DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương V:

KHAI TRIỂN BÁT-QUÁI ĐỒ-THIÊN

I.

 

Khai Triển Bát-Quái Đồ-Thiên

  1. Cơ-quan quản-trị càn-khôn là gì?
  2. Cơ sanh-biến vạn-linh là gì?
    1. Việt-Nam là một Thái-cực-đồ
    2. Sao gọi là Bát-quái?
    3. Tám đường xuyên tâm ấy là cơ đoạt Đạo
  3. Cơ hỗn-hợp càn-khôn biến tướng
  4. Đạo Cao-Đài chủ-trương diệt mê-tín dị đoan
  5. Đại-Đạo là đường chơn-chánh và khoa-học
  6. Luận Đạo: Hộ-Pháp Chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài

II.

Khai Triển Bát Quái Đồ Thiên Qua Cơ-Quan Hiệp-Thiên-Đài

  1. Phần khai triển
    1. Số Ma-phương
    2. Ý-nghĩa những ngày Lễ Đạo qua các con số
    3. Chính là chữ ĐIỀN
    4. Chữ thập trong Bát-quái
    5. Long-Mã phụ Hà-đồ tượng trưng chữ thập định vị cho càn-khôn
    6. Việt-Nam giòng giống con Rồng cháu Tiên
    7. Đông Tây hòa-hợp
    8. Lễ Hội-Yến Diêu-Trì ngày 15 tháng 8
      Hội-Yến Diêu-Trì-Cung là gì?
    9. Bát-quái Đồ-thiên nghịch chuyển
  2. Thập-Nhị Thời-Quân là gì?
  3. Thập-Nhị Thời-Quân ứng với Thập-Nhị Thời-Thần
    1. Pháp-Chánh-Truyền Hiệp-Thiên-Đài
    2. Chơn-pháp của Đại-Đạo
    3. Vì sao có mặt 12 Thời-Quân bồi tửu
    4. Quả Đào Tiên của Phật-Mẫu
    5. Sự liên-quan giữa Diêu-Trì-Cung và Hiệp-Thiên-Đài
    6. Đức Phật-Mẫu độ ai trước nhất?
    7. Nhiệm-vụ của Thời-Quân
    8. Vai-trò Ba chi của Hiệp-Thiên-Đài
    9. Số 12 thành hình
  4. Lý-do Thầy chia 2 cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài và Cửu-Trùng-Đài
    1. Về mặt hữu-hình
    2. Về mặt tinh-thần đạo-đức
  5. Tại sao Đức Chí-Tôn ngự nơi Bát-Quái-Đài
  6. Quyền-hành của Hộ-Pháp đối với Tam Châu Bát-Bộ
  7. Quyền-hành của 12 Thời-Quân
  8. Vì sao Hiệp-Thiên-Đài lại đặt phía trước của Đền-Thánh?

C- THẬP-NHỊ THỜI-QUÂN
ứng với THẬP-NHỊ THỜI-THẦN

Xem đồ hình thấy có đủ Thập-Nhị Thời-Quân ứng với 12 con giáp, tức là tuổi của các vị này ứng với Thập-Nhị Thời-Thần. Bát-quái Đồ-thiên vẫn có đủ số 15 là hình-ảnh của 15 vị trong cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài.

Xem như trên thì Tam đầu chế Hiệp-Thiên-Đài tức là ba vị Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh, Hộ-Pháp có tuổi lần-lượt là Tý, Sửu, Dần; tức là đứng đầu ba con giáp. Trong 12 vị Thời-quân cũng vậy, có ba vị: Khai-Pháp (Tý), Khai-Đạo (Sửu), Hiến-Pháp (Dần) cũng đứng đầu ba con giáp, tạo thành Tam âm, tam dương để điều-hòa máy âm dương của trời đất. Tuổi tác các vị này quan-hệ đối với cơ Đạo cũng như thời-tiết bốn mùa trong một năm vậy. Tất nhiên rất trọng-yếu.

 

 

1- Pháp-Chánh-Truyền Hiệp-Thiên-Đài định

“Trong Pháp-Chánh-Truyền Chí-Tôn lập Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài, Hội-Thánh Hiệp-Thiên-Đài, mà trước khi Chí-Tôn đến gieo truyền mối Đạo là Thiên-điều đã định mở cửa Thập-Nhị Khai-Thiên đặng đem cơ cứu khổ để tại mặt thế-gian này mà cứu vớt toàn cả Cửu nhị ức nguyên-nhân, con cái của Ngài, Chí-Tôn giao phó cho Hiệp-Thiên-Đài, mà trong Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài có 15 người (kể luôn (HP) Hộ-Pháp, (TP) Thượng-Phẩm, (TS) Thượng-Sanh ở tam-giác trong cùng.

Hơn nữa khi Chí-Tôn đến:

“Lập Pháp-Chánh-Truyền giao cho Hiệp-Thiên-Đài gìn-giữ trong đó có diệu-pháp của Chí-Tôn đến lập vị cho con cái của Người tại thế-gian này. Ngài mượn xác thịt của con cái Ngài tổng hợp lại cho có trật-tự, có đẳng-cấp tức nhiên là lập Thánh-thể của Ngài; các phẩm-trật có liên quan với các phần-tử, tức nhiên Hội-Thánh tổng hợp lại là Thánh-thể của Ngài, mà hễ đạt quyền được tức nhiên về với Ngài được.

Ấy vậy, Pháp-Chánh Hiệp-Thiên là phương định vị, lập quyền đặng hiệp một con cái của Chí-Tôn cùng Chí-Tôn vậy”.

“Hiệp-Thiên-Đài là hình-trạng của Ngọc Hư-Cung tại thế, ấy là cửa mở cho các chơn-linh vào đặng đi đến Tam-Thập-Lục-Thiên, Cực-Lạc-Thế-Giới và Bạch-Ngọc-Kinh là nơi chúng ta hội-hiệp cùng Thầy hay là chỗ ải địa đầu ngăn cản các chơn-linh chẳng cho xâm-phạm đến đường Tiên nẻo Phật.

Lòng từ-bi của Thầy để cho có kẻ rước là Thượng-Sanh, người đưa là Thượng-Phẩm và người dẫn nẻo mở đường cứu độ là Hộ-Pháp đặng đem cả con cái của Thầy về giao lại cho Thầy, kẻo Thầy hằng ngày trông đợi.

Còn luận theo tính chất thì nó là một cái Tòa lựa chọn người lương-sanh đem vào hiệp làm một với Cửu-Trùng-Đài, lập vị cho cả Tín-đồ; phần xác phù-hợp với phần thiêng-liêng, un-đúc giữ-gìn cho các lương-sanh ấy nhớ cựu-phẩm mình hầu buổi chung-qui Hộ-Pháp mở cửa Bát-Quái-Đài đem tên tuổi ấy vào thờ cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cho xứng phận.

Hễ Đạo còn ắt tên tuổi cũng còn, cái cơ đắc Đạo tại thế cũng do nơi ấy vậy”.

2. Chơn-pháp của Đại-Đạo

“Theo Chơn-pháp của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ thì mọi cơ-cấu nơi cõi vô-hình đều có cơ-cấu hữu-hình đối tượng của Đạo nơi mặt thế.

- Ở cõi thiêng-liêng có Cửu-Thiên Khai-Hóa thì trong cửa Đạo Cao-Đài có đối tượng hữu-vi là Cửu-Trùng-Đài.

- Còn ở vô-hình có cơ-cấu tạo ra cung Trời là Thập-Nhị Khai-Thiên, tức là Thập-Nhị Thời-Thần, thì ở cửa Đạo Cao-Đài có đối tượng hữu vi là Thập-Nhị Thời-Quân.

Còn nói về Hội-Yến Bàn-Đào thì ở vô-hình Diêu-Trì-Cung mỗi năm đến mùa đào chín, Đức Diêu-Trì Kim-Mẫu tức là Đức Phật-Mẫu mở lễ Hội-Yến Bàn-Đào có tất cả chư Phật, chư Tiên ở các nơi đều về chầu Lễ, được ăn một quả đào Tiên sẽ đặng trường sanh bất tử; thì ở cửa Đạo Cao-Đài cũng có tổ-chức một cuộc lễ hữu-vi đối-tượng tại Đền Thờ Phật-Mẫu ở Tòa-Thánh Tây-Ninh cho cả Chức-sắc Thiên-phong và toàn Đạo ở các nơi về dự; nhứt là Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài đều về chầu Lễ để hưởng hồng-ân điển-lực của Đức Phật-Mẫu ban cho.

3- Hỏi: tại sao có mặt Thập-Nhị Thời-Quân dự bồi tửu trong Bàn Hội-Yến?

- “Nơi cõi vô-hình phải có Thập-Nhị Khai-Thiên tức là Thập-Nhị Thời-Thần phối-hợp nhau để tạo nên cung Trời, thì ở mặt thế này đối-tượng của Thập-Nhị Khai-Thiên là Thập-Nhị Thời-Quân cũng phải phối-hợp cùng nhau để giúp tạo thành hình tướng của Đạo Cao-Đài. Vì đó mà Thập-Nhị Thời-Quân mới có mặt bồi tửu trong buổi Lễ Hội-Yến.

Bên Cửu-Trùng-Đài là hình ảnh Cửu-Thiên Khai-Hóa, mà nơi cõi vô-hình thì Cửu-Thiên Khai-Hóa chỉ là sự phân chia đẳng-cấp của cơ Trời; còn về phần hữu-hình thì Cửu-Trùng-Đài cũng chỉ là phận-sự chia đẳng cấp trong cửa Đạo mà thôi.

Nếu bên vô-hình Cửu-Thiên Khai-Hóa không dự phần phối-hợp để tạo ra cung trời, thì trong đối-tượng về phần hữu-hình cũng không có dự phần phối-hợp để giúp tạo thành hình tướng của Đạo Cao-Đài.

Vì những nguyên-nhân trên đây mà Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài không có dự vào việc bồi tửu trong lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung, lễ này đặc biệt thuộc phần tổ-chức của Hiệp-Thiên-Đài.

… Ngày ấy là ngày vui cho sự trường-tồn vĩnh-cữu của cõi trời, ngược lại cảnh đào-độn của Tam-Thập-Lục-Thiên. Thứ nhất cũng là ngày vui cho sự trường-tồn, vĩnh-cữu của Đạo Cao-Đài đến thất ức niên.

Thập-Nhị Thời-Quân chính là Thập-Nhị Thời-Thần nên số tuổi của các Ngài thể hiện con số thập nhị Địa chi của Đạo trời, vì vậy mà tuổi của 12 vị Thời-quân mỗi người đứng đầu một con giáp không ai trùng hợp với ai mà lại còn có sự đặt định một cách khít-khao, huyền nhiệm vô cùng.

Đức Hộ-Pháp có giải:

“Cả toàn Thánh-thể và con cái Đức Chí-Tôn đều hiểu: Trong 12 vị Thời-quân của 12 con giáp là cơ huyền-bí tạo càn-khôn vũ-trụ thế nào có lẽ cả tinh-thần của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn đều hiểu thấu”.

4- Quả đào Tiên của Phật-Mẫu

Truyền thuyết cho rằng trên Thiên-cung Phật-Mẫu có vườn Đào, phải đến 3.000 năm đào mới trổ hoa, 3.000 năm sau đào mới kết trái, 3.000 năm sau nữa đào mới chín.

Nếu chỉ tính về con số cộng cả thảy từ khi đào ra hoa đến khi đào chín phải mất đến 9.000 năm, thì lâu quá, có lẽ chẳng ai hưởng được bao giờ, nhưng Đạo là lý. Phải lấy lý mà suy xét vậy.

 
 

Bởi Đạo cốt yếu là do âm dương phối-hợp mà sanh biến ra, “nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo”, nhưng cái âm dương của Đạo đều biểu tượng bằng hai quẻ càn-khôn mà ra. Nhìn vào quẻ càn thấy có 3 nét liền, quẻ khôn có 6 nét đứt, số nét của khôn gấp đôi lần số nét của quẻ càn. Nhưng trên nguyên-tắc là lấy âm bao dương, bởi âm thì có tính ngưng tụ, còn tính của dương thì tán, nghĩa là đi ra, cho nên sự tồn tinh dưỡng khí là lấy âm bao dương, có hình ảnh trên đây; nghĩa là chia hai quẻ khôn ra, mỗi nửa của quẻ Khôn đặt hai bên quẻ càn. Càn đặt ở giữa mới thành ra có đến 3 lần số 3 nét, đã đều nhau, giống như 3 phẩm-cấp Cửu-Trùng-Đài.

Như vậy, người tu theo đạo Cao-Đài cũng phải qua ba cấp: Tiên-vị, Thánh-vị, Thần-vị, mà mỗi cấp như vậy phải tạo cho đủ ba ngàn công quả, ấy là vô kỷ (0), vô công (0), vô danh (0). Qua ba phẩm cấp như thế là được con số 9.000 của quả Đào Tiên của Phật-Mẫu, chính là đạt Đạo.

Tiên Vị Giáo-Tông đối phẩm Thiên Tiên
Chưởng-Pháp đối phẩm Nhơn Tiên
Đầu-Sư đối phẩm Địa Tiên
Thánh Vị Phối-Sư đối phẩm Thiên Thánh
Giáo-Sư đối phẩm Nhơn Thánh
Giáo-Hữu đối phẩm Địa Thánh
Thần Vị Lễ-Sanh đối phẩm Thiên Thần
Bàn Trị Sự đối phẩm Nhơn Thần
Tín đồ đối phẩm Địa Thần
BA CẤP, CHÍN PHẨM đối phẩm CỬU PHẨM THẦN TIÊN

Nếu tính từ trên xuống, Thánh-thể Đức Chí-Tôn qua ba cấp, phải lập 3 con số 0.

Ba ngàn công-quả đây là nói lý; nghĩa là người tu-hành phải chân-thật:

- Tức nhiên tu là biết quên mình, là tạo được một số không (0).

- Tu mà không tham công, không tính-toán, là tạo được một số không (0).

- Tu mà chẳng ham danh-lợi cho mình, là tạo được một số không (0).

Ba con số không xếp liền nhau 000, đặt số 3 phía trước thành ra 3.000 công-quả vậy.

Nhà Phật nói: Sắc tức thị không (tạo ra cho có mà không cần tính-toán), không tức thị sắc (dù không tính-toán nhưng mình đã hoàn-toàn phụng sự thì đã có làm rồi, có công rồi) là thế đó.

Bấy giờ qua ba cấp tu-hành, tức là mỗi một cấp bực cũng phải thực-hiện được 3.000 công-quả như vậy thì sẽ hưởng được một công-quả xứng đáng tính ra là có đến 9.000 công-quả với thiêng-liêng thì sẽ được hưởng “quả Đào Tiên 9.000 năm” của Phật-Mẫu đó vậy.

Số 9 cũng là đường về của người tu đắc Đạo (xem Bát-quái Hư-vô)

5- Sự liên-quan giữa Diêu-Trì-Cung và Hiệp-Thiên-Đài

Đức Hộ-Pháp nói:

“Buổi đầu thâu Thập-Nhị Thời-Quân đủ rồi mới mở Đạo. Tại sao phải có đủ Thập-Thị Thời-Quân?

- Bởi Thập-Nhị Thời-Quân là của Hiệp-Thiên-Đài là cơ Pháp. Nguồn cội của Pháp đã biến sanh ra vạn-vật. Phật là trước, rồi mới Pháp là thứ, kế Tăng hiệp lại thành ba ngôi.

Trong PHÁP ấy xuất hiện PHẬT-MẪU kế tới vạn-linh. Vì cớ cho nên Diêu-Trì-Cung cùng Hiệp-Thiên-Đài có tình mật-thiết cùng nhau về một căn-cội Pháp để vận-hành nguơn-khí tạo ra vạn-linh”

Thập-Nhị Thời-Quân với Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Bần-Đạo (Hộ-Pháp).

Trong 15 người thì có 4, 5 người lãnh lịnh mà thôi. Đức Chí-Tôn kêu anh Thượng-Phẩm lãnh trách-nhiệm lo cứu thế, kế anh qui Thiên, để lại cái gánh nặng-nề cho Bần-Đạo. Bần-Đạo đã thường nói:

- Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài của Giáo-Tông.

- Hội-Thánh Phước-Thiện của Hộ-Pháp, tức là Hiệp-Thiên-Đài đó vậy. Hội-Thánh Phước-Thiện là thay thế cho Hiệp-Thiên-Đài lo cứu khổ để giải khổ cho toàn nhân-loại”.

6- Đức Phật-Mẫu độ ai trước nhất?

Đức Phật-Mẫu nói: “Thiếp vì cảm-tình xưa mà phải chính mình đến cùng Cửu-Nương giúp cho hiểu mọi điều.

Diêu-Trì-Cung đã thượng sớ lên Chí-Tôn. Bảo-Đạo Chơn-Quân kiện nơi Ngọc-Hư-Cung. Thiếp còn nhớ khi đến dìu-dắt chư Đạo-hữu vào đường Đạo. Phải nói Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ thì Thiếp đã nói vì tình riêng của mấy Đấng Chơn-Quân đến lo cứu độ chớ không phận-sự chi trong lúc này và cũng bởi lịnh Chí-Tôn sai khiến, chắc rằng không phải Thiếp mở Đạo thì không phương hành-đạo đặng.

Khi Thiếp mở Đạo thì độ ai? Có phải là cả Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài không? Các Chơn-Quân thiệt tình của Thiếp là ai chăng?

Cười! ôi, cũng bởi nơi Thiếp mà chư Hiền-hữu phải chịu hành-hà phàm xác, khổ-não muôn phần.

Chí-Tôn đã hứa khi ấy với Thiếp rằng: Thế nào cũng nâng-đỡ chư Hiền-hữu, chẳng cho ai ỷ lộng quyền mà lấn hiếp. Thiếp mới đến khai Đạo cho chúng-sanh đặng phụ-mẫu song toàn. Nào dè, vì lòng Đại-Từ-Bi quá thương nhân-loại, đành để chư Hiền-hữu chịu hành-hà đến đỗi Thiếp đã dâng sớ cầu xin Chí-Tôn lượng xét, còn Bảo-Đạo kiện cùng Ngọc-Hư-Cung những kẻ vô Đạo của Cửu-Trùng-Đài.

Thiếp đã thấy chán-chường, Lý Thái-Bạch muốn lo Hòa đặng Đạo thành, nên đã nhìn-nhận tội-lỗi nhiều người, nhưng vì công dày nên không đành để Thiên-điều định án, buộc phải nạp những kẻ ấy cho Tòa Tam-giáo. Lý Thái-Bạch đành nhận quyền của Hiệp-Thiên-Đài từ đây, không ai chối cải nữa cho đặng”.

Tại sao Đức Phật-Mẫu lại độ Hiệp-Thiên-Đài trước?

“Vì Phật-Mẫu ban sơ đến Hiệp-Thiên-Đài làm Mẹ của chữ KHÍ tức là khí sanh vạn-vật. Lấy nguơn-pháp trong chữ Khí biến thành càn-khôn vũ-trụ, nên Phật-Mẫu trước đến Hiệp-Thiên-Đài thuộc Pháp, tức là tòa ngự của Người, rồi sau mới lập Cửu-Trùng-Đài”.

7- Nhiệm-vụ của Thời-Quân được Ngài Khai Pháp giáng cơ xác nhận

"Ngày Bần-Tăng về Chí-Tôn mới rõ quyền-năng Thiên-triều vô biên. Chính Bần-Tăng rón-rén bước vô Bạch-Ngọc-Kinh phải nhờ chơn-linh Vi-Hộ dẫn tấn. Từ đây mới biết Chí-Tôn phần nào và được thấu-đáo nhiệm-vụ của Thời-quân, chẳng những nơi thế-gian này mà còn nơi cõi Thiên nữa. Như thế mới khiếp sợ trách-vụ mình.

Nếu quí vị được thấy thì tưởng không còn muốn ở cõi trần nữa làm gì. Vậy Bần-Tăng ước mong quí Bạn Thời-Quân dòm về hướng Chí-Tôn để rộng quyền làm tròn Thiên-soái-mạng”.

8- Vai-trò Ba chi của Hiệp-Thiên-Đài

Ảnh dưới đây là nơi thờ Chư vị Chức-sắc Đại Thiên-phong Hiệp-Thiên-Đài.

 

 

“Khi mở cửa bí-pháp ấy Chí-Tôn để trọn quyền cho Diêu-Trì-Cung thay quyền cho Cửu-Phẩm Thần-Tiên cùng Phật-vị.

Đối chiếu lại là Hiệp-Thiên-Đài thay quyền cho Vạn-linh: Pháp, Đạo, Thế.

- Pháp thì Hộ-Pháp.

- Đạo thì Thượng-Phẩm.

- Thế thì Thượng-Sanh.

Ngôi vị của Tam quyền, có thể đã định sẵn là: Đạo bên tay mặt, Thế bên tay trái (của Hộ-Pháp), còn Pháp thì tại trung-ương.

Vậy thì Khai-Pháp đặng quyền ngồi chính giữa. Một ngày kia nếu cả thảy qui vị thì cũng sắp như thế. Thiên-Tôn xem lại địa-vị của họ nơi Đền-Thánh mà sắp thì đúng chơn-pháp”.

Ngài Hiến-Pháp nhận-định về ba vị Chưởng-quản ba chi của Hiệp-Thiên-Đài:

“Từ ngày lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đến nay, hệ-thống tổ-chức của Tòa-Thánh Tây-Ninh đều căn-cứ vào luật-pháp chơn-truyền mà lập thành Hội-Thánh, trên có một vị Chức-sắc cao cấp nhứt trong Đạo cầm quyền thống-lãnh toàn Đạo như Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc, kế đến Đức Thượng-Phẩm Cao-Quỳnh-Cư và Đức Thượng-Sanh Cao-Hoài-Sang.

Tưởng cũng nên hình dung lại sứ mệnh và hành-trình của các Ngài:

- Đức Phạm Hộ-Pháp thuộc về chi Pháp. Ngài đã phán-quyết với một đức tính công-bình đi đôi với lòng thương-yêu vô tận; gắn liền trên mọi hình-thức lồng trong những bài Thuyết-đạo làm cho nhơn-sanh rất thỏa-mãn và tận tâm phục-vụ theo thuyết-định của Đức Ngài, không biết đến bao giờ quên được công đức của đức Ngài vậy.

- Đức Cao Thượng-Phẩm thuộc về chi Đạo: Ngài đã về trước nơi Thiêng-Liêng Hằng-Sống, lưu lại cho Đạo một khối tinh-thần cao-thượng vô biên, là sự xây dựng đầu tiên biết bao khổ-hạnh, thử-thách; nhưng Đức Ngài không nản, quyết tâm tạo cho được một nguồn hạnh-phúc chung cho Nhơn-sanh tức là Đạo-nghiệp ngày hôm nay.

- Đức Cao Thượng-Sanh thuộc về chi Thế: là một gương-mẫu tinh-hoa của thế gian. Sự Từ bi, Bác-ái của Đức Ngài được nung-nấu và in sâu trong tâm-hồn của toàn Đạo. Từ tư-tưởng phát sinh ra hành-động được mô-tả trong văn thi, kinh điển để lưu lại cho thế-nhân một sự dung-hòa rất hữu-ích cho việc tu thân và trong trường-hợp tiếp nhân xử kỷ.

Đức Chí-Tôn đã dùng ba vị Tướng-soái sẵn có những báu vật vừa đức-tin vừa đức tánh qui-tụ lại thành một tinh-thần tối cao, tối trọng biểu-tượng nên một hệ-thống giá-trị đạo-đức có thể nói là một lập-trường thương-yêu vững-chắc để bảo-đảm hạnh-phúc chung cho nhân-loại.

Giờ đây ba vị Tướng-soái đã triều-thiên, nên mới đến vai-tuồng của Thập-Nhị Thời-Quân phải đảm-đương trọng-trách cầm quyền Chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài là quyền tối cao của Hội-Thánh đương kim. Điều ấy cũng do theo công-lệ “tiền tấn hậu kế”.

 

 

9- Số 12 thành hình là do 9+3

Chín là cơ vận-chuyển, 3 là 3 ngôi.

Lấy 3 ngôi hiệp vào cơ vận-chuyển tức là cơ qui nhứt. Nắm cả các pháp trong tay, mà người nắm pháp ấy là chúa-tể càn-khôn vũ-trụ, nên Thầy có nói số 12 là số riêng của Thầy.

Số 3 cũng nằm trong qui luật: Tý, Sửu, Dần, đứng đầu trong 12 chi.

Khi trời đất chưa khai, là một khí không không. Sau khi định hội Tý thì gọi là vô-danh thiên địa chi thủy, thế nên khi tạo trời gọi là “Thiên khai ư Tý”

Đất thành hình là thời-kỳ “Địa tịch ư Sửu” còn gọi là “hữu danh vạn-vật chi mẫu” tức là có tên gọi, muôn vật có hình bắt đầu thọ nơi Mẹ hóa sanh.

Nay đến hội tam-kỳ kết-quả của thời “Nhơn-sanh ư Dần” do vậy mà Cao-Đài Đại-Đạo ra đời để độ hết quần-linh về cõi Niết-Bàn, chẳng để một điểm chơn-linh nào ở miền Đông-độ, gọi là thời-kỳ đại ân-xá lần ba.

Do vậy số 3 là cơ-quan hữu tướng cùng vô tướng hiện có ở trong càn-khôn vũ-trụ này, kết hợp với số 9 là một con số huyền-diệu, nó là cơ chuyển biến đến mực độ toàn tri, toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ để trở về cơ qui nhứt. Nó cũng là hình ảnh của ngôi Thái-cực đứng trước luật âm dương thì thấy rõ quyền-năng Chưởng-quản trong đó. “12 là con số riêng của Thầy”.

Thế nên trong Bàn Hội-Yến lúc nào cũng có đủ ba chi Pháp (Hộ-Pháp), Đạo (Thượng-Phẩm), Thế (Thượng-Sanh).

Lúc các Ngài còn sanh tiền hay khi tất cả các Ngài đều qui Thiên cũng vậy, cũng biểu-tượng đủ con số 12, tức là 9 vị Nữ Tiên và 3 vị Hiệp-Thiên-Đài. Ngay trong buổi này các Ngài đã qui Thiên rồi thì trong buổi Hội-Yến Diêu-Trì-Cung có các bài thài để cúng tế.

Thiên-mạng của Thập-Nhị Thời-Quân ra sao?

Ngài Bảo-Pháp cầu hỏi Thầy

(tháng 7 Mậu-Thìn dl 8-1928).

Đức chí-Tôn giáng cơ trả lời:

“Trọng lắm! Mà bây giờ chưa có chi cho lắm, chớ Thập-Nhị Thời-Quân ngày nào có công việc rồi, các con sẽ thấy công việc của các con lớn-lao là dường nào! Rất đỗi ở thế một viên chức nhỏ như Chủ tỉnh còn nhiều quyền-hành rộng lớn thay! Huống chi các con là BẢO, HIẾN, KHAI, TIẾP cả toàn cầu, thì trách-nhậm phải làm sao thì các con cũng hiểu. Nhưng Thầy chưa phân định vì các con chưa tới kỳ hành sự đó”.

 

D- Lý-do Thầy chia hai cơ-quan hữu-hình:
Hiệp-Thiên-Đài và Cửu-Trùng-Đài

1- Về mặt hữu-hình:

Đức Thượng-Phẩm cho biết:

“Các em cũng dư hiểu rằng các giáo-lý từ xưa đã bị thất-kỳ-truyền là tại Môn-đồ của họ không chịu đặt mình trong khuôn viên Luật-Pháp của giáo-lý ấy.

Nếu một thời-kỳ mà một giáo-lý đã thất chơn-truyền thì đem đến cho nhơn-sanh biết bao tang-thương biến đổi!

Cũng vì lẽ ấy mà nay Đức Chí-Tôn giáng trần lập Đạo, lại chia hình-thể của Ngài ra hai phần để có phương kềm-thúc nhau trên bước đường lập vị.

- Phần Cửu-Trùng-Đài chuyên về mặt giáo-hóa nhơn-sanh,

- Còn phần của Hiệp-Thiên-Đài thì lo về mặt luật-pháp để bảo-thủ chơn-truyền của Đạo. Nhờ đó nền Thánh-giáo của Đức Chí-Tôn khỏi phải qui thành phàm-giáo.

Cũng vì lẽ quyền-hành riêng biệt ấy mà khiến cho hai bên thường có phản khắc Đạo-quyền, bởi tánh phàm thường hay có phạm những lỗi-lầm mà chẳng chịu phục thiện đặng cải sửa cho trở nên tận thiện. Các em đâu hiểu rằng Chí-Tôn giao quyền sửa trị Chức-sắc, chức việc và toàn Đạo nam, nữ cho bên Hiệp-Thiên-Đài là Thánh-ý Đức Chí-Tôn muốn dùng hình phàm đặng làm cho giảm bớt tội vô-hình. Nếu ai chẳng thận-trọng để cho phạm vào luật-pháp mà chẳng chịu pháp sửa trị của Hiệp-Thiên-Đài thì rất uổng cho một kiếp tu mà không trọn phận và đến khi rời bỏ xác phàm rồi làm sao có cơ hội lập công nữa! Mà một khi không lập công-quả được nữa thì tội án đã phạm làm sao chuộc được; rồi mãi bị trầm-luân khổ hải cả đời đời.

Vậy các em khá nhớ lời Bần-Đạo dặn mà giữ mình cho tròn phận trong lúc Tam-Kỳ Phổ-Độ này. Thêm nữa các em nên nhớ: Hễ khi các em đã vô tình hay cố ý mà phạm vào luật-pháp thì hãy vui-vẻ để cho luật-pháp sửa trị đặng khỏi vướng tội vô-hình.

Còn những người được lịnh Hiệp-Thiên Đài để sửa trị các em là những người ơn của các em, chớ không phải người thù theo tánh phàm của nhơn-sanh đã tưởng.!"

2- Về mặt tinh-thần đạo-đức: Lập quốc cho nòi giống Việt-Nam

Đức Ngài dạy tiếp “Đời là một sân-khấu hí-trường, mọi sự đều phải thay đổi, chớ nên lấy đó làm mục-đích chánh để noi theo, vì đã nói rằng: một sân-khấu hí-trường thì trong đó đủ đào kép và ông bầu, dầu hay dầu dở thì bổn-phận họ cũng làm cho rồi để cho kẻ khác lên thay thế, đặc-sắc hơn và hay-ho hơn.

Hiện các em đã thấy biết bao nhiêu màn đời thay đổi liên-tiếp mà những màn ấy cũng chẳng làm cho dân Việt-Nam được hưởng cảnh Thái-bình. Càng thay đổi càng làm cho dân-chúng Việt-Nam thêm hoang-mang, hồi-hộp và cảnh tương-tàn, tương-sát của Việt-Nam cũng chưa thấy giảm bớt chút nào mà lại càng tăng thêm cực độ.

Các em biết tại sao vậy không? Nói nghe thử?

-Trúng!... Nhưng còn thiếu một chút là dân Việt-Nam chưa được mãn nguyện cho sự lãnh-đạo của những bậc giả thương dân-chúng đó vậy.

Vậy có câu “Dĩ đức phục nhơn”, tức là lập hòa-bình bằng nhơn-đức, mà chính các vị lãnh-tụ không thật-hành được mảy-may nào cả thì đừng trông chi họ đem hạnh-phúc và nguyện-vọng chơn-chánh đến cho dân-chúng được. Dầu cho phải thay màn như vậy nữa dân-chúng Việt-Nam chắc-chắn không bao giờ đạt vọng được cũng vì sự bất lực của quyền đời như vậy.

Mọi sự biến-chuyển đều do Đức Chí-Tôn, còn sự lập đời thái-bình cũng do Đức Chí-Tôn định-phận cho các bậc Thiên-mạng rồi thì còn chi mà khó nữa, chỉ đi đúng chơn-truyền của Đạo và trọn tuân lịnh Đức Hộ-Pháp thì xong mọi việc. Các em cũng đã hiểu rồi!

Về việc lập quốc cho nòi giống Việt-Nam, mặc dầu địa thế của nó nhỏ, nhưng sẽ được các liệt-cường trợ giúp cho nó thành một nước độc-lập hoàn-toàn mà lại còn là trụ cốt thái-bình cho Vạn-quốc nữa.

Vì chính nước Việt-Nam đã được Đức Chí-Tôn định làm Thánh-địa; mà đã nói là Thánh-địa tức nhiên nó phải có chút ảnh-hưởng của Đạo Cao-Đài quyềt-định, không dựa vào hình-thức nào hay là chút ảnh-hưởng văn-minh của một liệt-cường nào cả.

Vì sự tiền định khéo-léo và cao-trọng như thế mà ĐẠO CAO-ĐÀI sẽ được vi chủ về mặt tinh-thần để chấm dứt cuộc chiến-tranh tàn-khốc của hoàn-cầu.

Theo thế thường đời càng gay mà muốn lập lại đời thái-bình thì phận-sự của Đạo lại càng thêm khó nhọc và nặng-nề.

Vậy các Thiên-mạng phải cố tâm trì chí, đứng trọn trong khuôn-khổ Đạo thì mới được dễ-dàng để bước qua những trở-ngại trên phận-sự mà thành-công một cách mỹ-mãn.

Các em cứ đặt trọn đức-tin nơi Đạo rồi thì mọi việc như ý.

Cần nhứt là các Bạn Thiên-mạng phải làm khác hơn thế tình thì mới được đa nghe!”

Trong buổi tiền khai Đại-Đạo (1925) Đức Lê-văn-Duyệt cũng đã gieo niềm tin qua bài thi:

THI

Nước nhà ta có tiếng anh-phong,
Vẻ đẹp trời Đông sắc Lạc-Hồng..
Nam-hải trổ nhiều tay Thánh-Đức,
Giao-châu sanh lắm mặt anh-hùng.
Tinh-trung lửa thét thành Bình-Định,
Khí liệt gươm đề tỉnh Quảng-đông.
Văn-hiến bốn ngàn năm có sẵn,
Chi cần dị chủng đến dâng công.

Lê-văn-Duyệt

Thế rồi Đức Hộ-Pháp cũng cho biết rằng:

“Thầy đến lập cho nước Việt-Nam này một nền Quốc-Đạo, Đức Chí-Tôn mở ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ chớ không phải mở Đạo Cao-Đài. Đại-Đạo nay là Quốc-Đạo. Nền Quốc-Đạo, Ngài qui-tụ tinh-thần đạo-đức, trí-thức toàn nhân-loại cho đặc biệt: có cao, có thấp, có hàng ngũ, có phẩm-vị; còn về phần xác thịt của loài người, mạng sống trước mặt Ngài, không ai hơn ai, cả thảy sống đồng sống, chết đồng chết đặng đem Quốc-Đạo làm môi-giới cả Đại-Đồng đặng tạo tương-lai loài người cho có địa-vị oai-quyền cao-thượng. Nếu hiểu đặng thì Thánh-thể cũng vậy.

Trọng-yếu của Ngài là thâu mấy vị Tông-đồ có sứ-mạng trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đã giáng-sanh trước đặng làm môi-giới độ Đạo sau này. Đức Chí-Tôn dạy phò-loan đặng Ngài dùng quyền-năng thiêng-liêng kêu gọi mấy vị Tông-đồ đó. Quả nhiên chẳng bao lâu có đủ THẬP NHỊ THỜI-QUÂN hiển-hiện ra, trong số các vị Thời-quân ấy có Cao Tiếp-Đạo ở tại Kiêm-biên (Kampuchia) chớ không phải ở Sài-Gòn. Đi thâu Thập-Nhị Thời-Quân xong rồi Đức Chí-Tôn mới mở Đạo."

Đức Chí-Tôn lập Đạo trong buổi Hạ-nguơn này thể hiện cơ tuần-huờn châu nhi phục thủy, Tôn-chỉ lấy Tam-giáo qui-nguyên Ngũ-chi phục-nhứt để đưa nhân-loại đến Đại-Đồng. Lấy theo nguyên-lý của vũ-trụ thì:

Thiên khai ư Tý trời khai vào hội Tý

Địa tịch ư Sửu đất thành hình ở hội Sửu

Nhơn sanh ư Dần có nhơn-loại vào hội Dần.

Cho nên buổi khai Đạo này Đức Chí-Tôn phái ba tướng-soái đến trong cửa. Hiệp-Thiên-Đài đứng đầu ba chi Pháp, Đạo, Thế, thì:

- Đức Thượng-Phẩm Cao-Quỳnh-Cư chưởng-quản chi Đạo, tuổi Mậu-Tý (1888). Qui thiên ngày 1 tháng 3 năm Quí-Tỵ (1929).

- Đức Thượng-Sanh Cao-Hoài-Sang chưởng-quản chi Thế, tuổi Tân-Sửu (1901). Qui thiên ngày 26 tháng 3 năm Tân-Hợi (1971)

- Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc chưởng-quản chi Pháp, tuổi Canh-Dần (1890). Qui thiên ngày 10 tháng 4 năm Kỷ-hợi (1959). Ngoài ra Đức Ngài còn là Giáo-chủ của nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ này về mặt hữu-hình nữa.

“Đạo thành do ba người” chính là ba vị Tướng-soái của Chí-Tôn đó vậy.

 

E- Tại sao Đức Chí-Tôn ngự nơi Bát-Quái-Đài?

Đức Thượng-Phẩm cầu hỏi Thầy:

- Bạch Thầy: Thập-Nhị Thời-Thần là con số của Thầy, vậy theo lẽ nơi thờ Thầy phải là Thập nhị chi đài mới phải, nhưng lại thờ Thầy nơi Bát-Quái-Đài là sao?

- Thập-Nhị Thời-Thần tức là Thập-nhị thiên chi cùng với Thập thiên can đều do nơi Bát-Quái-Đài mà có, vì cớ cho nên Chí-Tôn phải ngự trên Bát-Quái-Đài.

Hỏi: Có phải Ngọc-Hư-Cung là nơi của Đức Chí-Tôn ngự và bảo thủ luật-pháp của Bát-Quái-Đài không?

- Bát-Quái-Đài là nơi của Đức Chí-Tôn ngự đặng ban bố quyền-năng, còn Ngọc-Hư-Cung là nơi của Đức Chí-Tôn nắm chủ-quyền của càn-khôn vũ-trụ. Vậy thì Bát-Quái-Đài là một tượng trưng của Bạch-Ngọc-Kinh để Đức Chí-Tôn chuyển quyền-năng mà trị thế.

Hỏi: Luật của Bát-Quái-Đài, của Thập thiên can; mặt luật nào áp-dụng với chơn-linh, mặt luật nào áp-dụng với chơn-thần?

- Luật của Bát-Quái-Đài chỉ áp-dụng với nguyên-linh, còn chơn-thần do thập thiên can bao-hàm mà chuyển ra chơn-khí đặng biến thể thành chơn-tinh. Khi Chí-Tôn và Phật-Mẫu đã giáng Tinh thì giao cho Thập thiên chi điều-dẫn.

Hỏi: Thưa Đức Ngài, còn Thập-Nhị Thời-Thần áp dụng vào con người, ở nơi con người có tuổi Tý, Sửu, Dần... có phải?

- Phải!

Hỏi về Bát-quái-Đồ-Thiên?

- Ở trong Bát-quái có 4 cung chánh và 4 cung phụ, mỗi cung chánh có một chi, mỗi cung phụ có hai chi:

Đây là 4 cung chánh:

* Cung Ly thuộc hướng Bắc, có chi Tý (tháng11)

* Cung Khảm ở hướng Nam, có chi Ngọ (tháng 5)

* Cung Chấn ở hướng Đông, có chi Mẹo (tháng 2)

* Cung Đoài, hướng Tây chi Dậu (tháng 8).

Sau đây là 4 cung phụ:

* Khôn ở Tây-Bắc có 2 chi: Tuất, Hợi (tháng 9, 10)

* Càn ở Tây-Nam có 2 chi: Mùi, Thân (tháng 6, 7)

* Cấn ở Đông-Nam có 2 chi: Thìn, Tỵ (tháng3, 4)

* Tốn ở Đông-Bắc có 2 chi: Sửu, Dần (tháng 12, 1)

 

 

Trên đây là Bát-quái Đồ-thiên, phương hướng hoàn-toàn khác hẳn với Bát-quái Hậu-thiên. Bởi trục đứng ở đây là Đông Tây, trục ngang là Bắc Nam.

Bát-quái Đồ-thiên thì Bắc là Ly, Nam là Khảm, nghịch chuyển, khởi từ cung Càn.

* Pháp là chủ của vạn-linh:

Kinh Phật-Mẫu có câu:

Thiên-cung xuất vạn-linh tùng Pháp,
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh

“Bởi do nơi Pháp, vạn-linh mới chủ tướng biến hình, do nơi Pháp mới sản-xuất vạn-linh, cả huyền-vi hữu-hình Đức Chí-Tôn tạo Đạo do nơi Pháp, chúng ta biết Pháp thuộc về hình-thể của vạn-linh, vì cớ cho nên Đạo-giáo minh-tả rõ-rệt Tam-châu Bát-bộ thuộc về quyền Hộ-Pháp.

Đức Hộ-Pháp nói:

“Bần-Đạo khởi giảng cho hiểu tại sao Đức Chí-Tôn mở Tam-Kỳ Phổ-Độ gọi là mở cơ-quan tận-độ chúng-sanh?

… Mở cơ-quan tận-độ chúng-sanh tức nhiên là lập một khoa thi sang Tam chuyển tái phục thiêng-liêng-vị nơi cảnh vô-hình. Mỗi chuyển tức nhiên mỗi khoa-mục của các đẳng chơn-hồn cần phải thi đặng đạt vị: thăng hay đọa.

Bởi thế cho nên Đức Chí-Tôn gọi là trường thi công-quả là vậy. Đức Chí-Tôn cho HỘ-PHÁP và THẬP NHỊ THỜI-QUÂN đến cốt-yếu để mở cửa bí-pháp ấy đặng cho vạn-linh đoạt vị. Cả thảy đều hiểu rằng Đức Chí-Tôn buổi ban sơ chưa khai thiên lập địa, Ngài muốn cho vạn-linh đặng hiệp cùng Nhất linh của Ngài do quyền-năng sở hữu của quyền-hạn Thần linh.

Ngài vừa khởi trong mình quyết định thi hành điều ấy thì Ngài nắm cái Pháp. Trước Ngài chỉ là Pháp, vì cớ cho nên ta để Phật tức nhiên là Ngài, kế thứ nhì là Pháp, hễ nắm Pháp rồi Ngài phán-đoán vạn-vật thành hình; Ngài muốn vạn vật thành hình tức nhiên Tăng. Cả vạn-linh đều đứng trong hàng Tăng ấy. Bởi do nơi ấy mới chủ tướng biến hình.”.

 

F- Quyền-hành của Hộ-Pháp
đối với Tam châu Bát bộ ra sao?

1- Sao gọi là Tam châu?

“Trong Tứ đại Bộ châu ở phần thiêng-liêng thì Hộ-Pháp nắm ba châu: Đông thắng thần châu, Tây Ngưu hạ châu, Nam-thiệm bộ châu, đều thuộc về quyền-hạn của Hộ-Pháp; còn Bắc cù Lư châu để cho các phần chơn-hồn quỉ vị họ định phận tại nơi đó, định nơi cư trú tại đó. Họ có một quyền-năng vô định chẳng cần chỉ giáo, để đặc biệt một châu cho quỉ-vị ăn-năn tu học đặng đoạt vị.

Ba bộ châu kia do quyền-hạn của Hộ-Pháp giáo-hóa, duy có Bắc cù lư châu Ngài không thường ngó tới lắm, để cho họ tự-do làm gì thì làm: khôn nhờ dại chịu.

2- Bát bộ là gì?

Là nơi Bát phẩm chơn-hồn chớ có chi đâu! Tám hồn là: vật-chất hồn, thảo-mộc hồn, thú-cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên Hồn, Phật hồn. Tám bộ ấy thuộc quyền HỘ PHÁP THIÊN-VỊ nơi Đức Chí-Tôn gọi đến tạo cơ-quan tận-độ chúng-sanh không còn ai khác hơn Hộ-Pháp. Chính Hộ-Pháp trách-nhiệm ấy.

 

G- Quyền-hành của 12 Thời-Quân

1- Bốn vị thời-quân chi Pháp

dưới quyền Hộ-Pháp khi đặng lịnh Người sai đi hành-chánh, song mỗi vị có một phận-sự riêng, quyền-hành riêng, là:

Tiếp-Pháp: là người tiếp luật-lệ, đơn trạng kiện thưa, có quyền xét-đoán, coi có nên phân định hay chăng, những điều nào không đáng thì chiếu theo Đạo-luật, hoặc bỏ qua hoặc trả lại cho Cửu-Trùng-Đài, còn như đáng việc phải phân-định thì phải dâng lên cho Khai-Pháp định-đoạt.

Khai-Pháp: khi tiếp đặng luật-lệ, đơn trạng kiện thưa của Cửu-Trùng-Đài định xử hay là đã xử nơi Tiếp-Pháp dâng lên, thì quan-sát coi nên cho cả Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài biết cùng chăng. Như đáng việc thì tức cấp nhứt diện tư tờ cho Cửu-Trùng-Đài xin đình-đãi nội-vụ lại bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện trình cho Hộ-Pháp hay đặng Hộ-Pháp mời nhóm Hiệp-Thiên-Đài. Khi hội Hiệp-Thiên-Đài thì Khai-Pháp phải khai rõ nội vụ ra cho Hiệp-thiên đài quyết-định phải sửa cải luật-lệ hay là buộc án thì Khai-Pháp phải dâng lại cho Hiến-Pháp.

Hiến-Pháp: khi tiếp đặng luật-lệ, đơn trạng thì phải mở đường tra-vấn cho minh lẽ nên hư, phải trái, đủ chứng cứ rõ-ràng rồi dâng lên Bảo-Pháp cho đủ nội-vụ. Cấm Hiến-Pháp không đặng thông-đồng cùng Hiến-Đạo và Hiến-Thế. Ấy vậy kể từ việc chi đã giao vào tay Hiến-Pháp rồi thì đã ra bí-mật, dầu cho Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài cũng không đặng biết tới nữa.

Bảo-Pháp: thì gìn-giữ sự bí-mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ đoán xét và định án chiếu y luật Đạo rồi dâng lên cho Hộ-Pháp đặng Người phân xử. Bảo-Pháp là người Đầu-phòng-văn của Hộ-Pháp.

2- Bốn vị Thời-quân của chi Đạo

đồng quyền cùng Thượng-Phẩm khi ngươi ban quyền hành-chánh, song mỗi vị có phận-sự riêng, quyền-hành riêng, là:

Tiếp-Đạo: là người tiếp cáo-trạng, án tiết thì phải quan-sát trước coi có oan-khúc chi chăng, đáng ra binh-vực thì phải dâng lại cho Khai-Đạo.

Khai-Đạo: khi đặng tờ kêu-nài, cầu rỗi; thì liệu như đáng rỗi, phải nhứt diện tư tờ qua cho Tòa Tam-giáo Cửu-Trùng-Đài xin đình án bao lâu tùy ý, song chẳng đặng phép quá 15 ngày, nhứt diện tư tờ cho Hộ-Pháp cầu nhóm đại-hội Hiệp-Thiên-Đài đặng định liệu, như phải đáng bào-chữa thì Khai-Đạo phân-giải giữa Hội cho ra lẽ oan ưng. Hiệp-Thiên-Đài cho lịnh thì mới dâng nội vụ lên cho Hiến-Đạo.

Hiến-Đạo: khi đặng tờ chi của Khai-Đạo dâng lên tức cấp phải tìm biết nguyên-căn cho rõ ràng; cấm, không cho Hiến-Đạo thông-đồng cùng Hiến-Pháp và Hiến-Thế. Sự chi đã vào tay Hiến-Đạo rồi thì đã ra bí-mật, dầu cho Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài cũng không đặng biết tới nữa.

Bảo-Đạo: phải gìn-giữ bí-mật ấy cho kín nhiệm, làm tờ lý-đoán binh-vực chiếu y luật Đạo rồi dâng lên cho Thượng-Phẩm đặng Người lo phương bào-chữa. Bảo-Đạo là người làm Đầu phòng-văn của Thượng-Phẩm. Thượng-Phẩm và tứ vị Thời-Quân của chi Đạo phải thề giữ dạ vô tư mà hành-chánh.

3- Bốn vị Thời-quân của chi Thế

Mỗi sự chi về đời thì quyền của Thượng-Sanh. Dưới quyền của Thượng-Sanh có 4 vị Thời-Quân. Bốn vị Thời-Quân chi Thế đặng đồng quyền cùng Thượng-Sanh khi Người ban lịnh hành chánh, song mỗi vị có quyền-hành riêng, phận-sự riêng, là:

Tiếp-Thế: khi đặng Thế-luật hay là cáo trạng chi của ngoại-đạo cùng là của tín-đồ mà kiện thưa Chức-sắc Thiên-phong, bất câu là phẩm-vị nào phải dâng lên cho Khai-Thế.

Khai-Thế: khi tiếp đặng đơn trạng chi chi của Tiếp-Thế dâng lên, thì phải kiếm hiểu các nguyên-do coi có đáng buộc án cùng chăng, như đáng thì nhứt diện tư tờ qua Cửu-Trùng-Đài cho biết nội-vụ, nhứt diện dâng sớ cho Hộ-Pháp cầu Người mời hội Hiệp-Thiên-Đài đặng định-đoạt. Khi đặng lịnh của Hiệp-Thiên-Đài thì Khai-Thế phải dâng nội-vụ lên cho Hiến-Thế.

Hiến-Thế: khi tiếp đặng nội vụ của Khai-Thế dâng qua thì tức cấp phải tra xét cho đủ chứng cớ rõ-ràng rồi dâng lên cho Bảo-Thế. Cấm nhặt, không cho Hiến-Thế thông-đồng cùng Hiến-Pháp và Hiến-Đạo.

Mỗi việc chi hễ vào tay Hiến-Thế rồi thì đã ra bí-mật, dầu cho Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài cũng không biết tới nữa.

Bảo-Thế: phải giữ-gìn sự bí-mật ấy cho kín nhiệm, rồi chiếu y theo Đạo-Luật và Thế-Luật mà làm tờ buộc án, kế dâng lên cho Thượng-Sanh đặng Người đến Tòa Tam-giáo Cửu-Trùng-Đài, Hiệp-Thiên-Đài hay là Bát-Quái-Đài mà buộc tội.

Bảo-Thế là người Đầu-phòng-văn của Thượng-Sanh”.

Xem qua đồ hình ta thấy rằng: trong đó có các vị “Hiến” là đặc biệt nghiêm cấm: không được thông-đồng nhau trong vấn-đề cáo trạng, đơn từ.

Trong số Thập-Nhị Thời-Quân có ảnh hưởng rất nhiều đến việc thịnh suy, bĩ thới của nền Đại-Đạo, cũng như bốn mùa thay đổi trong năm, cũng có những cái tương khắc, tương sanh, tương hợp, thật là huyền-vi mầu-nhiệm mà chỉ có bàn tay của Thượng-Đế sắp đặt một cách tinh tường như vậy.

 

H- Vì sao Hiệp-Thiên-Đài
lại đặt phía trước của Đền-Thánh?

Theo lẽ ra ba Đài tượng-trưng Thần, Khí, Tinh:

- Bát-Quái-Đài là hồn, thuộc vô-hình, tượng cho Thần.

- Hiệp-Thiên-Đài là chơn-thần, thuộc bán hữu-hình, tượng cho Khí.

- Cửu-Trùng-Đài là xác, thuộc hữu-hình, tượng cho Tinh.

Điều đáng nói: Hiệp-Thiên-Đài là chơn-thần, tượng khí đứng làm trung-gian để cho hồn, xác hiệp một, nhưng sao Đền-Thánh biểu-tượng Bạch-Ngọc-Kinh tại thế lại đặt:

- Hiệp-Thiên-Đài ở trước.

- Cửu-Trùng-Đài ở giữa làm trung-gian.

- Bát-Quái-Đài đặt sau cùng?

Đáp: Đó là sự phân phẩm đặng khai mở Thiên-môn, rộng quyền phổ-độ, đặng tận-độ các vong-linh và các phẩm chơn-hồn vào Cửu-Thiên Khai-Hóa. Phải đến Thiên-môn trước rồi mới vào đặng Cửu-Thiên. Hồn nó không ở với xác mà ở ngoài xác, tương-sanh thì cần chi sau trước, chỉ là khinh cùng trọng mà thôi!

Hỏi: Nhưng nếu nói Hiệp-Thiên-Đài là chơn-thần làm trung-gian của xác và hồn thì Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài đứng ở giữa, nhưng thực-tế thì Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài lại đứng ở ngoài ngó vào Cửu-Trùng-Đài rồi đến Bát-Quái-Đài?

Đáp: Đức Hộ-Pháp trả lời cho Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài rằng: Nếu đứng giữa rồi ở ngoài họ đuổi thiên-hạ ra thì ai thấy dùm cho, nếu chơn-thần vắng mặt thì chắc xác không biết đường đi mà chớ!

Tất cả các Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài đều phải đứng để chầu lễ Đức Chí-Tôn trong các Đàn cúng, là vì Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài tượng-trưng chơn-thần, mà chơn-thần phải thường tại, tức là phải hằng sống; nếu để nó ngồi, không buộc nó đứng thì nó sẽ ngủ gục hay là chết.

Hỏi: Sau mỗi đàn cúng, sắp bãi đàn, bái lễ Đức Chí-Tôn đều hướng vào Bát-Quái-Đài. Xong, thì cả Chức-sắc, chức việc, Đạo-hữu xây lưng lại xá Bàn Hộ-Pháp (Xá chữ khí): Vì sao khi bãi đàn cả Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài xá đáp lễ lại?

Đáp: Cái xá ấy chẳng phải làm lễ trọng Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài từ lớn tới nhỏ, mà là xá chữ Khí.

Chữ Khí là nguồn cội của Pháp đã biến sanh ra vạn-vật.

Phật là trước, Pháp là kế, Tăng là tiếp theo.

Cái Xá ấy là kính đệ tam qui. Trong Pháp ấy xuất hiện Phật-Mẫu kế tới Vạn-linh. Vì cớ cho nên Diêu-Trì-Cung cùng Hiệp-Thiên-Đài có tình mật-thiết cùng nhau về một căn-cội Pháp để vận hành nguơn-khí tạo vạn-linh thì vị Hộ-Pháp do Di-Đà xuất hiện, rồi kế VI Hộ-Pháp và kế tiếp Long-Thần Hộ-Pháp cùng toàn bộ pháp-giới đương điều-khiển càn-khôn vũ-trụ cũng do nơi chữ Khí mà sanh sanh hóa hóa.

Chào chữ Khí là chào cả Tam qui thường bộ pháp giới tức là chào mạng sanh của chúng ta, chớ chẳng phải chỉ chào Hộ-Pháp Thập-Nhị Thời-Quân, Thập-Nhị Địa-Chi đã xuất hiện mà đang thi-hành sứ-mạng nơi Hiệp-Thiên-Đài, mà chào toàn thể vạn-linh đã sanh-hóa từ tạo thiên lập địa.

Đức Hộ-Pháp dặn xin nhớ và truyền-bá lời huấn-giáo này. Chính mình lầm hiểu là thất đức chớ chẳng phải người đảnh lễ là thất đức”.

Hỏi: Xin Đức Ngài giải dùm tại sao Thượng-Chưởng-Pháp lại mặc sắc trắng?

- Đó là bí-pháp riêng của Đức Chí-Tôn dùng trong cơ chuyển thế, chọn người thay thế hình-thể cho Ngài cầm đầu nhơn-loại. Về việc ấy giải rõ là loài người phải đi từ không trở về sắc tướng đặng tạo nghiệp vị, rồi trở lại Hư-Vô.

Phái Tiên-Đạo là phái giữ lập trường thi công-quả của sắc tướng.

 

 

Tòa-Thánh tạm xây dựng vào năm 1927

►Xem tiếp CHƯƠNG IV: >>>>>

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007