DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương VII:

TÂN PHÁP CAO-ĐÀI

I.

Ý-niệm khái quát

  1. Giá trị của Tân-pháp Cao-Đài
  2. Pháp-điều Tam-Kỳ Phổ-Độ là gì?
  3. Trọng-tâm là luật Thương-yêu và Công-chánh

II.

Tân-Luật

  1. Tại sao Đạo Cao-Đài để quyền Vạn-linh lập Luật?
  2. Tân-Luật đã gồm trọn Tam-giáo
  3. Tân-Luật là gì?
    1. Ý-nghĩa Tân-Luật
    2. Sự diễn biến của việc thành lập Tân-Luật
      1. Sọan thảo Tân-Luật
      2. Bàn thảo Tân-Luật
      3. Dâng Tân-Luật
      4. Thành Tân-Luật
  4. Luận Đạo: Luận về Tân-Luật
    1. Đạo quí tại HÒA: Âm dương hoà-hiệp
    2. Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt
    3. Các con số Bát-quái
    4. Luật phản phục
    5. Dâng Tân-Luật là phương định vị là con đường về
    6. Nội-dung bộ Tân-Luật

III.

Pháp-Chánh-Truyền

  1. Giai-đoạn thành hình Pháp-Chánh-Truyền
  2. Pháp-Chánh-Truyền chú giải
  3. Về quyền-hành của ba Đài
  4. Trước tiên gọi Toà-Đạo là Hiệp-Thiên-Đài
  5. Danh-từ Bộ Pháp-Chánh ra đời
  6. Lý do phải lập Đạo
  7. Phương-diện thực-hành.
  8. Tại sao phải lập Pháp-Chánh?
  9. Lòng Từ-bi của Thầy
  10. Pháp-quyền tự trị
  1. Lập Pháp-Chánh-Truyền Cửu-Trùng-Đài
  2. Lập Pháp-Chánh-Truyền Hiệp-Thiên-Đài
  3. Lập Pháp-Chánh-Truyền Nữ-phái
  4. Luận Đạo
    1. Cửu-Trùng-Đài là cơ-quan quản-trị càn-khôn
    2. Hiệp-Thiên-Đài là cơ sanh biến vạn-linh
    3. Sự bình quyền bình đẳng trong nền Đại-Đạo

III- PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN

1- Giai-đoạn thành hình Pháp-Chánh-Truyền

Ngày 15 tháng 10 năm Bính-Dần (dl 19-11-1926) Đức Chí-Tôn dạy thiết Đại-lễ Khai-Đạo chính thức tại Từ-Lâm-Tự (Gò-Kén Tây-Ninh) đồng-thời Đức Chí-Tôn lập Pháp-Chánh-Truyền, phong vị cho Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài, Cửu-Trùng-Đài. Đức Chí-Tôn dạy nhóm Hội-Thánh lập Luật.

Vậy sau ba tháng Đại-hội, Đạo đã có Pháp, có Luật thì nghiễm-nhiên Đạo đã thành một nền Tôn-giáo danh gọi là Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Lần Khai Đại-Đạo này “Đức Chí-Tôn chẳng giáng bằng xác thân mà lại dùng tánh đức lương-sanh lập quyền Hội-Thánh làm hình-thể hữu-vi cho Đức Chí-Tôn, thay thế và lập Vạn-linh đối phó cùng quyền Chí-linh, ấy là cơ-quan mầu-nhiệm để cứu vớt quần-sanh giải-thoát khỏi chốn sông mê bể khổ; kỳ Hạ-nguơn này dầu chúng-sanh có tàn bạo hung-ác thế nào cũng không tàn hại xác thân của Đức Chí-Tôn như các vì Giáo chủ buổi trước vậy.

Bởi quyền Vạn-linh có đủ nghị-lực tinh-thần lập khuôn viên Pháp-luật xây chuyển cơ Đạo và cơ Đời thuận theo lẽ tuần-huờn của Tạo-hóa”. (ĐHP 1-7 Mậu-Dần 1938)

“Lập Pháp-Chánh-Truyền Thầy có hội cùng Đức Lý Giáo-Tông được trọn quyền thay thế Đức Chí-Tôn, hễ cái gì Hộ-Pháp và Giáo-Tông hiệp lại lập ra trong cửa Đạo tức là lời dạy bảo của Đức Chí-Tôn, không có việc gì từ nhỏ chí lớn mà không có mạng lịnh của Chí-Tôn trong đó”.

2- Pháp-Chánh-Truyền chú giải

“Quyền-hành và trách-nhiệm trọng-đại nên Đức Lý Giáo-Tông nôn-nóng lập thành Pháp-Chánh-Truyền chú-giải cho kịp Thiên-Thơ của Đức Chí-Tôn đã định.

Pháp-Chánh-Truyền chú-giải đó là phân quyền cho Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài và Hiệp-Thiên-Đài cho khỏi giành quyền nhau mà thôi và đồng thời trao trọn quyền ấy cho Hộ-Pháp có đủ phương kềm chế nền Đạo của Đức Chí-Tôn.

Pháp-Chánh-Truyền là ở trong cuốn Thiên thơ mà ra. Còn chú-giải là phân quyền-hành. Ngài giao cho con cái Ngài gìn-giữ mà làm của báu không gì bằng, tức là Thánh-Ngôn Hiệp-Tuyển. Trong quyển Thiên-Thơ này ngày kia có sản-xuất nhiều cơ-quan khác trọng-yếu nữa, chớ chẳng phải một cơ-quan Phước-Thiện mà thôi.

Thầy đã dạy: Các con phải nhớ rằng toàn thế-giới càn-khôn chỉnh có hai quyền:

“Trên là quyền-hành Chí-Tôn của Thầy,

“Dưới là quyền-hành của sanh-chúng.

“Thầy đã lập hình-thể hữu-vi của Thầy, nghĩa là Hội-Thánh của Đại-Đạo ngày nay rồi, thì Thầy cũng phải ban quyền-hành trọn vẹn của Thầy cho hình-thể ấy, đặng đủ phương tận-độ chúng-sanh, còn các con cả thảy đứng vào hàng sanh-chúng, dưới quyền-hành chuyển-thế của đời nghĩa là toàn nhơn-loại đồng quyền cùng Thầy, mà tạo-hóa vạn-linh vốn là con cái của Thầy, vậy thì vạn-linh cũng có thể đoạt vị vào vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng”…

Đức Hộ-Pháp nói tiếp:

“Các Bạn Hiệp-Thiên-Đài! Các người cầm cân công-bình thiêng-liêng của Đạo mà Đức Chí-Tôn đã để lại nơi mặt thế này, hạnh-phúc hay đau khổ của toàn thể nhân-loại một ngày kia đều mơ vọng trên mặt cân của chư Hiền-hữu. Bần-Đạo xin nhắc lại lời yếu-thiết của Đức Chí-Tôn đã ký Hòa-ước với chúng ta là “Công-bình”, mà công-bình ấy Bần-Đạo đã gởi nơi Hiệp-Thiên Đài đó vậy”.

Hội-Thánh của Thầy lập ra đối-hàm cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Hội-Thánh chia ra làm ba phần hiệp cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cùng Người cho hiệp cơ mầu-nhiệm chánh-trị của càn-khôn thế-giới thì mới ra lẽ Đạo đặng:

- Bát-Quái-Đài là Tòa ngự của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật mà Thầy làm chủ.

- Cửu-Trùng-Đài là tòa ngự của chư Chức-sắc Thiên-phong đối hàm với chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế mà Giáo-Tông chưởng-quản.

- Hiệp-Thiên-Đài là nơi chuyên về đạo-pháp, bảo-hộ luật đời và luật Đạo, như Ngọc-Hư-Cung nắm Thiên-điều tức là Ngọc-Hư-Cung tại thế mà Hộ-Pháp chưởng-quản.

Hiệp-Thiên-Đài là cửa Trời đó vậy. Hiệp là chung với, thiên là trời, tức là cửa vào đường Trời; cái thang bắc cho phàm đến cùng Trời.

Trong Hiệp-Thiên-Đài có Hộ-Pháp, Thượng-Phẩm, Thượng-Sanh và Thập-Nhị Thời-Quân”. (ĐHP 14-2 Nhâm-Thìn 1928)

3- Về quyền-hành của ba Đài

- Bát-Quái-Đài dưới quyền Đức Chí-Tôn, Ngài là Chúa của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cùng vạn-linh, chính ông chủ Bát-Quái-Đài là Đức Chí-Tôn.

- Cửu-Trùng-Đài là Giáo-Tông làm chủ Hội-Thánh.

- Hiệp-Thiên-Đài là quyền Hộ-Pháp làm chủ.

Ba ông chủ ấy, có hai ông này: Cửu-Trùng-Đài và Hiệp-Thiên-Đài nếu riêng ra thì không có thế gì dâng sớ cho Bát-Quái-Đài, tức nhiên quyền Chí-Tôn ở nơi Bát-Quái-Đài. Hai đài Cửu-Trùng và Hiệp-Thiên hiệp nhứt là quyền Chí-Tôn tại thế này, không có một quyền cai-quản nào cải qua quyền Bát-quái được”. (ĐHP18-8-Kỷ-Sửu)

- “Bát-Quái-Đài là linh-hồn.

- “Cửu-Trùng-Đài là xác thịt.

- “Hiệp-Thiên-Đài là chơn-thần.

Hồn đặng tương-hiệp cùng xác phải nhờ chơn-thần. Chơn-thần lại là bán hữu-hình tiếp vô-vi mà hiệp cùng hình-thể, cũng như Đạo tiếp Thánh-Đức của các Đấng Thiêng-Liêng mà rưới chan cho nhơn-loại”.

Đức Hộ-Pháp nói:

“Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài là phổ-thông nền chơn-giáo, lo về mặt giáo-hóa, bảo-tồn nền văn-hiến tồn-tại.

Phước-Thiện là thay cho Hiệp-Thiên-Đài gánh vác nhiệm-vụ cứu khổ nên Hội-Thánh Phước-Thiện do nơi Qua cùng Đức Lý-Giáo-Tông đã đồng-ý tạo nên hình tướng. Ngài rất vui lòng. Tại sao vậy?

Nhiệm-vụ của Hộ-Pháp phải có Giáo-Tông, bởi Giáo-Tông Chí-Tôn định có quyền cai trị đường Đạo và đường Đời, mà hễ Giáo-Tông và Hộ-Pháp hiệp một là quyền Chí-Tôn tại thế”

Hiện tại:

“Đức Lý Giáo-Tông là Anh cả vô-vi, quyền Nhứt-Trấn Oai-Nghiêm.

Ngài nói “Hễ Đạo trọng thì tức nhiên chư Hiền-hữu trọng, vậy thì chư Hiền-hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời… Từ đây Lão hằng giữ-gìn cho chư Hiền-hữu hơn nữa, nếu thảng Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh, là cố ý muốn giá trị chư Hiền-hữu thêm cao trọng nữa, vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà, nghe!”

“Lão đã nói: Đạo đã lập thành, vậy cây cờ chơn-chánh đã vững gốc đặng làm biểu-hiệu cho cả chúng-sanh dòm lấy đó mà đến nơi Bạch-Ngọc-Kinh. Nghĩ mà mừng, mà hễ mừng thì thêm giận lẫn vào trong.

“Thượng-Trung-Nhựt! Lão đã nói mà Thầy cũng đã nói trước rằng: Khi thành Đạo, nghĩa là khi Tân-Luật phát-hành thì trong hàng Môn-đệ may lắm còn lại nửa phần, trong đám Thiên phong nhiều kẻ e còn bị trục-xuất thay!”

4- Trước tiên gọi là Tòa Đạo Hiệp-Thiên-Đài

“Y theo luật Hội-Thánh ngày 16 tháng giêng năm Mậu-Dần (dl 15-2-1935).

Chiếu y Pháp-Chánh-Truyền phân định và quyền-hành của Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài từ Hộ-Pháp, Thượng-Sanh, Thượng-Phẩm tới Thập-Nhị Thời-Quân.

Chiếu y Thánh-giáo của Đức Chưởng-Đạo Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn ngày 16 tháng 2 năm Ất-Hợi (dl 20-3-1935) phân định phẩm cấp và quyền-hành từ phẩm Tiếp-Dẫn Đạo-Nhơn và trở xuống đến Luật-Sự.

Chiếu y Đạo-luật Hội-Thánh năm Mậu Dần (dl 15-2-1935) về cơ-quan Tòa Đạo, phân định hình phạt và án tiết cho những người phạm luật-pháp của Đạo.

Nghĩ vì:

TÒA ĐẠO là một cơ-quan để bảo-thủ chơn-truyền y theo khuôn viên Đạo-pháp, không ai qua luật Đạo mà Hiệp-Thiên-Đài chẳng biết.

Lập Tòa Đạo để trị kẻ phàm, tức là dụng hình phạt phàm-trần đặng giảm bớt hình phạt thiêng-liêng. Vậy Tòa Đạo là một cơ-quan trọng yếu nắm cân công-bình gìn-giữ trật-tự trong hàng đồng Đạo.

Nghĩ vì hiện thời cần phải dẫn-giải cho rõ thêm về quyền-hành và phận-sự của Chức-sắc Tòa Đạo tại Tòa-Thánh và các địa-phương nên tổ chức và lập: NỘI LUẬT TÒA ĐẠO”.

Vậy Tòa Đạo là gì?

Đức Hộ-Pháp giảng:

“Từ thử đến giờ chúng ta thường quen gọi là Tòa Hiệp-Thiên-Đài hay là Tòa Tam-giáo, nên đã 23 năm Đạo mà chúng ta vẫn chưa biết chỗ dốt của mình.

Đức Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn buổi nọ giáng bút hỏi Bần-Đạo một câu bằng Pháp-văn “Expliquez Étymologiquement le mot Tòa?” (Vậy chớ theo ngữ-nguyên tiếng “Tòa” nghĩa là gì?).

Bần-Đạo trả lời:

- Thưa Ngài, kêu Tòa là nơi để định án, xử tội kẻ phạm luật-pháp; Ngài cười và nói:

- Trật! gọi là Tòa là khi nào nói tòa nhà hay tòa lâu-đài gì đó, chứ tiếng tòa không có định-nghĩa gì về phương-diện Pháp-chánh cả. Bần-Đạo thừa dịp nhờ Ngài dạy nữa, Ngài nói:

- Cái tiếng của Chí-Tôn đã đem đến đặt để nó khéo-léo hay-ho biết bao nhiêu, nghĩa-lý rất thâm diệu mà tại sao không dùng?

Đức Chí-Tôn đến lập Pháp-Chánh-Truyền giao cho Hiệp-Thiên-Đài gìn-giữ, trong đó có diệu-pháp của Chí-Tôn đến lập vị cho con cái của Người tại thế-gian này. Ngài mượn xác thịt của con cái Ngài tổng-hợp lại cho có trật-tự, có đẳng cấp, tức nhiên là lập Thánh-thể của Ngài, các phẩm-trật có liên-quan với các phần-tử tức nhiên Hội-Thánh tổng hợp lại là Thánh-thể của Ngài. Ngài lập Pháp-Chánh-Truyền cốt-yếu ban quyền-hành cho Thánh-thể của Ngài, mà hễ đạt quyền được tức nhiên về với Ngài được.

Ấy vậy Pháp-chánh Hiệp-Thiên-Đài là phương định vị, lập quyền đặng hiệp một con cái của Chí-Tôn cùng Chí-Tôn vậy.

Tới Hình Luật Tam-giáo

Từ thử Tam-giáo: Nho, Thích, Đạo. Luật Tam-giáo có hữu-hình, có luật hình, vì cứ nói án, nên nói là phạm luật-điều mà thôi. Luật hình ấy gồm cả Tôn-chỉ của Tam-giáo đem đặt tại thế này cho thiên-hạ thực-hành, nhưng lần lần càng xa khuôn luật. Ấy vậy có hai phần:

- Pháp-chánh Hiệp-Thiên-Đài.

- Luật hình Tam-giáo.

Tuy hai phần khác thể, nhưng cũng đều giao cho Hiệp-Thiên-Đài chưởng-quản hết. Nếu muốn gọi cho trúng thì gọi Pháp-chánh Hiệp-Thiên-Đài là đủ nghĩa.

Bần-Đạo giảng-nghĩa:

PHÁP-CHÁNH HIỆP-THIÊN-ĐÀI là gì?

“Cốt-yếu của Đức Chí-Tôn đến thế ban quyền-hành cho Chánh-thể của Ngài, Ngài buộc quyền thiêng-liêng kia hễ con cái của Ngài đắc phẩm hữu-vi ở dưới thế này được toàn vẹn thì cũng phải nhìn-nhận phẩm ấy ở cõi hư-linh kia. Bần-Đạo tưởng nếu không phải tay của Đức Chí-Tôn thì không ai có quyền buộc các Đấng cầm quyền chánh-trị của càn-khôn thế-giái là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật phải nghe theo như vậy bao giờ.

Ta cứ suy-nghĩ: một ông Cha thương con nói: Tao đến với con tao, tao định cho nó làm Tể tướng ở thế-gian này thì cả triều-chánh phải nhìn nó là Tể-tướng, chớ không phép cải, chỉ vâng mạng lịnh Tể-tướng của nó mà thôi. Thiết tưởng nếu không phải nhà Vua thì không ai biểu như vậy mà dân phục lịnh. Nếu không phải Chí-Tôn đến lập giáo thì không ai đến đây mà có quyền buộc Cửu-Thiên Khai-Hóa nhìn-nhận Thánh-thể của Ngài được.

Tại sao Ngài giao cho Hiệp-Thiên-Đài?

Nếu cả Pháp-chánh đó không người cầm để thực-hiện thì cả giá trị lẫn thể-thống đều mất hết. Từ ngôi Giáo-Tông đến ngôi Đầu-Sư, giữa có ngôi Chưởng-Pháp, nếu không phải Pháp-chánh do Hiệp-Thiên-Đài nắm giữ thì họ tông lúng, tông hoài, tông mãi mà làm cho loạn Đạo theo tấn thảm-kịch ta đã thấy diễn đi diễn lại nhiều lần. Mà thử hỏi tại sao họ tông không được?

- Là tại Hiệp-Thiên-Đài cầm luật chắc chắn không cho loạn hàng thất thứ được. Họ tông mặc họ, Hiệp-Thiên-Đài cứ nắm giữ chặt-chẽ mà định phẩm con cái Đức Chí-Tôn mà thôi.

Nếu chẳng vậy, nghĩa là nếu Hiệp-Thiên-Đài để họ tự-do hành-động thì phải đắc tội với Chí-Tôn, vì Chí-Tôn đã giao cho gìn-giữ Thánh-thể của Ngài, định vị cho con cái của Ngài, ví như đã giao cho gìn-giữ cái kho-tàng đã định chia cho đứa lớn bao nhiêu, đứa út bao nhiêu. Rồi Hiệp-Thiên-Đài để cho người mạnh giựt-giành tài-sản của mấy người khác, hỏi vậy người lãnh lịnh đảm-nhiệm chia của cải ấy sẽ bị hình phạt như thế nào? Nếu không có người cầm giữ kho đó đặng phân phát công-bình cho con cái của Ngài thì sợ e cho họ giựt-giành hết mà con cái của Ngài không hưởng đặng gia-tài dành để cho họ mà chớ!

Ấy vậy, hàng phẩm mà Pháp-chánh đã định, cốt-yếu hiệp con cái Chí-Tôn lại làm một cùng Ngài, mà muốn cho đặng hiệp cùng Ngài, thì Ngài để cho Hiệp-Thiên-Đài chưởng-quản giữ-gìn nghiêm luật Pháp-chánh đó:

- Một người về Đạo là Thượng-Phẩm cầm quyền luật Đạo định phẩm-vị.

- Một người về Thế tức Thượng-Sanh đem con cái Đức Chí-Tôn vào cửa Đạo, dìu-dắt con cái Ngài không ai đặng phép ngăn đường đón ngõ. Đại nghiệp của Chí-Tôn để tại mặt thế này cho toàn cả nhơn-loại, không ai có quyền giành hưởng một mình. Định-luật như vậy mới là Công bình và Chánh-đáng.

Bần-Đạo lập lại: Pháp-chánh cốt-yếu lập quyền cho con cái Đức Chí-Tôn có hàng phẩm, có quyền-hành, thứ-tự, đẳng cấp, giao cho Hiệp-Thiên-Đài sắp đặt, không cho loạn hàng thất thứ, nếu loạn hàng thất thứ thì Đạo tiêu diệt.

Bây giờ nói qua Hình luật Tam-giáo.

Đạo Cao-Đài không phải lấy nguơn-chất của Tam-giáo làm căn-bản, mà chỉ lọc-lược chơn truyền của các Tôn-giáo trên quả địa-cầu này mà tổng-hợp lại.

Tại sao kêu Hình-Luật Tam-giáo mà thôi?

- Bởi ngày nay Tam-giáo qui nhứt. Các Tôn-giáo trên thế-gian này thì nhiều mà không ngoài khuôn viên của ba Đạo lớn, có thay đổi chăng là vì châm-chế bớt ngoại-dung chớ bên trong đều theo hình-luật đó.

Hình-luật Tam-giáo để định án chăng? Thiên-hạ sẽ nói Đạo gì mà có Tòa-án?

- Người ta lầm! Vả chăng con người chỉ có quí ở cái Tâm và hạ sanh tại đây ít nữa phải có căn-duyên sao đó mà mình không biết đó thôi! Bần-Đạo dám chắc dầu một vị chí Phật đến tại thế gian này mang thi-hài xác thịt cũng quên hết tiền kiếp, cửa huệ-quang bị bí lối, không tự biết mình, không tự hiểu phẩm-vị mình, vì mang xác phàm thì cái gì cũng phàm hết. Duy có Đấng toàn tri, toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ là Chí-Tôn mới tránh khỏi chuyển kiếp luân-hồi mà thôi. Ngoài ra không vị Phật nào tránh khỏi luân-hồi cả. Các chơn-hồn ở các cung, các động, hoặc ở Ngọc-Hư cung đến đây là có mạng lịnh đến tạo hình-thể của Đức Chí-Tôn đó là những vị đại-diện, còn tất cả bao nhiêu chúng-sanh đều có căn-nguyên tức nhiên có tội, phải đến đây đặng trả quả-kiếp luân-hồi.

Chí-Tôn muốn con cái của Ngài nên Thánh thì phải làm sao?

- Phải đem cả thảy vô đây, tắm rửa cho sạch-sẽ, làm cho thiên-hạ muốn gần, phải vì thương mến kỉnh khen mà gần, vì đáng tôn-sùng yêu-ái mà gần. Hình-luật Tam-giáo là nước Cam lồ tắm rửa linh-hồn vậy.

Chơn-truyền từ trước đến nay Chí-Tôn để tại mặt thế trong các Đạo Phật, Tiên, Thánh là phương để gội rửa linh-hồn mà thôi; nhứt là Công-giáo có phép xưng tội là một bí-pháp, nhưng ta không hiểu tại sao Chí-Tôn lại không truyền chơn-pháp? Ta nghĩ, có lẽ Đức Chúa Jésus Christ đã ban quyền cho những đại-diện của Ngài tức là người cầm quyền Hội-Thánh có đủ năng lực xá tội; nhưng trong hai đàng là kẻ xá tội và kẻ xưng tội, cũng có lẽ người không thật tâm xưng tội, hoặc người không xứng đáng là người xá tội. Nếu xét ra người đến xưng tội và người xá tội cũng đều là phàm cả, chưa biết người này có tha tội được cho người kia không?

Thoảng không có đủ quyền tha tội lại càng thêm mang tội thêm nữa. Hễ có tội tức có hình, có hình tức có phạt, có phạt phải thành án, mà án tiêu mới hết tội. Nếu mình không tự hạ mình và không đủ can-đảm cung khai thì chịu lấy. Biết mình có tội mà lại sợ nhục cái thân danh phàm thể thì hỏng cả phẩm-vị tinh-thần tức là phẩm-vị thiêng-liêng thì rất đáng tiếc.

Nếu biết trọng linh-hồn thì không ngần ngại gì mà không đến mấy vị Đại-thiên-phong cầm quyền Pháp-chánh kia cung khai đi, rồi họ lên án quẹt lọ cho mình, không lẽ đem ra pháp trường xử trảm. Tội có nặng quá đi nữa, dầu Pháp-chánh Hiệp-Thiên-Đài có trục xuất đi nữa cũng không hại gì, nếu mình biết ăn-năn tự hối, tự tu thân, tự giác tánh thêm nữa đặng đền tội.

Mình tu một mình dầu Hội-Thánh không biết tới, mình cũng vẫn tin rằng có Đức Chí-Tôn chứng lòng trọn hiếu với Đức Chí-Tôn; ngày kia về cửa Hư-linh chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đẹp dạ hả lòng tiếp rước trọng thể hơn nhiều. Người trọn gìn đạo-đức thì phẩm-trật đã cao siêu từ trước giáng sanh lập vị; danh vị lập được của kẻ bình thường đâu bằng của kẻ biết ăn-năn sám-hối. Thoảng như bị trục xuất mà tự mình biết lập vị mình, thế gian không hiểu thì còn có Đức Chí-Tôn hiểu, lập tâm mà tu thì cửa Hư-linh kia cũng không đóng được.

Những kẻ ấy do Đức Chí-Tôn sắp đặt hàng thứ, nên Ngài nói:

“Cửa Hư-linh không ưa kẻ tàn bạo, mà lạ thay thiêng-liêng-vị phần nhiều do những kẻ tàn bạo phá cửa chung vô. Thoảng như mình không đủ can-đảm chịu án mà mình tự tu sửa lấy mình được, dầu trong Đạo Cao-Đài không ai hiểu thì Chí-Tôn cũng hiểu biết, anh em không hiểu mình mà ông Cha hiểu mình là đủ rồi, sợ e mình quá phàm mà phải thất Đạo, phải luân-hồi mãi mãi đó thôi!

Bần-Đạo dám nói rằng trong càn-khôn này số hóa-nhân còn ít hơn là nguyên-nhân bị đọa trần chịu luân-hồi chuyển kiếp đặng đền tội nhiều phen, chỉ vì quyến-luyến phàm chất, không có đủ can-đảm thú tội trước Đức Chí-Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Nếu không muốn đợi để thú tội với Đức Chí-Tôn, thì hiện giờ mình có tội đến thú tội với chư Đại-Thiên-phong Hiệp-Thiên-Đài cầm quyền Pháp-chánh đó đi rồi quyết chắc đã đền xong tội phạm, ắt cửa thiêng-liêng cũng khó định nghiêm hình. Vì lẽ cố nhiên là một án chẳng có hai hình.

Ngày giờ nào nhơn-sanh chưa có can-đảm thú tội của họ, thì cửa hư-linh vẫn còn chối họ mãi”. (ĐHP 1-7 Mậu-Tý dl 5-8-1948)

5- Danh-từ Bộ Pháp-Chánh ra đời

“Tháng 11 năm Đinh-Hợi (1947) Đức Chưởng-Đạo ban Thánh-giáo bảo đổi chữ “Tòa-Đạo” ra “Pháp-Chánh”. Ngài Khai-Pháp ban hành Thánh-huấn số 159/PC đề ngày 24 tháng 11 năm Đinh-Hợi thông-tri cho toàn Đạo rõ hai chữ Tòa Đạo đã đổi lại thành BỘ PHÁP-CHÁNH, cũng như trước kia Chưởng-quản Tòa Đạo, nay nói là Chưởng-quản Bộ Pháp-Chánh.

Đến ngày 16 tháng 2 năm Ất-Hợi (dl 20-3-1955) Đức Chưởng-Đạo Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn có về cơ phân định đẳng cấp và quyền-hành của Pháp-chánh từ Tiếp-Dẫn Đạo-Nhơn trở xuống đến Luật-Sự.

Bộ Pháp-Chánh có văn-phòng Bộ Pháp-Chánh. Quyền-hành và trọng-trách được qui-định vào hai câu liễn đối đặt trước cổng để nhắc-nhở phận-sự của mỗi người khi mang nơi mình hai chữ “Pháp-chánh”.

Hai câu đối là:

-

-

PHÁP luật vô tư Đạo-giáo từ uy tùng lý.

Chánh tông bất dịch chơn-truyền thiện ác tùy hình.

 

法 律 無 私 道 教 慈 威 從 理

正 宗 不 易 真 傳 善 惡 隨 刑

 

(Bà Bát-Nương ban cho)

“Bộ Pháp-Chánh là cơ-quan Tư-pháp trung-ương của Đại-Đạo, có nhiệm-vụ gìn-giữ luật-pháp Đạo, không cho Chức-sắc và Tín-đồ vi phạm để nâng cao phẩm-giá con người, do đó Bộ Pháp-Chánh có tổ-chức các Tòa-án Đạo để xử trị người bị phạm luật-pháp của Đạo mà thôi.”

“Pháp-Chánh, nhiệm-vụ trọng-yếu là cơ-quan bảo-thủ chơn-truyền, giữ-gìn pháp-luật, dìu dẫn và lập vị cho con cái Đức Chí-Tôn trong khuôn viên luật-pháp của Đạo đã thành lập, giữ cân công-bình thể thiên hành-hóa, có trách-vụ nặng-nề để binh-vực kẻ cô thế, yếu hèn bị ép-chế, để sửa răn những kẻ phạm pháp-luật, hầu tránh khỏi Thiên-điều trừng-trị, nếu bị Thế-trị thì mới mong giảm tội thiêng-liêng, bằng không bị Thế-trị thì thiên-điều không mong gì cầu rỗi.

“Vậy Bộ Pháp-Chánh rất cần-thiết để giữ gìn phẩm-trật và địa-vị của mỗi con cái Chí-Tôn và quyền-hành phân-minh cho nền chánh-trị-đạo, y theo khuôn-khổ chơn-truyền.”

Đối với Tòa Đạo, Điều thứ 15. Định án những người phạm luật-pháp và hình phạt thì kẻ phạm phải chịu dưới hai quyền luật:

a/- Luật: là Tân-Luật và luật Hội-Thánh.

b/- Pháp: là Pháp-Chánh-Truyền và Đạo Nghị Định.

Người Môn-đệ của Đức Chí-Tôn hơn ai hết phải:

- Thông việc Đạo

- Thạo việc đời.

- Trau-giồi đức hạnh.

- Giữ chánh dạy người.

Muốn đặng 4 điều ấy phải tìm-tòi học hỏi cho mở rộng kiến văn, nâng cao kiến thức, năng đọc Thánh-ngôn cùng các sách vở Đạo Cao-Đài. Quan-trọng nhứt là Pháp-luật Đại-Đạo ngày nay.

Thông hiểu rành mạch về Tân-Luật và Pháp-Chánh-Truyền.

“Một nền Chánh-trị-Đạo, không khác gì chánh-trị hiện ở các nước Âu-châu. Ở Á-đông này có nhiều nước phát-triển như: Nhựt, Tàu, Miến, Xiêm cũng có một khuôn-khổ nhất định như vậy.

Dầu Quân-chủ Lập-hiến hay Dân-chủ Pháp-chánh cũng một mực như nhau đều chia ra hai phần:

- Phòng Dân-chủ.

- Phòng Định luật.

Phòng Dân-chủ là phòng tấn-bộ.

Phòng Định luật là phòng bảo thủ.

Phòng Dân-chủ của Pháp dưới thời dân quyền “La Chambre des Députés”, còn phòng Định-luật hay Quân-luật thật ra không có Chúa, nhưng muốn biết phòng quân-luật hẳn-hoi, xem như nước Anh có “Chambre des Lords” tức là Sénat của Pháp vậy.

Đời chia ra hai phòng đặc biệt, Đạo lại khác hẳn.

Chơn-pháp của Chí-Tôn để hai phòng hiệp một là Cửu-Trùng-Đài và Hiệp-Thiên-Đài:

- Hiệp-Thiên-Đài là phòng Quân-luật.

- Cửu-Trùng-Đài là phòng Dân-chủ.

Biểu sao khỏi xích-mích nhau! Một đàng bảo-thủ, một đàng giục tấn; nếu hai đàng không hòa nhau; đem chơn-lý hiển-nhiên thì hòa được, còn không lấy chơn-lý thì đụng tại chỗ, phản-khắc không thể đệ lên Thượng quyền mà còn nhơ bợn được. Đó là các bàn sàng, sàng mãi cũng phải lọt xuống”. (TĐI/126)

Buổi nọ Đức Lý Giáo-Tông dạy lập Pháp trước; sau, Ngài sẽ giáng cơ chấn-chỉnh, đặng lập cho có đủ hữu-vi, đặng có đủ phương-pháp Hội-Thánh làm hình-thể cho Chí-Tôn mới xứng phận cho Ngài.

Đức Chí-Tôn đã dạy hồi mới khai Đạo:

“Thầy đã chán biết thế gian này là phàm, Thầy đến lấy cái phàm hiệp cùng cái Thánh, làm sao tránh đặng cái phàm không lẫn-lộn trong cái Thánh, nếu còn vướng chút phàm thì không còn là Thánh-thể, các con nên hiểu phẩm-vị cao trọng ấy mà trau lòng cho ra Thánh-thể mới đáng giá!"

Đối với các triết-lý bí-pháp buổi nọ, bây giờ nhân-loại tăng tiến quá lẽ thành thử các vị Giáo-chủ đã lập luật-pháp, nhưng luật-pháp đơn sơ ấy ngày nay không có đủ quyền-năng trị tâm thiên-hạ nữa.

6- Lý do phải lập Đạo

“Muốn tu ắt phải có Đạo, vì vậy nên Thầy mới lập Đạo.

Đạo thì hữu-hình, nếu có kẻ hỏi: Đạo vốn vô-vi mà lấy hữu-hình lập thành thì thế nào đắc Đạo vô-vi cho đặng?

- Ta lại đáp rằng: không hữu-hình vô-vi cũng khó có; mà chẳng có vô-vi thì hữu-hình vốn không bền vững, tỷ như hồn và xác ta đây vậy: Không hồn thì xác phải tiêu diệt, mà có xác không hồn cũng không cơ-khí mà lập thành nên Đạo người vẹn-vẻ. Hai đàng phải tương-hiệp nhau mới đặng hoàn-toàn. Ấy vậy có vô-vi ắt có hữu-hình.

“Chánh-pháp và Hội-Thánh là hữu-hình mà hữu-hình ấy nó phù-hợp với luật Thiên-điều và đối chiếu với Cửu-Thiên Khai-Hóa. Luật Đạo ấy là Thiên-điều, còn Hội-Thánh là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế đó vậy.

Sao lại dám sánh luật Đạo của chúng ta hội nhau lập thành với Thiên-điều?

- Thầy đã dạy rằng: Từ khi có Thầy rồi dựng nên càn-khôn thế-giới, hóa sanh nhơn-loại thì Thầy chưa hề biết hành phạt chúng ta bao giờ, vì lòng quá yêu nên Thầy không nỡ hành phạt. Thầy lại nói dầu Thiên-điều thì cũng do nơi chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hội lập để định tội của nhau, hầu gìn-giữ lẫn nhau đó thôi, chớ Thầy chưa hề biết đến. Mà hễ lập rồi đem dâng cho Thầy thì chính mình Thầy cũng không quyền sửa cải.

Như Tân-Luật ngày nọ thì Lý Giáo-Tông hội cùng chư Thánh mà lập thành chớ Thầy chưa hề biết đến, chỉ ngày đã dâng lên cho Thầy thì nó đã thành Thiên-luật mà thôi.

Hễ Thiên-luật thì phải vô tư, tỷ như Thiên điều dầu cho chính mình Thầy là Chí-Tôn cũng chẳng vị tình. Bởi cớ ấy mà khi lập Pháp-Chánh-Truyền Thầy không lập Hiệp-Thiên-Đài một lượt với Cửu-Trùng-Đài, e cho cả Chức-sắc Hiệp-Thiên-Đài ra ngoại luật. Thầy lại để các Chức-sắc ấy dự hội lập Luật cùng chư Chức-sắc Cửu-Trùng-Đài thì phàm thân họ cũng dưới quyền luật-lệ như mọi người vậy”.

Thầy nói:

“Sự Thầy đã dạy, đều sái hết, Thầy tưởng chẳng còn nói; nếu ai là đạo-đức, đọc đến cách lập Pháp của Thầy mà chẳng mừng giùm cho nhơn-loại. Thầy buộc mình hứa cùng Ngọc-Hư Cung rằng: Nếu Đạo còn thì Thầy cũng theo gìn các con. Các con coi lời Thầy trọng-hệ là dường nào, như biết coi Đạo trọng, thì cả tinh-thần các con cũng nên tom-góp vào mỗi điều đó mà trông cậy nơi Thầy lập Pháp.

Hiệp-Thiên-Đài còn chưa muốn nhìn, thì Đạo một ngày kia cũng sẽ bị chối. Thầy tìm phương sửa cải cũng đáng đó chút. Nhưng cũng bởi chư Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho rõ cơ Đạo của thế-gian này, nên Thầy không giáng cơ mà phân giải lại nữa. Các con đã chịu một trách nhiệm nơi mình, nếu Thầy chẳng để cho các con học tập mà lập nên địa-vị mình trước mặt chúng-sanh cho xứng đáng, thì Đạo cũng chưa ra vẻ Đạo. Vì vậy mà Thầy chịu ép lòng để cho các con hằng nhớ rằng: Chẳng giờ phút nào Thầy xa các con hết”. (ĐCT 15-4 Mậu-Thìn 1928)

“Thầy vì sợ phàm tâm tục tánh, lập luật pháp rất nghiêm đặng đủ quyền-hành buộc cả Hội-Thánh là thân thể thiêng-liêng hiệp-hòa làm một:

- Luật thì có TÂN-LUẬT.

- Pháp thì có PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN.

- Quyền thì có TÒA TAM-GIÁO.

Ấy là cây còi, cây gậy, hàng rào thiêng-liêng, đặng lùa cả các chuồng chiên của Thầy hiệp một. Mà hại thay! kẻ chăn chẳng biết lóng tiếng còi, đoàn chiên không kiêng con gậy, rào thưa rích thưa rang để đến đỗi bầy sói lũ hùm bắt chiên thầy phân thây xé thịt, cái hại ấy do tại nơi đâu?

Tại Hội-Thánh cũng chưa nên Hội-Thánh, Chức-sắc Thiên-phong có cũng như không, có bóng không hình, làm cho thân Thầy không đủ quyền-hành mà xây chuyển Thiên-thơ (Plan divin) hầu đối địch quyết thắng tà-mưu nhiễu hại.

Cả Thánh-ngôn của Thầy dạy-dỗ chúng ta từ buổi khai Đạo đến chừ đã hiện thành TÂN PHÁP (Nouvelle vangile) mà ngày nay chúng-sanh còn chưa hiểu thấu, vì phần nhiều người lạm-dự vào bậc Thiên-phong lấy tà tâm bẻ-bai biếm-nhẻ chớ chẳng chịu truyền-bá lời lành, làm cho kẻ Đạo-tâm xiêu đường lạc ngõ. (PCT/71)

7- Phương-diện thực hành

Đức Quyền Giáo-Tông dạy:

“Nền Đạo của Chí-Tôn cao lên bao nhiêu thì danh thể của các em tăng tiến lên, trọng-yếu bấy nhiêu và trách-nhiệm phải thế nào?

Các em cần lo trau-giồi cho đáng giá để làm gương-mẫu hướng-dẫn quần chúng noi bước theo con đường đạo-đức và lập quốc buổi tương lai đã đến vậy.

Trong phương-diện hành-đạo có ba điều nên chú-ý như sau:

- Một là quyền.

- Hai là Luật.

- Ba là Pháp-điều của Đức Chí-Tôn vậy.

QUYỀN là giáo-hóa, dìu-dẫn chúng-sanh vào khuôn linh đạo-đức.

LUẬT là thương-yêu, rộng dung tha-thứ cho kẻ lỗi biết ăn-năn.

PHÁP là giữ công-bình, chánh-trực.

Nếu có kẻ không nghe lời giáo-hóa, cố tâm phạm luật thì người cầm quyền cai-trị lấy Thánh đức mà định hình phạt là cốt-yếu cạo gọt cho nên hình người, chớ không phải kẻ cầm quyền mà để phạm vào tội ác sát nhân, bởi Đạo-quyền gọi là Thánh-trị chớ không phải phàm trị. Các em nên nhớ!” (10-10 Canh-Dần 1950)

Đức Quyền Giáo-Tông dạy tiếp:

“Gần đây sắp mở Hạnh-đường, quyền Thượng và Ngọc Chánh-Phối-Sư phải sửa cơ giáo-hóa cho có qui-tắc. Qua nhận thấy phần đông ra hành-đạo vì Quyền chớ không phải vì Phận, có nhớ chăng lời Thánh-giáo của Đức Chí-Tôn nói rằng:

“Hễ dưới mắt các con còn lẽ bất công thì Đạo chưa thành” đó không?

Em phải nhắc lại giùm, Qua thấy mấy em ấy lầm-lộn mà phải đau lòng và rất tiếc chẳng còn mảnh thân phàm nữa đặng dìu-dẫn.

Đức Hộ-Pháp rất phiền lòng, Qua chẳng biết nói sao! Hôm trước Qua đã có nói về QUYỀN, LUẬT và PHÁP mấy em khá nhớ!

- Quyền là giáo-hóa.

- Luật là Bác-ái, Từ-bi.

- Còn Pháp là Công-chánh đó vậy”. (18-10 Canh-Dần dl 27-11-1950)

Đức Thượng-Phẩm cũng nhắc-nhở thêm:

Các em cũng vẫn biết nơi đây là gốc để đem lại sự thương-yêu cho toàn cả sanh-chúng trên mặt địa-cầu này. Vậy các em khá để tâm, tất cả những cái gì làm thương-tổn đến tình yêu-ái cũng là điều ích riêng hay chung đặng làm điều tư lợi, những cái đó ngoài mặt thế đã chán rồi, trong cửa Đạo phải tiêu-diệt cho hết thì mới mong sự phổ-độ được đắc thành mau sớm.

Lúc ra đi hành Đạo nên nhớ:

- Chơn-truyền là gốc.

- Luật-pháp là chuẩn-thằng.

- Từ-bi, Bác-ái là Đạo-pháp.

Mỗi việc các em phải khá suy-nghiệm cho kỹ-lưỡng, phải luôn nhớ rằng: Mình là người của chúng-sanh, chớ không phải chúng-sanh là người của mình.

Mảnh thân phàm đã làm con vật hy-sinh đặng Đức Chí-Tôn dùng, để sửa đời lầm-lạc ra thuần-phong mỹ-tục, thì phải biết nó ra thế nào rồi, giá-trị hay chăng là được trọn cùng không đó. (18-10-1950)

Lời Đức Chí-Tôn và các Đấng luôn luôn là kim-chỉ-nam cho người hành-đạo:

* Luật nhơn-quả của nhân-loại chưa hết thì chưa tạo hạnh-phúc được.

* Thầy tỏ thật, cái luật-lệ Thầy khiến cho các con hiệp chung trí lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo-đức, Thiên-phong Phật-sắc của các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy. Chẳng luật-lệ thì là trái phép, mà trái phép thì làm sao vào Bạch-Ngọc-Kinh cho đặng.

* Thầy đã muốn cho hoàn-toàn phải cần có Luật, mà hễ có Luật thì phải do theo đó mà hành-đạo, mới khỏi điều sơ thất.

* Quyết hẳn rằng không có quyền nào khuất lấp pháp-luật thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn đã định cả.

* Pháp-Luật của Chí-Tôn đã đào-tạo đều hữu-ích cho cơ-quan hành-động cho Chánh-giáo của Người, một cái dấu bỏ ra cũng chẳng đặng. Hễ tùng thì Đạo thành, còn nghịch thì Đạo diệt. (Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn)

Đức Hộ-Pháp kết-luận:

Đạo Cao-Đài Đức Chí-Tôn biểu chúng ta làm gì?

Biểu chúng ta dùng cả xác thịt, trí-não, tâm-hồn làm Thánh-thể cho Ổng, làm đầy-tớ cho cả con cái của Ổng, đó mới là thuyết giải khổ đó vậy.

Chính mình Bần-Đạo cầm quyền Hội-Thánh đem vào khuôn khổ pháp-luật ấy thế nào?

- Buổi ban sơ Bần-Đạo lấy cả Pháp-luật làm chuẩn-thằng chỉnh-đốn cả cơ-quan chánh-trị của đời là: Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Bần-Đạo lập nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà Bảo-sanh, là cốt-yếu chỉnh-đốn thân sống trong khuôn-khổ mực thước, tức nhiên họ giúp cho nhau trong khuôn-khổ đạo đức, tức nhiên họ có cả cơ-quan làm cho buổi thống-khổ loạn-lạc phải tiêu-hủy.

Cơ-quan Đạo Cao-Đài cốt-yếu chỉnh-đốn nhân-quần xã-hội tăng-tiến trong khuôn-khổ nhơn-luân, Nhơn-đạo để trong tâm-não đặng họ tương-trợ nhau, họ xúm nhau trong một nhà để giúp nhau về mặt tinh-thần.

Bần-Đạo nói đến việc chỉnh-đốn nội-dung nền Chánh-trị-Đạo. Trong buổi hỗn-tạp này, Ta sẽ phân-tích ra ĐẠO và THẾ phân biệt, không thể để Thế và Đạo lẫn-lộn được, cũng như quyền-năng Chí-Tôn phân ra tả hữu vậy. Tả là Đời, hữu là Đạo, giữa là Pháp. Đời là đời, Đạo là Đạo đôi ngã phân minh.

Từ đây toàn thể con cái Đức Chí-Tôn sẽ chỉnh-đốn lại hai đường ấy, dầu hiện nay còn hỗn tạp cũng không hại gì.”

Bần-Đạo nói dứt một điều là về Pháp-luật:

Bần-Đạo làm Hộ-Pháp, dầu cho buổi nọ họ loạn bao nhiêu, chỉ dùng cả quyền-lực đặng bảo thủ nền chơn-giáo của Đức Chí-Tôn mà thôi. Ngoài ra họ là Bạn, họ là đoàn anh, tình đó cao trọng hơn hết.

Thứ nhì nữa là cả tội-tình cái kẻ nghịch Đạo trước mắt Bần-Đạo vô-giá-trị. Giá-trị thiệt hay không là ngọn lửa thiêng-liêng ấy làm cho bừng dậy quốc-hồn nước Việt-Nam, tinh-thần tối cổ và văn-minh tối cổ của nòi giống, cái đó là trọng-hệ hơn hết”. Đức Ngài nói tiếp:

… Nếu càn-khôn vũ-trụ không công-chánh, mực thước, địa-cầu nào cũng muốn sống cho sáng-suốt, tự-do chạy tìm ánh-sáng, thì địa-cầu này sẽ đụng với địa-cầu kia; mặt trăng, mặt trời không còn thể chất. Càn-khôn vũ-trụ và quyền công-chánh đã định vậy, nếu biết tùng theo luật ấy thì trường-tồn, trái nghịch là tiêu diệt!

Quan-sát luật-pháp ấy, quyền-hành ấy, chúng ta nhìn quả thật Đấng Tạo-đoan là chủ quyền đó vậy.

Ngộ-nghĩnh thay! Đấng Tạo-đoan càn-khôn vũ-trụ với luật-pháp ấy, khuôn khổ ấy, ngày nay lại đến tạo Đạo cho chúng ta, vậy Ngài lấy khuôn khổ nào mà tạo pháp-luật và quyền-hành? Ngài để trong Thánh-thể Ngài hình luật nào? Phương-pháp nào đặng trị Đạo?

Tuy vân, có PHÁP-CHÁNH-TRUYỀN và TÂN-LUẬT cốt để bình tâm thiên-hạ đặng để gỡ tội cho kẻ có tội-lỗi. Phàm hễ không biết thú tội trước mặt Người và trước phép thiêng-liêng: Định luật-pháp ấy cũng tỷ như sợi dây thiết-tỏa liệng xuống Âm-quang cho kẻ tội-nhơn nắm nó mà phăng về thiêng-liêng cựu-cảnh, chớ chưa phải là chơn-luật và chơn-pháp.

Nếu nói từ nay Đức Chí-Tôn đến tạo dựng Thánh-thể của Ngài thì thật sự là PHÁP-CHÁNH, nhưng chỉ có tạo Thánh-thể của Ngài ở dưới thế này mà thôi, chớ quyền Công-chánh của Ngài là đã đào-tạo Thánh-thể Thiêng-Liêng của Ngài, còn về mặt luật là do Hội-Thánh lập thành chớ không phải Ngài định luật.

Ấy vậy, nếu chúng ta nói TÂN-LUẬT là phàm, thì quả thật nó là phàm. Còn Thiên-luật của Chí-Tôn là Thương-yêu mới là Thánh mà thôi. Hỏi vậy Bần-Đạo nói đây có quá lời chăng? Bần-Đạo xin trưng bằng cớ ra liền.

Từ ngày mở Đạo đến nay đã 23 năm, hình trạng của Đạo lấy phương gì tạo nền chánh-trị của nó? Quyền-lực của đời thường nương nơi súng đồng, gươm máy, khám tù mà đạt thành, còn Đạo làm thế nào cho có quyền mà lập nền chánh-trị?

Nói hẳn rằng, nếu không phải Luật Thương-yêu lập quyền cho Bần-Đạo ngày nay, Bần-Đạo ắt không còn đứng trên Tòa giảng này mà giảng Đạo.

Nếu không có Quyền Công-chánh, Đạo Cao-Đài đã tiêu-diệt không sống tới ngày hôm nay đâu, bằng cớ hiển-nhiên là đó vậy.

Toàn Thánh-thể Đức Chí-Tôn nếu biết thì nên nắm quyền-lực thiên-nhiên ấy, ngày giờ nào thiên-hạ được thương-yêu nhau nồng-nàn, thì ngày giờ ấy quyền Đạo sẽ là quyền tối cao-thượng nơi mặt thế đó. (ĐHP 23-6 Mậu-Tý dl 29-7-1948)

8- Tại sao phải lập PHÁP-CHÁNH?

Đức Hộ-Pháp nói:

“Bây giờ luận trong Hội-Thánh: em thì đông, nam nữ gần đôi ba triệu, được cái phải của đứa này có cái quấy của đứa khác không đồng nhau, vì lẽ đó Đức Chí-Tôn mới lập PHÁP CHÁNH, thử cái cân Công-bình của Hội-Thánh nghĩ làm sao mà chớ?

Chỉ có mong một điều là đoàn em có đặng đắc giáo, được dạy-dỗ cho hiểu Đạo, đặng nó sống giùm cho bạn của nó.

Đại-gia-đình thiêng-liêng này nó phải tương-liên, sống chung, chết chung với nhau đó. Nếu cả Thánh-thể của Chí-Tôn không có giáo-hóa cho họ hiểu thấu-đáo nghĩa lý cái sống trong cửa thiêng-liêng này, trong đại-gia-đình thiêng-liêng này là gì, thì bao giờ cũng vậy, đứa phải trở lại đả-đảo đứa quấy, đứa quấy cũng không nhịn đả đảo trở lại đứa phải. Tấn-tuồng đời chuyển-luân ngay giữa cửa thiêng-liêng của Đạo vậy. Nam nữ, em cũng đồng em hết, mình coi quyền-lợi cả thảy của nó, hễ tính cái nào nhiều theo đa số; giờ bắt chước theo kiểu vở chánh-trị thiên-hạ bên Phi châu, hễ đầu phiếu nhiều là được. Bây giờ trong đoàn em của mình, hễ đa số chịu cái gì nếu phải, mình làm theo nó, giúp đỡ cho nó làm. Đa số nó không bằng lòng làm cái gì thì mình từ, ráng cố gắng mà tránh. Có một điều nên để ý hơn hết trước mặt Đại-Từ-Phụ. Đại-Từ-Phụ coi cả con cái của Ngài ở dưới thế-gian này là đám mồ-côi; nam cũng vậy, nữ cũng vậy; vì lý-do mồ-côi đó nên Ổng chống gậy đến, Ổng nói con Ổng mồ-côi. Bây giờ ta cũng kể em ta là đám mồ-côi nương lấy anh. Muốn nuôi-nấng dạy-dỗ nó, nhứt là dạy dỗ chẳng phải bằng lỗ miệng mà thôi, mà dạy-dỗ sự hành-vi của nó. Coi nhiều đứa nhứt là đám mồ côi của phái nữ, tâm thần thì hay thương-yêu, có nhiều đứa mồ-côi chưa được lỗ mũi Mẹ hun-hít, mà cái nó thèm-thuồng tìm kiếm trong cửa Đạo Mẹ của nó, trông kiếm nơi cửa Đạo Cha của nó, nam cũng vậy, nữ cũng vậy.

Cả Thánh-thể Đức Chí-Tôn cố gắng làm Cha, làm Mẹ nó giùm, cố-gắng mỗi người đều dạy-dỗ”. (ĐHP thuyết về hồng oai, hồng từ)

9- Lòng từ-bi của Thầy

Thầy dạy: “không chuyện chi cần, Thầy không muốn làm nhọc chư Tiên và chư Thần, mỗi vị đều có trách-nhiệm riêng, con hiểu à! Xem đó thì các con khá dè-dặt kỉnh Thần, Thánh cho lắm, vì Thầy là bậc Chí-Tôn, lòng hay quảng-đại mà tha-thứ, chớ Thần, Thánh hễ các con có lỗi thì cứ Thiên-điều mà quở phạt các con, nghe à! Con hiểu ý bài thơ này chăng?

Ẩm mã đầu tiền Hạng-Trọng-sơn,
Chung qui hữu phước hạnh tao-phùng.
Hậu lai mạc tín đa phi thị,
Hữu ngọai thành tâm tái vận cung.

Sao? Nói cho Thầy nghe? Chư Nhu đặng tọa vị hầu Thầy.

… Không đâu con! Con hiểu hai câu này chăng?

“Hớn-Lưu-Khoan trách dân bồ tiên thị nhục.

“Hạng-trọng-Sơn khiết kỷ ẩm mã đầu tiền”

Nghĩa là đời Hớn, người Lưu-Khoan làm quan, hễ dân có tội thì đánh bằng roi lát cho biết nhục vậy thôi; còn nước Hạng, người Trọng-Sơn, sạch mình cho đến đỗi cho ngựa uống nước rồi vãi tiền xuống sông mà trả; trong sạch đến đỗi của trời đất cũng không nhơ bợn, con hiểu à!.

Thầy muốn dạy con: phải ở và dạy nội gia quyến con cho chánh đáng, phải lấy lòng trong sạch đối-đãi với người dầu việc nhỏ mọn cũng vậy. Con khá đọc Thánh-ngôn và cắt nghĩa Thánh-ý Thầy cho mọi người biết.

Hạnh ngay thật là nét yêu-dấu của Thầy, con nghe! (TNII/10)

10- Pháp quyền tự trị

Pháp quyền của thế-giới là pháp quyền tự trị, có vậy mới bảo-đảm tinh-thần tự do dân chủ của con người. Đặc tính nhân-bản là chỗ đó.

Và chỉ có pháp quyền tự trị mới thể hiện tinh-thần tôn-trọng nhân-phẩm một cách tuyệt đối. Đã không chấp-nhận trừng-trị, tức nhiên không còn những nhục hình đối với phạm-nhân mà trước kia và hiện nay còn áp-dụng.

“Nay, buổi Tam-Kỳ Phổ-Độ Đức Chí-Tôn đến lập nền Đại-Đạo, tức nhiên mở cơ Đại-ân-xá kỳ ba, Hộ-Pháp thay quyền Chí-Tôn tại thế mà đưa tin Cứu thế. Ngài phải làm cho được công việc này: là làm sao tuyệt-đối trong luật-pháp không còn án tử hình.

Án tử hình của các xã-hội nhơn-quần đã dùng trị thế với một phương-pháp phi pháp. Bằng cớ là Đức Chí-Tôn đã phú-thác cho Bần-Đạo đảm-nhiệm rất khó-khăn và rất trọng-yếu. Ngài căn-dặn nhiều phen làm thế nào trừ cho được cái án tử hình, do xã-hội giết người một cách phi-pháp và nơi nào cây cờ trương lên bất cứ nước nào, xứ nào, phải làm sao cho được bóng cờ ấy trở nên Thánh-địa, tức nhiên không có quyền-hành nào xâm-phạm nó, đặng bảo-vệ sanh mạng nhân-lọai toàn mặt địa-cầu… Đương nhiên Bần-Đạo thi-thố phận-sự đối với Đức Chí-Tôn là để phụng-sự nhân-lọai. Buổi Bần-Đạo ở hải ngọai là Madagascar về, có quen biết hai người thân-sĩ giống dân Malgache, hai vị thân-sĩ ấy vì tội phiến-lọan, tức vận-động phục-quốc của họ, mà bị Pháp-triều lên án tử hình. Bần-Đạo đánh điện-văn xin hủy án tử hình ấy, họăc thay bằng án nào khác hơn là án giết người.

May thay! Nước Pháp là nước cầm quyền được văn-minh chiếu-diệu nơi mặt địa-cầu ai cũng biết, lại là nước đề-xướng nhân-quyền. Ngày nay Bần-Đạo hữu-hạnh thấy vụ án tử hình ấy được đem xử lại.

Lại nữa, khi Bần-Đạo hội-kiến cùng Cựu Hoàng Bảo-Đại tại Đà-lạt, trước khi về, có để lại Người một bức cẩm-nang, công việc hành tàng phục quốc trong bức cẩm-nang, vấn-đề đầu tiên hơn hết là bỏ án tử hình và toàn xá các tù nhân.

Tại sao Đức Chí-Tôn phải căn-dặn Bần-Đạo hủy bỏ án tử hình và tranh-đấu đến kỳ-cùng cho kết-liễu điều ấy, bởi nó phi-pháp không có quyền-năng nào hơn trên mặt địa-cầu hay là càn-khôn vũ-trụ đặng làm Chúa mạng sống của vạn-linh. Cả cái chi mình có quyền vi chủ nhứt định xài nó, dùng nó, mình là chủ quyền đặng; cái chi không phải mình vi chủ mà mình cướp đọat là mình có tội, mạng sanh không phải mình vi chủ, Đức Thượng-Đế vi chủ. Duy Đức Thượng-Đế có quyền định sống chết, ngoài cái quyền của Đức Thượng-Đế tức là Đức Chí-Tôn Đại-Từ-Phụ của chúng ta thì không ai có quyền nào định chết sống cho ta được, chết sống ấy không phải là mình định được.”

►Xem tiếp CHƯƠNG VII / ... Lập Pháp-Chánh-Truyền Cửu-Trùng-Đài

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007