DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương VII:

TÂN PHÁP CAO-ĐÀI

I.

Ý-niệm khái quát

  1. Giá trị của Tân-pháp Cao-Đài
  2. Pháp-điều Tam-Kỳ Phổ-Độ là gì?
  3. Trọng-tâm là luật Thương-yêu và Công-chánh

II.

Tân-Luật

  1. Tại sao Đạo Cao-Đài để quyền Vạn-linh lập Luật?
  2. Tân-Luật đã gồm trọn Tam-giáo
  3. Tân-Luật là gì?
    1. Ý-nghĩa Tân-Luật
    2. Sự diễn biến của việc thành lập Tân-Luật
      1. Sọan thảo Tân-Luật
      2. Bàn thảo Tân-Luật
      3. Dâng Tân-Luật
      4. Thành Tân-Luật
  4. Luận Đạo: Luận về Tân-Luật
    1. Đạo quí tại HÒA: Âm dương hoà-hiệp
    2. Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt
    3. Các con số Bát-quái
    4. Luật phản phục
    5. Dâng Tân-Luật là phương định vị là con đường về
    6. Nội-dung bộ Tân-Luật

III.

Pháp-Chánh-Truyền

  1. Giai-đoạn thành hình Pháp-Chánh-Truyền
  2. Pháp-Chánh-Truyền chú giải
  3. Về quyền-hành của ba Đài
  4. Trước tiên gọi Toà-Đạo là Hiệp-Thiên-Đài
  5. Danh-từ Bộ Pháp-Chánh ra đời
  6. Lý do phải lập Đạo
  7. Phương-diện thực-hành.
  8. Tại sao phải lập Pháp-Chánh?
  9. Lòng Từ-bi của Thầy
  10. Pháp-quyền tự trị
  1. Lập Pháp-Chánh-Truyền Cửu-Trùng-Đài
  2. Lập Pháp-Chánh-Truyền Hiệp-Thiên-Đài
  3. Lập Pháp-Chánh-Truyền Nữ-phái
  4. Luận Đạo
    1. Cửu-Trùng-Đài là cơ-quan quản-trị càn-khôn
    2. Hiệp-Thiên-Đài là cơ sanh biến vạn-linh
    3. Sự bình quyền bình đẳng trong nền Đại-Đạo

I- Ý-niệm khái-quát

“Luật-pháp của Đại-Đạo là TÂN-LUẬT và PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN do Đức Cao-Đài Thượng-Đế dùng huyền-diệu Cơ-bút giáng dạy để làm qui-củ chuẩn-thằng cho Hội-Thánh truyền giáo.

“Diệt trừ mê-tín dị-đoan, bất nạp bóng chàng, phù thủy, bởi Đạo dung-hòa mọi tín ngưỡng và tùy khả-năng tiến-hóa của mỗi hạng người và phong-tục của mỗi địa-phương mà phổ-độ.”

Tân Pháp tức là Tân-Luật và Pháp-Chánh-Truyền đó vậy.

Nếu hỏi Đạo mà còn phải có Pháp có Luật để làm gì?

“Thầy vì sợ phàm tâm tục tánh lập Luật pháp rất nghiêm đặng đủ quyền-hành buộc cả Hội-Thánh, nghĩa là thân thể thiêng-liêng hiệp hòa làm một”

“Về phần Đạo, thì trí thức tinh-thần nhơn lọai nhìn nơi vô biên biết càn-khôn vũ-trụ tức là cơ tạo-đoan nó định luật cho khối người thành ra Pháp chủ Luật, tức là Pháp có trước, Luật có sau, nên gọi là Pháp-luật.

“Về cơ-quan đời, tức là cơ-quan xu hướng theo cái sống, định luật được rồi mới tìm-tàng giải-pháp đặng thi-hành luật, định pháp-hình để bảo-vệ luật; thành ra luật trước pháp sau, gọi là Luật-pháp.

Do đo mà Chí-Tôn vừa khai Đại-Đạo là đã lập ngay Pháp-Chánh-Truyền, đồng thời dạy các Chức-sắc nhóm họp Hội-Thánh để lập Tân-Luật. Gọi chung là Pháp-Luật Đại-Đạo.

1- Giá-trị của Tân-pháp Cao-Đài

Được minh-định trong bài Kinh Di-Lạc, kinh này được xem như bản vi-bằng giao lãnh từ Phật Thích-Ca trao đến tay của Đức Di-Lạc-Vương-Phật trong buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Nơi Cung Hỗn-Nguơn-Thiên có đoạn “nhược hữu chúng-sanh văn ngã ưng đương thoát nghiệt: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng tùng thị Pháp-điều Tam-Kỳ Phổ-Độ tất đắc giải-thoát luân-hồi đắc lộ đa-la tam diệu tam bồ đề thị chi chứng quả Cực-Lạc Niết-Bàn” (Tức nhiên lời Phật dạy: nếu như người nào biết nghe theo lời TA, sẽ tránh khỏi các nghiệt chướng, nghĩa là niệm Phật (niệm danh Đức Chí-Tôn), niệm Pháp (niệm danh Phật-Mẫu) niệm Tăng (tùng theo Hội-Thánh). Sự tùng theo nghĩa là làm đúng với “Pháp-điều Tam-Kỳ Phổ-Độ” tức là pháp-luật của Đại-Đạo, thì giải-thoát được kiếp luân-hồi sanh tử, được đắc vào vị tối thượng chánh đẳng chánh giác, ấy là chứng được quả vị Phật nơi cõi Niết-bàn, Cực-Lạc Thế-Giới đó vậy)

2- Pháp-điều Tam-Kỳ Phổ-Độ là gì?

“Ấy là Pháp-Chánh-Truyền và Tân-Luật tức là Thiên-điều tại thế.

Đức Hộ-Pháp giải rõ:

“Muốn cho xã-hội loài người trong thế-giới này đạt được mức quân-bình tuyệt-đối thì phải có sự công-bình được lập lại bởi cán cân công-lý, mà xã-hội loài người từ xưa đến giờ chưa có công bình thật sự.

Ngày nay Thiên-thơ đã định cho nước Việt-Nam này có được cán cân công-lý do bởi tay Thượng-Đế đến cầm đòn cân định vận-mạng cho Việt-Nam và cả nhân-loại.

Cho nên khi mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, Đức Chí-Tôn đã lập ngay Pháp-Chánh-Truyền và Tân-Luật tức là Thiên-điều tại thế để điều-hành guồng máy hành-chánh-đạo hầu bảo thủ chơn truyền và công-bình Thiên-đạo vì nếu thiếu pháp luật thì còn gì là Đạo nữa.

Ấy vậy, Đức Chí-Tôn lập Tân Pháp là lập chủ-quyền cho Đạo. Nếu chúng ta biết Đạo và ý thức rằng pháp-luật là do Thiên-ý và công-lý mà lập ra thì tự nhiên phải tuyệt-đối tôn-trọng chủ quyền đó là tuân-hành qui-điều pháp-luật Đại-Đạo.

Phạm luật Đạo tức là phạm Thiên-điều, mà phạm Thiên-điều thì tội-tình kia có chi giải nỗi.

Hội-Thánh hiệp nhau lập luật cũng như cả Thập-Nhị Khai-Thiên lập luật.

Thập-Nhị Khai-Thiên lập luật giao lại cho Thầy, còn Hội-Thánh lập luật cũng giao lại cho Thầy. Vậy thì Tân-Luật với Thiên-điều cũng đồng giá-trị.

Dẫu cho Hộ-Pháp phạm luật cũng bị đòi đến Tòa Tam-giáo bên Cửu-Trùng-Đài, thì Thiên phẩm mình dường như không có, kể như một người đạo-hữu kia vậy.

Còn Giáo-Tông nếu phạm tội cũng phải bị đòi đến Tòa Hiệp-Thiên-Đài thì cũng chẳng khác một người tín-đồ kia vậy.

Luật Đạo thành ra Thiên-Điều thì Hội-Thánh là Ngọc-Hư-Cung tại thế. Hội-Thánh hiệp nhau lập luật Đạo thì cũng như chư Thần, Thánh, Tiên, Phật lập Thiên-điều.

Vậy thì Hội-Thánh và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đồng một thể.”

(ĐHP diễn-văn14-2 Mậu-Thìn 1928)

Như thế:

“Pháp-Chánh và Tân-Luật cốt để bình tâm thiên-hạ đặng để gỡ tội cho kẻ có tội-lỗi; phạm mà không biết thú tội trước mặt người và trước phép thiêng-liêng. Định pháp-luật ấy cũng là sợi dây thiết tỏa liệng xuống Âm-quang cho kẻ tội-nhơn nắm nó mà phăng về thiêng-liêng cựu cảnh chớ chưa phải là chơn-luật và chơn-pháp…

Toàn Thánh-thể Đức Chí-Tôn nếu biết thì nắm quyền luật thiên-nhiên ấy, ngày giờ nào thiên-hạ được yêu thương nhau nồng-nàn, thì giờ ấy quyền Đạo là quyền tối thượng nơi mặt thế đó.” (Thuyết-đạo II/98)

Đức Chưởng-Đạo Nguyệt-Tâm Chơn-nhơn dạy rằng:

“Phàm Pháp-luật lập thành đều tùng sở dụng, buộc kẻ chung công hiệp trí tác thành một cơ-sở vĩ-đại, Đông Tây tương-thân tương-ái.

Bởi cớ mà pháp-luật vẫn nhiều mặt đặc biệt cùng nhau, tùy theo phương dụng, chẳng thế dùng một mặt pháp-luật nào mà thay thế vào một cơ-sở khác hành-vi cho đặng, cần thì mới lập, còn vô ích thì bỏ.

Vậy các Pháp-Luật của Chí-Tôn đã đào-tạo đều hữu-ích cho cơ-quan hành-động cho Chánh giáo của Người, một cái dấu bỏ ra cũng chẳng đặng. Hễ tùng thì Đạo thành, còn nghịch thì Đạo diệt. Cả thảy Hội-Thánh chưa ai đặng quyền ra khỏi ngoại luật. Chúng ta vâng theo mới đắc thành quyền-hành Hội-Thánh, thảng có một người nghịch thì làm rối loạn chơn-truyền.

Kẻ nghịch cùng Thế-đạo thì trục ngoại xã hội hay là diệt tàn cho khỏi lưu hại, còn kẻ nghịch cùng Đạo-pháp thì tội trục ngoại Thánh-thể Chí-Tôn hay là có ngày quyền thiêng-liêng diệt thác.

Chúng ta từ đây coi kẻ phạm Pháp-luật như thù địch của Đạo, dùng phương trừ khử. Bần-Đạo đã thọ sắc lịnh Ngọc-Hư lo chuyển Pháp, thì không phương tha thứ điều phạm bao giờ. Từ đây Hội-Thánh Ngoại-giáo giữ nghiêm Pháp-luật.

Bần-Đạo xin để lời cầu-khẩn cùng Giáo-Tông và Hộ-Pháp cũng để lòng lo phương trừ hại, đừng vì Bác-ái, Từ-bi vị nễ.”

(3-3 Quí-Dậu dl 26-5-1933)

Thầy cũng có nhắc-nhở:

“Trường đời có ấm lạnh, cũng như lẽ Đạo có thạnh suy, mà cùng cực cái thạnh ắt lại suy, cùng cực cái suy ắt lại thạnh. Mà cái thạnh của Đạo thì vô cùng người thường không phương thấu-đáo. Chơn-truyền luật-pháp là bất di bất dịch, ai sửa cải chơn-truyền luật-pháp ắt bị tội chẳng sai, dầu là địa-vị gì đi nữa. Thầy phong thưởng chúng nó đặng ắt thầy hình phạt chúng nó cũng đặng vậy”.

3- Trọng-tâm là LUẬT Thương-yêu, QUYỀN Công-chánh

 

Luật quyền này nay trở thành Bản Đệ Tam Thiên-Nhơn Hòa-Ước rồi vậy.

“Luận về cái quyền. Cái quyền đôi bên bao giờ cũng phải quyết-định với một cái pháp-luật của Hội-Thánh. Luật của Hội-Thánh để định quyền cho Đạo, cho đại-gia-đình của tinh-thần nhơn-loại, ngó thấy Tân-Luật, Pháp-Chánh-Truyền là một chơn tướng lập Thánh-thể của Ngài không cần luận đến, chỉ luận Tân-Luật mà Đức Chí-Tôn và Đức Lý-Giáo-Tông đã dạy Hội-Thánh khi mới khai Đạo, lập trong ba tháng phải thành-tựu, trong Tân-Luật con cái Đức Chí-Tôn đều ngó thấy, Bần-Đạo không cần lập đi lập lại vô ích, chỉ lấy cái tinh-túy của nó là trong Tân-Luật ấy Chí-Tôn định cho Ngũ-giới-cấm, Tứ-đại-điều-qui và trong ấy cốt-yếu bảo-vệ Tam-cang Ngũ-thường của toàn thể con cái của Ngài. Thật ra cái Thiên-luật của Ngài mà Ngài đã để trong tâm não con cái của Ngài:

LUẬT chỉ có một là THƯƠNG-YÊU.

QUYỀN chỉ có một là CÔNG-CHÁNH.

Thiên-hạ đã lập Luật nhiều quá, mà cái Luật của thiên-hạ lập ấy tưởng khi cả thảy đều ngó thấy, dầu cho họ có thay đổi cho tới tận-thế họ chưa có phương nào làm cho nó phù-hợp với cả nhơn-tâm bao giờ.

Còn Đức Chí-Tôn lập Luật có một điều mà thôi là THƯƠNG-YÊU. Cả thảy đều hiểu cái luật ấy, nghĩ coi có ai tránh khỏi đặng không? Người nào không có dính-dáng trong cái Luật THƯƠNG-YÊU ấy thì chẳng hề sống được bao giờ, nhứt là sự sống chung của đồng-loại, hoặc họ phải tự họ ly-dị cả nhơn-loại hay là cả nhơn-loại buộc phải đào-thãi họ, nếu họ không tuân cái Luật ấy; còn cái quyền CÔNG-CHÁNH, công-bình, chánh-trực dầu một kẻ không học kia dốt nát thế nào mà học được hai cái đặc tính quí-báu ấy tôi tưởng cả thảy thiên-hạ đều cúi đầu tôn trọng, kính-nhường và nhất là họ thương-yêu.

THIÊN-LUẬT của CHÍ-TÔN là vậy đó!

Tân-Luật, Đức Chí-Tôn cốt-yếu muốn cho ta làm, đặng ta bảo-vệ Tam-cang Ngũ-thường của nhân-loại. Nói về phương Đông này dầu cho luận tới các quốc-gia xã-hội đến đâu đi nữa, họ tự trọng họ, văn-minh thế nào họ chưa ra khỏi đường lối ấy, niêm-luật ấy bao giờ; nếu họ ra khỏi là muốn tự bỏ cả xã-hội của họ thì họ sẽ thành cái gì chớ không thành xã-hội.

Giờ đây luận tới Hội-Thánh: Hội-Thánh lập luật chỉ lập ra trong buổi con cái Đức Chí-Tôn bị óc ngoại hình ngoài đời kia xâm-phạm tinh-thần và hình chất của nó. Hội-Thánh buộc phải lập Luật chẳng khác nào như thể một phương che chở, như ta đã ngó thấy một người kia đi tới miệng giếng họ muốn sa vào đó ta kêu trở lộn lại.

Luật của Hội-Thánh chuyển-luân theo thời thế của xã-hội, nhứt là trong con cái của Ngài, chớ thật ra không có giá-trị gì hết. Bởi hình không có.

Bây giờ nói tới Hình của Luật Đạo:

Cái quyền của Đạo: quì hương, tụng Kinh Sám-Hối, đáo-để trục xuất nội thành Thánh-địa, rồi còn dữ hơn nữa trục-xuất ra khỏi Đạo chớ chưa giết ai, chưa có tù tội ngục hình, cũng chưa có đem ai mà bắn, mà giết bao giờ, ấy là Luật của Đạo. Vậy cốt-yếu của khuôn-khổ đại-gia-đình tinh-thần này để tạo con cái của Đức Chí-Tôn thành Thánh, nong-nã dạy-dỗ, dìu-dắt thế nào cho họ thành Thánh, đặng họ mới cầm cái cơ cứu khổ của Đức Chí-Tôn vững-vàng và mạnh-mẽ, họ mới thay thế hình ảnh của Đức Chí-Tôn đặng.

Vì cớ cho nên cả khuôn khổ quyền-lực của Đạo cốt-yếu để tạo Thánh”.

(ĐHP 30-3 nhuần, năm Ất-mùi 1955)

“Chí-Tôn muốn con cái của Ngài nên Thánh thì phải làm sao?

Phải đem cả thảy vô đây, tắm rửa cho sạch-sẽ làm cho thiên-hạ muốn gần, vì đáng tôn-sùng yêu-ái mà gần. Hình-luật Tam-giáo là nước Cam-lồ để tắm rửa linh-hồn vậy. Chơn-truyền từ trước đến nay Đức Chí-Tôn để tại mặt thế trên các Đạo: Phật, Tiên, Thánh là phương để gội rửa linh-hồn mà thôi”. Thế nên phương tu phải có LUẬT và PHÁP. Nó là nhu-cầu tối yếu, tối trọng là vậy. Pháp-luật Đại-Đạo cần-yếu cho người tu cũng như chiếc cầu bắc sang sông cho người người về đến nơi đến chốn mà mình mong đợi.

►Xem tiếp CHƯƠNG VII / ... Tân-Luật

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007