Cuối Hạ Ngươn này nhơn loại phần nhiều dụng tinh thần vào lối văn minh vật chất. Lượn sóng văn minh tràn ngập tới đâu thì nên luân lý ngửa nghiên tới đó. Nếu Đạo trời không sớm mờ lần ba, nền phong hóa, mối can thường sau nầy phải vì đó mà hư hoại.
Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ vì đức háo sanh, không nở ngồi xem nhơn sanh sa vào nơi tội lỗi nên dụng huyền diệu tiên thiên giáng cơ giáo Đạo.
Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.
(TNHT Q1, trang 5).
Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy.
Vào vòng huynh đệ khá thương nhau,
Một đức trổi hơn một phẩm cao.
Quyết chí Thiên-Ðường mau bước tới,
Phải nhiều máu thịt mới đồng bào.
(TNHT Q1, trang 8).
Thầy cấm không cho dị nghị việc người; nhứt là đạo-hữu của các con thì đừng phạm đến kẻo tội nghiệp; chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó.
Chẳng quản đồng tông mới một nhà
Cùng nhau một Ðạo tức một cha,
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.
Thầy nói một lần từ đây nhớ lấy: Dầu cho đá, sắt, cây cỏ mà nghe đến Thánh-Ngôn nơi Thầy mà con nói ra, cũng hoan nghinh, huống lựa là người,con nhớ và an lòng.
Ðã thấy ven mây lố mặt dương
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường
Ðạo cao phó có tay cao độ
Gần gũi sau ra vạn dặm trường.
(TNHT Q1, trang 9).
Ðạo cốt để cho kẻ hữu duyên. Những kẻ nào đã làm môn đệ của "Tà-thần Tinh-quái" thì không thế gì làm môn đệ Thầy đặng.
Lẽ chánh tự nhiên có lẽ tà
Chánh Tà hai lẽ đoán sao ra;
Sao ra Tiên Phật người trần tục,
Trần tục muốn thành phải đến Ta
(TNHT Q1, trang 9).
Phải lo sợ tội tình cho lắm; phải có sợ mới có giữ mình; phải biết sợ phải biết giữ mình, phải hiểu rõ rằng: "Thiên-Ðịa vô tư" đừng ỷ là "Ðại-Từ-Phụ" mà lờn oai nghe các con. Thầy nói cho các con hiểu rằng: Muốn xứng đáng làm Môn-đệ Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm môn-đệ Thầy thì Bạch-Ngọc-Kinh mới chịu rước, còn ngã thì cửa Ðịa-Ngục lại mời.
Bởi vậy cho nên Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ; cũng chẳng vì thương mà không sai qủy dỗ dành. Dầu xa, dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ-lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con; song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con. (TNHT Q1, trang 13).
Các con ráng ẩn nhẫn để Ông Trời hát từ màn cho các con coi, các con trông cho cái đời mau tới, tới chừng đến, các con khóc mẹ khóc cha luôn (Lời dạy của ĐHP năm 1948).
Sau này sẽ có Đức Giáo Tông du côn, bên ngoài sơn phết lòe loẹt tốt lắm, còn bên trong thì mục nát đó bây (trích lục lời dạy của Đức Hộ Pháp).
Trước khi Thầy lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, Thầy kêu "Cả chư Môn Đệ khá tuân mạng" thì Thầy đã chỉ rõ rằng: Thầy lập Hiệp Thiên Đài rất trọng hệ là dường nào. Sự trọng hệ ấy là chi? Sau đây nên giải rõ:
Cơ Tạo Hóa chỉ có hai bí mật tối trọng, một là quan sát sự hữu hình, hai là xét đoán sự vô vi; quan sát sự hữu hình thì dễ, mà xét đoán sự vô vi vẫn rất khó; hữu hình với vô vi chỉ phân nhau với màn bí mật. Nhưng nhơn sanh đã có sẵn nơi tay một cái chìa khóa, là xem cơ tương đắc của hữu hình và vô vi trong sự sanh họat của vạn vật. Vô vi và hữu hình phải hiệp làm một, mới thuận theo cơ tạo.
Ấy vậy Cửu Trùng Đài là xác, Hiệp Thiên Đài là hồn. Đã nói rằng Cửu Trùng Đài là Đời, tức nhiên là xác của Đạo, còn Hiệp Thiên Đài là Đạo, tức nhiên là chơn thần của Đạo. Cửu Trùng Đài là Đời, mà Hiệp Thiên Đài là Đạo, cho nên buộc Đời phải nương Đạo mà lập ra thiệt tướng, mới mong độ rỗi nhơn sanh chuyển cơ tạo hóa. Cái hệ trọng là nếu không có Hiệp Thiên Đài thì không có Đạo, Trời Đất qua chớ Đạo không qua, nhơn loại tuyệt chớ Hiệp Thiên Đài không tuyệt.
Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn. Thầy là Chúa cả Càn Khôn Thế Giái, tức là Chúa tể sự vô vi, nghĩa là chủ quyền của Đạo, mà hễ chủ quyền của Đạo, ngự nơi nào thì là Đạo ở nơi ấy. Thầy đã nói Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, ấy là nơi Thầy cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, vậy Đạo còn thì Tòa ngự của Thầy là Hiệp Thiên Đài vẫn còn, hễ nói Đạo chẳng hề khi nào bị diệt, vì Đạo diệt thì là tận thế, vậy thì Đạo chưa tuyệt, ắt Hiệp Thiên Đài cũng không tuyệt. (Pháp Chánh Truyền).
Trong bài diễn văn của Hộ Pháp đọc tại Tòa Thánh ngày 14 tháng hai năm Mậu Thìn, có giải rõ rằng:
Thầy đến qui các lương sanh của Thầy đã sai đến trước lại làm một đặng lập Hội Thánh mà làm hình thể của Thầy, hầu tránh khỏi hạ trần trong lúc Tam Kỳ Phổ Độ nầy. Hội Thánh ấy, có hai phần tại thế: Phần hữu hình là Cửu Trùng Đài, tức là Đời nghĩa là xác; một phần bán hữu hình là Hiệp Thiên Đài nghĩa là: Nửa Đời nửa Đạo, ấy là chơn thần; còn phần vô vi là Bát Quái Đài tức là hồn, ấy là Đạo. (Pháp Chánh Truyền).
Đã nói rằng: Thầy là Chúa tể của sự vô vi, ắt Bát Quái Đài thì Thầy là chủ, mà chủ Bát Quái Đài là chủ của hồn Đạo, hồn hiệp với xác bởi chơn thần, ấy vậy chơn thần là trung gian của hồn và xác; xác nhờ hồn mà nên, thì Cửu Trùng Đài cũng phải nhờ Hiệp Thiên Đài mới mong thành Đạo.
Thiên cơ đã lập có Điạ Ngục với Thiên Đàng, ấy cảnh thăng cảnh đọa. Địa Ngục dành để cho kẻ bạo tàn, Thiên Đàng cho người đạo đức, thì cân công bình Thiêng Liêng đã sẵn. Ấy vậy chẳng buộc ai vào Địa Ngục, mà cũng chẳng nâng đỡ ai đến Thiên Đàng. Đôi đường hiển hiện, tự quyền người lựa chọn, siêu đọa tại nơi mình, các Đấng Thiêng Liêng duy có thương mà chỉ dẫn.
Thầy đến, nếu dùng cả quyền Thiêng Liêng làm cho chúng sanh thấy đặng đủ đức tin, theo đường siêu mà bỏ nẻo đọa, thì cả nhơn loại ắt xu hướng vào đường đạo đức, thì là Thầy nâng đỡ các chơn hồn vào Thiên Đàng, không cho vào Địa Ngục, thì sự công bình Thiêng Liêng bởi nơi nào bền vững. Thưởng phạt ra bất minh, ắt phải truất bỏ cơ luân hồi chuyển kiếp.
Cửu Trùng Đài cầm quyền độ rỗi, còn Bát Quái Đài cầm quyền siêu rỗi. Cả chơn thần toàn trong thế giái đặng tương hiệp nhau chỉ phải nhờ nơi cửa Hiệp Thiên Đài, ấy là phần Thiêng Liêng; còn phần phàm trần thì cầm quyền luật lệ, cũng như Đạo có phép Thiên Điều, mà gìn giữ công bình Thiêng Liêng cơ tạo, chế sửa Nguơn Tranh Đấu ra Nguơn Bảo Tồn làm cho nhơn loại đặng hòa bình, lánh xa cơ tự diệt.
Nếu một thời-kỳ mà một giáo-lý đã thất chơn truyền thì đem đến cho nhơn-sanh biết bao tang thương biến đổi! Cũng vì lẽ ấy mà nay Đức Chí-Tôn giáng trần lập Đạo, lại chia hình thể của Ngài ra hai phần để có phương kềm-thúc nhau trên bước đường lập vị.
Phần Cửu-Trùng-Đài chuyên về mặt giáo hóa nhơn-sanh (CƠ QUAN HÀNH PHÁP).
Còn phần của Hiệp-Thiên-Đài thì lo về mặt luật pháp để bảo-thủ chơn-truyền của Đạo. Nhờ đó nền Thánh giáo của Đức Chí-Tôn khỏi phải qui thành phàm-giáo (CƠ QUAN TƯ PHÁP).
Chí-Tôn giao quyền sửa trị Chức-Sắc, chức việc và toàn Đạo nam, nữ cho bên Hiệp-Thiên-Đài là Thánh-ý Đức Chí-Tôn muốn dùng hình phàm đặng làm cho giảm bớt tội vô hình. Nếu ai chẳng thận trọng để cho phạm vào luật-pháp mà chẳng chịu pháp sửa trị của Hiệp-Thiên-Đài thì rất uổng cho một kiếp tu mà không trọn phận và đến khi rời bỏ xác phàm rồi làm sao có cơ hội lập công nữa! Mà một khi không lập công-quả được nữa thì tội án đã phạm làm sao chuộc được; rồi mãi bị trầm-luân khổ hải cả đời đời (Lời dạy của Đức Thượng Phẩm về HTĐ)
Cho nên khi mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phồ-Độ, Đức Chí-Tôn đã lập ngay Pháp-Chánh-truyền và Tân-luật tức là Thiên-điều tại thế để điều-hành guồng máy hành chánh đạo hầu bảo thủ chơn truyền và công-bình Thiên-đạo vì nếu thiếu pháp luật thì còn gì là Đạo nữa.
Ấy vậy, Đức Chí-Tôn lập Tân Pháp là lập chủ quyền cho Đạo. Nếu chúng ta biết Đạo và ý thức rằng pháp-luật là do Thiên-ý và công-lý mà lập ra thì tự nhiên phải tuyệt-đối tôn-trọng chủ quyền đó là tuân-hành qui điều pháp-luật Đại Đạo.
Phạm luật Đạo tức là phạm Thiên-điều, mà phạm Thiên-điều thì tội-tình kia có chi giải nỗi. (Diễn văn ĐHP 14/2/1928 - Mậu Thìn)
***
Chúng ta, nếu sống theo Đức Chí Tôn thì phải giữ vững đức tin, tin vào những giá trị thiêng liêng cao quí. Hãy luôn trung thành với lựa chọn của mình, dù phải hy sinh cho đến chết. Nhơn sanh có quyền đòi hỏi quyền lợi của mình; có quyền đứng lên làm bức tường bảo vệ, gìn giữ cho nền Chánh giáo khỏi thành Phàm giáo. Hồng ân của Đức Chí Tôn và Đức Phật mẫu ban cho nhơn sanh, nhơn sanh phải được hưởng, không ai có quyền dẹp bỏ vì hơn hai chục triệu năm mới được một lần Đại Ân xá. Đức Chí Tôn đã nhắc nhở: Nếu nhân loại làm Đức Chí Tôn thất vọng một lần nữa thì quả địa cầu này không tránh khỏi cảnh hủy diệt.
Cầu xin nhơn sanh hãy tỉnh thức!
Lạy Đức Tôn Sư, xin dẫn chúng con từ cõi Giả đến cõi Chơn, từ chỗ tối tăm đến chỗ Ánh sáng.
Lạy Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, và các Đấng Thiêng Liêng: Xin sớm xoay chuyển Thiên cơ, đóng kín nẻo ác, cứu vớt chúng con đang bơ vơ, rên xiết bởi bọn cuồng tín, bạo quyền.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.
Nam Mô Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn.
Thái Bình
(13/9 Ất Mùi)http://hoithanhphucquyen.org/showthread.php?7278-%C4%90%C3%94I-D%C3%92NG-TR%E1%BA%A6M-T%C6%AF&p=8116#post8116