Mục Lục |
|
Đức Chí-Tôn dạy rằng:
Trần-tục là nơi chỗ bể buồn,
Các con nghe đạo ráng nghe luôn,
Trong nhà sẵn có Thầy đưa khó,
Ách nạn chi chi cũng chảy tuông.
Thi-văn dạy Đạo
Có người căn-cứ vào câu : “Đạo hư-vô, Sư hư-vô” nên cho
rằng chỉ cần tâm hành từ-thiện cũng đủ, cần gì phải thờ-phượng, lễ-bái,
tụng-niệm, là những thứ thuộc âm-thanh sắc-tướng. Điều này mới nghe qua thì cũng
có lý ở một chừng-mực nào đó, nhưng xét cho cùng thì cũng chỉ là một quan-niệm
cực-đoan mà thôi. Vì mọi sự vật bao giờ cũng có cái hình-thức bên ngoài, đi đôi
với tinh-thần bên trong thì mới toàn-diện được. Nói theo chơn-truyền của Đạo thì
Thể-pháp là cái hình-tướng, phải đi đôi với Bí-pháp là phần tinh-thần ẩn-áo thì
mới đầy-đủ Đạo-pháp. Nên Thánh-giáo Đức Chí-Tôn dạy rằng :“Bề trong ngay thẳng
tỏ bề ngoài”
Trong tất cả các tôn-giáo, nếu hai phần nầy mà chấp nhất,
chuyên phần nầy bỏ phần kia, thì tất hư-hỏng vô-bổ. Nên cốt lỏi của vấn-đề nêu
lên sau đây là chúng ta cần phải tìm hiểu những yếu-lý của cả hai .
Chúng ta đơn-cử sự sử-dụng Lễ Nhạc để làm bằng chứng cho
vấn-đề nầy: Tỷ như Lễ thì phải có cái tâm-pháp bên trong là sự “kính-cẩn” còn
các nghi-tiết tế-tự, bái-lạy, và áo mão cân đai là hình-tướng tỏ ra bên ngoài.
Nhạc thì phải có cái tâm-pháp là “Hoà”, còn đờn địch, kèn trống chỉ là phần
dụng-cụ hình-thức thể-hiện. Còn nếu nói không cần hình-tướng bên ngoài, chẳng
hạn như Lễ mà không có nghi-tiết tế-tự, bái-lạy thì biết thế nào là Lễ, còn
Nhạc mà không có kèn trốâng, đờn địch thì biếât thế nào là Nhạc, đó là
hình-tướng Thể-pháp. Còn về Tâm-pháp thì khi thực-hiện Lễ dù cho có đủ lễ-nghi
tiết-tấu bày-bố bên ngoài, mà không có lòng kính-trọng ẩn-tàng bên trong, cũng
như Nhạc có đủ đờn địch, kèn trống mà không có Hoà, trốùng đánh xuôi kèn thổi
ngược… thì cũng chỉ là hư-cấu, hai phần nầy mà chỉ chấp một, hay thiếu mất một,
cũng sẽ trở thành vô-dụng mà thôi.
Nên người tu theo chánh-đạo thì cần phải tránh rơi vào hai
cực-đoan nêu trên.
Lời Đức Khổng-Tử:
“Phi kỳ tế nhi tế chi, siễm giả”
Luận-ngữ / Vi-chính.
Trong sự thờ-phượng đối với một tín-đồ ngoan đạo, chúng ta cũng cần tìm hiểu mục-đích, để phân-biệt được đâu là sự thờ-phượng theo chánh-tín và đâu là sự thờ-phương theo mê-tín:
Thờ-phượng theo chính-tín là thờ Thương-Đế và các Đấng Trọn Lành, tức là hiếu-hạnh với Đấng đã sinh-thành vạn-vật trong đó có con người. Kế đến là thờ Tổ-tiên Ông bà Cha mẹ là Đấng đã sinh-thành dưỡng-dục mình, đó là để tỏ lòng tôn-kính và biết ơn. Thờ-phương với mục-đích như vậy ngay tại tư gia của mình, là một sự tín-ngưỡng chơn-chánh.
Còn sự thờ-phượng bất kỳ một đối-tượng nào với mục-đích là để cầu-cạnh sự trợ-lưc để làm ăn phát-đạt, như thờ Thần tài, Ông địa, âm-hồn, cô-hồn, sự thờ-phượng nầy thường thực-hiện dưới hình-thức am, miểu, khóm thờ ngoài hiêng, ngoài vườn… hình-thức thờ-phượng nầy là thờ-phương tà-linh ma-quỷ theo hướng mê-tín dị-đoan.
Theo Đạo Nho thì sự thờ-phượng cúng-kiến là để tỏ lòng yêu-mến và thành-kỉnh thật lòng, còn nếu thờ cúng những đối tượng không có liên đới trực-tiếp gì với mình đạo Nho cho là sự thờ cúng siễm-nịnh, nên Đức Khổng-tử đã nói rằng:
“Phi kỳ tế nhi tế chi, siễm giả” (không phải đối-tượng đáng thờ cúng, mà thờ cúng là siễm-nịnh / Luận-ngữ / Vi-chính).
Đối với các loại tà-linh ma-quỷ, Đức Khổng-Tử khuyên rằng:
“Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi” (Cốt-yếu lo làm việc nghĩa phục-vụ dân-chúng, còn đối với quỷ thần thì chỉ kính mà nên xa lánh / Luận-ngữ / Ung-giả).
Lời dạy trên bảo chúng ta chỉ nên vì dân-chúng lo làm việc nghĩa, không nên tin vào sự trợ giúp của ma-quỷ mà thờ-phụng để vụ-lợi, trước sau gì cũng bị họ phản-phúc, nên cần phải xa lánh. Chúng ta liên-hệ đến những việc xảy ra trong đời sống thì sẽ thấy rõ. Nếu chúng ta phụng-dưỡng ông bà cha mẹ, hoặc nuôi-nấng anh em ruột thịt hay bằng-hửu thân-thiết, với một sự tôn-kính và một tình-thương chân-thành, thì ta các đối-tượng nầy sẽ luôn đối xử tốt với ta, trước sau như một, dù ta có lỡ-lầm làm một điều gì phật-ý, họ cũng sẽ sẵn-sang tha-thứ, và ta cũng cảm thấy thân-tâm thanh-thản. Còn chúng ta rước những đối-tượng không phải là họ-hàng thân-thích nuôi-nấng để vụ lợi, đến một ngày nào đó ta hết lợi-dụng được, hoặc ta không cung-phụngï thoả-mãn, thì chắc-chắn họ sẽ phản-phúc. Chúng ta thường nghe những phù-thuỷ, thầy-mo thờ ma-quỷ để phục-vụ cho mình, rốt cuộc đến khi họ hết thời đều bị chính tà-linh ma-quỷ được họ thờ phụng quay lại ám-hại họ.
Đức Chí-Tôn đã dạy rằng :
Bạch-ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Chẳng màng hạ-giới vọng cao ngôi,
Sang hèn trối kệ tâm là quý,
Tâm ấy toà sen của Lão ngồi.
Thi văn dạy đạo.
Sự thờ-phụng tuy là thuộc hình-tướng bên ngoài, nhưng nó là một điều-kiện tiên-quyết của người giữ đạo phải có, vì nó có phần tâm-pháp ẩn-tàng bên trong, có những tác-dụng hữu-ích sau đây:
- Thức-tỉnh nhắc-nhở đạo-hạnh:
Đức Lão-tử nói rằng :
“Người thượng-trí nghe đạo thì cần-mẫn làm theo, kẻ học-thức trung-bình khi nghe đạo thì chợt nhớ chợt quên…” (Thượng-sĩ văn Đạo cần nhi hành chi. Trung-sĩ văn đạo nhược tồn nhược vong / Đạo-đức kinh).
Phần đông giáo-chúng trong phẩm hạ-thừa thuộc hạng trung-bình nầy, họ thường-xuyên bị bận-rộn trong đời sống, ngoài ra còn bị lục-dục thất-tình thôi-thúc, nên dễ làm cho họ lãng quên đạo-hạnh, mà sa vào vòng tội-lỗi. Đối với bậc hạ-thừa, ngoài sự nhắc-nhở của các chức-sắc hành-đạo ra, chính mỗi người phải tự tìm cách nhắc-nhở mình hằng ngày, đó là thực- hiện thờ-phụng, lễ-bái, tụng-niệm tại ngay trong gia-đình mình.
Sự thờ-phụng Thượng-Đế ngay tại tư-gia mình là một điều vinh-hạnh và là một hồng-ân của Đức Chí-Tôn đã dành cho chúng ta, nên trong Thánh-giáo Đức Chí-Tôn dạy rằng:
“Trần-tục là nơi chỗ bể buồn,
Các con nghe Đạo ráng nghe luôn.
Trong nhà sẵn có Thầy đưa khó,
Ách nạn chi chi cũng chảy tuông”
(Đạo-sử của Bà Phối-sư Hương-Hiếu sưu-tập)
Như vậy là Đức Chí-Tôn đã hứa là đến ngự trong nhà chúng ta để giúp-đở khi khốn khó, ách-nạn.
- Tâm-pháp trong sự thờ-phụng là tâm kỉnh-thành đó là nơi Đức Chí-Tôn giáng-ngự :
Người tín-đồ chỉ bắt đầu bằng sự sùng-bái thông-thường và sẽ đạt đến một cường-độ tối thượng của lòng thành-kính và yêu-thương Thượng-Đế, thì được Ngài giáng ngự. Vì Đức Chí-Tôn đã dạy rằng :
Bạch-ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Chẳng màng hạ-giới vọng cao ngôi,
Sang hèn trối kệ tâm là quý,
Tâm ấy toà sen của Lão ngồi.
Thi văn dạy đạo.
Bởi thế trong Tân-luật Chương II điều Mười một đã quy-định:
“Người làm Đầu trong Họ hay là chức-sắc thay mặt cho mình, phải đến làm lễ cúng khai đàn trấn-thần an-vị cho người mới vào Đạo”.
Vì vậy nên người nhập-môn cầu đạo rồi, dù nhà cửa rộng hẹp, gia-cảnh giàu nghèo đều phải thiết Thiên-bàn để thờ Đức Chí-Tôn, nếu có điều-kiện rộng rãi thì lập bàn thờ lớn nếu nhà cửa chật hẹp thì lập một trang thờ nhẹ-nhàng, miễn sao đủ nghi-thức. Trang-nghiêm với tất-cả lòng thành-kính, và hiếu-hạnh thì Đức Chí-Tôn sẽ giáng-ngự như Ngài đã hứa, Cha mẹ thế-gian thường thương yêu đứa con nghèo khó nhất, thì Cha Mẹ Thiêng-liêng cũng vậy, Ngài sẵn-sàng đến ở với những đứa con nghèo khó để che-chở cho nó.
Nên Chúa Jésus có dạy rằng:
“Ai có sự khó-khăn là phước thật, vì chưng nước
Đức Chúa Trời là của mình” (Ma-thi-ơ 5:3)
Trong Kinh Dịch có câu:
“Thiên-đạo khuy dinh nhi ích khiêm (Đạo Trời bớt bên đầy, mà lại trợ giúp cho bên thiếu-thốn / Trích Chu Dịch / Nguyên-tác Sào-nam Phan bội Châu - Dịch tượng Địa-sơn khiêm – Soán-từ).
Nên chắc-chắn là chúng ta có khó-khăn eo-hẹp dến đâu, nhưng nếu chúng ta có lòng thành-tín, với ước- mong Đức Chí-Tôn giáng-ngự thì sẽ được Ngài chứng- giám.
Đức Chí-Tôn dạy rằng:
Thiên-bàn là cái bản-đồ,
Coi ngoài mà biết điểm-tô trong mình.
Tuy là sự giả hình sắp đặt,
Trái trông sao thì mặt cũng in.
Người tu phải biết giữ-gìn,
Chuẩn-thằng quy-củ mà tìm thiên-cơ.
(Đại-thừa Chơn-giáo).
Sự sắp đăït trên Thiên-bàn mỗi vật-dụng, mỗi lễ-phẩm điều tượng-trưng cho phần tâm-pháp bên trong :
- Trên một Thiên-bàn đầy đủ gồm có 12 món tượng-trưng cho Thập-nhị Khai-thiên.
- Còn mỗi món có biểu-tượng một ý-nghĩa như sau:
* Thiên-nhãn tượng-trưng cho Đức Chí-Tôn.
* Thái-cực đăng là cây đèn luôn thắp sáng tượng-trưng ngôi Thái-cực của Thượng-Đế.
* Hai cây đèn tượng-trưng cho Lưỡng-nghi là Âm-Dương.
* Hoa quả, rượu, trà tượng-trưng cho tam-bửu Tinh, Khí, Thần (- Hoa quả: Tinh, - Rượu: Khí, - Trà: Thần).
* Lư hương mỗi lần thắp 5 cây : hàng trong 3 cây (đứng ngang hàng) gọi là Án tam tài (Thiên, Địa, Nhơn), thêm hàng ngoài 2 cây gọi là Tượng ngũ khí, là khí tiên-thiên của vũ-trụ, khi ngũ-khí nầy ngưng-kết thì sinh ra ngũ-hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), nên 5 cây nhang còn tượng-trưng cho ngũ-hành.
Đức Hộ-Pháp đã giải-thích ý- nghĩa sự đốt 5 cây nhang như sau:
“Nói về 5 cây nhang, từ thử Bần-đạo để cho Nho-gia tự do giảng-giải sao thì giảng, Còn Bần-đạo hiểu rõ là Ngũ-khí, Chí-Tôn dùng ngũ-khí mà biến thành ngũ-hành, vận-chuyển cả càn-khôn thế-giới …
… Nói đúng hơn nữa là trong bát hồn vận-chuyển được phải nhờ đến ngũ khí…
… Nên chi khi làm lễ đốt đủ 5 cây nhang là đúng theo phép tín-ngưỡng là quy pháp lại mọi vật trong ngũ khí, để dâng lễ cho Chí-Tôn…”. (Trích thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp tại Đền-Thánh đêm mồng 01 tháng 08 năm Đinh-hợi / 1947).
Năm cây nhang còn biểu-tượng cho 5 giai-đoạn tu-hành của người tín-đồ:
- Giới hương (tượng-trưng cho giai-đoạn giữ giới- cấm để thân tâm trong sạch).
- Định hương (thiền-định cho thân tâm an-tịnh).
- Huệ hương (thiền định rốt-ráo rồi thì trí-huệ sẽ phát-triển gọi là phát huệ).
- Tri kiến hương (khi phát huệ rồi thì sẽ biết được cái nhiệm-mầu của Tạo-hoá, tức là đắc lục thông).
- Giải-thoát hương (giai-đoạn đắc đạo giải-thoát khỏi sự luân-hồi sanh tử).
Nên Thánh-ngôn Chí-Tôn đã dạy rằng:
“Tôn-chỉ Đạo Cao-Đài tỏ rõ,
Mựợn hữu-hình bày tỏ chỗ vô.
Thiên-bàn là cái bản-đồ,
Coi ngoài mà biết điểm-tô trong mình.
Tuy là sự giả hình sắp đặt,
Trái trông sao thì mặt cũng in,
Người tu phải biết giữ-gìn.
Chuẩn-thằng quy-củ mà tìm thiên-cơ . . . ”.
(Đại-thừa Chơn-giáo / trang 65).
Tóm lại sự thờ-phượng tuy là giả-tướng, nhưng chúng ta thực-hiện một cách nghiêm-túc với tất-cả lòng thành-tín thì chúng ta sẽ đạt được phần bí-pháp tối linh-diệu đó là sự giáng-ngự của Đức Chí-Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ-trì che-chở cho chúng ta. Điều-kiện tiên-quyết là con người phải có lòng thành-tín, được thể-hiện bằng sự tôn-kính trang-nghiêm, thì mới được thần-linh giáng-ngự, Vì Đức Chí-Tôn đã dạy rằng:
“Thầy dặn các con, như đàn nội chẳng nghiêm, thì Thầy không giáng… ” (TNHT / Q1 trang 31).
Trong Đạo Nho cũng có câu:
“Hữu thành tất hữu thần” (con người có lòng thành thì thần-linh sẽ chứng-giám).
Trên đây là đề-cập sự thờ-phượng bên ngoài, để phản-ảnh cái bàn thờ bên trong tâm-linh. Vì khi thực-hiện phần thể-pháp, thì cũng đồng-thời phải chăm-sóc bàn thờ tâm-linh cho sáng-sủa, để thái-cực, âm-đương, tam-bửu, ngũ-khí, ngũ-hành trong nội-thân được thăng-hoa, thì sẽ hoá-giải được nghiệp-quả. Vì Thánh-ngôn có câu:
“Ngũ khí thanh, diệt trừ quả kiếp,
Linh-quang đầy đặng tiếp hồng ân.
Xác tại thế đã nên Thần,
Ba mươi sáu cỏi đặng gần linh-thiêng.
Hiệp Tạo-hoá cầm quyền chuyển thế,
Dạy vạn-linh dụng kế từ-bi.
Sanh ấy ký tử ấy quy,
Diệu-huyền chơn-đạo có gì gọi hơn”…
( Nữ trung tùng phận).
Được vậy là người tu đã thực-hiện cả hai phần Thể-pháp và Bí-pháp nghiêm-túc theo chơn-truyền, người đó đã hội đủ điều-kiện để đón nhận được hồng-ân của Thượng-Đế, tức là đã kết-hợp được tha-lực lẫn nội-lực để đắc đạo.
Ta nuôi linh-hồn bằng gì ? Vật thực nuôi sống xác thịt,
còn linh-hồn sống đặng nhờ đạo-đức tinh-thần đó vậy. ( Lời Đức Hộ-Pháp).
Nghi-thức lễ-bái của Cao-đài-giáo bao gồm các hình-thức cúng-tế tụng-niệm nguyện-cầu, tuỳ theo nghi-tiết lớn nhỏ, tại tư-gia hay nơi công-cọng mà ấn-định hình-thức tổ-chức khác nhau, như thực-hiện hạn-hẹp trong mặc-niệm, hoặc có Lễ Nhạc do Lễ-sĩ, Nhạc-sinh hổ-trợ phục-vụ với đầy-đủ âm-thanh sắc-tướng như chuông, trống, mỏ, nhạc cụ …
Sự Lễ-bái cúng-kiến, tuy thuộc âm-thanh sắc-tướng, nhưng cũng giống như thờ-phượng, nó ẩn-tàng phần tâm-pháp bên trong, nếu một giáo-đồ thực-hiện nghiêm-túc thì sẽ đạt được từng bước các bí-pháp nhiệm-mầu tuỳ theo mức-độ tiến-hoá trong chơn-thần của mỗi người.
- Bước thứ nhất khi thực-hiện lễ-bái là giúp cho người tu chú-định vào kinh-nghĩa để tầm-lý và tập-trung tư-tưởng vào âm-ba kinh-kệ để gom-thần định-trí, xua tan những tà-tâm vọng-niệm.
- Bước thứ hai là khi tư-tưởng đã tập-trung vào chánh-niệm, sẽ nhắc-nhở dắc-dẫn thân-tâm người tu hướng vào tư-tưởng thanh-cao, để có hành-động thánh-thiện, sẽ làm cho tri hành hiệp nhất, sáng chói cả hai.
- Bước thứ ba khi người tu đạt đến trạng-thái “siêu ý-thức” tức là tập-trung tư-tưởng đến mức đại-định, thì sẽ quên hẳn các âm-ba kinh-kệ để hoà-nhập vào giòng thần-lực vô-biên của Thượng-Đế tuông tràn qua hồn-phách của mình, khoa-học gọi loại thần-lực này là “năng-lượng vũ-trụ” Lúc đó người tu sẽ trở thành một đường vận-hà (Cana:kênh) để tiếp-nhận chuyển-tải thần-lực của Thượng-Đế ban rải cho trần-gian, toả ra một sức sống nhiệm-mầu có thể thức-tỉnh tinh-thần sanh-chúng, rọâng hẹp còn tuỳ theo khả-năng tiếp-nhận của người đó.
Sự lễ-bái về phương-diện tâm-pháp còn dìu-dắc con người từng bước trở thành một Trời con, một Phật-tử tại thế gian. Đức Hộ-Pháp đã thuyết-giải về nguyên-nhân sâu xa và sự hữu-ích của việc nuôi-nấng linh-hồn bằng đạo-đức và thực-hành lễ-bái như sau:
“Linh-hồn cũng phải có vật thực của nó … Vật thực là cả triết-lý cao-siêu tồn-tại đấy, Đệ nhị xác thân là Khí, Chí-tôn gọi là Chơn-hồn, nó làm trung-gian cho xác và hồn, hễ lương-năng thì nó bảo-thủ xác thịt thể-hình, còn lương-tri nó tìm vật thực nuôi linh-hồn. Ta nuôi linh-hồn bằng gì ? Vật thực nuôi sống xác thịt, còn linh-hồn sống đặng nhờ đạo-đức tinh-thần đó vậy. Ta tu là tìm phương bảo-trọng cho tồn-tại đạo-đức tinh-thần, đặng nuôi linh-hồn hầu đạt địa-vị Thần Thánh Tiên Phật, dìu-dẫn bảo-trọng lấy nó, để có đủ lực-lượng quyền-năng rong-ruổi trên con đường Thiêng-liêng hằng-sống.
Đạo-đức tìm đâu mà có đặng? Tức-nhiên tìm nơi cửa Thiêng-liêng hằng sống mới có, mà tìm nơi cửa Thiêng-liêng hằng sống tức là cửa Đạo.
Buổi ăn của linh-hồn là buổi ta vô Đền thờ cúng đấy. Ta không thấy mùi của nó tức chưa hưởng được, tưởng vô Đền thờ cúng là bị bắt-buộc, không dè mỗi khi đi cúng là cho linh-hồn ăn vậy. Bần-Đạo tưởng thấy trong trí cần phải buộc cả thảy đi cúng, vì trong thâm-tâm Bần-Đạo định cho mấy người chưa biết mùi của nó, cũng như kẻ nhà quê đưa cho gói bánh, họ nói thứ ấy ăn chẳng đặng, đến khi đã biết mùi rồi bán cả áo cả quần mà mua ăn …
Ngày giờ nào cả thảy biết mùi của nó … hoặc đói khát dữ-tợn kia ăn mới biết ngon. Nhưng coi chừng ! Bần Đạo khuyên một điều: Đừng để quá đói mà chết đa ! Lạ thay vật ăn của linh-hồn có quyền-năng thiêng-liêng vô tận, giúp ta giải cái ác như là cởi áo …
Không có một điều gì mà Chí-Tôn định trong Chơn-giáo của Ngài, dầu Bí-pháp, dầu Thể-pháp vô-ích đâu. Đấng ấy tưng-tiu, yêu-ái con cái của Ngài lắm, thảng như có điều gì không cần ích, mà con cái của Ngài nói rằng không muốn, Ngài cũng bỏ nữa đa ! Từ ngày khai-đạo, kinh-kệ, lễ-bái, sự chi sắp đặt về đạo-đức cũng chính Chí-Tôn tạo thành, không phải do các Đấng khác. Ngài buộc mình làm tức là nó cần yếu, hữu-ích chi đó Ngài mới buộc. Vì cớ nên thời-giờ nầy thấy Bần-Đạo bó-buộc nghiêm-khắc, có lẽ những kẻ biếng-nhác cũng phàn-nàn lén-lút. Ngày cuối cùng các bạn đó gặp Bần-Đạo nơi Thiêng-liêng, Bần-Đạo sẽ hỏi các bạn coi khi còn ở thế, Bần-Đạo buộc cả thảy đi cúng là có tội hay có công…” (Thuyết-đạo tại Đền-Thánh dêm 01/11 Mậu-tý / 01-12-1948).
Vì sự quan-trọng như vậy, nên Đức Quan-Thế-Âm cũng đã giáng cơ dạy rằng:
“Các em phải lo cúng-kiến thường:
- Một là tập cho chơn-thần được gần-gủi với các Đấng Thiêng-liêng đặng sáng-lạn.
- Hai là cầu khẩn với Đức Đại Từ-phụ tha-thứ tội tình cho các em và chúng-sanh.
- Ba là có tế-lễ thì tâm mới có cảm, cảm rồi mới có ứng, ứng là lẽ tự-nhiên.
- Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng , mà nhất là lương-tri, lương-năng của các em cũng nhờ đó mà lần-hồi thành ra mẫn-huệ” (TNHT/ Q2 / tr.87).
Hai tiếng “lương-năng” và “lương-tri” theo thầy Mạnh-Tử đã giải-thích rằng : “Nhân chi sở bất học nhi năng giả, kỳ lương-năng giả. Sở bất lự nhi tri giả, kỳ lương-tri giả” (lường-năng là những điều chẳng cần học với ai mà tự mình có thể làm hay khéo được. Lương-tri là điều mà không cần suy nghĩ lắm mà tự-nhiên biết được / Theo sách Mạnh-tử).
Thường-xuyên thực-hành lễ-bái sẽ củng-cố niềm-tin vững-chắc và làm cho Đạo-tâm tăng-trưởng, nên Thất-nương Diêu-Trì-Cung đã dạy rằng:
“Lễ bái thường-hành tâm Đạo khởi”.
Pascal là một triết-gia Tây-phương cũng đã nói rằng:
“Muốn có đức-tin thì hãy vào nhà thờ hành-lễ đọc kinh và cầ u-nguyện thì đức-tin sẽ đến”
Các điều giáo-huấn trên đây cho thấy rằng muốn cũng-cố một đức-tin vững-chắc, thì hãy thực-hiện lễ-bái thường-xuyên. Lễ-bái đối với một giáo-đồ là món ăn tinh-thần không thể thiếu, như là chúng ta phải cung-cấp lương-thực để nuôi thân-thể. Bởi vì cuộc sống hoàn-hảo của một con người là phải có cả hồn lẫn xác, xác phải ăn mới sống, thì linh-hồn cũng phải ăn mới tăng-trưởng và tồn-tại, thức ăn của linh-hồn là sự thanh-tĩnh và những cảm-xúc thánh-thiện tích-cực mà chúng ta phải cung-cấp cho nó được no đủ trong những giờ công-phu lễ-bái.
Khi chúng ta thực-hành lễ-bái một cách tín-thành thì chúng ta đã đạt được một bí-pháp nhiệm-mầu, đó là cả tâm-hồn và thể-xác của ta đắm-chìm trong thế-giới huyền-linh, tắm mình trong nguồn thần-lục vô-biên vủa vũ-trụ. Thần-lực nầy đôi khi chỉ cần một chút xíu thôi, cũng đủ làm cho một người đang sa-đoạ khổ-đau, có thể thay đổi hẳn cuộc sống của mình một cách bất-ngờ. Nếu sự lễ-bái mà thực-hiện trong toàn gia-đình, thì sẽ thánh-hoá dần toàn cả gia-đình đó trở thành một Đền thờ sống động được Đức Chí-Tôn luôn giáng-ngự, thì chắc-chắn gia-đình đó sẽ trở thành một động Đào-mguyên, luôn sống trong thanh-bình an-lạc. Nên Đức Chí-Tôn khuyên rằng :
“Trau hạnh làm gương dắt kẻ sau,
Một nhà đạo-đức khá thương nhau.
Noi theo đời trước hằng trông cậy,
Gắng sửa lều tranh hoá động đào”.
Thi-văn dạy đạo
“Những tình-cảm tích-cực, yêu-thương, yên-ổn, tin-tưởng và sự thoả-mãn trong công việc, làm tăng sức đề-kháng, giúp cơ-thể ngăn-ngừa bệnh tật. Còn những cảm-xúc tiêu-cực, giận-dữ, căn-thẳng, sợ-hải, làm cho năng-lượng tắt nghẻn nhiều nơi mà sinh ra đau ốm.(Dr.Anthony J. Satilaro)
Trên đây là đề cập về phần tâm-pháp, còn sự thực-hiện lễ-bái chuyên-cần cũng sẽ đem lại nhiều hữu-ích cho thể-chất, chúng ta lần bước tìm hiểu sự lợi-ích đó qua các tiết-mục sau đây:
- Cơ-thể được thư-giản:
Khi thực-hiện lễ-bái với các động-tác di-chuyển, quỳ lạy, hít thở nhịp-nhàng, tỉnh-tâm, tập-trung tư-tưởng tụng-niệm, đồng-thời tiếp-thu lời kinh, tiếng nhạc dìu-dặt êm-dịu, là một hình-thức luyện-thân, luyện-tức (hơi thở) và luyện-tâm, theo khoa khí-công đây là một phương luyện “tam điều hợp nhất”, còn gọi là “tam quan cọng độ”. Tất cả sự-kiện nầy được diễn ra trong một khung- cảnh trang-nghiêm thanh-tỉnh, nếu thực-hiện nghiêm-túc thì sau đó thân-tâm sẽ cảm thấy thư-thái hoàn-toàn.
- Tăng-cường sự hấp-thu chuyển-hoá trong cơ-thể:
Ngày nay khoa-học thực-nghiệm cũng đã chứng-minh được rằng tất-cả các loại sinh-vật được đặt trong một môi-trường thái-hoà ổn-định, được sống trong một không- khí trong-lành thanh-tịnh, như phát đi một sóng nhạc êm-dịu du-dương thì đồng lúa cũng cho nhiều hạt, bò tăng nhiều sữa, gà đẻ nhiều trứng…
Về phương-diện y-học nhiều chứng-minh cũng cho thấy khi thực-hiện lễ-bái sẽ giúp cho khí-huyết lưu-thông, tăng-cường sức đề-kháng với bệnh-tật. Nên gần đây có nhiều khuynh-hướng chữa bệnh theo phương-pháp tỉnh-tâm, để biến một thể-xác bệnh-hoạn trở thành khoẻ- mạnh. Trước đây y-học nhất là phương Tây họ đã xem tinh-thần và thể-xác là hai phần riêng biệt, thậm-chí họ xem bệnh-tật là do thể-xác rối-loạn tạo-thành, nhưng gần đây họ cũng thừa-nhận rằng, tinh-thần có thể làm suy-giảm hoặc tăng-cường hiệu-năng chống-đở với bệnh-tật. Tiêu-biểu gần đây (vào khoản năm 1983) Bác-sĩ Athony J. Satilaro giám-đốc bệnh-việân Méthiodist – Philadelphia – Hoa-kỳ đã tự điều-trị cho mình bịnh ung-thư dịch-hoàn đã di-căn khiến ông gần chết… bằng phương-pháp ăn chay, tỉnh-tâm theo các triêt-lý tôn-giáo Đông-phương. Ông đã kết-luận rằng:
“Những tình-cảm tích-cực, yêu-thương, yên-ổn, tin-tưởng và sự thoả-mãn trong công việc, làm tăng sức đề-kháng, giúp cơ-thể ngăn-ngừa bệnh tật. Còn những cảm-xúc tiêu-cực, giận-dữ, căn-thẳng, sợ-hải, làm cho năng-lượng tắt nghẻn nhiều nơi mà sinh ra đau ốm” (Theo Liwing Well Naturally nguyên-tác Dr.Anthony J. Satilaro / Bản dịch của Ngô Ánh Tuyết & Trương công Thìn).
Khoa-học cũng đã chứng-minh được rằng những sinh-vật trong đó có con người nếu thường-xuyên đặt trong trạng-thái bất-ổn, sợ-hải hay kích-động, tranh-đấu triền-miên, thì mức-đôï bệnh-hoạn sẽ gia-tăng. Khoa-học đã thí-nghiệâm trên những đàn chuột bị nhiễm ung-thư nhanh-chóng khi đặt nó trong một tình-trạng căn-thẳng bất-ổn, nhiều xúc-động mạnh, như ồn-ào hoặc sợ-hải khi phải tiếp-cận với sự đe-doạ của những con thú khác, rất giống như tình-trạng gây chấn-động tâm-thần mà con người chúng ta phải tiếp-cận hiện nay. Nhưng mà ở một đàn khác, cũng với loại chuột đó, đặt trong một môi-trường yên-tỉnh, thoả-mái, thì lại khoẻ-mạnh chóng phát-triển, sức đề-kháng gia-tăng, tỷ-lệ mắc bệnh lại giảm đi.
Bệnh-tật là một trong tứ-khổ của con người, nhưng nhiều trường-hợp có những bệnh nan-y tuyệt-vọng, nhưng đã chữa lành nhờ các phương-pháp tỉnh-tâm, như công-phu lễ-bái, tụng-niệm … hoặc bởi thánh-linh, hoặc thần-lực của các vì Giáo-chủ, hoặc các nhà truyền-giáo đạo-đức cao-siêu, thần-lực thâm-hậu, thậm-chí còn do sự hiệp-tâm cầu-nguyện của nhiều người mà hết bệnh.
Tóm lại việc thực-hiện lễ-bái ngoài sự ích-lợi về mặt tinh-thần, nó còn giúp cho thể-xác được mạnh-khoẻ, tăng-cường sức đề-kháng với bệnh-tật để tạo cho con người một đời sống an-vui tự-tại.
Phật ngôn :
Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm-thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà-đạo, bất đắc kiến Như-lai.
Kinh Kim-cang.
Trong nhiều quyển Kinh thường hay đề-cập đến kết-quả của sự tụng-niệm, như trong thiên đầu cuốn kinh Cảm-ứng của Đức Thái-Thượng có lời khuyên :
“Khuyên đời mỗi ngày tụng một lần thì tiêu tội-lỗi. Giữ theo lời dạy một tháng phước lộc càng bền. Giữ theo được một năm thất tổ được siêu thăng. Giữ được trọn đời thì tên biên vào Tiên-tịch” (Thái-Thượng / Cảm ứng thiên).
Nhiều người tu đã đặt trọn niềm-tin vào lời nói này mà trì-tụng suông kinh Cảm-ứng để cầu mong được như ý-nguyện, nhưng họ đã quên rằng trong những thiên Minh-nghĩa tiếp theo của kinh đã khuyên người tụng kinh phải luôn thực-hành nhiều điều lành, yêu người, thương vật, lo tích-đức bồi-công, như muốn cầu bậc Địa-tiên phải làm ba trăm điều lành, muốn đạt được bậc Thiên-tiên thì phải làm một nghìn ba trăm điều lành. Còn nếu làm điều ác-đức phi-nghĩa thì sẽ gặp tai-hoạ, vì điều hoạ-phước không có cửa, tại mình vời đến, vay trả như bóng với hình (Theo Cảm-ứng kinh diễn- nghĩa).
Trong Kinh Cứu-khổ cũng có những câu đề-cập đến kết-quả tụng-niệm tương-tự như vậy:
“Tụng đắc nhứt thiên-biến, nhứt thân ly khổ-nạn, tụng đắc nhứt vạn biến hiệp gia ly khổ nạn”.
Nhưng cuối cùng cũng có một câu lưu-ý rằng :
“Tín thọ phụng hành” (hãy tin-tưởng và hãy thọ lãnh làm việc lành).
Như vậy việc trì-tụng kinh-nguyện, bất kể kinh nào, cốt để nhắc-nhở người tu luôn nhớ làm điều lành mà thôi, còn nếu tụng kinh mà không thực-hiện theo lời khuyên dạy trong kinh, thể-hiện ra bằng hành-động, thì cũng không có kết-quả, chứ không có kinh nào linh-nghiệm hơn kinh nào, mà linh hay không linh là cốt ở việc làm của người tụng-niệm. Nên chỉ có “tri hành hiệp nhưt” mới có hiệu-quả mà thôi.
Tuy rằng trong tất-cả các tôn-giáo điều khuyên giáo-đồ nên siêng-năng thờ-phượng lễ-bái, cốt để ghi nhớ nhập-tâm điều phải điều lành, hầu không quên dụng-công tu-hành, thể-hiện ra trong nếp sống hàng ngày. Ngay như Đức Hộ-Pháp đã khuyên chúng ta luôn luôn thực-hiện lễ-bái tụng-niệm, xem như là bửa ăn cho linh-hồn, nhưng Đức Ngài luôn luôn nhắc-nhở chúng ta phải chú-trọng vào sự thực-hành, nên đã dạy rằng:
“Đạo chẳng phải nơi lời nói mà tại nơi kết-quả sự thật mình làm. Chẳng phải nơi câu kệ câu kinh mà buộc tại hành-vi người giữ đạo …” (Phương tu Đại-đạo).
Không chỉ mình Đức Hộ-Pháp khuyên chúng ta như vậy, mà Chúa Jésus cũng phán rằng:
“Chẳng phải nói lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được nước Đức Chúa Trời, mà kẻ nào làm theo ý cha Ta trên Trời thì mới vào được nước Người”. (Thánh-kinh Tân-ước).
Người tu dù có tụng kinh, niệm chú bao-nhiêu đi nữa, mà làm điều ác thì kinh chú có linh-nghiệm đến đâu cũng không hoá-giải được, Nên Ngài Tế-Diên Hoà-Thượng đã nói rằng :
“Tụng tận Di-đà kinh, niệm triệt Đại-bi chú, chủng qua hoàn đắc qua, chủng đậu hoàn đắc đậu. Kinh chú bổn từ-bi, oan-kết như hà cứu” (Dù tụng hết bộ kinh Di-đà, niệm suốt bài chú Đại-bi, thì cũng trồng dưa lại được dưa, gieo đậu lại được đậu. Kinh chú vốn từ-bi, nhưng nếu gây ra oan-trái đã cấu-kết thành quả-báo, thì Kinh chú có linh-nghiệm đến đâu cũng không thể cứu vớt được / Minh-tâm bửu-giám).
Như vậy chỉ có việc làm phải, làm lành mới có đủ công-đức để tiêu-trừ được quả-báo của tội-ác mà thôi.
Tóm lại phần sưu-tập trình-bày trên đây cho thấy sự thờ-phụng lễ-bái là một điều-kiện tiên-quyết của người giữ đạo phải có, vì nó có những hữu-ích sau đây:
- Thức-tỉnh nhắc-nhở đạo-hạnh :
Đa số giáo-chúng thường-xuyên bị bận-rộn trong đời sống, nên dễ lãng quên đạo-hạnh, nên mỗi người phải tự nhắc-nhở mình hằng ngày bằng lễ-bái.
- Sự thờ-phụng với tấm lòng kỉnh-thành đó là nơi Đức Chí-Tôn giáng-ngự :
Sự thờ-phụng là một hồng-ân của Đức Chí-Tôn dành cho chúng ta, vì Ngài đã hứa là đến ngự trong nhà chúng ta để giúp-đở khi khốn khó, ách-nạn.
Trong khi lễ-bái tụng-niệm người tu sẽ đạt đến những bước hữu-ích sau đây:
- Bước thứ nhất: Giúp cho người tu chú-tâm vào kinh-nghĩa để tầm-lý, tập-trung tâm-ý vào âm-ba kinh-kệ để gom-thần định-trí, xua tan những vọng-niệm, tà-tâm.
- Bước thứ hai: Khi tư-tưởng đã chánh-niệm, sẽ dắc-dẫn người tu đến tư-tưởng thanh-cao, hành-động thánh-thiện khiến tri hành sẽ hiệp nhất sáng chói cả hai.
- Bước thứ ba: Khi người tu đạt đến trạng-thái siêu ý-thức, tức là tinh-thần được đại-định, thì sẽ quên hẳn các âm-ba kinh-kệ, hoà-nhập vào giòng thần-lực vô-biên của Thượng-Đế, họ sẽ trở thành một đường vận-hà (cana: kênh) tiếp-nhận nguồn thần-lực của Thượng-Đế ban-rải xuống trần-gian, để có thể thức-tỉnh sanh-chúng.
Lễ-bái đối với một giáo-đồ là món ăn tinh-thần, bởi vì thể xác phải ăn mới sống, thì linh-hồn cũng phải ăn mới tăng-trưởng và tồn-tại, thức ăn của linh-hồn là sự thanh-tĩnh và những cảm-xúc thánh-thiện tích-cực mà chúng ta phải cung-cấp cho nó được no đủ trong những giờ công-phu lễ-bái. Trên đây là về phần tâm-pháp, còn sự thực-hiện lễ-bái chuyên-cần cũng sẽ đem lại sự hữu-ích cho thể-chất:
- Cơ-thể được thư-giản:
Khi thực-hiện lễ-bái là một hình-thức luyện-thân, luyện-tức và luyện-tâm theo khoa khí-công gọi là luyện “tam điều hợp nhất”, nếu thực-hiện nghiêm-túc thì sau giờ công-phu sẽ cảm thấy thư-thái hoàn-toàn.
- Tăng-cường sự hấp-thu chuyển-hoá trong cơ-thể: Về phương-diện y-học đã chứng-minh cho thấy khi thực-hiện lễ-bái tỉnh-tâm, tinh-thần sẽ ổn-định giúp cơ-thể tăng-cường sự hấp thu chuyển-hoá, khiến gia-tăng sức đề-kháng chống-đở bệnh-tật. Nên việc thực-hiện lễ-bái ngoài sự ích-lợi về mặt tinh-thần, nó còn giúp cho thể-xác được mạnh-khoẻ, tránh bệnh-tật để tạo cho con người một đời sống an-vui tự-tại.
Sự thờ-phượng, lễ-bái, tụng-niệm còn một yếu-nhiệm là nhắc-nhở người tu nhập-tâm điều phải điều lành hầu không quên thể-hiện ra trong hành-động hàng ngày:
Các tôn-giáo đều dạy giáo-đồ nên siêng-năng thực-hiện việc thờ-phượng, lễ-bái, tụng-niệm một cách nhớ nhập-tâm điều phải điều lành, hầu không quên dụng-công tu-hành thể-hiện ra trong nếp sống hàng ngày. Vì nếu lễ-bái, tụng-niệm chuyên-cần, mà không thể-hiện ra bằng hành-động thánh-thiện thì cũng phiến-diện, nên chỉ có sự “tri hành hành hiệp nhưt” mới có hiệu-quả toàn-diện mà thôi.
Ngay như Đức Hộ-Pháp đã khuyên chúng ta luôn luôn thực-hiện lễ-bái tụng-niệm, xem như là bửa ăn cung-cấp cho linh-hồn, nhưng Đức Ngài cũng luôn nhắc-nhở chúng ta phải chú-trọng vào sự thực-hành.
Nên Đức Phật đã dạy rằng: Người theo Đạo mà chỉ chú-trọng phần âm-thanh sắc-tướng thì cũng xem như là người hành tà-đạo,
“Lấy sắc tướng để mong nhìn thấy ta, dùng âm thanh để cầu-khẩn ta, đó là người làm điều tà đạo, không thể tìm thấy Như-lai” (Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà-đạo, bất đắc kiến Như-lai / Kinh Kim-cang)
Ngược lại nếu người tu không thực-hiện sự thờ-phượng, lễ-bái tụng-niệm, hầu nhắc-nhở đạo-tâm hằng ngày, thì cũng như lời Đức Lão-Tử đã dạy: “Kẻ ít học nghe đạo thì chợt nhớ chợt quên” (Hạ sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong) Lão-tử / Đạo-đức kinh.
Đại đa số giáo-chúng nằm trong tầng lớp ít học này, nên sự “chợt nhớ chợt quên” rốt cuộc cũng sẽ đưa con người đến lơ-là việc làm phải làm lành, rồi bỏ đạo mà sa vào tội-lỗi. Nên Đạo-thơ đã dạy rằng:
“Nghìn năm gỏ mỏ không tìm hiểu,
Chín kiếp khua chuông cũng uổng công.
Cho nên người đạo cần phải luôn nhớ rằng hình-thức thờ-phụng và nghi-lễ mặc dầu là tuyệt-đối cần-thiết cho một linh-hồn đang tiến-triển, đó là một tiến-trình tinh-tấn liên-tục để đưa người tu đạt đến giác-ngộ, thật ra không có giá-trị nào khác hơn là dắt-dẫn chúng ta đến một trạng-thái mà trong đó con người sẽ có được một cảm-giác yêu-thương Thượng-Đế mãnh-liệt nhất.
Như vậy song song với sự thờ-phụng, lễ-bái, tụng-niệm, người tu cần phải thể-hiện bằng việc làm đạo-đức, thì mới đạt được tất-cả phần tâm-pháp mầu-nhiệm ẩn-chứa bên trong.
CHUNG
TƯ-LIỆU THAM-KHẢO
- Thánh-ngôn Hiệp tuyển các Quyển 1 & 2..
- Tân-luật.
- Kinh-thánh Tân-ước.
- Lão-tử Đạo-đức kinh.
- Kinh-dịch.
- Thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp các quyển 1,2,3,4,5,6.
- Đại-thừa Chơn-giáo.
- Nữ trung tùng phận.
- Luận-ngữ.
- Mạnh tử.
- Vui sống tự-nhiên (Living Well Naturally/ Nguyên tác Anthony J. Sattilaro, Tom Monte / bản dịch Ngô Ánh Tuyết & Trương-công-Thìn).