DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương VI:

THỬ HỎI BAN SƠ
ĐỨC CHÍ-TÔN CÓ DẠY DỊCH-LÝ KHÔNG?

 
  1. Thử hỏi Ban sơ Đức Chí-Tôn có dạy Dịch-Lý không?
  2. Định-luật của càn-khôn vũ-trụ
  3. Các con số lập thành để làm tượng-trưng
  4. Tam ngôi nhứt thể
  5. Tam-bửu là gì?

BÀI III: Thánh-ngôn Thầy dạy (TNII/107)

Thầy.

Thành tâm niệm Phật.
Tịnh, Tịnh, Tịnh, Tịnh, Tịnh,
Tịnh là vô nhất vật.
Thành tâm hành Đạo.

Một bài cơ Thầy giáng dạy chỉ có năm câu thật đơn-giản. Một bài cơ ngắn nhứt trong các bài.

1- Giải-nghĩa

Câu 1: là Thầy tức là Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế hay là Đại-Từ-Phụ.

Câu 2: Người tu thường phải niệm Phật một cách chân-thành, để không bị phân tâm, ngoài cách niệm ra còn lần chuỗi Bồ-đề, cũng là cách tập chuyên-chú vào một vấn-đề cho khỏi vọng tâm. Tức là tạo một sự cảm-ứng với Đấng Huyền-Linh.

Câu 3: Năm chữ “tịnh” cho thấy phương tu cần phải “bế ngũ-quan” tức là quên đi những việc phồn-tạp, mà năm giác-quan trong người lúc thanh-tịnh nó hay phóng túng, phải có cách giữ nó lại. Muốn tu sửa thì nên nhớ, người đạo-đức phải biết:

- Mắt (là cơ-quan thị-giác) người tu không nên thấy những gì không cần phải thấy (chánh kiến).

- Lưỡi (là cơ-quan vị-giác) không ham món ngon vật lạ, nói điều lành để tránh khẩu-nghiệp (chánh ngữ).

- Tai (cơ-quan thính-giác) không nghe những gì người đạo-đức không muốn nghe (chánh định).

- Mũi (cơ-quan khứu-giác) không đòi hỏi những mùi hương lạ (chánh tinh-tấn).

- Tay (cơ-quan xúc-giác) làm việc chân chính (chánh nghiệp).

Trong Bát-chánh-Đạo người tu-hành nên gát bỏ những gì có thể làm cho mất thì-giờ, đồng thời tập thói quen tốt, mục-đích hướng tới điều chân, thiện, mỹ.

Câu 4: giữ sự thanh-tịnh đến mức độ cao, giống như mặt nước phẳng không có sóng gợn, thì cõi lòng không xao-xuyến, bấy giờ trí-huệ mới sáng suốt và thông-công được các cõi vô-hình, đó là sự cảm-ứng với huyền-vi thiêng-liêng vậy. Dầu một Tôn-giáo nào hay một bậc chân tu nào, vẫn lấy tâm thanh-tịnh làm đầu mối cho việc tu-hành

Câu 5: khi đã thấu-hiểu được chơn-truyền của đạo-pháp phải đem ra để truyền-bá cho mọi người cùng thực-hành hầu đốt giai-đoạn thời-gian, thâu ngắn con đường đến Tây-phương hơn. Có làm được như vậy là đã thực-hiện được ngũ-nguyện rồi:

2- Nghiệm về lý: đây là con đường tu của Đạo Cao-Đài

Xét câu Ngũ nguyện

- “Nam-mô Nhứt nguyện Đại-Đạo hoằng-khai” tức nhiên người Tín-hữu Cao-Đài phải làm sao cho mối Đạo ngày càng phát-triển, bành trướng mạnh-mẽ thêm. Có câu “Nhơn năng hoằng Đạo, phi Đạo hoằng nhân”. Sự hoằng dương chánh-pháp là làm cho mọi người biết tu-hành là để cùng hướng thiện và hướng thượng. Làm cho nhơn-sanh bớt đau khổ cùng sống vui trong cõi đời tạm này.

- “Nhì nguyện Phổ-độ chúng-sanh” Lời tâm nguyện của người tu là muốn cho chúng-sanh bớt điều nghiệt chướng, cầu mong cho nhân-loại giảm bớt đau thương vì chiến-tranh tàn-khốc, máu chảy ruột mềm. Sự đau thương chất cao như núi, nước mắt chúng-sanh nếu góp lại nhiều hơn bốn biển. Lời Phật Thích-Ca than như vậy. Ngày nay nhân-loại quá đau thương, xin cùng nhau nối tình thương lớn.

- “Tam nguyện xá tội Đệ-tử” lời cầu xin Thiêng-Liêng xoá bỏ tội-tình kiếp trước hoặc do vô minh mà đã gây ra, hiện tại không gieo thêm nữa để khỏi gặt hái đau thương; đồng thời chính mình cũng bỏ lỗi của người khác, tức là quên đi những thù hận, ích-kỷ, nhỏ-nhen, cuộc đời ngắn ngủi này có nghĩa gì đâu:

Nhà thơ Việt-Nam đã viết lên lời thơ này:

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
“Cảnh phù-du xem thấy cũng nực cười.
“Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,”

- “Tứ nguyện thiên-hạ Thái-bình”. Nếu thiên-hạ được thái-bình là toàn cầu được thái bình, nhà nhà đều hạnh-phúc, thay súng đồng, gươm máy bằng phi đạn tình thương để không còn thấy cảnh nhà tan, cửa nát, chết-chóc hằng ngày nữa.

- “Ngũ nguyện Thánh-thất an-ninh” Thánh-thất đây chính là cõi lòng của mỗi người được bình-an, vui-vẻ trong cảnh sum-họp, hạnh-phúc gia-đình trong cuộc đời giả tạm này đây.

Có giữ được cõi lòng thanh tịnh như thế ấy tức là giữ được Ngũ-giới cấm vậy. Thế nên sự tu hành bất cứ hình-thức nào hay tùng theo một Tôn-giáo nào, bậc nào cũng phải có sự xét mình nghiêm túc như vậy. Chắc chắn không còn mật pháp nào hay hơn, vì đó là căn-bản của người tu. Quan-trọng nhứt là câu nguyện thứ năm, vì nó đã đi vào cõi lòng của người rồi. Một khi khí tịnh, thần an thì không còn nghĩ đến sự xung-đột nào cả, người người đều nắm chữ “nhàn” trong tay thì lo chi thế-giới không hòa-bình, nhân sanh không an-lạc? Kinh đã dạy:

“Làm người rõ thấu lý sâu,
“Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh-kinh.”

Sự tu-hành có giá-trị ở sự "xét mình" vậy. Thầy dạy:

“Phải thường hỏi lấy mình khi đem mình vào lạy Thầy buổi tối, coi phân-sự ngày ấy đã xong chưa, mà lương-tâm có điều chi cắn rứt chăng? Nếu phận còn nét chưa rồi, lương-tâm chưa đặng yên-tịnh, thì phải biết cải quá, rán sức chuộc lấy lỗi đã làm, thì các con có lo chi chẳng bì bực Chí Thánh. Thầy mong rằng mỗi đứa đều lưu-ý đến sự sửa mình ấy, thì lấy làm may-mắn cho nền Đạo; rồi các con sẽ đặng thong-dong mà treo gương cho kẻ khác. Các con thương mến nhau, dìu-dắt nhau, chia vui sớt nhọc nhau, ấy là các con hiến cho Thầy một sự vui-vẻ đó”. (TNI/97)

Xem ra con người có 5 giác-quan như trên đã nói là: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỉ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (mình). Đó là ngũ quan hữu tướng. Tuy nhiên còn có tư-tưởng tức là ý-tưởng mới có thể dùng nó mà "xét mình" được; chính đây là lục quan vô-hình, còn gọi là giác-quan thứ sáu.

Đức Hộ-Pháp cũng dạy rồi:

“Hôm nay là ngày mở cửa thiêng-liêng và đưa nơi tay các Đấng nguyên-nhân ấy một quyền-năng đặng tự giải-thoát lấy mình, hai món bí-pháp ấy là:

1/- Long-Tu-Phiến của Đức Cao Thượng-Phẩm

2/- Kim-Tiên của Bần-Đạo, hiệp với ba vòng vô vi tức nhiên Diệu-Quang Tam-giáo hay là hình trạng của càn-khôn vũ-trụ, mà đó cũng là tượng ảnh Huệ-Quang-Khiếu của chúng ta đó vậy”

“Con người có ngũ-quan hữu tướng và lục quan vô-hình, mà phải nhờ cây Kim-Tiên ấy mới có đủ quyền-hành mở lục-quan của mình đặng”

Mà Kim-Tiên là gì? Là tượng hình ảnh của điển lực điều-khiển càn-khôn vũ-trụ, mà chính đó là điển-lực, tức nhiên là sanh-lực của vạn-vật đó vậy. Với nó mới có thể mở đệ bát khiếu- Trong thân con người có thất khiếu và còn có một khiếu vô-hình là Huệ-Quang-Khiếu - Vì nó là điển lực nên nó mở khiếu ấy mới được”

Nói rõ ra cây Kim-Tiên tức là cây roi Tiên có chín khúc (Cửu-Khúc Kim-Tiên). Số 9 đây là nói đến Bát-quái Tiên-thiên có 4 lần con số 9. Mà 4x9=36 tượng-trưng 36 cõi Thiên-tào.

Thêm cây quạt của Đức Cao Thượng-Phẩm tức là Long-Tu-Phiến, nghĩa là cây quạt được kết bằng 36 lông cò trắng. Con số 36 này là kết-quả của thành số vừa nêu trên, cũng là ý-nghĩa của hai quẻ Càn Khôn vậy.

Đây là hai quẻ Càn Khôn Nhìn vào số nét trong mỗi quẻ ta thấy quẻ càn có 3 vạch, quẻ Khôn có 6 vạch. Như thế thì số 36 là nói đến hai quẻ Càn Khôn nằm trong Bát-quái Tiên-thiên chính Bát-quái này là cánh cửa để đi vào Đạo-pháp.

Tóm lại muốn “rõ thấu lý sâu” phải thấu hiểu Bát-quái một cách tinh-tường.

3- Phân-tích chữ Tịnh qua 4 chiều không-gian

 

Tịnh 靖 là đối với động, là sự yên-lặng hoàn toàn, không nhiễm, không luyến bất cứ vật gì của đời, đại-khái như danh, lợi, tình, những thứ mà làm cho người đời say-đắm: Vì ăn nên phải bị đọa, vì dâm nên phải bị đày, người đời cũng vì những thứ vật dục ấy khiến cho cõi lòng dấy động, nếu không biết giữ mình thì nó buông lung như ngựa không cương.

Thử phân-tích qua bốn chiều không-gian để thấy sự mầu-nhiệm.

* Khởi đầu là TINH 精 về mặt văn-pháp, tinh có nghĩa là sự sống, khi sự sống có thì nó cùng đến, nói khác đi nó có mặt ngay khi sự sống bắt đầu; đó là TINH KHÍ.

Gốc chữ tinh vốn là trạch mễ 擇 米 tức là lựa gạo (chữ tinh thuộc bộ mễ 米 mễ là gạo).Tinh còn có nghĩa là lựa gạo để lấy những phần thuần khiết, cho nên mới có bộ mễ, nói rõ hơn tinh là phần gạo ngon nhất, sạch nhất, sau khi đã chọn lựa kỹ. Ngoài ra còn đọc là thanh 青 tức là màu xanh, đó là màu bất biến. Sách nội-kinh nói Tinh là phần khí-chất được sạch nhất, ròng nhất, trong thủy-cốc nó đóng vai trò quan-trọng trong quá trình tạo thành chân-khí, nguyên-khí và huyết-khí.

Riêng ở con người, chữ Tinh mang một nội-dung cao hơn nữa, đó là Tinh của thiên địa. Bởi Tinh là cái “thiên chi nhứt, địa chi lục” 天 之 一 地 之 六

Thiên lấy nhứt sinh ra thủy, địa lấy lục thành thủy “Thiên nhứt sanh thủy, địa lục thành chi” 天 一 生 水 地 六 成 之. Đây là quá-trình sinh thành của ngũ-hành sớm nhất, vì vậy vạn-vật lúc mới sanh đều đến từ thủy. Ví như hạt của một trái cây lúc chưa chín đều có tính thủy (nước).

Một cái thai, một cái trứng, lúc chưa thành đều là thủy. Phàm con người có sự sống, cho đến côn-trùng, thảo-mộc, không loài nào không như thế.

Kinh Dịch nói: Nam nữ cấu tinh thì vạn vật mới hóa-sinh. Y-học cũng xác định: thường sinh ra trước thân (hữu-hình) gọi là Tinh “Thường tiên thân sinh thị vị Tinh” 嘗 先 身 生 是 胃 精.

Tinh còn mang một ý-nghĩa rất quan-trọng trong việc giao-hợp giữa âm dương, giữa huyết khí, giữa trai gái, mà kinh Dịch đã đề cập đến.

Phàm con đường sinh thành của vạn-vật không có con đường nào không do sự giao nhau của âm dương để rồi thần được minh vậy. Cho nên cuộc sống của con người ắt phải do sự hợp khí của âm dương. Tinh của cha mẹ đã cấu hợp nhau tức là dịch đã nói “Lưỡng tinh tương bác” 兩 精 相 剝. Sau đó thì hình-thể và thần khí mới thành. Nơi hợp khí của thiên địa gọi là nhân.

Hai tinh khí 精 氣 của thiên địa, của trai gái, của Tiên-thiên, Hậu-thiên luôn giao nhau, đánh nhau đúng theo nhịp biến-hóa của khí Thái-cực thì cuộc sống của con người sẽ có Thần 神. Vậy Thần là kết-quả hiển-nhiên của quá-trình khí hóa liên tục, tuần-huờn giữa lưỡng tinh trong thân-thể con người. Vậy Tinh và Thần là kết-quả kỳ-diệu của sự vận-hành khí-hóa trong thân thể người. Sự vận-hành này phải theo những chiều vãng lai, nghịch thuận tạo thành vòng âm dương. Tinh là âm, Thần là dương vậy.

Đó là hiện thân của người mang đầy bản tính của trời đất.

“Con người đứng phẩm tối linh,
“Nửa người, nửa Phật nơi mình anh-nhi.”

Nhìn qua hình vẽ trên, thấy sự biến đổi của chữ Tinh, nó ở vào Thái-cực, là tâm, là nguồn khởi đoan của con người và vạn-vật.

Sự cấu-tạo tế-bào tinh-trùng của người cũng như vạn-vật có phần giống nhau: nghĩa là tế bào họp bởi 1 nguyên-tử dương và 9 nguyên-tử âm. Thế nên cái sống hữu-vi này các nhu-cầu cần-yếu giữa người và vật đều giống nhau, từ cái đói ăn khát uống, cho đến sự truyền giống nữa. Nhưng người khác hơn vật và được gọi là người là nhờ có đạo-đức điều-khiển cho mọi hành-động. Có được vậy mới xứng đáng làm: Con người đứng phẩm tối linh, vậy.

* Là người đạo-đức phải biết tập sửa Tính 性 tốt, nó phải hướng thượng và hướng thiện, bởi dấu sắc là biểu hiệu sự đi lên: Tinh sắc Tính.

Sự kết cấu chữ Nho gọi là “Tính tự tâm sanh” 性 自 心 生 (đây là lối chiết tự: tức nhiên chữ Tính 性 do bộ tâm 忄họp với chữ sinh 生 Cũng là ý-nghĩa rằng bổn nguyên: Tính của người do tâm mà sinh ra.

* Chữ Tình 情 thì nằm ngang; ai cũng có tình-cảm, tuy nhiên người có đến thất tình, người tu phải biết chuyển-hóa cho thất tình trở thành thất khiếu sanh quang (chữ tình 情 cũng do lối chiết tự, tức nhiên do bộ tâm 忄họp với chữ tinh 青, còn đọc là thanh, nghĩa là phải có một thứ tình cao-thượng).

Chữ Tình cốt ở chữ Tính mà ra. Nhưng Tính thời tịch-nhiên bất động thuộc về phần thể. Tính là nguyên-lý sở-dĩ sinh ra người, cái bản nguyên về tinh-thần của người, bản chất của người hoặc vật. Tình thời cảm nhi toại thông thuộc về phần dụng, nên Tính thời khó thấy mà Tình thì có thể thấy được.

Tình thiên địa cốt ở nơi vạn-vật sinh ra, mà tình vạn-vật cốt ở nơi ứng với thiên địa. Tỷ như gặp Xuân Hạ thì vật gì cũng sinh trưởng, gặp Thu Đông thì vật gì cũng ẩn tàng: Đó chính là tình cảm-ứng của thiên địa vạn-vật.

Thấy được tình thiên địa thời thấy được tình của Thánh-nhân, nên không cần nói Thánh nhân chi tình 聖 人 之 情. Vì Thánh-nhân với thiên-hạ cũng như thiên địa với vạn-vật. Duy người có thấm nhuần triết-học thì mới nhận ra được Tình có đến 7 mối ràng buộc lấy người từ khi mới lọt lòng mẹ nên gọi là thất tình.

Nhưng thật ra Tình cũng xuất hiện cùng lúc với “Thiên nhất sinh thủy, địa lục thành chi” nữa kìa. Vì khi một chơn-hồn đến thế này dù được tự-do lựa chọn trong cái nhân duyên hay cưỡng bức vì oan-nghiệt đi nữa, cũng được cấu-hợp bởi thất tình do chơn-thần sản-xuất.

Phật-Mẫu tạo chơn-thần này cũng như cho mặc vào 7 lớp áo để đến thế-gian. Sự cấu-tạo con người quan-trọng là bởi chơn-thần. “Chơn-thần là đệ nhị xác thân tạo hình bằng nguơn-khí của 7 từng thiên:

Bỏ Tạo-Hóa-Thiên là từng thứ 9, linh-hồn đến từng thứ 8 trụ thần quyết-định đến thế-gian này làm việc gì, kể từ từng thứ 7 mới tạo xác thân. Ta chia 7 từng làm 7 phách. Đạo-giáo nói là 7 cái thi-hài hữu tướng, 6 cái thuộc về khí-chất, cái thứ 7 là xác thú này đây.

 

Bảy từng thiên có liên-quan với thất tình.

* Bắt đầu từng thứ 7 thì kết vào tình HỈ (mừng)

* Qua từng 6 thì kết vào tình ÁI (yêu thương).

* Từng thứ 5 kết vào tình LẠC (vui).

Đó là ba thứ tình-cảm tốt HỈ, ÁI, LẠC được duy trì cho thêm cao-thượng hợp đức của người tu.

* Qua từng 4 kết thêm tình DỤC (muốn). Chính tình này nguy-hiểm nhứt, nó xây chuyển và quyết định sự đọa thăng của cuộc đời, bởi nó có thể dục lên hoặc dục xuống. Nếu hướng thượng thì gấm ghé ngôi Tiên phẩm Phật, hướng hạ thì con đường đọa đày, thoái-chuyển đang chờ.

* Còn lại ba tình AI, Ố, NỘ thì lần-lượt xuất hiện ở từng thứ 3, 2 và 1.

Chính từng nộ-giác là xác hài này đây, cho nên người đời rất dễ giận-hờn. Còn ba tình-cảm cao-thượng lại lẫn khuất vào trong, vậy người tu là phải biết bỏ giả tầm chơn, khổ công luyện tập sửa đổi tánh tình hằng ngày là vậy.

Ở nơi người, đạo nhân-luân là trọng, nếu không biết tự-trọng thì nhân-quả buộc ràng khó tránh khỏi. Chính 7 dây oan-nghiệt buộc ràng mà nhiều chơn-linh bị đọa chưa bao giờ thoát qua được cửa luân-hồi sanh tử.

Chữ Tình lắm trái-ngang và nhiều rắc-rối, một chơn-hồn muốn được nhẹ-nhàng siêu-thoát thì phải biết Tĩnh tâm, tịnh thần mới mong nhập vào đại ngã.

* Tuy nhiên Tĩnh 靖 cũng là Tịnh 靖 vậy. Tịnh là sự yên-lặng hoàn-toàn.

Qua bốn chiều không-gian thì chữ Tịnh 靖 ở dưới cùng như nước lắng đọng trong lòng giếng. Nhưng nếu được “giếng Nhân-Nghĩa” thì hạnh-phúc cho cuộc đời, bằng trái lại gặp giếng cạn hoặc đục cũng không ơn ích gì!

Bà Đoàn-Thị-Điểm có dạy phương tu trong Nữ Trung Tùng Phận rằng:

“Bế ngũ-quan không kiên tục tánh,
“Diệt lục trần xa lánh phàm tâm.
“Mệnh Thiên giữ vững tay cầm,
“Đọat phương tự diệt giải phần hữu sinh”

(Câu 1249-1252)

4- Chữ Phi tượng Thất tình

 

Chữ 非 có nghĩa là không (0). Nếu chia làm hai phần bằng nhau, thì mỗi bên có 3 điểm: xem như âm dương, cao hạ, tức nhiên 3 tình: Hỉ, Ái, Lạc là ba thứ tình hướng thượng được đề cao, ba tình Ai, Ố, Nộ là ba tình hướng hạ cần phải sửa đổi. Duy tình Dục này đứng ở giữa, nghĩa là nếu biết đạo-đức thì nó dục lên, thiếu đạo-đức nó dục làm điều quấy. Vậy người tu là biết xét mình để “sửa lòng trong sạch”. Nếu dưới chữ Phi có chữ tâm thành ra chữ Bi 悲 là buồn, gọi là phi tâm. Tất nhiên người được gọi là phi tâm là một Đấng cao cả như Phật Quan-Âm gọi là Đấng Đại-từ, Đại-bi, tức nhiên Bà là vị Phật có lòng quảng-đại, Bà buồn trước nỗi buồn của chúng-sanh, Bà cứu khổ cứu nạn trước khi chúng-sanh kêu cứu, còn chúng-sanh Bi là chỉ biết riêng đau khổ mà thôi.

Ngày nay Bà là một Đấng được Đức Chí-Tôn chọn làm Nhứt trấn trong Tam Trấn Oai Nghiêm để nêu cao đức: BI, TRÍ, DŨNG hầu đem lại thái-bình cho nhân-loại hưởng nhờ.

5- Nghiệm về số

Các câu trên có các số chữ ứng vào các con số thật là huyền-diệu. Thử giải lý một vài con số tượng-trưng: Cả thảy có 5 câu ứng với Ngũ-hành.

Câu 1: có 1 chữ “Thầy” ứng với ngôi Thái-cực

* 4 câu sau ứng vào Tứ-tượng.

* Câu hai có 4 chữ, câu ba có 5 chữ, ấy cũng là phương tu của Đạo Cao-Đài, mà Tân-Luật đã qui định về đạo nhơn-luân:

- Nữ thì Tứ-đức, Tam-tùng là tùng phu, tùng phụ, tùng tử và Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

- Nam phải giữ Tam-cang Ngũ-thường là nguồn cội Đạo ấy là Hiếu, Đễ, Trung-Tín, Lễ-Nghĩa, Liêm-Sĩ.

* Câu bốn có 5 chữ, câu năm có 4 chữ ấy là về Đạo-pháp là: Hễ nhập môn rồi phải trau-giồi tánh hạnh, cần giữ Ngũ-giới-cấm và Tứ-đại-điều-qui.

Tóm lại:

Nếu so-sánh với các lời dạy trên thì:

 

Câu 1: có 1 chữ, ứng ngôi Thái-cực.

Câu 2: (4chữ) là gái gìn Tứ-đức (tứ âm)

Câu 3: (5chữ) là Nam giữ Ngũ-thường (ngũ-hành âm)

Câu 4: (5chữ) là tu-hành thì giữ Ngũ-giới-cấm. (ngũ-hành dương)

Câu 5 (4chữ) phải biết tôn-trọng Tứ-đại-điều-qui (Tứ dương)

Những con số ứng hiệp trên tạo thành một Bát-quái Đồ-thiên, đồng thời còn ngụ cả một nguồn Giáo-lý cao siêu của nền Đại-Đạo.

Tại sao có lời dạy nghiêm-mật ấy?

Bởi “Đạo Thầy là nền Đại-Đạo do chính Thầy đến lập là Đấng Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, tá danh Cao-Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma-Ha-Tát. Ngài đến giáo Đạo tại Nam-phương, xưng mình là Thầy, kêu cả toàn Môn-đệ là con cái của Ngài”.

Thầy dạy: “Phải chung lo cho danh Đạo Thầy. Đạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy, phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh-gỗ nghe!. Các con phải giữ phận làm vừa ý Thầy muốn. Ngày sau sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy”.

6- Lý Dịch trong lời dạy

Trước nhất thấy rằng đây là một bài cơ của Đức Chí-Tôn giáng dạy ngắn nhứt. Giản-dị nhứt và cũng sâu-sắc nhứt. Câu “giản-dị nhi đắc thiên lý” đúng vào trường-hợp này vậy.

Nếu đếm vào số chữ thì chỉ có 5 câu ứng với Ngũ-hành.

Câu đầu chỉ có một chữ “Thầy”, số 1 đó là ngôi Thái-cực, vi-chủ là Thầy, là Thượng-Đế. Vì:

“Thầy là Chúa cả Càn-Khôn Thế-Giới, tức là chúa tể sự vô-vi, nghĩa là chủ-quyền của Đạo, mà hễ chủ-quyền của Đạo nơi nào thì là Đạo ở nơi ấy.”

Câu 2 và 3 hiệp lại thì bằng số chữ câu 4 và 5 hiệp lại và bằng (4chữ +5 chữ)=9 chữ, tức là hai con số 9 (99) gọi là “cửu cửu”.

Điều này Đức Trạng-Trình cũng có nói trong Sấm-ký rằng “Cửu cửu càn-khôn dĩ định. Thanh-minh thời tiết hoa tàn”.

Tất nhiên con số 9 có một giá-trị nhiệm mầu trong lý Dịch, phi thời-gian.

Nay là buổi cuối Hạ-nguơn Tam chuyển sắp bước vào Thượng-nguơn Tứ chuyển, nó ứng với chữ “thanh minh thời tiết hoa tàn” Đức Chí-Tôn mới mở Đạo đồng thời “bày tất cả bửu-pháp” để chuẩn bị cho mùa hoa Đạo nở. Đó là định-luật.

Lại nữa, về lý Dịch thì khi các quẻ kép đặt theo chiều xuyên tâm đối có tổng-số là 99.

Ví dụ Bát-Thuần-Kiền sẽ là 11 hiệp với Bát-Thuần-Khôn 88 sẽ có tổng số là 99. Tương-tự như vậy có đến 32 cặp âm dương đều có tổng-số là 99 như thế (sẽ bàn sau). Về đất nước thì Đảo Phú-Quốc có 99 hòn tất cả, có phải là sự ngẫu nhiên chăng?

4 câu sau gọi là Tứ-tượng, nhưng hiệp lại chỉ còn hai vế ứng với lưỡng-nghi, từ đó mới trở về Thái-cực là 1 chữ (Thầy).

Ngoài ra cũng nói rằng chính trong bài Thánh-giáo này gồm đủ 4 Bát-quái mà Thầy nắm quyền vi chủ.

1/- Thứ nhứt là Bát-quái Tiên-thiên

 

Căn-cứ vào bài Kinh Thích-Giáo:

Hỗn-độn Tôn-Sư.
Càn-Khôn chủ-tể.
Qui thế giái ư nhứt khí chi trung.

Chính những số trong bài Cơ khi phân-tích ra có đủ yếu-tố cho một Bát-quái Tiên-thiên, vì đây là “Nhứt bổn tán vạn thù” cho nên hai quẻ Càn Khôn nằm trên trục đứng của Bát-quái, phân ra âm dương rõ-rệt đó là Thái-cực sanh Lưỡng-nghi… Như lời Thầy đã dạy trong Thánh-ngôn:

“Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới thì Khí-Hư-Vô sanh có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực. Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ-tượng, Tứ-tượng biến Bát-quái, Bát-quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới”.

2/- Bát-quái Hậu-thiên

 

Là giai đoạn thứ nhì. Qua bài Kinh Tiên-Giáo Tâm Kinh, bởi câu:

Nhị ngoạt thập ngũ,
Phân tánh giáng sanh.
Nhứt thân ức vạn.
Diệu-huyền thần biến.

Đây là nói đến Đức Lý Lão-Quân là người đã có lần vào thư viện nhà Châu khám phá được Bát-quái, tức là Bát-quái Hậu-thiên của Văn-Vương. Sách nói rằng Ngài không cha, chỉ có Mẹ, Mẹ Nàng tên là Ngọc-Nữ, khi ăn phải quả Lý chín đỏ liền mang thai lúc Nàng mới lên 8 tám tuổi. 72 năm sau mới sanh bằng cách nứt nách ra thì tóc đã bạc nên đặt tên là Lão-Tử. Không ai biết Ông mất năm nào và thân thế ra sao. Sau cùng thì ngày Vía của Ngài là 15 tháng 2 âm-lịch.

Các con số đã trình bày trong bài Cơ cũng đủ cho một Bát-quái Hậu-thiên, tức nhiên qua bảng ma-phương-số thì tất cả các số cộng lại là 15

Và các quẻ trong Bát-quái này chia làm hai phần Âm dương rõ-rệt, là con số 2 ứng với Bát-quái này

3/ - Bát-quái Đồ-thiên

 

Đây là giai-đoạn thứ ba là hình ảnh của Bát-quái Đồ-thiên, ứng với lời Kinh Nho-Giáo qua câu:

Quế hương nội điện.
Văn Thỉ thượng cung.
Cửu thập Ngũ hồi,
Chưởng thiện quả ư thi thơ chi phố.

Lời Kinh rằng: Trên cõi thiêng-liêng có một Toà nhà lớn gọi là Điện Quế Hương, trong đó có một Cung ở bên trên hết gọi là Cung Văn-Thỉ. Đó là nơi thường ngự của Đức Khổng-Tử, Giáo-chủ Nho-giáo. Ngài đã 95 lần đến với thế-giới này để truyền dạy bằng những kinh sách báu.

Thật ra con số 95 này chỉ là con số biểu tượng để nói lên lý Dịch nhiệm-mầu của Bát-quái Đồ-thiên mà Đạo Cao-Đài đang xử dụng.

Nhìn vào Bát-quái Hậu-thiên thấy trước nhứt là trục đứng Nam Bắc. Chính Nam là quẻ Ly số 9 (Cửu). Hai trục Nam Bắc, Đông Tây tạo thành hình chữ thập 十 Giữa Bát-quái này có số 5 là số ngũ gọi là ngũ trung. Những yếu-tố này làm nên Bát-quái Hậu-thiên của thời Văn-Vương, nhưng ngày nay Đức Khổng-Thánh đến trong ngươn hội Cao-Đài Ngài tượng trưng cho Thánh giáo. Cơ chuyển thế và Cứu thế trong buổi Thượng-ngươn này Đức Chí-Tôn đã chuyển Bát-quái Hậu-thiên thành Bát-quái Đồ-thiên quay theo chiều nghịch với chiều kim đồng-hồ; đó là con đường trở về, gọi là Phản bổn hoàn nguyên, Kinh gọi là hồi. Trong câu Cửu thập Ngũ hồi là ý-nghĩa ấy.

4/- Bát-quái Hư-vô

 

Đấy là con đường vận-hành của lý Đạo “Vạn thù qui nhứt bổn” tức là con đường trở về. Trở về đâu? Trở về với Đại ngã.

Như thế thì tất cả đều có định-luật và phải đi vào đinh-luật của nó mới còn tồn-tại.

Đây là ứng với lời Kinh trong bài Ngọc-Hoàng-Kinh, qua câu:

Tiên-thiên, Hậu-thiên.
Tịnh dục Đại-Từ-Phụ.
Kim ngưỡng, cổ ngưỡng.
Phổ tế tổng pháp tông.

Lời Kinh dạy rằng: Trước khi tạo dựng trời đất hay sau khi tạo dựng trời đất, Đức Chí-Tôn là Đại-Từ-Phụ của toàn cả chúng-sanh, nuôi dưỡng chúng-sanh đồng đều như nhau. Xưa cũng như nay, tất cả chúng-sanh đều hết lòng ngưỡng vọng. Ngày nay Đức Ngài đến để thống nhất cả nhơn-loại thành một mối dưới sự dạy-dỗ, nuôi-nấng của Ngài, tức là đưa chúng-sanh về qui-nguyên-vị.

Thầy có dạy:

“Thần là khiếm khuyết của cơ mầu-nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập "Tam-kỳ Phổ-độ" nầy duy Thầy cho Thần hiệp Tinh-khí đặng đủ "Tam-Bửu" là cơ mầu-nhiệm siêu phàm nhập Thánh.

Các con nhớ nói vì cớ nào thờ con mắt THẦY cho chư Đạo Hữu nghe.

Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên Phật từ ngày bị bế Đạo, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên-Đình mỗi phen đánh tản "Thần" không cho hiệp cùng "Tinh-Khí".

Thầy đến đặng hườn nguyên Chơn-thần cho các con đặng đắc Đạo. Các con hiểu "Thần cư tại Nhãn". Bố trí cho chư Đạo-Hữu con hiểu rõ. Nguồn-cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó. Thầy khuyên con mỗi phen nói Đạo hằng nhớ đến danh Thầy”.

Xem thế thì qua bốn Bát-quái là gồm đủ các lý Đạo trong một bài Cơ tuy ngắn-ngủi nhưng đã nói lên tinh-thần của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ chơn lý chánh truyền.

Kết-luận:

Qua ba đề bài trên xác-nhận rằng tất cả các bài thơ, bài văn, cho đến lời dạy thân thương nhất, đâu đâu cũng thể hiện một lý DỊCH siêu mầu. Dịch như vải áo còn Đạo Cao-Đài như cái áo.

►Xem tiếp CHƯƠNG VI / ... Định-luật của càn-khôn vũ-trụ

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007