1- Khái-quát
Bởi Bát-quái Tiên-thiên do Đức Phục-Hi sáng lập ra, nói rằng vua Phục-Hi trị thủy trên sông Mạnh-Hà mới thấy trên lưng của Long-Mã có xuất hiện nhiều điểm, dưới dạng chữ thập, nhờ tài trí thông-minh quán thế, ông mới toán ra bằng số, tổng cộng là 55 điểm, như trên có nói đến.
Có nghĩa là trong 10 con số này đã có âm dương, chẵn lẻ của nó. Nếu cộng cả hai tổng-số của âm-dương-số lại sẽ được là:
Tổng-số dương là: 1+3+5+7+9 = 25
Tổng-số âm là: 2+4+6+8+10 = 30
Cộng hai tổng-số lại: 25+30 = 55.
Tổng-số là 55. Hai con số 5 đi liền nhau Dịch nói là nhị ngũ, tức là hai con số (5) ngũ.
Ngũ đây là Ngũ-hành, nên mới phân ngũ-hành dương và ngũ-hành âm; đấy là lý-do tại sao không đọc là 55 mà nói là cơ nhị ngũ. Bởi Dịch là biến, có biến mới có hóa, sự biến-hóa từ xưa đến giờ là vô cùng tận; nếu không như vậy thì địa-cầu này sẽ bị tiêu-diệt mà thôi.
Thật vậy, đó là nguyên-lý:
Bát-quái biến hóa vô-cùng, phân định Ngũ-hành, càn-khôn muôn vật. Thái-cực sanh LƯỠNG NGHI và cứ thế tiếp-tục biến-hóa ra mãi.
Ấy cũng gọi là số của Hà-đồ, hay còn gọi là cơ nhị ngũ, tức là Khí-Hư-Vô phát-khởi, là trung-tâm điểm của vũ-trụ.
Vậy ban sơ Chí-Tôn có dạy Bát-quái không?
- Thật sự Thầy không nói chỗ này hay chỗ kia là Bát-quái, nhưng Thầy đã đặt định các con số Bát-quái ấy khắp trong Thánh-ngôn Hiệp-Tuyển Qua bài thi sau đây có 55 chữ nói lên cái lý của Bát-quái Tiên-thiên làm điển hình:
THI
Hảo Nam-bang! Hảo Nam-bang!
Tiểu quốc tảo khai Hội Niết-Bàn.
Hạnh ngộ Cao-Đài truyền Đại-Đạo,
Hảo phùng Ngọc-Đế ngự trần-gian.
Thi ân tế chúng thiên-tai tận,
Nhược thiệt, nhược hư vạn đại an.
Chí bửu nhơn-sanh vô giá định.
Năng tri giác thế sắc cao ban.
Nếu nói qui luật thơ thất ngôn bát cú thì phải mỗi câu có bảy chữ, tất cả là 8 câu. Như vậy tổng cộng là (7x8)=56 chữ. Nhưng ở đây bài thơ của Đức Chí-Tôn chỉ có 55 chữ: đó chứng tỏ con số nhị ngũ có giá trị của một Bát-quái Tiên-thiên.
Kế đến là Thầy dùng hai câu thơ 3 và 4 làm câu đối đặt trên khánh thờ nơi Thiên-bàn tại tư gia
“Hạnh ngộ Cao-Đài truyền Đại-Đạo,
“Hảo phùng Ngọc-Đế ngự trần-gian.”
幸 遇 高 臺 傳 大 道
好 逢 玉 帝 御 塵 間
Lại nữa mỗi câu có 7 chữ, tức nhiên nhắc mỗi Môn-đệ của Thầy phải biết tu-hành, cúng Tứ thời là luyện Tam-bửu, biến Thất-tình thành Thất-bửu, Thất-khiếu sanh-quang cho năng-tri sáng suốt.
Và câu thơ đầu tiên có 6 chữ, chia làm hai vế đối nhau; tức là một câu mà chia làm hai đoạn, mỗi đoạn 3 chữ giống nhau:
Hảo Nam-bang! Hảo Nam-bang!
Đó là lý Tam âm, Tam dương; là nói lên hai quẻ Càn Khôn là đầu mối của nguồn phát sanh vạn vật
“Càn Khôn sản-xuất hữu-hình,
“Bát hồn vận chuyển hoá thành chúng-sanh”
Nguyên-lý:
Hà-Đồ là Đạo tự nhiên, là bản-đồ trên lưng con Long-Mã nó có nhiều điểm:
- Hai điểm với bảy điểm phía trước (hướng Nam, biểu hiện cho mùa HẠ, thuộc hành Hỏa).
- Một với sáu phía sau (thuộc hướng Bắc, biểu hiện cho mùa Đông thuộc hành Thuỷ)
- Ba với tám bên trái (là ở hướng Đông, biểu-hiện cho mùa Xuân, thuộc hành Mộc).
- Bốn với chín bên mặt (là hướng Tây, biểu hiện cho mùa Thu, thuộc hành Kim).
- Năm với mười chính giữa (trung-ương, Tứ quí thuộc hành Thổ)
Cả thảy năm ngôi tượng-hình cho khí Ngũ-hành:
Dấu tròn trắng tượng dương, dấu đen tượng âm:
- 1 với 6 phía sau, tượng hình Bắc-phương Nhâm Qúi, Thủy.
- 2 với 7 phía trước, tượng hình Nam-Phương Bính Đinh, Hỏa.
- 3 với 8 bên trái tượng hình Đông-phương Giáp Ất, Mộc.
- 4 với 9 bên mặt, tượng hình Tây-phương Canh Tân, Kim
- 5 với 10 chính giữa, tựơng hình Trung ương Mồ-Kỷ Thổ.
Năm điểm ở chính giữa cũng tượng hình Thái-cực hàm nhứt-khí, tức nhiên Thái-cực bao hàm một khí.
Tổng cộng hết là 55 điểm mà kỳ thiệt gọi là nhị ngũ, bởi vì nếu tính hàng ngang là hai con số ngũ đứng liền nhau (gọi đó là Âm ngũ-hành và Dương ngũ-hành). Tuy là nhị ngũ mà cũng chỉ là nhứt ngũ mà thôi. Bởi âm với dương như hình với bóng, cũng chỉ là một.
Học Dịch cần phải quán-thông các lý lẽ, không chấp lời cũng không chấp từ mà phải nắm vững lý biến-hoá của Dịch, là một sự linh-động.
Tuy là nhứt ngũ mà cả tượng là một điểm. Dịch gọi “thiên nhứt sanh thủy” Thủy này không phải là nước mà là thể khí, đó là khí-sanh-quang hóa sanh ra muôn loài vạn-vật. Câu này ứng hợp với lời Thầy:
“Khi chưa có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới thì Khí-Hư-Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực”.
Khổng truyện nói; “Thiên nhất, Địa nhị; Thiên tam, Địa tứ; Thiên ngũ, Địa lục; Thiên thất, Địa bát; Thiên cửu, Địa thập”.
Như vậy ta thấy các Thiên-số: 1, 3, 5, 7, 9 là các số lẻ còn gọi là số CƠ, là số dương vậy.
Địa-số là các số chẵn: 2, 4, 6, 8, 10 còn gọi là số NGẪU, là số âm vậy.
Vì Đạo tạo Hỏa của trời đất chẳng qua là một cái Dương ngũ-hành và một cái Âm ngũ-hành; một cái sanh một cái thành mà thôi. Tuy phân ra ngũ-hành mà kỳ thiệt là một Âm một Dương vận-dụng cái Đạo gọi là “Nhất âm nhất dương chi vị Đạo” 一 陰 一 陽 之 胃 道 (một cái âm, một cái dương qua lại gọi là Đạo).
Tuy âm dương vận dụng mà kỳ thực là một khí qua lại vận-dụng cái Đạo để biến thông.
Tượng-hình ĐẠO như thế này:
- Ngũ-hành thuận sanh: Thổ sanh Kim, Kim sanh Thủy, Thủy sanh Mộc, Mộc sanh Hỏa, Hỏa sanh Thổ, Thổ trở lại sanh Kim.
- Ngũ-hành nghịch khắc: Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc lại khắc Thổ. Nếu trên vòng tròn thì Thổ phát ra tại trung-ương theo vòng tương-sanh rồi trở vào dứt cũng tại trung-ương.
Ra vào thì chẳng chi khác hơn là một khí (thổ khí), chẳng chi khác hơn là một trung. TRUNG nầy là một cái gốc lớn của thiên-hạ, ấy là Thổ cư Trung (Đất ở chính giữa) hòa-hiệp hết Tứ-tượng. HÒA là con đường suốt chung cho thiên hạ. Ấy là Tứ-tượng tại ngoại (chạy ra bên ngoài) chỉ một khí lưu-hành. Trong vừa Hòa vừa là một khí, cả thảy đều là Thái-cực.
Duy có con người hưởng lấy khí Âm Dương Ngũ-hành của Trời Đất mà sinh thân mình, cho nên trong thân mình có đủ khí Âm-Dương Ngũ-hành. Nhưng Ngũ-hành nầy có Tiên-thiên, Hậu-thiên. Tiên-thiên Ngũ-hành thuộc dương. Hậu-thiên Ngũ-hành thuộc Âm.
Các số: 1, 3, 5, 7, 9 là Dương ngũ-hành thuộc Tiên-thiên.
Các số: 2, 4, 6, 8, 10 là Âm ngũ-hành thuộc Hậu-thiên.
2- Nguyên-lý về NGŨ-HÀNH
Nguồn gốc sinh ra Ngũ-hành cũng bởi Thái-cực có hai thể động và tĩnh:
- Động thì sinh ra dương, động cực rồi lại tĩnh.
- Tĩnh thì sinh ra âm, Tĩnh cực rồi lại động.
Cứ một động, một tĩnh thay đổi nhau, cái nọ lấy cái kia làm gốc, chia ra âm dương lập thành Lưỡng-nghi.
Dương động là sự động-tác của Thái-cực.
Âm tĩnh là cái lập thể của Thái-cực.
Dương động thì biến-hóa ra, âm tĩnh thì đông hợp lại. Bởi sự biến-hóa, sự đông hợp ấy mà sinh ra Ngũ-hành: Kim. Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Năm khí ấy tiết ra mà thuận thì 4 mùa lưu-hành vậy.
Ngũ-hành hợp lại là Âm dương. Âm dương hợp lại làm một là Thái-cực. Thái-cực vốn là Vô cực (Dịch nói: Vô-cực nhi Thái-cực)
Vậy: nếu Ngũ-hành là lý biến-chuyển của âm dương để lập thành cơ hữu-tướng đó là năm nguyên-tố chánh để tác thành vũ-trụ càn-khôn.
Ở trong vũ-trụ dù phẩm-vật thấp hèn hay phẩm-vật cao-trọng nào mà có hình-thể cũng đều do năm nguyên-tố ấy chi-phối và điều-hợp mà nên.
Năm nguyên-tố ấy là: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tuy nói theo thứ-tự ấy là cơ sản-xuất sau trước khác nhau. Thật sư thì:
Đầu tiên là Hỏa, ấy là ngôi Thái-cực biến tướng là Thái-thượng ấy là ngôi có trước hết. Thái-Thượng là đóm lửa được phân-hóa đầu tiên vần-vần xoay lộn trong không-khí và nguội dần để thành ra ngôi thứ hai ấy là Thái-Thượng Nguơn-Thủy, rồi hai nguyên-tố ấy mới cấu-tạo ra.
Nay xét về 5 nguyên-tố phối-hợp nhau sản xuất ra vạn-linh.
Trong một ngyên-tố chánh thảy đều có 4 nguyên-tố kia kết-hợp vào, không nguyên-tố nào hiện-tượng ở trần-gian là thuần-túy được cả, bởi nếu thuần-túy thì không có cái sống của vạn-linh:
- Hỏa chất hăng mãnh-liệt, nóng-nảy, chủ động, sáng-suốt.
- Biến sang Thủy là trạng-thái tĩnh-lặng, êm dịu.
- Rồi đến Kim sáng chói, hiền-hòa, nó có đặc-tính của Hỏa và Thủy, chịu ảnh-hưởng của Hỏa nhiều;
- Đến Mộc, chịu ảnh-hưởng của Thủy nhiều hơn.
- Rồi Thổ là ảnh-hưởng của 4 nguyên-tố kia nhưng chịu ảnh-hưởng của Hỏa nhiều nhất.
Trong vũ-trụ đều có lý Ngũ-hành ấy.
Ở trời ấy là Ngũ-khí, là ở giai-đoạn từng cao: đạm-khí, khinh-khí, dưỡng-khí, thán-khí, Hạo-khí và Ngũ vân.
Ở đất có Ngũ phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và trung-ương.
Ở người ấy là Ngũ tạng: tâm, can, tỳ, phế, thận.
Cơ vận-chuyển của Ngũ-hành rất linh thiêng, mầu-nhiệm và đều có ảnh-hưởng trực-tiếp đến sanh mạng vạn-vật, chính nó là nguồn sống thể hiện ở càn-khôn. Nó thuộc về cơ hữu-vi thuộc quyền của Pháp hay Phật-Mẫu.
Tóm lại: Ngũ-hành là năm nguyên-tố chánh để cấu-tạo muôn loài vạn-vật.
Ở thể thanh nhứt là thuộc Khí, ở thể thứ nhì thuộc thể lỏng, ở thể thứ ba thuộc thể đặc.
Ở thể khí là ngũ khí, ngũ vân, ngũ phương, ngũ sắc.
Ở thể lỏng chất thuộc ngũ tạng, ngũ dục...
Ngũ-hành có sanh, có khắc; hễ sanh và khắc đến độ trung-dung là Hòa. Tương khắc, tương sanh rồi lại tương hòa.
* Màu trắng thuộc kim, ấy là sao Thái bạch trên trời thuộc về hướng Tây. Ở nơi người nó thuộc về tạng phế (phổi). Ở can chi nó thuộc Canh, Tân.
* Màu đen thuộc Thủy, ấy là sao Thần-tinh trên trời, thuộc về hướng Bắc. Nơi người nó thuộc tạng thận. Ở can chi nó là Nhâm, Quí.
* Màu xanh thuộc Mộc, ấy là sao Tuế-tinh trên trời, thuộc về hướng Đông. Nơi người nó thuộc tạng gan.Ở can chi là Giáp, Ất.
* Màu đỏ thuộc Hỏa, ấy là sao Vinh-hoặc thuộc về hướng Nam. Nơi người thuộc Tâm. Ở can chi là Bính, Đinh.
* Màu vàng thuộc Thổ, thuộc sao Tấn-tinh ở vào trung-ương. Nơi người thuộc tạng Tỳ. Can chi thuộc Mậu, Kỷ. (xem thêm ngũ-hành sinh khắc)
Ngũ-hành trên HÀ-ĐỒ.
Tóm lại Ngũ-hành theo phương vị Hà đồ có các vị trí sau:
- Hành Thuỷ ở phương Bắc.
- Hành Hỏa ở phương Nam.
- Hành Mộc ở phương Đông.
- Hành kim ở phương Tây.
- Hành Thổ ở Trung-ương (ở giữa)
Hình trên chỉ cho thấy rõ phương-vị của Ngũ-hành, nếu hợp những phương-vị sau đây với tám quẻ của Hậu-thiên Bát-quái thì sẽ có được những thể của 8 quẻ theo Ngũ-hành.
3- TIÊN-THIÊN DƯƠNG NGŨ-HÀNH
Như trên đã nói các dương số là 1, 3, 5, 7, 9 gọi là Tiên-thiên dương Ngũ-hành:
Số 1- Là nguơn TINH thuộc Thủy là Nhâm thủy.
Số 3- Là nguơn TÁNH thuộc Mộc là Giáp mộc
Số 5- Là nguơn KHÍ thuộc thổ làm Mồ Thổ.
Số 7- Là nguơn THẦN thuộc hỏa làm Bính hỏa.
Số 9- Là nguơn TÌNH thuộc kim làm Canh kim
Đó là ngũ nguơn. Hễ ngũ nguơn đủ rồi thì có ngũ Đức ở trong. Đó là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
- Nguyên TINH là thứ tinh chẳng phải tinh. Thể của nó thuần-túy phát ra thành TRÍ.
- Nguyên TÁNH là thứ tánh không, có tánh thể của nó nhu từ (chiều-chuộng hay thương xót) phát ra thành NHÂN.
- Nguyên TÌNH là thứ tình không, cái tình thể của nó can liệt (cứng cỏi, ngay thẳng) phát ra thành NGHĨA.
- Nguyên KHÍ là thứ khí không, cái khí thể của nó thuần-nhất (ròng là một) phát ra thành TÍN.
(Nguyên hay ngươn cũng là một nghĩa)
Ngũ Nguơn là khí của Ngũ-hành, ngũ Đức là tánh của Ngũ-hành. Ngũ nguơn, ngũ-đức sanh tại lúc Tiên-thiên ẩn trong khí Hậu-thiên.
Đương lúc con người ta thai bào còn hỗn độn; một khí hỗn-luân, hình tích tuy chưa lộ, mà cái lý của nó có sẵn đủ rồi, chỗ gọi “vị sanh xuất” nghĩa là chưa sanh ra như trong họa-đồ ở chính giữa có số 5. Năm điểm tụ lại một chỗ mà tượng hình Thái-cực.
Cổ nhân dạy người phải tìm giữ cái diện mục của mình trước khi cha mẹ sanh ra là chỉ vào đấy, do bởi việc nầy xảy ra trước khi sanh thân, nên gọi là Tiên-thiên.
4- HẬU-THIÊN ÂM NGŨ-HÀNH
a/- Khái-niệm:
Các số chẵn gọi là số âm, như: 2, 4, 6, 8, 10.
Số 2 là Thức Thần thuộc hỏa làm Đinh hỏa.
Số 4 là Quỉ phách thuộc Kim làm Tân kim.
Số 6 là trược tinh thuộc Thủy làm Quí thủy.
Số 8 là Du hồn thuộc Mộc làm Ất mộc.
Số 10 là Vọng ý thuộc Thổ là Kỷ thổ.
Đó là ngũ-vật. Hễ ngũ vật đủ rồi thì có ngũ-tặc ở trong đó. Ngũ-tặc là: Mừng, Giận, Buồn, Vui, Muốn.
Du-Hồn chủ sự ứng có tánh lành nên xúc động đến thì thành giận (nộ).
Thức-Thần rất linh-thiêng, có tánh tham, xúc động đến thì sanh muốn (dục) thuộc Hậu-thiên ngũ-vật. Ngũ-tặc tuy là do ngũ-hành hóa ra mà trong đó có chỗ phân biệt. Trong ngũ-vật Tinh, Thần, Ý, đều sanh sau duy có Hồn, Phách sanh ra trước hết.
Hồn lại còn sanh trước Phách nữa, HỒN là hột giống luân-hồi đời đời kiếp kiếp, làm người hay làm quỉ là nó; làm Thánh, làm Hiền cũng là nó; làm lành làm dữ cũng là nó, mang lông đội sừng cũng là nó. Thân này tuy chưa sanh chớ nó đã có trước rồi, còn khí tuy chưa tuyệt chớ nó đã đi trước rồi. Trong lúc con người vừa thoát thai chào đời, oa oa tiếng khóc, là lúc Hồn nhập khiếu.
Hồn vừa nhập khiếu thì nó thọ Hậu-thiên khí; một khí hiệp cùng Tiên-thiên Nguơn-tánh. Cái giả mượn cái thiệt mà tồn tại. Cho nên, anh-nhi xổ ra mà không có tiếng oa oa thì chẳng thành con người, vì du-hồn chưa nhập. Tuy là có nguơn tánh mà một mình đâu có tồn tại được.
Cái giả nhờ cái thiệt mà tồn tại. Cái thiệt nhờ cái giả mà hơn lên. Còn Phách thì lấy phần linh của khí huyết thọ kim khí mà đoàn-kết.
Hồn là một vật hay rời rạc chẳng định, lìa cái này thì bắt cái kia, lìa cái kia thì bắt cái nọ, luân-hồi không cùng, nhiều kiếp mà chẳng hề hư hoại. Phách mất hay còn đều do thân này. Thức thần tuy thọ hỏa-khí mà sanh chớ cũng ở trong hồn mà ra. Trược tinh tuy thọ thủy mà sanh chớ cũng do phách mà thành, Ý là tư-lự động tác dùng nó mà xử khiến. Tinh, Thần, Hồn, Phách cũng là tứ-vật.
Ngũ-vật, ngũ-tặc đều có sau khi sanh thân này nên gọi là “dĩ sanh xuất”, nghĩa là đã sanh ra rồi. Do bởi việc này xảy ra sau khi sanh thân nên gọi là hậu-thiên. Còn Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận đã trược mà lại có hình chất nên không được kể vào đây.
Lúc ban sơ mới sanh, hậu-thiên ngũ-hành với tiên-thiên ngũ-hành hai cái hiệp chung làm một. Ngũ-vật nhờ ngũ-nguơn dẫn dắt, còn ngũ-tặc nhờ ngũ-đức kềm chế, mỗi khi cử-động đều là Tiên-thiên làm chủ-tể, Hậu-thiên chẳng qua là tay sai mà thôi.
Cho nên hồi anh-nhi vô-thức, vô-tri thì tốt lành, chẳng có một mảy dữ là chí Nhân (nhân cùng bực). Nhân ấy là mối manh của nguơn-tánh.
Nhân ngã đều quên là chí nghĩa, nghĩa ấy là mối manh của nguơn-tình. Thế nên, sách Tam tự kinh khởi đầu bằng câu “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện” (con người mới sinh ra ra cái bổn tánh vốn hiền lành).
Thinh sắc cũng mê là chí Trí, ấy là mối manh của nguơn-tinh.
Tâm-khí bình-hòa là chí Lễ, Lễ ấy là mối manh của nguơn-thần.. Một lòng thành chẳng đổi hay là chí Tín. Tín ấy là mối manh của nguyên khí.
Lúc nó tịnh là ngũ nguơn khí, nó động là ngũ đức. Mà động tịnh đều là tiên-thiên hành sự. Trong lúc đó dẫu mừng, giận, buồn, vui nhưng đều vô-tâm cả.
Mừng mà không giữ lâu (bám chặt)
Giận mà không đổi đạc (giận lâu)
Buồn mà không xót-xa (đau đớn)
Vui mà không thái-quá (dâm dật).
Mừng, Giận, Buồn, Vui chưa phát thì gọi là TRUNG, chừng nó phát ra rồi trúng tiết (nhầm lễ) thì gọi là HÒA. Trung với Hòa có ý-nghĩa là không dục-vọng, không dục-vọng ắt là tinh, thần, hồn, phách, ý, mỗi thứ đều yên ngôi, vâng theo mạng lịnh Tiên-thiên.
Đức Hộ-Pháp có dạy “Vui cũng vui, buồn cũng buồn, nhưng đừng để nọc vui buồn thấm vào chơn tánh” là vậy.
Tiên-thiên, Hậu-thiên, Âm Dương giao phối tinh-hoa trong nhị ngũ mà hiệp đúng phép mới đoàn-kết. Hoặc Tiên-thiên động thì Hậu-thiên thành, chơn không rời giả, giả chẳng rời chơn. Chơn nhờ giả mà vẹn toàn, giả nhờ chơn mà tồn tại. Trọn hết là một khí, không chút nào tổn thương; đầy-đủ như ngũ-hành trong họa-đồ.
5- Cổ Hà-đồ
Âm dương đồng ở một chỗ, tượng hình một khí lưu-hành.
Cổ-nhân dạy người phải nương lấy cái “sanh diện”, nghĩa là cái diện-mục của mình khi mẹ sanh ra là chỉ vào đây.
Đến năm 16 tuổi (nhị bát) Tiên-thiên khí đầy đủ, Dương cực thì Âm lần sanh và giao tiếp với Hậu-thiên nên hồn-phách chẳng định, Thức Thần nổi lên thì khai tinh khiếu (cửa lọc tinh ba), ý loạn, tâm mê, ngũ-vật đều dấy lên, ngũ-tặc phá hại, ngũ-nguơn, ngũ-đức tiêu mòn dần. Như vậy ngày nầy qua ngày kia, năm kia tới năm nọ, âm khí thuần rồi dương khí tận, thì không chết sao được!?
Đây là Đạo đi thuận thì sanh ra con người. Duy bực Thánh-nhơn có học phép tiên-thiên mới biết bảo dưỡng lúc tiên-thiên chưa tuyệt, mới biết thối âm khi hậu-thiên khởi sanh. Thánh-nhân lấy cái hậu-thiên mà hàm dưỡng tiên-thiên, lấy cái tiên-thiên mà chế hóa hậu-thiên, chánh đạo vô-vi thẳng vào cõi Thánh.
Cái Đạo vô-vi chẳng ra ngoài cái diệu-lý của Hà-Đồ bắt từ trong mà sanh ra âm-dương ngũ-hành, tức là đạo “thuận-sanh”, sanh ra con người. Còn ngũ-hành âm-dương trong Hà-Đồ hiệp nhau trọn hết là một khí, tức là đạo “nghịch vận” sanh ra Thánh-nhân.
Nghịch-vận không phải lấy nghĩa phản huờn, ấy là đem ngũ-hành tàng ẩn như trước (trả lại) nơi Trung huỳnh Thái-cực (Tâm). Đây cho thấy trở lại cái diện mục hồi lúc cha mẹ chưa sanh.
Mạnh-Tử nói rằng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí bốn đức tánh nầy căn cứ tại Tâm. Cái sắc anh-hoa của nó hiện nơi mặt đầy-đặn, hình ra sau lưng, oai-nghi bày ra tay chân. Tay chân chẳng đợi mình bảo mà tự-nhiên hiểu biết cử-động hiệp nghi (như cái tay chẳng đợi bảo phải cung khoanh mà tự nhiên biết cung kính; cái chân chẳng đợi bảo trung-hậu mà tự nhiên biết trung-hậu. (Tận-Tâm thượng /Mạnh-Tử)
Nguyên-nhân là tâm làm chủ cả cái thân có đủ các đức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Nếu lấy một cái Tâm mà vận Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí ròng là Thiên-chơn hành-sự. Ngũ-vật, Ngũ-Tặc đều theo lệnh nó, khiến ngũ-hành đoàn-kết, Tứ-tượng hòa hiệp thì TÁNH tức là MẠNG; MẠNG tức là TÁNH. Tánh Mạng một nhà, âm dương trọn hòa. Hình Thần đều đặng huyền-diệu cùng Đạo hiệp một lẽ Chơn, căn cứ tại Tâm mà sanh sắc anh hoa. Chẳng đợi bảo mà hiểu biết tự-nhiên, như thế cái tâm đó mới gọi là tâm không (không phải cái tâm không biết rung động), mà gọi là “thiên địa chi tâm” 天 地 之 心 (tâm của trời đất), ngũ-hành không sao đến đó được, tứ đại khó xông pha vào đấy, chỗ mà Thánh-nhân gọi là Huyền-tẫn là nó đây vậy.
Caí không phương-hướng, không định chỗ nơi, nghĩ ra ắt sai, bàn lại thêm quấy, chẳng thể lấy lời mà dạy, lấy bút mà tả, khép mở có giờ, động tịnh như chẳng chấp chẳng lịch, tột trúng tột linh gượng kêu là THÁI-CỰC, gượng vẽ ra cái nầy không (0). Ấy là một điểm ở chính giữa Hà Đồ.
Nhưng bởi cái tâm này là gốc rễ của Trời Đất, cội nguồn của Tánh-mạng, chỉ có người Tu Chơn mới có được Tâm này.
Đức PHẬT-MẪU có dạy rằng:
Gắng sức trau-giồi một chữ Tâm,
Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm.
Tâm thành ắt đạt đường tu vững,
Tâm chánh mới mong mối Đạo cầm.
Tâm aí nhơn sanh an bốn biển,
Tâm hòa thiên-hạ trị muôn năm.
Đường tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn,
Có buổi hoài công bước đạo tầm.
Nơi Trí-Huệ-Cung có để thể-pháp: Ba vòng vô-vi gắn liền nhau như mắc-xích biểu-tựợng cho Tam-giáo, Tam-bửu, tam thể xác thân. Người tu đắc đạo là lúc ngũ-khí triều nguyên, tam huê tụ đảnh. Đây chính là tôn-chỉ của Đạo Cao-Đài “Tam-Giáo Qui-Nguyên Ngũ-Chi Phục-Nhứt”.
Cái Tâm đó lớn không có chi lọt ra ngoài, mà nhỏ thì không có chi xen vào trong. Có phải chăng biểu-tượng này Đạo Cao-Đài đều tôn thờ. Đó là Thiên-nhãn, là điểm Linh-Quang, là trí Bác-Nhã…
Người tu gọi cái tâm này là tâm không (chơn không mà diệu hữu biến-hóa vô cùng).
Cái Tâm không.:
Hễ ai đặng cái tâm này thì ra tử vào sanh (về cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống). Ai mất nó thì ra sanh vào tử (mê-muội tối tăm phải bị trầm-luân khổ hải).
Trước nói Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí căn cứ tại Tâm là chỉ cái tâm này đây. Trong cái tâm này có khí ngũ-hành mà không có hình chất ngũ-hành. Nó ẩn trong ngũ-hành mà chẳng bị nhốt trong ngũ-hành. Gốc nó tại lúc cha mẹ chưa sanh sắp về trước. Hiện ra lúc cha mẹ sanh rồi sắp về sau. Nó vắng lặng chẳng động, cảm xúc liền hay cho nên chủ-tể bốn Đức (tứ Đức) Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Vì nó biến hóa ra được 4 Đức này nên còn có tên là TÍN 信 Tín đây không phải là chữ tin thuộc về lời nói; Ấy là chữ tín do âm dương hiệp chung làm một, chơn thật không dối.Chơn-thật là không dối trá (là chơn không), mà chơn-không là diệu-hữu. Không mà chẳng không, chẳng không mà không. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí đều có đủ trong đó.
Công-phu vô-vi là mượn sức Đạo làm cho toàn hình. Mượn sức đạo làm cho toàn hình ấy là dùng Tín mà thâu hết Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí, tức là đem Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí gom về một chữ Tâm, gom về một chữ Trung. Tín-Tâm-Trung cả ba tên đều là một KHÍ.
Một khí lưu-hành ngũ-nguyên ngũ-đức, đoàn-kết không tan, hiệp trọn về một Thái-cực, chẳng sẫm chẳng lậu, thì hậu-thiên ngũ-vật, ngũ tặc cũng đều hóa ra dương. Tiên-thiên-khí và Hậu-thiên-khí, hai khí hiệp chung làm một thể ắt tu tánh xong (Trong công phu tu tánh đã có tu mạng rồi khỏi phải tu mạng nữa).
6- Nguyên-lý tạo thành 64 quẻ kép
Đạo Bát-quái cũng có âm dương và quái nầy lại đặt chồng lên với 8 quái kia mà biến thành 64 quẻ kép (8x8=64) biến-hóa vô cùng mà tạo nên vạn-vật.
Một quẻ đôi có 6 vạch, mỗi cái ba vạch dầu trên hay dưới là lấy ý tam tài: Thiên-Địa-Nhân cho có cặp, mỗi tài đều có Âm Dương của nó.
Bát-quái chính là Âm Dương của Tứ-tượng (mỗi thứ trong Tứ-tượng đều có âm dương). 64 quẻ tức là khí do âm dương của Tứ-tượng phối hiệp mà sanh ra.
Bát-quái sắp xếp rồi chồng lên với nhau tức là âm dương tương-giao thì sự sanh sanh chẳng ngớt, há chỉ có 64 quẻ mà thôi đâu! Thế nên mới nói rằng “Bát-quái biến-hóa vô cùng mới thành ra càn-khôn thế-giới”.
Vẽ quẻ mà dừng ở 64 quẻ là vì đạo của Trời đất chẳng qua là âm dương của Tứ-tượng biến-hóa ra đó mà thôi. Tứ-tượng hiệp lại do âm và dương thì gọi là Bát-quái. Một quẻ đi khắp các ngôi chọi với 8 quẻ. 8 quẻ đi khắp các ngôi chọi với 64 quẻ, ngàn quẻ, muôn quẻ đều chẳng ra ngoài 64 quẻ đó được.
Vậy lấy cái gì mà hành khí, có phải là 64 quẻ đó chăng? Và 64 quẻ là do 8 quẻ đặt chồng lên nhau thành (8x8)=64 quẻ.
Tám quẻ là do Tứ-tượng sanh ra (4x2=8). Tứ-tượng là do Lưỡng-nghi sanh ra (2x2=4). Lưỡng-nghi chỉ là một khí THÁI-CỰC (O) lưu hành. Thế thì Thái-cực là căn bổn của muôn sự biến-hóa, là Tổ-Khí sanh ra muôn vật.
Có Thái-cực này mới có Âm Dương.
Có Âm Dương mới có Tứ-tượng.
Có Tứ-tượng mới có Bát-quái (8 quẻ).
Có Bát-quái mới có 64 quái.
Nếu không có Thái-cực thì âm dương ở đâu mà có, Tứ-tượng ở đâu nảy sanh, tám quẻ ở đâu thành hình? 64 quẻ ở đâu mà vận hành?.
Vua Phục-Hi vẽ họa-đồ lấy quẻ sanh ra quẻ có phải là chỗ huyền-diệu của số sanh trong Hà Đồ không?
Muôn hình tượng sanh ra từ trong chỗ biến-động. Có biến-động rồi mới có Kiết, Hung, Hối, Lẫn (hối-hận). Thiên-hạ vận-dụng hằng ngày theo đó, thế mà không rõ Thánh-nhơn đã tìm ra được cái bổn-nguyên (cái gốc ban đầu) Tiên-thiên sanh ra các quẻ, nên cái nghĩa mầu-nhiệm nhờ đó mà phát lộ trọn hết cái “bổn lai chơn-tâm” của người rỗng tuếch, không mang theo một mảy lông, một sợi tơ nào.
Trống không đến cùng cực (o) hay cũng gọi là VÔ (không) tức là Thái-cực, ấy chỗ gọi “Vô danh thiên địa chi thủy” 無 名 天 地 之 始. Nghĩa là cái không tên kia là đầu mối của Trời Đất, nhưng cái “Hư-Vô Thái-cực” này chẳng phải là một vật bất động mà là một vật sống, linh động, trong đó có ẩn một điểm (o). Sanh cơ điểm này gọi là khí Tiên-thiên chơn nhứt, là cội Tánh mạng của con người, là nguồn của Tạo-Hóa, là gốc của sanh tử.
Trong hư-vô có ngậm chứa (tiềm tàng chưa phát lộ) một khí chẳng có chẳng không (sự tư tưởng hay ý-tưởng), chẳng phải HỮU (sắc) chẳng phải VÔ (không), rất là hoạt bát, lại cũng gọi là chơn không. Ấy là chỗ gọi “Hữu danh vạn vật chi mẫu” 有 名 萬 物 之 母 nghĩa là cái có tên kia là mẹ sanh của muôn loài (Đó là lời nói phát sanh từ cái miệng).
Một Khí-Hư-Vô đã có một điểm sanh cơ ở trong đó (tượng là vòng tròn có một điểm tâm) là Thái-cực ngậm chứa một khí, tức là câu: “Nhứt tự hư-vô triệu chất” 一 字 虛 無 兆 質. Một khí đã lộ chất thì không thể chẳng động chẳng tịnh. Động làm Dương, Tịnh làm Âm. Cái động cái tịnh nầy sanh ở trong một khí chánh là: “Lưỡng-nghi nhân nhứt khai căn”. Đã có động có tịnh; động hết sức rồi tịnh, tịnh hết sức rồi động thì Tánh, Tình, Tinh, Thần có ngụ ở trong đó là “Lưỡng-nghi sanh Tứ-tượng” 兩 儀 生 四 象.
CHÁNH là “Tứ-tượng bất ly nhị thể” 四 象 不 離 二 體
Đã có Tứ-tượng là Tánh, Tình, Tinh, Thần thì mỗi tượng đều có động tịnh, đó là Tứ-tượng sanh Bát-quái. Bát-quái sanh khắc lẫn nhau mà “hộ vi tử-tôn” (cái này sanh cái kia, cái kia sanh cái khác nữa làm con cháu lẫn cho nhau).
Sáu mươi bốn quẻ bởi đó mà nảy sanh muôn hình vạn trạng, biến động cũng từ đó mà hóa ra, bởi vì:
Muôn hình gốc ở tám quẻ (gọi là bát-hồn).
Tám gốc ở Bốn (tượng)
Bốn tượng gốc ở hai (nghi)
Hai nghi gốc ở một (khí)
Một gốc ở HƯ (vô)
Hư-vô là mối đầu của (Khí chi thể). Một là mẹ sanh của khí (khí chi mẫu). Hư-vô là THỂ, một Khí là DỤNG. Thể Dụng như một, hai chia bốn hoặc tám hoặc muôn, đều vận-dụng ở trong một Khí-Hư-Vô thì có gì Kiết, Hung, Hối, Lẫn được?
Bằng một Khí-Hư-Vô thì động tịnh chẳng hợp thì bốn khí chẳng còn điều-hòa, tám quẻ thổ loạn, muôn hình biến-động thì chừng đó mới có phân ra kiết, hung, hối, lẫn. Cái chỗ bí-mật nầy ai không biết nó mà thuận theo khí âm-dương (tức là sống theo lối nhị-nguyên) thì có sống có chết, muôn kiếp trầm-luân. Cho nên nói thiên-hạ vận-dụng hằng ngày theo đó mà chẳng rõ: Ai biết nó mà nghịch với khí của dương thì: RA chết VÀO sống, lên ngay cõi Thánh. Cho nên nói Thánh nhân tìm ra được cái bổn-nguyên (dụng nó hằng ngày mà chẳng rõ là nói chẳng hiểu thấu, rõ biết một Khí-Hư-Vô. Tìm ra được cái bổn nguyên là nói gìn-giữ được một Khí-Hư-Vô là chân tâm mình đó vậy.Trời đất sử khiến được vật có hình chớ không thể sử khiến vật không hình, sử khiến được kẻ có tình chớ không sử khiến kẻ vô tình. Sử khiến được kẻ hữu-tâm chớ không thể sử-khiến kẻ vô tâm.
Tìm ra được cái bổn-nguyên, đặt cái tâm mình ở hư-vô, dưỡng tâm ở một khí, tuy rằng có Lưỡng-nghi, Tứ-tượng, Bát-quái, 64 quẻ nhưng cả thảy đều vận dụng tại chỗ căn bổn là HƯ-VÔ, chẳng hề sanh ra bao giờ, muôn hình đều không, duy có một cái đó (o).
Thử hỏi cái đó là sự vật trong một Khí-Hư-Vô thì làm sao kiết hung gia cho mình, hối lẫn gần bên mình được?
Cách sanh quẻ và sắp quẻ của Phục-Hi rất hay. Hay là ở chỗ tám quẻ sấp thành quẻ: Kiền dương kiện lúc đầu tiên. Khôn âm thuận lúc cùng cuối. Khi âm dương mới sanh thì cả hai đều ở trung-uơng. Kiền đầu tiên là Kiền dị-tri: dễ biết Khôn cùng cuối là Khôn giản-năng (gọn làm)
* Đứng về một Trời Đất thì gọi là dị tri giản năng.
* Theo đạo người mà gọi (thì gọi là) Lương-tri lương-năng hoàn-toàn là thiên-lý.
Cho nên một động một tịnh đều lấy một điểm hư bạch (một vòng trắng 0) ở chính giữa mà lập căn cơ. Ở chỗ không quẻ mà sanh quẻ, nếu con người tìm ra được bổn-nguyên thì bỗng nhiên sẽ thấy cái bổn lai diện mục, tức là chơn-tướng mới là biết một Khí-Hư-Vô ngậm chứa sự vật. Tột trống mà ngậm chứa tột đặc. Không hình mà hay biến hóa, cho nên biến hóa vô cùng.

►Xem tiếp CHƯƠNG VIII /... Phục-Hi Tiên-thiên lục thập tứ quái đồ
|