Thưa các Bạn đồng sanh, có một người Bạn hỏi tôi rằng: tại sao Chị lại chọn Tôn-giáo CAO-ĐÀI làm tín-ngưỡng?
Tôi đáp ngay:
-Tôi tìm Đạo cũng như tìm người yêu. Ngày xưa, Tôi chọn người yêu vì tôi cảm thấy rằng người ấy có đạo-đức, kiến-thức, tinh-thần cao-thượng… Trước mắt tôi là văn võ song toàn, đủ sức để bảo vệ tôi, an-ủi tôi và chắc rằng sẽ được hài-hòa trong cuộc sống.
Sau năm năm chờ đợi, chúng tôi cưới nhau, với thời-gian này đủ cho chúng tôi hiểu biết nhau và làm nên mối tình NGUYÊN-THUỶ.
Tôi đến với Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ này cũng vậy. Tuy rằng là một truyền-thống của gia đình. Ông Bà tôi đã nhập-môn vào Đạo Cao-Đài từ lúc Đạo mới khai năm Bính-Dần (1926). Nhưng khi trưởng thành, tôi cố-gắng tìm hiểu, học hỏi từ lời Thánh-ngôn, Thánh-giáo của Đức Thượng-Đế giáng cơ dạy Đạo. Lần đầu, tìm thấy một hiện tượng lạ, các bậc tiền-bối cũng thử thách xem chân giả thế nào.
Thiết nghĩ rằng người tu cần phải tìm hiểu cho thật sâu sắc rồi hãy tin, dầu dưới hình thức nào. Khi đã tin thì mới thật là Đức-tin phát xuất từ trong trái tim tín-ngưỡng, để đừng bao giờ hối tiếc vì sự lầm-lỡ hay phải nói lời hối-hận.
1- Thời tiền khai Đại-Đạo
Thuở ấy, ba vị CƯ, TẮC, SANG (sau đắc phong là Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp, Thượng-Sanh) tiếp điển, thông-công với các Đấng Thần-linh, có Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế giáng cơ, nhưng chỉ xưng danh là AĂÂ. Rồi cũng có nhiều bậc Đại-Đức bên Phật-giáo hay các chính-khách đến thử bằng cách viết sẵn một bài thơ dấu trong túi áo đến hầu đàn, thầm khấn nguyện, nếu phải huyền-diệu thật thì mới hiểu được tâm-sự của các Ngài.
Vị Yết-Ma Luật có bài thơ như vầy:
Ấm-ức tâm-tư suốt mộng tràng,
Có đâu Tiên Phật xuống phàm-gian.
Văn hay chữ giỏi bày thi phú.
Họa được thơ đây mới NGỌC-HOÀNG.
Thừa lúc ấy, trong đàn nội có Đức Thượng-Đế giáng, Đức Ngài liền họa ngay:
Hãy tỉnh cho mau giấc mộng tràng.
Đời cùng Tiên Phật xuống phàm-gian,
Chẳng ai hay giỏi bày thi phú,
Chính thật TA đây Đấng Ngọc-Hoàng
(AĂÂ)
Kế đến, một vị chính-khách cũng làm một việc thử-thách tương-tự như vậy:
THI
Cao-Đài Tiên-Trưởng hỡi Ông ơi!
Linh-hiển sao không cứu giống-nòi?
Trăm họ điêu-linh thân cá chậu,
Muôn dân đồ-thán chịu chim lồng.
Coi mòi diệt chủng càng đau dạ,
Thấy cảnh vong bang bắt não lòng,
Ách nước nạn dân chừng thế ấy,
Ngồi mà tu-niệm có yên không?
Đấng Thượng-Đế cũng giáng đàn hoạ lại ngay:
HỌA
Cơ trời khó tỏ hỡi con ơi!
Nghiệp quả trả vay của giống nòi.
Bởi mến mùi ngon cam cá chậu,
Vì ganh tiếng gáy chịu chim lồng,
Trời ban Đại-Đạo nên yên dạ,
Đất dậy phong-ba cứ vững lòng,
Gắng trả cho rồi căn-quả ấy,
Tu mà cứu thế dễ như không.
Bởi với tài-năng, thi phú, thì ba vị tiền khai Đại-Đạo là ba ông CƯ, TẮC, SANG, đã nổi danh trong giới thi-hữu lúc bấy giờ, nên mọi người ngờ rằng các vị đã dựng nên Thần, nên Thánh mà dối gạt người đời chăng? Làm gì có chuyện Thần, Tiên, Thánh, Phật đến với cõi trần đau khổ này! Xưa nay danh-từ Thượng-Đế là một từ trừu tượng, ngày nay Ngài đến thế mở Đạo thật sao? Lạ quá! Con người trong buổi này có khả-năng thông-công được với thế-giới vô-hình thật sao?
Tất cả mọi việc đều lạ-lùng, dưới mắt mọi người đời đều có quyền nghi-ngờ, càng nghi-ngờ càng đến được gần chân-lý hơn.
Thật sự, buổi ban đầu khi đọc qua lời kinh, cũng như các Thánh-ngôn, Thánh-giáo, thấy sao lời lẽ quá đơn-giản, không có gì gọi là bí-hiểm hết. Tôi cứ nghĩ lời kinh, lời Thánh là phải khúc chiết, điển-tích nhiều thì mới có giá-trị cao, nhưng lời Thầy dạy sao nghe ra đơn-giản quá thì có gì đâu để tìm hiểu, thậm chí bài giảng-văn ở nhà trường ngày xưa như: Cung-Oán Ngâm Khúc…biết bao nhiêu là điển-tích khó hiểu; còn lời trong Thánh-ngôn thì Thầy chỉ dạy bằng những lời thật giản-dị:
“Thầy khuyên các con nên nhớ hoài rằng: Thầy của các con là Ông Thầy Trời, nên biết một Ổng mà thôi thì đủ, nghe à!” (TNI/49)
Nhưng thực sự không phải chỉ đơn-giản như vậy mà thôi đâu, vì ngoài những lời dạy đó còn ẩn cái lý số thâm-diệu vô cùng, càng nghĩ càng thấu lý:
Trong đoạn trên có 3 câu, tức là con số 3, tượng là càn-khôn vũ-trụ định thể, là con số thiêng-liêng tạo đoan vạn-vật. Lẽ ra phải sắp xếp như thế này:
- Thầy khuyên các con nên nhớ hoài rằng (8 chữ)
- Thầy của các con là Ông Thầy Trời (8chữ)
- Nên biết một Ổng mà thôi thì đủ (8 chữ)
Nghe à! (2 chữ)
Số 3 là con số tròn đầy của lý Tam tài: Thiên, Điạ, Nhân. Mỗi câu có 8 chữ, ứng với Bát-quái:
- Đức Chí-Tôn làm chủ Bát-quái (8) (THIÊN)
- Đức Phật-Mẫu làm chủ Bát phẩm chơn-hồn (8) (ĐỊA)
- Người tu, gìn-giữ Bát chánh-đạo (8) (NHÂN)
Hai tiếng “Nghe à!” tượng cho âm dương nhị khí.
Tam tài hiệp với Âm dương thành ra Ngũ-hành.
Lại nữa 3x8= 24, con số 24 biểu-tượng 24 chiếc thuyền Bác-Nhã, tức là trí huệ, mà Đạo Cao-Đài đã nói rằng Đức Thượng-Đế đã cho 24 chiếc thuyền Bác-nhã chở 100 ức nguyên-nhân xuống trần để độ-rỗi sanh linh, mà họ còn mê đắm hơn chúng-sanh nhiều. Đã hai lần Thượng-Đế mở Đạo:
- lần đầu Phật Thích-Ca độ 6 ức nguyên-nhân.
- lần kế Đức Lão-Tử độ được 2 ức nguyên-nhân.
- Ngày giờ này còn lại 92 ức nguyên-nhân
[100 - ( 6+2) = 92]
Chính vì số 92 ức nguyên-nhân này còn chịu đắm trần mà Chí-Tôn phải mở Đạo kỳ ba để cứu-vớt.
Ngoài ra số 24 còn có ý-nghĩa khác nữa:
- Một ngày một đêm có 24 giờ.
- Là hình ảnh của 24 câu chuyện Hiếu được truyền tụng đến ngày nay.
- Trong thân-thể con người là 24 chiếc xương sườn để chở-che cho lồng ngực…
Như vậy một câu nói giản-dị ấy đã bao gồm cả cái triết-lý uyên-nguyên của càn-khôn, gồm đủ vũ-trụ-quan, nhân-sinh-quan… đủ chứng tỏ Thầy là Đấng “Thái-cực Thánh-Hoàng”. Ngài phân ra: Lưỡng-nghi, Tam tài, Tứ-tượng, Bát-quái, Ngũ-hành… ai dám bảo Đạo Cao-Đài không có triết-lý?
Thế nên từ xưa đến giờ người muốn cầu học Đạo thì tìm sách Đạo mà đọc. Còn người muốn truyền bá chân-lý Đạo thì viết sách là để phô bày những suynghĩ do cái sở học của mình đồng thời để trưng cầu ý-kiến với các bậc cao minh hầu được cùng nhau đàm Đạo mong được đến với chân-lý siêu-tuyệt của đạo mầu, mà hiện tại thì “Đạo Hư-vô, Sư Hư-vô”.
2- Viết sách Đạo phải giản-dị, dễ hiểu
Thánh-nhân nói “Dị-giản nhi đắc Thiên lý” tất nhiên sự vật càng giản-dị càng được gần với thiên-lý, với trời đất.
Đây là trường-hợp nhiều người đọc đến Thánh-ngôn của Đạo Cao-Đài, hoặc kinh-kệ cúng kính hằng ngày thường nói rằng Đạo Cao-Đài không có triết-lý, cả đến vũ-trụ-quan, nhân-sinh-quan cũng không có. Việc tu-hành nghe ra quá ư tầm thường, e rằng tu theo Đạo Cao-Đài khó mong đắc Đạo nên tìm về với Phật vì nơi đây lý đạo thâm-diệu hơn, hoặc tìm về Tiên-Đạo để luyện pháp trường sanh
Đức Hộ-Pháp có nói về “Phương-Tu Đại-Đạo” rằng:
“Phương tu của Anh em bổn Đạo mình, nếu tùy theo Tôn-chỉ của Tam-giáo, thì phải làm thế nào cho gồm cả tinh-thần của ba đạo: Nho, Đạo, Thích mới phải; nhưng xét sự khó-khăn chẳng thế nào làm ba Đạo một lượt cho đặng hoàn-toàn.
Vậy chúng ta cứ lần lượt luyện tinh-thần rồi tập buộc mình hằng ngày sửa tánh tu thân, từ từ lần bước đến cho tận nẻo Đạo của Thầy đã khai ra quảng-đại, đẹp-đẽ, quang-minh, trước mắt chúng ta đó.
Tục-ngữ nói: TU HÀNH.
TU là trau-giồi lấy tinh-thần mình.
HÀNH là luyện-tập thân mình, phải biết tùng phục tinh-thần sai khiến mà làm Đạo.
Ấy vậy, phép tu chẳng phải luyện nội tinh-thần mình theo đạo-hạnh mà thôi, mà cái thân-thể mình đây phải tùy-tùng phù-hạp với đạo-tâm, thể đạo chơn-chánh bởi gương mình, hễ chúng sanh ngó Đạo nói mình, xem mình cho là Đạo mới phải.
Đạo chẳng phải nơi lời nói, mà lại nơi kết-quả sự thật mình làm; chẳng phải nói câu kệ, câu kinh, mà lại buộc hành-vi người giữ Đạo. Cái khó-khăn của Đạo chẳng ở nơi sự giảng dạy mà ở tại sự thành-thật. Cái hay của Đạo chẳng phải ở tại nơi yếu-lý mà ở nơi cuộc kết-quả sự giáo truyền.
Lạ chi, mình muốn nhủ người bắt rồng, cột phụng, nghĩ có khó chi tiếng biểu, song cốt-yếu là người người có phương bắt hay cột đặng cùng chăng?
Hễ muốn nói điều chi ra mà thế-gian làm không đặng thì đành cho là mị-mộng. Huống chi anh em đồng Đạo của mình ngày nay chẳng khác nào người đi đường trên nẻo lạ, tốt hơn nên khuyên-nhủ họ mỗi ngã khá ghi vôi, để dấu bước lần hồi khi khỏi lạc.
Trừ ra các kinh-điển Hán-văn hay là Pháp-văn cùng của các nước khác, xưa để lại, rõ hữu ích cho Đạo lược dịch ra, thì Tôi chẳng luận chi, chớ Tôi thấy phần nhiều sách vở của nhiều người Đạo-hữu viết ra chẳng dùng văn-từ lý-lẽ giản-dị, làm cho phần đông coi không hiểu thấu nên không bổ ích chi cho Đạo hết.
Rất đỗi là Thầy còn phải dùng tiếng nói dễ dàng, rẻ-rúng mà làm thi dạy Đạo thay! Nhờ vậy mà văn-từ của Thầy ai coi cũng hiểu. Tôi dám chắc rằng tuy vậy mặc dầu mà cái ngòi văn tuyệt bút rõ-ràng, hễ càng thấu tứ lại càng thâm-thúy nơi lòng.
Tôi nhớ có một phen kẻ nghịch Đạo để lời dèm pha biếm-nhẻ rằng văn-từ của Thầy xem rất thường tình. Tôi chấp-bút phân-phiền cùng Thầy. Thầy dạy rằng:
“Con ôi! Trong anh em của con phần dốt nhiều hơn phần hay chữ, đứa ám-muội đông hơn đứa thông minh, Thầy đến chăm-nom dạy-dỗ đứa ngu-dốt hơn là đứa hay giỏi; thà là đứa sáng khôn quá hiểu mà chê Thầy hơn là đứa dốt nghe Đạo Thầy không rõ lý. Thầy cười rồi tiếp nữa rằng:
- Thầy muốn Đạo của Thầy làm thế nào cho trẻ con nên ba tuổi cũng hiểu đặng, con nghĩ sao con? Lại cười nữa!
Tôi hiểu lòng nhơn-từ quá lẽ của Thầy cũng bắt tức cười theo”
(Phương Tu Đại-Đạo)
3- Nhận-định của Đức Thượng-Sanh về việc viết sách Đạo Cao-Đài
Như đã biết rằng: Với Đức Hộ-Pháp thì dạy phải viết lời văn giản-dị, mục-đích dễ đọc, dễ hiểu. Nhận thấy văn từ của Đức Chí-Tôn quả thật có được sự giản-dị ấy, ta cần học hỏi; nhưng cái cao-siêu thì không thể nào lường được!
Vì Thầy cũng đã có nói trước: Đạo cao sâu, Đạo cao sâu. Nhưng mà cao chẳng cao, sâu chẳng sâu, bởi cái cao mà loài người thấy tới thì có thể bắn được (như chim trên trời), cũng như cái sâu mà người biết tới (như con cá trong lòng đại dương thì người cũng tìm cách câu lên được).
Thế mà cái việc cao sâu của đạo-mầu có khác, chỉ do ở nơi tâm của mỗi người, tùy theo sự thấy biết mà thôi, do câu:
“Đạo cao thâm, đạo cao thâm. Cao bất cao, thâm bất thâm. Cao khả xạ hề thâm khả điếu. Cao thâm vạn sự tại nhân tâm”
道 高 深 道 高 深 高 不 高 深 不 深 高 可 射 兮 深 可 釣 高 深 萬 事 在 人 心
Riêng Đức Thượng-Sanh thì dạy: nên qui kết vào trọng-tâm của Cao-Đài Đại-Đạo, để xiển dương chơn-lý Chánh-truyền, Đức Ngài nói rằng:
“Khi Qua ở Sài-Gòn, nghe khách bàng quan trích-điểm về Giáo-lý Cao-Đài nhiều lắm. Bởi lẽ người trong Đạo chưa viết được một quyển sách đúng với Giáo-lý chơn-truyền; hầu hết các sách viết trước do hạn chế và lý-luận về nguồn gốc Đạo Tam-Kỳ nên họ chỉ viết cái mà họ biết được:
- Người gốc theo Đạo Phật, thì họ cho Đạo Cao-Đài là Phật-giáo chấn-hưng.
- Người gốc theo Đạo Khổng, thì họ cho Đạo mới là Nho-Tông chuyển-thế.
- Người gốc theo Đạo Lão, thì cho là Thiên khai Huỳnh-Đạo.
Thật ra là ĐẠO CAO-ĐÀI!
Muốn hiểu bổn-nguyên tư-tưởng phải lấy Thánh-ngôn, Kinh sách Kỳ ba Phổ-Độ mà giải thích.
Đạo Cao-Đài như một bức khảm xà-cừ:
- Nhìn thẳng thấy màu trắng,
- Nhìn nghiêng bên phải thấy màu xanh phơn phớt,
- Nhìn xuống phía dưới thấy màu vàng nhạt.
Các màu xanh, đỏ, chỉ là những cách thể hiện các giai-đoạn ban sơ của Đạo.
Thật sự ĐẠO CAO-ĐÀI là MÀU TRẮNG.
Phải hiểu Đạo Cao-Đài là tinh-hoa bổn nguyên triết-lý của chính nền Đạo mới này”
(Lời của Đức Thượng-Sanh)
4- Luận về kinh Dịch
Người Cao-Đài khi luận về kinh Dịch thì nhận thấy rằng:
“Các quẻ trong KINH DỊCH chỉ là sự công-thức-hóa qui-luật biến-thiên đối với thế-giới hữu-hình của vạn-vật, có tính cách mô-phạm để từ đó chúng ta hiểu được sự biến-thiên của trời đất, của lý Đạo siêu mầu, để sống cho hợp lẽ, hầu tu dưỡng tính-tình đạo đức, trau giồi thân tâm an lạc, đó là Thiên-đạo.
Còn cái học Nhơn-đạo thì có nhơn-luân và nhơn-thân:
- Nhơn-luân tạo nên qui-củ, phép khuôn, phương-thức sống,
- Nhơn-thân là y-học, sống khỏe, sống mạnh, sống lâu.
Những qui-luật này có liên-hệ nhau chặt chẽ để TINH, KHÍ, THẦN, được hiệp nhứt”.
Do vậy, mà tất cả tinh-hoa của Đạo Cao-Đài đều xuất-phát từ Tân-Luật, Pháp-Chánh-Truyền, Lời thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp, cùng tất cả những yếu ngôn, chơn-chất-ngôn của các bậc tiền-bối trong cửa Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để làm sáng danh Cao-Đài Toà-Thánh Tây-Ninh.
Ngoài ra những dẫn-chứng về lý DỊCH là trọng tâm của Dịch-Kinh Tân-Khảo, của Tác-giả Nguyễn-Mạnh-Bảo, một Tác-phẩm quen thuộc, nhiều công-phu biên-soạn mà Đức Hộ-Pháp đã để lời khen tặng rằng:
“Bần-Đạo cảm thấy Kinh này là cả một triết-lý Á-đông độc nhứt vô nhị, mà chính là những bí-pháp cổ-truyền của Đạo Cao-Đài, một Đạo-giáo Việt-Nam hoàn toàn nảy sanh ở cái triết-lý hoàn-toàn Á-đông, Kinh này đã gồm hết những lý-thuyết cao-siêu mà ông Nguyễn-Mạnh Bảo đã nêu cao tinh-thần Đại-Đạo”.
Đây là những bài học được đúc kết nhiều năm với hoài-bão muốn khoác áo Dịch-lý lên Giáo-lý Cao-Đài nên chúng tôi cố-gắng thực hiện bộ môn DỊCH LÝ CAO-ĐÀI, để làm giáo-án trình lên những tâm-hồn luôn luôn hướng về nền Đại-Đạo, lòng mong muốn thấy được lý Dịch siêu-mầu ẩn dưới những lời thật thân thương, thật đơn giản, mà suy ra chẳng giản-đơn chút nào.
Xin các Bậc cao-minh sẵn lòng chỉ giáo những chỗ còn khuyết-điểm, soạn-giả luôn đón nhận và học hỏi trong tinh-thần cầu tiến, để được Hiến-dâng và Phụng-sự cho Đạo-pháp.
 |
BÁT-QUÁI BIẾN HÓA TOÀN ĐỒ |
1- Duyên khởi
“ĐẠO DỊCH là một khoa triết-học uyên thâm, rất sâu-xa; là một lâu-đài tráng-lệ, huyền-bí cao-siêu, bao hàm cả một cõi vô biên, vô giới mà dân-tộc Á-châu được hưởng cái gia-tài quí-báu ấy…
Cái nguyên-nhân của Dịch-lý là do ở sự cảm tưởng cái căn-nguyên, cái mối đầu của vũ-trụ, là ở cái lý THÁI-CỰC.
Lý ấy chỉ có một ở trong vũ-trụ, do động tĩnh mà thành Âm Dương, rồi sinh ra vạn-vật; vạn-vật chung qui lại trở về Thái-cực; đó là cái lý cùng về mà lắm đường, một trí mà trăm mối lo “Đồng qui nhi thù đồ, nhứt trí nhi bách lự” mà Đức Khổng-Tử đã nói trong Hệ từ:
Cái lý ấy bên Lão-giáo gọi là ĐẠO 道
Bên Phật-giáo gọi là Chân-như 真 如
Danh-hiệu tuy khác nhau nhưng cùng một thể. Bởi cái lý giống nhau cho nên cái học-thuyết ấy đều theo một chủ-nghĩa “Thiên địa vạn-vật nhất thể” 天 地 萬 物 一 體. Song, mỗi một học thuyết đi ra một đường là vì cách lập giáo và sự hành-đạo khác nhau.
Lão-giáo 老 教 thì cho vạn-vật đều gốc ở Đạo, đời là một cuộc phù-vân, hơi đâu mà để trí lo-nghĩ, người ta chỉ nên cùng với Đạo mà vui chơi cùng Tạo-hóa, không cần chi đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, không thiết gì đến pháp-luật, chế độ, miễn là được thảnh-thơi vô-vi thì thôi.
Phật-giáo 佛 教 thì cho vạn-tượng do chơn như mà ra, sắc với không là một, sự sinh hóa là cái vọng-niệm chứ không phải là thực. Cái thực là chân như. Người ta phải tìm cái thực ấy mà quay trở về gốc cũ để ra thoát vòng sanh, tử; tức là đế đến Niết-Bàn, hết cả sự khổ-não.
Nho-giáo 儒 教 thì cho rằng sự biến-hóa ở trong vũ-trụ là do sự nhất động, nhất tịnh của Thái-cực mà sinh ra. Vạn-vật đã phát hiện ra là thực có, thì chi bằng cứ theo cái thực ấy mà hành động và sinh tồn; sự sinh-tồn của vạn-vật không ra ngoài được những điều Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí 仁 義 禮 智 tức là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh 元 亨 利 貞 của Tạo-hóa. Vậy nên người ta ai cũng phải theo những điều ấy mà vui trong cuộc sinh-hóa.
Thành thử cái gốc vốn là một, mà cái ngọn thì chia ra khác nhau. Bởi cái tư-tưởng khác nhau như thế cho nên Lão-giáo và Phật-giáo thì theo cái chủ-nghĩa tiêu-cực, thành ra cái Đạo xuất thế; Nho-giáo thì theo cái chủ-nghĩa tích-cực, thành ra cái Đạo nhập thế.
Vì có sự tương-đồng, tương-dị ấy mà ta có thể xét-đoán tường-tận được, tuy cái tương-dị về thể hành đạo của các Đạo có khác nhau, nhưng chung-qui cũng là một gốc, cái gốc đó tức là căn bản của muôn sự vật cho tất cả vũ-trụ bao-la mà ta gọi là Thiên-lý. Cái thiên-lý đó là cái tóm thâu của Trời, biểu-tượng trong KINH DỊCH vậy”.
(Lời phát-đoan của Nguyễn-Mạnh-Bảo)
Xem ra Dịch như một vải áo, còn Đạo như một cái áo cắt ra từ tấm vải ấy.
Do vậy mà lý Dịch luôn luôn hiển-hiện trong tinh-thần Đại-Đạo như bóng với hình. Vì vậy, người tu theo Đạo Cao-Đài là tu nhập thế; tức nhiên:
- Hằng ngày hành theo tinh-thần Nhân nghĩa; Phụng-sự cho chúng-sanh: theo Nho-đạo.
- Phương-pháp tu là luyện Tinh, Khí, Thần, là phép tu Tiên-đạo.
- Nhưng đắc vào hàng Phật-đạo (Bởi nếu đi theo Cửu-Trùng-Đài, đến tuyệt-phẩm là Giáo-Tông vào hàng Phật-vị; còn đi theo Hiệp-Thiên Đài đến tuyệt phẩm là Hộ-Pháp cũng vào hàng Phật-vị). Đó là tinh-thần qui Tam-giáo của Cao-Đài Đại-Đạo ngày nay là vậy.
2- Đạo Cao-Đài là cơ-quan giải khổ cho nhân-loại
a/- Đời là biển khổ
Cũng may, chính vào “cái thời Trung nguơn ấy mà nhơn-sanh mỗi ngày càng thêm nhiều xu-hướng về vật-chất nên Ơn Trên mới phái bốn vị Đại-Thánh nhân đến khai sáng cho nhơn tâm, đó là:
- Đức Thích-Ca Mâu-Ni mở Đạo Phật.
- Đức Lão-Tử mở Đạo Tiên.
- Đức Thánh Khổng-Phu-Tử mở Đạo Thánh.
(Thánh nơi Đông-phương gọi là Thánh ta)
- Sau cùng con một Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jésus-Christ (Thánh nơi phương Tây gọi là Thánh Tây)
Nên cả hai vị Giáo-chủ này là Thánh-đạo.
Ngoài ra, còn có các bậc Hiền-nhơn dụng đạo đức để cảm-hóa nhơn-sanh bằng các lý lẽ: không tham danh, trục lợi; đem đạo-đức của Thánh Hiền mà phổ-độ nhơn-sanh; thế nên, bên phương Đông, Xuân Thu chiến-quốc trở lại êm dịu.
Bên phương Tây, thì Chúa Jésus-Christ dạy đời, khuyên chúng-sanh thức tỉnh trở về với Trời đặng sống, sống cái lẽ thanh-cao, liêm-khiết.
Nhắc đến đây, các bậc tiền-nhân chúng ta không sao ngăn được sự cảm-xúc nơi chơn tâm, thương Chúa vì nhơn-sanh mà phải chịu đóng đinh trên cây Thánh-giá, lấy máu đào rửa tội cho thế gian.
Từ ấy đến nay, chúng-sanh liên-tiếp bị thiên-tai, hồng thủy, đất sụp, núi lỡ, lầm than điêu-đứng; kiếp sống như cảnh lao tù, nhà đóng cửa ngoài lại còn rào kẽm gai, Quỉ-Vương lộng hành, sự tham danh trục lợi không dứt, cảnh tang thương, chiến-tranh kéo dài. Con người mãi chạy theo văn-minh vật-chất, chỉ số ít có tinh-thần đạo đức noi theo Trời Phật, còn phần đông là mê-tín dị-đoan, bày vẽ việc không đâu.
Hậu-quả này đưa đến kết-quả là con người sống hôm nay không biết đến ngày mai. Thế-giới tranh hùng, đi đến cảnh tàn-khốc, tiêu-tàn, ác-khí dậy trời, ngoài miệng thốt ra toàn lời đạo-đức, mà trong lòng chứa đầy ý-nghĩa hận thù.
Đau thương cho nhân-loại ngày càng đến cảnh diệt vong”.
Hỏi nhân-loại sống để làm gì mà phải chịu cái cảnh tang-thương đến thế này? Muốn chết, không chết được, muốn sống thì cũng chẳng ra hồn người sống!
Ôi, đau thương đến buốt cả lòng!
b/- Đời là một sự biến dịch không ngừng
Đức Hộ-Pháp buột lời than cho nhơn-loại rằng:
“Ngày giờ nào nhơn-sanh cũng tìm phương an-ủi cho bớt thống-khổ, kiếm phương an-ủi; tìm cùng đáo-để như tìm gió theo mây, chạy đến gõ cửa Đức Khổng-Phu-Tử:
“Ông có thuốc gì an-ủi nỗi thống-khổ tâm-hồn của tôi không?”
Đức Khổng-Phu-Tử trả lời:
- Phương chuyển thế không cùng, dầu đoạt được bí-pháp lấy Trung-dung cũng chưa thỏa mãn.
Sang gõ cửa Phật Thích-Ca:
“Phật có thuốc gì chữa nỗi thống khổ tâm-hồn của tôi chăng?”
Phật đem chơn-lý trước mắt là Sanh, Lão, Bịnh, Tử, ấy là chơn-lý. Người mới tự xét: Tôi không muốn sanh mà ai sanh ra tôi chi, để tôi phải chịu khổ thế này?
Sống, tôi không muốn sống, vì sống là gốc sản xuất tứ khổ. Cái khổ ấy chẳng phải của tôi mà ai làm cho tôi khổ. Cũng không thỏa-mãn tâm-hồn. Tìm nơi Phật không thấy đặng gì!.
Đến gõ cửa Lão-Tử:
- Bạch Ngài, có món thuốc gì an-ủi tâm-hồn tôi không?
- Bảo, cứ giữ đạo-đức làm căn-bản, thóat mình ra khỏi thúc-phược thất tình, lên non phủi kiếp oan-khiên, tìm nơi tịch-mịch an-nhàn thân tự-toại. Nếu không thế ấy thì đừng mơ-mộng gì thoát khổ được.
Nghe lời, lên núi ở, mà ngặt nỗi hễ mỗi lần đem gạo lên ăn, thì khó nhọc trần-ai khổ nhộng. Đói, tuột xuống, thất chí nữa, thành phương an-ủi cũng ra ăn trớt.
Đến gõ cửa Thánh Jésus De Nazareth, hỏi:
- Đấng Cứu-Thế có phương thuốc nào trị thống khổ tâm-hồn tôi không?
- Trả lời: Nếu các Ngươi quả-quyết nhìn nhận làm con cái Đức Chúa-Trời, tức là Đức Chí-Tôn, làm như Người làm, mới mong an-ủi tâm-hồn được. Trong khuôn-khổ, phương-pháp làm con cái của Đức Chí-Tôn thì lắm kẻ nói được mà làm không được, cũng như tuồng hát viết hay mà không có kép tài đặng hát.
Cả thảy không chối, cũng có kẻ an-ủi được nhờ đức-tin vững-vàng, còn phần nhiều ngược dòng đi ngã khác, không ở trong lòng Chí-Tôn chút nào tất cả. Thất chí nữa, hết tìm ai!”
3- Đạo Trời xuất hiện
Bây giờ Chí-Tôn làm phương nào trong thế-kỷ 20 này đặng an-ủi tâm-hồn nhơn-loại?
Nay, Đức Chí-Tôn Ngài đến cùng con cái của Ngài, quả-quyết rằng:
“Nếu các con của Ngài tức Thánh-thể của Ngài mà lập Đạo không thành, thì Ngài phải tái kiếp.
Trọng-hệ gì dữ vậy?
Ngài đến thế lập Đạo. Từ tạo thiên lập điạ, không cơ-quan nào rời khỏi tay Ngài. Ngự-Mã-Quân của Ngài sợ-sệt kinh-khủng, vì mỗi lần Ngài tái kiếp thì phải chịu mọi điều thống-khổ xác thịt lẫn tâm-hồn. Mỗi phen đến, đặc biệt Ngài muốn thế nào sự đau khổ của Ngài sẽ làm cơ-quan giải-thoát cho toàn thiên-hạ. Sợ Chí-Tôn phải khổ, nên Ngự-Mã-Quân tái kiếp lập Đạo thay thế cho Ngài. Tại sao vậy?
Nói thật, không ai có quyền-năng nào hơn Mẹ ru con, không ai có quyền-năng nào hơn Cha yêu-ái khi con đau-đớn. Đương khóc, Mẹ bồng thì liền nín, còn Cha hôn một cái hết thảm hết sầu.
Chí-Tôn sai các vị Giáo-chủ đại-diện Ngài đến lập Đạo do danh thể Ngài, vâng mạng lịnh nơi Ngài đến thay-thế giáo-hóa con cái của Ngài, chưa vị nào an-ủi được sự đau thảm cho trọn vẹn cái khổ của đời, khối đau thảm ấy từ buổi có loài người chất-chồng vô số kể.
Ngài đến bồng nhơn-loại vào tay ru rằng: “Khối đau khổ tâm-hồn của các con là tại các con đào-tạo chớ không phải của Thầy! Khổ là do quả kiếp mỗi đứa dục khổ cho nhau. Muốn giải khổ không gì khác hơn là:
- Đập đổ các đẳng cấp tâm-hồn,
- Thống nhất nhơn-loại,
- Nhìn nhau là anh em máu thịt, cùng một căn bổn cội nguồn hầu chia vui sớt nhọc, biết tôn ti nhau: kẻ trên không áp-chế người dưới, trí không hiếp ngu, hèn sang không biệt, mực thước tâm-hồn nhơn-loại phải đồng phẩm-giá, đồng quyền-năng.
Ngày giờ nào, nhơn-loại biết tôn-trọng nhau, dầu sang hèn, nhìn nhau là anh em cốt nhục, ngày ấy phương giải-khổ không khó. Các con nghe lời Thầy và làm y như lời Thầy thì khổ ấy tự tiêu-diệt. Nếu các con còn đau thảm thì đấm ngực nói: “Khổ này do các con tạo, không phải do Thầy định tội, đa nghe!”
Thầy đến chỉnh-đốn tâm-lý loài người: tránh tranh-đấu tiêu-diệt lẫn nhau thì không còn hỗn-loạn đối nhau, thì tức nhiên diệt khổ chớ có chi đâu lạ!
Cơ-quan giải khổ tâm-hồn của Ngài là đó”
(ĐHP 15-10-Đinh-Hợi 1947)
Ngày giờ này:
“Đức Chí-Tôn đến, đến đặng cứu con cái của Người. Người đã phải làm thế nào?
Chẳng có chi lạ: Người chỉ tăng cường đạo-đức làm giềng mối cho tâm-lý loài người đặng bảo-tồn sanh mạng cho cả nhơn-loại với phép duy tâm thì đời mới tồn-tại”
Thầy có dạy:
“Tùy theo phong-hoá của nhân-loại mà gầy Chánh-giáo, là vì khi trước: Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn-loại duy có hành-đạo nội tư-phương mình mà thôi.
“Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng, Càn-khôn dĩ tận thức thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhân-loại nghịch lẫn nhau; nên Thầy mới nhứt định QUI-NGUYÊN PHỤC-NHỨT. Lại nữa, trước Thầy giao Chánh-giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh-giáo mà làm ra phàm-giáo. Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhân-loại phải sa vào nơi tội-lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ.
“Thầy nhứt-định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh-giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập chánh-thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu-dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng-Đảo” (TNII/18)
Thử hỏi, thế nào là Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt 乾 無 得 看 坤 無 得 說?
Tất nhiên thuở xưa nhân-loại chưa có phương tiện để qua lại giao tiếp nhau, nên không thông hiểu nhau mà sinh ra nạn kỳ thị đủ thứ.
Giờ này thì Càn-khôn dĩ tận thức 乾 坤 已 盡 識 có nghĩa là nhờ văn-minh vật-chất phát triển, nên có sự thông-đồng mà tất cả hiểu biết nhau, càng ngày càng cảm-thông nhau hơn.
4- Mở Cơ-quan tận-độ chúng-sanh
Ngày nay “Đức Chí-Tôn sai Hộ-Pháp giáng thế. Tại sao Ngài không dùng Cơ-bút để truyền bí-pháp cho con cái của Ngài, Ngài chỉ giáng bút truyền cho Hộ-Pháp mà thôi?
Không có chi lạ, mở cơ-quan tận-độ chúng-sanh tức nhiên là lập một khoa thi sang Tam chuyển, tái phục thiêng-liêng-vị nơi cảnh vô-hình, mỗi chuyển tức nhiên mỗi khoa-mục của các đẳng chơn-hồn cần phải thi đặng đoạt vị, thăng hay đoạ.
Bởi cớ cho nên Đức Chí-Tôn gọi là trường thi công-quả là vậy. Đức Chí-Tôn cho Hộ-Pháp và Thập-Nhị Thời-Quân đến cốt-yếu để mở cửa bí-pháp cho Vạn-linh đoạt vị.”
Đức Hộ-Pháp cũng nói về trách-vụ của Ngài:
“Bần-Đạo may duyên đựợc Đức Chí-Tôn chọn làm Ngự-Mã-Quân của Ngài để thay Ngài, lập nền Chánh-giáo, tức là nền Đạo Cao-Đài này để thay thế tất cả Tôn-giáo đã có từ trước. Vì lẽ các Tôn-giáo ấy ngày nay không phù-hợp với lương-tri, lương-năng của loài người nữa. Hay nói một cách khác là các nền Tôn-giáo ấy ngày nay đã bị bế.”
“Nhớ lại, từ khi Đức Chí-Tôn chọn Bần-Đạo làm Hộ-Pháp, dạy Bần-Đạo phò-loan và chấp-bút, đặc biệt hơn hết là chấp-bút; vì nhờ chấp-bút mà Bần-Đạo được Đức Chí-Tôn dạy cách tham-thiền, khi biết tham thiền rồi mới nhập tịnh, nhưng nhập tịnh không phải dễ, chỉ sai một tí, sót một chút, là có thể hỏng cả cuộc đời; nhập tịnh mà không tới thì bị hôn-trầm là ngủ gục, còn nhập tịnh mà quá mức thì phải điên đi mà chớ!
Nhập tịnh mà đúng rồi, cần phải chờ các Đấng Thiêng-Liêng mở huệ-quang-khiếu nữa mới xuất hồn ra được, con đường mà chơn-thần xuất ra rồi về với Đức Chí-Tôn là Con-Đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống đó vậy. Chính Bần-Đạo được Đức Chí-Tôn mở Huệ-Quang-Khiếu nên mới được về hội-kiến với Đức Chí-Tôn và đã học hỏi được nơi Đức Chí-Tôn nhiều điều bí-yếu, bí trọng.”
Đức Ngài còn dặn-dò:
“Ấy vậy, con cái của Đức Chí-Tôn ráng nghe và ráng đi cúng đặng nghe, để nữa sau khỏi hối tiếc và oán-trách, nói sao Bần-Đạo không cho hay trước, không cho biết trước, để được nghe những điều bí-yếu trong nền Đạo Cao-Đài, những triết-lý cao-siêu mà chỉ có Đạo Cao-Đài mới có, tuy nhiên, âu cũng là một đặc ân của Đức Chí-Tôn dành cho Đạo Cao-Đài ngày nay, nên mới có mấy đứa nhỏ cố-gắng học được tốc-ký để ghi chép những lời thuyết-đạo của Bần-Đạo, vì những lời Thuyết-Đạo này không phải của Phạm-Công-Tắc mà của Hộ-Pháp, Hộ-Pháp thay lời Đức Chí-Tôn nói Đạo cho toàn thể con cái của Ngài nghe, quí hay chăng là ở chỗ đó.” (TLHS/2)
5- Tôn-giáo thất-kỳ-truyền
Đạo Cao-Đài hôm nay phải xuất hiện, theo như lời Đức Hộ-Pháp nói, chính là do:
“Tôn-giáo thất-kỳ-truyền: Nho, Thích, Đạo, hiện nay đã trở nên phàm-giáo, chư Đệ-tử trong ba nhà Đạo không giữ giới-luật qui điều, canh-cải chơn truyền, bày ra các điều giả cuộc làm cho Tam-giáo biến thành dị hợm.
- Đệ-tử nhà Đạo, chẳng tùng pháp-giáo của Đức Thái-Thượng Lão-Quân. Tuy ở trong nhà Đạo mà tức thị mê-tín dị-đoan.
- Đệ-tử nhà Thích không thuận theo lời giảng dạy của Đức Phật Thích-Ca, thì đệ-tử nhà Thích dị đoan mê-tín.
- Đệ-tử nhà Nho chẳng thực-hành điều mục của Đức Văn-Tuyên Khổng-Thánh, thì đệ-tử nhà Nho dị đoan bất chánh.
Tóm lại, hai chữ “Dị-đoan” nghĩa là đồ theo không trúng kiểu cái qui-giới thể-lệ chơn truyền của Tam-giáo.
Hồi tưởng lại việc đã qua trong các thời xưa, nhứt là thời cận đại và lấy kinh-nghiệm xét đoán, nhận thấy nơi nào hễ sôi-nổi phong-trào náo-loạn lôi cuốn con người vào lối diệt-vong thì cập theo đó sản-xuất một mối Đạo mới để cứu vớt sanh-linh khỏi nơi đồ thán.
Như trước kỷ-nguyên Thiên-Chúa Giáng sanh, nhơn-loại cơ hồ bỏ qua lời truyền của Đức Phật Thích-Ca, vạch rõ con đường Bát-chánh để làm phương giải khổ; quên hẳn lời dạy của Đức Khổng-Tử giữ Đạo nhân-luân, tạo nhân kết nghĩa để làm cửa điều-hòa xã hội và vì khinh thường huấn-ngôn của các Đấng ấy, nên cơ đời thuở nọ lâm cơn hỗn-độn thì Cơ-Đốc-giáo ra đời Cứu Thế. Chưa mãn hai ngàn (2.000) năm hoằng khai Công-giáo thì nhân-loại lần lần không quan tâm đến lời của Đấng Christ tiên-tri số-phận điêu linh của loài người trong khoảng đời mạt kiếp này.
Lời tiên-tri ứng-nghiệm về ĐẠO CAO-ĐÀI xuất hiện!”
Đức Hộ-Pháp nói tiếp:
“Trước đây, cả toàn thiên-hạ nói rằng: Nòi giống Việt-Nam không có Đạo. Lạ-lùng thay! Chúng ta tự hỏi có thật vậy không?
Thật quả có chứ! Có nhiều Đạo quá mà thành ra không Đạo, mượn Đạo, xin Đạo của thiên-hạ mà thôi!
Ta thừa hiểu rằng: Nòi giống Việt-nam xuất hiện ở hoàng-địa Tàu, nên ta không ái-ngại nói Việt-Nam này là sắc dân Tàu vậy. Nòi giống Tàu nhìn quả thật là dân Tàu mà thôi. Đất địa Tổ quán ta không phải ở đây, ở Bắc-Tam-Tinh là Quảng-Đông, Quảng-Tây, Vân-Nam, kể luôn Đông-Kinh (Tonkin) tức là Hà-Nội và Hải-Nam nữa, Tổ-quán ta thì thiệt là của ta đó vậy.
Bần-Đạo tìm hiểu Nho-phong ta đoạt đặng hay đã có trước, chúng ta thấy nòi giống Việt-thường này là con cháu nước Lỗ, mà Nho-Tông xuất-hiện cũng ở nước Lỗ, nói rằng giống Lỗ lập Đạo Nho, chắc hẳn là Nho-Tông của chúng ta vi chủ. Nói vi-chủ tức là của mình, nếu có Đạo Nho sẵn trước thì ta có Đạo Nho, Đạo Lão, Đạo Phật. Ba nền Tôn-giáo mà mặt điạ-cầu này cho là trọng-yếu, bất kỳ là sắc dân nào hay liệt quốc nào cũng đều nhìn-nhận là do trong xứ Á-đông này. Thêm nữa Thần-Đạo nguyên-do ở Phù-Tang, sắc dân vi-chủ tức Nhựt-Bổn đem truyền qua Trung-Huê rồi qua xứ ta. Ta chịu ảnh-hưởng quyền-lực Thần giáo từ đó. Nhờ có nó Nho-Tông phát-triển khác Chánh-giáo hơn, lại biết tín-ngưỡng một cách đặc biệt hơn Thần-giáo. Bằng cớ hiện hữu là ta đã thờ Thần trong các làng ngày nay đó vậy. Ngoài nữa tâm-lý tín ngưỡng của nòi giống, của Việt-Nam nhiệt-liệt và thật thà đối với bất kỳ Đạo-giáo nào.
Đến thế-kỷ 19 Đạo Thánh-giáo Gia-Tô đem đến nước ta truyền giáo mới thành một trường nhiệt-liệt đua tranh quyết chinh-phục hết thảy các Tôn-giáo khác.
Bần-Đạo tưởng ai có đọc tờ phúc-sự năm 1937 đều biết rõ. Bần-Đạo đã giảng rõ-ràng nguyên-do đó. Thành thử Việt-Nam có nhiều Đạo quá thành không Đạo!”
6- Đạo xuất ư Đông 道 出 於 東
“Đạo là cơ mầu-nhiệm, mà cơ mầu-nhiệm ấy phải ra thế nào có thể hình như một con đường dẫn người ra khỏi chốn trầm-luân khổ hải, lại đặng phước siêu-phàm nhập Thánh.
Có nhiều Hội-giáo đã lập thành có trót trăm năm trước khi mở Đạo đặng dạy lần cho Vạn quốc rõ thấu chánh-truyền. Ngày nay Thầy mới đến lập một cái Cao-Đài nghĩa là Đền thờ cao hay là Đức-tin lớn tại thế này (La Haute Eglise ou la plus grande foi du monde) làm nên nền Đạo; lại mượn một sắc dân hèn hạ nhỏ-nhít của hướng Á-đông là An-nam ta, đặng cho trọn lời tiên-tri “Đạo xuất ư Đông” và cho trùng Thánh-ý chìu lụy hạ mình của Thầy, lập thành Hội-Thánh làm hình-thể thiêng-liêng của Thầy, hầu cầm cho đặng dùi trống Lôi-Âm giục giọng truy hồn, nắm cho chặt chày chuông Bạch-Ngọc đặng trổi hơi định tánh làm cho cả con cái của Thầy thức tỉnh nhìn Thầy mà trở về quê cũ”. (TNI/15)
Theo nguyên-lý của trời đất thì Đạo luôn luôn phát khởi từ phương Đông.
“Từ cổ chí kim, tạo thiên lập địa, Đạo đều phát khởi từ phương Đông, là các nước ở miền Á-đông (Asie) như các nền chơn-giáo trước kia: Nho 儒, Đạo 道, Thích 釋 cũng đều phát khởi nơi miền Á-đông rồi lần lần truyền-bá qua phương Tây như:
- Đạo Phật thì khai tại Thiên-trước là Đức Nhiên-Đăng Cổ-Phật và Đức Thích-Ca Mâu-Ni khai Phật-giáo.
- Đại-Đạo là Đạo Tiên thì Lão-Tử khai tại Trung-Hoa.
- Sau nữa Khổng-Tử khai Đạo Thánh cũng tại Trung-Hoa là ở miền Á-đông.
- Sau lần lần Đạo trải khắp qua hướng Tây, nên Đức Chúa Jésus truyền Đạo Thánh tại hướng Tây. Kế đó Đạo mới roi truyền ra khắp năm châu.
Câu “Ánh thái-dương giọi trước phương Đông”. Ánh thái-dương là Đạo đó vậy. Nay đã đến hạ nguơn mạt kiếp, cuối cùng nên Đức Chí-Tôn mới chuyển Đạo nơi vùng Á-đông, đấy là nơi nguồn Đạo phát ra, lại khai nơi Nam-kỳ (một trong ba kỳ nơi cõi Á-đông). Vì cõi Đông-dương đây cũng về miền Đông của Á-châu nên ngày nay phải khởi khai nơi hướng Đông trước rồi mới truyền lần ra hướng Tây.
Như Đức Chúa Jésus khai Đạo bên Âu-châu, thì cũng khởi khai nơi miền Đông của Âu-châu, rồi mới loan truyền khắp cả Âu-châu, ấy là luật tự-nhiên từ cổ chí kim, hễ Đạo phát khai thì cứ bắt đầu từ phương Đông truyền ra.
Ngày nay là giáp một vòng nên khởi lại điểm ban đầu gọi là “Thiên địa tuần-hoàn châu nhi phục thủy” do đó nền Đại-Đạo phải khai tại Á-đông này nên Thầy mới mở Đạo nơi Đông-dương là cực Đông của Á-châu mà lại khai nơi xứ Nam-kỳ là xứ thuộc-địa, dân-tộc yếu hèn, kém cỏi, ấy là do nơi Thiên-cơ tiền định cả muôn năm, lại là thưởng cái lòng tín-ngưỡng của người Nam từ thử.
Tuy khai Đạo tại nước Nam mà cũng khởi từ Đông, do cái lý từ Bàn-cổ sơ khai: “Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, nhơn sanh ư Dần” 天 開 於 子 地 藉 於 丑 人 生 於 寅. Do vậy mà Đạo khởi khai tại Tây-Ninh lần lần truyền ra Gia-Định, Biên-Hòa, Thủ-Dầu-Một, Chợ-Lớn là mấy hạt ở hướng Đông. Qua năm thứ nhì, thứ ba Đạo mới truyền ra mấy hạt hướng Tây”.
7- Tất cả đều tùng nguyên-lý của vũ-trụ
“Cái nguyên-lý ấy có từ thuở chưa có càn-khôn vũ-trụ. Đạo-giáo có dạy: Hai lằn nguơn-khí đụng lại nổ ra khối lửa, khối lửa ấy là ngôi Thái-cực, chủ ngôi Thái-cực là Đức Chí-Tôn.
Khi trời sét nổ ta nghe gì? An-nam mình kêu là “ùm”. Vì cớ phép Phật sửa lại là “úm” (úm ma ni bát ri hồng). Câu ấy đọc có nghĩa là nắm cả quyền-năng vũ-trụ quản-suất trong tay. Tiếng nổ ta nghe nó ra sao? Khi nổ rồi còn nghe tiếng bay xa, nguyên-căn của tiếng nổ là tiếng trống, còn giọng ngân là tiếng chuông.
Ấy vậy, nguyên-căn của Đạo-giáo do bên Á-đông này có tiếng trống phát khởi trước nên chùa thường xử-dụng độc nhất tiếng trống; tiếng ngân ấy là sự ảnh-hưởng đạo-giáo, mới xuất hiện qua Âu-châu đều là ảnh-hưởng từ Phật-giáo, mà Phật-giáo xuất hiện nơi Á-đông. Vì vậy mà Đạo nơi phương Tây chỉ có tiếng chuông, còn các nền Tôn-giáo phụ thuộc đều không đúng theo nguyên tắc căn-bản.
Do nguyên-lý “Đạo xuất ư Đông” “Đế xuất hồ Chấn” mà ngày nay Đạo Cao-Đài qui-nguyên hiệp nhứt nên có đủ trống và chuông, ấy là thuần túy tinh-thần Á-đông để phát-huy đến cả Đại-Đồng Thế-Giới.
Lại nữa trên chữ nghĩa thì chữ ĐÔNG 東 Thánh-nhân khi chế ra văn-tự cũng đã xác-định phương đông là phương mặt trời mọc; nghĩa là chữ 東 cấu hợp bởi chữ mộc 木 và bộ nhựt 日 tức là mặt trời lên khỏi ngọn cây, vầng dương lên. Kinh đã nói rõ “Ánh thái-dương giọi trước phương Đông. Tổ-Sư Thái-Thượng Đức Ông”, là các tiền Thánh đã khai Đạo từ phương Đông là: Phật-Tổ Thích-Ca Như-Lai khai mở Phật-đạo. Đức Thái-Thượng Lão-Quân khai mở Tiên-giáo. Đức Thánh Khổng-Phu-Tử khai Thánh-giáo, tức là ba Tôn-giáo lớn đã làm chủ tinh-thần nhân-lọai đến ngày nay.

►Xem tiếp CHƯƠNG II: