BÀI II:12 MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC CHÍ-TÔN
A- Duyên khởi
Ngày 9 tháng giêng năm Ất-Sửu (dl 21-2-1926) nhằm ngày vía Đức Ngọc-Hoàng Thượng-Đế. Quan phủ Vương-Quan-Kỳ có thiết đàn riêng tại nhà ông số 80 đường Lagrandière (bây giờ là đường Gia-Long).
Khi ấy quan phủ Ngô-Văn-Chiêu xin Thượng-Đế lấy tên mấy người đệ-tử mà cho một bài thi kỹ-niệm:
THI
CHIÊU, KỲ, TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
HẬU ĐỨC TẮC CƯ thiên địa cảnh,
Quờn, Minh, Mân đáo thủ đài danh.
12 chữ lớn ấy là tên 12 Môn-đệ đầu tiên của Thượng-Đế. Còn lại ba chữ nghiêng ở câu cuối là tên của ba vị hầu đàn.
Trong số 12 tên thì lại có 13 người, nhưng sau đó thì chỉ còn lại 12 người mà thôi. Bởi ông Chiêu đã tự ý lập Đạo vô-vi tách khỏi Tòa-Thánh. Trong câu nhì chữ Sang có hai vị: Cao-Hoài-Sang và Võ-Văn-Sang Thầy điểm chung một tên.
Cách ít ngày sau, Thượng-Đế giáng cơ dạy mấy ông: Trung, Cư, Tắc, Sang, Hậu, Đức phải hiệp với ông Phủ Ngô-Văn-Chiêu mà lo mở Đạo. Ngài lại dạy rằng mỗi mỗi phải do nơi ông Chiêu là Anh Cả. Gồm:
1- |
Ngô-Văn-Chiêu |
2- |
Vương-Quan-Kỳ |
3- |
Lê-Văn-Trung |
4- |
Nguyễn-Văn-Hoài |
5- |
Đoàn-Văn-Bản |
6- |
Cao-Hoài-Sang |
7- |
Võ-Văn-Sang |
8- |
Lý Trọng Quí |
9- |
Lê-Văn Giảng |
10- |
Nguyễn-Trung-Hậu |
11- |
Trương-Hữu-Đức |
12- |
Phạm-Công-Tắc |
13- |
Cao-Quỳnh-Cư |
|
|
Trong số người có tên kể chung là 13 người.
Giải-nghĩa bài thơ trên:
Câu 1: có chữ “Thầy” là ngôi Thái-cực là Thượng-Đế.
Câu 2: Thầy có nói “Chiêu kỳ trung độ dẫn hoài sanh” là dầu trẻ con trong bụng cũng phải độ.
Câu 3: Nguồn gốc của nền Đạo rất nên quí báu được truyến-bá cho nhơn-loại ắt thành quả.
Câu 4: Đức độ lớn sẽ được thiêng-liêng ban thưởng và đạt vị nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống.
Câu 5: Người có trí huệ được nêu tên trên đài danh-dự của cõi trời.
Trước đó là đêm 30 tháng chạp năm Ất Sửu (12 Février 1926) Thượng-Đế giáng cho mỗi người một bài thi, nhưng hôm ấy ông Ngô-Văn-Chiêu vắng mặt nên không có cho thi. Thử tìm về nguồn để biết tiểu-sử các bậc tiền khai Đại-Đạo:
1- Ông Ngô-Văn-Chiêu
Ông Ngô-Văn-Chiêu chỉ lo bề tự giác, ý của ông không muốn truyền-bá mối Đạo ra cho nhiều người. Ông vẫn lấy câu “Ngô thân bất độ hà thân độ” (tức là thân tôi chưa độ được hà tất độ được ai) làm tôn-chỉ. Vì vậy mà ông tách riêng ra từ ngày 14-3 năm Bính-Dần (dl 24-4-1926). Cùng một ý-kiến ấy có các ông Nguyễn-Văn-Hoài, Võ-Văn-Sang, Lý-Trọng-Quí.
Từ đây tuy đôi bên chủ-nghĩa khác nhau vì nhóm của ông Lê-Văn-Trung thì lo phổ-độ, còn nhóm của ông Chiêu thì lo bề tự-giác; nhưng về phương-diện tín-ngưỡng thì cũng đồng kỉnh thờ Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế.
Theo Đạo-Sử của bà Hương-Hiếu (ngày 21-10 Bính-Dần dl 26-11-1926) Thầy nói:
“Thầy cũng thương đó chút. Thầy đã nói cái lòng thương của Thầy hơn biếm trách, nên Thầy chẳng hề biếm-trách các con, ngặt trước quyền của Thần, Thánh, Tiên, Phật biết sao cứu rỗi cho đặng.
“Thầy lại phải làm thinh cho kẻ thì mất lẽ công-bình. Thơ nó tưởng Thầy giận mà nài xin tha-thứ. Thầy thì đặng còn chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mới nài sao? Nhất là Thái-Bạch Kim Tinh rất khó. Chiêu cũng vì vậy mà mất ngôi.
Các con chớ dễ ngươi mà phạm thượng nghe à!”
Trước đó thì chư Môn-đệ đồng quì lạy Thầy xin thứ tội cho ông Chiêu.
Ngày 24-4-1926 dương lịch, trích Đạo-Sử của bà Hương-Hiếu (trang 109):
“Chiêu đã có công tu, lại là Môn-đệ yêu dấu của Thầy nên Thầy muốn ban chức Giáo-Tông cho nó, song vì lòng ám-muội phạm đến oai-linh Thầy mà ra lòng bất đức chẳng còn xứng đáng mà dìu-dắt các con, nên Thầy cất phần thưởng nó, Thầy nhứt định để chức ấy lại mà đợi người xứng đáng, hay là Thầy đến chính mình Thầy mà dạy-dỗ các con”.
Tái cầu:
“Các con coi thử đó thì đã hiểu rằng Thầy thương-yêu nhơn-loại là dường nào. Cái vui của Thầy là đặng thấy các con hội-hiệp cùng nhau, thương-yêu nhau trong đạo-đức của Thầy, ai còn dám làm cho chia-lìa các con là đứa thù-nghịch của Thầy.
“Chiêu đã hữu căn, hữu kiếp: Thầy đã dùng huyền-diệu mà thâu phục, độ rỗi nó trước các con. Biết bao phen Thầy gom các Môn-đệ lại. Thầy sở cậy nó ấp-yêu dùm cho Thầy dường như gà mẹ ấp con. Song nó chẳng vâng mạng lịnh Thầy, lại đành lòng cắn mổ xô đuổi dường ấy, thì làm sao cho xứng đáng cái trách-nhiệm rất lớn của Thầy toan phú-thác cho nó. Các con đừng trông mong rỗi cho nó. Nghe và tuân mạng lịnh Thầy”.
Thầy dạy (đêm 14 rạng 15 tháng 3 năm Bính-Dần (25 và 26-4-1926):
“Chiêu, thiếu đức, thiếu tài.
“Trung, con sợ ai?
“Ta không sợ ai! Ta biết hơn ngươi. Ta há không biết thương sao?
“Ấy cũng vì thiếu đức. Nó đã biết Ta. Cứ tuân lời Thầy đã truyền mà thi-hành!
Ngày 26 Avril 1926: Cao-Đài,
“Chiêu, ngươi chẳng kiên lịnh Ta, Ai kiên? Ta chờ ngươi.
“Chiêu, ngươi chẳng thừa lịnh Ta, ai thừa lịnh?
“Ta đã nói ngươi làm đầu Tam-giáo, đã bao phen Ta lập Đạo sẵn cho, ngươi chê há? Ta đã sở định, ngươi dám cải:
“Chuyên quyền từ đó bỏ tuồng xưa,
“Nghe nịnh, nghe khen thói cũng chừa.
“Sám-hối Ta cho tu ít tháng.
“Tài hay, tài múa chớ đua lừa.”
Ông Bảo-Pháp viết quyển Đại-Đạo Truy Nguyên cũng có nói:
“Khi quan phủ Ngô-Văn-Chiêu trấn-nhậm tại Hà-Tiên (nhằm năm 1919) ông thường thiết đàn thỉnh Tiên để cầu thuốc cứu chữa bịnh-nhân cùng học hỏi về đường đạo-đức. Có một vị giáng cơ xưng là Cao-Đài Tiên-Ông thường kêu đích danh Phủ Chiêu mà dạy Đạo. Chư nhu hầu đàn thảy đều lấy làm lạ, vì thuở nay không hề thấy trong kinh sách nào nói đến Cao-Đài Tiên-Ông bao giờ, duy có một mình Quan Phủ Chiêu thông minh huệ-trí. Xem ý-tứ trong mấy bài thi Đức Cao-Đài giáng cơ, thì nhận chắc rằng Ngài là Cao-Đài Thượng-Đế giáng lâm. Từ đó ông Chiêu lại càng kính trọng Đức Cao-Đài hơn nữa và xin phép lập vị phượng thờ. Đức Cao-Đài bèn dạy vẽ Thiên-Nhãn mà thờ.
Kịp khi ông Chiêu thiên-nhậm về Sài-gòn, ông lựa trong bạn đồng-chí những vị nào có ít nhiều đạo-đức mà khuyên thờ Đức Cao-Đài và chuyên việc tu tâm dưỡng tánh. Chư vị ấy là Quan phủ Vương-Quan-Kỳ, ông phán Nguyễn-Văn-Hoài, ông Phán Võ-Văn-Sang, ông Đốc-học Đoàn-Văn-Bản.
Đó là mối Đạo mới bắt đầu phăn ra, song ông Chiêu vốn là người rất dè-dặt, nếu không phải là người đồng tâm mật-thiết thì không bao giờ ông khuyên việc tu-hành, vì vậy mà mối Đạo ít người biết rõ. (Đại-Đạo Căn Nguyên, trang 24-25)
Đức Hộ-Pháp cũng nói:
“Đi thâu Thập-Nhị Thời-Quân rồi Đức Chí-Tôn mới mở Đạo. Chừng đó Ngài mới chỉ cho chúng tôi biết rằng có một người thờ Ngài rồi là ông Ngô-Văn-Chiêu, tức nhiên Đức Chí-Tôn muốn thâu Ông làm Giáo-Tông đầu tiên đó. Có một điều lạ-lùng suy-nghĩ không ra nguyên-cớ là Đức Chí-Tôn biểu bà Nữ Chánh-Phối-Sư Hương-Hiếu may sắc phục Giáo-Tông cho Người, kỳ hẹn trong mười ngày Người sẽ được tôn làm Giáo-Tông, trong thời-gian mười ngày, chỉ có mười ngày mà thôi, chúng tôi không hiểu nguyên-cớ nào mà ông Ngô-Văn-Chiêu không hưởng được địa-vị ấy”. (ĐHP 13-10 Giáp-Ngọ 1954)
2- Bài thi cho ông Vương-Quan-Kỳ
Nhựt nhựt tân hề nhựt nhựt tân,
Niên đáo tân hề Đạo dữ tân.
Vô lao công-quả tu đương tác,
Niên quá niên hề Đạo tối-tân.
(AĂÂ)
Ông Vương-Quan-Kỳ (1880-1940) là người ở Chợ-lớn, cháu ngoại của nhà Nho yêu nước Huỳnh-Mẫn-Đạt, đậu Cử-nhân làm quan hai triều Minh-Mạng và Tự-Đức, rồi từ quan khi nhà Nguyễn ký Hòa-ước 1862 với Pháp.
Ông Kỳ học ở trường Chasseloup Laubat, đậu bằng Thành-chung, cùng làm quan với ông Chiêu ở Dinh Thống-đốc Nam-kỳ, ngạch Tri-phủ.
Ngày 15-3 Bính-Dần ông được phong chức Tiên đắc lang quân nhậm thuyết đạo Giáo-Sư. Rồi ông được Thiên-phong Giáo-Sư phái Thượng, tức là Thượng-Kỳ-Thanh ngày 14-5 Bính-Dần.
Nhưng đến ngày 14-11 Bính-Dần (18-12-1926) thì Đức Lý giáng dạy:
“Thượng-Kỳ-Thanh bị sụt chức làm Giáo-Hữu. Như không tuân lịnh xuất ngoại”
Đến ngày 18-11 Bính-Dần (22-12-1926) Đức Lý dạy:
“Thượng-Trung-Nhựt, Hiền-hữu viết thơ cho mấy Thánh-Thất lục tỉnh nói Thượng-Kỳ Thanh bị trục xuất ra khỏi hàng Môn-đệ chẳng quyền-hành truyền Đạo nữa. Như nó chẳng tin nghe lời bị phạt Tả đạo bàng môn thì chịu, nghe à! Đã lập pháp mà nó muốn làm chi thì làm như buổi trước vậy hoài, thì bị phạm Thiên-điều tránh sao cho khỏi tội. Hộ-Pháp Hiền-hữu khá an lòng.
Qua ngày 28-11 Bính-Dần (1-1-1927) thì Đức Lý giáng dạy:
“Thượng-Trung-Nhựt, Hiền-hữu từ đây coi Thượng-Kỳ-Thanh như một Môn-đệ vậy thôi, chứ chức Giáo-Hữu cũng cất luôn nữa. Thầy để lời xin tha mà pháp-luật đã phạm tha sao cho được”
3. Bài thi cho ông Lê-Văn-Trung
Đã thấy ven mây lố mặt dương,
Cùng nhau xúm-xít dẫn lên đường.
Đạo Cao phó có tay cao độ,
Gần-gũi sau ra vạn dặm đường.
(AĂÂ)
Ông Lê-Văn-Trung (1876-1934) là người thuộc gia-đình tiểu nông, làng Phước-Lâm (tỉnh Chợ-Lớn). Ông rất thông-minh, giỏi tiếng Pháp, sau khi tốt nghiệp trường Chasseloup Laubat, ông vào làm thơ-ký ở Dinh Thống-đốc Nam-kỳ từ ngày 14-7-1893. Qua năm 1911 ông vào Thượng-Nghị-Viện Đông-Dương. Năm này ông lập Nữ học đường, đó là Trường Áo Tím, sau đổi là trường Gia-Long.
Ngày 5-12 Ất-Sửu (18-1-1926) Đức Chí-Tôn giáng đàn dạy hai ông Cư, Tắc đem cơ đến nhà ông để Đức Chí-Tôn độ ông. Cuộc đời hành đạo của Ngài 8 năm tròn, từ ngày 19-11-1926 đến ngày 19-11-1934 là ngày qui thiên của ông.
Ông Lê-Văn-Trung là quyền Giáo-Tông của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ thật là một bậc đầu công của Đạo rất gương mẫu.
4- Bài thi cho ông Nguyễn-Văn-Hoài
Vô-vi tối yếu Đạo đương cầu,
Đệ-tử tâm thành bất viễn ưu.
Thế sự vô duyên vô thế-sự,
Tiêu tư bất xuất ngoại gian đầu.
(AĂÂ)
Phần đời ông làm Thông-phán. Phần đạo thì tu chơn. Ông Nguyễn-Văn-Hoài là bạn tu của ông Ngô-Văn-Chiêu, hoạt-động hăng-hái lúc đầu, nhưng đường Đạo thì dài, bước Đạo gập-ghềnh khó tới, ông không có giữ một vai-trò nào trong cơ phổ-độ của Đức Chí-Tôn, ông cũng được Đức Chí-Tôn ban cho thi đêm 30 tháng chạp năm Ất Sửu như trên.
5- Bài thi cho ông Đoàn-Văn-Bản
Thương thay trung-tín một lòng thành,
Chẳng kể quan mà chẳng kể danh.
Thiệt-thòi bấy phận không con nối,
Thấy rứa lòng Ta cũng chẳng đành.
Phần đời ông là Đốc-học trường Cầu Kho. Phần Đạo ông là Giáo-Sư. Nhà ở Cầu-Kho, sau làm nơi qui tụ tín-đồ nên đặt là Thánh-Thất tạm Cầu-Kho. Đây cũng là nơi khởi khai mối Đạo Trời. Buổi họp mặt của 28 vị tiền khai Đại-Đạo, cũng chính nơi đây lập TỜ KHAI ĐẠO.
Hiện giờ đã dời sang đường Nguyễn-Cư Trinh (Thánh-Thất Nam-Thành) nhưng cũng còn những dấu tích của Thánh-Thất Cầu-Kho cũ.
Ông Đoàn-Văn-Bản tự là Văn-Long, người làng Tân-Uyên, tỉnh Biên-Hòa. Học trường Tiểu học Biên-Hòa rồi nội-trú trường Sư-phạm tại Gia-Định. Đi dạy nhiều nơi, sau cùng về trường Tiểu học Cầu-Kho (nay là trường Trần-Hưng-Đạo). Đốc-học cũng như Hiệu-trưởng bây giờ.
Khi vào Đạo Cao-Đài rồi, ngày 1 tháng 12 Ất-Sửu, ông Bản muốn xin lập đàn cơ, Đức Cao-Đài có cho một bài thi trả lời, ý nói Trời ban cho ai thì nấy hưởng chớ không phải muốn mà được, rằng:
THI
Bút nở mùa hoa đã có chừng,
Chẳng như củi mục hốt mà bưng.
Gắng công ắt đặng công mà chớ,
Buồn-bực rồi sau mới có mừng.
6- Ông Cao-Hoài-Sang (1900-1971)
Chính ngày mà Đức Thượng-Đế giáng ban cho thi ông không có mặt. Về phần đời ông là Tham tá thương chánh. Phần Đạo là Thượng-Sanh của Hiệp-Thiên-Đài.
Ngài Cao-Hoài Sang sanh tại xã Thái-Bình tỉnh Tây-Ninh.
Thân sinh là ông Cao-Hoài-Ân (mất sớm)
Thân-mẫu là Hồ Hương-Lự (Nữ Đầu-Sư đứng đầu Nữ-phái)
Ngài là con út trong gia đình (thứ tư) phẩm Thượng-Sanh.
Anh Cả là Cao-Đức Trọng, là Tiếp-Đạo Chơn-Quân của Hiệp-Thiên-Đài
Người chị thứ ba là Giáo-Sư Cao Hương-Cường (Cửu-Trùng-Đài)
Thật là một gia đình danh gia vọng tộc, mà trong cửa Đạo này từ trước đến giờ chưa thấy.
Sau khi Ngài đỗ Thành-chung thì làm việc tại sở Thương chánh (tức là sở quan thuế Sài-Gòn) đến chức Tham-tá Thương-chánh thì hồi hưu.
Ngài còn là Tổ của Âm-nhạc Việt-Nam, hiện nay trường Quốc-gia Âm-nhạc thờ vị Tổ đó là Đức Thượng-Sanh Cao-Hoài-Sang của Tòa-Thánh Tây-Ninh.
Cuộc đời hành-đạo của các Ngài đều nổi bật trong quyển DỊCH-LÝ CAO-ĐÀI này, đã làm sáng danh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
7- Bài thi cho ông Võ-Văn-Sang
Tân-dân hỉ kiến đắc tân niên,
Phổ-Độ Tam-kỳ bá thế hiền.
Nhứt tịnh chủ tâm chơn Đạo-lý,
Thăng thiên huợt địa chỉ như nhiên.
(AĂÂ)
Phần đời của ông Võ-Văn-Sang là Tham phán. Phần Đạo thì ông tu chơn.
Trong cửa Đạo Cao-Đài ông Võ-Văn-Sang không có nhận lãnh một nhiệm-vụ nào cả. Chỉ vì cùng đi theo các vị trên, nên được Đức Thượng-Đế ban cho thi vậy thôi.
8- Bài thi cho ông Lý-Trọng-Quí
Lỡ một bước lướt một ngày,
Một lòng thành-thật chớ đơn sai.
Lôi-thôi buổi trước nhiều ân-xá,
Lấp-lửng đừng làm tội bữa nay.
(AĂÂ)
Ông Lý-Trọng-quí chỉ là người tu chơn, giống như trường-hợp ông Sang vậy.
9- Bài thi cho ông Lê-Văn-Giảng
Trần tục là nơi chỗ biển buồn,
Nghe nơi Đại-Đạo ráng nghe luôn.
Ở trong nhà sẵn Thầy đưa khó,
Ách nạn chi chi cũng chảy luôn.
(AĂÂ)
Phần đời của ông Giảng là Thư-ký hãng Hippolito. Phần Đạo ông được đắc phong Lễ-Sanh phái Thượng, tức là Thượng-Giảng-Thanh ngày 14-6 Bính-Dần.
Ngày 25-12 Bính-Dần thăng phẩm Giáo-Hữu rồi được thăng Giáo-Sư. Ông có nhiều công trong việc xướng lễ buổi đầu.
10- Bài thi cho ông Nguyễn-Trung-Hậu tự Thuần-Đức:
THUẦN phong mỹ tực giáo nhơn-sanh,
ĐỨC hóa thường lao mặc vị danh.
HẬU thế lưu-truyền gia-pháp quí,
GIÁO dân bất lậu tán thời manh.
Ông Nguyễn-Trung-Hậu (1892-1961) là Đốc-học Tư-thục. Phần Đạo là Bảo-Pháp của Hiệp-Thiên-Đài.
Ông người tỉnh Gia-Định, con của ông Nguyễn-Phục-Lễ tức Nguyễn-Văn-Nhiêu, bút hiệu Tiết-Văn Đông-Y-Sĩ, làm bốn khoá hội-đồng An thiên tỉnh Gia-Định và Bà Lê-Thị Cơ là người gốc Gia-Định.
Ông Hậu tốt nghiệp trường Sư-phạm Gia-Định (École Normale de Gia-định) tháng 2 năm 1911.
Ngày 11-5- 1911 được bổ làm giáo-viên trường ở đường Taberd, sau về dạy ở trường tiểu học đường Richaud (nay là trường Nguyễn-Đình-Chiểu).
Năm 1926 làm ăn sa sút, có dịp được gặp đàn cơ Đức Chí-Tôn giáng, xin cầu hỏi có nên tiếp tục không.
Thầy giáng cho thi:
Con muốn làm sao tự ý con,
Nhà nghèo Nhơn-Nghĩa miễn vuông tròn.
Thầy đâu nỡ để Môn-Đồ cực,
Mối Đạo giữ cho ngàn thuở còn.
Ngày 4-8-1926, việc tư vẫn còn chưa an, nên thỉnh-giáo Thầy một lần nữa, Thầy giáng:
Cái khiếu thông-minh con ở đâu?
Kêu Thầy mà hỏi việc cơ cầu.
Hễ là quân-tử chi màng việc,
Hễ biết điều cao bớt việc sầu.
Ông Nguyễn-Trung-Hậu có lần đi cùng với ba ông Cư, Tắc, Sang đến dự đàn cơ, được Đức AĂÂ giáng cho thi;
THUẦN văn chất ĐỨC tài cao,
Tên tuổi làng thơ đã đứng vào.
Non nước muốn nêu danh tuấn-kiệt,
Đến hồi búa Việt giục cờ Mao.
Thuần-Đức là bút hiệu của ông Hậu, nhưng duy chỉ Đức Chí-Tôn điểm đúng tên, ông quá tin tưởng quyền-năng của Đức AĂÂ bấy giờ nên ông vào Đạo ngày 12-tháng 1 Đinh-Mão (dl 13-2-1927) ông thọ Thiên-phong Bảo-Pháp Hiệp-Thiên-Đài. Ông được biết tiền thân là Xích-Tinh-Tử, may-mắn được Quỉ-Cốc Đại-Tiên giáng đàn cho thi cũng khế hợp với tiền kiếp của ông:
Đỏ đỏ một vừng ấy hỏa-tinh,
Nhà Châu tên tuổi đã đành-rành.
Tam-kỳ tái thế an thiên-hạ,
Hậu nhựt thành-công hậu hứng tình.
Ngày 15-11 Mậu-Tuất (dl 24-12-1958) ông trở về Gia-Định dưỡng bịnh. Trong cuộc biến ngày 11-11-1960 vì tên tuổi ông bị nhóm tổ chức gán vào bản tuyên-ngôn nên ông bị câu-lưu từ 18-11-1960 đến 22-12-1960. Trở về ông an-nhàn với gia-đình.
Ông qui thiên lúc 16giờ 50 ngày 7-9 Tân Sửu (dl 16-10-1961). Tang lễ cử hành 5 ngày và an-táng tại quê nhà tại Gia-Định.
Thời-gian sau: ngày 4 đến 7 tháng 9 năm Giáp-Dần (18 đến 21-10-1974) Hội-Thánh di liên-đài về Tòa-Thánh Tây-Ninh nhập Bửu-tháp.
Đặc biệt là thi-hài của Ngài Bảo-Pháp Chơn-Quân khi chôn ở quê nhà là đặt trong hàng nằm hơn 13 năm, mà khi khai quật lên vẫn còn xác thể bình thường như mới chết, không hư, không dữa, nên khi đặt vào bửu-tháp (tức hàng ngồi) vẫn đặt ngồi thế kiết-dà và để vào liên-đài một cách dễ-dàng. Kẻ viết bài này đã được đọc báo Đạo và được trưởng ban nhà thuyền xác nhận điều ấy là một việc hi-hữu xưa nay.
Tháp của Ngài ở khu đất dành cho Thập-Nhị Thời-Quân tại Ao-Hồ, nhập bửu tháp lúc 7 giờ ngày 7 tháng 9 Giáp-Dần (1974).
11- Ông Trương-Hữu-Đức (1890-1976)
Ngày hôm ấy vắng mặt trong kỳ đàn nên không có thi. Phần đời ông là Thư-ký sở Hỏa-xa.
Phần Đạo là Hiến-Pháp Hiệp-Thiên-Đài.
Ông người làng Hiệp-Hòa tỉnh Chợ-Lớn. Sanh năm Canh-Dần (1890) Ông vốn không tin vào việc xây bàn thỉnh Tiên của ba ông Cư, Tắc, Sang, nên về nhà tự xây bàn cầu hỏi riêng, được cơ giáng cho thuốc trị được chứng bịnh của ông đã hơn 10 năm. Ông cũng tự chấp-bút một lần được Đức Minh-Nghĩa Tiên-Ông giáng cho thi:
Minh-Đức mừng nay đã gặp Thầy,
Chẳng còn ao-ước cái không hay.
Mừng cầu Âu Á càng thêm mặt,
Mừng nậu côn-đồ đã chịu chay.
Sau ông được thiên-phong là Tiên Đồng tá cơ đạo-sĩ phò-loan tại Thánh-Thất Cầu-Kho. Ông thường đi phổ-độ cho chúng-sanh nhập môn cầu Đạo vào ban đêm, ngày thì làm việc. Ông cũng được Chí-Tôn ban cho huyền-pháp chữa trị nhiều bịnh nan y. Sau một thời gian thì dừng. Trước đây có nói “Đức cứu Đạo” chính là Người!.
Năm 1962 ngài về Tòa-Thánh cầm bộ Pháp-chánh và làm trưởng Ban Đạo-Sử. Ngày 25 tháng 5 Tân-Hợi (dl 13-5-1971) Ngài đắc phong Chưởng-Quản Hiệp-Thiên-Đài. Sau cùng Ngài qui thiên năm 1976, hưởng thọ được 85 tuổi
12- Bài thi cho ông Phạm-Công-Tắc
Ngao-ngán không phân lẽ thiệt không,
Thấy thằng áp út quá buồn lòng.
Muốn giàu thầy hứa đem cho của,
Cái của cái công phải trả đồng.
(AĂÂ)
Phần đời ông là thư-ký Sở Thương chánh. Phần Đạo là Hộ-Pháp Chưởng-Quản Nhị Hữu-Hình-Đài tức là Giáo-chủ Đạo Cao-Đài.
Ngài được sanh ra đời ngày 5 tháng 5 năm Canh-Dần, làng Bình-Lập tỉnh Long-An. Thân sinh là Phạm-Công-Thiện, thân-mẫu là La-Thị-Đường.
Lúc thiếu thời rất khó nuôi, dễ bị chết giả. Dù gia đình theo Đạo Nho nhưng vì ông khó nuôi nên thường đến nhà thờ để rửa tội cho ông và theo Đạo Công-giáo.
Để rồi sau cùng ông đắc lịnh qui-nguyên Tam-giáo hiệp nhứt Ngũ-chi là vậy.
Vốn tư chất thông-minh ông đã thông Nho, rồi khi học ở trường giỏi Pháp-ngữ, ông học trường Chasseloup Laubat (nay là Jean-Jacques Roussau). Gia đình gặp phải khó khăn ông ra làm thư-ký sở Thương chánh.
Năm Ất-Sửu (1925) mang hoài-bão yêu nước nên quí ông thường bày cách xây bàn để cầu hỏi các vong linh quá vãng về hỏi vận-mạng đất nước. Đây cũng là cớ để mở đường xuất Thánh mà ba ông Cư, Tắc, Sang cùng làm một sở, là bạn thâm-giao nên là cơ-hội Chí-Tôn khiến cho tất cả đều qui tụ lại đây lấy “lương sanh mà cứu vớt quần sanh”.
Khi Ngài đã chính thức là Hộ-Pháp rồi thì công việc Đạo lúc nào cũng nặng-nề. Đến lúc phải chịu tù đày sang đảo Madagascar (Phi-châu) chịu nạn cho dân-tộc 5 năm 2 tháng, mà Ngài cũng vui nhận để cứu lấy đồng bào, nòi giống và cả nhân-loại nữa. Sau cùng Ngài phải tự lưu đày sang Miên-quốc để tránh cảnh nồi da xáo thịt và phải gởi thây nơi đất khách quê người. Cuối cùng người ta vẫn lợi dụng xác Ngài để dựng nên Thần, nên Thánh, nhưng chính đó Ngài đã dạy cho nhân-loại bài học Thương-yêu và Công-chánh mà Đức Chí-Tôn đích thân đến thế này cũng vì hai lẽ ấy mà thôi.
Năm 35 tuổi là năm ông phế đời hành đạo đến buổi qui thiên là 70 tuổi. Một cuộc đời đã trọn hy-sinh cho đạo-pháp. Những lời trích-dẫn trong tập sách nhỏ này là lời giảng dạy của Ngài.
13- Bài thi cho ông Cao-Quỳnh-Cư
Sắp út thương hơn cũng thế thường,
Cái yêu, cái dạy, ấy là thương.
Thương không nghiêm trị là thương dối,
Dối dạ vì chưng yếu dạ thương.
(AĂÂ)
Ông Cao-Quỳnh-Cư (1888-1929). Phần đời là thơ-ký sở Thương-chánh. Phần Đạo là Thượng-Phẩm của Hiệp-Thiên-Đài. Ông sinh năm Mậu-Tý (1888) tại Tây-Ninh. Đây là những tay rường cột của Đạo, nhờ tấm lòng trung kiên nên chỉ có mấy người mà đã làm nên hình, nắn nên tướng, đủ sức chống đỡ Đạo-quyền giữa buổi truân chuyên, khổ sở.
Đức Cao-Quỳnh-Cư đắc phong cùng một lượt với Hộ-Pháp và Thượng-Sanh.
Chính đây là tượng trưng cho “Đạo thành do ba người”.
Sau buổi ba Ngài quì cầu xin Đạo thì Thượng-Đế giáng cho thi:
Thiên-đàng nhứt thế biến Lôi-âm,
Tận-độ nhơn-sanh thoát tục phàm.
Chánh-giáo phát khai thiên thế mỹ.
Thâu hồi hiệp nhứt Đạo kỳ tam.
Cao-Đài Thượng-Đế
Thế rồi, ngày 1-1 Đinh-Mão (dl. 1-2-1927)
Thầy giáng cơ có để lời than:
“Trung, Cư, Tắc, mấy con nhớ đêm nay năm rồi thế nào không, còn nay ra thế nào chăng?
… Thầy lập Đạo năm rồi ngày này, thì Môn-đệ của Thầy chỉ có 12 đứa, mà bốn đứa đã vào tay Chúa Quỉ, chỉ còn lại 8. Trong tám đứa thì lại còn một đôi đứa biếng nhác mà không hành Đạo. Thầy hỏi nếu chẳng phải quyền-hành Thầy, dầu cho một vị Phật thiệt lớn giáng thế đi nữa cũng chưa có phương chi mà độ hơn bốn muôn sanh linh, nhờ tay có 6 đứa Môn-đệ trong một năm cho đặng bao giờ.
Thầy vui mừng, Thầy khen tặng hết cả bốn muôn Môn-đệ của Thầy...”
Khi tôi có dịp làm việc ở Nam-Thành Thánh-Thất, chuẩn-bị viết tập “Kỷ-yếu 28 vị tiền khai Đại-Đạo” thì có một bạn của Thánh-Thất này nói với tôi rằng: Viết Tiểu-sử của các Ngài, có người thì không đủ giấy để viết, nhưng rồi cũng có người không có được tài-liệu để viết vào giấy.
Thật vậy, điều ấy đã đến với chúng tôi ngay trong hiện tại này.!
B- Luận về 12 Môn-đệ đầu tiên của Chí-Tôn
Nguyên-lý
Trước hết vẽ một vòng tròn tượng-trưng càn-khôn vũ-trụ, tâm 0 là ngôi Chúa tể tức là Đấng Ngọc-Hoàng Thượng-Đế. Trong vòng tròn là hai hình tam-giác AEC và DBF gát chồng lên nhau, tức là tam âm, tam dương, tạo thành hình ngôi sao sáu cánh. Lại vẽ thêm sáu cánh sao phụ thêm nữa, như vậy đã có 6 âm, 6 dương rồi.
Bắt đầu từ A đếm chung-quanh có cả thảy 12 hình tam-giác đều nhau xoay quanh một vòng tròn 0 lớn. Đó là cơ thống nhất vạn loại mà Thầy là vi chủ nên nói số 12 là số riêng của Thầy vậy.
Thầy ở giữa nắm pháp qui cơ, vòng tròn tượng trưng cho càn-khôn vũ-trụ, cả vạn-linh đều chung chịu trong khuôn luật đó.
Như vậy là có 6 âm, 6 dương, vì vậy mà ta không lấy làm lạ vì lúc khởi thủy nền Đạo có được 12 Môn-đệ đầu tiên.
Như chúng ta đã điểm lại công-nghiệp của các bậc tiền khai Đại-Đạo để thấy được bước diễn biến của Đạo-sự trong thời-gian qua và cũng không ngỡ-ngàng vì sao Đức Chí-Tôn phải để lời than như trên.
Thầy cũng đã nói không một việc gì qua định-luật của vũ-trụ hết. Dịch luôn luôn có âm dương đi liền nhau. Ban đầu 12 người là Môn-đệ của Thầy, nhưng trong số 12 ấy lại có hai người trùng tên Sang thành ra 13. Tại sao phải là con số 13?
Bởi nhìn vào đồ hình trên thì từ ngôi sao sáu cánh là có đến 12 tam-giác đều xoay quanh vòng tròn lớn mà Thầy vi chủ, nên biểu-tượng bằng tâm 0 cộng chung là 13 điểm. Thì ở đây người đứng số 13 là ông Cao-Quỳnh-Cư tức Thượng-Phẩm nắm chi Đạo, cũng thuộc tâm O, tức là hòa-nhập cùng Thượng-Đế để có sự Thiên nhơn tương-hợp. Nhưng đến ngày Khai Đạo rằm tháng 10 thì ông Ngô-Văn-Chiêu đã tách ra thì cũng còn lại đủ số 12.
Trong số 12 Môn-đệ đầu tiên thì có ba vị là
- Ông Cao-Quỳnh-Cư (tuổi Mậu-Tý 1888)
- Ông Cao-Hoài-Sang (tuổi Tân-Sửu 1901)
- Ông Phạm-Công-Tắc (tuổi Canh-Dần 1890)
Tức nhiên có 3 vị đứng đầu 12 chi là Tý, Sửu, Dần.
Như thế thì Số 12 là số đặc-biệt của Thầy, tức là 9+3=12; 9 là cơ vận-chuyển, 3 là ba ngôi. Lấy 3 ngôi hiệp vào cơ vận-chuyển tức là cơ qui nhứt, nắm cả các pháp trong tay, mà người nắm pháp ấy là chủ-tể càn-khôn vũ-trụ, nên Thầy có nói số 12 là số riêng của Thầy là vậy.
Số 12 nếu tính theo hàng ngang thì số 1 đứng trước số 2, tức là lý Thái-cực đứng trước luật âm dương thì thấy rõ quyền-năng Chưởng-quản trong đó. Thế nên Thầy nói chi chi cũng có luật-định hết thảy, không chi ngoài quyền sở định của tạo-hóa hết. Nhưng luật công bình có hai phần: một âm, một dương biến động, dù ngay trong luật định cũng có, hễ có mâu-thuẫn tương-quan là có biến sanh.
Hết vòng biến đổi mới trở lại trạng-thái đầu tiên là 1, rồi từ 1 lại trở lại trạng-thái Hư-vô, nên người tu đắc nhứt qui cơ là thành Đạo, nghĩa là hiệp cùng lý Thái-cực để trở lại trạng-thái tĩnh lặng nhiệm-mầu trong lý Hư-vô.
Trong lý Hư-vô phát sanh một Thái-cực. Thái-cực biến-hóa ba ngôi. Mỗi ba ngôi lại biến hóa thành ra Cửu chuyển.
Ba ngôi ấy biến sanh là Đạo, Pháp và Thế đó (tức là ba ông Cư, Tắc, Sang)
Thầy còn cho biết 4 người đã vào tay Chúa quỉ, tức là Tứ âm; độ được bốn muôn, 4 là tứ dương, hiệp chung là Bát-quái. Còn lại 8 tức là hoàn thành một Bát-quái thứ nhì.
Nhưng sau cùng còn lại 6 người làm nên cơ Đạo. Số 6 là do 3+3 tức là lý tam âm tam dương mà đã nhiều lần đề cập đến.
Nếu kể luôn tên 3 vị hầu đàn là tổng cộng 13+3=16 tức là hai lần con số 8, ấy là dựng nên hai Bát-quái Cao-Đài như Đức Chí-Tôn muốn, mà số 16 đây chỉ là một sự xác nhận một lần nữa mà thôi.
Nếu chỉ cộng 12+3=15 là trở về con số Ma-phương của Bát-quái. Đây là Bát-quái Cao-Đài của Đức Chí-Tôn đã dựng nên trong buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ này.
Khi viết về Tiểu-sử của 12 vị tiền khai Đại-Đạo, tôi thấy có một lỗi lớn với các Ngài, vì có Đấng thì ngại không có giấy để ghi cho hết công-trạng của Ngài, có vị thì không có được một tài-liệu trong tay để viết, vì sự làm việc trong đơn phương giữa một hoàn cảnh như thế này, thôi đành vậy. Xin các Ngài cũng lượng thứ!
Giải thích tương-tự như vậy thì Tòa-Thánh có 12 cửa, nhưng rốt lại thì không có cửa số 5, vì sao? Vì theo Bát-quái thì số 5 đã nhập vào “ngũ trung” thì không thể có cửa bên ngoài. Tuy nhiên có cổng Chánh-môn đặt vào cũng đủ cho số 12 tròn đầy. Đây đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh của Bát-quái Đồ-thiên vậy.
Do đó, nên thấy rằng dù Đức Chí-Tôn có nói về Bát-quái hay không mà lý Đạo vẫn hiển nhiên trong mọi hình thức. Trong bài thi dạy Đạo, trong luật-pháp chơn-truyền, trong nghi-thức cúng kính…đâu đâu cũng có hình ảnh của Bát-quái thành hình một cách rõ-rệt.
Lý Đạo nhiệm-mầu là thế! Và tiếp-tục tìm đến thi văn dạy Đạo.

►Xem tiếp CHƯƠNG VI / ... Bài III: Thánh-ngôn Thầy dạy Thành tâm niệm Phật
|