DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương VIII:

LUẬN VỀ BÁT-QUÁI
TIÊN-THIÊN & HẬU-THIÊN

 
  1. Bát-quái Tiên-thiên
    1. Cách thành lập Bát-quái Tiên-thiên
    2. Quan-niệm sai lầm trong vấn-đề học Dịch
    3. Bát-quái Tiên-thiên hoành đồ (đồ ngang)
    4. Bát-quái Tiên-thiên viên đồ (đồ tròn)
    5. Bát-quái Tiên-thiên phương đồ (đồ vuông)
    6. Bát-quái Tiên-thiên phương vị đồ
    7. Độ 92 ức nguyên-nhân là kỳ độ ân-xá của Chí-Tôn
    8. Đạo Cao-Đài độ 92 ức nguyên-nhân cách nào?
    9. Luận Đạo: về Bát-quái Tiên-thiên trong Đại-Đạo
    10. Sự quan-trọng của Bát-quái đối với người tu
  2. Hà-đồ là gì?
    1. Khái quát
    2. Nguyên-lý về Ngũ-hành
    3. Tiên-thiên dương ngũ-hành
    4. Hậu-thiên âm ngũ-hành
    5. Cổ Hà-đồ
    6. Nguyên-lý tạo thành 64 quẻ kép
  3. Phục-Hi Tiên-thiên lục thập tứ quái đồ
    1. Tám quẻ gọi là Bát thuần
    2. Sự biến-hóa thành quẻ kép
    3. Cách đọc 64 quẻ trên đồ Phục-Hi
  4. Hậu-thiên Bát-quái của Văn-Vương
  5. Hậu-thiên Bát-quái thuận hành tạo-hoá-đồ
  6. Lạc-thư
    1. Giải-thích Ngũ-hành có mặt trên đồ Hậu-thiên
    2. Ngũ-hành qua hai lý tương sanh tương khắc

A- BÁT-QUÁI TIÊN-THIÊN

Xin lập lại lời Thánh-ngôn có dạy:

“Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới thì Khí-Hư-Vô sanh có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực.

“Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ-tượng, Tứ-tượng biến Bát-quái, Bát-quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà phân ra vạn-vật là: Vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng-sanh.

“Các con đủ hiểu rằng:

“Chi chi hữu-sanh cũng do bởi chơn-linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy, Thầy là Cha của sự sống, vì vậy mà lòng háo-sanh của Thầy không cùng tận”.

 

Thử hỏi ngày nay Thầy đến thế mở Đạo, Thầy lập Pháp-Chánh-Truyền Cửu-Trùng-Đài do đâu mà lập “Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam-thập-lục Thánh, Thất-thập-nhị Hiền, Tam-thiên đồ-đệ”?

Từ xưa đến nay nhân-lọai đã thừa hưởng cái di-sản quí báu của các bậc tiền Thánh để lại là hai Bát-quái: Bát-quái Tiên-thiên và Bát-quái Hậu-thiên. Vậy xin bàn đến Bát-quái Tiên-thiên trước cũng đồng thời trả lời câu hỏi trên qua tinh-thần của các Bát-quái ấy trong cương vị của Hà-đồ, Lạc-thư mà Thánh nhân đã lưu lại.

1- Cách lập thành Bát-quái Tiên-thiên

 

Khi nói đến Đạo là nói đến đầu mối ÂM DƯƠNG. Âm dương tương-hiệp mới phát khởi càn-khôn, tức là Nhứt Khí-Hư-Vô sanh Lưỡng-nghi, nghĩa là ánh Thái-cực biến tướng ra phân làm hai ngôi: âm-quang và dương quang. Ví bằng hai ngôi này muốn biến-sanh ra nữa thì cần phải tương-hiệp, nếu không tương-hiệp thì không thế nào sanh biến thêm được (xem hình chữ thập). Nếu âm dương mà để riêng ra, thì hai cũng vẫn là hai.

Muốn âm dương tương-hiệp nghĩa là phải đặt chồng lên nhau thành một góc vuông, điểm gặp nhau là điểm 0, đó gọi là Thái-cực làm căn bản. Bởi có hiệp với ngôi Thái-cực mới thành ra bốn, ấy gọi Lưỡng-nghi sinh Tứ-tượng. Nếu muốn biến ra thêm nữa thì 4 ấy cũng vẫn phải nhập lại vào tâm mới có thể biến ra được mà thành 8 cánh. Gọi là Tứ-tượng biến Bát-quái.

Khởi đầu: vua Phục-Hi ngẩng lên xem Thiên-văn, cúi xuống thì xét lý đất, gần thì lấy thân mình mà suy-nghiệm. Ngài mới đặt ra những nét chẵn, lẻ tức là vạch liền tượng dương vạch đứt tượng âm cũng từ trong lý tính của nam, nữ mà ra để làm chuẩn, định cho cái âm dương ấy. Lấy hai điểm này làm gốc, khởi đầu, nên luôn luôn điểm chuẩn đặt ở dưới hết của quẻ. Hào, tính từ dưới tính lên. Đọc quẻ từ trên đọc xuống.

Người dân-tộc thiểu-số hay người Chàm họ cũng lấy cái vật biểu tượng âm dương là hình ảnh cối chày đặt lên nhau gọi là cái “Linga”. Đó cũng là một bước tiến của dân-tộc bán khai

Giai-đoạn kế mới thêm nét âm dương nữa cho mỗi cái gốc đó, để lần-lượt biến-hóa thêm, theo luật song-tiến-số (nghĩa là cứ gấp đôi lên) tức là nếu lấy dương làm gốc rồi thêm dương nữa thành ra:

1 2 3 4
THÁI-DƯƠNG THIẾU-ÂM THIẾU-DƯƠNG THÁI-ÂM
TỨ TƯỢNG

- Hai nét dương (số 1) gọi là Thái-dương.

- Cũng từ gốc dương thêm nét âm lên trên thành ra (số 2) gọi là Thiếu-âm.

Tới gốc âm cũng qua hai lần biến-hóa, tiếp-tục thêm dương, thêm âm sẽ có (số 3) là Thiếu-dương và (số 4) là Thái-âm.

Thái là rất, là ròng một thứ; Thái-dương là rất dương, cho nên tượng bằng hai vạch liền; Thái-âm là rất âm, tượng bằng hai vạch đứt.

Thiếu là trẻ, nghĩa là mới sinh ra, nên đặt lên trên, vì nét âm mới sinh nên gọi là Thiếu-âm cũng như nét dương mới sinh nên gọi là Thiếu-dương

Họp chung gọi là Tứ-tượng, tức là bốn hình tượng. Tứ-tượng có một vị-thế rất quan-trọng, không thể không nhớ kỹ được; từ cái phù-hiệu cho đến con số biểu-tượng của nó. Đó là Tứ-tượng đặt trên đường thẳng.

 

Bây giờ Tứ-tượng có thể đặt trên vòng tròn, đồng thời xác-định phương-vị của nó nữa.

Xem hình thấy rõ phía bên trái là dương, bởi gốc nó là dương mới biến ra Thái-dương số 1 và Thiếu-âm số 2. Âm dương luôn đi liền nhau.

Bên phải là âm, bởi gốc nó là âm, biến qua hai lần là Thiếu-dương số 3 và Thái-âm số 4 tức là trong âm vẫn có dương và trong dương vẫn có âm.

Lý dịch luôn luôn như vậy, không bao giờ có tình-trạng cô âm hay cô dương (tức là thuần âm hay thuần dương) Cô dương thì không sanh, cô âm thì không hóa.

 

Giai-đoạn thứ tư là Tứ-tượng biến Bát-quái, cũng từ gốc của Tứ-tượng, rồi thêm dương, thêm âm, lần-lượt gấp đôi lên thành ra 8 quẻ, tức là: Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8. Đây cũng là phù-hiệu về quẻ và số của Bát-quái Tiên-thiên vậy.

1
Thái-dương
1 CÀN Gốc Thái-dương thêm 1 nét dương thành CÀN số 1
2 ĐOÀI Gốc Thái-dương thêm 1 nét âm thành ĐOÀI số 2
2
Thiếu-âm
3 LY Gốc Thiếu-âm thêm 1 nét dương thành LY số 3
4 CHẤN Gốc Thiếu-âm thêm 1 nét âm thành CHẤN số 4
3
Thiếu-dương
5 TỐN Gốc Thiếu-dương thêm 1 nét dương thành TỐN số 5
6 KHẢM Gốc Thiếu-dương thêm 1 nét âm thành KHẢM số 6
4
Thái-âm
7 CẤN Gốc Thái-âm thêm 1 nét dương thành CẤN số 7
8 KHÔN Gốc Thái-âm thêm 1 nét âm thành KHÔN số 8
BÁT-QUÁI ĐƯỢC HÌNH THÀNH TỪ GỐC TỨ-TƯỢNG MÀ RA

Gốc Thái-dương cho ra hai quẻ là Càn số 1 và Đoài số 2.

Gốc Thiếu-âm cho ra hai quẻ là Ly số 3 và Chấn số 4.

Gốc Thiếu-dương cho ra hai quẻ là Tốn số 5 và Khảm số 6.

Gốc Thái-âm cho ra hai quẻ là Cấn số 7 và Khôn số 8.

Chú-ý:

- Gọi là nghi, khi thành-phần cấu-tạo chỉ có một nét (hào dương, hào âm)

- Gọi là Tượng là thành-phần cấu-tạo do hai nét họp thành (chỉ có 4 tượng)

- Gọi là quẻ (hay quái) là cấu-tạo bởi ba nét họp thành (chỉ có 8 quẻ đơn thôi)

Mỗi một quẻ 3 nét như vậy gọi là quẻ Đơn (đơn quái) đó là Bát-quái làm căn-bản.

Bảng tóm-tắt:

THIÊN
NHÂN
ĐỊA
 

Đặc biệt một quẻ đơn là có đủ 3 nét, gọi là Tam tài: trên là thiên, dưới là địa, giữa là nhân. Vì chỉ có con người mới được dự phần vào việc của trời đất mà thôi. Yếu tố này rất quan-trọng trong lý Dịch.

Tại sao nói là giai-đoạn thứ tư?

Đức Lão-Tử có nói “Đạo sanh nhứt, nhứt sanh nhị, nhị sanh tam, tam sanh vạn-vật”

Nhìn qua đồ hình sẽ thấy rõ lời nói ấy; tức nhiên khởi đoan là Đạo, có trước nhất.

Từ trong Đạo mới sanh ngôi Thái-cực, như Đức Chí-Tôn đã nói “Khi chưa có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới thì Khí-Hư-Vô sanh có một Thầy, ngôi của Thầy là Thái-cực (đây là giai-đoạn thứ nhì), Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi (giai-đoạn thứ ba), Lưỡng-nghi phân ra Tứ-tượng (giai-đoạn thứ tư), Tứ-tượng biến Bát-quái (giai-đoạn thứ năm). Bát-quái biến-hóa vô cùng mới thành ra càn-khôn thế giái (đây là giai-đoạn thứ sáu). Tức là sự thành hình thành tướng (tức nhiên 8x8=64 quẻ). Phải trải qua 6 giai-đoạn để trở về (lý Tam âm tam dương là vậy). Số 6 đây là quẻ Càn của Hậu-thiên (trời 3 đất 3) trong ý-nghĩa ấy.

 

2- Quan-niệm sai lầm trong vấn-đề học DỊCH:

Điều quan-trọng trong vấn-đề DỊCH là những biểu-tượng, những phù-hiệu về quẻ không thể lầm-lẫn, không thể sai sót một điểm nhỏ nào, bởi nó tế-vi quá. Sai một ly đi một dặm, nên Thánh-nhân răn rằng khi luyện về Bát-quái “không để cho lậu một giọt Tinh”. Có nhiều bậc hành-giả chỉ chú-ý quá nhiều về cái thể mà không quan-tâm đến cái dụng, nên cố-gắng đủ mọi điều, “ém không cho tinh lậu” nên các Ngài đặt ra rất nhiều danh-từ hết sức trừu-tượng như “anh-nhi”, “trạch-nữ”, tu phải qua các thời-kỳ “Thập ngoạt hoài thai, Tam niên nhũ bộ”, “Cửu niên diện bích”,… do đó mà Dịch càng xa con người hơn. Muốn đến tòa lâu-đài này phải hết sức e-dè, ngần ngại vì luôn bị Thần-Thánh-hóa Dịch là một cái gì mênh-mông đến huyễn-hoặc.

Tuy nhiên trong vấn-đề lý giải chúng tôi cũng có trích thêm tài-liệu xưa trong “Châu Dịch Xiển Chơn” để rộng đường nghiên-cứu.

Tóm lại phải hiểu rằng cái Tinh-hoa của Dịch hết sức là linh-động, biến-hóa vô cùng. Người học Dịch phải nhạy bén với một tinh-thần mẫn cảm, không quá chấp nê vào một danh-từ.

Giả-sử: Càn là Trời, Khôn là đất, nhưng Càn còn chỉ chung những cái gì cứng rắn, oai-vệ; là chỉ-huy, tướng soái, là chủ-nhân… là vật đực (Masculin)

Khôn là âm, mềm-mại, là tối, là sự dịu dàng của bà mẹ, là tính khiêm-ái, thuần-hậu, nết na…là vật cái (Féminin).

Dịch luôn luôn có cái tương-đối của nó. Thí-dụ nói đến Vua thì ngôi đối với là Hoàng Hậu. Con vật đực thì đối tượng là vật cái, chớ không thể lầm-lẫn được…

Một con gà trống thì đối tượng của nó là con gà mái; một con ngựa đực thì đối tượng là con ngựa cái; không thể đem con gà mái hòa đồng với con ngựa đực được vì hai thể loại khác nhau, hai lý tính khác nhau. Cũng như nam đối với nữ, sáng đối lại là tối; chứ không thể hiểu rằng nam là sáng nữ là tối được. Tiền-nhân chúng ta đã lầm, một cái lầm quá ư to lớn là chỗ này đây!

Một phần các ông ngày xưa lầm hiểu, nắm ngay chỗ “Âm là tối” rồi cho rằng Nữ có tính Âm nên ngu tối, đần-độn, dẫu cho học cũng không biết gì, rồi không cho giới Nữ học-hành hay tham gia bất cứ những gì thuộc về bên ngoài xã-hội.

Chính dân-tộc Á-châu này, các Thánh-nhân đã xướng xuất nên một triết-thuyết cao đẹp, mà đám hậu-duệ của các Ngài phải chịu hậu-quả hết sức đau thương: Nữ-giới bao ngàn năm phải chịu dốt nát, thiệt-thòi. Làm luật sai lầm là chết trên luật là chỗ đó! Người phái-nữ của Á-đông nhiều ngàn năm chịu thiệt-thòi cũng vì cái sai lầm ấy bắt nguồn từ Trung-Hoa truyền sang Việt-Nam cho đến bây giờ.

Nay Đức Chí-Tôn đã đem lại một sự bình quyền, bình-đẳng cho tất cả nhân-loại trên quả địa-cầu này. Nhất là Nữ-giới Cao-Đài phải tự mình thấy con đường rạng-rỡ trước mặt mà cố gắng học hỏi những nghĩa-lý cao-thâm, những triết-lý siêu-tuyệt của nền Đại-Đạo và đồng-thời tự nâng cao phẩm-giá của mình. Nói chung đó là những yếu-lý để đem đến Hòa-bình cho chính mình, cho gia-đình, cho xã-hội và cả thế-giới nữa. Bởi Thượng-Đế đã ban cho Nữ-giới một trái tim yêu thương và một sự chịu khó, một sự bền-bĩ khôn lường. Hãy đem tất cả những gì sẵn có mà phát huy tinh-thần đạo-pháp đến chỗ cao tuyệt trong tinh-thần Hiến-dâng và Phụng-sự đúng nghĩa hơn.

Tất cả những nhà giáo-dục phải có chương trình học hỏi riêng cho giới Nữ về đạo-đức, tức là xây dựng nền văn-hóa Nho-phong của nền Tân Tôn-giáo. Xây dựng cho Nữ-phái chính là xây dựng đất nước, dân-tộc. Nếu lãng quên chương trình này chỉ là xây tòa nhà trên cát mà thôi. Hỏi vậy Nữ-giới có phải thật là ngu dốt không? Nếu ngu dốt làm sao ngày nay nhiều nước trên thế-giới vẫn có Nữ Tổng-Thống, Nữ phi-công, Nữ Bác học… Hỡi những dân-tộc hiểu biết hãy có tầm nhìn xa rộng hơn mà chung lo cho tất cả các nước còn lạc-hậu, số phận của giới Nữ trong các nước chậm tiến còn chịu phận thiệt-thòi; hãy xóa tan vấn-đề nô-lệ, nạn kỳ thị chủng tộc…

Những yếu lý này chính nền Tân-Tôn-giáo Cao-Đài đã có trù liệu cả, tức nhiên là Đấng Thượng-Đế đã vẽ nên một đưòng lối bình-đẳng, bình-quyền thật sự. Nhưng cái Bình đẳng, Bình quyền này trong một ý-thức-hệ, trong tư-tưởng con người, trong tinh-thần đạo-pháp; chứ không có nghĩa là những thứ hời-hợt bên ngoài.

Hiện giờ trong giai-đoạn giao thời người ta lầm, cứ hễ Nam thế nào thì Nữ thế ấy, điều đó đã làm mất đi nữ-tính của con người rất nhiều, người nữ bản tính dịu-dàng, nết-na, thuần-hậu… dầu làm những công-việc của nam-giới như nhà binh đi nữa, cũng vẫn còn nét của Nữ chớ!

Cho chí đến nghệ-thuật điện ảnh, sân khấu cải lương ngày nay đã đi quá mức, hình ảnh một nữ diễn-viên nhảy-nhót… hết sức trần-tục đến trần lỗ rồi trần... (Xin lỗi có số đã đi quá đà nghệ-thuật, làm cho những nhà nghệ-thuật chân-chính đến phải trợn-tráo mà thôi!.)

Lại nữa trong việc chọn hoa hậu giữa thời buổi văn-minh ngày nay mà chẳng văn-minh chút nào. Vì sao phải thoát y kiểu đó mới thấy được “cái tượng kỳ diệu” ấy, nếu không lõa thể như vậy thì không phô hết nét “thần bí” hay sao, hay là “nghìn năm một thuở” nên phải “vận dụng công-phu” đến thế!?

Phải thấy rằng hễ tượng là tượng, người là người hai cái đó khác nhau!

Mong rằng người làm nghệ-thuật, người làm nghề giáo-dục, trách-nhiệm “Trăm năm trồng người” của các Ngài quan-trọng lắm đó!

Nếu tôi nhớ không lầm thì tiền-nhân ta có nói rằng: Làm một thầy thuốc lầm thì giết chết một bệnh-nhân; làm nhà chánh-trị lầm thì giết chết một xã-hội; làm nhà giáo-dục lầm thì giết chết một thế-hệ!

Than ôi!

3- TIÊN-THIÊN HOÀNH-ĐỒ

Tiên-thiên hoành-đồ là thứ-tự của vua Phục-Hi vẽ ra Bát-quái. Đương lúc chưa có quẻ mà sắp ra quẻ thì số 5 ở chính giữa bản-đồ tức là ngôi THÁI-CỰC.

Trước hết vẽ một vạch liền (gọi là cơ) để tượng hình Dương-nghi, kế vẽ một vạch đứt (ngẫu) để tượng hình Âm nghi. Thái-cực sanh lưỡng-nghi tức là cái vạch liền và cái vạch đứt ở trong bản-đồ đó (Dịch dùng âm dương, cơ ngẫu, chẵn lẻ vẫn là một).

 

(Đây là vẽ Bát-quái Tiên-thiên theo đồ ngang)

Lại trên Lưỡng-nghi mỗi bên có một vạch liền và một vạch đứt chồng lên hai nghi đó tạo thành Tứ-tượng: Thái-dương số 1, Thiếu-âm số 2, Thiếu-Dương số 3, Thái-âm số 4.

 

Lưỡng-nghi sanh tứ-tượng là: THỦY, HỎA, MỘC, KIM.

Tứ-tượng sanh Bát-quái như trên đã nói.

Vẽ Tứ-tượng mà không nói tới Thổ là bởi Thái-cực tức là Thổ vậy. Âm dương đối chọi nhau tương-giao mà thành quẻ cũng là thổ (vì nó sanh sanh chẳng ngớt nên gọi là thổ). Vì Thổ nó có một khí vận chung nên gọi là Thái-cực. Thái-cực và Thổ là một mà thôi, bởi nó là giao điểm đứng vào tâm, là trung ương của một đồ hình là vòng tròn được thu hẹp, nói rộng hơn là tâm-điểm của vũ-trụ.

Tuy không nói tới Thổ mà chỉ vẽ Tứ-tượng; Trong Tứ-tượng đã có Âm-Dương giao nhau: trong Thái-dương có Thiếu-âm và trong Thái-âm có Thiếu-dương tượng hình Ngũ-hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bởi thế mới có tứ-dương và tứ âm kết hợp với nhau mà tạo thành Bát-quái. Đạo-gia gọi là hột nguyên-tử tánh.

Xem thế thì hình ảnh của Ngũ-hành đã diễn biến rất là linh-hoạt, khi hai đường thẳng giao nhau cho ta một Tứ-tượng, tức nhiên bốn cánh, nhưng thật ra đó là một Ngũ-hành, bởi có một tâm không ở giữa; Ngũ-hành có tên là: Thủy 1, Hỏa 2, Mộc 3, Kim 4, Thổ 5.

Nhớ lại Tiên-thiên Bát-quái CÀN là 1, nhưng khi qua Hậu-thiên Bát-quái CÀN là 6, nhưng tượng của trời là 7 mới biến thành Đoài ở Bát-quái Đồ-thiên làm thành một Bát-quái duy nhất của Đạo Cao-Đài lâu dài đến bảy trăm ngàn năm, cũng từ con số 7 đi vào tâm của vòng tròn mà kết hợp với 5 con số 0 để thành 700.000 năm là vậy.(Thất ức niên)

4- Bát-quái Tiên-thiên vẽ trên đồ hình tròn (viên đồ)

Bát-quái Tiên-thiên cũng có thể vẽ trên vòng tròn, đồng thời định phương vị cho Bát-quái này đã có từ đời Phục-Hi Hoàng-Đế.

Nhận xét:

Bát-quái kết hợp bởi hai trục:

- Trục đứng là Nam Bắc định-vị bởi hai quẻ Càn Khôn.

- Trục ngang là Đông Tây định-vị hai quẻ Ly Khảm. Bốn quẻ còn lại nằm vào các vị-trí phụ thuộc.

Tức nhiên theo thứ-tự của Bát-quái Tiên-thiên là: Càn, Đoài, Ly, Chấn quay theo chiều nghịch với chiều kim đồng-hồ, theo chiều dương.

Các quẻ mới sinh là: Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, quay theo chiều thuận với chiều kim đồng hồ, theo chiều âm.

Số của Bát-quái Tiên-thiên: Càn 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8.

Nếu cộng các quẻ đối nhau qua tâm (gọi là xuyên tâm đối) sẽ có tổng-số giống nhau là 9.

 

Như:

Càn 1 + Khôn 8 = 9

Ly 3 + Khảm 6 = 9

Đoài 2 + Cấn 7 = 9

Chấn 4 + Tốn 5 = 9

Bát-quái này có 4 quẻ đã sinh ra trước là dương, ấy là Càn, Đoài, Ly, Chấn nên quay theo chiều nghịch với chiều kim đồng-hồ. Đường quay ấy sẽ đi vào bên trong để đến Tốn bắt đầu một chu-kỳ mới là Tốn, Khảm, Cấn, Khôn lại đi thuận với kim đồng-hồ (xem hình). Như một hơi thở: một ra một vào không bao giờ ngừng trong buồng phổi vậy.

Các quẻ đối nhau từng đôi một:

Càn tượng cha, đối qua tâm là Khôn tượng mẹ.

Đoài tượng thiếu-nữ đối qua tâm là Cấn tượng Thiếu-nam.

Ly là tượng trung-nữ, đối qua tâm là Khảm tượng trung nam.

Chấn tượng trưởng nam, đối qua tâm là Tốn tượng trưởng nữ.

Dịch-lý luôn gắn liền nhau bởi âm dương một cách tương đối, tương điều-hòa nhau thật chặt-chẽ.

Đặc biệt là Càn ở Nam. Khôn ở Bắc. Đây là thời-kỳ nhất bản tán vạn thù, tức là thời-kỳ đi ra, nghĩa là các chơn-linh đến trần để học hỏi và tấn-hóa, như qua thời-gian từ trước đến giờ, số nguyên-nhân đến trần là 100 ức; qua hai thời-kỳ ân-xá các vị Giáo-chủ độ về được 8 ức

[100 ức - (Phật độ 6 ức + Tiên độ 2 ức)] = 92 ức nguyên-nhân còn lại nơi cõi trần. Vì 92 ức nguyên-nhân này mà Chí-Tôn lo cứu vớt. Xem hình vẽ sẽ thấy các con số đối chiếu để làm biểu tượng cho các lý lẽ trên:

+

Các quẻ đối có tổng-số đều là 9 (gọi là cửu)

Hai trục giao nhau tạo thành hình chữ thập

Đồ tròn chia 8 quẻ ra làm hai phần có đủ âm dương rõ-rệt: Càn, Đoài, Ly, Chấn thuộc dương; Tốn, Khảm, Cấn, Khôn thuộc âm. Âm dương phân hai tức là nhị khí. Hình ảnh này này biểu tượng cho con số “Cửu thập nhị tào chi mê muội” đó vậy, tức là 92 ức nguyên-nhân còn đang mê-muội, không thông hiểu đạo-đức chánh-truyền của nguyên-lý càn-khôn vũ-trụ đã đặt định.

Bài Phật-giáo tâm kinh có nói rõ:

“Hỗn-độn Tôn-sư CÀN KHÔN chủ tể,
“Qui thế giái ư nhứt khí chi trung.”

Nhìn vào đồ hình Bát-quái Tiên-thiên trên vòng tròn thấy rõ điều ấy: Hai quẻ Càn và Khôn đứng đầu của trục Nam Bắc làm chủ của Bát-quái, mà 8 quẻ này đều đi ra từ một khí ban đầu là Thái-cực mà thành hình, tức là đi ra từ một tâm 0 của vòng tròn (từ một Khí-Hư-Vô).

Hơn thế nữa Bát-quái này là khởi đầu để bước vào tòa lâu-đài Dịch-lý, nếu không nắm vững những nguyên-tắc căn-bản thì không thế nào hiểu được triết-thuyết thâm-diệu của đạo-pháp. Vì không nắm vững được các triết-lý cao-thâm nên nhân-sanh dễ lầm-lạc mà bị sa-đọa nơi trần gian. Bởi đạo-pháp xưa nay chỉ nói lý mà không giải, làm cho người kém trí thức thì nghĩ-nghị mông lung, kẻ trí giả thì cho rằng thiếu khoa-học, rồi kết luận bằng một câu “dị đoan, mê-tín”. Ngày giờ này phải chính mình Thầy đến độ rỗi và quyết tận-độ hết con cái của Người trở về trong kỳ ba phổ-độ.

“Muốn trọn hai chữ PHỔ-ĐỘ phải làm thế nào? Thầy hỏi?

“Phải bày bửu-pháp chớ không đặng giấu nữa Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng năm nầy về theo Trung đặng đi truyền Đạo” (TNI/15)

5- Bát-quái Tiên-thiên vẽ trên đồ vuông

 

Trên đồ vuông cho thấy rõ hai chiều thuận nghịch của Bát-quái. Bởi sự biến-hóa vô cùng của nó, tuy nhiên biến-hóa trong một trật tự điều-hòa, chứ không phải muốn biến thế nào thì biến, cũng vì biến vô-trật-tự như ngày nay đó là loạn.

Quả thật vậy, trong phần dương có 4 quẻ: Càn, Đoài, Ly, Chấn, mà trong số 4 quẻ này có 2 quẻ tượng dương đó là Càn 1 và Ly 3, nhưng Càn là dương ở Tiên-thiên là cái thể, nhưng khi qua Hậu-thiên thì Ly cũng là dương, nó làm cái dụng.

Ví như Càn là ánh sáng của mặt trời chiếu khắp trần-gian, nhưng con người muốn xử dụng được cái ánh sáng (hỏa) ấy trong cuộc sống hằng ngày thì dùng hỏa của Ly, ấy chính là hỏa hậu-thiên vậy (như diêm quẹt chẳng hạng)

Tương-tự có hai quẻ Khôn số 8 và Khảm số 6, đều thuộc âm; thì Khôn chính là âm Tiên-thiên, bởi nó có từ lúc chưa tạo nên trời đất nên gọi là âm Tiên-thiên. Khi qua Hậu-thiên, tức là khi người xử dụng nước thì dùng Khảm là âm Hậu-thiên là vậy.

6- TIÊN-THIÊN PHƯƠNG-VỊ ĐỒ (Phương hướng của Bát-quái Tiên-thiên)

Ngôi các quẻ trong bản-đồ Bát-quái tròn của Phục-Hi là ngôi của Trời đất định vị thành hình theo thứ-tự trên dưới. Mặt Nhựt, Mặt Nguyệt vận hành tại khoảng chính giữa Trời đất.

Chấn vi Lôi tức là sấm động ở dưới đất.

Tốn vi Phong phong là gió thổi ở trên Trời.

Đoài vi Trạch trạch là miệng, ao, ngẩng lên.

Cấn vi Sơn sơn là núi, bám vào đất.

Trời Đất phản phúc (điên đảo) mới có âm có dương. Sơn trạch thông khí mới có sanh có thành. Phong lôi đăng (xâm lấn lẫn nhau) mới có lên có xuống. Đó là biểu-tượng của Bát-quái.

Trời đất bao trùm khắp nhật, nguyệt, tinh tạo-hóa.

a/- Mặt Nhựt bắt từ bên trái mà tiến thì khí dương lên, cho nên quẻ Chấn có một dương, quẻ Đoài có hai dương, quẻ Kiền có ba dương đều ở bên trái.

b/- Mặt Nguyệt bắt từ bên mặt mà thối thì khí âm sanh, cho nên quẻ Tốn có một âm, quẻ Cấn có hai âm, quẻ Khôn có ba âm đều ở bên mặt.

Đây là khí vận của Bát-quái. Khí hành thì 64 quẻ hóa-sanh.

64 quẻ tức là 8 quẻ thúc đẩy nhau biến-hóa mới có sanh (8x8=64)

Khí vận thì chạy bên trong, biểu-tượng thì chạy bên ngoài.

Như thứ-tự của khí hành theo Bát-quái cũng là nghịch đạo. Có nghịch thì mới có sanh, không nghịch thì chẳng sanh. Được vậy thì thuận sanh tức là ở trong nghịch thối mà ra.

Bản-đồ tròn là lấy ý: Tròn là để tựợng hình trời, mà trời vận-hành một khí lên xuống, giáp vòng rồi trở lại mối đầu. Tuần-huờn không biết đâu là manh mối, đó là biểu-tượng của Thái-cực lúc chưa sanh ra (vị sanh xuất).Cái Đạo chưa sanh không làm sao mà thấy nó được. Thấy là thấy cái quẻ sanh ra kia. Đã sanh ra rồi mà nghịch vận trở lại thì cái chưa sanh tức còn ẩn ở trong đó. Cho nên theo ngôi vị của quẻ thì:

 

Quẻ Chấn có một dương ở bên trái, phía dưới

Quẻ Ly có 2 dương 1 âm, chính giữa, ở bên trái

Quẻ Đoài có hai dương ở bên trái gần trên;

Quẻ Kiền có 3 dương ở bên trái phía trên hết.

Kể theo thứ-tự thì: Kiền nhứt, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ.

Theo ngôi vị của quẻ thì bắt đầu từ dưới đi lên, còn theo thứ-tự quẻ thì bắt đầu từ trên đi xuống. Đủ thấy ở trong nghịch có thuận, ở trong thuận có nghịch. Còn cái đi nghịch lại với Kiền nhứt, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ đó là: Tốn ngũ, Khảm lục, Cấn thất, Khôn bát.

Trong Bát-quái Phục-Hi tuy có thuận có nghịch nhưng lúc nào cũng hợp nhau từng cặp âm dương: Kiền-Khôn, Khảm-Ly, Đoài-Cấn, Chấn-Tốn. Trong đồ Tiên-thiên đã đặt để rõ-ràng từng cặp đối nhau nhưng hòa nhau:

- Kiền hiệp Khôn (1+8=9) ngược lại Khôn hiệp Kiền.

- Đoài hiệp Cấn (2+7=9) và ngược lại

- Ly hiệp Khảm (3+6=9) và ngược lại

- Chấn hiệp Tốn (4+5=9) và ngược lại

Một khí đi thuận lên là khí dương của quẻ Chấn, Ly, Đoài, Kiền.

Một khí đi nghịch xuống là khí âm của quẻ Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.

Dương thoái tức là âm sanh. Dương tiến tức là âm thoái.

Tóm lại âm dương chỉ có một khí biến-hóa chớ không phải ngoài một khí ra lại có âm dương riêng biệt. Nhưng cái máy sanh hóa (sanh cơ) của một khí đắc diệu là tại chữ nghịch đó. Duy có nghịch khí mới lại, nếu đi nghịch lại thì khí dương thâu-liễm qui-căn rồi cũng sanh lại như trước. Vậy cho nên hệ-từ tuyệt nơi nầy.

“Sổ vãng giả thuận, truy lai giả nghịch”. Nghĩa là đếm xét cái qua rồi là thuận, biết việc sẽ tới là nghịch. Vì cớ mà dịch tức là nghịch-số là thấy Tiên-thiên thái-dịch hoàn-toàn ở chỗ nghịch.

Ngôi-vị của “thuận sanh thứ-tự quẻ” nghịch sanh cái ý-tứ nầy thâm-thúy biết mấy. Chẳng những trong tám quẻ như thế mà trong bản đồ phương viên có 9 quẻ cũng y như thế.

Bản-đồ tròn thuộc về phép 8 quẻ phối-hợp nhau; phối-hợp nhau là một quẻ đấu mà vận-hành khí của 8 quẻ kia. Tám quẻ đẩy nhau mà vận hành khí của tất cả 64 quẻ, chớ không phải ngoài 8 quẻ ra riêng biệt có 64 quẻ khác nữa. 64 quẻ chẳng qua là 8 quẻ vận-dụng với nhau mà thành. Tám quẻ chỉ là một âm một dương vận dụng. Một âm một dương chỉ là một khí thuận nghịch vận dụng mà thôi.

Bản-đồ tròn, bản-đồ vuông cũng là khí-vận của tám quẻ. Dụng theo bản-đồ vuông thì:

Quẻ Kiền ở Tây-Bắc, Quẻ Tốn ở Đông-Nam là bởi Kiền nhứt, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ, Tốn ngũ, Khảm lục, Cấn thất, Khôn bát là hành nghĩa là đi theo lối chẳng chánh. Hai bản-đồ thiệt là chẳng đồng nhau.

TRÒN tượng trời

VUÔNG tượng hình Đất.

Cái TRÊN là DƯƠNG làm Trời.

Cái DƯỚI là Âm làm Đất

Tây-Bắc cao, còn Đông-Nam thấp; cao tức là dương, thấp tức là âm. Bản-đồ vuông cũng lấy Kiền nhứt, Đoài nhị làm thứ tự, tức là nghịch đạo của Kinh-Dịch. Thiên biến vạn hóa đều là một chữ nghịch, không có hai lý, hay thay! Cho nên Thiệu Tử đem bản-đồ vuông đặt trong bản-đồ tròn, thiệt là hiểu hết cái tâm-truyền của Phục-Hi đó.

Nguyên-nhân là bản-đồ tròn của Phục-Hi ngưỡng lên xem thấy Trời mà vẽ. Còn bản-đồ vuông thì cúi xuống y theo đất mà vẽ. Đất vốn vô vi nhờ thọ khí của trời mà ra hữu-vi.

Khí của trời là ngũ-vận tức là Thập thiên can: (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Qúy).

Khí của đất là lục-khí, tức là Thập nhị địa chi: (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi).

Vận của Trời nhập vào khí của đất thì: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Qúy vận-hành ở ngôi Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là khí ngũ-hành hóa làm phong (gió), hàn (lạnh), thử (nóng), thấp (ẩm ướt ), táo (khô ráo), hỏa (lửa).

7- Độ 92 ức nguyên-nhân là thời-kỳ Đại ân-xá lần ba của Chí-Tôn

* Cơ Đại Ân-xá lần ba là gì?

“Nay Đức Chí-Tôn mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tức là mở cơ Đại ân-xá kỳ ba. Kinh đã nói rõ “Khai Cửu thập nhị tào chi mê-muội”.

Đức Chí-Tôn, Ngài đến trong nguơn hội này mục-đích khai tông định Đạo, đem Phật-tánh lại cho họ để trở về cùng Ngài, quyền Ân-xá ấy do Đức Chí-Tôn vi chủ và Đức Phật-Mẫu dẫn độ về”.

“Tam-Kỳ Phổ-Độ nghĩa là Đại ân-xá lần thứ ba. Kinh Phật-Mẫu có câu:

“Vô Địa-ngục, vô quỉ-quan,
“Chí-Tôn đại-xá nhứt trường qui-nguyên”.

Vì chữ Đại ân-xá nên Đạo Cao-Đài gọi là 3è AMNISTIE DE DIEU EN ORIENT. Đức Chí-Tôn ân-xá tội-tình, đem tất cả con cái của Ngài hiệp cùng Ngài.

Trước đây Đức Chí-Tôn đã cho xuống trần 100 ức nguyên-nhân đặng độ rỗi con cái của Chí-Tôn nhưng họ còn luyến mê trần thế hơn chúng-sanh nữa. Do vậy thời-kỳ qua đã hai lần ân-xá:

- Nhứt Kỳ Phổ-Độ Phật-Tổ độ về 6 ức nguyên-nhân, tức là Phật chủ-trương trừ lục căn, lục trần, lục dục (con số 6) nên niệm Lục tự Di-Đà.

- Nhị Kỳ Phổ-Độ, Lão-Tử độ được 2 ức nguyên-nhân là nói về âm dương: Nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo, tức là môn Dịch-lý-học đó vậy.

Tổng cộng có được 8 ức nguyên-nhân, hãy còn 92 ức nguyên-nhân đang đọa lạc hồng-trần

Con số 8 ức nguyên-nhân là khởi điểm cho thời-kỳ thứ ba này vận dụng các Bát-quái để độ cả toàn cầu bằng một phương-pháp cao siêu, mầu nhiệm hơn là dùng khoa-học diễn giải đạo-học, có như vậy mới mong phá tan bức màn vô minh và cố chấp từ xưa đến giờ.

Ngày nay người thừa-hành mạng Trời ấy là Đức Hộ-Pháp đã bao lần cả tiếng kêu 92 ức nguyên-nhân hãy tỉnh mộng trần. Ngài nói:

“Hộ-Pháp đến kỳ Long-Hoa-Hội này cốt để rước Cửu nhị ức nguyên-nhân là bạn chí thân của Bần-Đạo bị đọa lạc nơi hồng-trần này không phương giải-thoát.

- “Bần-Đạo nói: Từ đây, kể từ ngày nay cửa thiêng-liêng của Đạo đã mở rộng. Bần-Đạo kêu toàn thể con cái Đức Chí-Tôn, ai hiểu biết mình đứng trong hàng phẩm Cửu nhị ức nguyên-nhân hãy tỉnh mộng lại đặng về cùng Đức Chí-Tôn.

Cửa này là cửa các Ngài đến đoạt Pháp đặng giải-thoát lấy mình, nếu không tự mình đến trong lòng Đức Chí-Tôn vì Đức Chí-Tôn đã đưa tay ra nâng-đỡ mà chúng ta không đến, không từng nghĩ đến, thì sau này sẽ bị đọa lạc nơi cõi Phong-Đô. Giờ phút ấy không còn trách Đức Chí-Tôn rằng không thương-yêu con cái của Ngài, không đem cơ-quan tận-độ chúng-sanh để nơi mặt địa-cầu này cứu vớt nữa”.

- Ngài có nói: “Trí-Huệ-Cung là một cơ-quan tận-độ chúng-sanh đã xuất hiện mà các Bạn đã ngó thấy: quyền tận-độ đã xuất hiện nơi cửa Đạo Cao-Đài này. Bần-Đạo đã nói không phải của tư, của đặc biệt chúng ta, mà nó là của toàn thể nhân-loại trên mặt địa-cầu này vậy”.

- “Ấy vậy, toàn thể con cái của Đức Chí-Tôn, các Bạn đồng tu cùng Bần-Đạo, không phân biệt đảng phái, Tôn-giáo, nòi giống, tư-tưởng nào; Bần-Đạo đã thọ mạng lịnh Đức Chí-Tôn đến làm Bạn với con cái của Ngài, nhất là Cửu nhị ức nguyên-nhân hãy tỉnh mộng lại.

- Những hình-thể của thiên-hạ đã để nơi trí óc con người từ thử đến giờ chưa có ai đặng quyền-năng nắm cơ giải-thoát thì giờ phút này Cửu nhị ức nguyên-nhân không còn đọa lạc nữa.

- Bần-Đạo cả tiếng kêu con cái Đức Chí-Tôn nhứt là Cửu nhị ức nguyên-nhân hãy tỉnh mộng lại, ngó lại nơi Trí-huệ-cung, phải vào nơi cửa này mới đạt đặng mà thôi. Đạt cơ giải-thoát, mà Đức Chí-Tôn đã tạo dựng riêng biệt dành để cho mỗi người”.

- Đứng về nhơn-sanh thì có: nguyên-nhân, hóa-nhân và quỉ-nhân. Nhưng hại thay! Số nguyên-nhân do Đức Chí-Tôn đã để lại mặt thế này đặng làm Bạn với các đẳng chơn-hồn trong vạn-linh sanh-chúng của Ngài đào-tạo, còn 92 ức nguyên-nhân bị đọa trần. Từ ngày Đạo bị bế họ lắm công tu mà thành thì không thành

- Tội-nghiệp thay! Vì 92 ức nguyên-nhân ấy mà chính mình Đức Chí-Tôn phải giáng trần lập nền chơn-giáo của mình. Chúng ta đã ngó thấy cái Thánh-ân đặc-biệt hơn hết là Đức Chí-Tôn đã thấy rõ rằng: các nguyên-nhân ấy không phương gì tự giải-thoát đặng vì quá tội-tình, quá mê-luyến hồng-trần, hoặc đào tạo quả kiếp nặng nề quá đỗi. Vì cớ cho nên tu thì có tu mà thành thì không có thành, tức nhiên từ ngày Đạo bị bế thì cơ siêu-thoát đã mất tại thế này. Chính mình Đức Chí-Tôn biết rằng không thế gì các nguyên-nhân tự mình đoạt cơ giải-thoát đặng.

Hôm nay Ngài đã lập nền chơn-giáo của Ngài, chúng ta ngó thấy lòng yêu-ái vô tận của Ngài là thế nào!”

“Ngài lập giáo rồi còn một nỗi lo-âu là kêu họ không đến, Ngài dạy mà không biết chi, chính mình Ngài đã nhiều lần hạ trần lập Đạo mà 92 ức nguyên-nhân vẫn đui và điếc mà thôi, không biết để chung vào lòng yêu-ái vô tận của Ngài đặng hưởng cái hạnh-phúc vô biên của Ngài đã đào-tạo. Vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn giao cho Đức Phật-Mẫu.

Chính mình Đức Chí-Tôn biểu Đức Phật Mẫu tức nhiên Mẹ sanh của chúng ta cầm cả quyền-năng giải-thoát trong tay đến lập Hội-Yến Diêu-Trì tại mặt thế này và cả con cái của Ngài, nhứt là 92 ức nguyên-nhân ấy nếu nhập vào cửa Đạo tùy theo chơn-pháp thì đặng hồng-ân của Đức Chí-Tôn cho hưởng cái bí-pháp Hội-Yến Diêu-Trì-Cung tại thế này”. (ĐHP 5-8 Tân-Mão 1951)

“Trong Cửu nhị ức nguyên-nhân họ không phải ở trong nước Việt-Nam mà thôi, mà ở khắp nơi trong các chủng-tộc đều có họ”.

“Vì muốn độ 92 ức nguyên-nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa-đọa hồng-trần, ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo không giáng trần bằng xác thân mà chỉ giáng bằng huyền-diệu Cơ-bút mới qui đặng cả Đại-Đồng Thế-Giới”…

“Muốn rước các Bạn chí-thân của Bần-Đạo, Đức Chí-Tôn buộc phải lấy pháp-giới độ tận chúng-sanh.

8- Đạo Cao-Đài độ 92 ức nguyên-nhân bằng cách nào?

Đức Hộ-Pháp nói:

“Hôm nay là ngày mở cửa thiêng-liêng và đưa nơi tay các Đấng nguyên-nhân ấy một quyền-năng đặng tự giải-thoát lấy mình, ấy là:

1- Long-Tu-Phiến của Đức Cao Thượng-Phẩm.

2- Kim-Tiên của Bần-Đạo.

Hiệp với ba vòng vô-vi tức nhiên là Diệu-Quang Tam-giáo hay là hình-trạng của càn-khôn vũ-trụ mà đó cũng là tượng ảnh Huệ-Quang-Khiếu của chúng ta đó vậy. (ĐHP 14-12 Canh-Dần 1950)

Kim-Tiên là gì?

- Là tượng hình ảnh của điển-lực điều khiển càn-khôn vũ-trụ mà chính đó là điển-lực tức nhiên là sanh lực của vạn-vật đó vậy. Với nó mới có thể mở Đệ Bát khiếu- Trong thân con người có thất khiếu và còn có một khiếu vô-hình là Huệ-Quang-Khiếu – Vì nó là điển lực nên nó mở khiếu ấy mới được.

Nói rõ, con người có Ngũ quan hữu tướng và lục quan vô-hình, mà phải nhờ cây Kim-Tiên ấy mới có đủ quyền-hành mở lục quan của mình đặng.

Long-Tu-Phiến: có thể vận-chuyển càn-khôn vũ-trụ do nguơn-khí đào-độn sanh ra đó vậy. Nó có quyền đào-độn nguơn-khí, thâu hoạch nguơn-khí để trong sanh-lực.

Con người nắm được điều ấy là kẻ đắc pháp. Nhờ nó mới có thể luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần được”.

9- Luận Đạo

Luận về Bát-quái Tiên-thiên trong nền Đại-Đạo:

Nếu nói rằng độ toàn cả nhân-lọai mà chỉ qui-định có 92 ức nguyên-nhân thì độ ai và bỏ ai đây? Mỗi một ức tức là 100.000 (một trăm ngàn), 92x100.000= 9.200.000. Như vậy chỉ có 9 triệu hai trăm ngàn người mà thôi hay sao?

Trong khi đó nhân-lọai trên toàn quả địa cầu có hằng bao nhiêu tỷ người? Hơn nữa nền Đạo này chu-kỳ đến 700 ngàn năm (tức là thất ức niên) kia mà!

Chắc-chắn rằng con số 92 ức nguyên-nhân không phải là con số trên một bảng lập thành của bàn toán được, mà đây nói bằng lý!

Trí-Huệ-Cung là đâu?

Về mặt hữu-hình là nhà Tịnh của Đức Hộ-Pháp, gọi là Trí-Huệ-Cung thuộc tỉnh Tây-Ninh. Nhưng đó chính là nền Tân Tôn-giáo mở tại Toà-Thánh Tây-Ninh có đủ bí-pháp nhiệm-mầu. Còn về mặt bí-pháp của con người là khiếu lương-tri, lương năng của mỗi người đó vậy.

Trong Trí-Huệ-Cung có gì đặc biệt?

- Nếu nói về mặt bí-pháp thì vốn vô cùng, còn thể-pháp thì duy muốn nói đến hai câu liễn trước cổng là rõ-rệt nhất. Hai câu ấy là:

-

-

TRÍ định Thiên-lương qui nhứt bổn.

HUỆ thông đạo-pháp độ quần sanh

 

智 定 天 良 歸 一 本

惠 通 道 法 渡 群 生

Có nghĩa rằng người tu phải lấy cái trí-thức của mình để định cho cái Thiên-lương, nghĩa là tính của trời phú cho, là đạo-đức, hầu qui nhứt lại thành một khối.

Khi được rõ thông về đạo-pháp, tức là đã phát huệ, mới đem cả sự hiểu biết của mình mà độ tất cả chúng-sanh đang trên con đường tìm về chân-lý.

Lý giải ra là Bát-quái Tiên-thiên:

Thử tìm hiểu xem ba cái pháp-giới để tự giải-thoát lấy mình là: Long-Tu-Phiến, Kim Tiên và ba vòng Diệu-Quang Tam-giáo là gì?

Nói rõ ra Long-Tu-Phiến là cây quạt của Đức Cao Thượng-Phẩm kết bằng 36 râu rồng, nhưng thực-tế là quạt kết bằng 36 lông cò trắng. Quan-trọng nhất là con số 36 với ý-nghĩa là “Tam-Thập-Lục-Thiên”.

Còn cây Kim-Tiên còn gọi là “Kim Tiên Cửu Khúc” 金 鞭 九 曲 tức là cây roi Tiên có chín khúc (đoạn); quan-trọng là con số 9.

Còn ba vòng vô-vi ấy là Diệu-Quang Tam-giáo. Con số 3 làm nên cốt-tuỷ vậy.

Con số 3 rất quan-trọng trong Bát-quái, số 3 cũng là trời, là con số căn-bản làm đầu mối cho sự biến sanh vạn loại, vạn-vật, tượng-trưng cho ánh sáng minh-triết, đạo-giáo nói rằng “ba vòng vô-vi tức nhiên là Diệu-Quang Tam-giáo”.

Số 3 luỹ-thừa lên tức là 3x3 bằng 9. Con số 9 là thành quả của Bát-quái Tiên-thiên. Cộng con số của hai quẻ đối nhau đều là 9, như:

  Càn 1 + Khôn 8 = 9 Khảm 6 + Ly 3 = 9
  Đoài 2 + Cấn 7 = 9 Chấn 4 + Tốn 5 = 9

Số 9 đây là “cây Kim-Tiên” của Hộ-Pháp.

Kim-Tiên là “Tượng hình ảnh của điển-lực điều-khiển càn-khôn vũ-trụ mà chính đó là điển lực tức nhiên là sanh lực của vạn-vật đó vậy. Với nó mới có thể mở Đệ Bát khiếu”.

Quả thật vậy nếu không am-tường về lý Dịch thì không thể đi vào sự biến hoá của càn-khôn vũ-trụ được. Do đó mà Tiên-thiên Bát-quái là cánh cửa mở ra để đi vào toà lâu-đài của đạo pháp; trong khi đó thì hai quẻ Càn Khôn là cánh cửa để đi vào ĐẠO DỊCH.

 

Sự quan-trọng như thế bởi vì Càn có 3 nét, Khôn có 6 nét. Đặt liền hai con số này lại nhau thành ra số 36. Đạo-pháp nói là “cây quạt của Thượng-Phẩm” tức là Long-Tu-Phiến kết bằng 36 lông cò trắng.

Tại sao không phải là con số khác hơn 36? Không thể 34 hay 35 được hay sao?

- Nhất định phải là 36, vì Càn Khôn là đầu mối, không thể khác là vậy.

Bởi chính nó là thành quả của 9x4=36 hoặc 3x12=36

Khởi điểm là Bát-quái Tiên-thiên, có 4 lần tổng-số 9 nhân lên sẽ thành 36, ấy tượng-trưng là cây quạt của Đức Cao Thượng-Phẩm đó.

Đức Thượng-Phẩm là Đạo. Nhờ đường Đạo mới mở ra cho tinh-thần người thấu-đáo nhiều điều huyền-vi của đạo-mầu, của trời đất, mới suốt thông vạn sự vạn-vật được nên mới nói:

Vì Long-Tu-Phiến, có thể vận-chuyển càn-khôn vũ-trụ do nguơn-khí đào-độn sanh ra đó vậy. Nó có quyền đào-độn nguơn-khí, thâu hoạch nguơn-khí để trong sanh-lực.

Vì lẽ khởi đầu sự tìm hiểu Bát-quái là phải qua các con số của Bát-quái Tiên-thiên. Đến cuối cùng sự đạt pháp cũng là con số từ Bát-quái Tiên-thiên, mà đã chuyển qua giai-đoạn thành hình là của Bát-quái Hư-vô, cũng có số 3, số 9, số 36.

Nhưng là thời-kỳ gặt hái “Vạn thù qui nhứt bổn”. Cả nhà đều đoàn-tụ: cha mẹ hiệp nhau. Sáu con gần lại bên nhau: Khảm Ly, Đoài Cấn, Chấn Tốn không còn xa lìa, cách ngăn nữa.

Vì tính cách đặc thù như vậy mà Đạo-pháp mới mở ra nhưng nhân-loại ít ai tìm đến hoặc cũng do thời-kỳ đạo bị bế, nên con đường Đạo vẫn bị bí lối.

Đức Chí-Tôn vẫn thường dùng tiếng “Cửu thập nhị tào chi mê-muội” là vậy, có nghĩa là Đức Ngài vẫn luôn lo-lắng cho 92 ức nguyên-nhân còn đang sa-đoạ hồng-trần.

Hỏi vậy 92 ức nguyên-nhân ấy từ đâu?

- Cũng từ trong Bát-quái Tiên-thiên này mà ra, ấy là:

Khởi đầu là con số 9 như chúng ta đã từng đề-cập là do các đôi quẻ đặt xuyên tâm đối họp số với nhau mà thành. Tức nhiên Càn 1 xuyên qua tâm, họp với Khôn 8 mà có tổng-số là 9…

Cho nên nói Bát-quái Tiên-thiên là số 9, cũng gọi là số Cửu.

Nhìn vào đồ hình thấy có hai trục giao nhau, tức là trục mang chữ Càn Khôn và Khảm Ly giao nhau thành hình chữ thập

Như đã biết Bát-quái này chia làm hai phần rõ-rệt: lấy trục Càn Khôn làm chuẩn thì phía bên trái ấy là dương, bên phải ấy là âm. Âm dương nhị khí: Số 2 gọi là số nhị.

Ghép ba chữ “Cửu thập nhị” để nói lên con số “chín mươi hai” là vậy.

Vì sự tối cần của Đạo-pháp mà nhân-sanh chưa nắm vững được thì làm sao đi sâu vào con đường xa thẵm của Đạo-lý siêu-mầu, rồi cứ lẩn quẩn loanh-quanh phê-phán cho rằng mê-tín này nọ... đủ thứ.

Ngày nay chính Đức Hộ-Pháp là Giáo-chủ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, tức là người nắm Pháp. Pháp-Chánh-Truyền qui định:

“Huyền-vi mầu-nhiệm của Đạo có Thiên điều, cơ bí-mật của đời có luật-pháp. Hộ-Pháp là người nắm cơ mầu-nhiệm của Đạo, nắm luật của Đời, xử-đoán chư Chức-sắc Thiên-phong và cả tín-đồ cùng là xin ban thưởng, công thưởng tội trừng nơi thế này. Hễ có phàm trị mới khỏi Thiên trị; phải chiếu luật Đạo cho toàn cả tín-đồ khỏi bị Thiên-điều, giữ phẩm-vị thiêng-liêng mỗi Chức-sắc, ắt phải gìn-giữ đạo-đức của mọi người. Người dùng hình phàm làm cho giảm tội thiêng-liêng, nắm cơ mầu-nhiệm công-bình mà đưa các chơn-hồn vào Bát-Quái-Đài, hiệp cùng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Người nắm trọn cả luật Đạo và luật Đời đặng xử-đoán, làm chủ phòng xử đoán.

Do đó mà bửu-pháp của Ngài được xử dụng như lời Đức ngài nói:

“Bửu-pháp là cây Giáng-Ma-Xử thì không có hình tướng, pháp-bửu ấy vô vi. Cây Kim-Tiên của Cửu-Tiên Cảm-Ứng Lôi-Âm Phổ-Hóa Thiên-Tôn, tức nhiên của Đức Thái-Sư Văn-Trọng, Ngài giao cho Tôi một cây Pháp-Giới (chừng vô nhà tịnh mới ngó thấy). Pháp-Giới ấy để triệt Quỉ đừng cho nó lộng trong Đền-Thánh của Đức Chí-Tôn và đừng cho nó phá con cái của Ngài”.

Nếu so lại thì những con số này đều nằm trong các con số của Bát-quái Tiên-thiên mà ra.

Vậy có phải yếu-lý của Bát-quái Tiên-thiên mà các Thánh bảo chúng ta cần học. Khi nắm vũng được giáo-pháp, giáo-lý của Đạo một cách tinh-tường thì không còn một nghi-nan nào, tức nhiên trừ được "quỉ”ở trong tâm người đó vậy.

Cho nên Ngài là Người đã từng thuyết giảng chân-lý chánh truyền của nền chơn Đạo, tức là Ngài đã xử-dụng “Giáng-Ma-Xử” là vậy. Còn Đức Thượng-Phẩm dùng “Long-Tu-Phiến” quạt cho tiêu tan ám-khí ở trong lòng của mỗi người.

Phải suốt thông lý Đạo thì việc tu-hành mới không lầm-lạc, người tu mới có thể nắm lấy chìa khóa để mở cửa trời mà hiệp cùng Đại ngã. Con đường tu rất cần đến sự hiểu biết, rất cần đến trí thức cũng như một kỹ-sư phải là một đầu óc toán học mới tính toán bằng những con số chính xác cho các công-trình của mình.

10- Sự quan-trọng của Bát-quái đối với cuộc đời của người tu

Đời là quán trọ, người là khách lữ-hành

Thánh-ngôn Thầy dạy:

“Thầy các con,

“Cõi trần là chi? Khách trần là sao? Sao gọi khách?

“Trần là cõi khổ, để đọa bậc Thánh, Tiên có lầm-lỗi. Ấy là cảnh để trả cho xong quả, hoặc về ngôi cũ, hoặc trả không xong quả, phải mất cả chơn-linh là luân-hồi, nên kẻ bị đoạ trần gọi là khách trần”. (TNII/3)

Vậy cảnh thật là đâu? Cảnh thăng là đâu?

Bấy nhiêu cũng đủ thấy rằng tất cả các triết-thuyết Cao-Đài đều bắt nguồn từ Bát-quái, từ thể-pháp đến bí-pháp, từ hữu-hình đến vô-vi, từ cuộc sinh-tồn cho đến kiếp thác. Nếu không nắm vững được Bát-quái thì không rõ lý Đạo. Không rõ lý Đạo thì không biết nẻo đến, lấy gì làm điểm tựa cho linh-hồn! Có khác nào một thuyền trưởng đã đánh mất địa-bàn khi vượt trùng dương mênh mông.

Thử nghĩ khi một người muốn đến nơi lạ trước nhất phải có địa-chỉ rõ-ràng: số nhà, tên đường, số điện-thoại nhắn tin… cho người sắp được tiếp xúc. Nhưng tại sao không một ai chuẩn bị cho mình một cuộc ra đi dài hạn, tức là sự chết mà không một ai tránh khỏi trong cõi đời này? Như vậy có phải là quá liều-lĩnh hay chăng?

Chắc-chắn rằng ai cũng phải chết, mà khi một người chết rồi sẽ ra sao? Về đâu? Ở đâu? Có ai biết được chăng? Và có bao nhiêu người chuẩn bị cho mình điều ấy?

Tại sao những nhà nghiên-cứu, nhà bác học khổ công khám phá bí-mật từ trong lòng biển, hoặc tìm lên sao Hỏa, tìm đến cung Quảng Hằng hầu di chuyển lên “đất lạ để ở” mà không tìm hỏi xem những bậc ông bà cha mẹ, cho chí đến những bậc vĩ-nhân đã ra đi tự bao đời mà vẫn chưa về, không bao giờ trở lại? Họ đến nơi nào? Cuộc đời “bên ấy” ra sao? Sướng khổ thế nào?

Nếu Bạn nói rằng chết là hết, thì chúng ta tạm chia tay nơi này.

Còn như nếu Bạn nói rằng dầu có chết đi cái xác thịt, nhưng vẫn còn linh-hồn bất diệt. Kinh Chúa nói “Tôi tin rằng xác loài người sau này sống dậy” thì xin cùng nhau đàm-đạo.

Lại nữa, Bát-quái Tiên-thiên là cánh cửa đi vào Đạo dịch, đường vào Đạo-pháp, nẻo đến của hồn linh, cần yếu cho tất cả loài người, cho nhân-loại. Chính thời-kỳ này Đức Thượng-Đế đến cũng vì muốn rao lên lý Đạo siêu-mầu ấy là Bát-quái, thế nên trong cửa Đạo Cao-Đài giờ này đâu đâu cũng thấy hình ảnh Bát-quái; ví như chợ cất theo hình Bát-quái, lộ Bát-quái, lầu Bát-quái… cũng như dưới mắt y-học danh-từ “tế-bào” xuất hiện khắp tài-liệu nghiên-cứu vậy.

Như trên ta thấy qua các con số cộng: với 4 lần tổng-số 9 (khi cộng các số xuyên tâm đối) 4x9=36 cho ta ý-niệm là 36 từng trời, là cõi trời cao cho các chơn-hồn giải-thoát được về nơi ấy. Kinh Thiên-Đạo có bài “Kinh Khi Đã Chết Rồi” xác định rõ:

“Ba mươi sáu cõi thiên-tào,
“Nhập trong Bát-quái mới vào Ngọc-Hư.
“Quê xưa trở, cõi đọa từ,
“Đoạt cơ thoát tục bấy chừ tuyệt luân...”

Có nghĩa rằng một người chết tức là đã bỏ cái xác thịt hôi thúi này rồi thì hồn sẽ thăng về 36 cõi trời, hồn được nhập trong Bát-Quái-Đài rồi mới đến Ngọc-Hư-Cung Linh-Tiêu-Điện để được triều kiến Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế.

Sự chết như vậy Đạo Cao-Đài xác nhận là một sự trở về quê xưa cảnh cũ, sau một thời-gian mà khách lữ-hành phải ra đi để làm nhiệm-vụ: hoặc học-hỏi để tiến-hóa, hoặc trả nợ, đòi nợ, hoặc làm Thiên-mạng chi chi đó… Nay đã mãn nhiệm-kỳ phải trở về “nhà”. Bởi kiếp sanh đến thế gian này là “cõi đoạ” phải có thời-gian từ bỏ là đương nhiên. Lúc ấy là đã đoạt được “Cơ thoát tục”, tức là đã hoàn thành sứ mạng, cái vinh dự thật không nhỏ vậy.

Một điều đáng tiếc cho khoa-học thực nghiệm hết sức tế-vi chỉ lo cho cuộc sống hữu-hình hữu-hoại mà không biết lo cho cái tối cần, tối yếu là linh-hồn. Nếu sự thật chỉ có vậy rồi thôi, thì một việc làm hoài công! Hoài công thôi! Một bác-sĩ tự chăm-sóc sức khỏe, sợ từ con vi trùng, thế mà khi chết, xác chôn vào đáy mồ lại để cho toàn bộ thân-thể bị dòi đục dữa nát. Cát bụi rồi cũng về cát bụi mà thôi! Bấy giờ thử hỏi các Bác-sĩ còn có sợ vi-trùng nữa chăng? Tại sao tất cả không chống lại với Thần chết? Không làm cách-mạng? Không chống lại với vi-trùng?

Nhưng với người tu thì thật sự họ đang làm Cách-mạng đó. Cách mạng với bản thân. Cách mạng với cái vô-minh đã bao đời rồi!

Hôm nay chính Đấng Thượng-Đế đã giáng dạy một bài học thật kỹ-càng và chính xác nhất:

“Các con nghe,

Một sự các con chưa hề biết đến đặng hiểu Đạo quí trọng là dường nào, lo tu tâm dưỡng tánh.

Các con đã sanh ra tại thế này, ở tại thế này, chịu khổ-não tại thế này, rồi chết cũng tại thế này.Thầy hỏi: Các con chết rồi các con ra thế nào? Các con đi đâu?

Chẳng một đứa hiểu đặng cơ mầu-nhiệm ấy. Thầy dạy: Cả kiếp luân-hồi thay đổi từ trong nơi vật-chất mà ra thảo-mộc, từ thảo-mộc đến thú-cầm, loài người phải chịu chuyển kiếp ngàn ngàn, muôn muôn lần, mới đến Địa-vị nhơn phẩm. Nhơn-phẩm trên thế nầy lại còn chia ra phẩm giá mỗi hạng. Đứng bậc Đế-Vương nơi trái địa-cầu nầy chưa đặng vào bực chót của Địa-cầu 67. Trong Địa-cầu 67, nhơn-loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy. Cái quí trọng của mỗi địa-cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Đệ-nhứt-cầu, Tam-Thiên-Thế-Giái; qua khỏi Tam-Thiên-Thế-Giái mới đến Tứ-Đại-Bộ-Châu, qua Tứ-Đại-Bộ-Châu mới vào đặng Tam-Thập-Lục-Thiên; vào Tam-Thập-Lục-Thiên rồi phải chuyển kiếp tu-hành nữa, mới đặng lên đến Bạch-Ngọc-Kinh, là nơi Đạo Phật gọi là Niết-Bàn đó vậy.

Các con coi đó thì đủ hiểu các phẩm trật các con nó nhiều là dường nào; song ấy là phẩm trật Thiên-Vị.

Còn phẩm trật Quỉ-vị cũng như thế ấy; nó cũng noi chước Thiên-Cung mà lập thành Quỉ-vị, cũng đủ các ngôi, các phẩm đặng đày-đọa các con, hành hài các con, xử trị các con. Cái quyền-hành lớn lao ấy do Thầy ban cho nó, nên đặng quyền cám dỗ các con, xúi biểu các con, giành giựt các con, mà làm tay chân bộ hạ trong vòng tôi tớ nó.

Thầy đã thường nói: hai đầu cân không song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý. Luật công bình thiêng-liêng buộc phải vậy. Thầy lắm phen phải bị mất, bị giựt con cái của Thầy vì chúng nó.

Thầy đã chỉ rõ hai nẻo tà chánh, sang hèn rồi, vậy Thầy cũng chỉ phương hướng cho các con đi khỏi lầm lạc. Các con hiểu rằng: trong Tam-Thiên Thế-Giái còn có Quỉ mị chuyển kiếp ở lộn cùng các con thay, huống lựa là "Thất-Thập-Nhị-Địa" nầy, sao không có cho đặng?

Hại thay! Lũ quỉ là phần nhiều; nó bày bố ra mỗi nơi một giả cuộc, mà dỗ dành các con.

Vì vậy, Thầy đã nói tiên tri rằng:

Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con, lại hàng ngày xúi biểu chúng nó cắn xé các con, song Thầy cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo-đức của các con.

Ấy vậy Đạo-Đức các con là phương-pháp khử trừ quỉ mị lại cũng là phương-pháp dìu dắt các con trở lại cùng Thầy. Các con không Đạo, thì là tôi tớ quỉ mị. Thầy đã nói Đạo-Đức cũng như một cái thang vô ngằn, bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao, tối trọng là ngang bực cùng Thầy, hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa.

Vậy Thầy lại dặn các con: nếu kẻ không tu, làm đủ phận người, công-bình, chánh-trực, khi hồn xuất ra khỏi xác thì cứ theo đẳng cấp gần trên mà luân-hồi lại nữa thì biết chừng nào đặng hội hiệp cùng Thầy? Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn-loại Càn-Khôn Thế-Giái, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng; mà... hại thay!... mắt Thầy chưa đặng hữu hạnh hoan lạc, thấy đặng kẻ ấy.

Vậy Thầy dặn: Đạo là nơi các con nên quí trọng đó vậy”. (TNI 19-12-1926)

Vì lẽ ấy nên câu Minh-thệ (tức là lời thề buổi nhập-môn cầu đạo) có 36 chữ đủ chỉ rõ rằng:

- Nếu làm đúng như lời hứa thì đặng vào Tam-Thập-Lục-Thiên (cảnh thăng).

- Nếu làm không đúng thì bị vào Tam-Thập-Lục-Động (tức là cảnh đoạ).

Thăng đoạ hai đường, chính do mỗi người tự chọn lấy con đường tu.

►Xem tiếp CHƯƠNG VIII / ... Hà-đồ là gì?

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007