Tiểu luận

TRAO ĐỔI QUAN ĐIỂM VỚI

BÁO XA LỘ PHÁP LUẬT VỀ CÁC BÀI VIẾT

NỘI DUNG VỀ ĐẠO CAO ĐÀI

 

Dã Trung Tử

 

Chúng tôi là người trong giới tu-hành, đáng lẽ nên bỏ qua những câu chuyện thị phi ân oán, để đoàn kết tương thân. Nhưng khi đọc qua các bài báo của tác giả Song Lê, Đăng Lê nào đó, đăng trong nhiều số báo Xa lộ Pháp luật, nếu đây là một tác phẩm nhảm nhí, đăng trong một tờ báo lá cải, thì câu chuyện chẳng có gì đáng để nói. Nhưng đây là những bài viết đăng trong một tờ báo có danh tiếng, được nhiều bạn đọc, lại đề cập đến tôn giáo Cao Đài, với nội dung hoàn toàn hư cấu, nêu lên những tình tiết lịch sử không có thật và sai sự thật, với ý đồ xuyên tạc, xúc phạm tôn giáo Cao Đài, và vị Lãnh đạo tôn kính của tôn giáo đó, một tôn giáo đã khai sáng trên hơn hai phần ba thế kỷ đã có hơn năm triệu tín đồ trên khắp thế giới và ngay trong nước cũng đã có tư cách pháp nhân, được phép tự do hành đạo dưới sự bảo trợ của một Nhà nước pháp quyền. Chính cơ sở tôn giáo trung ương Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh của chúng tôi cũng đã được Ngài nguyên thủ quốc gia Chủ tịch nước và quý Ngài lãnh đạo cao cấp Đảng và Nhà nước trung ương Cọng hòa Xã hội Việt Nam đã quan lâm thăm viếng. Ngoài ra chính quý Ngài cũng đã hoan nghinh sự đóng góp công lao của tín hữu Cao Đài của chúng tôi trong quá trình xây dựng đất nước.

Sự-kiện khá rõ-ràng như vậy, chúng tôi không hề thêm bớt, mà không biết vì lý-do gì mà Cơ-quan văn-hoá của Nhà-nước, không kiểm duyệt mà cho đăng những bài có nội-dung bôi nhọ một Tôn-giáo, và vị Lãnh đạo tôn-kính của tôn giáo đó, gây hoang mang phẩn nộ trong hàng-ngũ của hàng mấy triệu tín-đồ trên khắp thế-giới. Nên buộc lòng chúng tôi phải lên tiếng, là chỉ muốn trao đổi quan điểm với ban Biên tập báo, và để trấn an đạo hữu chúng tôi, chứ không phải muốn tranh-luận với tác-giả, vì có lẽ tác giả đã cho rằng đây là sử dụng quyền tự-do ngôn luận của mình một cách hợp pháp.

Chúng tôi long-trọng xác nhận rằng, khi viết nên tiểu-luận nầy không nhằm đả-kích một cá-nhân hay một thế-lực tập thể nào, mà để nói lên một sự thật lịch-sử, để cho con cháu chúng tôi hiểu rõ. Nên nếu trong tiểu-luận nầy có điều gì không thuận tai tác-giả, hay làm mích lòng các viên chức trong cơ-quan văn-hóa đã không kiểm duyệt, mà cho phép đăng bài của tác giả lên báo nhiều số, thì quý vị chỉ nên coi đây là ý-kiến tự biện-hộ cho mình, của những nạn-nhân đã bị tác-giả xuyên-tạc, vu-khống, bêu-diếu …Vì nếu làm thinh không nói lại, thì mọi người cho là tác-giả nói hoàn-toàn đúng sự thật, là một điều tai-hại, mà chúng tôi thấy đây cũng là một trong những quyền tự-do, được luật-pháp của loài người tiến bộ cho phép nữa.

Chúng tôi viết mấy giòng nầy với ba mục-đích chính-yếu sau:

- Mục-đích đầu tiên của chúng tôi là cung-cấp cho thế-hệ đương thời, cũng như thế-hệ con cháu chúng tôi, hiểu được đâu là sự thật, có thể trả lời các câu tự-vấn trong tâm-tư :

- Sao lại thế ? Và vì sao lại thế ?

          - Sao không thế nầy ? Mà lại là thế kia ?

          Để họ tự giải-đáp những điều thắc mắc đó một cách thỏa-đáng, hầu khỏi mắc lầm những luận-điệu xuyên-tạc sự thật của một số người có dã-tâm như tác giả. Cùng khơi dậy trong thế-hệ trẻ có được một niềm tin-yêu vững chắc và một tấm lòng biết ơn sâu xa, đối với các bậc tiền-bối trong cửa Đạo lẫn ngoài Đời, đã dày công gầy dựng cho họ một xã-họi yên lành, một đời sống tâm-linh an-lạc, và một nguồn hạnh-phúc đích-thật vô-biên.

- Mục-đích thứ nhì để cảnh-giác cho tín-hữu Cao-Đài-giáo nói riêng, và tín-đồ các tôn-giáo tại Việt-nam nói chung, đừng bao-giờ mắc-mưu sa vào lưới rập của những kẻ chống đối, họ ngầm xúi dục đàn em, thỉnh-thoảng tạo ra sự “chướng tai gai mắt” gây phẩn-nộ cho tín-đồ, nếu không sáng-suốt nhận-định, mà nổi lên chống-đối, manh động... không những gây ra nhiều rắc rối cho tôn giáo mình, mà còn vi phạm pháp luật của Nhà Nước. Hơn nữa chúng tôi cũng cần giúp cho tín hữu, nhất là thế-hệ trẻ hiểu rõ đâu là sự thật, và để trấn-an hàng triệu tín-hửu của chúng tôi, đang phẩn-nộ vì một sự xúc-phạm nặng-nề, không có nguyên-nhân, vì xưa nay người tín-hữu Cao-Đài chưa hề quen biết hay đã làm điều gì thất lễ với tác giả. Lại còn khuyên-nhũ tín hữu, nên bình-tỉnh trước sự khiêu-khích, của những kẻ có dã-tâm tạo ra những xáo-trộn trong đời sống tín-ngưỡng đang yên-lành của mình, với một tinh-thần hoà-bình chung sống, bất bạo-động, điều mà Đức Tôn sư Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã dành cả cuộc đời để truyền-thụ cho tín-đồ, hầu giữ cho đời sống tu-hành, thân tâm được thanh tịnh hòa-hài, để tạo một sự an lành cho bản-thân, một hạnh-phúc cho gia-đình, mọt sự thái-bình cho xã hội, và phụng-sự cho một lý-tưởng thế-giới đại-đồng.

Chúng tôi lo lắng như vậy, bởi vì đại đa số tín hữu Cao-Đài thường là những người hoà-hài, dễ tha-thứ, gặp chuyện bất-bình thì nói phải trái với nhau rồi bỏ qua, không mấy ai quá-khích, không ưa thích gây thù, chác oán theo kiểu xã hội đen. Tuy vậy Cao-Đài cũng không thiếu những người quá khích.

Năm xưa có người đã làm một Kinh-Kha thời hiện đại, dám bắn một loạt súng tiểu-liên vào Tổng-thống Ngô-Đình-Diệm trong lúc Ông ta đương quyền và trên đường kinh-lý ở Ban Mê Thuộc, được bao-bọc bởi nhiều lớp hàng rào cận-vệ dày đặc, nhưng rủi cho thích khách và may cho Ông Diệm là súng liên-thanh bị kẹt đạn, chứ nếu không, thì Ông Diệm dù có được che chở bởi bao nhiêu lớp cận vệ cũng vẫn bị xâu táo, về chầu Diêm-vương rồi. Theo sự điều-tra của mật-vụ Ông Diệm, thì kẻ thích-khách đó là người Cao-Đài. Tuy Ông Diệm đã đàn-áp Cao-Đài, Hòa-Hảo, Phật-giáo, thực-hiện một chế-độ độc tài vừa gia-đình-trị, ngay trong tôn-giáo của Ông Diệm cũng có người chống đối Ông, nhiều tổ-chức muốn ám-sát Ông, kể cả chính-quyền Miền Bắc lúc bấy giờ, tuy Cao-Đài không phải thỏa-hiệp với Ông Diệm, nhưng Hội-Thánh Cao-đài không bao-giờ chấp-nhận hành-vi manh-động đó, mà chỉ đấu-tranh với Ông Diệm một cách trực-diện công-khai bằng đường-lối bất bạo-động, mặc dù cả đến khi Ông Diệm bị sụp-đổ trong lúc Ông đang đàn-áp Phật-giáo, và Ông bị giết bởi quân-đội dưới quyền của Ông, cho đến khi đó Cao-Đài cũng vẫn không thừa-nhận và không ghi-công những kẻ manh-động làm những việc hạ-sách như thế, vì đó chỉ là cái dũng của kẻ thất-phu không đáng ca ngợi.

Nên một lần nữa, chúng tôi thành-thật kêu gọi những người có tâm-huyết nên cẩn-thận, và sáng suốt trong hành-động, nhất là đối với tín hỡu Cao-Đài phải biết phân-biệt đâu là thật giả, với một tâm địa yêu thương và đầy tha thứ để đời sống được yên vui thanh thản. Vì đạo khai là tà khởi, nơi nào cũng có sa-tăng, bọn quỷ-vương của thời-đại, nó tạo ra mỗi nơi một giả cuộc để lừa dối cấu xé anh em. Vì Đức Chí-Tôn cũng đã cảnh-giác rằng:

“Chung-quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lủ hổ-lang ở lộn với các con.Thầy hằng xúi dục chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết-giáp; chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức của các con. (Thánh giáo ngày 13 / 03 / 1926. Trích TNHT Q1 / trang 12/ giòng 7-9 Ấn bản năm Nhâm tý / 1972).

Đối với những sự bêu rếu biếm nhẻ của kẻ ngoại đạo, Đức Chí Tôn cũng đã khuyên rằng:

Đinh ninh Thầy dặn trẻ đôi lời,

Mình biết đạo mình giữ đấy thôi.

Mặc kẻ thường tình ngu biếm nhẻ,

Phải coi nên chỗ để nên lời.

                                   Thi văn dạy đạo / TNHT/ Q.

- Mục-đích thứ ba là về phương-diện truyền-giáo, chúng tôi cũng có bổn-phận cung-cấp cho những bậc trí-thức, những Giáo-sư Tiến-sĩ thuộc các viện đại-học trên toàn thế-giới, đã có nhiệt-tâm muốn nghiên-cứu tìm hiểu một cách đứng-đắn về học-thuyết và giáo lý Cao Đài, để họ có đủ tài-liẹu nghiên-cứu một cách khách-quan hơn, vì hiện nay có nhièu giới trí-thức đã và đang quan-tâm đến vấn-đề nầy, đã có nhiều nghiên cứu sinh trong nước và trên thế giới đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tái Cao Đài. Còn có nhiều viện Đại học đã giảng dạy môn Cao Đài, có nhiều sinh viên theo học

          Các Luận án Tiến sĩ lấy đề tài về Đạo Cao Đài thu thập được:

          - Tiến Sĩ Victor Oliver với Luận án “ Caodai Spiritism A study of Religion in Vietnamese society”, tại Đại học Syracuse (HK)

- Tiến Sĩ Susan Werner, với Luận án“ The Caodai: The Politics of a Vietnamese syncretic Religious movement”, đệ trình tại Đại học Yale University, Southeast Asia studies (HK), năm 1976

          - Tiến Sĩ Đệ tam cấp Pierre Bernardini, với Luận án: “Le Caodaisme au Cambodge; 1926 1974”, đệ trình tại Đại học Paris (University de Paris), năm 1974.

- Tiến sĩ Sergei Blagov, (Nga), với Luận án: “The Caodai: A new Religious movement”, đệ trình tại Đại học Moscow, năm 1991. Đặc biệt Giáo sư Tiến sĩ Sergei Blagov đã tham dự các hội nghị tôn giáo thế giới, và thuyết trình nhiều đề tài về Cao Đài. Cũng như đã giảng dạy và hướng dẫn cho các Nghiên cứu sinh về môn Cao Đài tại Đại học viện Nghiên cứu Đông phương Moscox (Nga).

 - Tiến Sĩ Trần Thu Dung, với luận án “ Le Caodaisme et Victor Hugo”, đệ nạp năm 1996 tại Université de Paris VII, France.

 - Tiến sĩ Jeremy Jammes, với Luận án: “Le Caodaisme: rituels médiumniques, oracles et exgésèses: approche ethnilogique d’un mouvement religieux vietnamien et de ses réseaux”, đệ trình tại viện Đại học Paris năm 2006.

          - Tiến sĩ Christopher Hartney, với Luận án về Đạo Cao đài tại Úc châu : “ A Strange Peace: Dao Cao Dai and Its Manifestation in Sydney 2006.

 - Thạc sĩ Mohammad Jahangir Alam, với Tiểu Luận: “The concept of unity in Bahaism and Caodaism: a comparative study”, do GSTS. Kazi Islam bảo trợ và HH Trần Quang Cảnh hướng dẫn, đệ trình tại Đai học Dhaka Bangladesh, năm 2008.

 -Thạc sĩ Mohammad Shaikh Farid, với Tiểu luận: “Caodaism: A syncretistic religion in Việt Nam”, do GSTS Kazi Islam bảo trợ và HH Trần Quang Cảnh hướng dẫn, đệ trình tại Đại học Dhaka, Bangladesh, năm 2009. [Theo WWW. Caodai.net].

          Trong nước thì có:

          - Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thu, giảng viên Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh, vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Đời sống tôn giáo của tín đồ Đạo Cao Đài trong bối cảnh văn hóa Nam bộ” 2010.

          - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân Ban Tôn giáo chính phủ tại Hà nội đã bảo vệ thành công Luận án về Cao Đài.

Đặc biệt Giáo-sư Tiến-sĩ Sergei Blagov (Viện Đại-học Nghiên cứu Đông-phương Moscow / Nga) một nhà văn, vừa là nhà sử-học mà cũng vừa là một nhà báo, thông thạo nhiều ngoại ngữ kể cả Việt ngữ, Ông đã dày công nghiên-cứu sâu-sắc về Cao-Đài Giáo một cách đứng đắn khách quan. Tuy Ông không phải là tín-đồ Cao-Đài và Ông đã được đào-tạo trong một Viện Đại-học danh-tiếng, của một đất nước mà ngay trong thời đại của Ông đã từng là thành-trì của chủ-nghĩa Cọng-sản.

Giáo-sư Tiến-sĩ Sergei Blagov còn là một trong những người đã được các Tổ-chức Tôn-giáo Quốc-tế mời đi tham-dự tại nhiều hội nghị Tôn-giáo thế-giới và đã từng thuyết-trình nhiều đề tài khác Hiện nay Giáo-sư Tiến-sĩ Sergei Blagov còn đang tiếp-tục hướng-dẫn một số sinh-viên đang nghiên-cứu để bảo-vệ luận-án tốt nghiệp của họ về Cao-Đài tại viện Đại-học Moscow.

          Các Viện Đại học trên Thế giới đã giảng dạy môn Cao Đài

          - Viện Đại Học Dhaka, Bangladesh, do Giáo Sư Tiến Sĩ Kazi Islam, Khoa Trưởng Phân Khoa Tôn Giáo Thế Giới đặc trách.

          - Viện Đại Học Nghiên cứu Đông phương Moscow Nga, do Giáo dư Tiến sĩ Sergei Blagov đặc trách.

          - Viện Đại Học Southern California Hoa Kỳ, do Giáo sư Tiến sĩ Janet Hoskins đặc trách.

          - Viện Đại Học Sydney Úc, do Giáo sư Tiến sĩ Christopher đặc trách.

          - Viện Đại Học Lyon, Pháp, do Giáo sư Tiến sĩ Jéremy đặc trách.

          - Viện Đai Học Leipzig Đức, do Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Khắc Tiến Tùng đặc trách.

          - Viện Đại Học South Australia Úc, do Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Mỹ Vân đặc trách.

 - Viện Đại Học Laval, Québec Canada, do Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Huy đặc trách.

 - Viện Đại Học Missouri Hoa Kỳ, do Giáo Sư Tiến Sĩ Joe Hobbs đặc trách.

          - Viện Đại Học Vienna Austria (Áo), do Giáo Sư Tiến Sĩ Lucas Pokomy đặc trách.

          - Viện Đại Học Tokyo, Nhựt Bản, do Giáo Sư Tiến Sĩ Miyazawa Chihiro đặc trách.

 - Viện Đại Học Dhaka Bangladesh, do Giảng sư Thạc sĩ Mohammed Jahangir Alam và Giảng sư Thạc sĩ Mohammed Shaihk Farid đặc trách.

- Viện Đại Học Southern California, Hoa Kỳ, do Giảng sư Thạc Sĩ Ninh Thiên Hương đặc trách.

                (Theo tài liệu của Cơ quan truyền giáo Cao Đài Hải ngoại).

Trong phạm-vi bài này chúng tôi chỉ điểm sơ qua một vài nét
chấm-phá của các học-giả trí thức trên thế-giới đã quan-tâm nghiên-cứu về Cao-đài để chư thiện-nam tín-nữ hiểu rõ.

Đây cũng là lý-do chính-đáng, để hiểu tại sao chúng tôi thấy chẳng cần phải đối-thoại với tác giả, hay thanh minh với bất cứ một ai.

Chúng tôi xin xác-nhận một lần nữa lập-trường bất bạo-động, bất đề-kháng cố-hữu của chúng tôi, và sẵn-sàng chung-sống hòa-bình với mọi thế lực chống đối, để cùng dìu-dắt nhau bước vào một thiên-niên kỷ Thánh-đức, vì chúng tôi tin rằng với một thần-lực thâm-hậu của người tu hành, với chân-lý vĩnh-cửu trường-tồn của một nền chánh giáo, sẽ có sức mạnh cảm-hoá được mọi con người đang sục-sôi lòng căm-hờn, làm mềm đi mọi tâm-hồn chai đá, và cũng là chiếc chìa khoá vạn-năng mở cửa tất-cả những trái tim đang giá-lạnh cô-đơn. Trung thành với lập-trường nầy:

          Chúng-tôi viết nên tiểu-luận này để thông-báo rộng-rải với dư-luận trong và ngoài nước biết rằng:

“ Một tôn-giáo chính-thống và vị Lãnh đạo tôn-kính của tôn giáo đó, đã và đang bị một số người trong giới văn-học của Việt-nam mạ-lỵ, xúc-phạm một cách phủ-phàng và tàn-nhẫn”.

Tác-giả đã khôn-khéo hư-cấu hay dựa trên các tài liệu nói xấu, vu-khống Cao-Đài trước đây, dưới dạng sưu tập đầy ác ý, kể như là tác-giả chẳng nói lời nào, mà chỉ như là người ngoài cuộc thuật lại, thật đây là trò ném đá dấu tay, nhưng trên phương-diện văn-học đâu có dễ-dàng như vậy được, dù có khôn-khéo che-dấu thế nào đi nữa, thì chính tác giả cũng gánh chịu trách-nhiệm những điều mà họ viết ra.

          Như trường-hợp nhà văn Salman-Rushdie người Ấn, mang quốc-tịch Anh, tác-giả “Những vần thơ của quỷ Sa-tăng” (The Satanic Verses) Dù cho là vần thơ của ai đi nữa, mà mang nội-dung phỉ-bán Hồi-giáo, do tác-giả viết nên, thì y cũng vẫn bị Giáo-chủ A. Khomeini, Iran treo giải thưởng năm nghìn đô-la, nếu ai lấy được đầu của S. Rushdie, mặc dù vì danh-dự quốc-gia, mà Hoàng-gia Anh phải vất-vả bảo vệ y, nhưng chính vợ con y cũng bỏ rơi, y phải chịu trốn chui trốn nhủi, liệu không rõ y giữ cái đầu của mình được bao lâu nữa với thế-giới Hồi-giáo.

Sở-dĩ chúng tôi không làm như vậy, không phải vì chúng tôi không có thực-lực, hay là chúng tôi cho hành-động đó là quá-đáng, nhưng vì cách xử-trí đó không hợp với đường-lối từ bi hỷ xả và bất-bạo động của chúng tôi, chứ đối với những hạng người núp bóng tự do ngôn luận, tự cho mình là có quyền chà-đạp lên tín-ngưỡng thiêng-liêng của người khác, xử-trí mức đó cũng không có gì quá-đáng cả. Hơn nữa chúng tôi tin-tưởng rằng những loại tội-ác đó, dù có lọt qua dương-pháp thì cũng phải thọ-hình nơi diêm-vương, nên chẳng cần phải ra tay. Trong lịch sử Thiền môn có nêu câu chuyện một người đã phỉ bán tôn giáo, tuy cuối đời đã hối hận, nhưng phải tái kiếp làm con chó để canh giữ Thiền viện suốt đời.

Nên đối với tất-cả các trường-hợp nhục-mạ, ngược đãi mà chúng tôi đã từng gánh chịu, chúng tôi chỉ noi gương Chúa Jésus, trước khi chết mà Ngài vẫn cầu nguyện cho những người đã đóng đinh Ngài :

“ Lạy Cha, xin Cha tha tội cho họ, bởi vì họ không biết việc họ đã làm “ (Thánh-kinh Tân-ước / Lu-ca trang 288 giòng 34)

Bởi vì chúng tôi không bao giờ khiếp-nhược trước bất cứ quyền-lực hữu-hình nào của thế-gian, vì họ không có khả-năng và quyền-lực gì động chạm đến phần tâm-linh của chúng tôi. Điều nầy Chúa Jésus:

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh-hồn” (Thánh-kinh Tân-ước / Ma-thi-ơ trang 89 giòng 28)

Chúng tôi chỉ dành những trừng-phạt đó cho chính lương-tâm của họ, tự dày-vò lấy họ mà thôi. Còn phỏng như lương-tâm của họ đã bị quạ tha, diều gắp mất đi rồi, thì họ cũng không tránh khỏi quy luật nhân-quả của tự-nhiên, như xưa nay chúng ta đã từng chứng kiến, xin đơn cử mấy trường-hợp tiêu-biểu sau đây :

- Toàn Quyền Pasquier đã quyết tâm tiêu diệt Đạo Cao Đài khi còn phôi thai !!! Nhưng y đã phải bỏ mạng trong một tai nạn máy bay, khi y về mẫu quốc để thực hiện mưu đồ nầy, một điều mầu nhiệm hy hữu là những tài liệu y mang theo để làm bằng chứng cho ý đồ diệt đạo, lại rơi vào ống khói nhà máy của hảng Messageries Metallurgique de France cháy tiêu. Khi chết rồi linh-hồn Ông ta cũng đã nhập về một đàn cầu cơ, than-thở hối-hận với các chức sắc tiền-bối của Cao-Đài đã từng bị Ông bách-hại rằng: “Áo mão, đai cân trói xác phàm” chắc đa số tín-hữu Cao-Đài hẵn còn nhớ, chẳng cần phải nhắc lại nhiều dẫn-chứng dài-dòng.

          - Toàn quyền Đông dương Decoux đã thẳng tay tiêu diệt Cao Đài... Vào ngày 28-06-1941 (25-05 Tân tỵ) ông đã bắt Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, và ngày 27-7-1941 đã đày Đức Ngài cùng năm vị Chức sắc sang đảo Madagascar (Phi châu). Decoux đã lên giọng nói rằng: “ Chẳng lẽ tôi đưa họ vào Thánh tử Đạo, thừa cơ hội có chuyến tàu sang quân cảng Diego-Suarez của hải đảo Madagascar, tôi gởi ông Phạm Công Tắc và đoàn tùy tùng qua an nghỉ suốt đời tại đó”, chứng tỏ một tâm địa vô cùng thâm độc, không muốn cho chết liền, mà đày đọa thân xác cho khổ sở da diết suốt đời...!!! Nhưng sang đến Madagascar, Đức Hộ Pháp được Ơn Trên giáng cho mấy câu tiên tri:

               “Hòn đảo nầy đây trước nhốt tù,

                 Mà nay làm khám nhốt thầy tu.

                 Quả như oan nghiệt vay rồi trả,

                 Thì lủ Tây man, Nhựt bổn trừ”.

                  Quả như tiên tri, vào ngày 09-03-1945 Quân đội Nhựt đảo chánh Pháp tại Đông dương, Toàn quyền Decoux bị bắt.

                  - Ngay triều đình nhà Ngô cũng đã đàn áp Cao Đài, đến nỗi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc phải tự lưu vong sang Campuchia, và Đức Ngài cũng đã có lời tiên tri về sự sụp đổ của nhà Ngô trước đó 7 năm. Điều nầy Đức Hộ Pháp đã nêu trong Huấn lịnh gởi cho Hội Thánh, khi Đức Ngài đương ở Kim Biên có cho biết lý do và tiên tri:

      “Bần Đạo tự lưu đày qua Miên-quốc, là vì Bần-Đạo muốn tránh cho giống giòng dân-tộc Việt-nam khỏi cái cảnh của giống dân Do-thái trước đây, bị tiêu diệt mất nước. Chớ chẳng phải Bần Đạo hèn nhát không đủ quyền năng chống chỏi Diệm, Nhu. Bần-Đạo để cho luật Thiên-điều trừng trị đích đáng khiến Diệm và họ Ngô ai cũng thấy. Bần Đạo nói cho cả con cái của Đức Chí Tôn biết, đừng tưởng Bần Đạo đi đây rồi đi luôn, mà tự tung tự tác, cải sửa theo phàm tâm ý mơ hồ của họ, làm cho một nền Chánh giáo ra phàm giáo”.(Trích Huấn lịnh tại Kiêm-biên, ngày 10 tháng 10 năm Bính-thân / DL.03-11-1956).

Cuối cùng đúng y như lời tiên tri, sau đó 7 năm, vào ngày 01-11-1963, ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm bị quân đội đảo chính bắn chết, còn ông Ngô Đình Cẩn bị tòa án Quân sự xử tử hình, bị bắn ở pháp trường Chí Hòa, và cả tập đoàn của họ cũng sụp đổ, chấm dứt một vương nghiệp ngắn ngủi chưa đầy 10 năm, vô cùng đau thương. Kế tiếp sau đó con cháu ông Nhu cũng chết bất đắc kỳ tử, vì nhiều tai nạn!!! Nên kinh Sám hối cũng đã dạy:

 “Nhãn tiền trả quả tức thì, Tội dư con cháu một khi đền bồi”

Đối với luật nhân quả, người xưa cũng có nói rằng:

          “Người  làm  việc  chẳng  lành, mà  được  vinh hiển, dù không bị

người hại, thì Trời cũng tru diệt” (Tích Hiền viết: Nhược nhơn tác bất thiện, đắc hiển danh giả. Nhân bất hại, Thiên tất tru chi / Minh Tâm bửu giám)

          Bởi vì người xưa đã khẳng định:

 “Làm điều thiện sẽ có điều thiện đáp lại. Làm điều ác sẽ gặp điều ác đáp lại. Nếu chưa thấy đáp lại là vì giờ giấc chưa đến mà thôi (Thiện hữu thiện báo. Ác hữu ác báo. Nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo / Minh Tâm bửu giám)

Đây là một sự kiện khá đau lòng, đáng lẽ người từ bi hỷ xả, không nên nhắc lại, nhưng bất đắc dĩ phải nêu lên, cho thế hệ hậu sanh biết răn mình, hầu khỏi phải chịu một hậu quả vô cùng đau thương như trường hợp nêu trên ! Còn nữa, cụ Ngô Đình Diệm lại không tôn trọng lời thề khi nhậm chức, Đức Phạm Hộ Pháp cho biết, khi cụ Ngô nhậm chức Thủ tướng, đã thề trước bàn thờ Tổ quốc, có Đức Quốc Trưởng Bảo Đại và Đức Hộ Pháp chứng kiến, Cụ đã thề rằng:

          “Không phản Tổ Quốc chủng tộc Việt Nam, nếu bội ước sẽ chết trước mũi súng thần của dân tộc và linh hồn bị luật thiên điều của Chúa hành phạt”.  

Nhưng sau khi chấp chánh cụ Ngô không những đã phản bội lời thề, còn truất phế luôn cả Hoàng Đế Bảo Đại là người đã bổ nhiệm cụ nữa.

Đây không phải Thượng Đế là Đấng từ-bi trừng phạt đâu, mà đúng như lơi Chúa Jésus đã khẳng-định:

 “ Mắt thế mắt, răng đền răng “ (Thánh-kinh Tân-ước)

          Những cái chết sờ-sờ như vậy đó, nhưng vẫn có người không tin, mà cho là trường-hợp ngẫu-nhiên, bị người đời lợi-dụng để răn-đe mà thôi. Đây không phải là ngẫu-nhiên đâu, mà là quy-luật phản phục siêu vật-lý trong tự-nhiên đấy ! Vì kinh-nghiệm của nhân-gian đã nói:                  

        “Ngày xưa quả báo thì chầy, Ngày nay quả báo một giây nhãn-tiền”.

          Sở dĩ chúng tôi cũng không dám cho rằng đấy là sự trừng-phạt của Thượng-Đế, hay chúng tôi đã cầu-xin Thượng-Đế trừng-phạt cho hả dạ đâu. Vì làm như vạy là đã vô tình xúc-phạm đến Ngài là một Đấng Chí-Tôn Công-bình Thiêng-liêng tuyệt-đối.

Vì điều nầy Đức Tôn-sư Hộ-Pháp Phạm-công-Tắc đã dạy rằng:

“ Đức Chí-Tôn, và các vị Nam-Tào. Bắc-Đẩu không bao-giờ trừng phạt ai hết. Chí-Tôn để con người tự ghi chép tội-lỗi và tự trừng phạt lấy mình, đây là một điều bí-mật vô-đối đáng sợ). (Theo thuyết-đạo về Con đường Thiêng-liêng hằng sống của Đức Hộ-Pháp).

Điều nầy cũng phù hợp với Duy thức học của Phật giáo, cho rằng tội phước con người trong kiếp đương sanh, đều được lưu giữ lại trong A Lại Da Thức, khi đầu thai tái kiếp nó sẽ là chủng tử cho kiếp lai sinh. Nên nhà Phật cũng cho rằng: “Tội phước con người do chính mình tạo ra và tự thọ lãnh lấy, chứ không hưởng thụ của ai, và để cho ai hưởng được cả.

Đó là chúng tôi chỉ đề-cập đến luật nhân-quả trong tự-nhiên :

“Dù qua Dương-pháp, luật hình Diêm-vương”.  (Kinh Sám-hối)

Còn nếu ai không tin, cho nhân-quả là hoang-đường, thì cũng nên nhìn thẳng vào công-lý của thế-gian. Ngay ở cỏi hữu-hình, mà hể mỗi khi tạo ra tội-ác thì dù cho luật-pháp quốc-gia có che chở, nhưng công-pháp quốc-tế vẫn không buôn tha, như trường-hợp cựu Tổng-thống Milosévic của Nam-tư, khi đương quyền tàn-ác vô-song, khi rớt đài chẳng ai chịu chấp-chứa, nên không trốn-thoát nơi nào được, tuy luật-pháp của quốc-gia hứa che-chở Ông, nhưng Ông cũng phải xộ khám của Toà-án quốc-tế, thật là:

          “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất” (Lưới Trời lồng-lộng, thưa mà chẳng lọt mảy lông mày / Lão-tử Đạo-đức kinh).

Xưa nay các tấm gương bạo-chúa, cùng kẻ gian-hùng đã phải đền tội trước Thần Công-lý, nếu sưu-tập cho đầy đủ thì phải có hàng mấy pho sách dày, nhưng ở đây chỉ nêu lên tiêu-biểu để làm dẫn-chứng mà thôi.

Các tín-hữu chúng ta nên tin rằng hành-động tác giả Song Lê, Đăng Lê nào đó, viết các bài báo bôi nhọ Cao Đài, được đăng trên nhiều số, dù cho có ẩn thân ẩn danh thế nào rồi cũng có ngày lộ diện, và bài báo có hay ho hấp dẫn đến đâu thì cao tay cũng chỉ một số ít người đọc, nên đối với hơn năm triệu trí thức, học-giả, các Giáo-sư Tiến-sĩ, các sinh-viên, học-sinh... Cao-học, Đại-học, Trung-học, Tiểu-học và các tín-hữu bình-dân, chúng ta chỉ cần mỗi người đọc và sẵn-sàng phổ-biến sâu rộng tài-liệu sách vở của Đạo đã được Ban Tôn giáo Chính phủ và Nhà Xuất bản Tôn giáo ấn hành, nói về lịch-sử Đạo, nguyên nhân khai sáng, tôn chỉ mục đích, giáo lý, cùng ảnh hưởng Cao Đài giáo trên trương quốc tế, để làm cho con em chúng ta hiểu Đạo, biết đâu là lẽ thật, để ăn ở cho đúng lương-tri và đạo-pháp, hầu có một đời sống mẫu-mực, tạo hạnh phúc cho gia đình và góp phần bảo vệ an ninh cho tổ quốc, và cũng để cho cả những người muốn tìm hiểu về Cao-Đài một cách đứng-đắn, mỗi người chỉ cần đọc một lần thôi, thì dù cho hàng trăm nhà báo dù có viết lách in ấn bôi nhọ Cao Đài bao nhiêu tờ đi nữa, thì ai hơn ai, tự-nhiên sẽ là điều dễ hiểu. Bởi vì ngạn ngữ Tây phương có câu:

« Một cái đầu vĩ đại luôn nghĩ về những tư tưởng cao cả. Một cái đầu trung bình thì chỉ nhìn thấy bề ngoài của những sự kiện, còn một cái đầu cạn hẹp ngu si thì chỉ nhìn thấy toàn lỗi lầm của người khác ».

 Không rõ cái đầu của tác giả thuộc loại nào !!!

 Đến đây, chúng tôi thấy còn quá vắn-tắt, nếu là trình-bày cho sáng tỏ một chân-lý, nhưng với phạm-vi của một tiểu luận, trao đổi quan điểm với Ban biên tập báo Xa lộ Pháp luật, thì chừng ấy cũng tương-đối đủ, vì những gì cần phải nói, đều đã nói cả rồi. Còn những chi-tiết diễn-biến trong giòng lịch-sử đầy hấp-dẫn của Đạo Cao Đài, cùng ảnh hưởng trên trường quốc tế hiện nay, và trải dài cho tận đến nghìn sau... Vì Đức Chí Tôn đã tiên tri rằng Đạo Cao Đài sẽ tồn tại và phát triển khắp thế giới đến thất ức niên (bảy trăm nghìn năm). Với một quá khứ đầy vinh quang “không bao giờ nên khép lại”, và một tương lai vô cùng tươi sáng, đều được đề cập đến trong nội dung các tác phẩm của Đạo, đã in ấn xuất bản hợp pháp rất nhiều. Xin chư huynh, đệ, tỷ, muội bốn phương từ từ thưởng-thức những sự-kiện xảy ra trong đạo-sử, để hiểu đạo và bồi-dưỡng đức tin cùng kiến-thức tổng-quát về đạo-học và tâm linh của mình.

                                                                                   Dã Trung Tử

                                                                                        Cẩn bút

_________________________________

 

 

 

 

DÃ TRUNG TỬ                     Tây Ninh ngày 29 tháng 08 năm 2013

          Tu sĩ

    Cao Đài giáo

           ---o0o---                                  Kính gởi:

 

                                                              Tiến sĩ ĐÀO VĂN HỘI

                                                      Tổng Biên tập báo Xa lộ Pháp luật

 

                         Trích yếu:  Trao đổi quan điểm về các bài viết có nội dung       

                                                  Cao Đài giáo đã được quý báo đăng tải.

 

                   Kính thưa Ngài.

 

                   Tiện sĩ đường đột có mấy giòng gởi đến Ngài, trước hầu thăm sức khỏe của Ngài, sau xin trao đổi vởi Ngài một số thiển ý nông cạn của tiện sĩ, và đính kèm theo một tiểu luận “Trao đổi quan điểm với báo Xa lộ Pháp luật...” và một ít tài liệu ngắn về Cao Đài, nếu được Ngài quan tâm thì tiện sĩ rất lấy làm hân hạnh, còn không, thì tiện sĩ cũng hoan hỷ, không có vấn đề gì cả.

 

                  Tác giả Song Lê, Đăng Lê nào đó, đã gởi những bài viết không mấy thiện cảm về Cao Đài, đã được quý báo đăng tải liên tục trên nhiều số, sự kiện nầy đã khiến cho mấy triệu tín đồ Cao Đài trong nước và trên thế giới rất lấy làm phẩn nộ, nhưng với riêng tiện sĩ thì thấy bình thường, chẳng có gì đáng trách móc cả, bởi vì đối với một con người có cái nhìn bi quan bệnh hoạn, thì có bao giờ họ thấy được những sự tốt đẹp của người khác !!! Đó là lẽ thường tình, có gì đáng oán trách đâu !

 

       Còn sự bôi nhọ, thì từ khi khai đạo đến nay, Cao Đài đã bị biết bao nhiêu lần, thậm chí còn có người muốn tiêu diệt, đặt bom định giật sập Đền Thánh, bắt bớ đày ải lãnh đạo, chức sắc, tín đồ ra nơi hải đảo xa xuôi muôn trùng sóng gió, hay vào nơi núi rừng ma thiên nước độc. Biết bao nhiêu Thánh tử Đạo đã nằm xuống, nhưng cội Đạo bốn mùa vẫn phát triển tươi tốt sum sê, tỏa bóng khắp năm châu bốn biển.

 

      Tiện sĩ thiển nghĩ rằng, đối với một mặt đá kim cương cẩm thạch nhẳn bóng, thì dù có bôi nhọ, thậm chí dùng loại sơn đen tốt nhất, phết lên cũng không bao giờ bám dính làm lem luốc ô uế được cả, đạo Cao Đài của Thượng Đế khai sáng cũng giống như vậy. Còn những người bệnh hoạn, đầy ác ý, phá hoại bôi nhọ Cao Đài, đều gánh chịu nhiều hậu quả vô cùng đau thương, lịch sử vẫn còn đấy.

 

     Tiện sĩ xin thưa thật với Ngài rằng dù cho hằng trăm tác giả, moi móc sưu tập tất cả những chi tiết bịa đặt bôi xấu Cao Đài từ khi khai đạo đến nay, có đăng lên hàng nghìn tờ báo, thì Cao Đài giáo vẫn phát triển cao như Thái sơn, vững như bàn thạch, phổ truyền trên khắp thế giới,  được các bậc trí thức hoan nghinh, và theo tiên tri của Thượng Đế, thì đạo Cao Đài sẽ trường tồn đến hơn bảy trăm nghìn năm (thất ức dư niên) mà thôi.

 

     Nên Đức Lão Tử đã nói rằng: “Người trí thức nghe đạo thì cần mẫn làm theo, người trung bình nghe đạo thì chợt nhớ chợt quên, kẻ hạ ngu khi nghe đạo thì phá lên cười, mà nếu họ không phá lên cười thì không phải là đạo nữa” (Lão Tử Đạo Đức kinh). Nên đạo Cao Đài bị bôi nhọ, chê bai biếm nhẻ, cũng là lẽ tự nhiên, và nếu không bị bôi bác thì có lẽ không còn là đạo Cao Đài nữa.

 

       Tiện sĩ không bao giờ phản bác, mà chỉ trao đổi quan điểm với Ngài, nếu chúng ta đồng quan điểm với nhau thì tốt, mà không đồng quan điểm, thì đó cũng là lẽ tự nhiên, tiện sĩ luôn tôn trọng quan điểm của Ngài, không bao giờ phiền hà gì cả.

 

               Tiện sĩ xin mạo muội góp ý với Ngài, trong lãnh vực báo chí, vấn đề tôn giáo là vấn đề rất nhạy cảm, mong Ngài nên cẩn thận khi đăng tải những bài viết của các tác giả đề cập đến vấn đề này. Thành thật mà nói, may là tác giả chỉ mới động đến đạo Cao Đài, chứ động chạm đến một tôn giáo khác đại để như Hồi giáo, thì họ không để tác giả viết và đăng được đến bài thứ nhì đâu !!! Vì tương lai sự nghiệp của bổn báo tiện sĩ xin mạo muội góp ý như thế, còn tiếp thu hay không thì tùy ý Ngài.

 

               Cuối thư tiện sĩ xin kính chúc Ngài luôn an khương, thân tâm thường lạc và bổn báo phát triển thịnh vượng.

 

                                                                                          Dã Trung Tử

                                                                                               Kỉnh bút

 

 

DÃ TRUNG TỬ                           Tây Ninh ngày 11 tháng 09 năm 2013

          Tu sĩ

    Cao Đài giáo

           ---o0o---                                  Kính gởi:

 

                                                              Tiến sĩ ĐÀO VĂN HỘI

                                                      Tổng Biên tập báo Xa lộ Pháp luật

 

                                 Trích yếu:  Trao đổi thêm về các bài viết có nội dung       

                                                    Cao Đài giáo đã được quý báo đăng tải.

 

                   Kính thưa Ngài.

 

                   Trong bài trả lời của Ban Biên tập Bổn Báo, biện minh cho việc làm cũng như lập trường của mình, và xin lỗi một cách miễn cưởng, cho rằng tín đồ Cao Đài đã hiểu lầm !!!

 

                  Thật ra tín đồ Cao Đài không bao giờ hiểu lầm đâu, nên Quý báo cũng chẳng cần phải biện minh hay xin lỗi về việc làm của mình, bởi vì từ lâu quý Ngài đã biết ất giáp gì về Cao Đài đâu ! Nên khi nhận bài gởi đăng, thấy lạ lạ, thì nghĩ là sẽ hấp dẫn nên đăng vậy thôi, điều đó cũng không có gì đáng trách cả. Chứ chắc chắn là Bổn Báo đâu có ác cảm gì với Cao Đài. Còn đối với tác giả, nếu tiện sĩ không lầm, thì đây là mầm mống của Diệm Nhu còn rơi rớt lại, nên cố vớt vát rửa hận cho cho tổ tiên của mình lần cuối, và cố phá hoại sự đoàn kết toàn dân hiện nay mà thôi.

 

                   Tiện sĩ xin thưa, sự kiện năm triệu (1) tín đồ Cao Đài trên khắp thế giới phẩn nộ là có thật, vì đây là một vấn đề khá nhạy cảm đối với họ. Ngay vừa rồi, từ Tây Ninh có khoản 300 tín đồ dự định ra Hà nội gặp Quý Ngài, nhưng tiện sĩ đã khuyên họ không nên đi, vì tiện sĩ nghĩ nếu họ ra đến Hà nội xin gặp, không lẽ quý Ngài không tiếp xúc, vì không tiếp họ, thì họ cho là Quý Ngài tránh né, mà tiếp xúc thì chắc chắn Quý Ngài sẽ không mấy hứng thú khi phải  tiếp những vị khách không mời mà đến.

 

                   Để trấn an một cách có hiệu quả, thay vì Quý Ngài tiếp tục biện minh, hoặc là xin lỗi dù là rất chân thành,  thì quý Ngài nên đăng một loạt bài khác, cũng về Cao Đài, nhưng có thiện chí hơn, như đề cập đến nguyên nhân khai sáng, tôn chỉ mục đích, và ảnh hưởng của Cao Đài hiện nay trên trường quốc tế, thì sẽ thoa dịu sự phần nộ được ngay. Các tài liệu nầy cũng đã được Ban Tôn giáo Trung ương kiểm duyệt, đã lưu hành hợp pháp. Xin Ngài xem qua trong các tài liệu tiện sĩ đã gởi đến Ngài. Nếu được Ngài nhất trí, thì tiện sĩ sẽ gởi các file đó qua E. mail, để quý báo tiện dụng khỏi tốn công đánh máy. Địa chỉ E. mail của tiện sĩ: datrungtu12345@gmail.com. Nếu Bổn báo nhận đăng, thì sẽ không tốn kém gì, mà lại có thêm hàng triệu độc giả là tín đồ Cao Đài mua báo.

                     Cuối thư tiện sĩ xin kính chúc Ngài luôn an khương, thân tâm thường lạc và bổn báo phát triển thịnh vượng.

 

                                                                                          Dã Trung Tử

                                                                                               Kỉnh bút

 

 

______________

 

 (1) - Sự chênh lệch về số lượng tín đồ trong nhiều tài liệu: tài liệu của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh ghi là 3 triệu, trong tài liệu này ghi là 5 triệu, điều này không trái ngược gì cả. Vì Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh chỉ thống kê số tín đồ trong hệ thống của Tây Ninh. Còn Đạo Cao Đài hiện nay, ngoài Tây Ninh, còn có 8 Hội Thánh Cao Đài biệt lập, và 19 tổ chức Cao Đài khác, gồm Tổ đình, Thánh thất, Thánh tịnh, Nhà đàn, Cơ quan biệt lập,  đều có cơ ngơi hành đạo khang trang và cũng có đông đảo tín đồ sinh hoạt, trong nước và trên thế giới. Ngay trong nước thì tất cả các hệ phái cũng đều được Nhà Nước thừa nhận tư cách pháp nhân. Nên đối với con số 5 triệu, là theo thống kê từ năm Đạo thứ 82, cách đây 6 năm về trước, nay là gần hết năm Đạo thứ 88, có lẽ con số nầy cũng chưa được chính xác mà còn hơn thế nữa.

 

 

HỒI ÂM CỦA TIẾN SĨ ĐÀO VĂN HỘI

TỔNG BIÊN TẬP BÁO XA LỘ PHÁP LUẬT

 

           Chào buổi sáng tu sĩ Dã Trung Tử !

 

Chúc Ngài mỗi ngày vui và hạnh phúc !

 

         Tôi là Hội, TBT báo Plvn, đã nhận được lá thư thứ hai của Ngài.

 

         Xin cám ơn và sẽ liên lạc với Ngài sau.

 

         Kính.

 

         Người gởi +949034334225

 

        Trung tâm nhắn tin +84900000066

 

         Đã gởi 1-10-2013  08:18:02

 

 

 

 

 

LÊ THỊ HÔNG

130 Ông Ích Đường, quận Cảm Lệ

           Thành phố Đà nẵng

   Đt. 3846687 – Dd 0989 754 420

                      ---o0o---

 

 

 

 

Kính gởi

 

Tiến sĩ  ĐÀO VĂN HỘI

 

Tổng biên tập báo Xa lộ Pháp luật

Tòa sọan Tầng I nhà số 2 Phố Trần Quý Kiên

 Quận Cầu giấy

Thành phố Hà nội