DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương II:

LẦN DỞ TRANG SỬ ĐẠO

 
  1. Sự ra đời của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ
  2. Sự ngộ nhận danh-từ ĐĐTKPĐ của người Pháp
  3. Phổ-cáo chúng-sanh
  4. Khai Đạo nơi chánh-phủ: TỜ KHAI ĐẠO
  5. Luận Đạo: Về 6 chữ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ
    1. Nguyên-lý về số
    2. Về Y-lý tạo nên hai quẻ Càn Khôn
    3. Quẻ Càn Khôn xếp thành chữ Điền
    4. Quẻ Càn Khôn xếp thành một hình
    5. Đền-Thánh này chứa tất cả Bí-pháp

1- Sự ra đời của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ

Đức Hộ-Pháp nói:

“Có nhiều người viết Đạo-sử và đã nói cho người ngoại-quốc hiểu Đạo. Trong ấy có nhiều điều không đúng sự thật, nhứt là trong các bài Cơ.

Đạo ban sơ thế nào?

Nhiều người đã nói đến, đã giảng lịch-sử Đạo, nhưng không đúng lịch-sử chút nào hết. Sự thật như thế này:

Trong năm Ất-Sửu: các Thầy, các Ông, từ hàng Thẩm-phán, Phủ, Huyện, muốn tìm một sự thật mà thiên-hạ đã làm đảo-lộn trong giới trí-thức đương thời là “Con người có thể thông-công cùng các Đấng Thiêng-Liêng vô-hình được” nhứt là thuyết này đã làm cho cả Âu-châu sôi-nổi, nhiều sách vở đã tung ra cả hoàn-cầu do các Hội Thần-linh-học và Thông-thiên-học đã khảo-cứu một cách rõ-rệt. “Loài người có thể sống với cảnh thiêng-liêng kia như chúng ta đang sống đây vậy.” Cái triết-lý ấy làm cho nhiều người, nhứt là người học-thức muốn tìm-tàng thấu-đáo.

Nơi hạng học-thức ấy có một người cố tâm hơn hết là Đức Cao Thượng-Phẩm. Ban sơ chưa biết gì, chỉ làm theo phương-pháp bên Âu-châu hay bên Pháp là Xây-bàn.

Cái duyên ngộ Đạo của chúng tôi lúc đó chưa có quyền-năng thiêng-liêng xúi biểu hay xô đẩy. Chúng tôi muốn tìm hiểu huyền-vi bí-mật thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn đã tạo ra càn-khôn vũ-trụ. Sách vở để lại cũng nhiều, nhưng thật ra lý-thuyết ấy làm cho chúng tôi chưa quyết-định về tín-ngưỡng cách nào mà đức-tin đã có thật vậy.

Khi Đức Chí-Tôn đến với chúng tôi, Đức Chí-Tôn mở ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ chớ không phải mở Đạo Cao-Đài.

Tới chừng Ngài biểu chúng tôi cầm một cây Cơ và một ngọn bút đi các nơi thâu Môn-đệ. Trọng-yếu của Ngài là thâu mấy vị Tông-đồ có sứ-mạng trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ này làm môi-giới độ Đạo sau này.

Đức Chí-Tôn biểu chúng tôi phò-loan đặng Ngài dùng quyền-năng thiêng-liêng kêu gọi mấy vị Tông-đồ đó. Quả nhiên chẳng bao lâu, có đủ Thập-Nhị Thời-Quân hiển-hiện ra, trong số các vị Thời-quân ấy có Cao Tiếp-Đạo ở tại Kiêm-Biên chớ không phải ở Sài-Gòn.

Đi thâu Thập-Nhị Thời-Quân rồi, Đức Chí-Tôn mới mở Đạo. Chừng đó Ngài mới chỉ cho chúng tôi biết rằng có một người thờ Ngài là ông Ngô-Văn-Chiêu, tức nhiên Đức Chí-Tôn muốn thâu Ông làm Giáo-Tông đầu tiên đó. Có một điều lạ-lùng suy-nghĩ không ra nguyên-cớ là Đức Chí-Tôn biểu Bà Nữ Chánh-Phối-Sư Hương-Hiếu may sắc-phục Giáo-Tông cho Người, kỳ hạn trong mười ngày Người sẽ được lên làm Giáo-Tông. Trong thời-gian mười ngày, chỉ có mười ngày mà thôi! Chúng tôi không hiểu nguyên-cớ nào Ông Ngô-Văn-Chiêu không hưởng được điạ vị ấy.

Ông Ngô-Văn-Chiêu là một vị Phủ, Đốc Phủ-sứ buổi nọ, ở tại Hà-Tiên, do nơi Cơ-bút, Đức Chí-Tôn đến với Ngài và thâu Ngài làm Môn-đệ đầu tiên hết, là Người được Đức Chí-Tôn xưng là “CAO-ĐÀI TIÊN-ÔNG ĐẠI-BỒ-TÁT MA-HA-TÁT.”

Trong khi đó Đức Chí-Tôn đến với chúng tôi mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Đức Chí-Tôn chỉ nhà của Ông Ngô-Văn-Chiêu cho chúng tôi và nói:

- Ngô-Văn-Chiêu thờ Thầy lâu rồi, các con đến đó kết Bạn cùng nó, vì cớ cho nên chúng tôi mới đến Ông Ngô-Văn-Chiêu.

Một buổi nọ chúng tôi phò-loan học hỏi như thường ngày. Đức Chí-Tôn kêu chúng tôi và Đức Cao Thượng-Phẩm phải đi vô trong Chợ-Lớn, đến tại nhà của Đức Quyền Giáo-Tông của chúng ta bây giờ là Ông Lê-Văn-Trung. Buổi nọ Ông Lê-Văn-Trung đang làm Thượng-Nghị-Viện. Hội-đồng Thượng-Nghị-Viện chẳng khác bây giờ là một vị Tổng-Thống đời Pháp-thuộc. Chức Nghị-Viện lớn lắm! Ông là người Nam làm đến bực đó thôi; mà nghe ra Ông là người quá sức đời, Tôi với Đức Cao Thượng-Phẩm không hạp chút nào! Nhứt định không làm điều đó được, nghe danh quá đời, chơi bời phóng túng không thể tả hết; buổi chúng tôi ôm Cơ đến nhà Ngài đặng Đức Chí-Tôn độ Ngài. Khi vô tới nhà, thú thật với Ngài rằng:

- Chúng tôi được lịnh của Đức Chí-Tôn dạy Đạo, Anh tính sao Anh tính!”

Ngộ quá chừng quá đỗi. Ông biết Đấng đó hơn chúng tôi biết: lo sắp đặt bàn ghế, sửa-soạn buổi phò-loan; rồi thì chúng tôi tiếp rước Ông, độ Ông, bắt Ông Nhập-môn đủ hết; chúng tôi không hiểu Ông có tin nơi Đức Chí-Tôn hay không?

Có khi tưởng Ông không tin nơi Đức Chí-Tôn nữa chớ! Trong nhà Ông có nuôi một người con nuôi tên là Thạnh còn nhỏ độ 12, 13 tuổi gì đó. Hai Cha con kiếm đâu ra được một cây Cơ không biết. Vái Đức Chí-Tôn rồi cầu Cơ.

Khi phò-loan, thằng nhỏ kia cầm đến cây Cơ thì ngủ, ông thì thức, Cơ thì chạy hoài.

Đức Chí-Tôn dạy Ông nhiều lắm, không biết dạy những gì. Ông hỏi thì Đức Chí-Tôn trả lời, chỉ có hai người biết với nhau mà thôi. Từ đó Ông mới tin nơi Đức Chí-Tôn.

Từ khi Đức Chí-Tôn đến độ Đức Quyền Giáo-Tông rồi mới xuất hiện ra Hội-Thánh. Nếu chúng tôi làm chứng thì chúng tôi có thể nói rằng: Do nơi Đức Quyền Giáo-Tông mới xuất hiện ra Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài đó vậy.

Ngôi vị của Ông Saint-Pière, Giáo-Hoàng của Thiên-Chúa-Giáo ở La-Mã như thế nào thì ngôi vị của Đức Quyền Giáo-Tông ngày nay cũng thế. Bởi vì chính mình Đức Chí-Tôn đến thâu Ngài, biểu Ngài lập thành Hội-Thánh. Ngài đi đến đâu, Tôi và Đức Cao Thượng-Phẩm theo phò-loan để Đức Chí-Tôn thâu Môn-đệ, thâu được bao nhiêu thì giao cho Đức Quyền Giáo-Tông Thượng-Trung-Nhựt giáo-hóa, chính do nơi Ngài cầu-khẩn Đức Chí-Tôn thâu Môn-đệ. Ngài luôn luôn đi các nơi để phổ-độ chúng-sanh, nhứt là trước ngày mở Đạo. Đức Chí-Tôn sai hết chúng tôi, tức Thập-Nhị Thời-Quân đi phò-loan cùng hết, không chỗ nào không có Cơ-bút:

Người thì xuống miền Tây, người đi miền Trung, đi cùng hết. Thâu Môn-đệ xong, Thầy dạy chúng tôi về Tây-Ninh mở Đạo. Với hai bàn tay trắng, không có một miếng đất cắm dùi làm sao mở Đạo?

Khi đó Đức Chí-Tôn thâu Ông Nguyễn-Ngọc-Thơ tức là Phối-Sư Thái-Thơ-Thanh làm Môn-đệ, Thái-Thơ-Thanh tức là bạn chí-thân, tức là chồng của Bà Lâm Hương-Thanh Nữ Đầu-Sư. Thành thử mỗi người đều có Thiên-mạng nơi mình mà không ai biết, chính Bà là người cầm đầu Nữ-phái đó vậy. Đức Chí-Tôn thâu rồi mới biểu hai vợ chồng Ông Thái-Thơ-Thanh vào mượn Chùa Từ-Lâm-Tự ở Gò-Kén đặng mở Đạo; Chùa Từ-Lâm Tự chưa xong gì hết, có Chánh điện, còn Đông-lang, Tây-lang thì chưa có, đằng này mấy Anh lớn họp nhau xuất tiền ra làm cho xong.

Đến ngày rằm tháng mười năm Bính-Dần thì mở Đạo, chúng tôi gởi Đơn lên Chánh-phủ Pháp xin mở Đạo công-khai, trong đơn có kể tên những người Môn-đệ đầu tiên.

Sau khi mở Đạo nơi Chùa Gò-Kén, tức là Chùa Từ-Lâm-Tự. Người cầu Đạo càng ngày càng đông. Người Pháp buổi nọ sợ chúng tôi làm loạn, nên xúi-giục Hoà-Thượng Giác-Hải đòi chùa ấy lại, đuổi chúng tôi đi cho hết mở Đạo; đồng thời người Pháp bắt đầu làm khó Đạo, hăm he các Chức-sắc, họ lập hồ-sơ đen để trừng-trị những người theo Đạo.

Riêng phần Bần-Đạo là Công-chức, khi vâng lịnh Đức Chí-Tôn đến Chùa Gò-Kén mở Đạo, Bần-Đạo có xin phép nghỉ sáu tháng, đến chừng trở lại làm việc người ta không cho Bần-Đạo ở Nam-Việt nữa, đổi Bần-Đạo lên Kiêm Biên, tức Nam-Vang (xứ Cam-Bốt bây giờ).

Nơi đó Bần-Đạo vừa làm việc vừa lo mở Đạo, mục-đích là làm thế nào cho Đạo chóng thành-tựu. Riêng phần mấy Anh lớn trong hàng phủ, huyện, đã có chức phận làm quan triều Pháp bị người doạ nạt đủ điều. Nếu theo Đạo Cao-Đài người ta sẽ bắt bỏ tù, người ta còn hăm-he con cái Đức Chí-Tôn sẽ bị Chánh-quyền Pháp triệt-để bắt bớ nữa, vì cớ cho nên mấy Anh phải sợ, một cái sợ rất nên phi-lý. Nhưng người Pháp buổi nọ cầm quyền sanh-sát trong tay, hễ thuận thì còn, nghịch thì chết, không còn ai lạ gì việc đó nữa.

Cả toàn con cái Đức Chí-Tôn buổi nọ chỉ còn lại có ba người. Ba người ấy thiên-hạ gọi là ba người lỳ. Ba người ấy là:

Đức Quyền Giáo-Tông,

Đức Cao Thượng-Phẩm và Bần-Đạo đây.

Chúng tôi nhứt trí quyết làm cho thành Đạo, cho vừa lòng Đức Chí-Tôn, bởi vì không biết duyên cớ nào chúng tôi hiểu rằng: chúng tôi phải báo hiếu cho Đức Chí-Tôn và tự-nhiên quyền-năng thiêng-liêng giúp chúng tôi biết Đạo Cao-Đài này tương-lai sẽ cứu quốc, cứu chủng tộc và giống-nòi, chúng tôi hiểu rõ-rệt như thế, nên ba Anh em chúng tôi nhứt định hy-sinh kiếp sống mình, hy-sinh cả hạnh-phúc để tạo cho nên tướng, nhứt quyết như thế nào, bất kể sống chết. Cả ba chúng tôi, nhứt định phải làm cho Đạo Cao-Đài thành, thành đặng cứu khổ, cứu chủng tộc chúng tôi. Sự quyết chí về tương-lai như thế, nên phải bỏ Chùa Gò-Kén, tức là chùa Từ-Lâm Tự, để về đây, về làng Long-Thành Tây-Ninh để lập nên Toà-Thánh bây giờ đây.

Trong lúc chinh-nghiêng như vậy, tiếc thay Đức Quyền Giáo-Tông và Đức Cao Thượng-Phẩm phải về cảnh thiêng-liêng trước, còn lại có một mình Bần-Đạo, Bần-Đạo thấy rằng nạn nước nguy-vong, thân nô-lệ ra với hai bàn tay trắng, bắt gió nắn hình, muôn điều khổ-não, lập nghiệp Đạo cho thành, cho con cái Đức Chí-Tôn. Hôm nay Đạo là máu, là xương của con cái Chí-hiếu của Ngài dựng thành đó vậy.

Ba mươi năm khổ não, toàn con cái Đức Chí-Tôn lập nghiệp cho Đạo hôm nay đặng thành tựu. Ngó dĩ-vãng, ngó đương nhiên bây giờ xa cách như Trời với vực. Yếu buổi nọ, so-sánh mạnh hôm nay. Nhục buổi nọ so-sánh vinh-hiển hôm nay, giá-trị xa nhau thiên-lý.

Cả toàn con cái Đức Chí-Tôn từ khi lập Đạo chịu khổ-hạnh truân-chuyên, chịu nhục-nhã, chịu mọi điều thống-khổ, thì hôm nay được vinh hiển như thế. Bây giờ Đạo nên hình là cả một khối tâm-đức vô biên của con cái Đức Chí-Tôn cho thành tướng.”

(ĐHP:13-10-Giáp-Ngọ 1954)

 

Nữ Đầu-Sư Lâm Hương-Thanh
- với Thiên phục Chánh-Phối-Sư
(Thế danh: Lâm-Ngọc-Thanh)
Đầu-Sư Thái-Thơ-Thanh
(Thế danh: Nguyễn-Ngọc-Thơ)

 

2- Sự ngộ nhận danh-từ
ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
CỦA NGƯỜI PHÁP

Nền Đại-Đạo đã phải chịu một phen khảo đảo nặng-nề là người Pháp lầm hiểu danh-từ: “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ” 大 道 三 期 普 渡

Với thời điểm khai Đạo là năm Ất-Sửu, qua năm Bính-Dần (khoảng năm 1925-1926). Việt-Nam đang thời-kỳ Pháp-thuộc nên mọi việc đều chịu sự kiểm-soát của ngoại-bang là người Pháp. Đạo Cao-Đài xuất hiện trong thời buổi khuynh-nguy đó.

Sau khi Ông Cao-Quỳnh-Cư (tức Thượng-Phẩm) có ra một “Phổ-Cáo Chúng-Sanh” để truyền-bá Đạo Cao-Đài, trên bìa Bản Phổ-cáo ấy có đề tựa: “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.”

Lần đầu, Bản phổ-cáo ấy không có kèm theo chữ Hán, nhưng lần sau Ông Cư có ghi thêm mấy chữ Hán:

Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ

大 道 三 期 普 渡

Để tượng-trưng Tam-giáo qui-nguyên, ngoài bìa Bản Phổ-cáo có vẽ hình ba vị Giáo-chủ là Đức Thích-Ca, Đức Lão-Tử, Đức Khổng-Tử.

Bản Phổ-Cáo Chúng-Sanh in lần đầu được gởi ra Nha Tổng-Giám-đốc Mật-thám Hà-Nội để dịch ra Pháp-văn, nhưng người Thông-dịch-viên ngoài ấy lại dịch câu tựa: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là một nền Đạo lớn mục-đích để cứu-vớt ba kỳ.

Lúc đó lại là lúc nhà cầm quyền Pháp để ý theo-dõi hành-vi của Đạo Cao-Đài rất gắt, nên Hà-nội gởi bài dịch-văn ấy vào Nam hỏi Ông Chánh-án Sở Mật-Thám Nadau: Có phải Đạo Cao-Đài làm Chánh-trị không để giải tán!

Nhằm lúc ấy, Ông Nadau tin dùng Đức (tức là Trương-Hữu-Đức, sau đắc phong là Hiến-Pháp Hiệp-Thiên-Đài), nên Ông mới hỏi bài dịch ấy có đúng không?

Đức trả lời: không đúng!

Vì nguyên-văn câu ấy có nghĩa là: Đại-Đạo mở lần thứ ba để độ-rỗi, chớ không phải cứu vớt ba kỳ (vì bấy giờ ba kỳ trong Liên-bang Pháp là Nam, Trung, Bắc của Việt-Nam đang bị Pháp đô hộ). Để trưng bằng-cớ cụ-thể, Đức đem tài-liệu về Bản Phổ-cáo trao cho Ông Nadau xem, vì ông Nadau cũng biết chữ Hán.

Ông liền gởi phúc-trình ra Hà-Nội giải thích rõ việc ấy. Nhờ đó mà Đạo khỏi bị giải-tán và người Đạo cũng đỡ khổ. Đó là một bằng chứng “Đức cứu Đạo”

Lúc nọ ông Đức được Chánh-Sở Mật Thám Nam-kỳ là ông Nadau mời đến để giao cho chức-vụ Thông-dịch-viên sở ấy. Trước khi nhận lời, Đức có cầu Cơ thỉnh-giáo cùng Đức Chí-Tôn, vì lúc bình-thường Đức không thích giúp việc cho Sở ấy, là sở không có cảm-tình đối với dân chúng. Đức Chí-Tôn lại dạy Đức nên qua đó giúp việc cho sở ấy vì sẽ có cơ-hội “cứu Đạo”.

Quả thật, đây là cơ-hội “Đức cứu Đạo” đã đến như lời Đức Chí-Tôn dạy.

 

3- PHỔ-CÁO CHÚNG-SANH
ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
(Năm Bính-Dần 1926)

“Ngày 7 Septembre 1926, nhằm ngày mùng một tháng 9 năm Bính-Dần, có Môn-đệ Thiên-phong của Đức Cao-Đài là Cựu Hội-Đồng Thượng-Nghị-viện Lê-Văn-Trung tự Thiên-ân là Thượng-Trung-Nhựt vâng lịnh Thánh-ngôn đến Khai Đạo nơi chánh-phủ. Trong Tờ Khai Đạo ấy có tên 247 chư Môn-đệ, phần nhiều là Chức-sắc, Viên quan và có Nữ-phái, nhiều người danh-dự.

Quan Nguyên-Soái Nam-kỳ hoan-nghinh và khen rằng vì chữ THIỆN mà khuyên dân, ấy là chủ-nghĩa cao-thượng.

Chúng tôi xin phô đôi lời thành-thật thô sơ, chư hoà-thượng, chư lão-thành, chư sơn, chư Chức-sắc trong Tam-giáo và chư Thiện-nam tín-nữ xin lưu-ý. Chầy kíp đây chúng tôi sẽ có dịp hiệp mặt mà luận Đạo kỹ thêm nữa”.

 

4- KHAI ĐẠO NƠI CHÁNH-PHỦ
Đức Cao-Đài dạy vào ngày 16-8 Bính-Dần
(thứ Tư 22-9-1926)

“Các con xin Chánh-phủ Lang-sa đặng khai Đạo, thì cực chẳng bằng Thầy đã ép lòng mà chịu vậy cho tùng nơi Thiên-cơ. Thầy rất đau lòng mà phải chịu vậy chớ biết sao!”

Đàn cùng ngày, khi tái cầu Đức Cao-Đài dạy hai vị Đầu-Sư (Trung, Lịch) phải hội họp các Môn-đệ khác để lo Khai Đạo, phải dâng văn-bản lên để Đức Cao-Đài duyệt xét.

Đúng một tuần sau (ngày 23 tháng 8 năm Bính-Dần, Thứ Tư 29-9-1926).

Các Môn-đệ họp tại nhà ông Nguyễn-Văn-Tường (đường Galliénie, nay là Trần-Hưng-Đạo), trong một đêm mưa to gió lớn kéo dài khoảng 3 tiếng đồng-hồ, làm ngập đường sá, giao-thông bị bế tắc. Có lẽ nhờ điều-kiện thời tiết trợ giúp, cuộc họp mới không bị mật-thám Pháp quấy rầy.

Hai vị Thượng và Ngọc Đầu-Sư chịu trách nhiệm tổ-chức cuộc họp. Kết-quả cụ thể là mọi người đồng-ý ký tên vào TỜ KHAI ĐẠO do Ông Lê-Văn-Trung dự thảo bằng tiếng Pháp. Bản dự thảo sau đó được dâng lên Đức Cao-Đài duyệt, có chỉnh sửa vài chữ và được Ngài chấp-thuận.

TỜ KHAI ĐẠO

Sài-Gòn, ngày 7 Octobre 1926

Kính cùng Quan Thống-Đốc Nam-kỳ Sài Gòn,

Chúng tôi đồng ký tên dưới đây, kính cho Quan lớn rõ:

Vốn từ trước tại cõi Đông Pháp có ba nền Tôn-giáo là: Thích-giáo, Lão-giáo và Khổng-giáo.

Tiên-nhơn chúng tôi sùng bái cả ba Đạo ấy, lại nhờ do theo tôn-chỉ quí-báu của các Chưởng giáo truyền lại mới được an-cư lạc-nghiệp.

Trong sử còn ghi câu: “Gia vô bế hộ, lộ bất thập di” nghĩa là con người thuở ấy an-nhàn cho đến đỗi ban đêm ngủ không đóng cửa nhà, còn ngoài đường thấy của rơi không ai thèm lượm.

Nhưng buồn thay cho đời Thái-bình phải mất vì mấy duyên-cớ sau nầy:

1- Những người hành-đạo đều phân chia ra nhiều phe, nhiều phái mà kích-bác lẫn nhau, chớ Tôn-chỉ của Tam-giáo đều như một là làm lành lánh dữ và kỉnh thờ Đấng Tạo-hóa.

2- Lại canh-cải mối Chánh-truyền của các Đạo ấy làm cho thất chơn-truyền.

3- Những dư-luận phản-đối nhau về Tôn-giáo, mà ta thấy hằng ngày cũng tại bã vinh-hoa và lòng tham-lam của nhân-loại mà ra, nên chi người An-nam bây giờ đều bỏ hết những tục lệ tận thiện tận mỹ ngày xưa.

Thấy tình thế như vậy mà đau lòng, cho nên nhiều người An-Nam, vì căn-bổn, vì Tôn-giáo, đã tìm phương thế hiệp Tam-giáo lại làm một: Qui-Nguyên Phục-Nhứt, gọi là Đạo Cao-Đài hay là Đại-Đạo.

May-mắn thay cho chúng-sanh, thiên tùng nhơn nguyện, Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế hằng giáng đàn dạy Đạo và hiệp Tam-giáo lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tại cõi Nam này.

Tam-Kỳ Phổ-Độ nghĩa là Đại-ân-xá lần thứ ba, những lời của Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế giáng Cơ dạy chúng tôi, đều cốt để truyền-bá Tôn-chỉ Tam-giáo.

Đạo Cao-Đài dạy cho biết:

1- Luân-lý cao-thượng của Đức Khổng-Phu-Tử.

2- Đạo-đức của Phật-giáo và Tiên-giáo là làm lành lánh dữ, thương-yêu nhơn-loại cư-xử thuận hoà mà lánh cuộc ly-loạn, giặc-giã.

Chúng tôi gởi theo đây cho Quan lớn nghiệm xét

* Một bổn sao lục Thánh-ngôn của Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế.

* Một bổn phiên-dịch Thánh-kinh.

Chủ-ý của chúng tôi là muốn làm sao cho nhơn-loại được cộng hưởng cuộc Hoà-Bình như buổi trước. Được như vậy chúng-sanh sẽ thấy đặng thời-kỳ mới mẻ cực-kỳ hạnh-phúc không thể nào tả ra đặng.

Chúng tôi thay mặt cho nhiều người An Nam, mà đã nhìn-nhận sở hành của chúng tôi và đã ký tên vào Tờ Đạo-tịch ghim theo đây, đến khai cho Quan lớn biết rằng: Kể từ ngày nay chúng tôi đi phổ-thông Đại-Đạo khắp cả hoàn cầu.

Chúng tôi xin Quan lớn công-nhận TỜ KHAI ĐẠO của chúng tôi:

KÝ TÊN

1- Bà Lâm-Ngọc-Thanh Nghiệp-chủ Vũng-Liêm

2- Ông Lê-Văn-Trung Cựu Thượng-Nghị-Viên thọ Ngũ Đẳng Bửu-tinh (Chợ-Lớn)

3- Lê-Văn Lịch Thầy tu làng Long-An, Chợ-Lớn

4- Trần-Đạo-Quang Thầy tu, làng Hạnh-Thông Tây

5- Nguyễn-Ngọc Tương Tri-phủ chủ Quận Cần Giuộc.

6- Nguyễn-Ngọc-Thơ Nghiệp-chủ Sài-Gòn.

7- Lê-Bá-Trang Đốc-phủ-sứ Chợ-Lớn.

8- Vương-Quan-Kỳ Tri-phủ Sở Thuế thân Sài-Gòn

9- Nguyễn-Văn-Kinh. Thầy tu, Bình-Lý-thôn Gia-Định.

10- Ngô Tường-Vân Thông phán sở tạo tác Sài Gòn

11- Nguyễn-Văn-Đạt Nghiệp-chủ Sài-Gòn

12- Ngô-Văn-Kim, Điền-chủ, Đại-Hương-cả, Cần-giuộc.

13- Đoàn-Văn-Bản Đốc-học trường Cầu-Kho

14- Lê-Văn-Giảng Thơ-ký kế toán hãng Ippolito Sài-Gòn

15- Huỳnh-Văn-Giỏi Thông-phán Sở Tân-đáo Sài-Gòn

16- Nguyễn-Văn-Tường Thông-ngôn Sở Tuần cảnh SG

17- Cao-Quỳnh-Cư Thơ-ký Sở Hoả-xa Sài-Gòn.

18- Phạm-Công-Tắc Thơ-ký Sở Thương-chánh Sài-Gòn

19- Cao-Hoài-Sang Thơ-ký Sở Hoả-xa Sài-Gòn.

20- Nguyễn-Trung-Hậu Đốc-học Trường Tư-thục Đakao

21- Trương-Hữu-Đức Thơ-ký Sở Hoả-xa Sài-Gòn

22- Huỳnh-Trung-Tuất Nghiệp-chủ Chợ Đủi Sài-Gòn

23- Nguyễn-Văn Chức Cai-tổng Chợ-Lớn.

24- Lại-Văn-Hành Hương Cả Chợ-Lớn.

25- Nguyễn-Văn-Trò Giáo-viên Sài-Gòn.

26- Nguyễn-Văn-Hương Giáo-viên Đa-kao.

27- Võ-Văn-Kỉnh Giáo-tập Cần-Giuộc.

28- Phạm-Văn-Tỷ Giáo-Tập Cần-Giuộc.

Thật ra con số này là một con số đã được đặt định một cách hữu-lý.

Con số 28 này ứng với nhị thập bát tú. Nhị Thập bát tú tức là 28 vì sao trên trời nó có ảnh hưởng rất nhiều đến việc thịnh, suy, bĩ, thới của nhân-loại. Số sao này được chia ra làm bốn nhóm:

1- Đông-phương có 7 sao: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vỹ, Cơ.

2- Bắc-phương có 7 sao: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.

3- Tây-phương có 7 sao: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Tuy (Chủy), Sâm.

4- Nam-phương có 7 sao: Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.

Lại nữa 4 nhóm là nói lên Tứ-tượng biến hóa, 7 là chu-kỳ vận-hành để suốt thông trời đất.

Như vậy thì sự có mặt của 28 vị này là vô tình hay cố ý? Chắc-chắn về phần hữu-vi thì vô tình, nhưng về phần vô-vi thì không vô tình được. Như vậy mỗi mỗi đều có bàn tay của Thượng-Đế xếp đặt tất cả. Nhưng ta đừng quá ỷ lại!

 

5. LUẬN ĐẠO
LUẬN 6 CHỮ ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ

Tinh-thần của Đại-Đạo là Dịch-lý luôn gắn liền với NHO, Y, LÝ, SỐ.

NHO là dạng-thức của chữ Nho, cũng là triết-lý của Nho-tông chuyển thế.

Y là dựa trên căn-bản của con người làm đối-tượng cho sự lý-luận. Đạo là mục-đích giải khổ cho con người trong kiếp sống hiện tại và giải-thoát cho kiếp thác ở ngày mai. Bởi nhân thân là một Tiểu-thiên-địa đối với trời đất là đại thiên-địa; xem ra như bóng với hình, cho nên người không bao giờ xa Đạo là vậy.

LÝ là theo trật-tự của thiên-lý lưu-hành; là biết thuận Thiên an mệnh.

SỐ là theo triết-lý các con số uyên-nguyên đi đúng theo nguyên-lý của trời đất.

Thử tìm hiểu về lý và số ngay trong danh hiệu Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-độ này. Đức Hộ-Pháp có nói:

“Khi Đức Chí-Tôn đến với chúng tôi, Đức Chí-Tôn mở ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ chớ không phải mở Đạo Cao-Đài” và cũng nhờ dịch bản có kèm theo chữ Hán làm bằng chứng, nếu không thì do sự nhầm-lẫn của người Pháp, họ sẵn-sàng làm khó dễ, diệt Đạo ngay từ khi còn trong thời kỳ trứng nước.

Hình-thức chữ Hán: 大 道 三 期 普 渡.

a/- Nguyên-lý về Số tạo nên 2 quẻ Càn Khôn

Bấy nhiêu yếu-tố đó đã cho thấy rằng danh-hiệu “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ” có 6 chữ; đứng về số-học thì số 6 là do 3+3 hay là 3x2.

Hoặc nói khác đi số 6 là do lý Thái-cực hiệp với cơ-quan an-vị này, tức nhiên do 1+5.

Cũng có nghĩa là Lưỡng-nghi hiệp cùng Tứ-tượng, là do 2+4; nghĩa là hai lý Âm dương đun đẩy nhau để biến sanh những cái đã sanh ra.

Trước nhất nó có nghĩa là 3+3 tức là 3 ngôi đầu tiên hỗn-hợp nhau để hóa thành 3 ngôi nhỏ nữa, cũng có nghĩa là 3x2 tức là 3 ngôi ở cấp thứ nhì do luật Âm Dương biến tướng với 3 ngôi đầu tiên. Quả thật, nhìn vào từ-ngữ thì 6 chữ “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ” là do 3 từ kép, mỗi từ có 2 chữ.

Con số 2 là con số Thiếu-âm, con số 3 là con số Thiếu-dương, tất cả đều là nằm trong số của Tứ-tượng.

 

Vì Thái-cực là một khối nguyên-thủy, khi phân tách ra thì thành hai, gọi là Lưỡng-nghi, tức là Âm Dương. Âm Dương được biến hóa thêm, mới thành hai mối quan-hệ nữa, gọi là Tứ-tượng, tức nhiên bốn hình tượng, đó là:

1- Thái-dương

2- Thiếu-âm

3- Thiếu-dương

4- Thái-âm

Thiếu là trẻ, còn được xem như là tất cả sự năng-nổ, tràn đầy sức sống của tuổi thanh-niên.

Thế nên Đại-Đạo là một nền Đạo trẻ, bởi vừa thoát thai từ năm Bính-Dần (1926) nhưng triết-lý là gồm tinh-hoa của triết-lý ba nền Tôn-giáo lớn từ xưa đến giờ là Nho, Thích, Đạo hiệp lại, nên Thầy mới nói:

Từ trước nước Nam chẳng Đạo nhà,
Nay TA gầy dựng lập nên ra.
Ví dù ai hỏi sao bao nã?
Rằng trẻ roi sau biến hóa già.

Hai con số 3 này cũng gọi là tam âm, tam dương. Hãy tìm đến khởi thủy của số này:

* Tam âm là gì? Tức là ba hào âm xếp thành một quẻ có tên là quẻ Khôn

* Tam dương là gì? Tức là ba hào dương xếp thành một quẻ có tên là quẻ Càn

Hai quẻ Càn Khôn là hình ảnh cha mẹ, là cánh cửa để vào Đạo DỊCH vậy.

Hai lỗ tai Đây là 7 khiếu Dương trên mặt
Hai con mắt
Hai lỗ mũi
Một miệng
1 bộ sinh-dục Đây là 2 khiếu Âm ở hạ bộ
1 hậu môn
CỘNG CHUNG LÀ 9 KHIẾU CÒN GỌI LÀ CỬU KHIẾU

b/- Về Y-Lý Tạo nên hai quẻ Càn Khôn:

Nếu lấy theo hình ảnh con người, thì tất cả con người trên thế-giới này đều có những cơ-quan giống nhau như:

Tại sao phải lấy hình ảnh của con người? Vì người là một sản-phẩm hoàn-hảo nhất của Thượng-Đế. Thánh-nhân do theo đó mà làm nên nét chẵn, lẻ; âm, dương để diễn-tả sự chuyển biến trong vũ-trụ này. Do vậy nét đứt biểu thị bằng hào Âm, nét liền tượng hào Dương

Nét liền, nét đứt đều do từ lý tính của người.

Chính do Âm Dương này đã trở thành đầu mối của càn-khôn vũ-trụ mà Thánh-nhân đã làm nên bộ Kinh Dịch bất hủ.Với con số 7 là 7 khiếu (khiếu là lỗ) ở trên mặt, tức là 7 khiếu dương; nhờ dương-điển trên mặt nên tất cả con người dù xứ nóng hay xứ lạnh đều chịu được thời tiết mỗi nơi khác nhau, nếu khí âm lên đến đầu hay mặt, là bịnh. Con số bảy có liên-hệ đến thất tình và thất khiếu sanh-quang của con người nữa. Do các con số này đã làm nên các phương-trình Đạo-học, đã và đang áp-dụng trong thế-giới loài người.

Xưa Phật chỉ độ phần dương mà thôi, tức là độ hồn mà không độ xác, độ tử không độ sanh, độ Nam mà không độ Nữ, nên Phật-giáo chỉ làm tuần thất (nghĩa là 7x7=49 ngày)

Ngày nay, chính Đức Chí-Tôn mở Đại-Đạo, là cơ-quan tận-độ chúng-sanh, tức là thực hiện cả con số 9 (hình ảnh của toàn Cửu khiếu = 7 khiếu dương + 2 khiếu âm) tức nhiên kỳ ba này độ cả hồn lẫn xác, độ sanh và độ tử, độ cả Nam và Nữ, độ toàn cả nhân-loại trên Càn-Khôn Thế-Giới, không phân biệt giống dân nào; vì tất cả đều là con của Thượng-Đế.

Bởi thế, nên Thầy lập Cửu-Trùng-Đài là con đường vào Cửu-Trùng-Thiên, từng bước lên nấc thang tiến-hóa qua Cửu-Phẩm Thần-Tiên để đến nơi tuyệt-phẩm là Niết-Bàn, theo như Phật-giáo quan-niệm đó vậy.

Do đó mà nghi-thức cúng kính của Đại-Đạo là làm tuần cửu (9x9=81) nghĩa là siêu độ cho vong linh, bắt đầu từ ngày chết đếm đủ 9 ngày thì làm tuần một lần, mỗi lần cầu siêu-độ như vậy là đưa hồn lên một từng trời, 9 lần như vậy là đưa hồn người qua chín từng trời. Tinh-thần của Đại-Đạo là nhứt-quán từ nghi-thức, thờ phụng, cúng kính. thể-pháp của Đạo đã hiện hình bí-pháp đó.

Lại nữa Đức Thượng-Đế cũng đã chuẩn-bị cho Việt-Nam này có những điều-kiện để hoàn thành một Quốc-gia Thiên-định, đó là Thất-Sơn ở Châu-Đốc (con số 7) và Cửu-Long-giang (con số 9) tức là “Sơn tiền điểm long mạch”, những con số y như hình ảnh của con người vậy.

Con số 9 là bội-số của 3 ( 3x3=9)

Con số 3 là sự thành hình của vạn-vật định thể, cho nên khi thể hiện đủ 3 nét liền đó là quẻ Càn tượng trưng cho một hiện-tượng tròn đầy, cao cả, trong sáng, lớn mạnh: Là Cha, là Trời mênh-mông vô hạn.

Trong khi đó hiệp đủ 3 nét đứt, họp thành quẻ Khôn để chỉ một sự bao dung, đầm-ấm, yêu-ái như tình mẹ thương con. Thế nên, dưới mắt người Á-đông Càn là Cha, Khôn là Mẹ. Là hai cánh cửa để đi sâu vào Đạo Dịch là vậy.

Khi cha mẹ kết hợp lại thì tạo nên hình-thể thứ ba đó là sự thành-hình của người con. Một đứa con ra đời thì đầu quay xuống phía dưới, tức nhiên một hài-nhi mới ra đời, sẽ thấy trước nhứt:

1 hậu môn    
1 bộsinh-dục CÀN VI THIÊN đọc là
THIÊN ĐỊA BĨ
Một miệng  
Hai lỗ mũi  
Hai con mắt KHÔN VI ĐỊA
Hai lỗ tai    

Hình dạng các khiếu trên tạo nên quẻ Thiên Địa Bĩ

BĨ là thời-kỳ bế-tàng, như một trẻ bé cần sự giúp đỡ của cha mẹ và mọi người mới sống được, suy ra là một việc mới khởi đầu, non nớt, yếu đuối.

Với nền Đại-Đạo lúc bấy giờ cũng là thời BĨ. Bởi đất nước Việt-Nam vừa trải qua hai lần lệ-thuộc của Tàu một ngàn năm, của Tây một trăm năm.

Về tinh-thần Việt-Nam thì nền luân-lý hầu như suy-đồi, văn-hóa chịu ảnh-hưởng của ngoại bang, dân Việt theo tín-ngưỡng thập tàng, cuốn theo chìu hướng dị-đoan mê-tín. Đây chính là thời Bĩ của dân-tộc Việt-Nam!

Ngay thời-điểm cực kỳ đen tối như vậy thì Đức Chí-Tôn đến, Ngài đến để xoay thành vận THÁI, tức là đem lại sự hanh-thông, sáng-sủa, huy-hoàng cho dân-tộc Việt, đồng thời để giải nguy cho nhân-loại đang lâm vào cảnh đau thương nhất, loạn-ly nhất như hiện tại đã thấy.

“Đức Chí-Tôn mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tức là Đạo Cao-Đài đặng mở một kỷ-nguyên mới, qui Tam-giáo hiệp Ngũ-chi, lập thành một nền Tôn-giáo Đại-Đồng cho hiệp với trình-độ tiến-hóa của nhơn-loại và của quả địa-cầu 68 của chúng ta, dọn đường cho Đức Di-Lạc ra đời”.

“Vì muốn độ 92 ức nguyên-nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa-đọa cõi hồng-trần. Ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo không giáng trần bằng xác thân mà chỉ giáng bằng huyền-diệu Cơ-bút mới qui đặng cả Đại-Đồng Thế-Giới”.

Thái là gì? - Thái là hanh thông, nhìn vào quẻ Thái, tức nhiên là quẻ đảo ngược của quẻ Bĩ, là người đứng vững, vươn lên một cách mạnh-mẽ.

Trước tiên sẽ thấy:

Hai lỗ tai    
Hai con mắt KHÔN VI ĐỊA đọc là
ĐỊA THIÊN THÁI
Hai lỗ mũi  
Một miệng  
1 bộ sinh-dục CÀN VI THIÊN
1 hậu môn    

Ngày nay, Đức Chí-Tôn đến để vãn-hồi quốc vận, Ngài đã cấy hột giống thương-yêu trên đất nước Việt-Nam này, đó là hột giống NGHĨA NHÂN để cứu cả toàn cầu sắp cơn tận diệt. Chính hai quẻ Càn Khôn là cánh cửa để đi vào Đạo Dịch, cho nên từ đây có sự biến chuyển, vận-hành dưới nhiều dạng thức.

Trên là hình ảnh của quẻ trong Bát-quái, từ đó sẽ biến hóa vô cùng, vô tận.

c/- Hai quẻ Càn Khôn xếp thành chữ ĐIỀN

Như đã biết DỊCH là biến, cho nên sự biến hóa rất nhiều dạng khác nhau:

Quẻ Càn tượng trưng cho sự cứng, mạnh, lớn-lao, cao thượng; là hình ảnh Trời, Cha, Nam-phái, dưới dạng ba nét liền (dương).

Quẻ Khôn tượng-trưng cho sự mềm mại, bền-bĩ, dẻo-dai, bao dung, sức chịu khó, là Mẹ, dưới dạng ba nét đứt (âm).

Nếu hai quẻ đặt theo chiều thuận nghịch sẽ thành ra chữ ĐIỀN 田 (điền là ruộng). Ở đây muốn chỉ cái tâm con người, đó là Tâm điền 心 田 tức nhiên quẻ Càn có thể đặt theo chiều đứng tượng không-gian, là dương, còn quẻ Khôn là âm, đặt nằm ngang, tượng thời gian, hai quẻ đặt chồng lên nhau thành ra chữ điền 田 là vậy. Tại sao phải là chữ Điền?

- Bởi vì nó có liên-quan mật-thiết đến Bát-quái sau này mà chúng ta sẽ bàn đến (đặc biệt là Bát-quái Hậu-thiên và Bát-quái Đồ-thiên)

d/- Quẻ Càn Khôn xếp thành một hình

Như trước đây đã nói Dịch là biến-hóa không ngừng, cho nên lý tam âm, tam dương sẽ cho ta một phương thức mới:

 

Quẻ Càn có ba hào dương nếu lấy ba đoạn thẳng này xếp thành một hình tam-giác đều: có ba cạnh bằng nhau và ba góc bằng nhau, quẻ Khôn kết hợp bằng 3 nét đứt, nếu đặt ngược lại cũng có được một tam-giác đều nữa, đỉnh sẽ quay xuống dưới, hai hình tam-giác gát chồng lên nhau sẽ tạo thành ngôi sao sáu cánh.

Khi Đức Hộ-Pháp còn sanh tiền Ngài có làm một huy-hiệu hình ngôi sao như thế này, sơn nền vàng, giữa có ảnh bán diện của Đức Ngài, đầu đội mão trắng, mắt hướng về phiá hữu (nhìn đối diện), giữa ngôi sao là ba sọc đỏ. Đặc biệt là mỗi cánh sao có mang chữ danh-hiệu “Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ” 大 道 三 期 普 渡 bằng chữ Hán như vầy:

 

- Chữ Đại 大 (3 nét) đặt ở cánh bên mặt B’)

- Chữ Đạo 道 (12 nét) đặt ở đỉnh, tức là đi nghịch chiều kim đồng-hồ (A)

- Chữ Tam 三 (3 nét) đặt ở cánh trái, tức là đối xứng nhau qua chữ Đạo ở giữa (C’)

- Chữ Kỳ 期 (12 nét),

- Chữ Phổ 普 (12 nét),

- Chữ Độ 渡 (12nét ) tiếp tục xếp trên ba cánh còn lại (các đỉnh B, A’ và C) (Xem thêm về Đức Hộ-Pháp).

Ý-nghĩa:

Qua hình ảnh trên cho ta một nhận-xét về lý Dịch trong danh-hiệu này:

Các chữ xếp theo chiều nghịch với kim đồng-hồ; sự nghịch chuyển như vậy tức nhiên là trở về nguồn; chỉ con đường Đạo phải phản bổn huờn nguyên.

Hai con số 3 của chữ “Đại” và chữ “Tam” xác định lý tam âm, tam dương của hai hình tam-giác gát chồng lên nhau thành ngôi sao sáu cánh. Mỗi một hình tam-giác nói lên ý-nghĩa một sanh ba, ba sanh vạn-vật, tức nhiên:

- 3 nét dương của quẻ Càn tạo thành tam-giác đều, đỉnh quay lên.

- 3 nét âm của quẻ Khôn tạo thành tam-giác đều, đỉnh quay xuống dưới.

Ý-nghĩa 1 sanh ba, 3 sanh vạn-vật, thuộc về cơ-quan chưởng-quản. Hai tam-giác gát chồng lên nhau chỉ âm dương hiệp nhứt, đó là quyền Chí-linh đối phẩm với quyền Vạn-linh:

- Chí-linh là cơ qui nhứt (đỉnh A)

- Vạn-linh là cơ tấn-hóa (đỉnh A’)

4 chữ hàng trên: ĐPTN là “Đảng phái thống nhất” số 4 là tượng cho tứ âm, tứ dương.

5 chữ hàng dưới: GCPCT là “Giáo-chủ Phạm-Công-Tắc”. Số 5 tượng Ngũ-hành, ngôi giữa.

Thế nên, Chí-linh đầu nhọn quay lên, mà Vạn-linh đầu nhọn quay về phía dưới. Chí-linh và Vạn-linh vốn đồng quyền nhau. Đạo chủ-trương trời người đồng trị: Người trị xác, Trời trị hồn.

Màu vàng chỉ giống da vàng, Huỳnh-chủng, lý Ngũ-hành thuộc Thổ, nền Đại-Đạo phải có một triết-lý siêu-tuyệt để dẫn đạo tinh-thần của toàn nhân-loại trên mặt địa-cầu này, đó là “Thiên khai Huỳnh-Đạo Ngũ-chi Tam-giáo hội Long-Hoa” như Đức Chí-Tôn đã chọn:

“Một nước nhỏ-nhoi trong Vạn-quốc,
“Ngày sau làm Chủ mới là kỳ.”

Ba sọc đỏ: nhứt là biểu-hiện ba miền Nam, Trung, Bắc của Việt-Nam. Ứng hiệp với câu:

“Nam Bắc cùng rồi ra ngoại-quốc,
“Chủ-quyền Chơn-Đạo một mình Ta.”

Nền Chơn-đạo chính là tinh-thần Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt đó vậy!

Đức Hộ-Pháp có hình bán diện, nói lên ý nghĩa về quyền-hành của Ngài là Giáo-chủ nền Đại-Đạo về hữu-hình mà thôi. Còn Quyền Chí-Tôn là tối-thượng, cho nên chữ Đạo 12 nét đặt ở trên đỉnh của ngôi sao sáu cánh là chỉ ngôi Trời.

Ba chữ còn lại là: Kỳ 期 (12nét), Phổ 普 (12nét), Độ 渡 (12nét) cọng chung là 36 đó là:

“Ba mươi sáu cõi Thiên-tào,
“Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc-Hư.”

Lần-lượt rồi ta tìm đến các Bát-quái ấy để rõ lý hơn.

Trong cửa Đạo Cao-Đài, hình ảnh tam-giác đều được biểu-tượng bằng ba ngôi: Phật, Pháp, Tăng.

Phật tức là Đấng cầm quyền Chúa-tể càn-khôn vũ-trụ là Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế hay còn gọi là Đại-Từ-Phụ.

Pháp là ngôi của Đức Phật-Mẫu Diêu-Trì cầm quyền-năng tạo khí thể của toàn vạn-linh sanh-chúng là Mẹ của cả chúng-sanh.

Tăng là ngôi của Đấng đại-diện trong mỗi nguơn-hội. Nay là thời-kỳ của Đức Di-Lạc-Vương Chưởng-quản. Tam-kỳ còn gọi là “Tam-Thiết Long-Hoa Bạch-Vương Đại-Hội Di-Lạc Cổ-Phật Chưởng Giáo Thiên-Tôn”.

Ngôi Phật, Pháp không đổi. Ngôi Tăng thay đổi tùy mỗi thời-kỳ.

e/- Đền-Thánh này chứa tất cả bí-pháp

Nay, Đức Chí-Tôn đến tạo Đạo Ngài dựng nên Toà-Thánh Cao-Đài hiện tại nơi miền Nam Việt-Nam này là ngôi của Đức Chí-Tôn ngự, tượng-trưng Bạch-Ngọc-Kinh tại thế.

“Cái quyền-năng vô cực vô thượng của Ngài do những pháp vô-vi mầu-nhiệm mà có nên gọi là bí-pháp. Đức Chí-Tôn cũng dùng bí-pháp mà lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để ứng nghiệm cái quyền-năng của Ngài nơi địa-cầu 68 này để bảo-tồn cơ sanh-hóa, vì Ngài là Chúa sự thương-yêu, mà vì thương-yêu mới có sanh sanh hóa hóa. Vậy nên Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ do bí-pháp lập thành.

“Đền-Thánh là nơi Thầy ngự tại thế cũng do bí-pháp mà biến tướng ra. Ấy vậy, Đền-Thánh này chứa tất cả bí-pháp của Đấng Chúa-tể càn-khôn vậy.

Đền-Thánh hoàn thành là cái triệu chứng “châu nhi phục thủy”. Từ đây đến vô cùng vạn-linh sanh-chúng sẽ hưởng được muôn điều hạnh-phúc của quyền-năng vô cực vô thượng của Đức Chí-Tôn ban cho tại thế này”.

Hơn thế nữa nguồn phát xuất Đạo-pháp của Cao-Đài cũng đều do Kinh Dịch mà ra. Chính Đức Hộ-Pháp đã xác-nhận điều ấy không thể lầm lẫn được. Duy chúng ta nên kiếm hiểu để hợp-lý hóa cho những lời Thầy nói mà thôi:

Đức Hộ-Pháp đã xác nhận:

“Bần-Đạo cảm thấy Kinh này là cả một triết-học Á-đông độc nhất vô nhị, mà chính là những bí-pháp cổ-truyền của Đạo Cao-Đài, một Đạo-giáo Việt-Nam hoàn-toàn nảy sanh ở cái triết lý hoàn-toàn Á-đông mà Kinh này đã gồm hết những lý-thuyết cao siêu đã nêu cao được tinh-thần Đại-Đạo…. Vì lẽ ấy Bần-Đạo giới-thiệu với tất cả đồng-bào Việt-Nam quyển Kinh này cũng như tất cả dân-tộc hiểu biết và tôn-trọng hòa-bình trên thế-giới. Trong đó nó tiềm-tàng một cái gì thiêng-liêng của nhân-loại, của vũ-trụ. Bần-Đạo mong rằng quyển Kinh này sẽ phổ-biến trong khắp thế-giới của loài người”.

Thế nên, nhất nhất mỗi việc chi trong cửa Đạo Cao-Đài cũng đều ẩn-tàng một bí-pháp, huyền-diệu, nhiệm-mầu mà Chí-Tôn đã bày ra tất cả không ngoài cái lý Dịch đã ẩn chứa khắp nơi.

Thầy nói: “Phải bày bửu-pháp chớ không đặng dấu nữa” (TNI/13).

Tuy nhiên muốn hoàn thành con đường đạt Đạo trước nhất phải thực hiện cho được lời dạy của Thầy, rồi tiếp tục mở các cánh cửa của Đạo Dịch để thư-thả bước vào tòa lâu đài nguy-nga tráng lệ, nơi đó Đức Chí-Tôn, Phật-Mẫu và các Đấng Thiêng-Liêng vẫn đang mong đợi từng giờ.

“Thầy đã dạy: Thầy chỉ một lòng mơ-ước cho các con biết thương-yêu nhau trong Thánh đức của Thầy, sự thương-yêu là chìa khóa mở cửa Tam-Thập-Lục-Thiên, Cực-Lạc Thế-Giới và Bạch-Ngọc-Kinh. Kẻ nào ghét sự thương-yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân-hồi”.

Có câu này nữa:

“Mọi sự khó-khăn Thầy gánh vác, chỉ cậy các con thương-yêu gắng công độ rỗi”. (TNII/42)

Và dưới đây là những người đến với Đạo trước tiên, Đức Chí-Tôn gọi là “Tam vị Đạo-hữu”.

Thượng-Phẩm
CAO-QUỲNH-CƯ
Hộ-Pháp
PHẠM-CÔNG-TẮC
Thượng-Sanh
CAO-HOÀI-SANG
ĐÂY ĐẠO HÌNH THÀNH DO BA NGƯỜI

►Xem tiếp CHƯƠNG III: >>>>>

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007