THIÊN NHÃN
14.TỈNH TỌA-THIỀN TỌA
15.BÁT NƯƠNG MỪNG NGÀI HỒ BẢO ĐẠO LÊN PHẨM THỜI QUÂN
16.PHẢI CHĂNG LÀ MỘT CUỘC GIAO LÃNH NGÔI GIÁO CHỦ?
17.TÌM HIỂU ĐẠO BÀ-LA-MÔN

 

1.      NGƯỜI LÀ LINH HỒN NHỎ TRONG LINH HỒN LỚN TÁCH RA

Ông Epitête, một nhà học giả Âu Châu đã nói: “Vũ Trụ là linh hồn lớn mà người là linh hồn nhỏ trong linh hồn lớn tách ra.”

Câu nói ấy có đúng không?-Nếu đúng là đúng như thế nào?

Đức Chí Tôn đã nói: “Người là tiểu Thiên Địa, Trời Đất hình ảnh thế nào thì sanh con hình ảnh thế ấy”.

Thường thì người ta cho sự chung chạ giữa nam nữ là một việc tục tằng xấu xa không nên nói, nhưng đó là cái lẽ âm dương tương hiệp để sản xuất nhơn loài thì sự cử nói không còn đứng vững được. Muốn có vũ trụ, Thượng Đế phải lấy dương quan của Ngài hiệp với âm quan của Đức Phật Mẫu mà biến tạo càn khôn. Có càn khôn vũ trụ rồi mới có Nhựt, Nguyệt, Tinh, mà tinh tú là quả đất chớ có chi lạ. Đất lại biến sanh thảo mộc, rồi thảo mộc tiến lên thú cầm, thú cầm tiến lên loài người.

Chí Tôn có nói: “Thầy là các con, các con là Thầy”. Chí Tôn mượn phẩm người thay cho Ngài mà dẫn độ các chơn hồn thấp thỏi là vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn lên cho được nhơn hồn. Rồi từ nhơn hồn chúng ta tu luyện theo phép các tôn giáo của Chí Tôn sai Thiên Sứ của Ngài đã cho xuống thế đặng dìu dắt chúng ta lên phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ngài còn muốn đưa chúng ta đến ngang hàng cùng Ngài để Ngài giao vị nào đoạt phẩm vị ấy là một ông Trời thứ hai, quản xuất một càn khôn vũ trụ khác nữa.

Như vậy câu nói Epitête rất đúng lý là vũ trụ là một linh hồn lớn mà người là một linh hồn nhỏ trong linh hồn lớn tách ra.

Có một lần một nữ Chức Sắc vì có kinh nguyệt không dám chứng đàn cơ, sợ kỵ ô uế. Bát Nương có dạy việc ấy không kỵ  bởi Thiêng Liêng đâu.

Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước cũng dạy chúng ta rằng cái lý ấy không ô trượt, nhưng Ngài nói: Mấy em đừng truyền bá bài thi nầy vì sợ nữ phái lợi dụng nó, rồi họ ăn ở dơ dái…Bài thi như vầy:

Khí chất phàm thân trượt đã đành,

Chẳng gì nguyệt huyết kỵ anh linh.

Giao thân nam nữ: hoa trưu bướm,

Hòa ái âm dương: thủy nhập bình.

Tạo hóa vì tay nâng đảnh túy,

Chúng sanh như mặt chạm khuôn hình.

Thợ Trời đâu nở chê đồ tạo,

Xấu tốt sạch dơ bởi miệng mình.

Quan sát lý lẽ bài thi trên, chúng ta khẳng định rằng khối linh quang của Chí Tôn tức là linh hồn lớn của Epitête nói, đã tạo ra con người giống hệt Ngài là linh hồn nhỏ, tai mắt, mặt mũi đều giống Ngài.

Ngài lại hằng mong chúng ta tu tâm sửa tánh cho hạp với Thiên tánh hầu trở về khối linh quan ấy là ngày chúng ta đoạt đặng Đạo.

Trong kinh Phật Mẫu có câu:

“Ngồi trông con đặng phi thường,

“Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh.”

Vậy Epitête nói rất đúng: Người là một linh hồn nhỏ trong linh hồn lớn tách ra.

 

2. LƯU DANH HẬU THẾ

Phàm sanh trên cõi thế ai ai cũng muốn đời sau biết tên mình, nhưng trong hạng lưu danh hậu thế có hai hạng:

1.-Hạng lưu thanh danh,

2.-Hạng lưu xú danh.

Hạng người làm việc hữu ích cho nhơn quần xã hội được đời nhắc nhỡ mãi như Đường, Nghiêu, Ngu Thuấn, Văn Vương, Võ Vương v.v…đem nhân nghĩa rãi khắp nhân gian để sanh chúng hưởng thái bình thạnh trị. Các vị triết gia như Voltaire, Jean Jacques Rousseau, Victor Hugo. Các vị giáo chủ như: Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử, Jesus…lưu danh lại những gương lành mà hậu thế mãi nhắc nhở để ghi ơn giáo hóa.

Trái lại có những hạng người lấy xảo trá để đoạt cho được cái danh vị, rốt cuộc đời cũng nhắc tên, nhưng nhắc để nguyền rủa, sĩ mạ chứ không nhắc với một cảm tình sùng kính. Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, Trụ Vương đắm mê tửu sắc giết hại tôi trung, Ngô Khởi sát thê cầu tướng, Bá  Lý Hề nêu danh bạc tình, dầu có đoạt được ngôi vương bá cũng mang tiếng xấu mà thôi.

Có một câu chuyện ở nước Mỹ làm chúng ta thương hại cho anh Wilker Booth, người đã ám sát Tổng Thống Abraham Lincoln. Khi ra Tòa anh khai: “Tôi rất thương Tổng Thống, vì Lincoln là người có công xây dựng nước Mỹ từ bị trị cho đến độc lập  và được đứng vào hàng cường quốc nhứt thế giới. Cả thế gian ai điếu thương Lincoln, đã khéo léo tránh né không cho thế chiến xảy ra để tiết kiệm xương máu và tài sản của hằng triệu binh sĩ lẫn quần chúng. Dân chúng Mỹ ai ai cũng thương ông, dân chúng thế giới ai ai cũng thương ông. Danh vọng ông được quốc tế ca tụng, thật là một danh dự vô song có một không hai.

“Còn tôi, Wilker Booth là một thằng quèn nghèo sơ sát làm gì lưu danh hậu thế được nên nghĩ một cách, chỉ có ám sát người danh dự trên trường quốc tế mới có tên để người đời nhắc nhở. Riêng tôi, tôi rất thương ông Lincoln chớ không có ý giết ông vì lẽ nào khác, chỉ với mục đích, khi người ta nhắc đến Tổng Thống Lincoln, người ta phải nhắc đến kẻ ám sát ông để tên tuổi dính liền với tên ông, có thế thôi.”

******

Sự phê phán của hậu thế rất công bình, nên khi chúng ta muốn lưu danh, chúng ta nên nhắm mục đích để lại đời một danh vị  thơm tho, chớ đừng để một ô danh xủ tiết.

Mạc Đỉnh Chi được hậu thế tặng câu:

“Hai nước Trạng Nguyên lừng đất Bắc,

“Một nhà khoa hoạn ngất trời Nam.”

Thì trái lại Lý Ông Trọng bị chê là người Việt mà làm quan cho Tàu bằng câu:

“Gáo vàng đem múc giếng Tây,

“Khôn ngoan cho lắm tớ thầy người ta.”

******

Bây giờ chúng ta hy sinh vì Đạo mà lưu danh hậu thế, chúng ta không bị dư luận chê như Wilker Booth, Lý Ông Trọng hay Bá Lý Hề, hay Juda, Watdatha…mới chẳng uổng công một kiếp tu khổ hạnh.

Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt được ca tụng về công nghiệp thế nào? Đức Cao Thượng Phẩm được tuyên dương đã đào tạo tinh thần của nền chánh giáo của Đức Chí Tôn thế nào? Đức Hộ Pháp đã lèo lái con thuyền Bát Nhã và đẩy xa thơ qua bao khúc quẹo thế nào? Sử Đạo sẽ biên chép tỉ mỉ không thể vì thời gian và hoàn cảnh mà xóa nhòa được.

Sự lưu danh ấy đáng cho ta học lưu danh. Còn trái lại, những kẻ phá Đạo như Toàn Quyền Pierre Pasquier phải ân hận mà than: “Tôi đã cầm đặng cuốn sách Nho, học thông Đạo lý. Cái tư tưởng của tôi buổi nọ có thiên thật về bên Khổng giáo chớ không phải hướng qua Phật giáo. Tôi cũng suy nghĩ thì lại lấy làm lạ, vì cớ nào tôi lại dựng nhà Thiền đặng toan phá Đạo Cao Đài buổi nọ. Quái dị thay!

“Tôi đã dám xưng mình văn sĩ Nho phong, kinh truyện văn chương trước mắt mà lại chịu thiệt thòi sai sót chẳng hiểu đặng rằng: Nho giáo chuyển luân, tạo dựng toàn cầu tân thế. Sự lầm ấy do nơi đâu mà có?

“Ôi quan trường! ôi nha lại! vì mi mà làm cho ta đuôi mắt tối tâm, linh hồn phạm tội, nghịch ý Chí Tôn, Thiên Điều tàn sát.

“Hận thay! Ngôi Đế Vương là đao kiếm trừ mạng linh hồn mà chớ!

“Gớm thay!

Thi:

“Vương bá hữu ngôi thị ngục hình,

“Thiên lao như thử tất công khanh.

“Đồ thân phát phối cầm dân mạng,

“Y phục đai cân thị tử thành.”

 

3. TAM GIÁO ĐÃ QUI NGUYÊN 1.500 NĂM VỀ TRƯỚC

Chúng ta không nên quan niệm rằng chỉ có Đạo Cao Đài mới qui nguyên Tam Giáo kể từ năm 1926 đến nay là 57 năm. Chúng ta hãy đọc Nho Giáo Quyển Hạ của Trần Trọng Kim trang 62, chúng ta thấy vua Vũ Đế đã qui nguyên nó trên 1.500 năm rồi, nhưng bất thành. Đoạn văn như sau:

“Nhà Bắc Tề (550-577)  rất thích Kinh thuật. Vua Thái Tổ thấy lối học đời nhà Tấn chỉ chuộng văn chương phù hoa, bắt theo cái thể điển mô trong Kinh Thư mà đổi cái lối học của kẻ sĩ. Đến đời vua Vũ Đế hợp tất cả Tam Giáo Nho, Lão, Phật, để Nho ngồi trên, thứ đến Lão, dưới cùng đến Phật. Được ít lâu Vũ Đế bỏ Lão Học và Phật Học, bắt những người Đạo Sĩ  phải hoàn tục làm dân...”

Như vậy Vũ Đế đã qui Tam Giáo nhưng không thành. Nay Đức Chí Tôn dùng huyền diệu cơ bút để qui Tam Giáo, cũng chỉ là một sự nối tiếp chương trình bị bỏ dở chớ chẳng phải là một điều mới lạ chi cả.

Hơn nữa, theo sự hiểu biết của chúng tôi thì Đức Cao Thượng Phẩm là chơn linh của Vũ Đế biến thân, nên Ngài nối cái nghiệp xưa chớ chẳng có chi là lạ. Buổi mới khai Đạo, chính Đức Ngài đã hiểu Đạo trước, Đức Ngài dìu dắt Đức Hộ Pháp và Đức Quyền Giáo Tông hiểu Đạo sau.

Nơi Báo Ân Từ có tượng hình Ngài cầm Long Tu Phiến để quạt các chơn hồn về Kinh Bạch Ngọc.

Đức Hộ Pháp có nói: “Đáng lẽ tượng ấy phải đắp hình Hớn Vũ Đế vì Hớn Vũ Đế tiếp Phật Mẫu trong lễ Đáo Tuế của Ngài, nhưng không biết hình tượng Vũ Đế ra sao nên chúng ta tạo hình Đức Cao Thượng Phẩm cũng là chơn linh của Vũ Đế vậy.”

Vì qui Tam Giáo không thành công nên nay Ngài phải xuống thế làm cho thành. Sau 3 năm lập Đạo, có đủ kỹ cương tức Cửu Trùng Đài có Đức Quyền Giáo Tông cán đáng trọn vẹn phần xác của Đức Chí Tôn còn Hiệp Thiên Đài có Hộ Pháp thủ luật lệ một cách nghiêm nhặt nghĩa là chơn thần được vững vàng, thì Đức Cao Thượng Phẩm giao trách nhiệm cho hai vị lãnh Đạo Nhị Hữu Hình Đài mà trở về  Thiêng Liêng vị.

Ngài đã làm tròn Thiên trách của Ngài nơi cõi thế đó vậy.

Có bài thi ca tụng công đức của Hớn Vũ Đế như vầy:

Lẽ thiệt điều hư khá lọc lừa,

Mới mong khiến gió với sai mưa.

Ngai vàng Bạch Ngọc tay toan vịnh,

Đài các Vương Châu bước phải chừa.

Lương Võ Đế Phật ghi hạnh cũ,

Hớn Chung Ly, Tiên ngợi tài xưa.

Khuôn thuyền Bát Nhã không chuyên nghiệp,

Thời túi gió trăng cũng gọi thừa.

 

4. LÒNG ÁI QUỐC CỦA ĐỨC HỘ PHÁP

Đức Hộ Pháp là một nhà ái quốc chơn chánh, không ai chối cải được. Không ái quốc sau bị Pháp bắt đài lưu? Không ái quốc sao làm Cố Vấn cho Quốc Trưởng Bảo Đại thương thuyết hòa bình để Cao Uỷ Bollaert ký hiệp định Hạ Long trao trả độc lập thống nhứt cho Việt Nam. Một danh dự cho dân Việt là Đức Ngài đi viếng nước nào thì vị cầm quyển tối cao nước ấy đều tổ chức một cuộc tiếp rước như một vị Đế Vương của một nước bằng quốc lễ.

Đến Pháp, Tổng Thống René Coty tiếp Ngài trọng thể, có quốc nhạc, xe motard dẫn đường vẹt lối.

Đến Đài Loan, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch cho phi cơ đặc biệt qua Tân Sơn Nhứt chở Ngài cùng đoàn tùy tùng từ Việt Nam sang Đài Loan.

Đến Đại Hàn, Tổng Thống Lý Thừa Vân tổ chức cờ xí rợp trời, quần chúng áo quần tươm tất làm hàng rào danh dự trên đường vào Tổng Thống phủ.

Đến Nhựt Bổn, Thiên Hoàng dùng lễ long trọng rước vào Hoàng Cung đàm Đạo và trao tro của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cùng các bảo vật y theo di chúc.

Về mặt Tôn Giáo, Ngài được cháu 72 đời của Khổng Tử trao cho Bộ Xuân Thu bằng Hoa ngữ; Đại diện Tiên Giáo tặng cho Ngài quyển Đạo Đức Kinh tối cổ cũng bằng Hoa ngữ. Đại Đức Nadara-Théra đại diện Phật Giáo Tích Lan trao tặng cây bồ đề được chiếc ra từ cây mà Đức Phật Thích Ca ngồi thiền định và Xá Lợi Phật đựng trong hộp kiếng chạm vàng. Rồi hình tượng Bà Thánh Maria ở Fatima cũng được di từ Bồ Đào Nha đến Việt Nam tặng cho Tòa Thánh Tây Ninh làm kỷ niệm.

Như vậy là các bảo vật quốc tế về mặt tôn Giáo đã qui vào tay Ngài một cách rất huyền bí.

Về mặt chánh trị, Đức Ngài đã thuyết tại Đền Thánh đêm 1-3 Kỷ Sửu (1949) nhơn ngày lễ vía Đức Cao Thượng Phẩm có đoạn như sau: “Tấn tuồng ngày nay tái diễn tấn tuồng đã trên 2000 năm trước giữa Ngô-Việt. Ngày trước Việt Vương Câu Tiển phải phục hạ nhà Ngô để cứu nước, khi đó Phạm Lãi đi tìm Tây Thi về đặng nộp cho Ngô Phù Sai. Ngày nay Phạm Công Tắc thay vì mỹ nhân kế đem Đạo Cao Đài đặng nạp cho Pháp đặng cứu vãn tình thế. Tấn tuồng 2000 năm trước ngày nay tái diễn và Bần Đạo quả quyết, lần này cũng thắng nữa.”

Xưa Tây Thi lấy sắc khuynh thành mà mê hoặc Ngô Phù Sai, thì sử có nêu Điêu Thuyền, Huyền Trân Công Chúa đã đồ theo thành công tốt đẹp.

Còn Ngự Mã Thiên Quân dùng hồng oai hiền từ để cảm hóa, dùng ngoại giao để thay thế vũ lực phàm phu. Ngài lại lấy tâm hồn cao thượng Đạo đức mà mê hoặc. Trong lúc Pháp bị Đức vây hãm nguy cấp, Ngài cho thanh niên Đạo tình nguyện sung quân giúp Pháp đánh Đức. Thuở ấy Pháp đang nghi Cao Đài chống Pháp nên cấm Đạo truyền bá tự do. Cử chỉ cho lính tình  nguyện ấy buộc Pháp phải cho tự do tín ngưỡng trở lại.

Nhưng rồi Pháp lại trở mặt bội phản bắt Ngài đày lưu ở đảo Madagascar. Sự đài ải 5 năm ấy làm phản uất lòng Đạo đức của con cái Đức Chí Tôn, nên ở mặt Thiêng Liêng Đức Lý và Đức Quyền Giáo Tông giục thúc ông Trần Quang Vinh lập Nội Ứng Nghĩa Binh lật đổ Pháp ngày 9-3-1945, buộc Pháp phải trả Đức Ngài về đất Việt.

Ngài đã lật ngược thế cờ một cách huyền diệu. Đức Lý có giáng cơ nói:

“Tinh thần cao thượng, dầu hạ mình đến đâu, cao thượng vẫn là cao thượng. Còn tinh thần hạ tiện, dầu tự tôn tự đại thế nào, hạ tiện vẫn là hạ tiện”.

Tức Đức Ngài muốn nói sự đem quân giúp Pháp là vì ân báo oán, nó rất cao thượng, còn Pháp đã được lĩnh giúp mình mà trở lại bắt Đạo, đày Đức Hộ Pháp, đóng cửa Tòa Thánh, giải tán Hội Thánh, rốt cuộc cũng phải trả độc lập cho Việt Nam, trả tự do tính ngưỡng cho Đạo Cao Đài.

Đức Hộ Pháp đã làm tròn phận sự công dân, giải phóng quê hương khỏi ách lệ thuộc. Ngài làm phận sự công dân xong, trở lại cương vị Giáo Chủ lo về mặt Đạo đức siêu hình. Còn về mặt thế ai làm nên hư, sẽ dành cho hậu thế phê phán.

 

5. TRẦN THẾ CHẲNG KHÁC SÂN KHẤU

Đàn cơ tại Tòa Thánh,
Ngày 9-Giêng-Đinh Hợi Tý thời (dl 30-1-1947).
(Sau khi Đức Chí Tôn giáng cơ, tái cầu thì có Đức Phật Mẫu giáng).

 

DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC THIÊN TÔN

Mừng các con, bình thân.

 Các con chưa rõ cái mùi phú quí cao sang nơi thế nầy là cái bẫy để gài những bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật, phải sa đọa không mong đắc quả. Bởi cớ ấy mà đứa nào đặng hưởng lộc cao quyền cả thì MẸ lại lo cho đứa ấy sẽ quên cội bỏ nguồn, đành thả trôi chơi vơi nơi bể thảm.

Trong đám nầy chỉ có một số ít đứa biết hối ngộ tu tâm, chung vào cửa Phật, cũng lắm đứa miệng niệm Nam mô mà lòng lại cay nghiệt đè ép kẻ yếu thế cô, đương thâu của bá gia về tấn cúng, lòng ham tưởng chúng khen ngợi mà không kiếm hiểu câu tội phước công bình kia. Trời Phật, Thánh Thần chẳng đòi, không biểu lễ cúng chi cả. Các con vì lòng tín ngưỡng, chẳng biết điều chi, tạm dùng lễ để cung kính, rốt lại để khoe mình và để chiều theo thói phàm tục.

Các con hiểu Đạo, MẸ chẳng nói nhiều, các con khá suy nghĩ. Chư Tiên, chư Phật cùng các Đấng Thiêng Liêng chỉ dùng Tâm trong sạch, tin tưởng kính thành, ấy là một vật báu để hiến lễ đó.

Trên Thế, cũng chẳng khác chi trên sân khấu, sắp cho đủ lớp, nào là trung nịnh, hiền dữ, chen lấn múa men, la gầm, than thở, rốt cuộc bôi mặt thì đứa nào cũng ra đứa nấy. Ví dầu các con đặng địa vị cao sang thế nào cũng chẳng nên tự tôn tự đắc, húng hiếp những đứa thấp hèn. Các con rán ẩn nhẫn, hằng ngày bền chí trau tâm mong ngày kia hội họp nơi chỗ Hằng sống là nơi căn cội của các con. Vậy các con cũng chẳng nên quá luyến thế đời mà quên cựu vị nghe !

MẸ mừng đặng thấy các con đang hiệp với nhau. Vậy các con hãy nắm tay với nhau cho chặt chịa, đi cho vững.

THĂNG

 

6. NGƯ TIỀU VẤN ĐỐI

Cái tư tưởng của Thiên Khang Tiết hiển hiện ra rất rõ truyện “Ngư Tiều Vấn Đối”. Ông đặt ra một chuyện vấn đáp để bàn về phần uyên áo của tính mệnh và Đạo đức như sau đây.

“Ngư Giả rũ cần câu, câu cá trên bờ sông Y Thủy, Tiều Giả đi qua đặt gánh cũi nghỉ vai ngồi trên hòn đá bàn thạch mà hỏi Ngư Giả: Tất cả cũi của ta giúp đủ về việc cho cá của Bác có phải không?

-Phải

-Ta biết rằng ta hữu dụng cho bác vậy.

-Thế nào là dụng có thể được nghe chăng?

-Dụng là cái cao diệu của vật chất, có thể lấy ý mà hội, không có thể lấy lời mà truyền ra được.

-Thánh nhơn đã không thể lấy lời nói mà truyền ra được, thế thì học kinh không phải là truyền lời nói hay sao?

-Thời đã qua rồi mới nói, thì nói gì mà nói.

Hai người ngồi bẻ cũi nướng cá, cùng nhau thích mà bàn Đạo dịch.

Tiểu Giả: Trời nương vào đâu?

-Nương vào đất.

-Đất phụ vào đâu?

-Phụ vào trời.

-Thế thì trời đất nương vào đâu? Phụ vào đâu?

-Cùng nương phụ vào nhau.

Trời nương vào hình, đất nương vào khí. Cái hình thì có bờ bến, cái khí thì không có bờ bến.

-Bác dùng Đạo gì mà được cá?

-Ta dùng 6 vật là cần trúc, dây tơ, phao nổi, đề chìm, mồi câu. Đủ 6 vật ấy là việc người, được cá là việc trời. Nếu 6 vật ấy mà không  được cá là không phải tại trời, tại người vậy.

-Tiểu nhân có thề tuyệt hết được không?

-Không thể được. Không có âm thì dương không thành, không có tiểu nhơn thì quân tử không thành. Duy trong khoảng đó có thể khiến cho bên thịnh bên suy vậy. Đời trị thì quân tử 6 phần, tiểu nhơn 4 phần. Tiểu nhơn vốn không thắng được quân tử vậy. Đời loạn thì khác thế, quân tử thường làm hơn nói, tiểu nhơn thường nói hơn làm. Đời trị thì kẻ sĩ đốc thực nhiều, đời loạn thì kẻ sĩ duyên sức nhiều. Những người đốc thực ít khi không thành sự, những người duyên sức ít khi không bại sự.

-Người có tài, có kẻ có lợi cho đời, có kẻ hại cho đời là cớ sao?

-Có người tài mà chính, có người tài mà không chính.

-Vậy sao không chọn người mà dùng?

-Chọn người làm tôi là ở ông vua, chọn vua là ở người làm tôi. Kẻ hiền, kẻ ngu đều loài nào theo loài ấy. Có vua Nghiêu Thuấn tất có người tôi giúp Nghiêu Thuấn; có vua là Kiệt, Trụ tất có người giúp Kiệt Trụ.

Đại để cái học của Triệu Khang Tiết lên đến chỗ rất cao, cho nên phản phất giống Lão học, nhưng thủy chung vẫn giữ đúng cái tông chỉ của Nho Giáo. Cái học ấy có phần sở trường rất lớn và gây thành cái tư tưởng tự do chứ không bó buộc như cái học của Tiên Nho. Nhưng vì cái học ấy phải người có thiên tư đặc biệt mới theo được, cho nên về sau không mấy người nối được mà mở rộng ra vậy.

(Trích Nho Giáo quyển II của Trần Trọng Kim trang 104)

 

7. TAM BÀNH-LỤC TẶC

Ba vị họ Bành là Bành Cả, có bản chép là Bành Sư, lại có bản chép là Bành Cử.

Bành Kiểu, có bản chép là Bành Chiêu và Bành Chất ở trong lòng người ta, xúi làm những điều tà vạy.

Rồi đến ngày Canh Thân lên Trời tâu với Ngọc Hoàng về những tội lỗi của người làm, cốt làm cho người ta giảm thọ, mau chết để khỏi canh giữ nữa. Người ta thường nói: “Nổi tam bành lục tặc lên”.

Lục Tặc là 6 điều hại sự tu hành là: sắc, thinh, hương, vị, súc, pháp. Trong đoạn Trường Tam Thanh có câu: “Bây giờ mụ nổi Tam Bành mụ lên”.

Lục Tặc cũng gọi là lục trần.

Sau đây là lời giải của ông Thông Quang:

Sắc đẹp ai thấy cũng ưa,

Thấp cao hai lẽ cho vừa ngay gian.

Tiếng kèn giọng uyển dịu dàng,

Nghe không phân biệt nguy nan suốt đời.

Hương nồng ngào ngạt đổi vời,

Làm cho gia Đạo người đời đảo điên.

Vị ngon vật thực nhiễm truyền,

Miếng ăn cũng có dữ hiền xưa nay.

Cảm súc ngoại cảnh hằng ngày,

Không phân phải trái khổ đày biết bao.

Thói quen lợi hại thế nào,

Lục trần bất nhiễm liệt vào Thần Tiên.

Ấy là hữu phước hữu duyên.

 

     8. NHÌN LÊN BÀN THỜ

Thường chúng ta đi cúng Đền Thánh hay Đền Thờ Phật Mẫu, chúng ta lo tư tưởng các Đấng chứng lòng chứ không để ý trên bàn thờ có những gì, mà những món ấy có ý nghĩa gì với chúng ta chăng?

Bình tâm quan sát chúng ta thấy gì?

-Nào bộ lư đồng, có 2 chưng đèn cũng bằng đồng, nó tượng trưng sự hiện diện của kim thạch hồn. Một bên bình hoa, một bên đĩa trái cây; bình và đĩa thuộc thổ tức vật chất hồn.

-Hoa trái cây tượng trưng cho thảo mộc hồn, chúng đại diện cho dòng giống cây cỏ để hiến lễ cho các Đấng.

-Kế đến cặp Hạc đứng trên lưng Qui, thêm con Lân trên bộ lư giữa, đại diện cho thú cầm hồn nơi Điện Thánh.

-Chúng ta là nhơn sanh nam, nữ quì tụng tân kinh theo nhịp phách câu đờn tức đại diện cho nhơn hồn hiến lễ cho Đại Từ Phụ hay Đại Từ Mẫu.

-Dòm lên, nếu ở Đền Thánh, thấy Thần Thánh Tiên Phật hiện diện cùng chúng ta hiến lễ cho Chí Tôn. Nếu ở Phật Mẫu có Cửu Vị Nữ Phật, Đức Cao Thượng Phẩm, Ngài Đông Phương Sóc cúng chư chơn linh nam nữ chứng lòng ngưỡng niệm tâm đức.

Trước mắt chúng ta, bát hồn có đại diện để trong lễ tứ thời hằng ngày hay lễ sóc vọng hằng tháng, chúng cùng hiến lễ hầu tỏ lòng hiếu thảo đối với Đấng Tạo Đoan càn khôn vũ trụ.

Câu liễu trên Cung Bạch Ngọc đã nói rõ:

“Bát hồn vận chuyển ca Huỳnh Lão,

“Vạn vật đồng thinh niệm Chí Tôn.”

Vậy sự hiện diện của các cúng phẩm, các món trang trí má chúng ta thấy trên bàn thờ đều có phận sự tượng trưng cho bát hồn. Nhờ chúng ta thành tâm cầu nguyện mà chúng được hiến lễ cho Chí Tôn, Phật Mẫu. Nếu Đền Thánh bỏ vắng, Điện Thờ không ai cúng kiến thì bát hồn không hiệp nhứt, không đồng thinh; các hồn lạc hậu như vật chất, thảo mộc, thú cầm không phương hiến lễ thì chúng ta không xứng phận đại diện cho chúng mà dẫn độ quần sinh, tức chúng ta thiếu phận cùng Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu đã giao phó đó vậy.

 

9. SỔ LƯU NIỆM TẠI TÒA THÁNH

Lúc gần đây, tuy Tòa Thánh không được hoàn toàn tự do theo ý muốn, nhưng khách thập phương vẫn ngưỡng mộ đến chiêm bái Đức Chí Tôn ngày càng nhộn nhịp. Nơi sổ lưu niệm, có người lục tỉnh, có người Miền Trung, có người Miền Bắc, cũng có khách ngoại quốc đến để lời khen ngợi Tòa Thánh là một kỳ quan của Việt Nam.

Thường chúng ta tưởng, người ngoại quốc phía Tự Do có tín ngưỡng còn người ngoại quốc phía XHCN thì vô thần, không tin gì hết. Quan niệm ấy rất sai lầm, vì chính phái đoàn Liên Xô đã ca tụng cảnh hùng vĩ của Điện Thờ và cầu chúc nó được trường tồn với thời gian. Các phái đoàn Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Gia Lợi…cũng trầm trồ kiến trúc Việt Nam không thua Châu Âu và khen tinh thần Đạo Giáo dân Việt rất cao siêu thâm viễn.

Ngày 25-6-1982, có một Cư Sĩ có lẽ thuộc Phật Giáo Thống Nhứt Việt Nam bút hiệu Thái Chân đã lưu niệm 2 bài thi giá trị, chúng tôi xin lượm lặt nơi đây để chư đọc giả thấy thiên hạ đã hướng về với Thượng Đế rồi đó.

Bài thi nhứt tựa: Truy Niệm Đức Hộ Pháp

Bài thi thứ hai tựa: Đại Đạo Suy Tôn

Làm theo lối Thủ Danh vi đề.

TRUY NIỆM ĐỨC HỘ PHÁP

SINH ký tử qui Đạo Thánh Hiền,

NHẬT tri minh nguyệt cảnh Thần Tiên.

ĐỨC cao nghĩa trọng lưu trần thế,

HỘ niệm Đạo mầu nhập quán thiên.

PHÁP chính thiên cơ  thông bốn cõi,

PHẠM vi tu niệm khắp muôn miền.

CÔNG bình xây dựng bao năm lẽ,

TẮC phải có Trời đất chứng miên.

ĐẠI ĐẠO SUY TÔN

ĐẠI đồng thế giới nhiệm mầu thay,

ĐẠO pháp hành lương nhớ lấy ngày.

TAM Giáo đồng lưu chung kiến quốc,

KỲ quan vũ trụ hướng tương lai.

THÁNH hiền bốn cõi thành tâm phụng,

THẤT Tổ Cửu Huyền dạy thẳng ngay.

TÂY trúc thập phương đầy nhiệm ứng,

NINH khương gia Đạo phước trùng lai.

Cư Sĩ: Thái Chân

Tòa Thánh Tây Ninh ngày 5-5 Nhâm Tuất (26-6-1982)

 

10. CỜ PHƯỚN VÀ PHAN

Từ xưa đến nay, người ta thường áp dụng lối tượng trưng để diễn tả việc mình muốn nói; như muốn nói Đạo Phật thì tượng trưng bằng bông sen; muốn nói Đạo Thiên Chúa thì tượng trưng bằng Thập Tự Giá, muốn nói Đạo Nho thì tượng trưng bằng Bộ Xuân Thu. Bây giờ muốn nói nước nầy, nước kia thì tượng trưng bằng cây cờ.

Vậy cờ tượng trưng cho hồn nước nên màu sắc của nó, kiểu võ của nó diễn tả đầy đủ dân tộc tính của một quốc gia.

Như cờ Pháp có 3 màu: Xanh, trắng, đỏ nó tượng trưng cho 3 giai cấp trong xã hội Pháp: màu xanh đại diện cho giai cấp quí tộc, màu trắng đại diện cho giai cấp tăng lữ, màu đỏ đại diện cho giai cấp bình dân. Cờ Mỹ có 52 ngôi sao trắng trong nền xanh nói lên sự thống nhất của 52 tiểu ban của Hiệp Chủng Quốc trong sự hòa bình, vì màu xanh là màu hòa bình. Cờ Nhựt có mặt trời đỏ trong nền  trắng nói lên dòng giống Thần Thái Dương Hệ. Cờ Trung Hoa là Thanh Thiên Bạch Nhựt Đồng tức mặt trời đứng bóng…Còn Việt Nam dầu Quốc Gia hay Cộng Sản cũng lấy da vàng máu đỏ làm gốc. Quốc Gia thì nền vàng 3 sọc đỏ tượng trưng cho 3 kỳ thống nhứt; Cộng Sản thì cờ đỏ sao vàng vì sao là tượng trưng cho hy vọng.

Bây giờ chúng ta nói từ việc nhỏ đến việc lớn, từ đảng phái đến quốc gia rồi đến quốc tế, đến Đạo Giáo. Như nước ta là một nước nhỏ mà cũng có nhiều đảng phái, mỗi đảng có cờ đảng, thậm chí đến hội túc cầu, hội bóng bàn, thể thao cũng có cờ của hội mình.

Xa xưa thì chúng ta không rõ chớ từ 1945 đến nay, những màu cờ đảng phái tôn Giáo phất phới trên bầu trời Việt Nam, có cờ Phật Giáo Thống Nhứt, Phật giáo Hòa Hảo, cờ Cao Đài, cờ Thiên Chúa, cờ Việt Minh, cờ Pháp, cờ Nhật, cờ Mỹ, cờ Nga…Chúng ta để ý kích thước của mỗi lá cờ đều giống nhau là bề ngang 3 phần thì bề dài 4 phần. Còn ở chùa chiền có treo những lá cờ dài kêu là phướn, bề ngang có 1 phần mà bề dài tới 9 phần. Hình thức phướn nó đổi dạng mà ý nghĩa nó cũng khác là nó tượng trưng tôn Giáo về mặt siêu hình, còn cờ tượng trưng cho quốc gia về mặt hữu hình.

Thường người ta nói cờ là hồn nước mà Phướn lại gọi là hồn, truy hồn, dẫn dắt hồn đi đến cảnh hư vô tịch diệt tức Bồng Lai Tiên Cảnh hay Niết Bàn cũng thế.

Trong Đạo Cao Đài có phướn Thượng Sanh để dẫn dắt người đời vào cửa Đại Đạo. Khi học thông Đạo lý, lập công đức ngôn, người tín hữu Cao Đài lần lên phẩm trật tột đỉnh nhờ phướn Thượng Phẩm dẫn dắt, đó là mặt hữu vi của Thiên Đạo.

Còn khi chúng ta lìa đời, cây cờ mà chơn hồn phải nương theo để thoát tục lại đổi tên là  “PHAN”. Trong Tân Kinh có câu:

“Nắm Phan tiếp dẫn vào vòng Như Lai”.

Khi hồn qua 9 từng trời tức cửu cửu thì 200 ngày sau đến Tiểu Tường, hồn nương Phan Tiểu Tường ấy mà về với Mẹ ngụ tại Cung Trí Giác để trụ tinh thần. Trong thời gian 300 ngày học triều nghi hồn nương Phan Đại Tường mà về Bạch Ngọc Kinh cùng Đại Từ Phụ, nên khi xã tang phải đốt phan vì đã tới nơi tới chốn rồi, không còn đi đâu nữa.

Để kết luận, chúng ta định nghĩa:

Cờ là hồn nước.

Phướn là truy hồn.

Phan là dắt hồn về quê xưa cảnh cũ, nơi nguyên thủy của ta xuống thế, nay ta về chỗ cũ nên câu “sanh ký tử quí” sống gởi thác về là vậy.

Sống theo cờ mới gọi là trung; muốn trọn trung hiếu phải noi Phướn tức noi Đạo mới trung hiếu song toàn. Còn muốn thoát tục phải nắm Phan mà về quê cũ. Bằng bất trung, bất hiếu, vô Đạo thì kiếp đọa trần luân chuyển mãi mãi, tức bất năng thoát tục.

 

11. CÁCH LẠY

Đức Quyền Giáo Tông có dạy cách lạy như sau:

Dạy chấp tay theo Tam Kỳ mở Tam Giáo:

1.Nhứt Kỳ Đức Lão Tử giáng thế dạy Đạo Tiên phải chấp 2 tay “Kiết nhụy” như bông sen búp.  Khi lạy thì xòe 2 tay úp xuống đất, cúi đầu xuống 3 lạy kêu là “Khể Thủ”.

2.Nhị Kỳ Đức Thích Ca giáng sanh dạy Đạo thì chấp tay “Hiệp chưởng hoa khai”. Khi lạy thì để ngửa 2 bàn tay để xuống đất mà cúi đầu xuống kêu là “Hoa Nam Khí Khổng”.

Phu Tử giáng sanh dạy Đạo Thánh, cung tay đến mài mà lạy kêu là “Phủ Phục”.

3.Tam Kỳ nay Đấng Chí Tôn giáng cơ tiếp điển mở Đạo phổ độ hiệp đủ Phật Tiên Thánh là kỳ kiết quả, độ đủ 92 ức nguyên nhân về nơi nguyên thủy. Có câu sách thiên địa tuần huờn châu như phục thỉ, Tam Giáo qui nguyên. Chấp tay hoa sen đã thành trái quả, bên tay trái thuộc dương, ngón tay cái là mẫu chỉ, ngón trỏ là thực chỉ, ngón giữa là trung chỉ, ngón út là tiểu chỉ; còn một ngón không tên là vô danh chỉ.

Sách có câu: “Vô danh thiên địa chỉ” là trước khi trời đất chưa khai thì một khí không không, sau định Hợi Tý mới mở Trời, nên chữ Tý ở tại góc ngón tay vô danh.

Khi mở Trời rồi mới có hữu danh vạn vật chi mẫu. Muôn vật có hữu chất đều thọ nơi Mẫu mới hóa sanh. Nay đến hồi Tam Kỳ kết quả là độ hết cả quần linh về cõi Niết Bàn, chẳng để một điểm chơn linh ở miền Đông Độ.

Nên ngón cái là Mẫu chỉ vào chữ Tý, còn tay hữu ngón cái chỉ vào chữ Dần. Tay hữu 4 ngón đều bao ngoài tay tả là nhơn vật quần linh tận qui nguyên vị. Tay tả là dương mà có tay hữu ẩm chỉ vào, còn tay hữu âm mà có tay tả dương ở trong, vậy nên Kinh Diệt nói:

Âm nội hữu chơn dương,

Dương nội hữu chơn âm.

Âm dương lưỡng cá từ,

Năng hữu kỳ nhơn tri.

Như cách lạy này là thời kỳ dạy Đạo.

Còn luyện Đạo, cách lạy cũng 2 tay kiết quả, nhưng mà khi lạy chỉ đất, phải để 2 bàn tay ngửa mới cúi đầu.

Cách lạy mầu nhiệm, nghĩa lý sâu xa, chưa đến kỳ tịnh thất nên không dám giải diệu mầu, e lậu Thiên cơ chẳng dể.

(Tài liệu do ông Phối Sư Ngọc Đại Thanh tặng)

 

12. QUYỀN CỦA BÀN TRỊ SỰ KHÔNG NHỎ

Do đâu mà quyền năng chia sớt với Chí Tôn và Lý Giáo Tông ?

Đành rằng quyền Đạo đáng công ban cho vạn loại Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài, nhưng phận sự của 2 Đài lập quyền năng và pháp luật của toàn thể, toàn Đạo.

Hội Thánh không có sức coi sóc chăm nom tìm cả con cái Chí Tôn, nên phải phân phát phận sự cho các Hội Thánh, rồi Hội Thánh sang quyền lại cho Chánh Phó Trị Sự là Ban Trị Sự là Hội Thánh sở tại.

Nó có quyền đối phó với Hội Thánh Tòa Thánh, nên chi:

Chánh Trị Sự là Đầu Sư Em.

Phó Trị Sự là Giáo Tông Em.

Thông Sự là Hộ Pháp Em.

Xem thử đâu đâu cũng có quyền năng Ngài, không sót một đứa con nào mà không biết Hội Thánh. Phần đông Đạo hữu đều chết chưa hề đặng hạnh phúc mà đến Tòa Thánh, mà hiểu rằng Hội Thánh không bỏ sót cho họ chi chi họ tính nơi Bàn Trị Sự. Hội Thánh Anh không bao giờ qua luật lệ nơi Hội Thánh Em, nhứt nhứt đều do nguyện vọng của Hội Thánh Em mà thôi.

Thấy thế mà hiểu rằng, quyền hành Bàn Trị Sự rất đổi nặng nề và kiên cố, tức là tiền môn của Đạo. Vậy Nhơn Sanh muốn vào Nhơn Nghĩa là về Tòa Thánh có Hội Thánh Em chứng nhận mới có quyền vào làm anh nó. Căn cứ toàn cầu của Chí Tôn là nơi Bàn Trị Sự trước mới đúng.

Chia sớt của nó là chính mình Hội Thánh Anh thâu con cái của Chí Tôn mà không có Hội Thánh Em chứng nhận, nghĩa là phải trọng lấy Hội Thánh Em vì nó có quyền đặc biệt phú tính của Chí Tôn và Đức Quyền Giáo Tông.

Đòi phen nhiều kẻ khinh rẻ là nhỏ mà nhớ lấy bước đầu tiên vĩ đại. Khá hiểu và từ đây nó sẽ lớn đến đổi một vị Đế Vương muốn vào nơi nhà phải đợi lịnh nó mà chớ.

(Tài liệu do ông Phối Sư Ngọc Đại Thanh tặng)

 

13. CHÍ TÔN GIẢI VỀ THIÊN NHÃN

Ngày 1-3 Nhâm Ngọ (15-5-1942)

Đây Thầy giải sơ về cách thờ phượng của Đạo Cao Đài.

Tại sao Thầy lại biểu các con tạo ra Thánh Nhãn mà thờ, không dạy thờ hình tượng như các tôn giáo khác?

Các con phải biết rằng: Trời là lý thì lý ấy rất thông linh, bao quát càn khôn thế giới, Thầy đâu có xác phàm như các con mà tạo hình thể như các con nên chỉ thờ Thiên Nhãn là thờ Thầy.

Tại sao Thiên Nhãn là Thầy?

-Thầy có dạy trước rằng:

Nhãn thị chủ tâm,

Lưỡng quan chủ tể,

Quan thị Thần,

Thần thị Thiên,

Thiên giả, ngả giả.

Nhãn là trái tim của con người, trái tim ấy là Tạo Hóa tức là Thần, mà Thần là lý hư vô. Lý hư vô ấy là Trời vậy.

Người tu chừng nào luyện:

Tinh hóa khí,

Luyện khí hóa Thần,

Luyện Thần hườn hư vô.

Thì huyền quan nhứt khiếu ấy mở ra.

Huyền quan nhứt khiếu ấy là chi?

-Là Thiên Nhãn vậy, nó ở ngay nê hoàn cung, gom chơn dương chánh Đạo. Hai con mắt của các con là nhục nhãn, còn lưỡng quan là Nhựt Nguyệt hằng soi sáng khắp cả càn khôn, cứ tuần hoàn mãi mãi, hết ngày đến đêm, hết đêm đến ngày, không bao giờ dứt sự hành tàng của Tạo Hóa.

 

14. TỈNH TỌA-THIỀN TỌA

Chu Hối Am là một Tống Nho nói rõ cái nghĩa chữ Tỉnh Tọa để học giả không hiểu lầm với chữ Thiền Tọa của Phật Giáo.

Bên Phật, tọa thiền nhập tịnh là cốt để thu nhập cái tâm, không để tản mác ra ở mọi sự vật, cứ ngồi im lặng không nghỉ ngợi gì cả.

Bên Nho tỉnh tọa là ngồi yên, lấy sự kỉnh mà giữ cái tâm cho sáng suốt để đối phó với các sự vật cho hợp Đạo lý. Hai bên cùng đồng một ý hoán tỉnh cái tâm, nhưng cái Đạo thì khác. Phật thì hoán tỉnh cái tâm để cho thành không không mà Nho thì hoán tỉnh cái tâm để khiến nó soi sáng đến các sự lý.

Chỗ nầy Chu Hối Am muốn phân biệt sự đồng dị của Nho và Phật, nhưng cái thuyết của ông chưa được rõ lắm. Phật nói hoán tỉnh cái tâm mà không hành vi, là chính để cho cái tâm sáng suốt mà biết rõ sự thật. Nho nói hoán tỉnh cái tâm là cốt để biết rõ Đạo lý hai bên cũng đồng theo một chủ đích.

Phật học chủ ở chữ “TUỆ” chữ “GIÁC”.

Nho học chủ ở chữ “NHÂN” chữ “THÀNH”.

Danh từ tuy khác nhưng nghĩa lý vẫn là một, lấy cái thể của Đạo mà nói thì hai bên cùng cao như nhau nhưng đều chờ hai bên phân ra khác nhau là cái dụng.

Cái dụng của Phật học thì chủ ở sự xuất thế, cầu lấy sự giải thoát; cái dụng của Nho học thì chủ ở sự xử thế, cầu lấy sự hành vi cho hợp Đạo lý. Cái học của Phật là cái học tiêu cực trái với Đạo làm người ở đời; cái học của Nho là cái học tích cực quan thiết đến sự nhân sinh nhật dụng.

Ta thường nói Đạo Phật cao, Đạo Nho thấp là bởi có lẽ đó mà thôi. Nhưng đến chỗ Đạo lý thật cao, theo cái nghĩa “Nhứt dỉ quán chi” của Khổng Tử, thì hai Đạo không kém gì nhau, mà cũng không xa nhau là mấy.

Vì cái tương đồng như thế, cho nên về đường tu dưỡng, Tống Nho mới nói cái thể tỉnh và dùng cái phương pháp tỉnh tọa. Ở chỗ nầy, như Nho dẫu muốn biện luận thế nào mặc lòng, đó chính là cái bằng chứng rõ ràng là Tống Nho đã hấp thụ cái ảnh hưởng của Phật Giáo vậy.

(Trích Nho Giáo Quyển Hạ  của Trần Trọng Kim trang 160).

 

15. BÁT NƯƠNG MỪNG NGÀI HỒ BẢO ĐẠO LÊN PHẨM THỜI QUÂN

Với phẩm Đốc Phủ Sứ ông Hồ Tấn Khoa về với Đạo được Đức Hộ Pháp phong Hiền Tài, rồi Đức Cao Thượng Phẩm phong Bảo Đạo thay quyền Ngài Ca Bảo Đạo tại thế.

Sau đó Bát Nương Diêu Trì Cung có giáng cơ mừng Ngài và cho hai bài thi, chúng tôi xin trình bày sau đây:

Bài Thứ Nhứt:

Biển tục luyện thần một cái không,

Thay giềng Bảo Đạo hiểu chưa Ông?

Long Tu kết quạt đưa đường Lạc.

Phất Chủ liền tay quét nẻo Hồng.

Rửa sạch bợn trần nhờ Pháp Giới,

Đánh tan mị khí có Thiên Bồng.

Biết phần cửa Đạo vừa chơn lý,

Nảy nét công từ định quả công.

Ngài Bảo Đạo họa lại:

Trần ai tuy ở cũng như không,

Cực trí vì người lại gọi Ông.

Trước vướng nợ đời đành phải trả,

Nay mong về Đạo lánh trần hồng.

Dè đâu còn lãnh mang Thiên tước,

Có phải nghiệp xưa chốn Đảo Bồng.

Phẩm vị báu cho nghe quá lớn,

Biết mình có xứng lập nên công.

1 tháng 11-Qúi Tỵ (6-2-1953)

Bài Thứ Nhì:

Thoát khỏi dục tình đến cõi không,

Thời Quân Chi Đạo đó là Ông.

Dìu đời tục khổ theo đường Thánh,

Giúp Đạo trần gian lánh bụi hồng.

Đạo đức dẫy tràn an thế giới,

Chánh chơn bủa khắp sánh Tiên Bồng.

Từ bi phương giúp vừa sanh chúng,

Tạo vị nên đời mới thật công.

Ngài Bảo Đạo họa lại:

Có không, không có, có như không,

Ông lớn, ham chi những chức Ông.

Lớn chức to quyền nhiều tội lỗi,

Cao ngôi, trọng trượt, khổn trần hồng.

Sao bằng học hỏi trường Tiên Phật,

Chi giữ thanh cao cõi Nhược Bồng.

Hữu phước gặp kỳ khai Đại Đạo,

Ráng sao góp đặng một phần công.

Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa

  Tòa Thánh, ngày 6-2-1953

 

16.  PHẢI CHĂNG LÀ MỘT CUỘC GIAO LÃNH NGÔI GIÁO CHỦ?

Luận về Đạo Giáo hiện kiêm, không ai chối cải rằng Thiên Chúa Giáo thạnh hành nhứt đối với các nền tôn Giáo đang diễn tiến trên thế giới. Năm 1956, Đức Chúa Jêsus Christ có giáng cơ cho một bài thi nói rõ Ngài đã giao lãnh phận sự làm chủ tinh thần thế giới cho Đức Hộ Pháp. Bài thi ấy như vầy:

Jesus Christ-24 Décember 1956.

Cửa Hồng đuốc huệ rọi nên thông,

Thế kỷ hai mươi phải đổi dòng.

Đạo Thánh khen ai mưu lợi dụng,

Đường Tiên cậy kẻ phép thông công.

Tây Phương trở gót về Nam Việt,

Bắc Hướng quay cờ đến Lạc Hồng.

Định thế nhờ tay Vi Hộ Pháp,

Long Hoa Đại Hội mở thiên công.

Chúng ta có thể hy vọng rằng, đến ngày phán đoán đại đồng tức là Long Hoa Đại Hội, tiếng Pháp gọi là Congrés International des Religions, thì số 3 triệu tín đồ Cao Đài sẵn có hiệp với Thiên Chúa Giáo của Đức Chúa Jesus sẽ có năng lực làm cho thế giới đại đồng một cách dễ dàng. Chừng ấy thế gian chỉ còn:

Một quốc gia,

Một nòi giống,

Một Tôn Giáo.

Cả thảy loài người đều nhìn Đức Chí Tôn là Cha, Đức Phật Mẫu là Mẹ, nhơn loại là anh em ruột thịt, chia cơm xẻ áo với nhau trong tình bác ái công bằng thì có hạnh phúc nào hơn nữa.

Chúng ta sẽ có một Thiên Đàn tại thế trong một ngày không xa đó vậy.

 

17. TÌM HIỂU ĐẠO BÀ-LA-MÔN

Cách đây trên 4.000 năm, ông KRISHNA tạo lập Đạo Bà La Môn, một tôn Giáo cổ truyền của nước Ấn Độ.

Sự tín ngưỡng của xứ Ấn Độ rất phức tạp: Người ta có thể gặp một ông Thần dễ hơn gặp một người. Họ tin rằng người ta chết đi, linh hồn vẫn còn sống mãi và chịu sự thưởng phạt của Thần BRAHM, Đấng sáng tạo ra con người, Trời đất và muôn vật.

BRAHM (Phạm) định nghĩa là linh hồn của vũ trụ (ame uniserselle) hay là một nguyên tắc thần linh phi nhân (principe diviu impersonnel). Về sau họ đổi tên Brahm thành Brahma (Phạm Thiên) tức là một Đấng Tạo Hóa toàn năng, Trung Hoa dịch là “Đại Linh Tính”. Tất cả muôn loài vạn vật đều do Brahma tạo thành, chính con người một phần nhỏ Brahma nghĩa là Tiểu Linh Tính ở trong Đại Linh Tính.

Tục thờ Brahma đã chia dân tộc Ấn Độ  ra làm 5 giai cấp  riêng biệt, quí bạn hãy đọc một đoạn sau đây của qui điều Bà La Môn nói với Giáo dân họ:

1.-Nếu người sanh vào hạng Bàlamôn (Brahmane) trong các hạng thầy tu thì Đạt Ma (cái bổn Phật) là phải dạy dỗ và làm những việc theo nghi lễ tôn Giáo.

2.-Nếu người sanh vào nhà chiến sĩ và nhà Tướng (Sát Đê Lợi) thì phẩm phận là phải phò vua giúp nước.

3.-Nếu người sanh vào dòng Tỷ Xa (Vaisya) thì bổn phận của quí vị là phải lo việc buôn bán và tiêu phí nhiều về phước thiện.

4.-Còn nếu sanh vào dòng ty tiện hèn yếu thì bổn phận của các ngươi là phải làm tôi tớ cho 3 giai cấp trên để làm tròn phận sự là tận tâm trung thành với trách vụ. Theo Bàlamôn Giáo thì mỗi người đàn ông hay đàn bà đều có những Ghrma hay gọi là bổn phận mà Trời (Brahma) đã phú thác cho họ.

Như vậy ta thấy chỉ có giai cấp Brahmane tự xưng là lớp người cao quí nhứt do miệng Phạm Thiên sinh ra để cai quản dân tộc. Ngoài 4 giai cấp vừa kể trên người ta còn thấy một đám người nữa rất đông gọi là dân Balya không được Bàlamôn Giáo ghép vào làm một giai cấp, vì họ sống một cuộc đời rất ti tiện, hèn yếu và bị khinh bỏ như súc vật.

Nguyên nhân vì theo tục lệ Bàlamôn, xác người chết trước khi thiêu phải đem dìm xuống sông Gauge lấy khước. Nhà giàu thì đem về rước xác linh đình, nhà nghèo muốn tránh sự tổn phí, khi thấy người hấp hối, họ đã vội khiên ra bờ sông lấy bùn đất nhét vào tai, vào miệng rồi để đó. Có nhiều khi người ấy ngất đi, lại hồi sinh sợ con cháu làm khổ nhục liền trốn tránh. Từ đó, y thành người thừa, vì sợ chết con cháu không dám nhận, người khác gặp phải tránh xa như tránh bệnh ôn hoàng dịch lệ. Cũng với bọn nầy, những hạng vô sản thất nghiệp, hành khất, tù nhân được tha, những quả phụ không dám chết theo chồng v.v…tuy họ chẳng được ai săn sóc tốt, nhưng vẫn sống đê tiện bên bãi tha ma, để rồi một ngày kia chết rục xuống đó làm cớ cho mấy giai cấp trên khinh bỉ, ghê tởm.

Như vậy hầu hết dân chúng Ấn Độ theo Bàlamôn đều thuộc vào những phái suốt đời làm nô lệ cho một số người tự xưng là Đại Diện Của Chúa Trời.

Một chế độ bất công trên xã hội, một sự hổn loạn vô cùng thống khổ trong tư tưởng lẽ nào lại kéo dài ra mãi!

Trạng thái suy đồi ấy không thể tiến thêm bước nào nữa. Và một phản động quyết liệt  phải xảy ra để đưa xã hội về một trật tự mới, một nền luân lý và Đạo đức mới mà nguồn khởi xướng cuộc cách mạng tư tưởng không mất một giọt máu đào và lệ nóng, đó là Thái Tử Siddharta (Tất Đạt Đa) Đấng đã cách mạng bản thân, trau giồi ý thức, gạn lọc tinh thần, hoàn thành sứ mạng giải thoát cho mình và cho đời với danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni, vì trái ngược hẳn với Giáo điều Bàlamôn, Đức Thích Ca nói:

“Ngươi hãy tự cứu lấy ngươi, ngươi hãy tự đứng dậy một mình (Sauve toi par toi même, Lève toi par toi même).

Trong khi đó Đạo Bàlamôn chủ trương: “Hãy tin tưởng nơi ta (Chúa Trời Brahma) hãy để hết lòng tín nhiệm nơi ta thì ta cứu rỗi cho và ta giải thoát cho khỏi vòng tội lỗi (Croyey en moi, mettey en moi comme confiance et je vous libérerai de vos péchés et je vous sauverai).

“Tự mình hãy thấp đuốc lên mà đi”.

Là danh ngôn hoạt động của Thái Tử Tất Đạt Ta, sự nghiệp viễn hành và sáng lập ra Đạo Phật vậy.

(Trích quyển Khám Phá Vũ Trụ và Đời Người, trang 47 của Quốc Ánh)

  Viết xong quyển V ngày mùng 3 tháng 6 Nhâm Tuất (1982)

QUANG MINH

 

(Xin xem tiếp quyển VI)

 

 

Top of Page

      HOME