Giải Nghĩa KINH THIÊN ÐẠO & THẾ ÐẠO

 

MỤC LỤC

► Phần Giới Thiệu
► Kinh Thiên Ðạo
► Kinh Thế Ðạo
►Tìm nghĩa các chữ khó trong Kinh

Kinh Ðệ Ngũ Cửu


 

Kinh Ðệ Ngũ Cửu

(Giọng Nam xuân)

 

1. Ánh hồng chiếu đường mây rỡ rỡ.
2. Cõi Xích Thiên vội mở ải quan.
3. Thiên Quân diêu động linh phan.
4. Cả miền Thánh vức nhộn nhàng tiếp nghinh.
5. Ðài Chiếu Giám Cảnh Minh nhẹ bước,
6. Xem rõ ràng tội phước căn sinh.
7. Lần vào Cung Ngọc Diệt Hình,
8. Khai Kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên.
9. Ðắc văn sách thông Thiên định Ðịa,
10. Phép huyền công trụ nghĩa hóa thân.
11. Kỵ Kim quang kiến Lão Quân.
12. Dựa xe Như Ý, Oai Thần tiễn thăng.
  (Niệm Câu Chú của Thầy 3 lần)

 

GIẢI NGHĨA

Kinh Ðệ Ngũ Cửu do Ngũ Nương DTC giáng cơ ban cho. Ngũ Nương có nhiệm vụ hướng dẫn các chơn hồn lên từng Trời Xích Thiên. Gọi là Xích Thiên bởi vì ở từng Trời nầy, ánh sáng đều có màu hồng. Xích là màu hồng.

 

Câu 1: Ánh hồng chiếu đường mây rỡ rỡ.

Ánh hồng: Ánh sáng màu hồng. Chiếu: Rọi sáng. Ðường mây: Ðường đi trên mây. Rỡ rỡ: Sáng ngời, rực rỡ.

C.1: Ánh sáng hồng chiếu rực rỡ con đường đi trên mây.

 

Câu 2: Cõi Xích Thiên vội mở ải quan.

Xích: Màu hồng. Xích Thiên: Từng Trời có ánh sáng màu hồng. Ðó là từng Trời thứ 5 trong Cửu Trùng Thiên. Ải quan: Cửa ải, cửa ngõ ra vào đặt tại biên giới của một nước.

C.2: Cửa ải đi vào từng Trời Xích Thiên vội vàng mở ra.

 

Câu 3: Thiên Quân diêu động linh phan.

Thiên Quân: Vị tướng Trời. Diêu động: Dao động, chuyển động đưa qua đưa lại một cách đều đặn. Linh phan: Cây Phướn linh. Phan là cây Phướn. Linh là thiêng liêng.

C.3: Một vị Thiên Quân cầm cây phướn linh đưa qua đưa lại làm hiệu lịnh.

 

Câu 4: Cả miền Thánh vức nhộn nhàng tiếp nghinh.

Thánh vức: Vức tức là Vực, là một vùng đất. Thánh vức là vùng đất Thánh. Thánh vức đồng nghĩa với Thánh địa.

Nhộn nhàng: Nhộn nhịp, rộn rịp, đông đảo nhiều người vui vẻ lăng xăng công việc. Tiếp nghinh: Ðón rước tiếp đãi.

C.4: Cả miền đất Thánh nhộn nhịp đón rước và tiếp đãi.

 

Câu 5-6: Ðài Chiếu Giám Cảnh Minh nhẹ bước,
Xem rõ ràng tội phước căn sinh.

Ðài: Nơi xây cao lên. Chiếu: Soi rọi. Giám: Tấm kiếng, gương soi. Ðài Chiếu Giám: là một cái đài trên đó có đặt một tấm kiếng lớn mà phép huyền diệu TL cho thấy trở lại tất cả việc làm, lời nói của mỗi Chơn hồn trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, khi Chơn hồn đứng trước tấm kiếng ấy, để cây Cân Công Bình TL cân tội phước mà định phận: Thăng hay đọa. Ðài Chiếu Giám còn được gọi là Minh Cảnh Ðài. Minh là sáng, Cảnh còn đọc là Kính: Tấm kiếng dùng làm gương soi.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về Minh Cảnh Ðài như sau: "Ðài ấy là Tòa Tam Giáo, chúng ta không thấy cái trạng thái hình thể nó ra sao. Khi chúng ta đến, hào quang chiếu diệu xông lên như ngọn lửa vậy. Lửa ấy chẳng phải lửa thật, nó là hào quang, cho ta thấy trước rồi biến mất đi, kế thấy một cây Cân Công Bình hiện ra trước mắt chúng ta, rồi cũng từ từ biến mất. Chúng ta thấy mình chẳng khác nào như khán giả đứng trước đài kia coi cả kiếp sanh của chúng ta, không điều gì sót, phải chăng nơi ấy Kinh Phật gọi là Minh Cảnh Ðài? Trước mặt chúng ta, khi trước chúng ta làm những việc gì, nay nó chiếu lại cho xem, chẳng khác gì như mình xem tuồng hát bóng vậy. Mỗi khi mình hành động gì trong kiếp sanh khi xưa, hôm nay đều ngó thấy trước mặt, và Cân ấy tùy theo nên hư tội phước mà hiện tượng ra hết thảy, quyết đoán một cách công bình, không sai chút nào hết. Phải chăng đó là huyền bí của Tòa TL ấy? Vậy hành tàng đã có trước mặt, Luật Tam giáo chẳng hề sai chạy. Kiếp sanh đã làm gì, Ðời hay Ðạo, mặt TL không sót một điều."

Căn sinh: Căn là gốc rễ, sinh là sống. Căn sinh là chỉ tất cả lời nói, việc làm trong suốt một kiếp sống nơi cõi trần.

C.5-6: Chơn hồn nhẹ nhàng bước lên Ðài Chiếu Giám (còn gọi là Minh Cảnh Ðài) để xem lại một cách rõ ràng có bao nhiêu tội và phước mà Chơn hồn đã gây ra trong suốt kiếp sống nơi cõi trần.

 

Câu 7-8: Lần vào Cung Ngọc Diệt Hình,
Khai Kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên.

Lần vào: Ði lần vào trong. Khai: Mở ra.

Kinh Vô Tự: Quyển Kinh không chữ. Ðây là một quyển Kinh rất huyền diệu nơi cõi thiêng liêng, bởi vì khi Chơn hồn đến đứng trước quyển Kinh ấy, lật ra xem thì chữ bắt đầu hiện ra trên các trang giấy trắng, thấy rõ tên tuổi và tất cả việc làm trong kiếp sanh của Chơn hồn nơi cõi trần.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo Con đường TLHS, nói về Vô Tự Kinh như sau:

"Nếu khi vô được rồi, thân nhân chúng ta dắt chúng ta đến một Cung có một quyển sách Thiên Thơ gọi là Vô Tự Kinh, để trước mặt chúng ta, dở ra xem, thấy tên mình và kiếp sanh của mình đã làm gì, nó hiện ra đủ hết trong quyển Thiên Thơ ấy. Vị Chưởng quản Cung ấy gọi là Nam Tào Bắc Ðẩu. Nơi Nam Tào Bắc Ðẩu, không có ai trị ta hết, chính ta trị lấy ta. Sau khi xem xong quyển Vô Tự Kinh, ta thấy hết hành tàng của ta thì ta định kiếp cho ta, chính Chơn thần định án ta, chớ không ai định án ta hết, nên dầu ta muốn chối tội cũng không được. Cái bí mật vô đối cầm quyền cả CKVT là như vậy: Chính mình làm tòa xử lấy mình."

Quả duyên: Quả là cái kết quả, duyên là cái sức bổ trợ cho cái Nhân thành thành cái Quả. Quả duyên là cái kết quả do sự bổ trợ của cái duyên mà đạt được, tức là cái phẩm vị đạt được do công đức tu hành.

C.7-8: Chơn hồn đi lần vào trong đến Cung Ngọc Diệt Hình, mở quyển Vô Tự Kinh thì chữ mới hiện ra, chép rõ tất cả lời nói, hành vi của Chơn hồn trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, nhờ đó Chơn hồn nhìn thấy được phẩm vị của mình.

 

Câu 9: Ðắc văn sách thông Thiên định Ðịa,

Ðắc: Ðược. Văn sách: Văn là lời văn, sách là quyển sách. Văn sách là lời văn viết trong quyển sách.

Thông Thiên định Ðịa: Thông suốt các việc ở trên Trời, định rõ các việc ở dưới đất tức là quyết định được các việc nơi cõi trần. Như vậy Chơn hồn đã có được trí huệ và Thần thông.

C.9: Chơn hồn được một quyển sách, học trong đó thì thông suốt các việc trên Trời và định được các việc nơi cõi trần, tức là Chơn hồn đạt được trí huệ và Thần thông.

 

Câu 10: Phép huyền công trụ nghĩa hóa thân.

Phép huyền công: Công phu tu luyện đạt được các phép tắc biến hóa huyền diệu. Thí dụ như Tề Thiên Ðại Thánh trong Truyện Tây Du học được Thất thập nhị Huyền công, tức là 72 phép biến hóa huyền diệu.

Trụ nghĩa: Trụ là ở, còn đấy; Nghĩa là điều phải đúng theo đạo lý. Trụ nghĩa là ở nơi điều nghĩa. Hoá thân: Biến hóa thân mình bằng cách dùng phép thuật huyền diệu.

C.10: Các phép huyền công biến hóa thân mình được xử dụng ở nơi điều nghĩa.

 

Câu 11: Kỵ Kim quang kiến Lão Quân.

Kỵ: Cỡi. Kim quang: Lằn ánh sánh vàng. Kỵ Kim quang: Cỡi trên lằn ánh sáng vàng, ý nói đứng trên lằn ánh sáng vàng để nó đưa đi. (Giống như C.8 KÐ2C: Kim quang kiệu đỡ ). Kiến: Thấy, gặp.

C.11: Ðứng trên lằn ánh sáng vàng để nó đưa mình đến bái kiến Ðức Thái Thượng Lão Quân.

 

Câu 12: Dựa xe Như Ý, Oai Thần tiễn thăng.

Xe Như Ý: Chiếc xe Tiên, mà người ngồi trên đó muốn đi đến đâu thì nó sẽ đưa đến đó đúng như ý muốn.

Oai Thần: Các vị Thần oai vệ. Tiễn thăng: Ðưa tiễn bay lên. Tiễn là đưa lên đường, thăng là bay lên.

C.12: Nhờ chiếc xe Như Ý đưa mình đi lên đúng theo ý muốn, có các vị Oai Thần tiễn đưa bay lên.

Xem tiếp giải nghĩa Kinh Tận độ Vong linh: Kinh Ðệ Lục Cửu

TKPÐ, ÐÐTKPÐ, CKVT,... xin xem "Những chữ viết tắt"

[ Hình Bìa ]

Last changed: 27-06-2003