Giải Nghĩa KINH THIÊN ÐẠO & THẾ ÐẠO

 

MỤC LỤC

► Phần Giới Thiệu
► Kinh Thiên Ðạo
► Kinh Thế Ðạo
►Tìm nghĩa các chữ khó trong Kinh

Kinh Sám Hối


 

241. Ðời nhiều kẻ khi Thần thị Thánh,
Ám muội lòng, tánh hạnh gổ ganh.
Thấy ai làm phải làm lành,
Xiểm gièm cho đặng khoe danh của mình.
245. Lại còn có tánh tình hiểm độc,
Xúi phân chia thân tộc ruột rà.
Làm cho chồng vợ lìa xa,
Cả đời nghiệt báo, oan gia chẳng rời.

CHÚ THÍCH

Khi Thần thị Thánh: Khi thị Thần Thánh. Khi thị là khinh rẻ, coi thường. Ám muội: Ám là không rõ ràng, muội là tối tăm. Ám muội lòng là lòng dạ đen tối.

Gổ ganh: Gây gổ vì ganh tỵ ghen ghét.

Xiểm gièm: Xiểm là dua nịnh, gièm là nói xấu người khác để làm cho người ta mất uy tín. Xiểm gièm hay Gièm siểm là nịnh hót và nói xấu kẻ khác để lợi mình hại người.

Hiểm độc: Nham hiểm độc ác, sâu độc.

Câu 246: Xúi giục làm cho anh em ruột hay bà con ruột thịt gây gổ đánh nhau, thưa kiện nhau, khiến cho tình ruột thịt phải chia lìa.

Nghiệt báo: Nghiệt là nghiệp ác, báo là đáp lại. Nghiệt báo là cái nghiệp ác báo đáp lại, bằng những tai họa, bệnh tật, đau khổ triền miên.

Oan gia: Oan là thù giận, gia là người. Oan gia là người có mối thù giận với mình.

Câu 248: Suốt đời bị nghiệp ác báo đáp lại, và bị những người thù giận theo phá hại chẳng dứt.

 

249. Muốn tránh đặng khỏi nơi tội quá,
Lánh kẻ tà, chẳng khá nên gần.
Thí tiền thí bạc, chẩn bần,
Người đau thí thuốc, Thánh Thần phước ban.
253. Ðêm thanh vắng chớ toan mưu dối,
Xúi trẻ thơ lầm lỗi ngỗ ngang.
Âm đài gông tróng sẵn sàng,
Chờ khi thác xuống, cổ mang hành hình.

CHÚ THÍCH

Tội quá: Quá là lỗi lầm. Tội quá là tội lỗi.

Thí: Ðem cho để giúp đỡ. Thường nói: Bố thí.

Thí tiền thí bạc: Ðem tiền bạc đến cho để giúp đỡ.

Chẩn bần: Chẩn là cứu giúp, bần là nghèo. Chẩn bần là cứu giúp người nghèo bằng cách đem tiền bạc, vật thực, thuốc men, quần áo, mùng mền đến cho.

Ngỗ ngang: Ngỗ là ngạo ngược, ngang là bướng bỉnh. Ngỗ ngang là bướng bỉnh, làm điều ngược ngạo, sái quấy.

Âm đài: Lầu đài nơi Âm phủ, nơi làm việc của Thập Ðiện Diêm Vương. Âm đài đồng nghĩa Âm cung, Âm Ty.

Gông tróng: Gông là cái khung gỗ nặng để tròng vào cổ tội nhân. Tróng là cái cùm để khóa chân tội nhân.

Cổ mang hành hình: Cho mang gông vào cổ để hành hình tội nhân.

KHẢO DỊ:

- KSH. MLÐ, Kinh NQ, Kinh TÐ-TÐ 1974, 1975:

  • cổ mang hành hình.

- Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968:

  • hổ mang hành hình.

 

257. Các thơ truyện huê tình xé hủy,
Kẻo để đời làm lụy luân thường.
Nói lời tục tĩu không nhường,
Tội hành cắt lưỡi, trăm đường ghê thay!
261. Lại có kẻ miệng ngay lòng vạy,
Tởi làm chùa, dối cậy in kinh.
Ăn gian xới bớt cho mình,
Dầu qua dương pháp, luật hình Diêm Vương.

CHÚ THÍCH

Truyện huê tình: Sách truyện nói về việc nam nữ tình tự lãng mạn, đồi trụy, ngoài vòng lễ giáo, làm hại nề nếp gia đình. Kẻo: Chớ bị mắc phải. Làm lụy: Làm hại.

Luân thường: Phép tắc cư xử phải tuân theo thì mới hợp lẽ phải và đạo đức. Tội hành: Có tội nên bị hành hình.

Tởi làm chùa: Ði khuyên người ta đóng góp tiền bạc hay vật liệu để cất chùa, lên cốt Phật, hay ấn tống kinh sách.

Dối cậy in kinh: Cậy vào việc in kinh sách mà làm điều gian dối, như tiền in có một mà nói lên hai để ăn lời.

Dương pháp: Pháp luật của cõi dương gian.

Luật hình Diêm Vương: Luật pháp về hình phạt của Thập Ðiện Diêm Vương nơi cõi Âm phủ.

Câu 264: Dù cho có qua mặt được luật pháp nơi thế gian, chớ làm sao qua được luật pháp của Diêm Vương.

KHẢO DỊ:

- KSH. MLÐ:

  • Ðâu qua dương pháp, luật hình Diêm Vương.

- Kinh NQ, Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974, 1975:

  • Dầu qua dương pháp, luật hành Diêm Vương.

 

265. Thêm những sãi giả nương cửa Phật,
Của thập phương châu cấp thê nhi.
Ngày sau đọa lạc Âm Ty,
Thường thường khảo kẹp chẳng khi nào rời.
269. Thấy giấy chữ rớt rơi lượm lấy,
Ðốt ra tro bỏ chảy dòng sông.
Thủy triều vận tải biển đông,
Lòng hằng dường ấy, phước đồng ăn chay.

CHÚ THÍCH

Sãi: Thầy chùa, người đàn ông xuất gia tu ở chùa.

Của thập phương: Tiền bạc của bổn đạo khắp nơi (mười phương) dâng cúng cho chùa.

Châu cấp: Giúp cho đầy đủ để bảo đảm cuộc sống.

Thê nhi: Vợ con. Thê là vợ, nhi là con.

Ðọa lạc: Ðọa là phạt xuống cõi thấp kém khổ sở, lạc là rơi rụng. Ðọa lạc là phạt rơi xuống cõi thấp kém khổ sở.

Âm Ty: Ty là cơ quan làm việc. Âm Ty là cơ quan làm việc nơi cõi Âm phủ, chỉ cõi Âm phủ.

Hai câu 269-270: Người xưa quan niệm rằng chữ viết trên giấy là chữ của Thánh Hiền, không được chà đạp hay để rơi rớt vào chỗ dơ dáy. Cần phải lượm gom lại rồi đốt ra tro, đổ tro ấy xuống sông, như vậy mới đặng phước.

Thủy triều: Hiện tượng nước sông hay nước biển lên xuống hai lần trong 1 ngày đêm. Thủy triều có được là do sức hút của mặt trăng và mặt Trời lên nước biển.

Phước đồng ăn chay: Làm được việc ấy thì có phước đức bằng với việc ăn chay.

 

273. Chịu cực khổ đắng cay biết mấy,
Cuốc, cày, bừa, gieo, cấy, gặt, đong,
Làm ra lúa gạo dày công,
Dầm mưa dan nắng kẻ nông nhọc nhằn.
277. Nhờ Viêm Ðế đức cao ân nặng,
Tìm lúa khoai, người đặng no lòng.
Ngày ngày vọng niệm chớ vong,
Chẳng nên hủy hoại mới phòng khỏi hoang.

CHÚ THÍCH

Viêm Ðế: Hiệu của vua Thần Nông thời cổ nước Tàu. Vua Thần Nông (2737-2697 trước Tây lịch), con của Thiếu Ðiền và Bà An Ðăng. Bà nằm mộng thấy rồng đoanh rồi sanh ra Ngài tại thạch thất trong núi Liệt sơn. Vua Thần Nông có khổ người to lớn, được tôn lên làm vua, lấy Hỏa đức cai trị dân chúng, được thiên hạ phục tùng, long chầu hổ bái.

Vua Thần Nông thấy dân giết hại thú vật để ăn thịt quá nhiều, lòng chẳng nỡ, liền tìm kiếm các giống ngũ cốc, dạy dân cày cấy gieo trồng để dùng làm lương thực.

Vua Thần Nông thấy dân bịnh hoạn, nên ra công tìm kiếm các thảo mộc có vị thuốc trị bịnh cho dân.

Cho nên, vua Thần Nông là tổ sư của nghề nông và cũng là tổ sư của nghề chế tạo thuốc trị bịnh.

Ngài băng tại Trường Sa, thọ 140 tuổi, làm vua 40 năm.

Vọng niệm: Vọng là trông mong, niệm là tưởng nghĩ tới. Vọng niệm là trông mong và tưởng nghĩ tới. Vong: Quên.

Mới phòng khỏi hoang: Mới đề phòng khỏi bị lãng phí.

 

281. Chớ hiểm độc, dạ lang lần lựa,
Nhơn thất mùa, bế vựa gắt gao.
Chờ khi lúa phát giá cao,
Khai ra bán mắc, Trời nào dung cho.
285. Ơn trợ giúp khá lo đền báo,
Giữ vẹn tròn nghĩa đạo với đời.
Túng cùng vay mượn của người,
Vui lòng tính trả vốn lời cho kham.

CHÚ THÍCH

Hiểm độc: Nham hiểm độc ác.

Dạ lang: Lòng dạ hiểm độc như lang sói. Dạ là lòng dạ, lang là con chó sói.

Lần lựa: Kéo dài thời gian để chờ lúc thuận tiện.

Thất mùa: Mất mùa lúa vì bị thiên tai.

Bế vựa gắt gao: Ðóng cửa vựa lúa một cách khắt khe nghiêm nhặt để tích trữ và đầu cơ lúa gạo.

Bốn câu từ 281 đến 284: Nói về người đầu cơ tích trữ lúa gạo. Ðó là người có lòng dạ hiểm độc như lang sói, lần lừa chờ đợi cơ hội, nhân khi dân bị mất mùa, thì đi mua gom lúa gạo giấu vào kho thật kỹ, chờ khi lúa phát giá cao, mở kho bán mắc, thu lãi thật nhiều, ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi. Người độc ác như vậy, Trời nào dung cho!

Ðền báo: Ðền đáp trở lại.

Nghĩa đạo: Ðạo nghĩa, đường lối cư xử hợp đạo đức và lẽ phải.

Kham: Chịu đựng nổi.

 

289. Chớ oán chạ, tham lam ngược ngạo,
Bội nghĩa ân, trở tráo chước sâu.
Luân hồi thưởng phạt rất mầu,
Chuyển thân tái thế, ngựa trâu công đền.
293. Người phú túc vun nền âm đức,
Lấy lòng nhơn giúp sức trợ nghèo.
Chớ sanh chước hiểm hẹp eo,
Lời tăng quá vốn, kẻ nghèo xiết than.

CHÚ THÍCH

Oán chạ: Thù oán bậy bạ, không lý do chánh đáng.

Bội: Phản bội. Trở tráo: Thay đổi đen trắng dễ dàng.

Luân hồi: (Xem C. 6 KGO).

Rất mầu: Rất mầu nhiệm, rất huyền diệu.

Tái thế: Ðầu kiếp xuống trần một lần nữa. Tái là làm lại một lần nữa. Thế là đời, cõi trần.

Chuyển thân tái thế: Chuyển qua một xác thân mới để đầu kiếp xuống trần một lần nữa. Ngựa trâu công đền: Làm thân trâu ngựa để lấy công đền tội.

Phú túc: Phú là giàu, túc là đủ. Người phú túc là người giàu có đầy đủ. Vun: Bồi đắp thêm.

Âm đức: Việc làm lương thiện tạo ra phước đức mà không khoe khoang, chỉ có Thần Thánh chứng biết.

Lòng nhơn: Lòng nhơn từ thương người mến vật.

Chước hiểm: Mưu kế sâu độc nguy hiểm.

Câu 296: Cho vay tiền với mức lãi quá cao, tiền lời nhiều hơn tiền vốn, kẻ nghèo kêu than không kể hết.

 

297. Làm mặt phải bạc ngàn cúng Phật,
Ép kẻ nghèo cố đất cầm vườn.
Phật Trời nhơn vật đồng thương,
Có đâu hưởng của bất lương mà mời.
301. Phận làm chủ lấy lời nhỏ nhẹ,
Mà nghiêm trừng mấy kẻ tôi đòi.
Ðừng lòng nham hiểm hẹp hòi,
Buông lời chửi rủa, đòn roi không từ.

CHÚ THÍCH

Làm mặt phải: Làm ra vẻ bề ngoài như là người biết lo làm điều phải, biết mến chuộng đạo đức tu hành.

Cố đất cầm vườn: Ðem giấy tờ chủ quyền vườn đất giao cho người giàu cầm giữ để xin vay tiền. Nếu quá kỳ hạn không đem tiền đến trả cả vốn lẫn lời thì vườn đất bị mất luôn vào tay chủ nợ.

Câu 298: Ép buộc người nghèo lúc thắt ngặt cần tiền thì đem vườn đất cầm cố cho mình. Nhơn vật: Người và vật.

Câu 299: Trời và Phật đều thương yêu người và loài vật một cách đồng đều như nhau.

Câu 300: Ðem của bất lương cúng Phật, Phật đâu có chứng mà mời.

Nghiêm trừng: Trừng trị một cách nghiêm khắc.

Tôi đòi: Ðầy tớ trong nhà, tức là những người được chủ nhà mướn để chủ nhà sai phái làm công việc trong nhà.

Nham hiểm: Ðộc ác một cách sâu kín, được che đậy khéo léo, rất khó biết được. Không từ: Không chừa ra.

 

305. Tánh ác độc, tội dư tích trữ,
Chốn Âm Cung luật xử nặng nề.
Ðánh đòn khảo kẹp gớm ghê,
Hành hình khổ não chẳng hề nới tay.
309. Miền Âm cảnh nhiều thay hình lạ,
Cõi dương trần tội quá dẫy đầy.
Thánh Hiền kinh sách dạy bày,
Lòng người ám muội, lỗi gây ra hoài.

CHÚ THÍCH

Tội dư: Tội lỗi nhiều quá đến độ dư thừa.

Âm Cung: Cung điện ở cõi Âm phủ, nơi làm việc của Thập Ðiện Diêm Vương cai quản 10 cửa Ðịa ngục.

Luật xử: Chiếu theo luật pháp mà xét xử và định án.

Hành hình: Thi hành các hình phạt trừng trị tội nhân.

Nới tay: Nới lỏng tay ra, ý nói giảm bớt khắt khe.

Câu 308: Ý nói: Nơi Ðịa ngục Vô gián, tội nhân bị hành hình chẳng hề gián đoạn, hết sống rồi chết, hết chết rồi sống, bị hành khổ não luôn luôn.

Âm cảnh: Cõi Âm phủ. Hình lạ: Hình phạt lạ lùng.

Dương trần: Cõi thế gian, cõi của nhơn loại đang sống

Tội quá: Tội lỗi nói chung. Quá là lầm lỗi.

Thánh Hiền: Bực Thánh, bực Hiền. Thánh thì có trí tuệ sáng suốt, Hiền là người có tài đức vượt hẳn mọi người. Ðạo Cao Ðài có Tam thập lục Thánh (36 vị Phối Sư), Thất thập nhị Hiền (72 vị Giáo Sư).

Ám muội: Ám là tối mờ, không rõ ràng, muội là tối tăm. Ám muội là tối tăm. Lòng ám muội là lòng dạ tối tăm.

 

313. Kẻ lỗ mãng chê bai khinh dể,
Rằng thác rồi còn kể ra chi.
Nhãn tiền trả quả tức thì,
Tội dư con cháu một khi đền bồi.
317. Chớ quấy tưởng luân hồi phi lý,
Mà hung hăng chẳng nghĩ chẳng suy.
Thi hài như gỗ biết gì,
Linh hồn là chủ thông tri việc đời.

CHÚ THÍCH

Hai câu 313-314: Kẻ lỗ mãng, không tin có linh hồn, chê bai khinh rẻ tôn giáo, cho rằng con người chết rồi là hết, không còn gì tồn tại để nói nữa.

Ðấng Thượng Ðế dùng hiện tượng Cơ Bút mở Ðạo Cao Ðài kỳ nầy là để chứng minh cho nhơn loại thấy rằng:

  1. Có sự hiện hữu của Thượng Ðế, Ðấng sáng tạo ra CKVT và vạn vật.

  2. Con người có linh hồn. Linh hồn đích thực là chủ nhân của thể xác. Thể xác chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại, xuất ra khỏi thể xác, đi lên cõi thiêng liêng.

  3. Có thế giới vô hình, đó là cõi sống của linh hồn và của các Ðấng Thần Thánh Tiên Phật.

Nhãn tiền: Ngay trước mắt. Trả quả: Ðền trả cái kết quả báo đáp lại do các việc làm ác độc thuở trước. Phi lý: Không có lý. Thi hài: Thể xác con người. Thông tri: Biết rõ.

Câu 316: Ðã trả quả rồi mà chưa trừ hết tội, số tội còn dư lại đó thì con cháu phải đền trả đến hết mới thôi.

 

321. Lúc chung mạng, dứt hơi hồn xuất,
Quỉ Vô thường sẵn chực đem đi.
Dắt hồn đến chốn Âm Ty,
Xét xem công quả chẳng ly mảy hào.
325. Người lương thiện ra vào thong thả,
Kẻ tội nhiều đày đọa rất minh,
Phật Trời phép lạ hiển linh,
Hành cho tan xác, huờn hình như xưa.

CHÚ THÍCH

Chung mạng: Mạng sống chấm dứt, tức là chết.

Dứt hơi hồn xuất: Thể xác chết thì linh hồn xuất ra.

Quỉ Vô thường: Loài quỉ luôn luôn biến đổi hình dạng, có nhiệm vụ dẫn linh hồn người chết xuống cõi Ðịa ngục cho Diêm Vương tra xét công và tội để xử đoán.

Chẳng ly mảy hào: Chẳng lìa ra một chút thật nhỏ, ý nói chẳng sơ sót một chút nào.

Công quả: Những việc làm thiện, giúp người giúp đời, giúp đạo, sẽ hưởng được kết quả tốt đẹp về sau.

Tan xác: Tan là tan nát, xác là xác thân. Tan xác là xác thân tan nát. Hành cho tan xác: Hành hình cho đến khi xác thân tan nát mới thôi. (Xem Chú thích Câu 348)

Huờn hình: Cho trở lại hình hài (xác thân TL) như xưa.

KHẢO DỊ:

- KSH. MLÐ:

  • Hành cho tán giác.

- Kinh NQ, Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936:

  • Hành cho tan giác.

- Kinh TÐ-TÐ 1968, 1974, 1975:

  • Hành cho tan xác.

Tán giác đồng nghĩa Tan giác.Tán hay Tan là tiêu tan, giác là sự hiểu biết..

 

329. Con bất hiếu, xay, cưa, đốt, giã,
Mổ bụng ra phanh rã tim gan.
Chuyển thân trở lại trần gian,
Sanh làm trâu chó đội mang lông sừng.
333. Kìa những gái lẫy lừng hạnh xấu,
Bỏ vạc đồng đốt nấu thảm kinh.
Vì chưng trinh tiết chẳng gìn,
Có chồng còn lại ngoại tình với trai.

CHÚ THÍCH

Giã: Bỏ vào cối rồi dùng chày đập cho nát.

Phanh rã: Dùng dao xẻ cho rã ra nhiều miếng nhỏ.

Hai câu 331 -332: Cho luân hồi chuyển kiếp trở lại cõi trần, đầu thai làm thân trâu chó đội sừng mang lông để đền bồi tội lỗi.

Lẫy lừng: Tiếng tăm vang dội.

Vạc đồng: Cái chảo lớn làm bằng đồng thau.

Thảm kinh: Thảm khốc, kinh khủng, rất ghê sợ.

Vì chưng: Vì bởi, tại vì.

Trinh tiết: Tiết là lòng cứng cỏi không chiụ khuất, trinh là lòng trong sạch của vợ đối với chồng. Trinh tiết là lòng chung thủy của vợ đối với chồng.

Ngoại tình: Có quan hệ yêu đương bất chánh với người ngoài khi đã có vợ hoặc có chồng.

 

337. Kẻ tham lợi cột mai cột mối,
Chuốt trau lời giả dối ngọt ngon.
Dỗ dành rù quến gái non,
Làm hư hoại tiết cháu con nhà người.
341. Lòng lang độc vui cười hớn hở,
Chốn Diêm đình phạt quở trừng răn.
Gông kềm khảo kẹp lăng xăng,
Hành cho đáng kiếp tội căn đã làm.

CHÚ THÍCH

Cột mai cột mối: Kẻ làm mai làm mối cột buộc vào. Nhà có con gái đẹp mà nghèo thường bị những bà chuyên làm mai mối đến gạ gẫm, nói lời giả dối ngon ngọt, dụ dỗ gả bán cho nhà giàu làm hầu thiếp, để họ được hưởng tiền môi giới.

Rù quến: Dụ dỗ quyến rũ. Gái non: Con gái mới lớn lên chưa đủ khôn ngoan kinh nghiệm.

Làm hư hoại tiết: Làm cho hư hỏng cái khí tiết của con người hay cái tiết trinh của con gái. Hoại là hư hỏng.

Lòng lang độc: Lòng độc ác như lang sói. Lang là chó sói, thường nói là Lang sói.

Diêm đình: Triều đình của Diêm Vương ở cõi Âm phủ.

Phạt quở trừng răn: Quở phạt, trừng trị và răn cấm.

Hành: Trừng phạt làm cho đau đớn khổ sở.

Ðáng kiếp: Xứng đáng với cái tội đã làm trong kiếp sống nơi cõi trần, không có gì là oan ức hay quá đáng cả.

Tội căn: Tội lỗi đã gây ra trong kiếp sống trước. Căn là gốc rễ, chỉ những việc làm trong kiếp sống trước.

 

345. Ngục đao kiếm cầm giam phạm ác,
Tánh gian dâm hành phạt gớm ghê.
Giáo gươm bén nhọn tư bề,
Chém đâm máu chảy tràn trề ngục môn.
349. Hành đến chết huờn hồn sống lại,
Cho đầu thai ở tại thanh lâu.
Ngày đêm đưa rước chực chầu,
Công bình Thiên đạo, phép mầu Chí Linh.

CHÚ THÍCH

Gian dâm: Quan hệ thể xác một cách bất chánh với người không phải là vợ mình hay chồng mình. Tư bề: 4 bên.

Câu 348: Người tội lỗi chết đã bỏ xác phàm nơi cõi trần rồi, chỉ có Chơn thần và linh hồn bị giam vào Ðịa ngục, sao lại có chém đâm máu chảy tràn trề ngục môn? Giống như còn xác phàm nơi cõi trần? Ðây là phép huyền diệu ở Ðịa ngục, làm cho Chơn thần tội nhơn tưởng như có thân thể, ruột gan tim phổi, miệng lưỡi y như nơi cõi trần, biết đói khát, biết đau đớn vì bị đâm chém máu chảy. Sau khi bị hành hình cho đến chết rồi, thì nhờ thứ nước huyền diệu nơi Ðịa ngục, rưới lên chơn thần thì chơn thần sống trở lại y như lúc trước.

Thanh lâu: Lầu xanh, nơi chứa gái mãi dâm. Phép mầu Chí Linh: Phép thuật mầu nhiệm của Thượng Ðế.

KHẢO DỊ:

- KSH. MLÐ:

  • chực hầu.

- Kinh NQ, Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974, 1975:

  • chực chầu.

Chực hầu: Chờ sẵn một bên để hầu hạ. Chực chầu: Chầu chực.

 

353. Móc nhọn vắt treo mình nhỏng nhảnh,
Cối đạp đồng rất mạnh giã dần.
Ấy là phạt kẻ lường cân,
Ðo gian đong thiếu, Thánh Thần chẳng kiêng.
357. Bầy chó dữ mang xiềng chạy đại,
Thấy tội nhân xúm lại phân thây.
Hình nầy phạt kẻ dại ngây,
Khinh khi Tam giáo, đọa đày thế ni.

CHÚ THÍCH

Nhọn vắt: Bén nhọn lắm đến độ gây cảm giác ghê rợn.

Treo nhỏng nhảnh: Treo tòn teng đưa qua đưa lại.

Cối đạp đồng: Cái cối có chày đạp bằng đồng. Mỗi lần đạp lên cán chày thì chày dở lên cao rồi rớt xuống, đập mạnh xuống cối.

Giã: Dùng chày đập xuống cho nát ra. Dần: Dùng vật cứng đập nhiều lần cho mềm ra.

Lường cân: Cân thiếu để ăn lường (ăn gian).

Ðo gian đong thiếu: Ðo thiếu, đong không đủ để ăn gian. Kiêng: Nể sợ. Xiềng: Dây xích.

Chạy đại: Xông thẳng tới không có trật tự chi cả.

Phân thây: Cắn xé thi thể ra làm nhiều mảnh.

Tam giáo: Ba nền tôn giáo lớn ở cõi Á Ðông gồm: Phật giáo (Thích giáo), Tiên giáo (Lão giáo), Nho giáo (Khổng giáo).

Thế ni: Thế nầy. Ni là nầy, tiếng thông dụng ở miền Trung VN.

 

Xem tiếp giải nghĩa

Câu 361. Ao nước nóng sôi thì sục sục,
... ... ...

TKPÐ, ÐÐTKPÐ, CKVT,... xin xem "Những chữ viết tắt"

[ Hình Bìa ]

Last changed: 27-06-2003