CHÚ GIẢI KINH TẬN ĐỘ
THIÊN VÂN Hiền Tài QUÁCH VĂN HÒACHƯƠNG THỨ NĂM
KINH TẨN LIỆM
I.-KINH VĂN:
Kinh Tẩn Liệm
Dây oan nghiệt dứt rời trái chủ,
Nương huyền linh sạch giũ thất tình,
Càn khôn bước Thánh thượng trình,
Giải xong xác tục mượn hình Chí tôn.
Khối vật chất vô hồn viết tữ,
Đất biến hình tự thử qui căn,
Đừng gìn thân ái nghĩa nhân,
Xôn xao thoát khổ xa lần bến mê.
Lánh nơi trược khí hưởng mùi siêu thăng.
NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN
II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Bài Kinh Tẩn Liệm do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho chúng sanh trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Tẩn, còn đọc là Tấn 殯: đặt xác người chết vào quan tài rồi đậy nắp kín lại. Liệm 殮: Bọc xác người chết bằng nhiều lớp vải rồi đặt vào áo quan. Như vậy, tẫn liệm là dùng vải trắng và các thứ vật liệu như giấy, trà hoặc tro trấu…để bọc xác người chết, rồi đặt vào quan tài, đậy nắp, đóng kín lại.
Kinh Tẩn Liệm là bài kinh để đồng nhi tụng trong nghi thức làm lễ Tẩn liệm.
Nội dung bài Kinh Tẫn Liệm nhằm nhắc nhở cho Chơn hồn người qui liễu biết chết là sự giải thoát khỏi sợi dây oan nghiệt, để Chơn linh được nhẹ nhàng an vui nơi Cực Lạc. Thân xác do đất sinh ra thì trở về đất, còn hồn do Trời hóa sinh thì trở về Trời.
III.- CHÚ GIẢI:
Dây oan nghiệt dứt rời trái chủ,
Nương huyền linh sạch giũ thất tình,
Dây oan nghiệt: Oán thù và những mầm ác mà con người sống ở thế gian đã gây ra, tạo thành những sợi dây vô hình ràng buộc lẫn nhau, trở thành oan gia trái chủ.
Dứt rời: Chấm dứt lìa ra.
Trái chủ 債 主: Người chủ nợ.
Nếu mình gây ra tội ác cho người, sẽ tạo nên nợ nần oan nghiệt lẫn nhau: Mình là con nợ, người bị hại là chủ nợ hay trái chủ. Theo luật nhân quả, thiếu nợ đương nhiên phải đền trả, còn người chủ nợ chờ ngày đòi món nợ oan nghiệt đó. Vì vậy, nợ nần trở thành những sợi dây oan nghiệt buộc ràng người chủ lẫn kẻ thiếu nợ với nhau.
Nương: Dựa vào.
Huyền linh 玄 靈: Huyền diệu linh thiêng.
Sạch giũ: Làm cho rớt sạch, giũ cho sạch sẽ.
Thất tình 七 情: Bẩy thứ tình cảm của con người, ấy là: Hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục.
Câu 1: Những sợi dây oan nghiệt dứt thì Chơn thần mới rời được trái chủ mà bay đi.
Câu 2: Để giũ sạch thất tình thì phải nương theo phép huyền diệu Thiêng liêng của Chí Tôn (Đó là tu hành).
Càn khôn bước Thánh thượng trình,
Giải xong xác tục mượn hình Chí Tôn.
Càn khôn 乾 坤: Trời đất.
Bước Thánh: Bước chơn Thiêng liêng.
Thượng trình 上 程: Trình là con đường. Thượng trình là lên đường.
Giải xong: Cởi bỏ xong.
Xác tục: Thân xác phàm tục. Đây là hình hài được cha mẹ sinh ra nơi cõi phàm tục, do đó gọi là xác tục.
Hình Chí Tôn: Đây không phải là hình thể, mà là thực thể có trong con người hay vạn vật. Thể đó gọi là thần thể hay Điểm linh quang mà Chỉ Tôn ban cho con người.
Chí Tôn là Đấng vô hình vô ảnh, tạo hóa ra Càn khôn vạn vật. Vì vậy trong con người và cả muôn loài, mỗi mỗi đều có mang hình thể của Ngài, đó là Thần thể tinh vi kỳ diệu của Đức Thượng Đế. Vạn vật nhờ đó mà có sự sống. Đất đá kim loại nhờ đó mà có linh khí, gọi là Kim thạch hồn; cây cỏ nhờ đó mà tươi nhuần, gọi Thảo mộc hồn; cầm thú nhờ đó mà cảm giác, gọi là Thú câm hồn; con người nhờ đó mà linh giác, gọi là Nhơn hồn. Ngoài ra, còn có những hồn tiến hóa hơn nữa, gọi là Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn. Có thể nói hình bóng của Chí Tôn đều được ngự trị trong Chơn linh của muôn loài.
Khi con người chết, xác tục được cởi bỏ nơi cõi thế gian thì Chơn hồn phải mượn hình Chí Tôn, đó là những Tiểu linh quang hay Thần thể mà trở về với Thượng Đế là Đại hồn trong Vũ Trụ.
Câu 3: Chơn linh nhẹ nhàng bước chơn Thiêng liêng mà đi vào cõi Càn Khôn.
Câu 4: Cởi bỏ xong phàm thể, Chơn linh sẽ trở về với Chí Tôn
Khối vật chất vô hồn viết tữ,
Đất biến hình tự thử qui căn,
Khối vật chất: Hay vật chất khối 物 質 塊: Xác thân con người được kết hợp bởi vật chất nơi thế gian mà thành, nên gọi là khối vật chất. Xác thân này theo Phật, do bốn nguyên tố, hay bốn đại là: Đất, nước, gió lửa duyên hợp tạo ra, nên còn gọi là thân tứ đại. Lại nữa để được sống, con người phải ăn uống vật thực, hoa quả, đó là những thứ vật chất nơi thế gian nuôi dưỡng nhục thể. Do vậy xác thân con người chính là một khối vật chất.
Vô hồn 無 魂: Không có hồn.
Viết tử 曰 死: Gọi là chết, nói rằng chết.
Đất biến hình: Đất biến nên hình thể của con người.
Thân xác con người là xương thịt do tinh cha huyết mẹ tạo ra nơi cõi thế, nhờ thực vật và động vật là những nguồn được sinh ra từ đất nuôi dưỡng, do vậy, người ta xem như là một khối vật chất do đất biến thành hình hài con người.
Tự thử 自 此: Từ đó.
Qui căn 歸 根: Trở về gốc.
Câu 5: Khối hình hài vật chất không có linh hồn thì coi là chết.
Câu 6: Đất biến nên hình thể con người, khi chết, hình xác đó cũng trở về đất.
Sở dĩ con người có sự sống là nhờ sự hiện diện của linh hồn. Linh hồn là một Tiểu Linh Quang của Thượng Đế chiết từ khối Đại Linh Quang để ban cho con người. Còn thi thể phàm tục của con người vốn dĩ do một khối vật chất cấu thành, nghĩa là xác thể con người từ tế bào xương thịt do cha mẹ tạo ra, được lớn lên nhờ sự nuôi sống của vật thực, là nguồn cung cấp từ đất. Vậy Đất sinh ra vật chất tạo ra hình thể, còn Trời ban cho linh hồn con người. Trời đất trong con người hợp lại thì có sự sống, nghĩa là có linh hồn và thể xác. Nếu như linh hồn lìa khỏi xác thân thì nó chỉ là một khối vật chất bị chết rồi sẽ tan rã. Hay nói cách khác, Đất tạo nên hình thể con người đến khi chết thì hình thể đó sẽ trở lại với Đất, còn linh hồn thì trở về với cõi giới vô vi.
Đừng gìn thân ái nghĩa nhân,
Xôn xao thoát khổ xa lần bến mê.
Đừng gìn: Chẳng nên gìn giữ.
Thân ái 親 愛: Thân thiết yêu thương nhau.
Nghĩa nhân 義 仁: Hay nhân nghĩa là một đạo lý của con người dùng để ứng xử với nhau nơi thế gian.
Xôn xao: Ồn ào, rộn rịp.
Thoát khổ 脫 苦: Thoát ra khỏi cảnh khổ.
Xa lần: Xa lần lần.
Bến mê: Còn gọi là Bờ mê, do chữ mê tân 迷 津: Chỉ cảnh giới của chúng sanh còn sống trong vô minh, mê lầm. Trái với Bờ giác hay bến giác là cảnh giới của chúng sanh đã giác ngộ.
Người tu hành phải có trí huệ dùng làm thuyền Bát nhã mới vượt qua biển luân hồi sinh tử đưa đến bờ giác ngộ.
Câu 7: Chơn hồn khi lìa khỏi thể xác, thì đừng nên giữ những tình cảm luyến ái với gia đình và mọi nghĩa nhân của thế gian.
Câu 8: Thoát khỏi những khổ đau ồn ào, rộn rịp của thế tục, và lần lần xa lìa khỏi bến mê.
Khi thọ mạng một đời hết, con người tu hành bị chi phối bởi nhiều sức mạnh dẫn người ấy đi vào cõi siêu thoát hay tái sanh. Hướng tái sinh một phần được quyết định tùy theo tâm niệm của người lâm chung. Một người đang hấp hối mà có tâm niệm quyến luyến vợ con, thương tiếc danh lợi...thì sẽ khó mong thoát khỏi luân hồi.
Vì vậy, tâm niệm của con người trong phút lâm chung này rất quan trọng, cần phải dứt khoát cởi bỏ những tình cảm thân ái hay những điều nghĩa nhân ràng buộc nơi thế gian, hầu được thoát khỏi những khổ cảnh giựt giành một cách rộn rịp trong chốn sông mê này.
Hồn Trời hóa trở về Thiên cảnh,
Xác Đất sanh đến lịnh phục hồi,
Hồn Trời hóa: Linh hồn của con người do Trời sinh ra, nói khác hơn, do Chí Tôn chiết ra từ khối Đại Linh Quang ban cho người.
Thiên cảnh 天 境: Cõi Trời, cõi Thiêng Liêng.
Xác Đất sanh: Thể xác con người do Đất sanh ra.
Như câu Kinh trên đã nói, Đất biến thành hình hài của con người (Câu 6), tức là thể xác con người là do Đất sanh ra.
Lịnh phục hồi: Được lịnh trở lại.
Câu 9: Trời sanh ra linh hồn con người, khi chết thì hồn đó sẽ trở về cõi Trời.
Câu 10: Đất tạo nên thể xác con người, khi chết thể xác đó được lịnh trở về ( tức trở về với Đất).
Linh hồn con người do Trời ban cho là một thể vô vi, mà vô vi thì thường hằng, bất hoại. Nên khi con người chết, linh hồn ấy sẽ trở về với cõi vô vi, nếu có tu thì sẽ về Thiên cảnh. Còn xác thân do cha mẹ sinh ra xương thịt, tạo thành khối vật chất là một thể hữu hình, mà hữu hình thì hữu hoại, Nên khi con người chết, xác thân sẽ rã tan mà trở về Đất.
Hai câu Kinh trên, ý nghĩa tựa đôi liễn nơi thuyền Bát Nhã:
Vạn sự viết vô: Nhục thể Thổ sinh hoàn tại Thổ,
萬 事 曰 無: 肉 體 土 生 還 在 土.
Thiên niên tự hữu: Linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.
千 年 自 有: 靈 魂 天 賜 返 回 天
Ngàn năm tự có, linh hồn Trời ban trở về Trời.
Từ từ Cực Lạc an vui,
Lánh nơi trược khí hưởng mùi siêu thăng.
Từ từ: Thong thả, dần dần.
An vui: Bình an và vui vẻ.
Cực Lạc: Cõi Cực Lạc (Xem chú thích trên).
Lánh nơi: Xa lánh chỗ.
Trược khí 濁 氣: Hay trọc khí là khí dơ bẩn.
Lánh nơi trược khí: Xa lánh khỏi nơi khí ô trược.
Phật cho rằng Thế giới Ta Bà là một cõi đầy ô uế, có đủ ngũ trược: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược, nên cõi này được gọi là Uế thổ (Uế độ); còn Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà là một cõi đầy an vui sung sướng, nên cõi này được gọi là Tịnh thổ (Tịnh độ).
Hưởng mùi siêu thăng: Được hưởng sự siêu thăng về Thiên cảnh hay Thiêng Liêng Hằng Sống.
Câu 11: Chơn linh được thong thả vào cảnh Cực Lạc mà an vui.
Câu 12: Lúc đó, Chơn linh mới thực sự lánh xa khí trược nơi cõi trần mà hưởng sự siêu thăng nơi cõi Tịnh độ.
Hai cõi giới Cực Lạc và Ta Bà là hai Thế giới đối lập nhau. Thế giới Cực Lạc là nơi hoàn toàn trong sạch, đẹp đẽ, an vui hạnh phúc và thọ mạng dài lâu, khác với Thế giới Ta Bà ô trược, phiền não, khổ đau và giả tạm. Chính vì thế, Cực Lạc còn được gọi là An Lạc Quốc, còn Thế giới Ta Bà được Hán dịch là kham nhẫn 堪 忍: Tức là chúng sanh sống ở Thế giới này phải nhẫn nhục chịu đựng nhiều điều đau khổ, phiền não...
Người tu hành phải biết giác ngộ chọn con đường về cho Chơn linh của mình: Cõi Cực Lạc để hưởng sự siêu thăng đầy sung sướng, an vui và xa lánh vĩnh viễn nơi trần tục đầy trược khí, đau khổ này.