HỘ giá Chí-Tôn trước đến giờ,
PHÁP luân thường chuyển máy Thiên-cơ.
CHƯỞNG quyền Cực-Lạc phân ngôi vị,
QUẢN suất càn-khôn định cõi bờ.
NHỊ kiếp Tây Âu cầm máy tạo,
HỮU duyên Đông-Á nắm Thiên-thơ.
HÌNH hài Thánh-thể chừ nên tướng,
ĐÀI trọng hồng-ân gắng cậy nhờ.
A- HỘ-PHÁP
CHƯỞNG-QUẢN HIỆP-THIÊN-ĐÀI
1- Đức Chí-Tôn ban cho thi tức là ban quyền-hành
Đạo-Sử Xây Bàn của Bà Hương-Hiếu chép rằng:
“Nhớ lại hồi hạ tuần tháng 7 năm Ất-Sửu (1925) ba ông thỉnh bàn ra (lúc này hơi in như say Đạo) tính xây bàn cầu cô Quế về dạy thi văn, ba ông để tay thì bàn dở hổng lên có một ông giáng, tôi hỏi tên gì? Thật rất lạ-lùng xưng là AĂÂ, gõ bàn làm một bài thi như dưới đây:
THI
“Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
“Muối mặn ba năm muối mặn dai.
“Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
“Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.”
Ông Phạm-Công-Tắc nghe dứt câu liền nói với Ông Cư:
Thôi Anh! Ai đâu mà nói tiếng gì khó nghe quá. Sao lại không có tên mà xưng là AĂÂ.
Ông Cư nói với ông Phạm-Công-Tắc:
- Ậy, Em ngồi lại cho Qua hỏi, vị này không phải tầm-thường đâu Em!
Ông Cư hỏi:
- Ông AĂÂ mấy chục tuổi?
Ông AĂÂ gõ bàn, đếm hoài không ngừng, đếm đến mấy trăm cái mà cũng không thôi. Liền đó ông Cư ngưng lại không dám hỏi nữa và kiếm hiểu ông này ở trển chắc lớn lắm.
Từ đó về sau có vị nào giáng cho thi thì cầu ông AĂÂ xin giải-nghĩa.” (Đạo-Sử Xây Bàn)
Quả thật dự đoán của Ông Cư không lầm, vì sau đó, chính Đức Thượng-Đế cũng xác-nhận:
“Muôn kiếp có TA nắm chủ-quyền,
“Vui lòng tu-niệm hưởng ân thiên,
“Đạo-mầu rưới khắp nơi trần-thế,
“Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.”
Về sau, chính Ông là Hộ-Pháp Giáo-chủ Đạo Cao-Đài (thế danh là Phạm-Công-Tắc) trong bài thuyết-đạo 30-9 Đinh-Hợi Ông kể lại rằng:
“Hai chữ Quốc-Đạo lần đầu Chí-Tôn viết ra làm cho Bần-Đạo mờ-mịt, cũng vì hai chữ Quốc-Đạo ấy mà Phạm-Công-Tắc chết năm 35 tuổi, thí thân theo đuổi làm cho ra thiệt tướng.
Ôi, hai chữ Quốc-Đạo là một vật của Bần-Đạo tìm-tàng rồi mới biết khôn, khởi điểm biết thương nòi giống, biết thương Tổ-quốc, đeo-đuổi mất còn với cái muốn khát-khao từ buổi thanh xuân đó vậy. Tự biết khôn dĩ chí gặp Đạo năm 35 tuổi, Bần-Đạo thấy sao mà phải khát-khao thèm lạt, tại làm sao Chí-Tôn biết thiếu-thốn nơi tinh-thần điều ấy mà cho Bần-Đạo? Bần-Đạo ban sơ nghi-hoặc, có lẽ Đấng có quyền-năng thiêng-liêng biết tâm-lý đang nồng-nàn ao-ước, đương thèm lạt khao-khát, đương tìm-tàng mà đem ra cám dỗ.
Hại thay! Yếu-ớt đức-tin, ngày nay Bần-Đạo ăn năn quá lẽ, 15 năm đã đặng thấy gì? Cả thiên-hạ nói rằng nòi giống Việt-Nam không có Đạo. Lạ-lùng thay, chúng ta tự hỏi có thật vậy chăng?
- Thật quả có chứ! Có nhiều Đạo quá mà thành ra không Đạo, mượn Đạo, xin Đạo của thiên-hạ mà thôi.” (ĐHP 30-9-Đinh-Hợi)
Bởi:
“Cái Tôn-chỉ của Đại-Đạo đã biểu-lộ rõ ràng: Đạo có bí-quyết đắc Đạo. Chẳng phải do một mặt yếm thế: đã tịnh-dưỡng tinh-thần mà phải lịch-lãm phần nhơn-sự siêu-phàm bạt chúng rồi lấy đạo-đức mà cứu nhơn-quần xã-hội, phải tùng sở hữu của chúng-sanh mà lập phương phổ hóa thì cái công tu-luyện kia mới có bổ-ích cho.”
2- Vấn-đề chủ quyền
“Ngày nay chúng ta thấy toàn cả mặt địa cầu này xu-hướng theo dân-chủ. Dân-chủ là gì?
Là đại đa số dân-chúng tổng hợp lại nắm Chủ quyền, mà ảnh-hưởng cũng do đại-đa-số cầm vận mạng nơi mặt địa-cầu này.
Hại thay, có nhiều hạng người không đủ tinh-thần, học thức hay không đủ tâm đức cầm sanh mạng nhơn-loại, thảo nào ta thường thấy phương tranh-đấu ai mạnh là hơn, làm Chúa thiên-hạ với phương xảo-mị, không phải là làm Chúa loài người với phương-pháp tối cố. Nhơn-loại đã để lại cái giống loạn, cả tinh-thần toàn thể nơi mặt địa-cầu này đều loạn chỉ vì không có quyền vi chủ.
Vì cớ cho nên vận-mạng nước nhà không có chủ-quyền đặc-biệt; không quyền vi chủ tức nhiên phải loạn. Có loạn đương nhiên bây giờ họ mới biết, họ tự hiểu có quyền vi chủ ấy mới cầm vững quốc-vận; thì quyền vi chủ họ đã đập tan nát hết rồi. Bây giờ họ tìm tàng phương thế đào-tạo Chủ quyền ấy mới ra tấn tuồng ngày nay, chúng ta ngó thấy nhơn-loại đương mong chiếm-đoạt quyền ấy đặng bảo-tồn vận-mạng cho nước được tồn-tại.
Bây giờ nhơn-loại đương chạy kiếm Chủ quyền. Chủ quyền ấy dù nó thế nào, nó cũng không thể tồn tại. Vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn đến, Ngài nói: phương-pháp tạo quyền của nhơn-loại không thế gì bền vững được. Ta coi các nguời đập tan-tành hết. Ta đến cho lại, Ta chỉ đường cho.
Đường của Chí-Tôn chỉ là con đường Pháp-Chánh vậy.
Ngày giờ nào trên mặt địa-cầu này, quốc gia xã hội nhơn-quần biết tìm Chủ-quyền đặc-sắc vĩnh-cửu, công-chánh tức phải đồ theo Pháp-Chánh của Đạo Cao-Đài, tạo hình tướng Thánh-thể quốc-gia có lẽ ngày giờ đó thiên-hạ mới thấy, Chủ quyền Đạo Cao-Đài định thật quyền cho quốc-gia và cho toàn nhân-loại.
Bần-Đạo nói Pháp-Chánh có năng-lực đào tạo quyền-hành cho nhân-loại. Khá sửa lại, chỉnh đốn lại, ít nữa muốn đoạt cho được món báu ấy, nhơn-loại phải tự-tỉnh, định vi chủ trước lấy mình, dầu cho cá-nhân, quyền sở-hữu tự-chủ của họ cũng do nơi đạo-đức tạo thành đó vậy.
Ấy vậy, ngày giờ nào nhơn-loại trở lại con đường đạo-đức đặng giải-kiết, gầy dựng phương-pháp sống, mới sống vinh-quang, sống ôn-tồn hạnh-phúc; ngày giờ nào diệt tiêu được quả kiếp hung-tàn, trở lại con đường đạo-đức, ngày giờ ấy quốc-gia mới yên-ổn, ngày giờ ấy thiên-hạ mới hưởng hồng-ân đặc-biệt của Đức Chí-Tôn ban cho”
Kiếm Chủ quyền ở đâu?
“Ông Vua làm chúa quốc-dân về phần xác nơi mặt địa-cầu này, làm Chúa một nước mà thôi. Về phần xác tức nhiên về phần Đời, chớ họ không có quyền làm Chúa về phần hồn.
Làm Chúa về phần hồn duy có Đức Chí-Tôn mà thôi!
Ngày giờ này Bần-Đạo đứng tại đây xin thú thật với con cái của Ngài; Người thay thế về phần xác của Ngài là Hội-Thánh, Hội-Thánh là phần xác Đức Chí-Tôn tại thế này đó vậy.
Bần-Đạo dám tự xưng là Giáo-chủ, vị Giáo chủ tức nhiên người thay thế hình ảnh cho Đức Chí-Tôn đặng làm Chúa phần hồn toàn mặt địa cầu này, nhưng Bần-Đạo chỉ biết làm phận-sự, làm tôi con Đức Chí-Tôn thay thế hình ảnh của Ngài đặng làm Bạn, làm Anh em với con cái của Ngài nơi mặt địa-cầu này mà thôi chớ chưa hề biết làm Chủ. Cả Hội-Thánh cũng vậy, chỉ làm Bạn, làm Anh em dìu-dắt con cái của Ngài về phần hồn đặng đoạt cơ giải-thoát mà thôi.
3- Làm thế nào để biết một Tôn-giáo là Chánh-giáo?
Muốn quan-sát một Tôn-giáo nào được gọi là Chánh-giáo thì Tôn-giáo đó phải đủ yếu-điểm tạo nên người Chủ của nó đặng dìu-đỡ các phần tử của Đạo ấy: đủ hạnh-kiểm, đủ quyền-năng, phải cao-thượng hơn sự thường tình; đi cho vững trên Con Đường Hằng Sống mới xứng đáng là Chủ của đại-gia-đình càn-khôn vũ-trụ. Nếu cả phương-pháp không mực thước quyền-hành để đoạt đến địa-vị Chúa một Tôn-giáo thì không phải là một Chánh-đạo.
Ta đã thấy gì? Đạo Cao-Đài có không?
Ta suy xét coi: - Có hẳn!
Nếu con đường ấy kẻ nào cố-gắng thì nên người làm Chúa. Nền Tôn-giáo của Chí-Tôn đã tạo sẵn có mực thước, chuẩn-thằng, phép-tắc, để cho người ấy lập nên địa-vị”.
Triết-lý của một nền Tôn-giáo: cả nhân-loại đến học làm Chúa, làm Chủ toàn cả gia-đình:
- Được làm Chủ của một tiểu gia-đình, tức là một tông-tộc, là một vị Hiền tại thế rồi.
- Được làm Chủ một trung gia-đình là quốc gia, là một vị Thánh-nhơn.
- Được làm Chủ một số quốc-gia hiệp lại như Hiệp-Chủng-quốc tại Mỹ-châu như Washington, Lafayette chẳng hạn là một vị Tiên.
- Được làm Chủ tới đại-gia-đình tức nhiên làm Chủ cả toàn tâm-lý thiên-hạ, một nền Tôn-giáo là một vị Phật.
Thể-pháp của Đạo Cao-Đài có khuôn-khổ tập cho nhơn-loại đi đến mục-đích trong Luật-pháp của một nền Chánh-giáo”.
Hôm nay Đạo Cao-Đài được biết:
“Thầy là Chúa-tể cả càn-khôn thế-giái, tức là chủ-tể sự vô-vi, nghĩa là Chủ-quyền của Đạo, mà hễ Chủ quyền của Đạo ngự nơi nào thì là Đạo ở nơi ấy.”
Trong nền Đạo của Đức Chí-Tôn nếu ngày giờ nào con cái của Ngài biết:
- Lấy hiếu đối với Ngài,
- Nuôi nhơn-loại về tinh-thần và vật-chất đó là cơ-quan đoạt Đạo.
Nghĩa là chúng ta cho vay mà không thiếu ấy là ta tự giải-thoát.
Thử hỏi bí-pháp Đạo Cao-Đài có như vậy chăng? - Có chứ!
Kìa cái Cửu-Trùng-Thiên Chí-Tôn đem phô bày nơi mặt thế này đối với Cửu-Phẩm Thần-Tiên không còn ai chối đặng, ai đi trọn thì được giải-thoát.
- Đạo là trường học đoạt Đại-gia-đình,
- Đạo là trường thi lập vị.
Tôn-giáo nào không đoạt được Cửu-Phẩm Thần-Tiên dưới thế này thì trên Cửu-Thiên Khai-Hóa không hề đoạt vị được. Ấy vậy về mặt bí-pháp Đạo Cao-Đài rõ-ràng là một nền Chánh-giáo của Đức Chí-Tôn.
Thế nên:
“Mong làm người cho xứng-đáng là người trong gia-đình là khó-khăn lắm, mà hễ làm người để dìu-đỡ được gia-đình tức là Chúa gia-đình đó.
Mình làm người mà nâng-đỡ được quốc vận là Chúa của quốc-gia,
Giờ ta thử hỏi một nền Tôn-giáo đem tâm lý loài người hiệp một lại là một điều đứng trên cái mức Đại-gia-đình đó.
Làm người Chủ xứng-đáng của gia-đình đã là khó,
Làm người Chủ của quốc-gia lại càng khó,
Rồi làm người Chủ xứng-đáng của một nền Tôn-giáo không phải dễ,
Hễ làm Chủ được xứng-đáng thì đối với nhân quả ta chỉ có nhân mà không còn quả nữa”.
“Người đã đem thân này ra làm Chúa gia đình, không còn là mình nữa mà là bực Tiền-bối.
Người đáng là Chủ của một nước là bậc Thánh Nhân.
Người đáng là người Chủ một Tôn-giáo ấy là một vị Phật”
“Chí-Tôn sanh-chúng ta là người, cho chúng ta nhứt điểm linh-quang tạo hình ảnh mỗi cá-nhân. Ngài định phận-sự tối trọng-yếu của Ngài và cầu chúng ta thật-hành cho ra thiệt tướng, nghĩa là làm thế nào đặng làm Chúa vạn-vật hữu vi cho Ngài.
Trong chương-trình có phương-pháp hành vi, tức nhiên Luật-pháp của Đức Chí-Tôn muốn buộc loài người đoạt đức làm Chúa vạn-vật, định phép Thiên điều:
- Thiên-điều là Luật.
- Còn Pháp là quyền-năng thưởng phạt nhơn quả.
Nhơn-quả cũng thế, ngày giờ nào ta chẳng còn là ta, mà còn trong gia-tộc ta.
Ngày giờ nào ta chẳng còn là ta, mà sống cho nhơn-loại, ngày ấy là ngày giải-thoát.”
B- Luận Đạo
Luận về quyền-hành HỘ-PHÁP
1- Càn-khôn biến tướng
Như trên đã nói: Dịch là biến, biến đến thiên hình vạn trạng, thiên biến vạn hóa. Như Đức Chí-Tôn đã dạy “Tứ-tượng biến Bát-quái, Bát-quái biến-hóa vô cùng mới thành Càn-Khôn Thế-Giới” Sự biến-hóa này cũng khởi điểm từ đây.
Như vậy bây giờ trở lại bài thơ trên:
Ớt cay, cay ớt, gẫm mà cay,
Muối mặn ba năm muối mặn dai.
Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
Ăn bòn chẳng đặng tấp theo ai.
Chính con số “ba năm” trong câu “muối mặn ba năm muối mặn dai” đã cho thấy rằng Đức Hộ-Pháp khởi khai Đại-Đạo lúc Ngài 35 tuổi và đồng thời quãng đời Ngài phụng-sự cho Đức Chí-Tôn là 35 năm, như Đức Chí-Tôn đã tiên đoán.
Thánh-nhân nói: “Dị giản nhi đắc thiên-lý”.
Thật vậy, những việc càng giản-dị chừng nào càng đi vào Đạo của trời đất, vào lẽ tự-nhiên của vũ-trụ hơn hết.
Bài thơ trên, lần đầu tiên Đức Chí-Tôn cho Ông Phạm-Công-Tắc dường như ông không được đắc ý, tỏ vẻ khó chịu “Ai đâu mà nói tiếng gì khó nghe quá, sao lại không có tên mà xưng là AĂ”.
Tôi đọc mãi không tìm ra lý, nhưng nghĩ rằng chắc không đơn-giản, mà lời lẽ càng đơn sơ càng thấy bí-hiểm quá! Hầu như Đấng ấy “đang giỡn” để trêu ghẹo... bấy giờ tôi mới thấy là ông Trời! Nhân đọc bài Thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp nói về việc giải ách nô-lệ cho dân-tộc Việt-Nam “dễ như ăn ớt”. Hình ảnh “Ớt cay muối mặn” mới thấm-thía làm sao!
Về tính lý của “Ớt cay” thuộc dương tính. về “Muối mặn” thuộc âm tính.
Trong câu thơ đầu tiên “Ớt cay, cay ớt, gẫm mà cay” có đến ba chữ “cay” tức nhiên tượng trưng ba hào dương ☰ ấy là quẻ Càn, Càn vi thiên (Càn là trời).
Câu thứ nhì “Muối mặn ba năm muối mặn dai”.Có đến hai lần chữ “mặn” như vậy là đã đến lúc khai thông lý Âm Dương, tam-thiên lưỡng-địa, nghĩa là trời 3 đất 2. Tưc nhiên quẻ Càn ☰ có 3 hào dương (3 vạch), quẻ Khôn ☷ có 3 hào âm, nhưng có 6 vạch, gấp 2 lần quẻ Càn, mới gọi là trời 3 đất 2 là như vậy nên nói Khôn vi địa (địa là đất).
Bấy giờ vẫn là hai quẻ Càn Khôn làm đầu mối của vạn-vật, vạn loại. Như khởi đầu chúng ta đã có đề cập đến đó là sự biến-hóa của Dịch vậy. Mà khi đã biến thì thiên hình vạn trạng. Đấy cũng là hình ảnh Tam âm, Tam dương.
* Nếu đặt thành quẻ kép thì hoặc là Thiên Địa Bĩ hoặc là Địa Thiên Thái như trên đã nói (xem quyền-hành của Đức Quyền Giáo-Tông phần I chương IV)
2- Chữ ĐIỀN trong Bát-quái
* Nếu đặt thành chữ thì ghép hai quẻ này lại thành ra chữ ĐIỀN 田 Điền là ruộng. Là cái Tâm điền ấy là ruộng tâm. Hình ảnh chữ điền nếu phân tích ra sẽ thấy:
Có 4 chữ nhựt 日 nằm ngang dọc (nhựt nhựt tung hoành nhựt)
Có 4 chữ Sơn 山 xoay quanh (Sơn sơn điên-đảo sơn)
Có 2 chữ vương 王 đặt xuôi ngược (lưỡng vương tranh nhứt quốc)
Có 4 chữ khẩu 口 họp lại chính giữa (tứ khẩu tại trung-gian).
Trong sám Trạng-Trình có câu: “Phá điền Thiên-tử giáng trần” hoặc “Phá điền Thiên-tử xuất, Bất chiến tự nhiên thành”.
Đặc-biệt nhất là hai chữ Vương nằm theo chiều xuôi ngược trong một cái khung đó là hình ảnh “hai vua mà tranh một nước”. Trong con người có hai vua ấy tức nhiên một vua tinh-thần và một vua vật-chất đang tranh-đấu nhau để giành quyền thắng lợi. Vậy thử hỏi nếu vua tinh-thần thắng tức là ta đang hướng về con đường đạo-đức, thì người phải năng trau-giồi cho đến độ tận thiện tận mỹ, hòng giục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống mà trở về với đại-ngã tức là về với Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế.
Cho nên người TU là tự mình tập làm chủ lấy mình, nghĩa là đặt vị-trí chữ Vương cho đúng chỗ.
Bởi trong chữ Vương 王 có tàng ẩn chữ ngọc 玉 nếu một cái chấm của nét chủ 丶ấy xuất ra ngoài thì thành chữ Chúa 主 nhập vào trong thành ra chữ Vương. Có câu “Ngọc tàng nhứt điểm, xuất vi Chúa nhập vi Vương” là vậy.
Tại sao người phải tu để đạt cho được cái “tâm Điền” ấy?
Đó là lý cớ vì sao phải tu-hành. Tu-hành chính là phương-pháp sửa đổi tâm-tánh để mình làm CHỦ được chính mình; khi đã tự mình làm chủ được mình rồi thì cũng làm chủ được vũ-trụ. Phật Thích-Ca nói “Thắng một vạn quân không bằng tự thắng lấy mình”.
Do vậy mà Đức Hộ-Pháp khi nhận được bài thơ trên lần đầu hẳn là Đức Thượng-Đế đã ngầm giao cho sứ-mệnh mở Đạo Trời, mà mối Đạo này có “Bí-quyết đắc Đạo”. Thờ chữ CHỦ.
Nhưng bản tính của con người như “ngựa không cương” dễ buông lung, nhà Phật nói là “tâm viên ý mã”, tức nhiên cái tâm của người như con vượn, cái ý của người như con ngựa, cho nên rất dễ phân tâm, nhà Phật phải dùng phép để “cột” nó lại nên có bức tranh “thập mục ngưu đồ”. Mười bức tranh vẽ trâu. Số 10 ý nói là Bát-quái Hậu-thiên đó vậy.
Đạo Cao-Đài, Bà Thanh-Tâm Tài-Nữ nói lý-do về việc tu sửa “Tâm điền” ấy như vầy:
“Đạo mở rộng, giống Đạo gieo đã tới hai thu, mà người thiệt vì Đạo chẳng có bao nhiêu, thế nên hồi chưa mở rộng nền Đạo, Đức Thích-Ca dòm vào thế cuộc mà than rằng:
“Lộ vô nhơn hành, điền vô nhơn canh,
“Đạo vô nhơn thức, ta hồ tận chúng-sanh”
Ba Anh có hiểu chăng? Sao gọi là “Lộ vô nhơn hành”?…
Đường có người đi nhiều mà không ai là người phải, đường đi dập-dìu thiên-hạ mà toàn là ma hồn quỉ xác, tâm giả dối, hạnh hung-bạo, mật chứa đầy tà-khí thế nào gọi là người?
Còn “Điền vô nhơn canh” là sao?
Ruộng đây, là tỷ với tâm, tâm không ai giồi trau. Đạo nơi tâm thì tâm ví như điền, có điền mà chẳng có cày bừa, đặng đem hột lúa gieo vào, cho đặng trổ bông đơm hột, thì ruộng tất phải bỏ hoang; bỏ hoang thì sâu bọ rắn rít xen vào ẩn trú; người mà có tâm như vậy ra thế nào? Ruộng sẵn, giống sẵn, cày bừa sẵn, duy có ra công làm cho đất phì-nhiêu đặng cho buổi gặt hưởng nhờ, mà không chịu làm, thế thì phải diệt tận chơn-linh. Hai câu sau là kết cuộc.” (TNII/53)
Thế nên với hai quẻ CÀN KHÔN đã biến tướng qua nhiều hình-thức:
3- Hai quẻ âm dương tạo thành một hình
Với 3 nét của quẻ Càn ☰ ta xếp các cạnh liền nhau sẽ thành một hình tam-giác đều, đỉnh quay lên, còn lại với 3 nét đứt của quẻ khôn ☷ nếu đặt liền nhau cũng sẽ tạo thành một tam-giác đều có 3 cạnh bằng nhau và 3 góc bằng nhau; đặt chồng lên tam-giác kia, đỉnh quay xuống dưới. Như vậy ta có được hình ngôi sao sáu cánh. Cả hai tam-giác này đều nội-tiếp trong vòng tròn. Tâm 0 của vòng tròn chính là tâm của tam-giác là nơi hiệp các giao-điểm của ba đường phân-giác, cũng là trung-đoạn hay trung tuyến của các tam-giác trên. Đây chính là ngã ba chờ Thầy! Có nghĩa là trên đường Đạo nếu không biết hướng đi tới thì hãy đứng ở ngã ba chờ Thầy. Chính là đây!
Từ một quẻ Càn hay quẻ một quẻ Khôn đã làm nên một Tam-giác đều, ấy là một sanh ba, mà ba cũng là một, đó cũng là lý: Một sanh ba, ba sanh vạn-vật, thuộc về cơ-quan Chưởng-quản. Rồi đến hai hình tam-giác gát chồng lên nhau là chỉ Âm Dương hiệp nhứt.
Quyền Chí-linh đối phẩm với quyền Vạn-linh. Chí-linh là cơ qui nhứt, Vạn-linh là cơ tấn hóa; nên Chí-linh đầu nhọn quay lên, mà Vạn-linh đầu nhọn quay về phía dưới. Chí-linh và Vạn-linh vốn đồng quyền nhau. Bấy giờ vòng tròn chính là càn-khôn vũ-trụ, tâm 0 là chỉ một quyền-uy tối thượng là Hộ-Pháp chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài
4- Huy-hiệu của Hộ-Pháp ngôi sao sáu cánh
Do vậy, mà khi Đức Hộ-Pháp còn sanh tiền Ngài có cho làm một huy-hiệu hình sao sáu cánh sơn màu vàng, giữa có ba sọc đỏ, chính giữa ngôi sao có ảnh Đức Ngài đầu đội mão trắng, hình bán diện, phía trên bức hình có 4 chữ đặt theo hình vòng cung “Đảng phái thống nhứt”, phía dưới bức hình có 5 chữ cũng đặt theo hình vòng cung nghịch lại “Giáo-chủ Phạm-Công-Tắc” (xem hình trên đây).
Chung quanh các cánh ngôi sao đều có đặt vào đó một chữ Nho, nghịch chiều với kim đồng hồ, khởi ở cánh sao trên, phía bên phải (nhìn đối diện) là các chữ:
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ 大 道 三 期 普 渡
Ý-nghĩa hình sao sáu cánh là nói lên lý tam âm tam dương tạo thành càn-khôn vũ-trụ. Sáu chữ là danh-hiệu của nền Tân Tôn-giáo này mà Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế làm Chúa tể.
Màu vàng chính là Tôn-chỉ của nền Đại-Đạo là Phật-giáo chấn-hưng.
Ba sọc đỏ là Tam-giáo qui-nguyên (Phật, Tiên, Thánh), nếu nhìn theo nghĩa hẹp là Nam, Trung, Bắc Việt-Nam hòa-hiệp, theo Thánh-ý của Chí-Tôn là:
“Nam Bắc cùng rồi ra ngoại-quốc,
“ Chủ-quyền Chơn đạo một mình TA.”
Ảnh bán diện của Đức Hộ-Pháp là chứng-tỏ qưyền-uy tối-thượng của Ngài là “thay trời tạo thế” nhưng chỉ có nửa quyền mà thôi, bởi Ngài chỉ là Giáo chủ về phần hữu-hình, còn phần vô-vi thì do Thượng-Đế, cho nên chữ Đạo 道 (12 nét) đặt trên đỉnh, chính giữa của ngôi sao, hai bên chữ Đạo là chữ Tam 三 3 nét và chữ Đại 大 3 nét, chứng tỏ lý tam âm tam dương mà tạo nên hình tướng. Còn lại ba chữ Kỳ 期 (12 nét), tiếp theo là chữ Phổ 普 (12 nét), chữ độ 渡 (12 nét); cộng chung là 36 nét (12x3=36). Ấy chỉ ba mươi sáu từng trời. Kinh có nói:
“Ba mươi sáu cõi Thiên-tào,
“Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc-Hư.”
Sở-dĩ các chữ Nho đặt nghịch chiều kim đồng hồ là nói lên sự phản bổn hoàn nguyên, tức là Đạo, là trở về nguồn, bởi Thầy có dạy “Tu hành vẫn trái với thế tục, mà trái với thế tục mới đặng gần ánh thiêng-liêng”.
Xưa Phật chỉ độ về phần hồn chớ không độ về phần xác, độ Nam chớ không độ Nữ, độ tử mà không độ sanh, cho nên câu niệm “Lục tự Di-Đà” chỉ có sáu chữ mà thôi; đó là “Nam-mô A-Di-Đà Phật”.
Ngày nay Đức Chí-Tôn đến tận-độ chúng-sanh qui-nguyên-vị nên câu niệm có đến 12 chữ, đó là “Nam-mô Cao-Đài Tiên ông Đại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát” cho nên tượng-trưng bằng chữ Đạo 道 có 12 nét là vậy (là gồm đủ 6 âm và 6 dương).
Lạy Thầy cũng lạy 12 (ba lạy, mỗi lạy 4 gật). Bởi: “Thập-Nhị Khai-Thiên là Thầy, Chúa của càn-khôn thế giái, nắm trọn Thập-Nhị Thời-Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy”.
Nhìn chung vào tấm huy-hiệu này có 7 điểm (6 cánh + 1 tâm) mà điểm giữa là hình ảnh của Hộ-Pháp ngự trị. Số 7 chỉ về người, ứng với số của trời là 1. Trước đây đã nói Giáo-Tông cũng đứng chủ trung con số 7 ấy là cơ hiển tức cơ âm, giờ này Hộ-Pháp cũng nắm con số 7 là cơ ẩn, ấy là cơ dương. Trên tấm huy hiệu còn có 4 chữ “đảng phái thống nhứt” ngoài ý-nghĩa là một nền Tôn-giáo Đại-đồng ra, thì con số 4 là chỉ tứ âm tứ dương, để hiệp vào các con số tam ở trên mới tạo thành Bát-quái, mà 5 chữ “Giáo-chủ Phạm-Công-Tắc” vừa xác-định ngôi vị của Ngài trong nền Đại-Đạo, mà con số 5 cũng để xác-định là con số “ngũ trung” của Bát-quái nữa.
5- Hộ-Pháp làm chủ Bát-quái Đồ-thiên
Tam âm tam dương và tứ âm tứ dương hiệp lại sẽ thành Bát-quái Đồ-thiên, Hộ-Pháp vi chủ. Cũng như Giáo-Tông làm chủ Bát-quái về hữu-hình, thì Hộ-Pháp làm chủ Bát-quái về vô-vi vậy. Âm dương không xa lìa nhau. Khi nào Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một là quyền Chí-Tôn tại thế.
Tức nhiên ngày nay Đạo Cao-Đài dùng Bát-quái Đồ-thiên là hình ảnh của Bát-quái Hậu-thiên lật ngược lại, đồng thời xoay ngang qua, biến trục Nam Bắc thành Tây Đông, y như hướng của Đền-Thánh Toà-Thánh Tây-Ninh hiện giờ.
Quả thật bài thơ trên cũng như huy-hiệu ngôi sao sáu cánh đã vẽ nên trách-nhiệm và quyền-hành của Hộ-Pháp mà Chí-Tôn đã giao phó lập thành Quốc Đạo chính là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đó vậy.
Hai câu thơ sau cùng:
“Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
“Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai”
Trong hai câu này là ám chỉ về số không như “túng lúi” là không tiền (0), “ăn bòn” (0) cũng là chỉ không tiền, “chẳng chịu tấp theo ai” (0) cũng nói lên sự không nữa. Như vậy có cả thảy là ba con số 0 (không). Nếu viết ba con số 000 rồi đặt số 3 ở phía trước thành ra 3.000 (ba ngàn) ấy là chỉ về công-quả của người tu theo Đạo Cao-Đài ngày nay là phải lập cho được “ba ngàn công quả”. Ấy là:
- Chí nhân vô kỷ (0).
- Thần nhân vô công (0).
- Thánh-nhân vô danh (0)
Một người tu dù ở bậc phẩm nào cũng phải thể hiện cho được “ba ngàn công quả”. Ấy là phương-châm hành-đạo của người tu mà Đức Chí-Tôn đã ân-cần dặn bảo; tức nhiên người tu phải biết quên mình mà lo cho người, chẳng ham công, chẳng mến danh, ấy là hạnh đức của người tu theo Tôn-chỉ của Đạo Cao-Đài là phụng-sự.
6- Quyền-hành của HỘ-PHÁP
“Hộ-Pháp thì lo giữ luật-lệ của Đạo cho khỏi sái Thiên-điều, vì luật-lệ của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ ngày nay thì thế cho Thiên-điều.
“Hộ-Pháp có quyền đặc biệt về ân-xá cũng như Giáo-Tông có quyền về Chánh-trị vậy”.
“Hộ-Pháp chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài có Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Thập-Nhị Thời-Quân giúp sức. Hễ Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một là quyền Chí-Tôn tại thế. Lại nữa Hộ-Pháp còn là Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình Đài tức là Hiệp-Thiên và Cửu-Trùng nên mới được gọi là Giáo-chủ, nhưng chỉ đứng về phương-diện hữu-hình mà thôi.
Những lời luận bàn trên đều đúng vào cuộc đời hành-đạo của Đức Hộ-Pháp. Hầu như số định của mỗi người đều được thiêng-liêng ấn định, cho nên con số 7 của sao sáu cánh đã điểm đúng vào bức ảnh bán diện của Ngài, định cho cuộc đời của Ngài là 70 tuổi, bởi số 7 hiệp với tâm 0 là trở về vô-vi, thành ra con số 70. Đức Ngài có nói trong bài thài cúng tế Đức Ngài, có câu:
“Nào hay vạn sự do Thiên-định,
“Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi.
“Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
“Buồn nhìn cội Đạo luống chơi-vơi…”
Đức Hộ-Pháp cũng như Đức Quyền Giáo-Tông đều nắm trọn hai Bát-quái vào tay, nhưng Giáo-Tông hữu-hình, còn Hộ-Pháp thì vô-vi cho nên bài thơ Đức Chí-Tôn ban cho có câu “Muối mặn ba năm muối mặn dai”, nếu lấy (3+5=8). Tám là chỉ Bát-quái, mà chữ “dai” chứng tỏ sự kéo dài, tức là nhiều hơn số 1, vậy là số 2. Hai lần Bát-quái ấy là Bát-quái Đồ-thiên và Bát-quái Hư-vô chỉ riêng Đạo Cao-Đài mới có.
Quả thật Chí-Tôn đã “chọn mặt gởi vàng” đúng đối tượng, bởi Ngài lúc nào cũng tha-thiết với sứ mạng của mình, rằng:
“May một điều là Tôi còn thiếu với Đức Chí-Tôn Tôi xin đầu kiếp, thiếu hay không mà kiếp này Tôi là tên dân nô-lệ cho nước Việt-Nam, đã chịu thống-khổ tâm-hồn lẫn hình-thể trên 35 năm.
“Tôi không xin, không biết tại sao Tôi đầu kiếp xuống dân Việt-Nam, Tôi cảm-kích vô hạn: nào chịu khổ, nào chịu bạc-nhược và yếu-hèn, tại thấy nhơn-loại đau-đớn Chí-Tôn mới đến mở một nền Tôn-giáo, làm một khối sanh-quang cho toàn nhơn-loại đó là cái danh-dự của nước Việt-Nam đã chịu khổ.
“Vì cái tình Chí-Tôn đối với dân-tộc Việt-Nam nên Tôi thí thân phải chết mới đền bồi xứng đáng”.
Đức Hộ-Pháp vừa lo cho Cơ-quan Cửu-Trùng-Đài lại vừa lo cho Hiệp-Thiên-Đài, Ngài cũng có lời than:
“Hại thay! Chớ phải chi hai lẽ thiện và ác ấy cả Thánh-thể của Ngài đi một lối mà thôi, nói đơn giản: thà là làm thầy chùa thì thầy chùa, thầy pháp là thầy pháp; Đạo thời Đạo đi cho triệt để, hay Đời cho triệt-để đi.
Khổ não thay! Thánh-thể Đức Chí-Tôn vì lãnh nơi mạng lịnh của Ngài, đến làm tôi con của Ngài cho toàn vẹn nơi thế gian của Ngài. Hỏi vậy chớ Đại-Từ-Phụ đã giao cho ta có phải giao Thánh hay là giao phàm? Nếu ta lấy theo sự suy gẫm của ta, ta phải nhìn rằng Đại-Từ-Phụ đã giao cho ta phàm nhiều hơn Thánh, lẽ dĩ-nhiên trước mắt ta đã ngó thấy.
“Tự thuở nay con người dầu sức mạnh-mẽ thế nào gánh một vai mà thôi, Đại-Từ-Phụ lại buộc cả Thánh-thể của Ngài phải gánh hai vai Đời và Đạo. Cái kiểu vở hai Tôn-giáo trước mắt ta, ta ngó thấy:
- Phật-giáo thì nghiêng cái gánh bên Đạo,
- Công-giáo lại nghiêng cái gánh bên Đời.
Đời, Đạo; phàm Thánh. Đức Chí-Tôn đến lập Thánh-thể của Ngài, Ngài biểu phải đứng ngay chính giữa của nó. Luận ra cho cùng lý, thì Hội-Thánh của Ngài buộc không Đời mà cũng không Đạo, ở giữa cái mức trung-tâm của Đời và Đạo”.
Một lần nữa, Đức Hộ-Pháp xác nhận:
“Bần-Đạo nhớ lại hồi buổi ban sơ mới khai Đạo, thật ra Bần-Đạo không có đức-tin gì hết, không có đức-tin đến nước Đại-Từ-Phụ tức cười. Ngài đến nhà Bần-Đạo năm Sửu dạy cả mấy Anh lớn ngày nay là Chức-sắc của Đạo, đi đến mọi nhà. Thật ra Đức Chí-Tôn đến thăm, đến viếng mọi con cái của Ngài.
“Bần-Đạo không đức-tin gì hết, nghe nói Tiên giáng, đi theo nghe thi chơi, làm cho Đại-Từ-Phụ phải tức cười. Ngài cho bài thi ai nấy cũng tốt, duy có bài thi của Bần-Đạo di-hợm như vầy:
THI
Ngao-ngán không phân lẽ thiệt không,
Thấy thằng áp-út quá buồn lòng.
Muốn giàu Thầy hứa đem cho của,
Cái của cái công phải trả đồng
Đại-Từ-Phụ còn thêm hai chữ “Nghe con”!
Cho đến bảy tháng, lúc xuống ở Thủ-Đức, năm thiên-hạ bị bịnh chướng, khi không khởi phù mình rồi chết, nhứt là ở tại Thủ-Đức lắm bịnh nhơn quá chừng. Đức Chí-Tôn biểu xuống ở Thủ-Đức cứu bịnh cho họ trong bảy tháng, xuống ở Thánh-Thất của Đạo, nhờ Đức Lý giảng dạy với ngòi bút trọn bảy tháng trường mới biết Đạo. Có cái hay-ho hơn hết là những điều gì Ngài dạy trong Cơ-bút là những sở-hành trong kiếp sanh của Bần-Đạo”.
Qua hai bài thi trên Đức Chí-Tôn giáng ban cho Đức Hộ-Pháp, Người đều không vừa ý và đều cho rằng “dị hợm”. Nghĩ ra cũng “dị-hợm” thiệt! Vì sao?
Vì trọng-trách của Người quá ư to lớn! Thường gánh một gánh đã oằn vai, nhưng bấy giờ Ngài phải gánh hai gánh một mình; bởi:
“Trong buổi kỳ ba phổ-độ, Chí-Tôn giáng cơ tiếp điển mở ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ hiệp đủ Phật, Tiên, Thánh, là kỳ kiết-quả, độ đủ 92 ức nguyên-nhân trở về nguyên-thủy. Sách có câu “Thiên địa tuần-hoàn châu nhi phục thủy, Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt”. Thế nên bí-pháp này đã thể hiện trong cái “bắt ấn Tý”, đó là “Ấn kiết quả”, tức là đã tới thời-kỳ kết-quả, gặt-hái, thu-hoạch.
Ấy là nhiệm-vụ của Hộ-Pháp trong cơ chuyển thế và cứu thế!
Câu thơ 1: Ngao-ngán không phân lẽ thiệt không Hai chữ “ngao-ngán” trong câu thơ đầu tiên có đến hai chữ “không” và nhất là chữ “phân” 分 nó kết hợp bởi bộ đao 刀và chữ bát 八 ý nói dùng con dao cắt ra làm tám mảnh một vật gì; muốn nói đến số 8 là chỉ về Bát-quái. Bát-quái là do hai lần Tứ-tượng họp lại. Mà ở phần Thiên-đạo của Đạo Cao-Đài có đến hai Bát-quái.
Cả câu trên là chỉ sự biến dịch của trời đất, âm dương, cương nhu, ở người là nhân-nghĩa, đi trong vòng lý Tam tài: Thiên, Địa, Nhơn vậy.
Câu 2: “Thấy thằng áp út quá buồn lòng”
Ngón tay “áp út” là chỉ vào ngón trước của ngón út, tức là ngón tay không tên hay còn gọi là “vô danh chỉ” là ngón tay “đeo nhẫn”.
Bởi Đức Hộ-Pháp là con thứ tám trong gia đình, đứng vào hàng áp út, vì sau Ngài còn có một em gái thứ chín đã chết khi còn nhỏ.
Về lý Đạo muốn nói đây là “vô danh thiên địa chi thủy” đúng vào cung Tý là sự khởi điểm. Ngón cái là ngón mẫu “hữu danh vạn-vật chi mẫu”. Khi bắt ấn Tý thì ngón cái ấn vào cung Tý ấy là âm dương hiệp nhứt, đó là ẤN TÝ của Chí-Tôn ban cho nhân-sanh trong kỳ ba Phổ-độ này ấy là ấn kiết quả. Kiết quả là kết trái. Do đó nếu tu thì thành như lời Chí-Tôn đã hứa, chẳng những độ cả toàn cầu nhơn-loại, mà còn độ cả vạn-linh nữa “Bát hồn vận-chuyển hóa thành chúng-sanh”.
Người mà Chí-Tôn sắp giao cho hai cái gánh nặng của Đời và Đạo ấy chính là PHẠM-CÔNG-TẮC trong buổi “Nhơn sanh ư Dần” cũng hiệp với tuổi của Ngài là năm Canh-Dần (5-5 Canh Dần 1890) là ngày và năm sinh của Ngài nữa, đó là đã đi vào cơ Nhị Ngũ. (hai con số 5)
Xem thế thì Ngài đã hiệp đủ ba con số 0 “không” đủ cho Thầy chọn lựa Người để Thầy giao cho “cây cân công-bình thiêng-liêng tạo hóa”. Bởi hai câu thi sau:
“Muốn giàu Thầy hứa đem cho của,
“Cái của cái công phải trả đồng.”
Hình ảnh “cây cân Thiên-bình dưới bàn tay của Thượng-Đế” cho ta thấy: nếu khi cả hai bên cân và vật đồng nhau thì cây kim mới chỉ vào điểm 0. Cũng như hai gánh Đạo và Đời mà Ngài sắp giao cho Ông Phạm-Công-Tắc cũng phải giữ cho tương-đồng thì mới vẹn phận “Đạo Đời tương đắc” vậy.
Hiện tại Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài biểu hiệu bằng “cây cân công-bình” đính trên mão. Vai trò của ông Phạm-Công-Tắc tạo Đạo cứu Đời.
Đức Hộ-Pháp nói:
“Đức Đại-Từ-Phụ với lòng đại-từ đại-bi của Ngài không thể gì nói đặng. Hai mươi mấy năm trường Ngài đến Ngài độ từ đứa, Ngài dụ từ người, đem cả một thể thống thiêng-liêng vô cùng vô tận, quí hóa kia đem đổi lại một tấm yêu-ái của chúng ta đặng làm cơ-quan cứu thế.
Buổi Ngài mới đến, Bần-Đạo thú thật phần nhiều anh em chúng ta buổi nọ không hiểu Đạo là gì, dầu đàn anh của chúng ta có sứ-mạng nơi mình lãnh trách-nhiệm làm Thánh-thể cho Ngài, khi ấy cũng không biết Đạo là gì cả, chỉ nhắm mắt theo Ngài mà thôi; chính Bần-Đạo buổi nọ, Đại-Từ-Phụ xin Bần-Đạo, nói xin lại với một lời yếu thiết:
- “TẮC! dâng cả mảnh thân con đặng Thầy tạo Đạo cứu đời, con có chịu chăng?
Bần-Đạo trả lời với Ngài một cách quả quyết rằng:
Nòi giống con còn nô-lệ, nước nhà còn lệ thuộc, thì làm thế nào con tu cho đặng!
Ngài cười nói:
Nhưng điều ấy các con làm không đặng đâu, để đó cho Thầy.
Tiếng “để đó cho Thầy” Bần-Đạo nhớ lại nói dễ như không không, mà đã hai mươi mấy năm trường rồi đó. Ngài hứa khi Ngài mới đến cùng Cao Thượng-Phẩm và Bần-Đạo cuối năm Tý đó vậy, theo phàm tánh của ta có lẽ buồn, nhưng vì chúng ta sống trong thời-gian, còn Đức Chí-Tôn sống trong không-gian; chúng ta tính từ ngày, tháng, năm; còn Ngài chỉ lấy quyết-định của Ngài làm căn-bản mà thôi. Lời hứa đơn-sơ ấy ngày nay chúng ta đã thấy rằng Ngài không bao giờ thất hứa với chúng ta đó vậy, nếu chúng ta đoán xét kỹ cơ-quan của Ngài đã thi-thố, đã giải ách nô-lệ cho nòi giống Việt-Nam, chúng ta ngó thấy một hành tàng khắc-khe khó nói, thi thố với một cách mà trí óc phàm chúng ta không thể đoán đặng và Bần-Đạo nói rằng không có một tay phàm thi thố đặng; muốn giải ách nô-lệ cho nước Việt-Nam mà dùng quyền phép vô biên của Ngài đào-độn cả vạn quốc hoàn-cầu đặng làm cho sôi-nổi một trường chiến-tranh của toàn thế-giới giục-thúc các nước còn lạc-hậu chiến-đấu lấy cho đặng quyền
sở-hữu của họ, giành cho được độc-lập cho nòi giống và quốc-gia của họ. Quyền sở-hữu ấy là quyền định sống của họ đó vậy.
Nơi cõi Á-đông cả toàn thể nước nào còn lạc-hậu đều đặng giải-thoát, đều chiến-đấu đặng tranh độc-lập và thống nhứt.
Nước nhà nòi giống Việt-nam cũng tấn triển theo khuôn-luật ấy mà định vận-mạng lấy mình, không coi lại sự độc-lập và thống nhứt nước Việt-Nam có nhiều điều khắc-khe mà trí óc phàm này không thế làm đặng nên phải dùng tay của Đức Chí-Tôn, cả con cái của Ngài, Bần-Đạo đứng nơi tòa giảng này không nói thêm, không nói bớt:
- Khó nhứt là nước Việt-Nam,
- Nòi giống Việt-Nam,
- Quốc-gia Việt-Nam.
Đã thiếu Ngài một nợ tình, không biết giá-trị nào nói cho đặng. Thâm tâm của Ngài muốn gieo một nợ tình với quốc-dân, đặng chi? Ta nêu một dấu hỏi (?).
Thêm cho đủ yếu-lý ấy. Bần-Đạo nói sự mơ-ước của Ngài rất đơn-giản, rất nhẹ mà giá-trị không cùng, chỉ muốn quốc-dân Việt-Nam làm Thánh-thể của Ngài, thay thế hình ảnh của Ngài đặng chia khổ cho Ngài, chung hiệp cùng Ngài, hầu nâng-đỡ kẻ khổ, an-ủi tâm-hồn nhơn-loại đang đau-đớn trong buổi cạnh tranh giành sống của họ, của cơ-quan tranh-đấu cho kỳ đặng độc lập, đặng bảo-vệ sự sanh sống của họ, nếu không mực thước chuẩn-thằng định tâm-lý của họ, dầu cho đấu-tranh để lập quyền sống của mình ít nữa phải có Nhơn-đạo đặng giúp mạng sống của người, chớ đừng bảo-vệ mạng sống của mình để chiếm đoạt mạng sống của kẻ khác.
Tấn-tuồng ấy Bần-Đạo chỉ nói là quả kiếp mà thôi. Đức Chí-Tôn Ngài đến lập nền chơn giáo của Ngài cốt-yếu làm thế nào cho họ đừng cướp sống lẫn nhau mà an-ủi với nhau ấy là chí-hướng của Ngài đó vậy”. (ĐHP 8-1 Canh-Dần 1950)
7- Nhìn ra toàn thế-giới, ta thấy gì?
Đấng Thượng-Đế đã sai Hộ-Pháp làm gì?
Đức Hộ-Pháp nói:
“Đời quá ư bạo-tàn, cho nên Đức Chí-Tôn mới giáng trần mở Đạo cho con cái biết: các ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật đều tình nguyện hạ thế cứu đời, xuống bao nhiêu lại càng mất bấy nhiêu. Trong thời-kỳ ấy Bần-Đạo vâng lịnh Đức Chí-Tôn xuống thế mở Đạo, thì Đức Chí-Tôn mới hỏi rằng:
- Con phục lịnh xuống thế mở Đạo, con mở bí-pháp trước hay là mở thể-pháp trước?
Bần-Đạo trả lời:
- Xin mở bí-pháp trước.
Chí-Tôn nói:
- Nếu con mở bí-pháp trước thì phải khổ đa! Đang lúc đời cạnh-tranh tàn bạo, nếu mở bí-pháp trước, cả sự bí-mật huyền-vi của Đạo, Đời thấy rõ xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Đạo phải ra thế nào?
Vì thế nên mở thể-pháp trước, dầu cho đời quá dữ có tranh-giành phá hoại cơ thể hữu-vi hữu-hủy đi nữa thì cũng vô hại, xin miễn mặt bí-pháp còn là Đạo còn.
Bí-pháp là Hiệp-Thiên-Đài giữ.
Thể-pháp là Cửu-Trùng-Đài mở-mang bành trướng về mặt phổ-thông chơn giáo”.

►Xem tiếp CHƯƠNG IV /... Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài