DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương IV:

NHỮNG NHÀ LÃNH-ĐẠO
TÔN-GIÁO CAO-ĐÀI

Phần I-

Giáo-Tông Chưởng-Quản Cửu-Trùng-Đài

  1. Giáo-Tông hữu-hình: Q.Giáo-Tông Thượng-Trung-Nhựt
    1. Duyên khởi
    2. Thượng-Đế thâu phục ông Lê-Văn-Trung
    3. Quyền-hành của Q.Giáo-Tông Thượng-Trung-Nhựt
  2. Giáo-Tông vô-vi: Đức Lý Đại Tiên
  3. Luận về quyền-hành Giáo-Tông
    1. Cửu-Trùng-Đài là cơ-quan quản-trị càn-khôn thế-giới
    2. Bát-quái Đồ-thiên hay Bát-quái Cao-Đài
    3. Giáo-Tông làm chủ Bát-quái Đồ-thiên
    4. Đức Quyền Giáo-Tông thi-hành thể-pháp Đại-Đạo
    5. Ngôi vị Giáo-Tông đứng về quẻ Chấn trong Bát-quái
    6. Lời chiêm-đoán về quẻ Chấn
    7. Đức Quyền Giáo-Tông là mẫu người đáng kính
  4. Quyền-hành của Đạo phải có Giáo-Tông và Hộ-Pháp
  5. Đạo-phục của Giáo-Tông
    1. Luận Đạo: Ban Đạo-phục là ban quyền cho Giáo-Tông
    2. Giáo-Tông làm chủ cả hai Bát-quái Cao-Đài
      1. Lý giải về Bát-quái Hư-vô
      2. Bát-quái Hư-vô thành hình
      3. Tính chất của Bát-quái Hư-vô
    3. Thiên bàn thờ Chí-Tôn sửa sai Pháp
    4. Đạo là Hòa
      1. Sự Hòa của Tam-kỳ qua Tam-trấn
      2. Tinh-thần hòa-ái của Đức Quyền Giáo-Tông

Phần II-

Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài

  1. Hộ-Pháp Chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài
    1. Đức Chí-Tôn cho thi là ban quyền cho Hộ-Pháp
    2. Vấn-đề chủ quyền.
    3. Làm thế nào biết một Tôn-giáo là Chánh-giáo?
  2. Luận Đạo: Luận về quyền-hành của Hộ-Pháp
    1. Càn-khôn biến tướng.
    2. Chữ Điền trong Bát-quái
    3. Hai quẻ âm dương tạo thành một hình
    4. Huy-hiệu của Hộ-Pháp ngôi sao sáu cánh
    5. Hộ-Pháp làm chủ Bát-quái Đồ-thiên
    6. Quyền-hành của Hộ-Pháp
    7. Đấng Thượng-Đế đã sai Hộ-Pháp làm gì?
  3. Hộ-Pháp Chưởng-quản Nhị Hữu-Hình-Đài
    1. Nguyên-nhân nào Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài?
    2. Hộ-Pháp là ai?
    3. Luận về Đạo-phục và quyền-hành của Hộ-Pháp
    4. Thầy lấy tánh đức Phạm-Công-Tắc lập giáo
    5. Tại sao Đức Chí-Tôn giao việc cứu thế cho Hộ-Pháp?
  4. Luận về quyền-hành của Giáo-Tông và Hộ-Pháp

D- Quyền-hành của ĐẠO
phải có GIÁO-TÔNG VÀ HỘ-PHÁP

“Trên ba Hội lập quyền thì có Giáo-Tông và Hộ-Pháp.

Giáo-Tông là chủ Cửu-Trùng-Đài thì lo về việc chánh-trị của Đạo có Chưởng-Pháp và Đầu-Sư ở trung-gian giúp sức điều-đình các luật-lệ truyền xuống cho ba Chánh-Phối-Sư nắm trọn quyền hành-chánh. Giáo-Tông có quyền định đoạt trong việc chánh-trị của Đạo.

Hộ-Pháp thì lo giữ luật-lệ của Đạo cho khỏi sái Thiên-điều vì luật-lệ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay thì thế cho Thiên-điều.

Hộ-Pháp có quyền đặc-biệt về ân-xá cũng như Giáo-Tông có quyền Chánh-trị vậy.

Hộ-Pháp chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài có Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Thập-Nhị Thời-Quân giúp sức.

Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một là Quyền Chí-Tôn”.

Tại sao trong cửa Đạo Cao-Đài có đến hai người lãnh-đạo Tôn-giáo?

Pháp-Chánh-Truyền chú-giải có ghi rõ:

“Đây là lời Thánh-giáo của Thầy đã dạy Hộ-Pháp khi Người hỏi Thầy về quyền của Giáo-Tông.

Hộ-Pháp hỏi:

- “Thưa Thầy theo như luật-lệ Thánh-giáo Gia-Tô Thầy truyền tại thế thì Thầy cho Giáo-Tông trọn quyền về phần hồn và phần xác: Người nhờ nương quyền-hành cao-trọng đó, Đạo Thánh mới có thế-lực hữu-hình như vậy. Đến ngày nay Thầy giảm quyền Giáo-Tông của mấy con về phần hồn đi, thì con sợ e cho Người không đủ quyền-lực mà độ rỗi chúng-sanh chăng?

Thầy đáp…

- “Cười! Ấy là một điều lầm-lạc của Thầy, vì nặng mang phàm thể mà ra, Thầy cho một người phàm đồng quyền cùng Thầy về phần hồn thì nó lên ngai Thầy mà ngồi, lại nắm quyền-hành Chí-Tôn ấy đặng buộc nhơn-sanh phải chịu lòn cúi trong vòng tôi-tớ của xác thịt. Hơn nữa cái quyền-hành quí-hóa ấy, Thầy tưởng vì thương mà cho các con, nào dè nó là một cây gươm hai lưỡi để giục loạn cho các con.

“Nay Thầy đến chẳng phải lấy nó lại, mà Thầy chỉ đến làm cho tiêu-diệt cái hại của nó, nếu muốn trừ cái hại ấy thì chẳng chi hay hơn là chia đôi nó ra, không cho một người nhứt thống.

“Kẻ nào nắm trọn phần hữu-hình và phần thiêng-liêng, thì là độc chiếm quyền chánh-trị và luật-lệ, mà hễ độc chiếm quyền chánh-trị và luật lệ vào tay, thì nhơn-sanh chẳng phương nào tránh khỏi vòng áp-chế.

“Như Thầy để cho Giáo-Tông trọn quyền về phần xác và phần hồn (nghĩa là Đạo và Đời) thì “Hiệp-Thiên-Đài” lập ra chẳng là vô-ích lắm sao con?

“Cửu-Trùng-Đài là Đời, Hiệp-Thiên-Đài là Đạo. Đạo không đời không sức, Đời không Đạo không quyền; sức quyền tương-đắc mới mong tạo thời cải thế, ấy là phương hay cho các con liên hiệp cùng nhau, chăm-nom săn-sóc lẫn nhau, mà giữ vẹn Thánh-giáo của Thầy cho khỏi trở nên phàm-giáo”. (PCT)

Trong cửa Đạo Cao-Đài, quyền-hành của Chức-Sắc từ Hiệp-Thiên-Đài đến Cửu-Trùng-Đài đều thể-hiện rõ nét trên phẩm-phục tức là trong sắc áo mão của mỗi người, thế nên Pháp-Chánh-Truyền qui định:

 

E- ĐẠO-PHỤC CỦA GIÁO-TÔNG

1- Phần luận Đạo: Ban Đạo-phục là ban quyền cho Giáo-Tông

Thầy ban đạo-phục cho Giáo-Tông là ban quyền-hành cho Người

Pháp-Chánh-Truyền qui-định:

“Đạo-phục của Giáo-Tông có hai bộ: một bộ đại phục và một bộ tiểu-phục

Điều này chứng tỏ quyền-hành trọng-yếu là Anh cả của nhơn-sanh “thay mặt cho Thầy đặng bảo-tồn chơn-đạo của Thầy tại thế” đồng thời “có quyền dìu-dắt con cái Đức Chí-Tôn trong đường Đạo và đường Đời” tức là cơ âm dương đã hiện rõ trong quyền-hành ấy; cũng như có Giáo-Tông hữu-hình ắt có Giáo-Tông vô-vi vậy.

Giáo-Tông phải thực-thi hai Bát-quái: Bát-quái Đồ-thiên và Bát-quái Hư-vô, ấy là phần Thiên-đạo.

Nếu nhìn vào Bát-quái Đồ-thiên sẽ thấy hiển-hiện rõ quyền-hành ấy.

* Đại-phục:

“Bộ Đại-phục thì toàn bằng hàng trắng, có thêu bông sen vàng từ trên tới dưới”

Với cơ-quan Cửu-Trùng-Đài, đặc biệt chỉ có Giáo-Tông và Thượng-Chưởng-Pháp mặc sắc phục trắng chầu lễ Chí-Tôn mà thôi, ngoài ra đều mặc theo sắc phái, Vì sao?

Màu trắng là màu tổng-hợp của 7 sắc cầu vồng, đó là màu Đại-đồng, mục-đích của Cao-Đài là phải thực hiện ra cho đến Đại-Đồng Thế-Giới.

Đó là cái bí-pháp, phần riêng biệt của Đức Chí-Tôn dùng trong cơ chuyển thế, chọn người thay thế hình-thể cho Ngài cầm đầu cả nhơn-loại.

Việc này để giải rõ là loài người phải đi từ không trở về sắc-tướng đặng tạo nghiệp-vị, rồi trở lại Hư-vô.

Phái Tiên-đạo là phái giữ phần lập trường thi công-quả của sắc tướng.

Bởi Cao-Đài là tinh-hoa bổn-nguyên triết lý của chính nền Tôn-giáo này.

Thêu bông sen tượng-trưng sự thanh-khiết, sống nơi trần mà không nhiễm trần. Màu vàng tượng cho Đạo Cao-Đài là Phật-giáo chấn hưng.

“Hai bên cổ áo, mỗi phía có ba cổ-pháp là: Long-Tu-Phiến, Thư-Hùng-Kiếm và Phất-Chủ (ấy cổ-pháp của Thượng-Phẩm và Thượng-Sanh trị thế).

Đặc biệt là hai con số 2 và 3 (hai bên cổ áo, mỗi phía có 3 cổ-pháp):

Số 2 là số Thiếu-âm, số 3 là số Thiếu-dương. Cộng chung lại 2+3=5 đó là Ngũ-hành. Lại nữa, hai bên cổ áo, mỗi phía có 3 cổ-pháp, vậy hai bên phải 6 cái: chứng tỏ đây là tam âm tam dương như đã có nói trước đây.

Cổ-pháp của Thượng-Sanh là Phất-Chủ và Thư-Hùng-Kiếm,

Cổ-pháp của Thượng-Phẩm là Long-Tu-Phiến.

Hai vị Thượng-Phẩm và Thượng-Sanh là Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài. Giờ đây cổ-pháp của hai vị này họp lại là cổ-pháp của Giáo-Tông (Cửu-Trùng-Đài).

Tương-tự ba món cổ-pháp của ba vị Chưởng-Pháp bên cơ-quan Cửu-Trùng-Đài họp lại là cổ-pháp của Hộ-Pháp:

 

Thái Chưởng-Pháp thì bình Bác-Du.

Thượng Chưởng-Pháp thì cây Phất-Chủ

Ngọc Chưởng-Pháp thì bộ Xuân-Thu.

Hiệp một gọi là cổ-pháp. Ba cái cổ-pháp ấy vốn của Hộ-Pháp hằng kỉnh trọng.”

Ấy cũng là một lý: trong âm có dương và ngược lại trong dương có âm, dịch nói “Âm trung hữu dương căn, dương trung hữu âm căn”

“Đầu đội mão vàng 5 từng hình Bát-quái (thế Ngũ-chi Đại-Đạo) ráp tròn lại bít chính giữa; trên chót mão có để chữ Vạn, giữa chữ Vạn có để Thiên-nhãn Thầy, bao quanh một vòng Minh-khí.”

Đầu đội mão vàng, màu vàng đội đầu cho thấy ngôi Nhứt Phật của phẩm Giáo-Tông đã để trước mắt cho nhơn-sanh đều thấy rõ.

Đầu, tức là chính giữa và phần trên của con người, ứng với số 5 ở giữa Bát-quái Đồ-thiên (ngũ trung) thế Ngũ-chi Đại-Đạo, nghĩa là nền Đại-Đạo này đã đến lúc “hiệp nhứt Ngũ-chi qui-nguyên Tam-giáo” mà chính Giáo-Tông “thay mặt cho Thầy đặng bảo-tồn chơn-đạo của Thầy tại thế”; ráp tròn lại bít chính giữa, tức là tạo thành một vòng tròn, đây là chỉ càn-khôn vũ-trụ, mà Cao-Đài đứng chủ trung, thể hiện lời dạy của Thầy:

“Một nước nhỏ-nhoi trong Vạn quốc.
“Ngày sau làm chủ mới là kỳ.”

Chữ Vạn là chỉ vạn-linh xuống trần để đạt vị, đồng thời cũng chỉ các ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật đều vâng lịnh Chí-Tôn hạ thế cứu đời. Thế nên Đạo Cao-Đài xử-dụng đến hai chữ Vạn thuận và nghịch. Là hình ảnh Bát-quái Đồ-thiên.

Thiên-nhãn Thầy đặt giữa chữ Vạn là nhắc-nhở người Cao-Đài luôn luôn làm theo Tôn chỉ của Đạo để khỏi phải lệch chơn-truyền mà phải đắc tội với thiêng-liêng, nhất là Thánh-thể Đức Chí-Tôn là người cầm cân Công-Bình Thiêng-Liêng thưởng phạt.

Vòng Minh-khí là một thứ ánh-sáng minh triết mà cái văn-minh tinh-thần đã khởi điểm nơi này. Học Đạo, hiểu Đạo là tạo cho mình một ánh sáng minh-triết, phát ra bằng vòng Minh-khí; nói Đạo cho người hiểu Đạo, ban-bố khắp nơi bằng huyền-lực, bằng hào-quang, điển sáng là vô-vi.

Đạo Cao-Đài khởi nơi đất nước Việt-Nam này hân-hạnh có được hồng-ân ấy.

Chính Đức Tả-quân Lê-văn-Duyệt đã xác nhận:

“Văn-hiến bốn ngàn năm có sẵn,
“Chi cần dị-chủng đến dâng công.”

Đây là bộ Đại-phục, Giáo-Tông chỉ mặc khi chầu Đại-lễ Chí-Tôn mà thôi, đó là Quan Đạo trong một Thiên-triều; còn các Đàn thường thì mặc Tiểu-phục:

* Tiểu phục:

“Bộ tiểu-phục cũng toàn bằng hàng trắng, có thêu chữ Bát-quái bằng vàng, cung Khảm ngay hạ đơn điền, cung Cấn bên tay mặt, cung Chấn bên tay trái, cung Đoài bên vai mặt, cung Tốn bên vai trái, cung Ly ngay trái tim, cung Khôn ngay giữa lưng”.

Đức Chí-Tôn có cho biết Bát-quái trên áo Giáo-Tông đây là Bát-quái luyện Đạo. Ngay từ buổi đầu, khi Bà Nữ Chánh-Phối-Sư Hương-Hiếu được Đức Chí-Tôn dạy may áo Giáo-Tông, đến việc sắp các “quẻ” Thầy có nói với ông Lê-Văn-Trung:

- “Trung, kiếm thử (là kiếm thử chữ Bát-quái) đặng sắp, may trong áo Giáo-Tông.

Trung bạch cùng Thầy rằng: chẳng hiểu.

- Thầy nói: Thì con coi mà định Luật luyện Đạo nơi đó. Con lại phải cho thanh-tịnh, kể từ nay diệt tận phàm tâm chớ nhơ một điểm thì ngày ấy thề mới đặng”. (Đạo-Sử của bà Hương-Hiếu, trg 107)

Vậy Bát-quái luyện Đạo đây chính là Bát-quái Hư-vô, là Bát-quái thứ tư sau Bát-quái Đồ-thiên, sẽ khai-triển tiếp sau, vì còn một quẻ càn trên mão chưa nói.

“Đầu đội mão Hiệp-Chưởng (Mitre) cũng toàn bằng hàng trắng, bề cao ba tấc, ba phân, ba ly (0m333) may giáp mối lại cho có trước một ngạnh sau một ngạnh, hiệp lại có một đường xếp (ấy là Âm dương tương hiệp) cột giây xếp hai lại, nơi bên tay trái có để hai vải thòng xuống, một mí dài, một mí vắn (mí dài bề ngang 0m03, bề dài 0m3) trên mão ngay trước trán có thêu chữ cung Càn

 

 

Đây là sắc phục áo mà Đức Quyền Giáo-Tông đang mặc có đủ các quẻ trên màu áo trắng.

Đầu đội mão Hiệp-Chưởng.

Hai chữ Hiệp-Chưởng có nghĩa là hai bàn tay úp vào nhau. Mão Hiệp-Chưởng là cái mão hình giống như hai bàn tay úp vào nhau vậy. Số đo 0m333; ba lần con số 3 (3x3=9).

Số 9 là chỉ về Cửu-Trùng-Đài mà Đức Giáo-Tông đã nắm phần chưởng-quản, có ba bậc: Thần-vị, Thánh-vị, Tiên-vị.

Mỗi bậc có 3 phẩm như đã nói ở phần trước. Sợi giây liền một dải thòng xuống nhưng một mí dài, một mí vắn tượng-trưng một mối Đạo có hai cơ-quan điều-hành giống như Thượng, Hạ nghị-viện ở ngoài đời vậy. Tuy nhiên vẫn chung lo cho danh Đạo Thầy, tức là âm dương hiệp nhứt. Hai cơ-quan điều-hành ở đây là Cửu-Trùng-Đài và Hiệp-Thiên-Đài.

Như vậy, gồm chung có đến 3 con số 0, ý nghĩa là 3.000 công-quả mà mỗi Chức-sắc phải đạt cho được ấy là vô kỷ (0), vô công (0), vô danh (0).

Bên tay trái có để hai dải thòng xuống mà mí dài bề ngang 0m03, bề dài 0m3, hai con số 3 hiệp lại là 3+3=6, trở lại là lý tam âm, tam dương điều-hòa vũ-trụ.

Sau cùng là cung Càn đặt ở trước trán để hiệp thành một bộ Bát-quái Hư-vô là Bát-quái luyện Đạo mà quyền-hành Giáo-Tông đã nắm vào tay để dẫn-dắt nhơn-sanh đi trên con đường Đạo và đường Đời của Thiên-đạo cho vẹn-vẻ.

Thế nên, khi Giáo-Tông đảnh lễ Chí-Tôn lạy xuống thì chữ “Càn” trước trán hiệp với đất là “Khôn” là rõ lý âm dương tương-hiệp. Cũng vậy, trên lưng người có quẻ “Khôn” thì khi mọp xuống lại hiệp với trời là “Càn”.

“Chơn đi giày vô-ưu toàn bằng hàng trắng, trước mũi có chữ tịch-đạo Nam nữ. Tỷ như Đức Giáo-Tông đương thời, thì nơi trước mũi giày của Ngài phải có chữ Tịch-đạo là “Thanh Hương” 青 香.

Phẩm Giáo-Tông được mang giày vào Đền để chầu lễ, giày màu trắng, là màu đạo, gọi là giày vô-ưu, vô-ưu nghĩa là không buồn phiền. Bởi đứng vào hàng phẩm này đã là những tâm-hồn lớn, là người đã giải-thoát hết những oan-khiên nghiệt-chướng trong lòng.

Trước mũi giày có thêu chữ của Tịch-đạo. Như trong thời khai Đạo thứ nhứt này thì tịch-đạo là THANH HƯƠNG.

2- Giáo-Tông làm chủ hai Bát-quái

- Bộ Đại-phục Giáo-Tông là ứng với Bát-quái Đồ-thiên.

- Bộ Tiều-phục ứng vào Bát-quái Hư-vô.

Các Bát-quái trước đây khởi thủy từ Bát-quái Tiên-thiên là con đường đi ra từ gốc càn-khôn thiên địa nên gọi là “nhứt bổn tán vạn thù”; nay là cơ qui nhứt nên gọi là “vạn thù qui nhứt bổn”.

a/- Lý giải về Bát-quái Hư-vô

Kinh Phật-Mẫu xác định đây là Bát-quái Hư-vô:

“Chuyển luân định phẩm cao thăng,
“Hư-vô Bát-quái trị Thần qui-nguyên.”

Hỏi vậy người tu-hành luyện Đạo để làm gì? Phải chăng là mong đoạt lý Hư-vô? Bát-quái Hư-vô chính là các quẻ sắp trên áo Giáo-Tông đó.

Khởi điểm vẫn hai quẻ chánh trong Bát-quái: Càn tượng cha, Khôn tượng mẹ làm chuẩn. Hai quẻ này giao nhau, như cha mẹ phối-hợp mà tạo ra 6 con:

- Lần thứ nhứt Càn giao với Khôn, Càn cướp đi của Khôn một hào âm mà thành ra Tốn đặt bên vai trái.

- Lần thứ hai Càn giao với Khôn cướp đi của Khôn một hào âm mà thành ra quẻ Ly đặt nơi trái tim.

- Lần thứ ba, Càn giao với Khôn và cướp đi của Khôn một hào âm, mà thành ra quẻ Đoài , nằm bên vai mặt (ba hào âm: Tốn, Ly, Đoài tất cả đều nằm ở phần trên của thân người)

Bây giờ Khôn giao với Càn lần thứ nhứt, Khôn cướp đi của Càn một hào dương thành ra quẻ Chấn đặt ở tay trái.

- Lần thứ hai khôn cướp đi của Càn một hào dương thành ra quẻ Khảm đặt ở hạ đơn điền, còn gọi là rún.

- Lần thứ ba Khôn giao với Càn cướp đi một hào dương của càn thành ra Cấn đặt bên tay mặt. (3 hào dương Chấn, Khảm, Cấn đều nằm ở phần dưới của thân người)

Các quẻ được sắp theo lời dạy trong Pháp-Chánh-Truyền, đặt trên Tiểu-phục của Giáo-Tông, hình ảnh đó cho thấy từng đôi một đi liền với nhau: Càn Khôn, Khảm Ly, Đoài Cấn, Chấn Tốn. Phương hướng vẫn là hướng Đông Tây làm trục đứng, Nam Bắc làm trục ngang, theo hướng của Bát-quái Cao-Đài (Bát-quái Đồ-thiên), làm tượng trưng, chứ khi đã gọi là Hư-vô thì không có phương hướng, thậm chí cũng không có quẻ làm hình ảnh nữa. Nhưng khi người mặc phẩm-phục vào thì Càn ở trên trán tức là đầu rồi.

Đứng về số thì vẫn lấy theo số của Bát-quái Tiên-thiên là: Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8.

 

b/- Bát-quái Hư-vô thành hình

Từng đôi quẻ đơn đi liền với nhau tạo thành quẻ kép đều có tổng-số là 9.

Ví như:

  Khôn 8 + Càn 1 = 9 Khảm 6 + Ly 3 = 9
  Đoài 2 + Cấn 7 = 9 Chấn 4 + Tốn 5= 9.

Đây có tất cả 4 lần tổng-số 9 (4x9=36).

Chính là sự ứng hợp với Kinh Khi Đã Chết Rồi:

“Ba mươi sáu cõi Thiên-Tào,
“Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc-Hư”

 

Nếu không thông hiểu Bát-quái không thể vào Ngọc-Hư-Cung, là không về đường trời được.

Tại sao Kinh đã chết rồi có câu ấy?

Bởi người chết thực sự mới về đến các cõi ấy. Nhưng khi còn xác thân này đây mà không học hỏi, không tìm biết, không biết chết đời sống Đạo thì cũng như người thuỷ-thủ đi biển mà không có địa-bàn, vẫn phải lênh-đênh trong sự vô định mà thôi. Tu là để tìm về, là học hỏi trước con đường tấn-hoá của tâm-linh vậy.

Sự kết hợp các quẻ của Bát-quái Hư-vô:

Hai quẻ Càn Khôn: Khôn vi địa số 8, đặt lên Càn vi thiên số 1 thành quẻ kép có tên:

Địa Thiên Thái (Thái là hanh thông).
Nếu đặt ngược lại là Thiên Địa Bĩ  (Bĩ là xấu, thời bế tàng)

Hai quẻ Khảm Ly: Khảm vi thuỷ số 6, đặt lên Ly vi Hỏa số 3, thành quẻ kép:

Thủy Hỏa Ký-tế (Ký-tế là giao nhau).
Nếu đặt ngược lại là Hỏa-Thủy Vị-tế (Vị-tế là chưa giao, vẫn xa lìa).

Hai quẻ Đoài Cấn: Đoài vi trạch số 2, đặt lên Cấn vi sơn số 7, thành quẻ kép:

Trạch Sơn Hàm (Hàm là bao gồm).
Nếu đặt ngược lại thành quẻ Sơn-Trạch Tổn (Tổn là hao mòn, tổn thất)

Hai quẻ Chấn Tốn: Chấn vi Lôi số 4 đặt lên Tốn vi phong số 5, thành ra quẻ kép:

Lôi Phong Hằng (Hằng là thường, bền chặc).

Nếu đặt ngược lại thành ra quẻ Phong Lôi Ích (Ích là lo lợi cho riêng mình, chưa thành đạt).

c/- Tính chất của Bát-quái Hư-vô

- Đây là thời-kỳ qui hiệp:

Nếu nhìn riêng về quẻ thì quả thật:

* Càn là cha, Khôn là mẹ đến lúc họp lại với nhau.

* Đoài là thiếu-nữ, Cấn là thiếu-nam họp nhau.

* Khảm là trung nữ, Ly là trung nam họp nhau.

* Chấn là trưởng nam, Tốn là trưởng nữ họp nhau.

Xem như một gia-đình đoàn-tụ: hạnh-phúc.

Chính đây cũng là thời-kỳ qui hiệp của các Tôn-giáo trên toàn cầu nên Đức Chí-Tôn đến mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Tôn-chỉ là Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt, thế nên Bát-quái Hư-vô này cũng mang tánh cách qui hiệp ấy.

Con đường qui hiệp đó là trách-nhiệm của Giáo-Tông có bổn-phận “dìu-dắt con cái của Thầy trên con đường đạo-đức của chính mình Thầy khai tạo và trên con đường đời cơ Đạo gầy nên” tức là Ngài đã hoàn thành hai Bát-quái.

Hay nói khác đi Ngài vừa lo giáo-hóa nhơn-sanh trên con đường hành thiện cũng vừa lo độ dẫn nhơn-sanh trên bước trở về cõi hư-linh nhàn lạc, là con đường thành Tiên tác Phật.

Hai con đường đó qua hai Bát-quái Cao-Đài là con đường Thiên-đạo:

1- Là Bát-quái Đồ-thiên (đã nói ở trước) là hành thể-pháp của Thiên-đạo.

2- Là Bát-quái Hư-vô (hình ảnh trên bộ Tiểu phục của Giáo-Tông) là theo bí-pháp Thiên-đạo.

Tại sao phải lấy âm bao dương?

Cũng có thể nói rằng: Nếu đặt Càn Khôn làm chủ, mỗi hào có 3 vạch lần-lượt thay đổi và biến-hóa như sau: CÀN KHÔN là quẻ chủ của Bát-quái, Nếu:

Qui hiệp có nghĩa là từng cặp âm dương đi liền nhau và hợp số với nhau, như Càn Khôn là hai ngôi chủ tể của vũ-trụ, giống như hai Cha mẹ đã gần nhau hay gọi là một sự đoàn tụ, tức như người tu được trở về với Thượng-Đế.

Gần là hiệp một gia-đình, cao xa hơn là lúc đắc nhứt qui cơ là thành Đạo, là hiệp nhứt.

Tuy nhiên không phải Tu là đạt liền, mà phải tu đúng cách. Trong cõi đời này không hiếm người tu mà sao không thành đạt hết. Như học trò học nhiều mà thi đỗ đạt ít. Vì nếu biết trau giồi đạo-đức, hàm dưỡng tánh tình thì dầu không thành Phật, cũng vào hàng Tiên; rớt Tiên còn được Thánh; rớt Thánh cũng vào Thần; rớt Thần cũng được Hiền, chứ đừng để sa vào quỉ-vị.

Đức Chí-Tôn còn nói: “Cửa Bạch-Ngọc-Kinh ít kẻ, chớ chốn A-tỳ vốn nhiều người. Con liệu mà hành đạo, Thầy thương con chừng nào, ngày sau con càng ăn-năn tiếc chừng nấy.” (TNI/31)

Thế nên người mới nhập-môn cầu Đạo phải lập Minh-thệ, lời thề có 36 chữ, ý nhắc-nhở rằng nếu giữ đúng chơn-truyền Đại-Đạo thì hồn khi giải-thể sẽ về ngự nơi Tam-Thập-Lục-Thiên (cảnh siêu), còn nếu làm sai quấy thì bị rơi vào Tam-Thập-Lục-Động (cảnh đọa). Cũng với 36 chữ thôi!

Đặc-tính của dương vốn là phân tán nghĩa là đi ra, âm thì bế tàng tức là chứa trữ lại, nhờ hai cái lý tương-phản nhau như vậy, nên người tu phải “tồn Tinh dưỡng Khí”. Xưa nay quan-niệm là cái Tinh hữu-hình nhiều hơn mà ít khi quan tâm đến cái Tinh vô-hình, tức nhiên cái lý mầu-nhiệm của Đạo phải thông suốt, phải am tường. Nhất là sự kém hiểu dễ lầm rồi sinh mê tín, tự vẽ-vời mà sai chơn-lý chánh truyền; cũng như thay vì đã tạo được Bát-quái Hư-vô mà để cho dương bao âm, nghĩa là cái dương phát tán đi. Có nhiều bậc tu hành rất cao nhưng không giữ được giới cấm để cho sắc dục hoành-hành, tức là dương đã phát tán làm sao hàm dưỡng Tinh Khí, khác nào đặt ngược quẻ Càn Khôn thay vì Địa Thiên Thái mà lại đặt ngược đi sẽ thành Thiên Địa Bĩ là vậy.

Tất cả không ngoài: Nho, Y, Lý, Số. Nay đã đến thời-kỳ gặt hái, tức là kết thúc một giai-đoạn của tinh-thần, của đạo-pháp mà Đạo-giáo nói là Hội-Long-Hoa đó, vì thế cả toàn cầu đều dự vào cuộc thi lớn, là biến động để thanh-lọc. Dù muốn dù không gì cũng đã đến ngày giờ quyết định.

Hãy nhìn vào đồ “Bát-quái Hư-vô” sẽ cho ta thấy tất cả những hình ảnh ấy một cách rõ-rệt.

Nhưng thử hỏi thế nào là tu đúng, thế nào là tu sai?

Âm bao dương là khôn 8 đặt lên Càn 1. Khi hai quẻ đã họp nhau thì xảy ra hai trường-hợp:

- Một là, quẻ Khôn vi địa đặt lên Càn vi thiên, sẽ thành quẻ kép có tên là Địa Thiên Thái Thái là thời-kỳ hanh-thông, thư sướng.

- Hai là, quẻ Càn vi thiên, đặt trên quẻ Khôn vi Địa, sẽ thành quẻ kép có tên là Thiên Địa Bĩ . Bĩ là bế tàng. Thời đen tối.

Chỉ hai quẻ Càn Khôn mà đặt lệch vị trí thì kết-quả khác nhau như trời với vực, là thăng và đọa. Bởi Thái là hanh thông, mà Bĩ là bế tắc. Người tu biết giữ mình cho thanh-cao, đạo đức, tức là biết tồn Tinh dưỡng Khí, dưỡng tánh tồn Thần; nghĩa là lấy âm bao dương, giữ cái dương cho thanh tịnh, là hình ảnh của quẻ âm đặt lên quẻ dương. Trong các quẻ còn lại cũng vậy.

Như trên đã nói thì:

Tất cả các quẻ: Thái, Ký-tế, Hàm, Hằng, là những quẻ được mang những hình ảnh đẹp của sự thăng hoa: Thái là hanh thông, Ký-tế là đã giao nhau, Hàm là bao gồm, trọn vẹn, Hằng là thường đạo, vĩnh-hằng.

Nếu đặt trái lại các vị trí trên, ý-nghĩa sẽ đảo-ngược lại là: Bĩ, Vị-tế, Tổn, Ích.

Tất cả đều thể hiện một âm, một dương mà thành đạo “nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo” giống như bàn tay úp, ngửa khác nhau vậy.

Một bằng chứng điển hình cho thấy:

3- Thiên-bàn thờ Chí-Tôn đã sửa sai pháp

Thầy đã dạy trên Thiên bàn thờ Chí-Tôn hình chữ CHỦ 主 tức là gồm 12 món cúng phẩm, đặt thành 3 hàng ngang tạo thành hình quẻ Càn Càn vi thiên (Càn là trời) tức là chỉ ngôi Thượng-Đế Thái-Cực Thánh-Hoàng vi chủ.

Nhưng ngày nay cũng đặt 12 món cúng phẩm ấy nhưng sửa lại để bông và trái xuống cấp dưới, nghĩa là làm mất đi một đường ngang, bấy giờ còn lại là hình chữ THỔ 土 (thổ là đất) thì trở thành quẻ Khôn khôn vi địa (địa là đất) là thời âm. Âm thạnh tất dương suy. Đạo bị bế là vậy.

Nhìn lên Thiên bàn, một lỗi-lầm như trên ta thấy ra rất nhỏ, hầu như không một ai chú-ý, nhưng chiều sâu rộng thật tai hại vô cùng, Đạo bị thất pháp là do đó. Người tu không thành do đó.

1- Thánh-Tượng Thiên-Nhãn

2- Đèn Thái-Cực

3- Trái cây

4- Bông

5- Nước Trà (Âm)

6, 7 và 8- Ba ly rượu

9- Nước trắng (dương)

10 và 12- Hai cây đèn

11- Lư Hương

4- Đạo là Hòa

“Cơ Đạo của Chí-Tôn đến lập buổi Hạ nguơn Tam-Kỳ Phổ-độ này duy lấy một chữ Hòa làm tôn-chỉ: có hòa mới có hiệp, có hiệp mới có thương-yêu, mà sự thương-yêu là chìa khóa mở cửa Tam-Thập-Lục-Thiên, Cực-Lạc Thế-Giới và Bạch-Ngọc-Kinh y như lời Đức Chí-Tôn đã dạy, chỉ nghĩa là phải Từ-bi, Bác-ái mới đắc Đạo vô-vi phải hòa-hiệp mới có cơ qui nhứt”

Vậy thì từ trước đến giờ đã có:

BA THỜI KỲ MỞ ĐẠO
NHỨT-KỲ PHỔ-ĐỘ PHẬT : Nhiên-Đăng-Cổ-Phật
TIÊN : Thái-Thượng-Đạo-Tổ
THÁNH : Văn-Tuyên-Đế-Quân
NHỊ-KỲ PHỔ-ĐỘ PHẬT : Thích-Ca-Mâu-Ni
TIÊN : Thái-Thượng-Lão-Quân
THÁNH : Khổng-Thánh-Tiên-Sư
TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ TAM-TRẤN OAI-NGHIÊM
THAY QUYỀN Tam-giáo
TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ PHẬT : Quan-Âm-Như-Lai
TIÊN : Lý-Đại-Tiên-Trưởng
THÁNH : Quan-Thánh-Đế-Quân

a/- Sự Hòa của Tam-Kỳ qua Tam-Trấn

Nay là buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ tức là Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt, thế nên không còn có các vị Giáo-chủ làm đầu Tôn-giáo như trước, vì vậy Đức Chí-Tôn lập Tam-Trấn Oai nghiêm thay quyền Phật-vị. Lý do vì sao phải lập Tam-trấn? - Tam-trấn Oai-nghiêm thay quyền cho Tam-giáo lập Đạo vô-vi, không có hình-thể như trước. Bởi nay là thời-kỳ Hạ-nguơn mạt kiếp tức là thời qui cổ, chính mình Đức Chí-Tôn giáng trần dùng huyền-diệu Cơ-bút mới biết đây: các nguyên-nhân đắc Đạo trong hai kỳ trước đều tình-nguyện nơi Ngọc-Hư-Cung, giáng trần chịu mạng lịnh nơi Đức Di Lạc-Vương-Phật lo cứu-rỗi 92 ức nguyên-nhân còn say đắm mùi trần. Do vậy, Tam-trấn Oai-nghiêm là ba vị trấn-nhậm với một quyền-hành oai-nghiêm. Ba vị này thay thế cho các vị Giáo-chủ của Nho, Thích, Đạo để phổ-độ chúng-sanh trong kỳ ba ân-xá của Đức Chí-Tôn”.

“Thánh-ý của Đức Chí-Tôn khai mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt là muốn dung-hòa toàn cả con cái của Người để cứu-vãng 92 ức nguyên-nhân vì thế mà bị sa-đọa nơi đây. Chí-Tôn đã Đại-từ, Đại-bi chỉ rõ căn-nguyên và ban ơn cho ta, dạy-dỗ cho ta để đạt ngôi-vị, là phải trau-luyện cho Tinh hiệp với Khí, Tinh Khí huờn Thần là cơ huyền-bí để mà đắc Đạo vậy”

“Ấy vậy, muốn duy-trì cơ hòa-hiệp Đại đồng này cũng do gốc bí-pháp ấy mà thôi, dầu triết-lý thâm uyên đạo-đức mà Tôn-giáo nào cũng không qua lẽ ấy, mà nếu không đạt được toàn lẽ ấy là đệ nhứt xác thân của toàn thể ô-trược tội tình, thì thế-giới sẽ điêu-tàn tiêu-diệt mà chớ!”

b/- Tinh-thần hòa-ái của Đức Quyền Giáo-Tông

Chính Đức Quyền Giáo-Tông Thượng-Trung-Nhựt đã được quyền-năng tối thượng ấy. Ngài đã nắm trọn Bát-quái vào tay qua tám năm hành-đạo, Ngài đã nói:

“Ôi! Trong tám năm, chuông Thánh truy hồn, Đạo Trời đem tin cứu-thế, mà hễ có nghe phưởng-phất lời đồn huyễn-hoặc chi của người toan phá Đạo, thì mau mau cuốn Thánh-tượng, dẹp Thiên-bàn, lòng toan chối Đạo.

Biết bao nhiêu người nịnh quyền hiếp thế, xu phụ theo nịnh tà toan phá Đạo, rước rắn rừng về cắn gà nhà, nạp Chí-Thánh vào đề-lao cho phỉ lòng oán hận.

Con một Cha, gà một ổ, mà làm cho đổ lụy rơi châu, gieo thảm sầu cho lắm người tâm thành trí vẹn phải dừng chân thối bước. Quạ nuôi tu-hú cũng còn biết thương, người đi một đường sao nỡ hại nhau như thế!

Ai toan bứng gốc phá chồi của nền Đạo thì để cho thiêng-liêng quyết-đoán, mình cứ nắm giữ luật-lệ của Thầy và Đức Lý Giáo-Tông đã thành lập từ buổi ban sơ thì thành Đạo, vì luật-lệ của Tam-Kỳ Phổ-Độ thể-thiên hành-hóa là món binh khí để diệt tà-quyền.

Đời có thạnh có suy,

Đạo định tĩnh chuyển xây.

Lửa thử vàng gian-nan thử Đạo.

Trong tám năm rồi, biết bao phen vẹt mây ngút thấy trời xanh, mà cũng lắm lúc xem đất bằng sóng dậy.

Thầy đã nói tiên-tri: “Chi chi qua Quí-Dậu cũng phải cho thành Đạo, mà trước khi đạo thành thì Tam-Thập-Lục-Động quỉ phá dữ-dội lắm, mà trừ an nội loạn rồi mới thành Thiên-cơ.

Ngày nay bão-tố dữ-dội đã qua rồi, Tệ huynh nhìn thấy mấy em bị bao phen khảo-đảo, thảm khổ vô cùng, mà mấy em cũng ngồi vững trong thuyền Bác Nhã của Thầy độ rước thì Tệ huynh hết sức vui mừng nên nguyện hằng sẽ đem hết dạ yêu-thương mà dìu-dắt mấy em về cùng Thầy cho đến chốn.

Các Đấng Thiêng-Liêng cũng có nói trước: Rồi đây nguyên-nhân sẽ đến rần rần, có lắm anh-hào thành tâm giúp Đạo. Cơ đời mầu nhiệm cao sâu người đâu thấy đặng. Từ ngày ác khí nổi lên xung-đột, bên bạo-tàn trương nanh múa vút, thì bên Thánh-đức hiền-lương có lắm anh-hào đem hết trí-thức tinh-thần ra công giúp Đạo.

Tạo-hóa vần xây chuyển thế, Âm dương thật khéo đầu cơ; khiến cho Tệ-huynh nhớ lời tiên-tri của Bát-Nương Diêu-Trì-Cung ban sơ có dặn:

Hễ gặp người an-bang tế thế,
Nên quì mà nghinh lấy lễ trọng người.
Cỗi thân ra mảnh áo tơi,
Che mưa đỡ nắng cho đời nguy-nan”.

►Xem tiếp CHƯƠNG IV /... Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007