Trước đây chúng ta có nói về hình ảnh tam-giác đều là do sự kết-hợp của ba hào dương quẻ Càn ☰ càn vi thiên, càn là trời. Đó là một sanh ba, ba sanh vạn-vật, thuộc về cơ Chưởng-quản. Hai hình tam-giác ABC và A’B’C’ gát chồng lên nhau chỉ âm dương hiệp nhứt, đạo-pháp nói là quyền chí-linh đối phẩm với quyền vạn-linh.
Chí-linh là cơ qui nhứt, vạn-linh là cơ tấn-hóa.
Thế nên Chí-linh đầu nhọn quay lên mà Vạn-linh đầu nhọn quay về phía dưới. Chí-linh và vạn-linh vốn đồng quyền nhau (Chí-linh là Trời, Vạn-linh là người và cả muôn loài vạn-vật)
Bắt đầu từ A đếm chung quanh cả thảy 12 hình tam-giác đều nhau xoay quanh một vòng tròn tâm 0 lớn, đó là cơ thống nhất vạn-loại mà Thầy là vi-chủ nên nói số 12 là số riêng của Thầy là vậy. Thầy ở giữa nắm pháp qui cơ, vòng tròn tượng-trưng cho càn-khôn vũ-trụ, cả vạn-linh đều chung chịu trong khuôn luật đó.
Sáu hình vòng cung nhỏ AB, BC, CD, DE, EF, FA là sáu nẻo luân-hồi. Các đường AO, BO, CO,... chỉ rằng cơ đoạt Đạo hiệp nhứt chí-linh.
Nếu hết vòng AB’ mà không biết qui cơ hiệp nhứt là phải vòng vòng luân luân chuyển chuyển mãi, tức là còn trong vòng trần-tục, không thế gì hiệp một cùng Thầy, nên Thầy mới phân ra Tam-giáo là 3 con đường lớn rộng để cho vạn-linh do theo đường ấy trở về vị cũ tức là được hiệp một cùng Thầy.
Ba cạnh AC, EC, EA, tượng-trưng Tam-giáo chỉ nghĩa rằng trước mặt Thầy Tam-giáo vốn cũng như nhau và cũng đều cùng chung một gốc sanh ra. Gốc ấy tượng-trưng tâm 0 của vòng tròn, chẳng khác nào Thầy nắm chốt xoay chuyển, hễ tâm 0 dời đổi là tất cả vạn-linh đều đổi.
Ba đường AO, EO, CO, là luật định của càn-khôn vũ-trụ, chúng-sanh nếu biết đi đúng theo luật-định ấy mới mong hiệp một cùng Thầy. Do vậy mà phương tu phải có Luật, có Pháp định vị là vậy.
Pháp Luật ấy là tượng-trưng cho âm dương
Âm dương luôn hiển hiện trong trời đất
Trong vũ-trụ này khí nhẹ bay lên làm trời, khí nặng ngưng đọng lại thành đất, không hề có một vật nào đi sái luật đó cho được. Tỷ như đất không thể bay bổng lên từng không-khí, quả bóng không thể chìm xuống đáy nước.
Vạn-vật thảy có tánh linh và đều cùng một điểm linh-quang như nhau, có chăng vật này được phát-triển, vật kia linh tánh vẫn ẩn-tàng. Thế nên trước mặt Thầy, Người vẫn xem nhân-loại vốn như nhau, không có ai trọng cũng không có ai khinh, dầu cho phẩm vật tối-linh hay thấp kém cũng vậy.
Xem kỹ trong mỗi hình như vậy đều có 6 hình thoi, trong mỗi hình ấy có hai đường thẳng góc nhau, ấy chỉ là cơ vận-hành âm dương trong mỗi bậc luân-hồi của vạn-linh đó
Lại có 4 hình chữ nhựt bằng nhau tượng-trưng Tứ-tượng biến-hoá nhưng ẩn tàng ở trong mỗi vật thể, nếu kéo đường thẳng song song với một cạnh qua O và đường chéo của hình chữ nhựt kia thì hai đường này thẳng góc nhau, chỉ rằng nếu vật thể gặp duyên thì kết, không gặp thì ở trong trạng-thái tiềm ẩn, ví như đất nắng thì khô-khan mà mưa xuống thì cỏ mọc đầy.
Đường từ A qua C, từ C qua B, từ B qua A và các đường A’B’, B’C’, C’A’ chỉ rằng kẻ tu hành nếu không gặp cơ qui-nhứt thì cũng có thể tăng cao, tấn-hóa mà thoát khỏi vị-trí tầm thường mình đang ở để tiến đến vị-trí cao hơn. Tỷ như một người tu-hành dầu chưa được trở về cùng Thầy chớ cũng được lên những địa-cầu khác tấn hóa cao thượng hơn.
* Sáu cánh ngôi sao chỉ 6 đường luân-hồi phóng sẵn từ ngôi Thái-cực mà ra là: OA, OB, OC, OA’, OB’, OC’. Luật luân-hồi là cơ tấn-hóa. Nhân-sanh lầm cho kiếp sanh là khổ. Kiếp sanh chưa phải thật là khổ đâu, nếu quả khổ mà không ích chi thì Thầy đã bãi bỏ luật luân-hồi, khổ ấy để tăng tiến mãi, đi đi mãi cho thấu-đáo nẻo huyền vi của tạo vật. Người đời thường bị lầm-lạc cho rằng luân-hồi sanh tử là cơ nhảm-nhí, không có (ấy là chúng-sanh cũng vì bức màn vô minh nên cũng gọi là còn mê-muội).
“Thầy nói duy-vật nó chỉ biết cái sống của con vật thôi, nó không hiểu chính cái con vật đó ở đâu mà có! Dầu cho kẻ ngang-ngạnh cho rằng con người ở đất nẻ chun lên, Thầy hỏi chớ đất ấy ai sanh? Không-khí ấy do đâu mà có? Vạn-vật ấy do đâu có chết, có sống? Nếu nói tự-nhiên thì do đâu có sự luân-chuyển của mặt trăng, mặt trời, của sông, của núi, của sao, của gió mây? Nếu vạn-vật thiếu Đạo tức thiếu luật-định thì chỉ trong một phút tương-khắc nhau, đụng lẫn nhau, tương-tàn như tro mạt mà chớ!
Giữa khoảng cách quả đất với thái-dương-hệ và khoảng cách giữa hạt nhân và hạt nguyên-tử nó có số tỷ-lệ giống nhau, Thầy hỏi chớ sự ấy có ngẫu-nhiên chăng? Đời chẳng khác nào lũ mù rờ voi, rờ được cái nào thì cho rằng con voi là đó mà tự-đại, tự-kiêu. Khoa-học vật-chất cho rằng mình đã thắng lý thiên-nhiên thì ngu-muội không biết là dường nào! Chẳng khác chi con bọ ngựa giơ càng đấu với con voi rồi tự-hào rằng mình lớn mạnh.
“Thầy hỏi nếu Thầy rút khí khinh-thanh của vạn-vật trong giây phút thì chúng-sanh có còn sống nỗi chăng? Nguyên-tử có còn hiệu-lực của nó chăng? Quyền-năng của nguyên-tử-lực không bằng hột cát so với càn-khôn là quyền-năng tối thượng của Chí-linh.
“Thầy hằng thấy chúng-sanh khinh rẻ lý Đạo, tôn-trọng quyền vật-dục, chẳng khác nào kẻ đi trong thuyền chê thuyền đi chậm để phóng ra ngoài cho nhanh, rốt cuộc phải rớt xuống sông.
“Thầy nói tiếp: Lẽ tử khứ sanh lai, cho đến một chút tế-bào trong thân-thể đều phải chịu trong khuôn luật ấy. Các con mới bước qua một nấc để đạt lý thiên-nhiên đã vội tự-hào thắng cả càn-khôn. Khờ lắm thay! Dại lắm thay! Thương lắm thay!”
Ấy là vì nhân-loại theo cái văn-minh vật-chất mà quên hẳn văn-minh tinh-thần, mà chính Thầy đã ban một điểm linh-quang chói-lọi.
Các yếu-lý trên là cơ-quan quản-trị càn-khôn.
Đây là hình ảnh nói về cơ sanh biến vạn-linh. Qua đồ hình bên đây là Lưỡng-nghi biến Tứ-tượng, Tứ-tượng biến Bát-quái, rồi Bát-quái sẽ biến hóa vô cùng mà Đạo-gia thường gọi.
Lưỡng-nghi là cơ âm dương phối hợp thì bất cứ vật chi chi trong trời đất này cũng đều do âm dương sản-xuất, mà cũng gọi là lý nhị nguyên đó vậy. Âm với dương vốn là cơ động tĩnh, mâu-thuẫn nhau, tương-khắc mà lại tương hòa. Hai cái lý đối nghịch nhau để hỗ-trợ lẫn nhau chớ không phải để tiêu diệt nhau.
Trời có sáng tối, người có nữ nam, vật có cứng mềm, đất có nắng mưa, vạn loại có trống mái, cho chí đến loài cỏ cây, sắt đá cũng có cái lý của âm dương. Một cái cây mới nẩy chồi thì ra hai lá đầu tiên ấy là hình tượng của âm dương đó. Âm dương vốn là cơ sản-xuất, nhưng trong dương có âm và trong âm cũng có dương. Nho-gia gọi “vạn-vật phụ âm nhi bão dương, trung chí dĩ nhi hòa” 萬 物 負 陰 而 保 陽 中 至 以 而 和 là vậy. Tức là vạn-vật ôm-ấp âm dương, đến mực trung-dung thì gọi là hòa. Cơ hòa là cơ sanh-hóa:
- Trong phần dương lớn gọi là Thái-dương
có phần âm nhỏ gọi là Thiếu-âm 
- Trong phần âm lớn gọi là Thái-âm
có phần dương nhỏ gọi là Thiếu-dương
- Hai cái lý ấy gát chồng lên nhau gọi là Tứ-tượng
- Tứ-tượng thành hình mới biến ra Bát-quái là căn bản của nhân-loại và vạn-vật.
Tứ-tượng là căn-bản của các Bát-quái thành hình.
1- Việt-Nam là một Thái-cực-đồ hình chữ CHỦ
Qua bản-đồ của nước Việt-Nam cho ta hình ảnh một Thái-cực-đồ, tức nhiên:
- Khi nhìn vào bên tay trái là một dãy đất liền, ấy là Thái-dương.
- Bên tay phải là biển mênh-mông, ấy là Thái-âm
- Trong biển còn có đảo Hải-Nam, tức là trong nước có đất ấy là Thiếu-dương.
- Trong đất lại có nước là Biển Hồ là Thiếu-âm.
Như thế, Việt-Nam đủ hình ảnh của một Đồ hình có Thái-cực, Lưỡng-nghi (tức Thái-dương, Thái-âm)
Rồi từ đó biến sanh Tứ-tượng là thêm vào Thiếu-dương và Thiếu-âm nữa.
Nếu ta đặt compas ngay điểm Ngũ-Hành-Sơn quay một vòng tròn thì đỉnh trên sẽ qua Ải Nam-Quan và điểm dưới sẽ qua Mũi Cà-Mau, tạo thành một Thái-cực-đồ trọn vẹn.
* Việt-Nam có đủ Tam tài
Lịch-sử của dân-tộc còn ghi đậm nét Thăng Long-Thành, kinh-đô miền Bắc một thuở huy-hoàng cho ta một nét dương
rực-rỡ.
Thời-gian trôi qua kinh-thành Thăng-Long trở thành cố đô nhạt-nhòa sương khói, lời thơ của Bà Huyện-Thanh-Quan qua bài “Thăng-Long thành hoài cổ” rằng:
Tạo-hóa gây chi cuộc hí-trường,
Đến nay thấm-thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch-dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang-thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn-trường.
Thế rồi đầu rồng từ đất Bắc lại hướng về miền Trung tạo nên một kinh-đô Huế, nhà Nguyễn vang danh một thời lẫy-lừng trang sử Việt; thời-gian nhuộm màu tang-thương, biến đổi, cố-đô Huế soi mình trong bóng nước Hương giang, ghi thêm một điểm dương
trong lòng trang sử Việt để rồi tất cả mai-một theo thời-gian.
Qua năm Bính-Dần (1926) Đức Thượng-Đế Cao-Đài đến với dân-tộc Việt-Nam ban cho một nền Tân Tôn-giáo có tên Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, đấy là lúc đầu rồng hướng về miền Nam, Đền-Thánh Cao-Đài xuất hiện tại tỉnh Tây-Ninh thuộc miền Đông của Nam Việt-Nam này, nơi đây là tòa ngự của Đức Thượng-Đế, Thầy có nói “Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh địa”. Bấy giờ là một điểm dương
sau cùng thấm đượm đến bảy trăm ngàn năm sử Đạo đó là một Thiên triều của Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế.
Thế là ba nét dương huy-hoàng sáng chói tạo nên quẻ Càn ☰ chứng tỏ Việt-Nam là một quốc gia Thiên-định, ba nét dương quẻ Càn là đầy đủ Tam-tài ứng hiệp: Thiên, Địa, Nhân để cho Đức Chí-Tôn làm nơi gieo giống lành cho toàn thế-giới. Quẻ Càn Tam dương đến đây mới đầy-đủ.
Vả lại bờ biển Việt-Nam như một xương sống nối ba hào dương quẻ Càn lại với nhau thành ra chữ Vương 王 Lại nữa đây là mối Đạo Trời do Thượng-Đế làm chủ đó là một nền Vương-Đạo, nên chữ Vương biến thành chữ CHỦ 主. Điều này ứng hiệp với lời tiên-tri của Thầy là:
“Một nước nhỏ-nhoi trong Vạn quốc,
“Ngày sau làm chủ mới là kỳ.”
Tuy nhiên cũng nên điểm lại trên thực-tế Việt-Nam có những yếu-tố nào mà được chọn là nước CHỦ của vạn quốc trong kỳ thượng-nguơn? Vì sao nước Việt-Nam được gọi là Thánh-địa?
Xét về ba phương-diện:
a/- Về mặt triết-lý văn-minh
NướcViệt Nam thọ ba ảnh-hưởng của ba nền Tôn-giáo: Thích, Đạo, Nho từ Ấn-Độ và Trung-Hoa truyền sang. Ba nền Tôn-giáo ấy đã được đồng-thời phát triển dưới thời nhà Lý và nhà Trần bằng sự bình đẳng của ba nền Tôn-giáo nói trên.
Kịp đến khi văn-minh Âu-châu tràn vào thì Việt-Nam lại được hưởng thụ thêm nền văn-minh Cơ-đốc-giáo nữa. Như vậy, Việt-Nam là mảnh đất gieo Đạo-giáo từ lâu; vả lại Việt-Nam ít tạo oan báo, nên nghiệp quả của nó cũng nhẹ-nhàng. Việt Nam có đủ điều-kiện để làm cơ qui nhứt toàn thế-giới vì lý-do ấy.
b/- Xét về hình-thể địa-lý thiên-nhiên
Việt-Nam nằm vào vị-trí đặc biệt của Á-châu, mà Á-châu lại nằm vào vị-trí trung-tâm của quả đất và Á-châu là châu lớn nhất thế-giới. Châu Á thuộc sắc da vàng, theo lý của Ngũ-hành thuộc Thổ, mà Thổ chính là ở trung-ương.
Việt-Nam là cửa ngõ để tiếp nạp các luồng tư-tưởng từ Đông sang Tây cũng là cửa ngõ để phòng-vệ đất nước cho các giống dân miền Đông Nam châu Á.
c/- Xét về hình-thể địa-lý huyền-bí
Việt Nam có con sông dài vào bậc nhất thế-giới tất sẽ tạo nên linh-khí thiêng-liêng. Linh-khí ấy tạo nên long mạch Cửu-Long và dãy Thất-sơn nơi Châu-Đốc đó vậy. Ấy là lý: Sơn tiền điểm Long mạch.
Miền Nam là nơi dất mới khai-khẩn nên những quả báo chưa gây nhiều, lại có luồng nước nóng và nước lạnh từ các miền đại-dương hòa hợp để tạo nên một khí-hậu điều-hòa.
Tóm lại, Việt-Nam có đủ điều-kiện: Thiên, Địa, Nhân tức là Tam-tài để đứng ra chủ-trương một mối Đại-Đạo.
Tam-tài ứng với lý Tam-ngôi. Tam ngôi ba điểm đều vẹn thì làm chủ thiên-hạ là lẽ thường chớ có gì đâu khác lạ!
Nhưng Thầy cũng thường dạy rằng: “Làm chủ đây là chủ về tinh-thần chớ không phải mang binh hùng tướng mạnh đi chiếm đất như các con lầm tưởng. Cái chủ tinh-thần mới trường-cữu, còn làm chủ theo thói đời thì nó lỏng-lẻo, bấp bênh nào có bền-chắc, nào có nghĩa lý gì!” Cái lý Tam ngôi nhứt thể biến sanh Tam-giáo, Tam-nguơn, Tam-bảo… Số Tam là chu-kỳ của trời đất để thực hiện cơ vận-chuyển hóa sanh, qui hợp. Việt-Nam cũng là một Bát-quái-đồ có đầy-đủ các con số ấy!
2- Sao gọi là Bát-quái?
Ấy là quái hào ở trong bản Hà-đồ của con Long-Mã mà vua Phục-Hi đã thấy thuở trước. Những hình tượng ấy ở trong con vật lạ kỳ nên gọi là quái. Tám hình ở trong con vật nên gọi là Bát-quái, kêu lâu thành quen không thể sửa, đáng lẽ phải gọi là Bát-tượng hay Bát tướng mới đúng.
Đến số 8 là đã biến thể 8x8=64 rồi biến vi vô cùng. Tám vòng cung trong hình là tượng-trưng cho bát phẩm chơn-hồn do nơi Phật-Mẫu sản-xuất nơi Kim-Bàn, vì cơ-quan sản-xuất vạn-linh thuộc Pháp. Kinh rằng:
"Càn-khôn sản-xuất hữu-hình,
“Bát hồn vận-chuyển hóa thành chúng-sanh.”
3- Tám đường thẳng xuyên tâm ấy cơ đoạt Đạo
Người tu-hành phải do nơi Pháp mới thành. Vòng tròn bên ngoài chỉ vũ-trụ càn-khôn.
Bát-phẩm chơn-hồn ấy là vật-chất hồn, thảo-mộc hồn, thú-cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Mỗi hồn đều có tánh chất riêng.
Từ vật-chất đến nhơn hồn là cơ tấn-hóa có hình chữ VẠN số 1, là chỉ cơ xuống trần để tạo nghiệp trần duyên. Tạo cho đầy đủ quả nghiệp thành khối gia-sản rồi bắt đầu đi lên để học điều mầu nhiệm nên cơ phục nguyên ở chữ VẠN số 2.
Chữ VẠN ấy là chỉ cơ biến-hóa vô cùng đó vậy nên vạn-vật bất kỳ là vật chi có tu ắt có thành.
Đường AB và BC gặp A’B’ tạo thành hình tam-giác nhỏ có OB đi qua đó tượng-trưng cho Tam-giáo phổ trùm khắp vạn-linh nên Đạo khai chẳng những cho nhân-loại tu mà thôi, nhưng là cho cả vạn-vật và Thần, Thánh, Tiên, Phật, ai biết căn tu là trở về nguyên bổn và sẽ được cùng Thầy hội-hiệp.
Đường OB là đường qui nhứt, đường AB hay BC là chỉ cơ tấn-hóa vượt bực, tỷ như người tu có thể vượt lên hàng Thánh, thoát khỏi hàng Thần, nếu biết khôn đi tắt là trở về nhanh chóng tức đường OB, nên đường Đạo chính là con đường chánh đại quang-minh và ngay thẳng không có vòng quanh chi.
Cứ trong mỗi tam-giác lại có hai tam-giác nhỏ bằng nhau, hiểu lý âm dương tương-hiệp rồi.
Năm đường thẳng gát chồng lên nhau ấy là tượng ngũ-hành, ngũ-khí hay ngũ-tạng.
Qua hình vẽ: Hai hình tam-giác và hai hình vuông giao nhau như mắc lưới, mà Thầy đứng giữa nắm cả pháp mầu càn-khôn.
Hình này là cơ hỗn-hợp giữa quyền-năng quản-trị càn-khôn và cơ sanh biến vạn-linh. Hình này mới xem qua có vẻ phức-tạp và rắc-rối. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy có:
Tâm 0 tượng-trưng quyền Chủ-tể đứng giữa nắm cơ pháp-mầu càn-khôn; ấy là quyền của Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một tức là quyền Chí-Tôn tại thế. Vòng tròn lớn này gồm có hai hình tam-giác đều nội-tiếp trong vòng tròn và gát chồng lên nhau là AGF và CEH và hai hình vuông ABCD và A’B’C’D’ tạo thành các đường thẳng song song A’B’ và EF cũng như D’C’ và HG ấy là cơ âm dương tương-hiệp đó.
Quyền Phật và Pháp lưỡng hiệp mới biến ra Tăng. Nhìn rõ mới thấy cái lý trung âm hữu dương và dương trung hữu âm trong đó vậy (tức là trong âm có dương và trong dương có âm).
Bốn hình tam-giác ADG và CDH; ABF và CBE cho ta ý niệm âm dương tương hiệp và cơ biến tướng của Tứ-tượng thành Bát-quái để biến-hóa vô cùng:
A tượng-trưng cho điểm dương, C tượng-trưng cho điểm âm.
Bốn hình tam-giác: AGC, AFC và CAH, CAE cũng vậy, đó là Thái-dương và Thái-âm so sánh với 4 tam-giác nhỏ trên là Thiếu-dương và Thiếu-âm đó.
Chúng nó giao nhau lại tạo thành các tam-giác bằng nhau: MEF và NGH là những tam-giác nhỏ kế tiếp nữa cho ta có ý-niệm rõ-rệt là vạn-vật đựng nhau, như lời Thầy thường nói là một vòng tròn chứa đựng trong một vòng tròn, một ánh sáng chứa đựng trong một ánh sáng vô biên là vậy.
Tam-giác tượng-trưng cho Tam-giáo mà cũng tượng-trưng cho Tam-ngôi nhứt-thể....
Hình ảnh này cũng như trong một cơ thể con người có nguyên-tử âm và nguyên-tử dương đun-đẩy nhau tạo thành một tế-bào. Các tế-bào hòa-hợp nhau tạo thành thân thể.
Ngay chính trong thân người cũng có âm dương huân-chưng đầm-ấm, bên hữu ấy là âm, bên tả ấy là dương. Người lại có Nam và Nữ. Nam và Nữ lại ở trên trái đất này. Trái đất lại ở trong hệ-thống Thái-dương-hệ. Hệ-thống thái-dương-hệ lại ở trong càn-khôn vũ-trụ”.
Xem ra đồ hình này gọi là Bát-quái Đồ-thiên, mà chính ngày nay Thượng-Đế đến để qui tất cả con cái của Ngài về bằng con đường hành thiện, cho nên đường lối tu của Cao-Đài Đại-Đạo là thế. Chúng-sanh tu-hành tức là học cho suốt thông các lý lẽ siêu-mầu của đạo-pháp để không rơi vào những điều dị-đoan mê-tín mà xưa nay thường bị vướng mắc.
Sở dĩ như vậy là vì đạo-pháp quá cao siêu, quá sức hiểu biết của con người cho nên các Đấng Giáo-chủ đến mở Đạo không thể triển-khai hết các lý lẽ ấy ra cho được, bởi vì khoa-học chưa tiến-bộ, chưa có sở-trường cho môn luận-lý-học nên phải dùng những hình-ảnh trừu tượng.
Ví như bên Phật-giáo nói ngày ra đời của Phật Thích-Ca thì có Thiên-Thần nhã nhạc, vừa sanh ra thì Ngài đứng lên và bước tới bảy bước, mỗi bước đi của Ngài đều có hoa sen nở nhụy.
Cũng như Công-giáo và Tin-lành đều thờ Chúa, nhưng mà hai quan-niệm khác nhau và hình như chống báng nhau. Công-giáo tin rằng Chúa sinh ra đời trong một điều Thần-thoại, là Thiên Thần giáng linh chớ không có sự giao-phối của cha mẹ phàm.
Chính những ý-tưởng như vậy làm cho khoa-học ngày nay mất tin-tưởng và cho rằng Tôn-giáo là những gì hoàn-toàn thần-bí, chưa nói đến là dị-đoan mê-tín. Sở dĩ dùng danh-từ dị-đoan mê tín là sự tin-tưởng không có gì làm sở trường, làm đầu mối cho việc tu-hành cả: Vì không có cơ sở khoa-học
Hơn nữa ngày nay khoa-học đã tiến bộ cao-siêu. Việc này không thể đổ lỗi cho ai cả, mà cái gì cũng đều có duyên cớ của nó.
Một cái hoa nở xinh đẹp, rồi tàn, tàn để rụng các cánh hoa đi, đến lúc sẽ thành trái. Trái là kết-quả của các thời-kỳ trên. Tất cả đều ơn ích không thể không có các giai-đoạn ấy được.
Ngày nay là thời-kỳ gặt hái kết-quả, may duyên cho chúng-sanh buổi này chính Đấng Thượng-Đế đến mở Đạo đã giải rành từng vấn-đề một để chúng-sanh không lầm-lẫn nữa, bởi nhờ có khoa-học kết hợp với Đạo-học, làm sáng danh đạo-pháp khắp từ Âu sang Á.
Việc này Đức Hộ-Pháp có nói rõ:
“Bần-Đạo cho cả thảy con cái Đức Chí-Tôn biết rằng: nền Đạo Cao-Đài Đức Chí-Tôn đến lập do nơi chơn-lý tối cao, chính mình Đức Chí-Tôn đến để diệt mê-tín dị-đoan, Ngài chỉ đem đến nền Đạo chơn-chánh mà thôi.
Nó có hai quyền-năng sở-hữu của nó nơi mặt thế này, cả hành-tàng sống chết của nó đều chịu dưới hệ-thống của hai quyền-năng:
- Sống về xác thịt của ta đây, nó có thời-gian sống của nó; từ buổi sanh đến lớn lên, đến già rồi chết, luật thiên-nhiên ấy không ai qua khỏi; luật thiên-nhiên có giới-hạn, có định-luật chuẩn-thằng cho kiếp sống chúng ta nơi mặt thế này là hình-thể.
- Còn về chơn-linh của chúng ta tức nhiên hồn của chúng ta chịu hệ-thống dưới quyền vi-chủ của nó, mà người làm chủ của nó không ai khác hơn là “Đại-Từ-Phụ”, tức nhiên Thượng-Đế.
Nhơn-loại mê-tín đã nhiều, tinh-thần loài người đã bị họ gạt-gẫm nhiều rồi, bởi thế không ai gạt được nữa. Chỉ có hai quyền-năng ấy không còn có mặt luật nào khác hơn nữa, ta chỉ tùng hai quyền-năng chơn thật ấy mà thôi, ngoài ra là giả dối.”
(Trí-Huệ-Cung 15-1 Tân-Mão 1951).
Dịch-lý Cao-Đài mong hoá giải các vấn-đề trên.
Nhìn vào đồ hình “cơ-quan quản-trị càn-khôn” ta thấy có những đường thẳng xuyên tâm ấy là chỉ những đường chủ-yếu là con đường đạo-đức, nghĩa thật là con đường ngay chính dẫn về nguyên bổn và cũng là con đường tấn-hóa của vạn-linh. Các con đường tua-tủa ấy mới trông xem như rắc-rối nhưng nghiệm lý thấy rõ-ràng chỉ duy lý âm dương lưỡng-hiệp biến sanh thì mọi việc đều dễ-dãi.
Cơ-quan quản-trị càn-khôn cũng nằm vào trong ấy. Cao hơn hết là quyền Phật và Pháp tức là quyền Chí-Tôn và Phật-Mẫu, là quyền-năng của hai Đấng Cha Mẹ Thiêng-Liêng, nói chung là Đấng Tạo-hóa đó vậy. Kế đến quyền thiêng-liêng và vật loại hay là cơ vô-hình và hữu-hình tương-hội. Giữa hai cơ-quan ấy có cơ-quan bán hữu-hình tương-tiếp ấy là Tăng, tức là ba ngôi, mà ba ngôi chung cùng một quyền-năng quản-trị nên gọi là Tam ngôi nhứt thể: Phật, Pháp, Tăng.
Dầu cho cơ-quan quản-trị càn-khôn hay cơ sanh biến vạn-linh cũng không ngoài lý âm dương tương hiệp hay lý nhị nguyên, đó là cơ động tịnh biến sanh, cho nên dầu vạn-vật trong càn-khôn vũ-trụ này tuy hằng hà sa số vô lượng vô biên không thể đếm hết, nhưng mà rốt lại cũng không ngoài lý ấy. Lẽ sanh tử hay bất cứ hình-thức nào dẫu hữu-hình hay vô-hình cũng cùng trong một khuôn viên ấy. Thấu đoạt được lý Âm Dương là thấu đoạt lẽ Đạo và suốt thông cùng trời đất, thế nên Đức Chí-Tôn có nói dữ với hiền, ngu với trí, Nữ với Nam hay bất cứ chi chi trước mắt Thầy đều như nhau tất cả. Vì Thầy là chủ cơ sanh-hóa nên Thầy để lòng thương-yêu tất cả.
Dầu cho những huyền-pháp mà Thượng-Đế có ban cho phần âm, tức là phần xấu-xa thấp kém, mà chủ của nó là Quỉ-vương thì quyền-hạn của họ vẫn ở trong khuôn luật của Thượng-Đế mà thôi… Chi chi cũng có luật định tất cả”.
Có rõ được lý tính của càn-khôn vũ-trụ để khi nghiên-cứu về Bát-quái ta mới không ngỡ-ngàng với một nền Đạo-học mới, từ xưa đến giờ chỉ có thời-kỳ này chính Thượng-Đế đến giảng dạy mà thôi.
Như vậy tất cả mọi việc trong vũ-trụ này đều theo một qui-tắc, một định-luật. chúng-sanh nếu biết đi đúng theo luật-định ấy mới mong hiệp một cùng Thầy. Thế nên phương tu phải có LUẬT, có PHÁP định-vị là vậy.
Nếu nói rằng nhiều tế-bào mới hiệp thành một cơ thể, thì từ đây chúng ta sẽ chứng-minh rằng lý Đạo nhất-quán từ hữu-hình đến vô-vi, từ thể-pháp đến bí-pháp, trong mọi hình-thức nào cũng đều hiển-hiện lý Âm Dương. Mỗi tế-bào trong người cũng ví như mỗi Bát-quái tượng-trưng trong triết-lý của nền Đại-Đạo này vậy.
F- Phần luận Đạo:
Hộ-Pháp Chưởng-Quản Hiệp-Thiên-Đài
“Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền Hộ-Pháp chưởng-quản, tả có Thượng-Sanh, hữu có Thượng-Phẩm, phần của Hộ-Pháp chưởng-quản về Pháp.
“Vậy thì Hiệp-Thiên-Đài phải dưới quyền Hộ-Pháp chưởng-quản, cũng như Cửu-Trùng-Đài dưới quyền Giáo-Tông và Bát-Quái-Đài dưới quyền Đức Chí-Tôn làm chủ.
1- Quyền-hành HỘ-PHÁP
Hộ-Pháp “Là người nắm trọn cả luật Đạo và luật Đời đặng xử đoán, làm chủ phòng xử-đoán. Dưới quyền Hộ-Pháp có 4 vị Thời-quân là; Tiếp-Pháp, Khai-Pháp, Hiến-Pháp, Bảo-Pháp”
Mỗi một vòng tròn như vậy có 5 người, ứng với ngũ-hành.
Ba vòng tròn trên có tâm mang chữ:
- Thượng-Phẩm là người nắm quyền chi Đạo, có 4 vị dưới quyền Ngài là: Bảo-Đạo, Hiến-Đạo, Khai Đạo, Tiếp-Đạo.
- Hộ-Pháp là người nắm quyền chi Pháp, có 4 vị dưới quyền Ngài là: Bảo-Pháp, Hiến-Pháp, Khai Pháp, Tiếp-Pháp.
- Thượng-Sanh là người nắm quyền chi Thế, có 4 vị dưới quyền ngài là: Bảo-Thế, Hiến-Thế, Khai-Thế, Tiếp-Thế.
Như vậy 3 vị: Thượng-Phẩm, Hộ-Pháp, Thượng-Sanh là ba vị Tướng-soái của Chí-Tôn, 12 vị mang chữ Đạo, Pháp, Thế là 12 vị Thời-quân. Nói chung là Ngự-Mã Thiên-Quân của Chí-Tôn đó vậy, cộng chung là 15 người. Con số 15 này có mặt trong Bát-quái Đồ-thiên và đóng một vai trò vô cùng quan-trọng.
Số 15 là hình ảnh của:
- Trời có Tam-bửu, Ngũ-khí.
- Đất có Tam-bửu, Ngũ-hành.
- Người có Tam-bửu, Ngũ-tạng.
3 lần con số 3 là 9 là con số Lão-dương chỉ quyền-năng của Thượng-Đế.
3 lần con số 5 là con số điều-hoà càn-khôn vũ-trụ là hình ảnh của Phật-Mẫu nắm cơ sản-xuất Bát-phẩm chơn-hồn, sanh biến vạn-linh.
Ngoài ra Hộ-Pháp còn chưởng-quản cả Hiệp-Thiên-Đài nữa. Thế nên:
Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền Hộ-Pháp chưởng-quản, tả có Thượng-Sanh, hữu có Thượng-Phẩm, phần có Hộ-Pháp chưởng-quản về Pháp.
2- Thượng-Phẩm là ai?
“Thượng-Phẩm là người thay mặt cho Hộ-Pháp, phải tùng lịnh Hộ-Pháp mà hành-chánh. Hễ bước chân vào cửa Đạo thì có Thiên-phẩm, mà hễ có Thiên-phẩm rồi thì Thầy lại đem lên cho tới Thượng-Phẩm mới trọn nghĩa câu Phổ-độ… Thượng-Phẩm là chủ phòng Cải-luật, làm Trạng-sư của Tín-đồ.
Thượng-Phẩm thì quyền về phần Đạo, dưới quyền có: Tiếp-Đạo, Khai-Đạo, Hiến-đạo, Bảo-Đạo.
Lo về phần Tịnh-Thất, mấy Thánh-Thất đều xem-sóc chư Môn-đệ Thầy, binh-vực chẳng cho ai đến khổ-khắc cho đặng.
3- Thượng-Sanh là ai?
“Vật-chất hữu-sanh, Thảo-mộc hữu sanh, cầm-thú hữu sanh, nhơn-loại hữu sanh, tức là chúng-sanh. Trong chúng-sanh có nguyên-sanh, hóa-sanh và quỉ-sanh..
Thượng-Sanh làm chủ phòng Cáo-luật. Thượng-Sanh thì lo về phần đời.
Mỗi sự chi thuộc về đời thì về quyền của Thượng-Sanh.
Dưới quyền Thượng-Sanh thì có 4 vị Thời quân là:
Tiếp-Thế, Khai-Thế, Hiến-Thế, Bảo-Thế.
Bốn vị Thời-quân chi Thế đặng đồng quyền cùng Thượng-Sanh, khi người ban lịnh hành-chánh; song mỗi vị có mỗi phận-sự riêng, quyền-hành riêng.”

►Xem tiếp CHƯƠNG V / ... Khai Triển Bát Quái Đồ Thiên Qua Cơ-Quan Hiệp-Thiên-Đài