Bài thuyết trình của Giáo sư Nguyễn Lương Hưng, hội viên Hội đồng Quốc gia Lập pháp thuyết trình trước Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp VNCH ngày 8-6-1965, để Hội Đồng Lập Pháp tường lãm và quyết nghị về Pháp Nhân của Đạo Cao Đài.
Do đơn ngày 21-01-1965 gởi cho Thủ Tướng Chánh Phủ có đính kèm bản Hiến chương Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (đạo Cao Đài). Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thỉnh cầu Thủ Tướng Chánh Phủ ban bố một đạo luật công nhận Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có đủ tư cách pháp nhân.
Nay đơn và hồ sơ đề ngày 21-01-1965 trên đây đã được Thủ Tướng Chánh Phủ gởi cho Ông Chủ tịch Hội đồng Lập Pháp ngày 02-06-1965 và ông chủ tịch Ủy Ban Chánh Trị đề cử chúng tôi làm thuyết trình viên ngày 4-6-1965.
Sau đây là những điểm trọng yếu về CAO ĐÀI GIÁO mà chúng tôi xin trình bày để Hội Đồng tường lãm và thảo quyết.
Trước hết chúng tôi xin trình bày sơ lược Lịch Sử của Tôn giáo này:
I-/ LỊCH SỬ CAO ĐÀI GIÁO.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay gọi tắt là CAO ĐÀI GIÁO là một tôn giáo xuất hiện tại Miền Nam Việt Nam được thành lập chánh thức từ năm 1926.
Cao Đài Giáo phát xuất từ hiện tượng Thông Linh (Spriritisme) tức là một lối giáng cơ đề bút rất thông dụng ở Việt Nam. Ban đầu hiện tượng giáng cơ này xảy ra lẻ tẻ tại nhiều nơi trong các vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Lục Tỉnh, và sở dĩ hiện tượng này đã hấp dẫn mạnh mẽ nhiều tín đồ, ấy là vì nhiều nội dung kỳ diệu trong những ngôn từ mà đàn cơ phổ hiện ra. Đó là cái mà về sau người ta gọi Thánh Ngôn hay Thánh Huấn (Messages Spirites). Bởi vậy trong thời kỳ đó, người ta thấy xuất hiện nhiều chi phái (sectes) rải rác khắp miền Nam. Sau đó theo những lời mật truyền trong một số Thánh Giáo mà các chi phái kể trên lần lượt qui tựu lại để rồi tạo dựng một nền Tôn Giáo duy nhứt mang tên là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Giáo) sau khi đã chính thức thành lập Tòa Thánh tại Thánh địa Tây Ninh.
Kể từ đó CAO ĐÀI GIÁO đã thu hút nhiều tín đồ, trong đó, đa số là những vị quan chức thời Pháp thuộc và nhiều nhà trí thức lỗi lạc danh tiếng. Xét như vậy, CAO ĐÀI GIÁO là một tôn giáo hoàn toàn đặt trên nền tảng của Thông Linh Học. Do đó Thông Linh Học đã góp một vai trò rất quan trọng trong vấn đề phát triển cơ cấu của ĐẠI ĐẠO.
II-/ Ý NGHĨA VÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẠI ĐẠO:
Sự xuất hiện của CAO ĐÀI GIÁO là nhằm mục đích phục hồi những giá trị đạo lý cổ xưa được phổ truyền do các Đấng Giáo Chủ chính yếu như: Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Jésus Christ, và phối hợp tất cả Giáo Lý giáo nghĩa của các tôn giáo cựu truyền đó, để đục kết thành một hệ thống giáo lý tổng hợp duy nhứt theo như tôn-chỉ mà một Thánh Giáo đã vạch ra là: Qui Nguyên Tam Giáo (Nho-Thích-Đạo) và Phục Nhứt Ngũ Chi (Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên Đạo, Phật đạo).
Cũng theo Thánh Giáo, đấng THƯỢNG ĐẾ phán truyền rằng: “Các tôn giáo kể trên, trải qua những biến chuyển thăng trầm của lịch sử, đã càng ngày càng bị biến đổi, sai lệch đối với các giáo lý nguyên sơ”.
Thế nên sứ mệnh của CAO ĐÀI GIÁO là tìm cách tu sửa những giáo nghĩa, sắp xếp lại thành một hệ thống thích nghi với trình độ tiến hóa của nhơn loại ngày nay. Mặt khác, sự tu sửa đó cũng nói lên sự cần thiết của một nền văn hóa tổng hợp, xét như một điều kiện cần thiết cho công cuộc tụ tập nhân loại thành một khối duy nhứt, hầu xây dựng một cộng đồng chung thanh bình an lạc..
Với mục phiêu lý tưởng đó, CAO ĐÀI GIÁO chủ trương một đường lối hòa bình rộng lớn trong mọi phương diện hoạt động của xã hội loài người, đặt trên nền tảng của tình huynh đệ bình đẳng và nâng cao tinh thần đạo lý, mở rộng ý thức về tôn giáo, xóa bỏ những dị kiến chấp nê sai lầm giữa các tín đồ giữa các tôn giáo khác nhau.
Trong viễn tượng đó, CAO ĐÀI GIÁO chỉ thờ hình ảnh duy nhứt là THIÊN NHÃN (Oeil de Dieu) biểu trưng ĐẤNG THƯỢNG ĐẾ tối cao, nguồn cứu rỗi vô biên đã gián tiếp hiện thân qua các phàm thể: Thích Ca, Jésus Christ, Khổng Tử, Lão Tử v.v.
Sự hình thành của CAO ĐÀI GIÁO qua hiện tượng THÔNG LINH chứng tỏ đấng Thượng Đế không muốn giáng thế bằng cách nhập vào một phàm thể như đã được thể hiện trong các tôn giáo khác. Điều đó có lẽ Đấng Thượng Đế muốn loài người ý thức đúng đắn hơn cái mà người ta gọi là THƯỢNG ĐẾ. Nói rõ ra, tôn giáo Cao Đài chính là cái linh hồn bất biến của tôn giáo. Do đó có thể nói, ít ra là trên bình diện lý thuyết, CAO ĐÀI GIÁO chính là một tôn giáo của tất cả các tôn giáo, và cũng bởi lẽ đó mà CAO ĐÀI GIÁO chỉ là một tên gọi tắt thông thường.
Trong khi đó, ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ mới chính là cái tên gọi đích thực và đúng nghĩa của cái mà người ta gọi là CAO ĐÀI GIÁO vậy.
Một điều quan trọng là khi nói đến tôn giáo, người ta thường quan niệm rằng phải có một đấng Giáo Chủ, điều kiện duy nhứt cho sự hình thành của một tín ngưỡng.
Như đã nói ở trên, ĐẤNG GIÁO CHỦ của CAO ĐÀI GIÁO không phải bằng xương bằng thịt, nhưng là vô hình, và Đấng Giáo Chủ đó không ai khác hơn là chính ĐẤNG THƯỢNG ĐẾ tối cao toàn năng.
Bởi thế chúng tôi thiết nghĩ cũng nên làm sáng tỏ thêm vấn đề tế nhị ở đây là, với một trường hợp như thế, Cao Đài Giáo liệu có thể được công nhận như là một Đạo Giáo không?
Có người quan niệm rằng CAO ĐÀI GIÁO chỉ là một tổng hợp của các tôn giáo khác. Những hình thức lễ nghi, tế tự, cũng như nội dung giáo lý, tín điều trong Cao Đài Giáo đều chỉ là những chắp nối của các tôn giáo khác mà thôi.
Nhận xét như vậy tức là bỏ quên một điều tối hệ được coi như là một căn nguồn cho một đức tin mới trong Cao Đài Giáo. Đó là nội dung của Thánh Huấn. Ở đây chúng tôi không thể đi sâu hơn một vấn đề chuyên môn mà thực ra nó chẳng giản dị chút nào đối với ngay cả những nhà tôn giáo.
Tuy nhiên, theo sự nhận định thô thiển của chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng, như đã nói ở trên, CAO ĐÀI GIÁO là một tôn giáo đặt căn bản trên Thông Linh Học điều mà người ta có thể coi hiển nhiên, Thông Linh Học chỉ là môn học-thuật hơn là một khoa-học. nghĩa là trong lĩnh vực nghiên cứu đó, sự khảo sát và thêm vào đó là những kết quả của loại suy (Analogie) thường được minh định một cách dễ dàng hơn là những công trình kiểm chứng trong việc xác định giá trị của nó.
Thật vậy, người ta khó lòng mà cắt nghĩa những nguyên động lực nào đã tác động lên những đồng-tử và tác động theo cách nào để có thể tạo ra một bảng Thánh Huấn. Lại nữa, người ta có thể hoài nghi về những thần lực vô hình, vì cũng như trong thế giới hữu hình của chúng ta, trong thế giới vô hình vẫn có những thần lực chánh-đạo và những thần lực tà-đạo.
Tuy nhiên với những kết quả thâu lượm được trong sự giáng cơ đề bút, người ta vẫn có thể phần nào giải quyết được vấn nạn đó sau khi đã khảo sát và nghiên cứu được nội dung của Thánh Huấn để tìm được một sự xứng hợp thích đáng và hữu lý giữa nội dung của Thánh Huấn và óc suy nghĩ của con người.
Chẳng cần phải nói dông dài, tất cả những công trình Cao Đài Giáo, từ những chứng kiến cụ thể, như cơ cấu kiến trúc kỳ diệu của Tòa Thánh Tây Ninh cùng với hệ thống các cơ sở của nó, cho đến những bộ giáo lý, giáo lễ, giáo luật, cùng hệ thống tổ chức chặt chẽ thành phần các chức sắc trong nền Đạo, thảy đều tuân rập theo những phán truyền trong các Thánh Huấn mà lập thành.
Điều đó chứng minh sự thật kỳ diệu của các Đấng Chơn Linh trong việc thành lập một tôn giáo mới cho nhơn loại, và nó cũng chứng minh hùng hồn một tôn giáo thành lập theo một tính cách như thế, quả thật hợp lý và siêu việt.
Với những công trình cụ thể trên, với một quá trình 40 năm hoạt động theo tôn chỉ hòa đồng nhơn loại trong tinh thần huynh đệ bình đẳng, nâng cao, phát triển tinh thần đạo lý rộng lớn trong xã hội cộng đồng, và đặc biệt cách mạng hóa tinh thần quan niệm về một tôn giáo trong việc thờ phượng và tế tự. Cao Đài Giáo khai mở một đường lối dung hợp rộng lớn các tôn giáo trên căn bản duy tồn những giá trị tinh túy và gạt bỏ những sai lệch méo mó gần như không thể tránh được mà thời gian lịch sử loài người đã mang đến cho các tôn giáo đó.
Trong đường lối đó, Cao Đài Giáo chỉ trong một thời gian chưa đầy 40 năm đã thu hút hàng triệu (hơn hai triệu rưỡi tín đồ trong nước) tín đồ trong nước và ngoài nước.
CAO ĐÀI GIÁO là một tôn giáo mới và đang tiến triển trong cái mới, và cái mới đó chẳng gì hơn là cái mới xuất phát từ những tôn giáo rất củ của trong các tôn giáo chính thống. Bởi thế Cao Đài Giáo, dưới sự hướng dẫn trực tiếp vô hình của Đấng Thượng Đế toàn năng, cùng các Đấng chơn sư, mặc nhiên và minh nhiên liên hệ mật thiết với các tôn giáo chính thống kia. Do đấy, một cách cụ thể nhứt, Cao Đài Giáo chính là một dạng thức chung của các tôn giáo chính thống, và cũng do đấy mà sự hợp lý và hợp pháp nếu có trong công cuộc hoạt động trong quốc gia xã hội của các tôn giáo kể trên cũng là sự hợp lý và hợp pháp của chính Cao Đài Giáo vậy
Chương VI ghi rõ, hễ nơi nào có trên năm trăm (500) tín đồ thì được lập một Họ Đạo hay Tộc Đạo, đặc biệt trong Thánh Thất có một chức sắc làm đầu cai trị. Các Họ Đạo hay Tộc Đạo này hiệp lại thành một Châu Đạo, đứng đầu bởi một chức sắc cao cấp hơn.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ngoài việc tổ chức hệ thống các cơ sở thờ phượng và tu hành để cho chức sắc trong đạo có nơi ăn chốn ở thăng tiến công cuộc tu chứng. Đại Đạo còn chú trọng sâu xa đến các công cuộc từ thiện trong cộng đồng xã hội bằng cách thiết lập nhiều cơ sở quan trọng như Cô Nhi Viện, Dưỡng lão, các trường sở miễn phí để cụ thể hóa tinh thần hy sinh cao cả, lòng từ bi bác ái của Chức Sắc.
Xét bản Hiến Chương này, chúng tôi thấy Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tuy là một tôn giáo mới mà lại có một hệ thống tổ chức thật hoàn bị và chặt chẽ. Song song với công việc nghiên cứu Thánh Huấn cũng cần tầm khảo các kho tàng đạo lý cổ xưa để thiết lập một nền Đại Đạo vũng chắc thích ứng với trình độ tiến hóa của xã hội ngày nay.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ còn đặt nặng vấn đề hoạt động từ thiện trong cộng đồng xã hội, mục tiêu cụ thể và thiết thực của một đạo giáo là để giảm bớt nỗi thống khổ của con người trong thời đại gạo châu củi quế này.
Với những nhân định sơ lược như trên, chúng tôi thiển nghĩ bản Hiến Chương của Đại Đạo quả thực đã biểu lộ được một tinh thần hoạt động thuần túy tôn giáo, một đường lối chủ trương và tổ chức hoàn toàn có tính cách khuynh tôn, nâng cao tinh thần phục vụ cho tín ngưỡng cao diệu và giải độ cứu rỗi chúng sanh.
Như vậy, bản Hiến Chương chứng tỏ Đại Đạo có một đường lối hoạt động của một tôn giáo thuần túy chớ không phải của một hiệp hội có tính cách thương mãi hay chánh trị.
III-/ NHẬN ĐỊNH HIẾN CHƯƠNG
Bản Hiến Chương của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gồm 12 chương, xuyên qua tất cả 12 chương này, chúng tôi nhận thấy quả thật là một Hiến Chương thuần túy tôn giáo, không hàm chứa một tính chất chánh trị hay thương mãi.
Về phương diện lễ nghi thờ phượng, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một tôn giáo đặc biệt thờ THIÊN NHÃN, biểu tượng Đức Thượng Đế tối cao duy nhứt đúng theo tôn chỉ: Qui Nguyên Tam Giáo, Phục Nhứt Ngũ Chi thờ phượng các Đấng Giáo chủ Tam Giáo và Ngũ Chi cùng các đấng Thần linh đã siêu hóa.
Về phương diện tổ chức cơ cấu tôn giáo, chúng tôi thấy ĐĐTKPĐ quả thật là một tôn giáo có một tổ chức hệ thống đặc biệt. Điều này được ghi rõ trong chương 3.
Cơ cấu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đại khái chia làm ba cơ cấu: Hiệp Thiên Đài (HTĐ), Cửu Trùng Đài (CTĐ) và Bát Quái Đài (BQĐ).
Một đặc điểm cốt yếu làm cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ khác hẳn các tôn giáo khác là sự liên thông thường xuyên giữa Thiên Đạo và Thế Đạo qua hiện tượng giáng cơ đề bút, và đây chính là phần hoạt động của Hiệp Thiên Đài, lập pháp của Đại Đạo.
Kế tiếp HTĐ là CTĐ tức cơ quan hành pháp. Những vị chức sắc phục vụ trong cơ quan này có nhiệm vụ nghiên cứu luật pháp Đạo, phổ truyền giáo lý và thực hiện những mục tiêu cứu rỗi nhơn sanh trong các hoạt động từ thiện.
Sau hết là cơ quan BQĐ, cơ quan này yếu nhiệm trong việc thờ cúng Đấng Thượng Đế tá danh CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT và các Đấng Giáo Chủ Tam Giáo và các Đấng thiêng liêng trong Ngũ Chi Đại Đạo.
Hệ thống chức sắc trong cả ba cơ quan trên được tổ chức chu đáo, liên hệ chặt chẽ với nhau. Tất cả những chức sắc này được gọi là Thiên Phong, nghĩa là do đức Thượng Đế giáng cơ phong chức. Riêng trong CTĐ, chức sắc được chia làm hai phái : Nam, Nữ.
Nữ phái có nhiệm vụ giúp đỡ các sinh hoạt của Đạo săn sóc các đạo hữu phái nữ như anh chị lớn trong gia tộc.
Cũng như các tôn giáo khác, Hội Thánh Cao Đài trung ương đặt tại Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ còn thiết lập nhiều Thánh Thất ở khắp các địa phương để tín đồ đến lễ bái.
Qua những nhận xét trên, chúng tôi nhận thấy đây là một tôn giáo mới, mới trong một trường hợp hiện hữu kỳ diệu, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đấng Thượng Đế, mới trong tinh thần hòa đồng rộng lớn và mới phát xuất từ những gì rất cũ của các tôn giáo khác.
Tất cả những điều đó diễn tả một sự hãnh diện của chính dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã và đang bị một thứ: “Chiến tranh chủ nghĩa” dầy xéo.
Cao Đài Giáo là một tôn giáo xuất hiện trên dải đất của chúng ta, nhưng là một tôn giáo của toàn thể nhơn loại. Với một tinh thần hòa đồng rộng lớn, chúng tôi thiết nghĩ chỉ có Cao Đài Giáo trong sứ mệnh thiêng liêng của nó, và cũng là trong sự cần thiết duy nhứt của Việt Nam và của toàn nhơn loại ngày nay, mới có thể, ít ra là trên mặt trận văn hóa, giải quyết được những tranh chấp bi đát hiện tại cho đất nước.
Bởi lẽ đó, đứng trên hai quan điểm tôn giáo và chánh trị, chúng tôi nhận thấy việc xác nhận và công nhận Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có đủ tư cách pháp nhân là một điều hợp lý và chính đáng vậy.
Cảm ơn bạn đọc Mai Thanh Minh (SG) gởi tặng. BBT
Source: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2024/09/5421-bai-thuyet-trinh-cua-giao-su.html