DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương VI:

THỬ HỎI BAN SƠ
ĐỨC CHÍ-TÔN CÓ DẠY DỊCH-LÝ KHÔNG?

 
  1. Thử hỏi Ban sơ Đức Chí-Tôn có dạy Dịch-Lý không?
  2. Định-luật của càn-khôn vũ-trụ
  3. Các con số lập thành để làm tượng-trưng
  4. Tam ngôi nhứt thể
  5. Tam-bửu là gì?

II- ĐỊNH-LUẬT CỦA CÀN-KHÔN VŨ-TRỤ

Thầy dạy:

“Thầy lập càn-khôn vũ-trụ không ngoài những định-luật bất di bất dịch, dù một hột cát hay một hột nhỏ nhất của nguyên-tử (nguyên-tử cũng không phải là nhỏ nhất đâu, sau này sẽ thấy) cho chí đến vũ-trụ mênh-mông bao la cũng đều cùng chung qui tắc luật định hết.

Phép định vũ-trụ bao-la ra sao thì phép định cấu-hợp hạt cát hay nguyên-tử cũng y như vậy. Vì thế mà Đạo-gia thường gọi nhân thân là tiểu thiên địa là vậy. Như thế thì bất cứ vật gì ở trên trời đất này đều có định-luật của nó. Không vật gì là không có, dầu cho vật hữu-hình hay vô-hình cũng thế. Nhưng vô-hình với hữu-hình là chi

Cũng chỉ là một, là duy nhất, là lý tuyệt đối.

Đời chỉ thấy những gì trước mắt thì gọi hữu-hình, cái gì không thấy thì gọi vô-hình, như vậy là còn mê-muội lắm. Trước mắt Thầy không chi gọi có cũng chẳng chi gọi không, là vì hai danh-từ ấy vốn không có thật. Luật vốn thường tồn bất biến, cái bản thể của sự vật là nhiên nhiên bất dịch, bất hoại nhiệm-mầu, năng minh năng ẩn tấn hóa mầu-nhiệm.

Sinh vật phải đi trải từ muôn triệu kiếp sanh, từ muôn triệu chỗ phát sanh để mỗi nơi thấu đáo một phần, rồi đến ngày giờ mới chuyển lại huờn nguyên mà phục hồi nguyên tánh, để rồi luân luân chuyển chuyển nữa cho thấu-đáo huyền-vi của càn-khôn vô tận. Sự luân-chuyển ấy vốn vô cùng ngàn đời kiếp kiếp không biết sao mà lường thấu được, vì vậy mà chưa một chơn-linh nào dù cao siêu đến đâu thấu-đáo thật tận cùng.

Chính Thầy là Chúa-tể càn-khôn Thầy còn chẳng tự-hào rõ biết hết thay. Cũng vậy, chư Phật dù cao-trọng thế mấy cũng chưa thế hiểu rõ được Thầy. Cười!.. Cái hiểu biết của các Đấng ấy như gáo múc đại-dương, chưa hề thấm-thía chi. Vũ-trụ có vạn vạn muôn muôn đường, đi hoài vẫn không sao hết. Con nói Thầy là Cha cả mà chẳng tu sao? Cười… Thầy vẫn chung chịu trong định-luật ấy. Nhưng là kẻ có trước hết tất cả nên biết trước tất cả các con. Muôn triệu kiếp sau các con cũng tiến-hóa như địa-vị Thầy, nhưng con nào biết tu tức là đi đường tắc, rồi về thiêng-liêng ngồi ở liên-đài vận hành chơn-pháp học hỏi thêm, cũng như kẻ biết khôn đi đến giữa đài đứng trên ngó xuống thì thấy vạn-vật dưới đất nhiều hơn là kẻ chỉ đi loanh-quanh làng này đến xóm kia mà tìm học từng cái nhà, từng hột cát thì con thử nghĩ lâu hơn kẻ khác là dường nào!

Vũ-trụ mênh-mông vô hạn định chưa biết đâu là bờ bến. Ngoài vũ-trụ này lại còn có cả muôn vũ-trụ khác chứa đựng trong khối mênh mông vô cùng, nghĩa là một vòng tròn chứa đựng trong một vòng tròn, một ánh sáng chứa đựng trong một ánh sáng vô biên.

Nhưng làm thế nào để Thầy điều-khiển được hết? Cũng không có chi lạ, ấy là nhờ những định-luật thiên-nhiên bất di bất dịch, cũng như cái lưới vãi chài, dầu có bao nhiêu đường tơ đi nữa, khi vãi ra thấy rườm-rà mà biết nắm mối thì phăng lên cái một. Kẻ biết nắm mối là kẻ nắm huyền-pháp đó. Huyền-pháp là cái phép nhiệm-mầu sâu kín chớ có chi khác lạ đâu. Huyền-pháp vốn cũng nhiều bậc, nhiều từng, cái này phải chịu hệ-thống của cái kia, cho nên thấy nói có pháp cao, pháp thấp là như vậy đó. Kẻ nắm được pháp tối linh là làm Thầy thiên-hạ và cả càn-khôn. Còn ấn, pháp, bùa, chú chẳng khác nào những công tắc điện để mở những nút dây điện khắp nơi. Phải có bình chứa điện cho đầy thì khi mở ra điện kia mới chạy, nếu không dầu mở cũng chẳng ích chi, nên Đạo-gia nói tu đắc Đạo là đoạt hết cơ mầu-nhiệm thiêng-liêng đó. Chỉ nói như vậy thôi chớ chưa phải đoạt hết đâu. Chưa ai đoạt hết nỗi đâu, chỉ thầu-đáo một phần là quí lắm; nhưng cũng đủ quyền-lực sửa trị một khu vực, một tiểu càn-khôn, một nhóm hành-tinh hay một trái địa-cầu có người ở, nhỏ hơn nữa là cai-trị một nước, một tổng, một làng. Bởi vậy tu thân là gốc tức là tập nắm cơ mầu-nhiệm gần nhất chính là ở thân mình. Kẻ có căn Đạo mới tu thành là vì sao? Là vì phải đi trước lo làm ruộng có lúa cho nhiều đời này qua kiếp khác, lựa giống nào tốt đem để trong kho cho sẵn. Chứa chất thật nhiều ngày cho đầy cả nguyên kho rồi khóa lại đó. Đến chừng gặp việc thì mở cả nguyên kho ra dùng như vậy nó mới có. Chớ kẻ không tạo thì dầu có mở kho ra sớm cũng rỗng không nào có ích chi.

Vì thế luật luân-hồi quả báo là bài học hay cho các đẳng chơn-linh. Chơn-linh nào khôn ngoan không xài phí hết lương tiền thì có của dư chất ở trong kho tất kho mau đầy. Đó là những chơn-linh mau tấn-hóa. Chơn-linh nào ngu muội thì làm hoài vẫn thiếu nợ hoài làm sao có của dự-trữ.

Bởi vậy Đạo khai là cốt để dạy-dỗ cho các chơn-linh học hỏi phương tu tiến ấy.

Con coi không một vật gì ở vũ-trụ này mà không có Đạo. Nó là cái định-luật hiển-nhiên sẵn có, duy có kẻ biết đến cùng chưa biết đến mà thôi. Như không-khí các con thở dù kẻ không biết rằng có nó thì họ vẫn thở. Nhưng việc nào mình không thấu-đáo thì chậm tiến vậy thôi.

Pháp Đạo thật rất nhiệm-mầu không sao mà giải cho hết lý được, duy chỉ đến trình-độ cao sâu đến đâu thì thấu-đáo được đến đó vậy thôi.

Kẻ không biết Đạo sa mê vật-chất chẳng khác nào như khách lữ-hành kia đi du-lịch mà cứ mảng lo hái trái ngắt bông ở một góc rừng thì đời nào cho biết được nhiều điều cao xa? Đó là đại khái của cơ mầu-nhiệm thiêng-liêng.

Riêng về BÁT MÔN ĐỘN GIÁP cũng có nhiều cấp bực khác nhau, bực thấp và bực cao. Bực thấp thì làm thầy bói toán, biết những việc trần-gian, bậc cao thì rõ thấu càn-khôn.

Thầy dạy cho con biết rằng vạn-vật hữu sanh hữu hoại đều có số định của nó.

Tỷ như mình thấy cây bông trồng ở đất xấu thì có thể đoán là bông của nó xấu và biết là người trồng thiếu kỹ-lưỡng chăm-nom, ít phân kém nước.

Phép học thì do nguyên-nhân mà suy ra kết-quả rồi lại từ kết-quả suy nguyên-nhân khác, cũng lại do kết-quả đã có mà luận lại nguyên-nhân trước. Nó như một sợi dây xích nối chuyền hoài không ngưng không dứt.

Trời, đất, người, vạn-linh, sanh-chúng cũng đồng nguyên-lý ấy, duy mỗi loài có thêm những định-luật riêng khác nữa.

Tỷ như thấy mưa thì biết độ bão-hòa nơi đó đã có, có mưa tất có nước, có nước tất có sông biển, có sông biển tất sẽ có mây, do mây sẽ kết tụ thành mưa nữa.

Vạn-vật nếu gặp duyên thì kết, không gặp thì tan, luân-lưu khắp cùng các cõi tùy theo tính chất của chúng. Bởi vậy không vật chi là không có định-luật sẵn, nhưng luật như một cái khuôn, còn sự vật như bột, đường. Tuy là khuôn như vậy nhưng cũng còn tùy tay thợ hay khéo mà nắn thành hình. Như trái đất xoay quanh hệ-thống thái-dương-hệ, mà nó xoay quanh tự nó. Nó cũng có định-luật riêng, làm thế nào cho chẳng tương-tàn, tương-diệt lẫn nhau.

 

III- CÁC CON SỐ LẬP THÀNH ĐỂ LÀM TƯỢNG-TRƯNG

Đặc tính:

Số 0 là cơ-quan hư-vô bổn thể. Số 0 là con số vô thủy, tức là không có chi trước nó hết. nó là số chúa của chúa cả vạn-vật. Chính trong không mà sinh ra vạn hữu, nên nó hợp với số nào thì làm cho số đó tăng tiến thêm lên. Nó là cái vòng bao bọc tượng-trưng chủ cả cái hữu-vi vạn vật này.

Số 0 là số vô-vi, nó có tính-chất trung-tính, nhiệm-yếu, hiền-hòa, sáng-suốt.

Vật mang số 0 là vật trung-dung, nhậm lẹ, không khuynh-đảo nhưng chưa tiến-hóa. Người mang số 0 là người lưỡng tính, phần tấn-hóa chưa nhiều.

Số 0 chỉ năng-lực tiềm-ẩn nhưng chưa phát triển đúng mức.Nhưng khi một vật chi được thử về 0, ấy về lẽ Đạo; nhưng qui cơ tịnh-lặng hoàn toàn, được gặp nhiều chân phúc quí báu. “Không không ấy thiệt lý trường sanh” biến dịch vòng quanh thành nhiều bản thể.

Số 0 sẽ là cơ khởi đầu cũng như là cơ chót hết, nó tiếp nối giữa hai đường tấn-hóa và qui-nguyên. Hai đầu tấn-hóa và qui-nguyên nó ở giữa làm mấu chốt.

Số 0 vốn gồm nhiều cơ bí-mật cần phải tìm phương giải đáp.

Số 0 chỉ vật cực đại như vũ-trụ bao la vô cùng tận mà không chi ở ngoài nó, đồng thời chỉ vào một vật cực tiểu cũng không vật chi chứa đựng bên trong nó được.

Số 1 là số đầu tiên sau số 0, tức là cái nguồn sanh-hoạt trước nhất để biến vi hữu tướng.

Số 1 là số động, nó vốn là lý Thái-cực suy ra nên nó huyền-diệu, nhiệm-mầu, hiện biến, nên Đạo-gia nói “Thiên đắc nhứt linh, địa đắc nhứt minh, nhơn đắc nhứt thành”.

Ngôi số 1 thuộc về ngôi Phật, chủ quyền cai-trị và giáo-hóa vạn-linh.

Số 1 thuộc bản thể hư-linh sản-xuất nên có quyền thống-trị cả càn-khôn. Ta thấy là bất cứ ở đâu có 1 vi-chủ là quyền ấy toàn vẹn, còn nhiều chủ thì sanh phân tán, nên số 1 chỉ một uy-quyền tuyệt-đối. Người mang số 1 là người có đầy-đủ đặc-tính can-đảm, ý-chí siêu-việt nên ảnh-hưởng của ngôi Thái-cực hóa sanh”.

Số 2 là số biến-hóa do số 1 mà ra. Một biến thêm 1 nữa thành 2.

Số 2 là số tịnh, ấy là cơ âm dương thuộc về Pháp. Pháp là tương liên nên phải nhỏ-nhẹ, mềm-mỏng. Ta thấy một bà Mẹ hiền-từ, ưu-ái, dịu-dàng. Số 2 chỉ vào lẽ ấy. Tóm lại số 2 chỉ cơ hòa-hợp âm dương.

Số 3 là do số 1 và 2 hỗn-hợp lại mà biến ra 3. Ba tức là cơ-quan hữu tướng cùng vô tướng hiện có ở càn-khôn vũ-trụ này.

Số 3 là số nửa tịnh, nửa động. Nhưng phần động nhiều hơn. Số 3 chỉ cơ biến tướng và vi-chủ vật loại thuộc quyền Tăng. Số ấy có đặc-tính năng động, biến đổi. Vạn hữu mang số 3 thì chất nóng nảy nhưng vì có phần tịnh nên cũng biết dung hòa.

Số 3 là cơ-sở của Tam thể: Phật, Pháp, Tăng, nên nó vừa có năng-lực huy-động mà cũng vừa có năng-lực dung-hòa. Vật nào có số 3 là vật ấy thuộc bản thể cứng rắn, nhiều hoạt-động, ít may-mắn; dễ thành nhưng mau bại.

Tuy nhiên con số 3 có tính cách phổ-thông lại mầu-nhiệm, huyền-diệu vô cùng.

Sau hết nên bàn về lý “Tam ngôi nhứt thể” tức là sự vận-chuyển của càn-khôn thế-giới.

Số 4 là cơ-quan hữu tướng biến hình, tức là âm dương biến sanh. Nho-gia gọi là Lưỡng-nghi sanh Tứ-tượng là vậy. Số 4 cũng có nghĩa là 1+3, tức là do lý Thái-cực điều-hành với ba ngôi vạn hữu, nên hễ đến 4 là biến-hóa ra rồi.

Số 5 là do 1 và 4 kết thành hay là 2 và 3 hiệp lại. Hai ấy là âm dương, 3 ấy là ba ngôi chủ tể đầu tiên của vạn hữu. Số 5 tức là càn-khôn đã an-vị rồi, xong xuôi hết, đã sắp đặt đâu đó có thứ tự an-bày.

Số 5 là số ở giữa 10 con số, tức là số tiêu biểu sự thăng-bằng, trung chánh, không nghiêng lệch, dương không thái-quá, âm không bất cập. Vừa-vặn dung-hòa nhau mới có thể cấu-tạo thành bào thai được.

Các Thánh bên Á-đông dùng con số 5 để tóm thâu tất cả các lý lẽ cao sâu, huyền-bí của tạo-hóa và sự cấu-hợp của muôn vật lại, có cả sự dung-hòa để duy-trì sự cần-thiết tức là con số thiêng-liêng bao gồm cả một lý-thuyết tinh-vi của thiên-lý.

Số 6 do lý Thái-cực hợp với cơ-quan an-vị này (1+5=6); cũng có nghĩa là Lưỡng-nghi hợp cùng Tứ-tượng (2+4) nghĩa là hai lý âm dương đun đẩy nhau để biến sanh những cái đã sanh ra. Nó cũng có nghĩa là 3+3 tức là ngôi đầu tiên hỗn-hợp nhau để hóa thành ba ngôi nhỏ nữa; cũng có nghĩa là 3x2 tức là tam ngôi ở cấp bực thứ nhì do luật âm dương biến tướng với ba ngôi đầu tiên.

Số 7 là số ngưng kết do 1+2+4 tức là Thái-cực cộng Lưõng-nghi và Tứ-tượng. Thái-cực là dương, Lưỡng-nghi là cơ biến tướng, Tứ-tượng là cơ sanh-hóa. Nhưng cơ biến tướng và cơ sanh-hóa chạm nhau lại khắc nên số 7 trở thành số riêng biệt không có biến động; có nghĩa là trong trạng thái yên-tĩnh ngừng nghỉ. Nên nó cũng ám chỉ vào thể âm. Số 7 cũng chỉ vạn-vật hữu tướng thành hình; trong thân người là thất khiếu ở trên đầu. Số 7 ấy tức là 3 ngôi cọng 4 biến; hay là 1+2+1+2+1 nên vô cực là vi-chủ.

Số 8 là do 1+7 mà thành tức là lý Thái-cực đã phát động để biến sanh cũng như âm dương đã phối-hợp vào nhau để biến sanh thêm nữa.

Số 8 ấy là Bát-quái có nghĩa là 4x2. 4 là cơ chuyển biến, 2 là cơ âm dương. Cơ chuyển biến phát động trên cơ âm dương nên nó huyền-diệu nhiệm-mầu thay thay đổi đổi. Tuy vậy nó cũng chưa thật toàn năng, cũng như lý Thái-cực chưa soi thấu vào âm-quang hữu tướng hữu vi.

Nó cũng có nghĩa là 3+5 là tam ngôi cọng ngũ khí, cơ mộc dục vận-hành trong trạng-thái tĩnh.

Số 9. Phải đợi đến 9 là cơ huyền-diệu nhiệm-mầu, huyền-diệu hơn hết là số đó. Nó là cơ chuyển biến đến mực độ tận thiện tận mỹ, toàn năng, toàn tri.

Nó là 1+8 tức là cơ vận-hành trong trạng thái tĩnh được lý Thái-cực thúc đẩy thêm cho nên năng-tri sáng-suốt.

Nó cũng là 3+6. 3 và 6 là hai lý nhiệm-mầu và đều ở trong trạng-thái động

Nó cũng có nghĩa là 3x3 hay 3 bình phương là cấp bực tam ngôi biến-hóa, vận-hành suốt thông trời đất. Đến số 9 là đến chỗ tột cùng vận-động để hiệp về cơ qui nhứt. Phép toán học thử đến 9 rồi trở về 0 là vậy. Cùng cực cái động tức trở về trạng-thái tịnh nguyên-thủy.

Số 10 là 9+1 tức là số hiền-hòa, lặng-lẽ, an-bình, đầm-ấm.

Số 12 là số đặc-biệt tức là 9+3. 9 là cơ vận chuyển, 3 là ba ngôi. Lấy 3 ngôi hiệp vào cơ vận huyển tức là cơ qui nhứt, nắm cả các pháp trong tay, mà người nắm pháp ấy là chủ-tể càn-khôn vũ-trụ, nên Thầy có nói số 12 là số riêng của Thầy là vậy.

Nếu cộng lại là 1+2= 3 tức là ba ngôi đầu tiên.

Nếu tính theo hàng là 1 và 2 tức là lý Thái-cực đứng trước luật âm dương thì thấy rõ quyền-năng chưởng-quản trong đó. Vì thế Thầy nói chi chi cũng có luật định, không vật chi ngoài quyền sở định của tạo-hóa hết”.

 

IV- TAM NGÔI NHỨT THỂ

Tam ngôi tức là ba ngôi: PHẬT, PHÁP, TĂNG.

Hay là Thái-cực, Lưỡng-nghi, Tứ-tượng (Nho-giáo).

Hoặc nguơn: Thánh-đức, Tấn-hóa, Bảo-tồn.

Đó cũng là lý Tam ngôi: Đức Chúa, Thánh Cha, Đức Chúa con và Chúa, Thánh, Thần bên Công-giáo.

Đó là Tam ngôi nhứt thể mà các triết-gia của Tôn-giáo nào cũng có thể hiện ba ngôi ấy cả. Còn nhứt thể tức là cùng chung một bản thể gồm về duy nhứt, là một.

Trong thân người ấy là TINH, KHÍ, THẦN.

Ở vạn-vật ấy là vật-chất, khí thể và năng lực.

Mỗi mỗi vật thể đều có ba ngôi ấy cả. Thầy nói cơ tạo-đoan càn-khôn vũ-trụ ra sao thì trong vạn-vật cũng tương-liên như vậy, cũng một khuôn-khổ, một luật-định như nhau hết.

Trên hết cả là Phật, ấy ngôi đầu tiên cao thượng hơn hết nắm pháp huyền-vi.

Phật mới chiêt tánh ra Pháp ấy là ngôi thứ nhì.

Pháp mới sanh Tăng. Tăng ấy là ngôi thứ ba. Ba cơ-quan ấy chừng qui nhứt lại thì duy chỉ có một nguyên-căn, một bổn thể cho nên gọi là Tam ngôi nhứt thể là vậy.

Trong vũ-trụ Chúa cả tạo-đoan là Thầy nắm cả huyền-vi bí-mật trong tay. Thầy mới phân tánh Thầy ấy là Pháp. Pháp tức là quyền-năng của Thầy thể hiện ra, cũng như lý Thái-cực ở trong cõi tịnh, rồi từ trong cõi tịnh lý Thái-cực phát động mới sinh ra Pháp. Pháp tức là những định luật chi-phối cả càn-khôn, mà người nắm luật chi phối ấy là Phật-Mẫu.

Sao gọi là Phật-Mẫu?

Phật-Mẫu là Mẹ, là gốc sanh ra vạn-vật. Phật-Mẫu nắm cơ hữu tướng, Phật-Mẫu là âm, còn Thầy là dương. Âm dương tương hiệp mới biến càn-khôn, cả càn-khôn ấy là Tăng, mà người nắm quyền vi-chủ của Tăng ấy là một vị Phật cầm quyền thế-giới.

Phật và Pháp không biến đổi, còn vị cầm quyền thế-giới là Tăng ấy thay đổi tùy theo thời kỳ:

- Tỷ như hồi Nhứt-Kỳ Phổ-Độ cầm quyền vi chủ là Nhiên-Đăng Cổ-Phật.

- Đến Nhị-Kỳ Phổ-Độ là Thích-Ca Như-Lai.

- Qua Tam-Kỳ Phổ-Độ ấy là Di-Lạc-Vương Phật. Hết Tam-Kỳ Phổ-Độ thì nguyên-căn qui nhứt trở lại mở Nhứt-Kỳ Phổ-Độ nữa, sẽ có vị Phật nữa ra đời cầm quyền vi chủ, định-luật càn-khôn. Đó là cơ-quan quản-trị càn-khôn vũ-trụ.

* Còn ở vạn-vật là cơ-quan vô-hình, bán hữu-hình và hữu-hình hay là linh-tâm, khí thể và xác thân.

* Ở nơi người thì gọi là Thần, Khí và Tinh là cơ-quan vô-hình hay linh-tâm hoặc Thần tương-liên với Phật. Cơ-quan bán hữu-hình hay khí thể tương-liên với Pháp. Cơ-quan hữu tướng hay Tinh tương-liên với Tăng.

* Ở trong vật-chất Thần vốn là năng-lực thúc đẩy cho tiến-hóa tức cái sống của vạn-vật do nơi Phật, đó là linh-tâm còn tàng-ẩn ở vạn-linh nên Thầy nói cái sống tức là Thầy.

Cái năng-lực hóa-hợp và tan biến, đổi chất thay màu ấy thuộc về Pháp.

Hình thù vật-chất thuộc về Tăng. Nên Thầy nói vạn-vật các con tưởng là vô tri mà kỳ thật có tánh linh trong đó. Tỷ như một hột giống tuy chưa đem ra trồng mà nó có chứa cả nguồn gốc sự sống trong đó…

Từ vật tế-vi của tế-vi nguyên-tử đến cả càn-khôn vũ-trụ đều có sự kết-hợp mật-thiết liên quan nhau, không một vật gì ngoài luật-định cả.

Do lý Tam-ngôi nhất-thể mới định phân Tam-giáo, mới có Tam-nguơn. Do lý ấy mới có Tam-bửu của càn-khôn.

 

V- TAM-BỬU là gì?

Theo nguyên-căn sản-xuất của vạn-vật có ba món báu ấy là: lửa, nước, gió. Ánh Thái-cực là Hỏa (lửa)

Tam-giáo ấy là Phật, Tiên, Thánh. Phật là Tôn-giáo nguyên-thủy. Khi khai trời đất Phật là Tôn-giáo có trước.

Như thế: Cơ-quan quản-trị gồm có ba ngôi là: Phật, Pháp, Tăng.

Phật cầm quyền-năng của chơn-linh, Pháp cầm quyền-năng của khí thể, tức là cơ sản-xuất hữu-hình, cầm quyền sự sống của vạn-loại vì khí thể là chất sanh vạn-vật và Tăng là cầm quyền nuôi sống thể hài.

- Ngôi thứ nhất lo về sự tấn-triển của chơn-linh, dạy-dỗ các chơn-linh cho cao-thượng để hiệp về cơ qui nhứt.

- Ngôi thứ nhì lo về sự giáo-hóa chơn-thần, lo về cơ sản-xuất và nuôi sống vạn-linh.

- Ngôi thứ ba lo về cơ cai-trị vật loại cùng là đùm bọc sự sống để đem trở lại cơ qui nhứt làm thế nào cho điểm linh-quang đừng phải bị mờ ám trong cái xác hình.

Ngôi thứ nhứt ấy là giáo-hóa,

Ngôi thứ hai ấy là dưỡng-dục.

Ngôi thứ ba ấy là cai-trị.

Mỗi một sanh vật ở càn-khôn vũ-trụ này đều chịu trong định-luật ấy, không một vật chi qua khỏi hết.

Luật tăng tiến thuộc Phật.

Luật sanh sống thuộc Pháp.

Luật quản-trị thuộc Tăng.

Một vũ-trụ hay một chơn-linh dù cao trọng, dù hèn thấp cũng có nơi mình ba định-luật ấy để dung-hòa lẫn nhau mới tạo ra cái sống của vũ-trụ càn-khôn.

Tỷ như một hột cát có sức kết hợp, nó biết tìm lẽ hợp nhứt ấy là thuộc quyền-năng của Phật, nó có tan có hiệp và biến chất ấy là thuộc quyền-năng của Pháp. Nó có xác hài của nó để phân biệt vật nọ với vật kia để luân-chuyển nơi này, nơi khác; quyền-năng ấy thuộc Tăng.

Về nguyên-lý hữu-hình và vô-vi thì Phật thuộc vô-hình, Pháp thuộc bán hữu-hình, Tăng thuộc hữu-hình.

Phật và Tăng liên-kết nhau nhờ Pháp làm trung-gian. Tăng nếu không nhờ Pháp thì khó đoạt Đạo mà trở về vị cũ. Phật không nhờ Pháp thì khó truyền đạt những lời huấn-giáo xuống được cho Tăng.

Trong vạn-vật vốn có ba phần: năng-lực, khí thể và vật hình. Năng-lực thuộc Phật, khí thể thuộc Pháp, vật hình thuộc Tăng.

Như trong một cây bông có năng-lực hướng về ánh thái-dương, năng-lực ấy tương-liên với ngôi thứ nhất tức Phật, nó có khí chất thơm tho ấy thuộc Pháp, nó có hình-thể đẹp-đẽ ấy thuộc Tăng.

Trong một dòng nước, nó có năng-lực mạnh-mẽ, uyển-chuyển luân-lưu ấy thuộc Phật, nó có tính bay hơi, ngưng tụ ấy thuộc Pháp, nó có hình dáng ấy thuộc Tăng.

Trong thân một con thú: một con nai hay con bò chẳng hạn, nó có sức hiểu biết khôn-ngoan ấy thuộc Phật, nó có tính cảm-xúc hợp đoàn ấy thuộc Pháp, nó biết lẽ sống tự-nhiên tìm cái ăn uống ấy thuộc Tăng.

Trong thân người cũng vậy. Kẻ biết tìm hiểu, tôn-sùng ấy thuộc Phật, biết tìm-tòi hiểu biết lẽ khôn-ngoan, có tình-cảm thương ghét ấy thuộc Pháp, có khuynh-hướng thỏa-thích giác-quan ấy thuộc Tăng.

Vạn-vật cả thảy đều có cái sống riêng của nó nên Thầy mới nói “Trước mắt Thầy không có vật chi khinh cũng không có vật chi trọng và thật sự không vật chi gọi là gọi là vô tri vô giác. Chẳng qua điểm chơn-linh ở trong vật thể này còn tiềm-ẩn, còn ở trong vật thể kia đã được phát-triển vậy thôi”.

Cái lý Tam ngôi nhất thể ấy chi phối, điều khiển cả vạn-linh.

Bởi vậy Đạo lập ra cốt yếu cho cả chúng-sanh TU tức là làm sao cho đừng đi sai lạc chơn lý điều-hành vạn-vật. Chơn-linh nào đi sai lạc chơn-lý ấy thì phải bị ĐỌA là vì vậy. Bởi vậy trong Thánh-ngôn thầy trước kia có dạy: “Thánh-ngôn trong miệng con nói ra tức là của Thầy, các con nói Đạo dù cho sắt đá, cây cỏ nghe cũng cảm động huống là người”. Lời nói ấy không phải là Thầy nói ngoa. Ấy là vì vạn-vật vốn có tánh linh cũng đều hiểu biết hấp-thụ lẽ Đạo, nên hễ nơi nào có Đạo thì nơi ấy vạn-vật được tận thiện tận mỹ và tăng tiến một cách nhanh chóng. Con nghe đời thường nói sấu tu thành cù, cá tu hóa rồng, lời ấy thật chưa phải là lời bịa đặt hay nói ngoa đâu. Vạn-linh phải đi từ phẩm vật-chất lên đến người rồi mới đoạt vị thành Tiên, Phật.

Cơ tấn-hóa buộc vạn-linh phải đi xuống các tinh-cầu học hỏi, mang vạn mảnh thi hài từ vật-chất, thảo-mộc, thú cầm cho đến loài người. Mỗi một kiếp sanh học một bài học mới-mẻ khác nhau. Sanh linh đi hàng vạn kiếp như vậy, luân luân chuyển chuyển. Các con đã đặng làm người là hệ-trọng. Tuy vậy mà đừng tưởng đã hơn vạn vật đâu. Không phải vậy đâu. Ở tại thế gian này chưa biết một phẩm chúng-sanh nào trọng hơn phẩm nào. Có khi trong thân hình con vật là một vị Bồ-Tát đang tái kiếp đặng tạo linh-đài đó không chừng. Bởi vậy kẻ biết Đạo không dám sát sanh và không dám khinh rẻ một vật nào cả...

Lý Tam ngôi nhất thể là lý điều-hành vạn-linh. Do nơi ấy mới biến ra Tam-giáo, Tam-tài, Tam-nguơn, Tam-bửu, Tam-kỳ…

Tam-giáo ấy là Phật, Tiên, Thánh.

Tam tài ấy là Thiên, Địa, Nhân.

Tam nguơn ấy là Thượng-nguơn, Trung nguơn, Hạ-nguơn hay là nguơn Thánh-đức, Tấn hóa, Bảo-tồn.

Tam-kỳ ấy là: Nhứt kỳ, Nhị-kỳ, Tam-kỳ.

Tam-bửu ấy là:

Nhựt Nguyệt Tinh (ở trời).

Thủy Hỏa phong (ở đất).

Tinh Khí Thần (ở người).

Năng-lực, khí thể, vật hình (ở vật-chất).

- Phật thuộc về phần giáo-hóa.

- Tiên thuộc về phần nuôi-nấng, an-ủi.

- Thánh thuộc về phần nuôi-nấng, cai trị.

Mỗi một phần trong các số Tam ấy tương liên với nhau như:

Phật tương liên với thiên, với thượng nguơn, với Nhứt-kỳ, với Phật, với Thần, với năng-lực… Pháp và Tăng cũng tương-tự như vậy.

Ở trong mỗi sanh vật ba phần ấy liên-hệ mật-thiết lẫn nhau. Đến như lập Đạo Thầy cũng chia ra: Bát-Quái, Hiệp-Thiên và Cửu-Trùng-Đài cũng là lý Phật, Pháp, Tăng đó. Tóm lại trong vạn-vật đâu đâu cũng thể hiện cái lý TAM NGÔI NHẤT THỂ ấy cả. Đấy là tượng TAM THẾ PHẬT trên nóc Bát-Quái-Đài Toà-Thánh Tây-Ninh

 

TAM THẾ PHẬT
trên nóc Bát-Quái-Đài Tòa-Thánh Tây-Ninh

►Xem tiếp CHƯƠNG VII: >>>>>

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007