DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương III:

ĐẠO THÀNH DO BA NGƯỜI

 
  1. Duyên khởi
  2. Ba vị Tướng-soái của Chí-Tôn
  3. Đạo thành do ba người
    1. Ba người đó là ai?
    2. Thử-thách về đức-tin
    3. Ngày vọng Thiên cầu Đạo
  4. Luận Đạo: về Tinh Khí Thần hiệp nhứt
  5. Sự thành hình trải qua 3 thời-kỳ
    1. Thời-kỳ khởi thủy
      1. Tam đầu chế Hiệp-Thiên-Đài
      2. Tam đầu chế Cửu-Trùng-Đài
      3. Chiết Khảm điền Ly của Đạo Cao-Đài
    2. Thời-kỳ kiến tạo
    3. Thời-kỳ định-vị
    4. Lý Dịch trong ba thời-kỳ
    5. Vấn-đề Tam-lập của ba vị Tướng-soái của Thầy
    6. Tại sao Đạo Cao-Đài thành hình chỉ có ba người
    7. Số 3 tượng-trưng cơ hòa

A- Duyên khởi

Buổi ban sơ chỉ có ba Ông là bạn thân-thiết với nhau, là:

- Ông Cao-Quỳnh-Cư

- Ông Phạm-Công-Tắc

- Ông Cao-Hoài-Sang

hiệp với nhau chơi Xây bàn. Đây là một phương-pháp thông-công với các Đấng Vô-hình.

Đạo-Sử Xây Bàn của Bà Hương-Hiếu xác nhận rằng:

“Nhớ lại hồi hạ tuần tháng bảy năm Ất Sửu (1925) ba Ông thỉnh bàn ra (lúc này hơi in như say Đạo) ba Ông tính cầu Cô Đoàn-Ngọc-Quế về dạy thi văn, ba Ông để tay lên bàn thì bàn dở hổng lên có một Ông giáng, tôi hỏi tên gì?

Thật rất lạ-lùng xưng là AĂÂ, vì khi Ngài đến, Ngài gõ ba cái, chúng tôi theo cách tính xây bàn: hễ gõ một cái là A, gõ hai cái thì Ă, gõ ba cái thì Â. Đấng AĂÂ duy chỉ dạy Đạo và vấn nạn mà thôi. Khi xưng tên là AĂÂ, chúng tôi hỏi nữa thì Đấng AĂÂ không nói gì hết (sau Đức Ngài mới xưng danh là Đức Chí-Tôn).

Đức Cao Thượng-Phẩm có nói:

- “À, chịu tên Ông là AĂÂ rồi, vậy chớ Ông bao nhiêu tuổi? Ông viết mãi, không biết bao nhiêu tuổi mà nói; trăm rồi ngàn, rồi muôn, mà còn viết nữa, Đức Thượng-Phẩm nói sao Ông cả triệu tuổi vậy?

Chúng tôi thật không biết Ông AĂÂ là Đức Chí-Tôn chút nào hết, bây giờ hiểu lại, Ngài xưng là Tam, mà Tam là càn-khôn vũ-trụ định thể, ba chấm nói rõ là số 3, số thiêng-liêng tạo đoan vạn-vật là vậy.

Tới chừng Đức Chí-Tôn xuống Cơ-bút dạy Đức Cao Thượng-Phẩm cầu Đức Diêu-Trì Kim-Mẫu đến cùng chúng tôi, chính mình Đức Chí-Tôn làm một lễ rước rất ngộ-nghĩnh.”

Bấy giờ là một tối thứ bảy, nhằm lối thượng tuần tháng 8 năm 1925, ba Ông đem bàn ra sân đốt nhang khấn-vái và mời các vị Tiên-Nương.

Hôm nay có Tiên-cô Đoàn-Ngọc-Quế giáng, đàm-luận một hồi, rồi ba Ông lại xin kết làm huynh-muội với Đấng Nữ-Tiên, Thất-Nương bằng lòng, bèn kỉnh:

  Ông Cao-Quỳnh-Cư làm Trưởng-ca
  Ông Phạm-Công-Tắc làm Nhị-ca
  Ông Cao-Hoài-Sang làm Tam-ca

Nếu mỗi vị được biểu-tượng một vạch như vầy sẽ có được một quẻ CÀN (Nam, đó là nét dương, biểu thị bằng vạch liền )

Còn Cô là Tứ muội (Nữ, tượng bằng một nét âm, vạch đứt nếu đặt xổ xuống xuyên qua quẻ Càn thành ra chữ VƯƠNG 王 Đây chính là tên thật của Thất-Nương VƯƠNG-THỊ LỄ 王 氏 禮 còn cái tên Đoàn-Ngọc-Quế là một giả danh. Phải chăng Đấng Thượng-Đế đã sắp đặt cho Diêu-Trì-Cung đến để báo trước cho ba Ông biết rằng Thượng-Đế sắp giao cho mối Đạo nhà là một nền Vương-Đạo, lấy LỄ làm đầu, đồng thời dẫn-dắt cho ba Ông lần vào con đường đạo-đức. Bài thơ giao duyên của Thất-Nương có tựa đề “Thác vì tình” thể thất ngôn bát cú, như sau:

 

Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
Những ngỡ trao duyên vào ngọc-các,
Nào dè phủi nợ xuống tuyền-đài.
Dưỡng sanh cam lỗi tình sông núi,
Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
Dồn-dập tương-tư oằn một gánh,
Nỗi mình tâm-sự tỏ cùng ai?

Ba Ông hết lời khen “lời châu ngọc” của điệu thơ Tiên. Xong hoạ lại ngay.

* Bài hoạ của Ông Phạm-Công-Tắc:

Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai!
Trời xanh vội lấp Nữ-anh-tài.
Tình thâm một gánh còn dương-thế,
Oan nặng ngàn thu xuống dạ-đài.
Để thảm Xuân-đường như ác xế,
Gieo thương lữ-khách ngóng tin mai.
Hềm gì chưa rõ đầu đuôi thế,
Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai!

(Nhị ca: Phạm-Công-Tắc)

* Bài hoạ của Ông Cao-Quỳnh-Cư:

Rằng liễu khóc oanh có mấy ai?
Mộ người quốc-sắc đấng thiên-tài,
Nhìn văn độ phẩm hàng khuê-các.
Xót Bạn tri-âm cõi dạ-đài.
Ngàn dặm hoa trôi sầu cụm trước,
Một mồ cỏ loáng ủ nhành mai.
Cửu-tuyền hồn Quế xin linh chứng,
Rằng liễu khóc oanh có mấy ai?

(Trưởng-ca: Cao-Quỳnh-Cư)

* Bài hoạ của Ông Cao-Hoài-Sang:

Nửa chừng Xuân gãy tủi thân ai?
Nông-nỗi nghĩ thôi tiếc bấy tài.
Ngọc thốt dám bì trang tuấn kiệt,
Vàng rơi riêng chạnh khách Chương-đài.
Những ngờ duyên thắm trao phòng Bích!
Hay nỗi xương tàn xủ giậu mai.
Một dải đồng-tâm bao thuở nối,
Nửa chừng Xuân gãy tủi thân ai?

(Tam-ca: Cao-Hoài-Sang)

Ông Cư hỏi: Cô Đoàn-Ngọc-Quế khi còn tại thế, xứ ở đâu?

Đáp: Ở Chợ-lớn!

Hỏi: Cô học trường gì?

Đáp: Học trường Đầm.

Bữa sau, Ông Cư mời Ông Tắc và Ông Sang ra nhà Ông xây bàn đặng mời Cô Quế về làm thi, ba Ông cứ hỏi Cô Quế về những việc Thượng-giới, Cô cũng vui lòng trả lời cho hiểu việc thiên-cơ chút ít, nhờ Cô Quế dùng huyền diệu độ ba Ông và bố-trí cho ba Ông ham việc Thiên-cơ hơn trần-thế.

Ban ngày làm việc, ba ông trông cho mau tối để thỉnh bàn ra trước hàng ba, tắt đèn điện phía trước đặng cầu hỏi Đoàn-Ngọc-Quế về cõi trên, mỗi đêm mỗi cầu Cô về giải mấy bài thi. Khi thì Cô giáng, có bữa các Đấng giáng.”

Lại có đêm nọ, các ông vừa họp lại bàn, thì cô Vương-Thị-Lễ giáng cơ để trình-diện một vị Tiên mới đến, xin ra mắt quí ông. Các ông mừng rỡ, bèn mời tân-khách giáng vào; đoạn Tiên-Nương giáng-linh xưng rằng:

- Em là Hớn-Liên-Bạch, xin hiến một bài thi ra mắt mấy Anh; song, xin mấy Anh chớ nệ chi về văn-chương hay dở!

- Ông Cao-Hoài-Sang liền tiếp rằng: Tôi vừa nghe Cô Vương-Thị-Lễ nói thi-văn của Cô hay lắm; vậy tôi xin ra đề (ý của Ông Sang chưa tin cho mấy, e vì các ông bịa đặt mà giả-mạo gạt chăng).

Cô bằng lòng, Ông Cao-Hoài-Sang suy nghĩ ra đề-tài là “Tiễn-biệt tình lang”

THI

Chia gương căn-dặn buổi trường-đình,
Vàng đá trăm năm tạc tấm tình.
Bước rẻ ngùi trông con ác xế.
Lời trao buồn nhớ lối trăng thinh.
Ngày chờ mây án ngàn dâu khuất,
Đêm bặt đèn khuya một bóng nhìn.
Lần lựa cô phòng xuân thỏn-mỏn.
Xa xuôi ai thấu nỗi đinh-ninh.

(Hớn-Liên-Bạch)

Dứt bài thi, các Ông hết lời khen tặng: Văn thiệt là quán thế!

Cách đôi ba bữa sau, có ông Quí-Cao giáng, hoà nguyên vận bài thi của bà Bát-Nương Hớn-Liên-Bạch:

Ình-ình trống giục thảm Trường-đình,
Đau nỗi chia phôi một chữ tình,
Hồng-nhạn đưa tin trông vắng dạng.
Phụng lầu gác quyển đợi hòa thinh.
Vầng trăng xẻ nửa lưng tròng ngó,
Một mảnh gương treo biếng mắt nhìn.
Kẻ ở phương trời người góc bể,
Lòng thành nhắn gởi chữ khương-ninh.

Trong đàn hôm ấy, các Ông xin Cô tiếp một bài thi nữa lấy đề là “Hoài-Lang”. Cô chẳng suy-nghĩ chi, lời thơ tuôn như suối nguồn:

THI

Động đình nhớ buổi tạm chia đường,
Bốn giọt nhìn nhau lối rẻ cương.
Trời thảm mây giăng muôn cụm ủ.
Biển sầu nước nhuộm một màu thương.
Cờ Thần chạnh lúc vầy đôi bạn,
Tiệc ngọc nào khi hội nhất trường.
Mượn vận lương-nhân xin nhắn-nhủ,
Vườn xưa tiếng nhạn luống kêu sương.

(Hớn-Liên-Bạch)

Ông Quí-Cao tên thật là HUỲNH-THIÊN-KIỀU, là một thi-sĩ. Nguyên trước đây là bạn với Ông Nguyễn-Trung-Hậu, hiệu là Thuần-Đức (sau đắc phong vào Hiệp-Thiên-Đài là phẩm Bảo-Pháp Chơn-Quân). Quí ông ban đầu định thử cầu các vị quá vãng để xem sự linh-ứng thế nào. Quả nhiên, các vị Thần Tiên giáng đàn và thi họa với nhau thật là tâm đắc và cứ tiếp diễn trong cảnh tình thơ Tiên tục. Sau đó, Ông Quí-Cao nhắc sơ đến tình cố hữu, làm một bài thi sau:

THI

Nhắn-nhủ mấy Anh một ít lời.
Làn mây hồn trẻ đã xa chơi.
Mẹ già nỗi hiếu chưa rồi Đạo.
Vợ yếu niềm duyên chẳng trọn đời.
Chạnh nhớ quê xưa lòng xót-xáy,
Buồn trông làng cũ mắt chơi-vơi.
Ai về gởi lại tình sông núi?
Kiếp khác Ơn sinh sẽ đắp bồi.

(Quí-Cao)

Ông Nguyễn-Trung-Hậu khi nghe được tin ấy bèn đến nhà Ông Cao-Quỳnh-Cư mà xin Ông xây bàn để thỉnh Ông Quí-Cao về chơi. Ông Cư, Tắc, Sang đem bàn ra, thắp nhang vái ông Quí-Cao rồi các Ông bắt đầu cuộc xây bàn tiếp điển, Ông Hậu sẵn-sàng bút viết để ghi chép, một lát sau thì có chơn-linh của Quí-Cao giáng cho bài thi tứ tuyệt:

THI

Âm dương tuy cách cũng chung trời,
Sanh tịch đời người có bấy thôi.
Chén rượu đồng tâm nghiêng-ngửa đổ.
Thương nhau nhắn-nhủ một đôi lời.

Ông Hậu vẫn còn nửa tin, nửa ngờ, Ông bèn nói rằng: Tôi sẵn có làm một bài thi đem theo đây, xin đọc cho Anh nghe và xin Anh họa lại chơi cho vui (Ấy cũng muốn thử về sự linh ứng). Bài thơ của Ông Hậu như vầy:

THI

Mấy năm vùng-vẫy cũng tay không,
Nào khác chiêm-bao một giấc nồng.
Cữ nắng tuần mưa dày-dạn mặt.
Mồi danh bã lợi ngẩn-ngơ lòng.
Ngày qua thỏn-mỏn xuân thu dập.
Gương rạng phui-pha cát bụi lồng.
Chừ gặp cố-nhân lời ướm hỏi,
Hỏi ra cho biết nẻo cùng thông.

(Nguyễn-Trung-Hậu)

Ông Quí-Cao bèn giáng hoạ ngay:

HỌA

Một tiếng U-minh gióng cửa Không,
Phồn-hoa giục tỉnh giấc đương nồng.
Ngồi thuyền Bác-Nhã qua tình biển.
Mượn nước nhành dương rưới lửa lòng.
Cuộc thế lạnh-lùng làn gió lọt.
Đường đời ngán-ngẫm bụi trần lồng,
Kiếp tu xưa tiếc chưa nên Đạo,
Oan-trái phủi rồi phép Phật thông.

(Quí-cao)

Bấy giờ các vị mới cầu Đấng Tiên-Ông AĂÂ đến giải-nghĩa dùm hai câu thơ của Quí-Cao:

“Ngồi thuyền Bác-Nhã qua tình biển,
“Mượn nước nhành dương rưới lửa lòng”

Giải: Bác-Nhã Ma-La-Phật là Phật độ vong-hồn qua khỏi biển khổ đặng đến Tây-phương, vì trước khi đến Tây-phương phải qua một cái biển khổ.

Biển tình: Tình là oan oan, oan oan là khổ. Biển tình là biển khổ.

Phồn-hoa: Phồn nghĩa là trong vòng, Hoa nghĩa là sắc dục. Phồn-hoa nghĩa là trong vòng sắc dục. Giấc phồn-hoa là giấc phàm.

 

B- Ba vị Tướng-soái của Đức Chí-Tôn

Đức Thượng-Sanh xác nhận:

“Lúc ban sơ, Đức Chí-Tôn dùng huyền diệu Cơ-bút thâu phục các Chức-sắc thượng-cấp Hiệp-Thiên-Đài, dùng những vị này trong việc phò-loan để lập thành: ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ.

“Trước thời-kỳ Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài được lịnh dùng Đại-Ngọc-Cơ trong việc truyền giáo thì chỉ là một giai-đoạn chơi giải trí của ba vị nói trên là các ông: Cao-Quỳnh-Cư, Phạm-Công Tắc, Cao-Hoài-Sang. Sau được đắc phong là: Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp, Thượng-Sanh.

“Vốn là nhà thi-sĩ và chất-chứa nơi tâm nỗi căm hờn vì nước nhà bị đô-hộ, tương-lai của tổ-quốc, hoặc làm thi xướng họa chơi cho tiêu-khiển.

“Lúc sơ khởi thì cũng gặp nhiều khó-khăn, vì trong đêm đầu ba vị đốt nhang khấn vái, ngồi để tay trên bàn từ 9 giờ tối đến 2 giờ khuya mà không có kết-quả gì hết, cố tâm nhẫn-nại, ba vị ngồi thêm đêm thứ nhì (nhằm ngày 26-7-1925) thì đúng 12 giờ khuya có một vong-linh nhập bàn, gõ chữ ráp thành bài thi Đường-luật 8 câu. Đó là bài thi “Tự thuật” của Cụ Cao-Quỳnh-Tuân là thân sinh của Ông Cao-Quỳnh-Cư.

Sự cảm-động và ngạc-nhiên của ba ông.

Cách mấy đêm sau, vong-linh Cô Đoàn Ngọc-Quế nhập bàn cho bài thi “Tự thán” (cũng là bài Thác vì tình), thiệt là lời châu ngọc, điệu thi văn nghe qua ngậm-ngùi xúc-cảm.

(Đoàn-Ngọc-Quế là giả-danh của Cô Vương-Thị-Lễ, tức là Tiên-cô Thất-Nương Diêu-Trì-Cung).

Thấy sự hiển-linh và huyền-diệu trong sự tiếp-xúc với người cõi vô-hình, ba Ông tích-cực say-mê việc xây bàn, đêm nào cũng họp nhau ngồi cho tới ba hoặc bốn giờ sáng mới nghỉ.

Từ đó về sau thì các vị Tiên, Thánh, thường nhập bàn, khi thì cho thi-phú hoặc giải nghĩa thi văn, khi thì xác-luận về vận-mệnh nước nhà, đánh trúng chỗ yếu-điểm của tâm-hồn ba ông, khiến cho ba ông ngây-ngất trong niềm vui sướng.

Tiếp được bài thi nào hay thì khi dứt cuộc xây bàn, ba ông nán lại: hai ông rao đờn, một ông ngâm thi, rồi cùng nhau mượn chung rượu đầy vơi trong lúc tàn canh để gợi hứng niềm hoài cảm.

Cái đêm mà ba Ông ngậm-ngùi và xúc động hơn hết là đêm 10-11-1925 Đức Tả-quân Lê-Văn-Duyệt nhập bàn cho thi…

Nhờ chơi xây bàn mà ba ông CƯ, TẮC, SANG, học-hỏi đạo-lý, trau-giồi trí-thức cho tới ngày Đức AĂÂ chính là Đức Chí-Tôn dạy ba ông Vọng thiên-bàn ngoài sân, quì giữa trời mà cầu Đạo (nhằm ngày mùng 1 tháng 11 Ất-Sửu, dương-lịch 16-12-1925). Đó là ba vị Đệ-tử mà Đức Chí-Tôn thâu nhập-môn trước nhứt trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Toà-Thánh Tây-Ninh.

Sau đó, Đức Chí-Tôn thâu-phục chư vị Thời-quân Hiệp-Thiên-Đài, vị Đầu-Sư Thượng-Trung-Nhựt và các vị Đại-Thiên-phong Cửu-Trùng-Đài...

Do lịnh Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, ba vị Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh, Hộ-Pháp, hiệp với chư vị: Bảo-Văn Pháp-Quân, Bảo-Pháp, Hiến-Pháp, Khai-Pháp, Tiếp-Pháp, chia nhau đi khắp các tỉnh Nam-phần để phò-loan thâu người cầu Đạo nhập-môn”

(ĐHP 22-12 Đinh-Mùi 1958)

Duyên thơ giữa các vị ngày một khắn-khít hơn, nhờ đó mà Diêu-Trì-Cung đến với ba Ông để xướng hoạ thi văn làm nhịp cầu nối liền Tiên tục. Trong số ấy phải kể đến ba vị Tiên-Nương có trách-nhiệm trực-tiếp là: Thất-Nương, Lục-Nương, Bát-Nương.

Riêng phần ở trần-giới thì đây là cơ hội tốt để các bậc lương-sanh lần-lượt đến để cứu vớt quần-sanh, thế nên về sau trong Hội-Thánh có đầy-đủ Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài, Cửu-Trùng-Đài.

Chính lúc xây bàn để cầu các Đấng vô-hình giáng điển linh, các bậc tiền-bối này được cơ-hội làm quen với các Đấng Thiêng-Liêng cũng là duyên khởi mà Chí-Tôn đã sắp đặt hầu mở đường xuất Thánh, cũng là cơ hội Đức Chí-Tôn đến trao cho một mối Đạo nhà như ngày nay.

Đức Chí-Tôn đến với giả danh là AĂÂ,

Thất-Nương Diêu-Trì-Cung VƯƠNG-THỊ LỄ đến với giả danh Đoàn-Ngọc-Quế, hẳn phải có lý-do:

1- là thời-kỳ ẩn-danh của Đức Chí-Tôn, của thiêng-liêng.

2- là thiêng-liêng đưa cái giả là cái bóng đến trước rồi cái hình là thật đến sau, tức nhiên thể-pháp có trước mới bày ra bí-pháp sau.

3- Riêng Đức Chí-Tôn tạo sự thân-mật, gần-gũi để tình-cảm đến một cách tự-nhiên, không gượng ép.

Như vậy, nhìn về các con số thì:

* Đức Chí-Tôn là THẦN, có đủ 3 con số: AĂÂ (một mà ba).

* Diêu-trì-cung là KHÍ, có đủ 3 nhân-vật: Thất-Nương, Bát-Nương, Lục-Nương (ba mà một là cùng ở Diêu-Trì-Cung)

* Về hữu-hình là TINH, các Đấng gọi là “Tam vị Đạo-hữu” là ba Ông: Cư, Tắc, Sang.

Ba lần con số 3 (3x3) là 9 ấy là một con số huyền-diệu, nhiệm-mầu, huyền-diệu hơn hết là số đó, nó là cơ chuyển-biến đến mực độ tận-thiện, tận-mỹ, toàn năng, toàn tri. Thế nên trong cửa đạo có Cửu-Trùng-Đài hiệp với Cửu-Trùng-Thiên, người tu-hành phải nương vào đây đi theo con đường Cửu-Thiên Khai-Hóa để bước vào Cửu-Phẩm Thần-Tiên mà đạt vị nhờ khai thông Cửu khiếu.

Số 9 nó là (1+8) tức là cơ vận-hành trong trạng thái tĩnh được lý Thái-cực thúc-đẩy thêm cho nên năng-tri sáng-suốt.

Nó cũng là 3+6, 3 và 6 đều là hai lý nhiệm mầu và đều ở trong trạng-thái động.

Nó cũng có nghĩa là 3x3 hay ba bình phương là cấp bực tam ngôi biến-hóa vận-hành suốt thông trời đất.

Đến số 9 là đến chỗ tột cùng vận-động để hiệp về cơ qui nhứt.

Phép toán-học thử đến 9 rồi trở về 0 (không) là vậy. Cùng-cực cái động tức trở về trạng-thái tịnh nguyên-thủy.

 

C- Đạo thành hình do ba người

1- Ba người đó là ai?

Chính là ba vị Tướng-soái của Thầy đã chọn lựa sẵn cho xuống trước, ngày nay Thầy đến lập nền chơn-giáo chỉ qui-tựu lại mà thôi, nên tất cả đều có đầy đủ để giao cho sứ-mạng xây cơ chuyển thế, khai đạo cứu đời.

Đức Hộ-Pháp có nói rằng: “Dùng lương sanh để cứu vớt quần-sanh”. Những ngày đầu, Đấng AĂÂ gọi ba vị này là “Tam vị Đạo-hữu”, một từ thân-mật là các ông:

- Cao-Quỳnh-Cư, sau đắc phong là THƯỢNG-PHẨM, tuổi Mậu-Tý (1888) (trái)

- Cao-Hoài-Sang, sau đắc phong là THƯỢNG-SANH, tuổi Tân-Sửu (1901) (phải)

- Phạm-Công-Tắc, sau đắc phong là HỘ-PHÁP, tuổi Canh-Dần (1890) (giữa)

 

Thầy đã ân-cần nhắc-nhở:

“CƯ, TẮC, SANG, ba con đã lãnh mạng lịnh lớn-lao vẹt đường tăm-tối trong buổi ban sơ. Thầy lại khiến ba đứa phải liên-hiệp nhau mới có thể xây đắp nền Đạo cho đến cùng”.

Đức Chí-Tôn cũng nói rõ về phần yếu-trọng của ba người nữa:

“CƯ, TẮC, SANG, con ơi! Lập Đạo thành đặng chăng tại nơi ba con. Con đã nghe quyền-hành của yêu-quỉ Thầy cho lớn đến bực nào? Chẳng phải là cơ thử Thánh, Tiên, Phật mà thôi, lại còn là Công-Bình Thiêng-Liêng của Tạo hóa. Nếu hai đầu cân chẳng song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý. Tự nơi các con làm thế nào cho bên Thánh-Đức nặng hơn tà-mưu thì làm mới ra công-quả. Các con chớ ngại, ngày nay Đạo đã khai tức là Tà khởi. Vậy các con phải làm hết lòng, hết sức mà gìn-giữ lấy mình, đã chẳng phải giữ mình các con mà thôi, lại còn giữ-gìn cả Môn-đệ Thầy nữa.

“Nội nơi Nam-phương này, như có mặt cho Tà-thần yêu-quái sợ thì duy có ba con. Vậy ráng giữ-gìn cho thanh-khiết. Thầy nói thật cho các con hiểu trước rằng: Cả Môn-đệ Thầy đã lựa chọn, lọc-lừa, còn lại lối nửa phần. Thầy cho yêu quái lấy danh Thầy mà cám-dỗ, đi bao nhiêu thì mất bấy nhiêu. Các con chớ buồn vì Thiên-cơ phải vậy, thi nhiều đậu ít là lẽ hằng. Các con liệu phương thế mà nâng-đỡ đức-tin của Môn-đệ Thầy lên cao hằng ngày, ấy là công-quả đầu hết.”

(ĐCT Giáp-Dần 1926)

Bởi vì, trên tinh-thần một Tôn-giáo muốn sống bền vững và phát-triển tốt đẹp, thì Tôn-giáo ấy phải có đủ Tam-bửu: TINH, KHÍ, THẦN.

- Về Thần: thì khi lập Đạo Cao-Đài, Thần đã sẵn có do Đức Chí-Tôn làm chủ linh-hồn của Đạo-giáo.

- Về Khí: thì buổi phôi-thai chưa mấy tựu thành, nên Đức Chí-Tôn mượn hình-thể của Diêu Trì-Cung làm Khí.

- Về Tinh: thì hình-thể của Đạo Cao-Đài tức là ba Chi: Pháp, Đạo, Thế, tượng-trưng là: Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp, Thượng-Sanh (là ba ông Cư, Tắc, Sang)

Ấy vậy:

“Chúng ta xét thấy ĐẠO CAO-ĐÀI còn hạnh-phúc nhiều hơn các Tôn-giáo khác, nếu nhận quả-quyết thì được có ba người, mà ba người tức nhiên nhiều hơn thiên-hạ rồi. Cái thiệt tướng của nền Chơn-giáo Đức Chí-Tôn đã hiện tượng do quyền-năng vô-đối của Ngài mà đoạt được, mà trong đó các vị thừa hành mạng lịnh của Ngài đã vẽ nên hình, nắn nên tướng của nó.”

Thử hỏi, các Tôn-giáo từ xưa thì sao?

- Đạo Phật: có 4 người theo Ngài, nhưng không phải bốn người ấy theo làm Môn-đệ, mà theo đặng coi Phật có đoạt Pháp đặng chăng?

Sau cùng chỉ có hai người trọng-yếu hơn hết, rồi đến ngày cuối-cùng còn có một người đoạt đặng Phật-giáo mà thôi.

- Đạo Tiên: Đức Lão-Tử có một người Môn-đệ và một đứa ở là Từ-Giáp biết Đạo của Ngài. Duy có ông Doãn-Hỉ theo Đức Lão-Tử, đoạt pháp, truyền-giáo mà Đạo Tiên còn tồn-tại đến ngày nay.

- Đạo Khổng-Phu-Tử tuy vẫn nói có Tam-thập-lục-Thánh, Thất-thập-nhị-Hiền, mà cả thảy Môn-đệ của Đức Khổng-Tử chưa chắc người nào đoạt đặng. Duy có một người là Thầy Sâm mà thôi. Bằng cớ là buổi chung-qui Ngài kêu Sâm mà nói: Đạo Ta chỉ có một ngươi biết mà thôi, “Sâm, ngô Đạo nhứt vi quán chi.”

- Đức Chúa Jésus có nửa người Môn-đệ thôi, bởi ông Pierre chối Chúa ba lần, đến khi ăn năn, khóc-lóc với Bà Maria mà xưng tội mình.

- Mahomet: Có một người Môn-đệ là phụ nữ mà Đạo Hồi đã thành vậy.

Chúng ta suy đoán thấy chỉ có thương-yêu: duy có một người thương hoặc nửa người thương mà các vị Giáo-chủ đã lập thành Tôn-giáo tại mặt điạ-cầu này.”

2- Thử-thách về Đức-tin

Trong suốt thời-gian đầu, Đấng Đại-Tiên AĂÂ đến với ba ông: CƯ, TẮC, SANG bằng tình thân-thiết, dạy thi văn hoặc giải-thích những điều gì khó-khăn mà các vị này cầu hỏi; tuy nhiên các vị phải cam-kết với Ngài trong các điều-kiện mà Ngài muốn.

“Muốn cho Bần-Đạo đến thường, xin chư vị nạp mấy lời yêu-cầu của Bần-Đạo sau đây:

- Một là đừng kiếm biết Bần-Đạo là ai?

- Hai là đừng hỏi đến Quốc-sự,

- Ba là đừng hỏi đến Thiên-cơ.”

Quí vị xây bàn đều hứa giữ ba điều ấy.

Cho đến khoảng tháng 9 năm Ất-Sửu, Đấng AĂÂ giáng nói với ba ông như vầy:

“Tôi nói lộ Thiên-cơ, trên Ngọc-Hư bắt tội, xin Tam vị Đạo-hữu cầu trên Ngọc-Hư-Cung tha tội Tôi, nếu không lo cầu giùm thì tôi sẽ bị phạt; Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp, Thượng-Sanh rất lo lắng. Ba Ông vọng bàn hương-án cầu Diêu-Trì-Cung. Đức Thượng-Phẩm có làm một bài thi rồi đọc trước bàn hương-án như vầy:

THI

Vái-van xin quí Cửu-Thiên-Nương,
Tâu với Ngọc-Hư tỏ ngọn nguồn.
Vì nghĩa Ă.A mang trọng tội.
Nghĩ tình đồng Đạo để tình thương.

(Mồng 3-9 Ất-sửu 1925)

3- Ngày Vọng Thiên Cầu Đạo

Điều đáng ghi nhớ nhất là ngày 27-10 Ất Sửu, Đấng Cửu-Thiên Huyền-Nữ giáng mách bảo rằng: “Mùng một này, Tam vị Đạo-hữu Vọng thiên cầu Đạo.”

Bà thăng rồi ba ông họp nhau bàn giải, không hiểu “cầu Đạo” là gì mà Bà dạy, để cầu hỏi mấy Em. Ngày sau ba ông cầu Thất-Nương hỏi:

- Thất-nương dạy dùm cầu Đạo là gì?

Thất-Nương nói:

- Không phải phận-sự của Em, xin hỏi Ông AĂÂ.

Ngày sau nữa, có các Đấng giáng về, ba ông hỏi thì các Đấng cũng nói:

Không phải phận-sự của tôi, xin hỏi Ông AĂÂ.

Ngày 30-10 Ất-Sửu (dl 15-12-1925) Ông AĂÂ giáng dạy rằng:

“Ngày mùng 1 tháng 11 này ( dl 16-12-1925) Tam vị phải VỌNG THIÊN CẦU ĐẠO.

Tắm gội cho tinh-khiết, ra quì giữa Trời cầm 9 cây nhang mà vái rằng:

“Ba Tôi là: Cao-Quỳnh-Cư, Phạm-Công Tắc, Cao-Hoài-Sang. Vọng bái CAO-ĐÀI THƯỢNG-ĐẾ, ban ân đủ phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh.”

Sớm mai ngày mùng một, ông Cao-Quỳnh Cư đi mượn một Đại Ngọc-Cơ của ông Tý ở ngang nhà (cũng ở đường Bourdais, Sài-gòn). Nhớ lời Ông AĂÂ dạy, ba ông quì ngoài sân, sắp đặt có một cái bàn nhỏ, quì chống tay trên bàn, cầm 9 cây nhang mà vái:

“Ba tôi là: Cao-Quỳnh-Cư, Phạm-Công Tắc, Cao-Hoài-Sang. Vọng bái Cao-Đài Thượng-Đế ban ân đủ phúc lành cho Ba tôi cải tà qui chánh.”

Ba ông cứ tịnh tâm mặc niệm vái như lời Ông AĂÂ dạy, không nhớ tới cái vụ quì ngoài đường có kẻ qua người lại dập-dìu, lớp thì xe cộ họ đi chơi, đi coi hát về, họ dừng chân lại coi ba ông cúng vái ai mà quì ngoài sân cỏ như vậy.

Ai coi mặc ai, ba ông cứ quì đó cầu-khẩn van-vái cho tàn hết 9 cây nhang.

Ngày Vọng Thiên Cầu Đạo là sắp vô đề mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, các Đấng dìu-dắt ba ông lần lần, nghĩa là ba ông mới nhập trường Đạo.”

 

D- Luận Đạo:
Tinh Khí Thần hiệp nhứt

Nói một cách khác: ngày 1-11-Ất-Sửu, chính là ngày mà cái trứng tinh-thần của Đạo Cao-Đài được thành hình, tức là nền Đại-Đạo đã hiệp đủ ba Chi: Pháp, Đạo, Thế; cũng là hiệp đủ Tam-bửu: Tinh, Khí, Thần.

Hơn nữa, ba con số 1 đã nói lên sự đắc nhứt, rằng:

- Thiên đắc nhứt linh,

- Điạ đắc nhứt minh,

- Nhân đắc nhứt thành.

Đây cũng là phương tu của người Đạo Cao-Đài, mà Đức Phật-Mẫu đã ân-cần chỉ dạy như vầy (15-8 Nhâm-Ngọ dl 2-9-1942)

Diêu-Trì Kim-Mẫu,

“Mẹ vui được thấy các con biết lo cho chúng-sanh tức là lo cho mình vậy.

“Mình tu cho chúng-sanh, mình lập vị cho chúng-sanh tức là lập vị cho mình. Phải hiểu cho rõ, nếu chúng-sanh chưa ai đắc Đạo, thì ta phải cầu-nguyện cho người đắc Đạo trước ta.

“Nếu mình cứ mong cho cao phẩm-giá, tức là trái với Thiên-ý. Mình phải hằng ngày trau-giồi tánh đức, lo chung cho thiên-hạ ấy là phương-pháp tu tắt đó.

“Thường ngày công-phu mà mình chất chứa tánh tự kiêu thì cũng không mong đắc chánh-quả được, bất quá đắc một vị Địa-Tiên đó thôi. Vậy muốn cho hoàn-toàn thì ráng tập cho biết trừ các điều xấu-xa, tập thường ngày tầm chơn-lý, kiếm hiểu huyền-vi, răn mình hằng bữa, đó là đường chánh sáng-láng cứ lo bước tới.

“Đạo chia ra ba chi: Pháp, Đạo, Thế.

“Mình tu cho đúng theo luật, hành theo pháp, thì chúng-sanh nơi thế ca tụng công đức mình, trọng kính mình, ấy là mình ĐẮC THẾ.

“Hễ đắc thế thì phải tầm pháp đặng cứu chữa, dạy bảo theo pháp; nếu mình hành pháp hiển-linh, chúng-sanh ứng mộ, thì mình ĐẮC PHÁP.

“Nếu mình đắc pháp thì phải tầm Đạo vô vi, muốn tầm không phải dễ, mà dễ khó là do nơi mình; nếu đi được hai khoản, thì khoản sau này phải ráng, nếu đắc Đạo thì nhập cõi Niết-Bàn.”

Lại nữa:

“Theo chơn-pháp của ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ thì mọi cơ-cấu nơi cõi vô-hình đều có cơ-cấu hữu-hình đối tượng của Đạo nơi mặt thế. Ở cõi thiêng-liêng có Cửu-Thiên Khai-Hóa, thì trong cửa Đạo Cao-Đài có đối tượng hữu-vi là Cửu-Trùng-Đài.

“Còn ở vô-hình có cơ-cấu tạo ra cung Trời là Thập-Nhị Khai-Thiên tức là Thập-Nhị Thời-Thần thì ở cửa Đạo Cao-Đài có đối tượng hữu-vi là Thập-Nhị Thời-Quân.”

“Đối với luật thiên-nhiên của vũ-trụ, ta từng nghe nói “Thiên điạ tuần-hoàn chu nhi phục thuỷ.”

“Từ tạo thiên lập địa, càn-khôn phát khởi tới ngày nay biết mấy muôn vạn lần xuân qua hè lại, thu mãn, đông tàn, nay tới đời hạ nguơn mạt kiếp cũng gọi là cuối cùng.

“Phàm muôn việc đều có thủy, có chung, có khởi, có cùng, như một ngày một đêm 12 giờ; khởi ở Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi…Tới Hợi rồi phải khởi lại Tý…”

Nếu lấy khoa-học nhận xét thì sự ăn khớp nhau giữa Hà-đồ và địa-dư thì thấy rõ-ràng sự đúng nhau của trái đất bắt đầu từ lúc sơ khai.

Mới bắt đầu số 1, phát sinh ở hướng Bắc, tức là cái vi-dương (vi dương đây là Đạo). Bắt đầu có ở hướng Bắc cho nên trên quả địa-cầu lúc đó có đại-lục mà chỉ ở hướng Bắc hưởng thụ cái khí vi-dương đầu tiên của sao Bắc-đẩu. Thiên nhứt sanh thủy.

Rồi dần dần phát-triển qua hướng Nam, tức là số 1 tiến dần đến số 2; số 2 ở về hướng Nam thể trên, tức là đaị-lục của Bắc Á-châu (chi THẾ xuất-hiện).

Bấy giờ sang hướng Đông đến số 3. Số 3 tức là số của Thiếu-dương (đây là lúc thịnh hành của cơ Pháp) cho nên trong thời thái-cổ theo sự phát triển về thời gian, vì lẽ ấy mà thời đó ở Á-đông văn-minh trước Âu-tây, mà chính cái văn minh tinh-thần vô-cùng sáng-suốt thấu hiểu được trời đất.

Do lẽ ấy mới có câu:

- Thiên khai ư Tý

- Địa tịch ư Sửu.

- Nhơn sanh ư Dần.

Tức là Tý-hội khai thiên, qua Sửu-hội sanh địa-cầu và Dần-hội thì sanh nhơn-loại. Thiên, Địa, Nhơn gọi là Tam tài hay là Thiên-hoàng, Địa-hoàng, Nhân-hoàng.

Tại sao Đức Phật-Mẫu dạy phải cầm 9 cây nhang mà khấn-vái?

Bởi mỗi người là một tế-bào khởi thủy cho sự trường tồn của nền Đại-Đạo.

Mà tế bào tinh-trùng ở con người cũng như sinh vật có chỗ giống nhau, đều cấu-tạo bởi một dương điện-tử và 9 âm điện-tử. Do vậy mà các ông phải cầm 9 cây nhang mà cầu-nguyện làm biểu-tượng ấy. Đây là lúc làm nên cái trứng tinh-thần Đại-Đạo.

►Xem tiếp CHƯƠNG III /... Sự thành hình trải qua 3 thời-kỳ

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007