DỊCH LÝ CAO ĐÀI

Chương V:

KHAI TRIỂN BÁT-QUÁI ĐỒ-THIÊN

I.

 

Khai Triển Bát-Quái Đồ-Thiên

  1. Cơ-quan quản-trị càn-khôn là gì?
  2. Cơ sanh-biến vạn-linh là gì?
    1. Việt-Nam là một Thái-cực-đồ
    2. Sao gọi là Bát-quái?
    3. Tám đường xuyên tâm ấy là cơ đoạt Đạo
  3. Cơ hỗn-hợp càn-khôn biến tướng
  4. Đạo Cao-Đài chủ-trương diệt mê-tín dị đoan
  5. Đại-Đạo là đường chơn-chánh và khoa-học
  6. Luận Đạo: Hộ-Pháp Chưởng-quản Hiệp-Thiên-Đài

II.

Khai Triển Bát Quái Đồ Thiên Qua Cơ-Quan Hiệp-Thiên-Đài

  1. Phần khai triển
    1. Số Ma-phương
    2. Ý-nghĩa những ngày Lễ Đạo qua các con số
    3. Chính là chữ ĐIỀN
    4. Chữ thập trong Bát-quái
    5. Long-Mã phụ Hà-đồ tượng trưng chữ thập định vị cho càn-khôn
    6. Việt-Nam giòng giống con Rồng cháu Tiên
    7. Đông Tây hòa-hợp
    8. Lễ Hội-Yến Diêu-Trì ngày 15 tháng 8
      Hội-Yến Diêu-Trì-Cung là gì?
    9. Bát-quái Đồ-thiên nghịch chuyển
  2. Thập-Nhị Thời-Quân là gì?
  3. Thập-Nhị Thời-Quân ứng với Thập-Nhị Thời-Thần
    1. Pháp-Chánh-Truyền Hiệp-Thiên-Đài
    2. Chơn-pháp của Đại-Đạo
    3. Vì sao có mặt 12 Thời-Quân bồi tửu
    4. Quả Đào Tiên của Phật-Mẫu
    5. Sự liên-quan giữa Diêu-Trì-Cung và Hiệp-Thiên-Đài
    6. Đức Phật-Mẫu độ ai trước nhất?
    7. Nhiệm-vụ của Thời-Quân
    8. Vai-trò Ba chi của Hiệp-Thiên-Đài
    9. Số 12 thành hình
  4. Lý-do Thầy chia 2 cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài và Cửu-Trùng-Đài
    1. Về mặt hữu-hình
    2. Về mặt tinh-thần đạo-đức
  5. Tại sao Đức Chí-Tôn ngự nơi Bát-Quái-Đài
  6. Quyền-hành của Hộ-Pháp đối với Tam Châu Bát-Bộ
  7. Quyền-hành của 12 Thời-Quân
  8. Vì sao Hiệp-Thiên-Đài lại đặt phía trước của Đền-Thánh?

II- KHAI TRIỂN BÁT-QUÁI ĐỒ THIÊN
QUA CƠ-QUAN HIỆP-THIÊN-ĐÀI

A- Phần khai triển

Xem thế, thì cơ-quan Hiệp-Thiên-Đài có ba chi, mỗi chi có 4 Thời-quân (3 x 4=12). Gọi là Thập-Nhị Thời-Quân, cộng thêm ba vị Chưởng-quản đứng đầu ba chi nữa thành ra 15 vị cả thảy (12+3=15). Con số 15 này nó có một giá-trị đặc biệt trong Bát-quái Đồ-thiên, mà chúng ta sắp bàn đến đây:

 

1- Số ma-phương

Nhìn vào Bát-quái này ta thấy ngay một bảng ô số, đó là những con số ứng với các quẻ. Tỷ như số 1 là Khảm, 2 là Khôn, 3 là Chấn, 4 là Tốn, 5 ở chính giữa, 6 là Càn, 7 là Đoài, 8 là Cấn, 9 là Ly. Đây gọi là con số Ma-phương hay là Ma-phương-số. Có một bài thơ sau, cốt-yếu là cho dễ nhớ vị-trí các con số ấy, đọc theo hàng ngang của bản số, là:

Tứ hải, tam sơn, hội bát Tiên
Cửu long ngũ hổ nhứt đoàn viên.
Nhị tướng thất trì phò lục quốc

Nếu cộng những số này theo các chiều ngang dọc, sẽ có được tổng-số là 15. Nghĩa là có tất cả 8 lần tổng-số 15 như vậy:

 

Cộng hàng ngang:

4+3+8= 15

9+5+1= 15

2+7+6= 15

Cộng hàng dọc:

8+1+6= 15

3+5+7= 15

4+9+2= 15

Cộng qua hai đường chéo:

8+5+2= 15

4+5+6= 15

8 lần tổng-số 15 như vậy có nhiều ý-nghĩa, từ đó suy ra các việc về Đạo-pháp:

Sở dĩ có các con số tương-ứng này là lấy theo số của Bát-quái Hậu-thiên mà các bậc tiền Thánh đã lập ra trước đây 6.000 năm, là nhứt Khảm, nhì Khôn, tam Chấn, tứ Tốn, Ngũ trung, lục Càn, thất Đoài, bát Cấn, cửu Ly. Do vậy mà Bát-quái Hậu-thiên chỉ có 9 con số mà thôi.

Dịch quan-trọng ở Nho, Y, Lý, Số.

Ở đây Số đã chiếm một phần trọng-yếu để giải về lý Đạo, cho nên trong chương này chúng ta bàn về số nhiều hơn.

2- Ý-nghĩa các ngày Lễ Đạo qua các con số

- Ngày lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung:

Con số này ứng với ngày lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung hằng năm, nhằm ngày 15 tháng 8 âm lịch. Bởi số 15 là con số điều-hòa vũ-trụ. Còn số 8 là số ứng với Bát-phẩm chơn-hồn mà Đức Phật Mẫu là người sản-xuất ra Bát-phẩm chơn-hồn ấy.

- Ngày Khai Đại-Đạo:

Nếu ta chỉ cộng các con số theo các hàng ngang dọc như trên theo đường xuyên tâm đối, nhưng không cộng số 5 ở giữa, thì sẽ có các kết-quả là 10, như sau:

4+6=10     3+7=10     2+8=10     1+9=10

Hợp số của con số 10 này với số 15 ở trên sẽ là ngày Khai Đại-Đạo chính-thức tại Từ-Lâm-Tự (Gò-Kén Tây-Ninh) vào ngày 15 tháng 10 năm Bính-Dần (1926) và hằng năm toàn Đạo đều thiết lễ Kỹ-niệm ngày khai minh Đại-Đạo ấy.

- Ngày Đại-lễ Đức Chí-Tôn:

Hai con số Khảm 1 và Ly 9 nằm trên trục Bắc Nam tức nhiên là cái dụng của Dịch, 1 là Thái-dương và 9 là Lão-dương sẽ được Đức Thượng-Đế lấy làm ngày Đại-lễ Đức Chí-Tôn ngày 9 tháng 1 âm-lịch hằng năm.

- Ngày Vía Đức Thái-Thượng Lão-quân:

Trên bảng ma-phương-số này cũng có chia hai phần âm dương rõ-rệt, mà chính Đức Thái Thượng Lão-quân là người đạt được Bát-quái nhờ vào thư-phòng nhà Châu học được Bát-quái-đồ. Đạo-sử nói rằng ông không có ngày sanh, không có ngày tử, không có cha, chỉ có mẹ mà thôi; nhưng tại sao Kinh nói rằng:

“Nhị ngoạt thập ngũ phân tánh giáng sanh” (nghĩa là tháng 2 vào ngày 15 thì Ngài phân tánh giáng trần) tức nhiên ngày Vía của Đức Thái-Thượng là 15 tháng 2 âm-lịch hằng năm tại Tòa-Thánh Tây-Ninh, cũng như toàn Đạo ở các Thánh Thất địa-phương đều thiết Đại-đàn vía Đức Ngài vào ngày ấy.

Nếu nhìn vào bảng Ma-phương-số sẽ thấy hai con số này: số 15 như đã nói trên, còn số 2 là âm dương nhị khí đó vậy.

Ý-nghĩa các ngày Lễ

Vì đâu mà ta xác-định các con số ấy là những ngày Đại-lễ nơi Toà-Thánh Tây-Ninh, là những ngày trọng đại của nền Đại-Đạo này?

Dẫn-giải: Thứ nhất ai cũng nhìn-nhận rằng:

- Trời có Tam-bửu, Ngũ-khí (Tam-bửu là Nhựt, Nguyệt, Tinh; Ngũ-khí là vân (mây), vũ (mưa), vụ (sương), lôi (sấm), oanh (sét).

- Đất có Tam-bửu, Ngũ-hành (Tam-bửu là Thủy, Hỏa, Phong; Ngũ-hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ)

- Người có Tam-bửu, Ngũ-tạng (Tam-bửu là Tinh, Khí, Thần; Ngũ-tạng là Tâm (tim), Can (gan), Tì (bao-tử), Phế (phổi), Thận (quả cật).

Nếu nhìn vào Tam-tài (Trời, Đất, Người) như trên họp lại thì 3x3=9, còn 3x5=15. Con số 9 là Lão dương, cực mạnh, sáng-soi khắp cùng vũ-trụ.

Bởi số 9 là số huyền-diệu nhiệm-mầu hơn hết. Số 9 là cơ chuyển-biến đến mực độ tận thiện, tận mỹ, toàn tri, toàn năng. Số 9 bằng 3x3 tức là cấp bực Tam ngôi biến-hóa, vận-hành suốt thông trời đất. Đến số 9 là đến chỗ tột cùng vận-động để hợp về cơ qui nhất. Cùng cực cái động tức nhiên phải trở về trạng-thái tịnh nguyên-thủy.

Số 1 là số đầu tiên sau số 0, tức là cái nguồn sinh-hoạt trước nhứt để biến vi hữu tướng hiện có ở càn-khôn vũ-trụ.

* Thế nên hai con số 9 và 1 này đều là số dương cả để chỉ vào quyền-uy tối thượng là Thượng-Đế, chứ Ngài là Đấng tự-hữu, hằng hữu; tức là không sanh cũng không diệt, do lấy đó làm ngày Đại-lễ Đức Chí-Tôn ngày 9 tháng 1 (giêng) thuần dương là vậy.

Hơn nữa qua ba thời-kỳ mở Đạo, mà nay là Tam-Kỳ Phổ-Độ tức nhiên là con số 3 tròn đầy.

Số 3 là do 1 với 2 hỗn-hợp lại mà biến ra 3. Ba tức là cơ-quan hữu-tướng cùng vô-tướng hiện có ở càn-khôn vũ-trụ này.

Con số 3x5= 15 là số điều-hòa vũ-trụ. Nếu tính hàng ngang thì bằng 1+5. Bởi 1 là Thái-cực đứng trước Ngũ-hành, tức là càn-khôn đã an-vị rồi nhờ có Thái-cực đun-đẩy thêm cho nên năng-tri sáng-suốt, mọi việc đâu đó xong-xuôi hết, đã được an-bày có thứ-lớp, trật-tự hẳn-hoi.

Số 8 là do 4x2 ấy là Bát-quái, 4 là cơ chuyển-biến, 2 là cơ âm dương; cơ chuyển-biến phát-động trên cơ âm dương nên nó huyền-diệu, nhiệm-mầu thay thay, đổi đổi.

* Hơn nữa Phật-Mẫu có Bát-Cảnh-cung, thế nên 15 và 8 là hai con số tương-hiệp lại biến-hóa vô cùng, lấy ngày 15 tháng 8 làm ngày Vía Đức Phật-Mẫu, tức là ngày Hội-Yến Diêu-Trì-Cung chỉ tổ-chức nơi Toà-Thánh Tây-Ninh này mà thôi.

* Số 10 là số hiền-hòa, đầm-ấm, lặng-lẽ, bình-an; hợp với số 15 ở trên, lấy làm ngày khai Đạo, ngày 15-10 năm Bính-Dần (dl 19-11-1926).

Niềm vui cho nhân-loại được sớm hưởng hòa-bình hạnh-phúc thật sự và nền Đại-Đạo này sẽ đi đến Đại-Đồng Thế-Giới, nhiệm-kỳ đến bảy trăm ngàn năm (gọi là Thất ức niên). Ấy là sự trường-tồn, vĩnh-cữu của nền Đại-Đạo vậy.

3- Chính là chữ ĐIỀN 田

 

Trong bảng ô số này đã xác định đây là chữ Điền, như đã có nói đến.

Trước nhứt là chữ “Tâm điền” có nghĩa đây là cái tâm của Bát-quái Đồ-thiên có hình ảnh của chữ Điền.

Tại sao Bà Thanh-Tâm Tài-Nữ nói:

Ruộng sẵn, giống sẵn, cày bừa sẵn, duy có ra công làm cho đất phì-nhiêu, đặng cho buổi gặt hưởng nhờ, mà không chịu làm thế thì phải diệt tận chơn linh?

Bởi ngày nay Đức Thượng-Đế đến mở Đạo là đã cung-ứng tất cả nhu-cầu cần-yếu cho nhân-loại rồi.

Tức nhiên ngày nay Đạo tìm người, khác hẳn ngày xưa là người phải đi tìm Đạo.

Bằng chứng là ngay từ buổi đầu các bậc tiền bối, tức là Đức Quyền Giáo-Tông, nói “Ngài luôn luôn đi các nơi để phổ-độ chúng-sanh, nhứt là trước ngày mở Đạo, Đức Chí-Tôn sai hết chúng tôi, tức Thập-Nhị Thời-Quân đi phò-loan cùng hết, không chỗ nào không có Cơ-bút, người thì xuống miền Tây, người thì đi miền Trung, đi cùng hết. Thâu Môn-đệ xong, Thầy dạy chúng tôi về Tây-Ninh mở Đạo”.

Điều ấy đúng thật chúng ta “duy có ra công làm cho đất phì-nhiêu đặng cho buổi gặt hưởng nhờ” tức là Chí-Tôn đã nhắc-nhở rằng:

“TA nói cho chúng-sanh biết rằng: Gặp Tam-Kỳ Phổ-Độ này mà không tu, thì không còn trông mong siêu-rỗi”

Hoặc:

“Con chỉ có TU mà đắc Đạo. Phải ngó đến hằng ức, thiên, vạn kẻ nhân-sanh chưa đặng khỏi luân-hồi, để lòng Từ-bi độ rỗi kẻo tội-nghiệp”.

Kinh Di-Lạc cũng nói rõ “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, tức nhiên đã có đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng muôn kiếp, nhơn-sanh trước đây chưa được hân-hạnh gặp được kỳ đại ân-xá như chúng ta ngày nay, chính là Đại-Đạo này.

Vì sao?

- Đây là nguyên-nhân chính:

Thích-Ca-Như-Lai kiêm viết Cao-Đài Đại-Bồ-Tát nói:

“Vốn từ Lục-Tổ thì Phật-giáo bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành; Chánh-pháp bị nơi tay Thần-Tú làm cho ra mất Chánh-giáo, lập riêng pháp-luật buộc mối Đạo Thiền.

TA vì luật lịnh Thiên-mạng đã ra cho nên cam để vậy làm cho Phật-Tông thất chánh có trên ba ngàn năm nay. Vì Tam-Kỳ Phổ-Độ, Thiên địa hoằng khai, nơi “Tây-phương Cực-Lạc” và “Ngọc Hư-Cung” mật-chiếu đã truyền siêu-rỗi chúng-sanh. Trong Phật-Tông nguyên-lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi; tại Tăng-đồ không kiếm chơn-lý mà hiểu.

Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành-đạo…

Ôi, thương thay! Công có công, mà thưởng chưa hề có thưởng; vì vậy mà TA rất đau lòng.

TA đến chẳng phải cứu một mình chư Tăng mà thôi; vì trong thế hiếm bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đọa hồng-trần TA đương lo cứu vớt. Chư Tăng, chư chúng-sanh hữu căn, hữu kiếp, đặng gặp kỳ Phổ-độ này là lần chót; phải ráng sức tu-hành, đừng mơ-mộng hoài trông giả luật. Chư sơn đắc Đạo cùng chăng là do nơi mình hành-đạo.

Phép hành-đạo Phật-giáo dường như ra sái hết, tương-tợ biến thành “Tả đạo bàn môn”. Kỳ truyền đã thất, chư sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào; cứ ôm theo luật Thần-Tú, thì đương mong-mỏi về Tây-phương mà cửa Tây-phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành Chánh-quả do nơi nào mà biết chắc vậy. TA đã đến với huyền-diệu này, thì từ đây TA cũng cho chư Tăng dùng huyền-diệu này mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất-kỳ-truyền. Chư Tăng từ đây chẳng đặng nói “Phật giả vô ngôn” nữa”. (TNI /22)

Phật đã dạy “dùng huyền-diệu này mà học hỏi”, vậy học những gì?

* Phân-tách chữ ĐIỀN sẽ thấy những yếu lý như:

Trong chữ Điền, phân tích ra có đến 4 chữ “nhựt”日, là nói đến nền “Đại-Đạo hoằng khai” tức là phải làm cho cơ Đạo ngày một mở-mang rộng-rãi, do câu “Nhựt tân, nhựt nhựt tân, hựu nhựt tân” (nghĩa là ngày mới, ngày ngày mới, mỗi ngày mỗi mới) tức nhiên phải có tiến-bộ luôn. Nguyện rằng: Nam-mô nhứt nguyện Đại-Đạo hoằng khai.

* Chữ điền có 4 chữ “sơn” 山, nghĩa là người Cao-Đài phải lo Phổ-độ chúng-sanh, làm cho chúng-sanh đều am tường lý Đạo diệu mầu. Vì tu theo Cao-Đài là tu Tiên, mà Tòa-Thánh Tây-Ninh có hình chữ Sơn 山, người là “nhơn” hợp với sơn thành ra chữ Tiên 仙 là lý ấy. Tu Tiên là luyện Tinh Khí Thần: Học Đạo là luyện Tinh, cúng Tứ thời là luyện Khí, tìm về lý Hư-vô thâm diệu của đạo-pháp là luyện Thần, tức nhiên tu cho đạt Tinh, Khí, Thần là vậy.

* Chữ Điền có hai chữ “Vương” 王 là thể hiện câu “Tam nguyện xá tội đệ-tử” tức nhiên là mình cầu xin được tinh-thần mẫn-huệ để lo trau-giồi bản thân mình có được sự hiểu biết rộng-rãi. Kế đến là cầu xin cho thiên-hạ, tức là câu “Tứ nguyện Thiên-hạ Thái-bình”. Bởi đây là nền Vương Đạo, phát-huy rộng-rãi.

* Chữ điền có đến 4 chữ “khẩu” 口 là thực hiện cho được câu “Thánh-Thất an-ninh”, tức nhiên mình phải tự an cái tâm này và định cái tánh này, đó là thực hiện tinh-thần Hiến-dâng và Phụng-sự, qua lời Kinh Ngũ-Nguyện, mà ngày ngày người Tín-hữu đã hằng cầu-nguyện vậy. Phải khẩu khẩu tâm truyền, tâm phục khẩu phục.

4- Chữ thập trong Bát-quái

Tức là hai trục chánh trong Bát-quái.

Đó là càn-khôn vũ-trụ còn biểu-tượng bằng chữ Thập 十 (gọi là thập tự nhai).

Thử hỏi VŨ-TRỤ là gì?

Tiên-Nho đã nói: “Tứ phương thượng hạ viết VŨ, cổ vãng kim lai viết TRỤ”.

Nghĩa là bốn phương cùng trên dưới gọi là vũ, xưa qua nay lại gọi là trụ, tức là nói chung gồm cả Không-gian lẫn Thời-gian.

Như thế nhìn về phương hướng thì có bốn phương chánh là: Đông, Tây, Nam, Bắc, cùng với phía trên đầu và dưới chân nữa là sáu. Ngoài ra còn có 4 phương phụ, tức là Đông-Nam, Tây Nam, Đông-Bắc, Tây-Bắc; cả thảy mười phương là vậy. Số 10 gọi là “thập”.

Thế nên Đạo Công-giáo lấy “Thập-Tự-giá” làm biểu-tượng cũng đủ cho thấy rằng Đạo Thánh là nồng-cốt đứng trong Tam-giáo, vì vậy Chúa chịu nạn cho nhân-lọai, tức là đóng đinh trên Thánh-giá để gánh cả khổ-ách của nhân-lọai. Thì chúng-sanh đến thế này phải qua “năm bước khổ” đó chỉ là bài học tiến-hóa mà thôi, là thọ khổ để được đến gần với Thượng-Đế.

Giải về thập phương, trong Cao-Đài Thầy có nói rõ: “Dưới 36 từng trời còn có một từng nữa là Nhứt mạch đẳng tinh-vi gọi là Niết-Bàn. Chín từng Trời gọi là Cửu-Thiên Khai-Hóa, tức là 9 phương Trời cộng với Niết-Bàn là 10; gọi là Thập phương chư Phật

Gọi chín phương trời mười phương Phật là đó”. Như vậy mà chữ thập trong Bát-quái là một yếu-tố rất quan-trọng như cây cột để giữ vững cho ngôi nhà. Trước đây các Đấng tiền Thánh làm Dịch như Phục-Hi, Văn-Vương, Châu-Công, Khổng-Tử lần-lượt bổ-sung cho bộ Dịch được hoàn thành đến ngày nay, duy chỉ có hai Bát-quái:

Tiên-thiên Bát-quáiHậu-thiên Bát-quái thì lấy hướng Nam Bắc làm trục đứng, Đông Tây làm trục ngang. Nhưng ngày nay Đức Chí-Tôn mở Đạo Cao-Đài có thêm hai Bát-quái nữa cũng lấy hai Bát-quái trên làm căn-bản mà đổi trục đi là Đông Tây làm trục đứng và Nam Bắc làm trục ngang, mà con đường vận-hành của Bát-quái Cao-Đài là nghịch-chuyển, tức nhiên lấy Đền-Thánh làm chuẩn để định phương-vị cho Bát-quái Cao-Đài, đồng thời là nơi chứa đựng tất cả bí-pháp nhiệm-mầu đều đặt để nơi đây tất cả.

Tóm lại phương tu-hành cũng nơi đây mà con đường trở về cõi Niết-Bàn cũng là đây. Thầy có dạy rành:

“Muốn trọn hai chữ Phổ-độ phải làm thế nào? Thầy hỏi. Phải bày Bửu-pháp chớ không đặng giấu nữa.” (TNI/15)

Bày ở đâu? - Ở tại Toà-Thánh Tây-Ninh này, có lời dạy:

“Con nghe: nơi nào Thầy ngự, thì nơi ấy là Thánh-Địa…chi chi cũng tại Tây-Ninh đây mà thôi.” (TNI/ 98)

Nếu hỏi “chi chi cũng tại Tây-Ninh đây” là gì?

-Tất nhiên Đền-Thánh Cao-Đài Tòa-Thánh Tây-Ninh nơi miền Nam Việt-Nam ngày nay là Tòa ngự của Đức Chí-Tôn, tượng-trưng Bạch-Ngọc-Kinh tại thế.

“Đây là Tòa-Thánh là nơi Đức Chí-Tôn đến, nhất định lập ngôi vị của Ngài trong mọi sự cố-gắng của con cái Ngài, tượng-trưng khối tinh-thần vững chắc, thì có ai đủ quyền-năng nào mà diệt được.

Đền-Thánh kể từ đây không còn ai xem nó là vôi, cát, xi-măng nữa, mà là một khối đức-tin của toàn con cái của Đức Chí-Tôn đã tượng nên hình đó vậy.

Từ đây một sắc dân nào có đủ đức-tin nơi Đức Chí-Tôn là Chúa-tể vạn loại thì dầu ở nơi phương trời nào, họ sẽ hướng về Đền-Thánh mà cầu-nguyện hằng ngày, hằng giờ để mong hưởng phước lành của Ngài…

Đức Chí-Tôn cũng dùng bí-pháp mà lập Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để ứng nghiệm cái quyền-năng nơi quả địa-cầu 68 này để bảo-tồn cơ sanh-hóa, vì Ngài là Chúa sự thương-yêu, mà vì thương-yêu mới có sanh sanh hóa hóa. Vậy nên Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ do bí-pháp mà lập thành.

Đền-Thánh là nơi Thầy ngự tại thế, cũng do bí-pháp mà biến tướng ra.

Ấy vậy Đền-Thánh này là nơi chứa tất cả bí-pháp của Đấng Chúa-tể càn-khôn ấy”.

Dầu một dân-tộc nào muốn nghiên-cứu về Tôn-giáo Cao-Đài thì phải đến Tòa-Thánh Tây-Ninh này mà thôi, vì nơi đây đã thành hình Tân-Luật, Pháp-Chánh-Truyền là phương để truyền Chánh-pháp.

5- Long-Mã phụ Hà-đồ tượng trưng chữ thập định vị cho càn-khôn

Tất cả bí-pháp ấy nằm trên lưng con “Long-Mã phụ Hà-đồ” như xưa vua Phục-Hi là người phát hiện “Long-Mã” đầu tiên vậy.

 

Long-Mã Phụ Hà-Đồ đặt trên nóc Nghinh Phong-Đài

Ngày nay điển-tích ấy đặt nằm ngay trên Nghinh-Phong-Đài của Đền-Thánh đã chỉ rõ phương hướng, đồng thời mang cả bí-pháp diệu mầu của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Long-Mã chạy từ Đông sang Tây, đầu lại ngó ngoáy về Đông, có nghĩa rằng Đạo xuất phát từ Đông như Phật-đạo đã hai ngàn năm trăm năm giáo Đạo rồi; đồng thời truyền qua phương Tây. Thánh Chúa làm chủ tinh-thần nhân-loại đã hai ngàn năm. Nay giáp một chu-kỳ gọi là “Thiên địa tuần-huờn châu nhi phục thủy” nên Cao-Đài xuất hiện tức là khởi lại phương Đông là Việt-Nam ta ngày nay.

Đền-Thánh quay mặt về Đông với ý-nghĩa là đón nhận một nền Đạo Chánh-truyền từ Thượng-Đế: Bát-Quái-Đài ở hướng Đông; nhưng đường trở về của người tu là cõi Tây-phương Cực-lạc nên Hiệp-Thiên-Đài quay hướng Tây, hiệp hướng trên bản-đồ là vậy.

Hơn nữa, Long-Mã là con vật trong truyền thuyết để nói lên lý Đạo nhiệm-mầu. Long là vật biến-hóa, bay lên theo đường thẳng đứng, chỉ không-gian, thuộc dương. Mã là con ngựa, có sức khỏe, chạy nhanh vượt đường xa, mang chở nhiều vật nặng, theo đường ngang, là chỉ thời-gian, thuộc Âm. Con vật này thành hình chỉ duy nói lên không-gian và thời-gian mà thôi, là lý Âm Dương điều-hòa cả vũ-trụ, tức nhiên không ngoài hai chữ CÀN KHÔN, ấy là hình ảnh của chữ thập vậy.

Như thế để chứng tỏ rằng xưa nay nhân-loại chưa từng thấy con vật kỳ-quái này, mà nói rằng trên lưng nó lại có mang bản Hà-đồ, trên đó có 8 quẻ lạ-lùng nên mới gọi là “Bát-quái” tức là tám điều bí-ẩn, bởi nó biến-hóa, linh-thông, nhiệm-mầu, huyền-diệu quá; nhưng thật sự không phải con vật này linh thông, mà là trí của Đức Phục Hi quá linh-thông! Nhà Bác-học đầu tiên của nhân-loại!

Thuở ấy nhân-tâm còn bán khai nên Chí-Tôn mới mượn những người ở địa-cầu khác đến để mở-mang trí-hóa cho nhân-sinh mà thôi, nhưng không giảng-giải bằng phương-pháp cụ thể cho hiểu được mà phải lấy vật tổ này nọ để nói lên một lý Đạo siêu-mầu. Đáng lẽ phải gọi là Bát-tượng hay Bát-tướng mới đúng, nhưng gọi lâu thành quen, không thể sửa mới gọi là Bát-quái. Một bằng chứng cụ-thể:

6- Việt-Nam giòng giống con Rồng cháu Tiên

 

Nay, cả giòng-giống Việt-Nam tự-hào là con Rồng cháu Tiên, thử hỏi có ai đã từng thấy Tiên hay thấy Rồng chưa? Nếu nói theo khoa-học thực-nghiệm thì cái gì thấy được, rờ được mới tin thì đây là vấn đề vô-lý thứ nhất.

Còn một vấn-đề vô lý thứ nhì nữa là hai người ở hai nơi khác nhau: Cha Rồng ở biển, Mẹ Tiên ở núi kết-hợp lại sinh ra một bọc trăm trứng, nở trăm con. Chia ra 50 theo Mẹ lên non, theo Cha 50 xuống biển. Hỏi vậy tại sao dân Việt-nam nói riêng, cả nhân-loại nói chung giờ này không thấy ai sanh trứng, mà chỉ sanh con, là do đâu? Nếu nói rằng hoang đường, mê-tín dị-đoan, sao không bỏ đi? Còn nếu nói rằng quá hay sao không giải-thích cho thỏa đáng để mọi người cùng công-nhận?

Đã đến lúc Đạo Cao-Đài phải phơi bày lý Âm Dương ấy:

Tức nhiên là do hợp số của Tiên-thiên và Hậu-thiên Bát-quái mà ra.

Bởi chỉ với 10 con số mà xưa nay dùng đã tự nó chia ra âm dương, về số Tiên-thiên thì:

Số lẻ là dương: 1, 3, 5, 7, 9. Cộng hết lại là: 1+3+5+7+9=25 (tổng số dương)

Số chẵn là âm: 2, 4, 6, 8, 10, cộng lại là 2+4+6+8+10=30 (tổng số âm)

Hiệp cả hai tổng-số này lại là: 25+30= 55 (còn gọi là cơ nhị ngũ. Hai số 5 liền nhau).Là tổng số của Tiên-thiên Bát-quái.

Nhưng khi qua Hậu-thiên Bát-quái thì chỉ có 9 con số. Nếu làm bài toán như trên để tìm tổng-số sẽ là:

Số lẻ là dương: 1, 3, 5, 7, 9 tổng cộng 1+3+5+7+9=25 (không đổi)

Số chẵn là âm (không có số 10): chỉ còn là 2+4+6+8=20

Hiệp hai tổng số lại là: 25+20= 45

(Lý do xin xem chương VIII nói về Tiên-thiên và Hậu-thiên Bát-quái)

Một lần nữa hiệp hai tổng-số của Tiên-thiên và Hậu-thiên Bát-quái: 55+ 45=100.

Con số 100 này chính là cái bọc 100 trứng, là “thai bào” mà Mẹ Âu-Cơ đã sản-sinh ra, tức là như lời Đức Chí-Tôn đã nói, là sự phối-hợp âm dương mà ra:

“Khi chưa có chi trong Càn-Khôn Thế-Giới thì Khí-Hư-Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-cực.

“Thầy phân Thái-cực ra Lưỡng-nghi, Lưỡng-nghi phân ra Tứ-tượng, Tứ-tượng biến ra Bát-quái, Bát-quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú cầm gọi là chúng-sanh”. (TNII/62)

Nay, Cao-Đài xác định là hai Đấng Cha Mẹ Thiêng-Liêng là Đức Chí-Tôn và Đức Phật-Mẫu mà Đạo Cao-Đài đã đặt trọn lòng tín-ngưỡng đó.

Quả thật hiện tại Cửu-Trùng-Đài đặt giữa Đền-Thánh, tức là giữa Bát-Quái-Đài và Hiệp-Thiên-Đài là đã tạo nên một chữ thập rồi.

Kế đến, Long-Mã phụ Hà-đồ đặt lên nóc của Nghinh-Phong-Đài có thanh-kiếm gát ngang là tạo nên một chữ thập thứ hai, ngay một tâm điểm, như vậy một biểu tượng Bát-quái đã thành hình tượng về cơ hữu-hình vậy.

Thử hỏi 50 con chia ra ấy nay đã đi đâu? Chính là Trung-thiên Bát-quái hay là Bát-quái Cao-Đài này, thể hiện bằng 50 Thiên-nhãn Thầy làm biểu-tượng trong toàn cả Đền-Thánh là:

- 23 Thiên-nhãn chung quanh cửa sổ của Đền, hai mặt trong và ngoài là (23x2)= 46 hiệp với 1 Thiên-nhãn nơi quả Càn-Khôn, 1 nơi Cung Đạo, 1 nơi Hiệp-Thiên-Đài và 1 nơi Thông-Thiên-Đài (đặt bên trong, tức là mặt sau của Thiên-nhãn này Tổng cộng là 50 Thiên-nhãn [(23x2)+1+1+1+1]=50.

Cả thảy có 50 Thiên-nhãn Thầy đã nói lên lý-do có Bát-quái Cao-Đài hay Bát-quái Đồ-thiên là như vậy. Chính Bát-quái này làm phương hướng cho người tu-hành trong buổi Tam-Kỳ, còn nơi định-vị phải có một Bát-quái vô-vi nữa, tức là Hư-vô Bát-quái. Kinh Phật-Mẫu đã xác-định “Hư-vô Bát-quái trị Thần qui-nguyên”.

Như vậy Đạo Cao-Đài có đến bốn Bát-quái, nghĩa là Đức Chí-Tôn đến lập thêm hai Bát-quái nữa để hoàn thành một nền văn-minh tinh-thần cho nhân-loại, mà trước đây hai Bát-quái kia đã làm nên nền tảng văn-minh vật-chất thật là ơn ích cho nhân-loại rồi, tức nhiên ta thấy trước kia có hai Bát-quái Tiên-thiên và Hậu-thiên xem như Lưỡng-nghi phân Tứ-tượng ở giai-đoạn đầu là thể-pháp; giờ đây thêm hai Bát-quái nữa tạo thêm một Tứ-tượng kế tiếp, hiệp chung mới hoàn-thành một Bát-quái hoàn-toàn! Tức nhiên vừa có văn-minh vật-chất vừa có văn-minh tinh-thần để bổ sung cho nhau, là cơ âm dương đã đến thời-kỳ hiệp nhứt.

Tức nhiên phương Tây đã dựng nên nền văn-minh vật-chất đến chỗ tuyệt-đối huy-hoàng, còn phương Đông từ trước đến giờ đã cống hiến nền văn-minh tinh-thần cho nhân-lọai rồi. Nay Đức Chí-Tôn đến dựng nên mối Đại-Đạo nầy để hoàn-thành một bước tiến mới trong nghĩa Đại Đồng để cho Đông-Tây hòa-hợp.

 

Thiên-nhãn chung quanh cửa sổ của Đền-Thánh

7- Đông Tây hòa hợp

Lời nói của Đức Hộ-Pháp được lập lại lần nữa “Ta thường nói: Đông Tây không bao giờ gặp nhau. Câu đó không thể áp dụng được trong giới triết-học, tuy có đến hàng trăm đường lối khác nhau, nhưng chung qui cũng gồm về một mối.

“Lấy cái thực học Âu-Mỹ để so-sánh với thực-học Á-đông cân nhắc nhau thì phần nhiều cái học Á-đông bị lu mờ chỉ vì cách trình-bày, luận-lý không rõ-ràng. Còn về phần tinh-thần thì bao trùm được khắp võ-trụ như: Thiên-văn, Địa-lý, Dịch-lý mà ông cha ta vẫn cho là những môn học khó-khăn, huyền-diệu. Vì những lẽ trên ta thấy khó-khăn, khúc-chiết mà xếp đặt cái học thuyết ấy vào hàng tâm-truyền hay bí-truyền.

“Nhưng nếu ta lấy cái học-thuyết hiện tại của Âu Mỹ hoà với DỊCH-LÝ để giải cho rõ ta cảm thấy cái lý học Á-đông đã đến chỗ tuyệt đối huy-hoàng”.

Nay chúng ta nhìn đạo-giáo qua lăng-kính của khoa-học qua các phương-trình, công-thức toán-học, số học, vật-lý-học… thì dù các phương thức cúng lạy chỉ là một phép dưỡng-sinh cơ thể mà thôi; thì con đường về Thiên-đàng sẽ thành công cũng như các phi-hành-gia bay lên vũ-trụ, nhưng sự huy-hoàng có phần khác. Đời khác Đạo.

8- Lễ Hội-Yến Diêu-Trì ngày 15 tháng 8

Thử nhìn sự sắp xếp bàn lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung là đã gồm trọn trong Bát-quái Đồ-thiên, tức nhiên là các vị-trí của Phật-Mẫu và 9 vị Tiên dự: Đây là sự xếp đặt bàn Lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung thường năm tổ-chức tại Tòa-Thánh Tây-Ninh, vào ngày 15 tháng 8 âm-lịch.

 
   
  9 VỊ Tiên-Nương
    5    
6
5
4
   
7 3
   
8 2
   
9 1
   
  T.S. H.P. T.P  
         
SỐ 1 NHỨT-NƯƠNG
SỐ 2 NHỊ-NƯƠNG
SỐ 3 TAM-NƯƠNG
SỐ 4 TỨ-NƯƠNG
SỐ 5 NGŨ-NƯƠNG
SỐ 6 LỤC-NƯƠNG
SỐ 7 THẤT-NƯƠNG
SỐ 8 BÁT-NƯƠNG
SỐ 9 CỬU-NƯƠNG
SỐ 5 Ở GIỮA LÀ PHẬT-MẪU
T.S. THƯỢNG-SANH
H.P. HỘ-PHÁP
T.P. THƯỢNG-PHẨM
   
BÀN HỘI-YẾN DIÊU-TRÌ-CUNG
 

Bàn Hội-Yến cho ta một ý-niệm đây là buổi tiệc họp mặt giữa người vô-hình là Đức Phật-Mẫu và 9 vị Tiên-Nương cùng với 3 người hữu-hình là 3 ông CƯ, TẮC, SANG (sau là người của Hiệp-Thiên-Đài) tham dự là Hộ-Pháp ở giữa, Thượng-Phẩm bên tay mặt, Thượng-Sanh bên tay trái.

Buổi tiệc đầu tiên thì do Đức Chí-Tôn dạy thiết lễ này. Hôm ấy người hữu-hình chịu trách nhiệm đãi tiệc bằng thức ăn chay là Bà Hương-Hiếu (Hiền-nội của ông Cao-Quỳnh-Cư sau đắc phong Thượng-Phẩm) còn Bà, sau đắc phong Nữ Đầu-Sư chánh-vị. Khi xong tiệc thì cầu cơ mời Đức AĂÂ (tức là Đức Chí-Tôn) hỏi, thì Đức Ngài có cho biết là Ngài có mặt nhưng ẩn danh.

Vậy thì làm bài toán cọng: 9 vị Tiên-Nương và Phật-Mẫu là 10, 3 người hữu-hình là 13. Đức Chí-Tôn ẩn danh và Bà Hương-Hiếu thết đãi là 15 người tất cả.

Số 15 này là con số Ma-phương của Bát-quái Đồ-thiên đó vậy.

* Giá trị các con số bàn Hội-Yến:

Số của Trung-thiên-đồ:

Nhìn trên bàn Hội-Yến qua các con số, nếu ta cọng hàng ngang thì có số chung là 10. Số của thập Thiên-can. Mà có tới 5 tổng-số:

1+9=10, 2+8=10, 3+7=10, 4+6=10, 5+5=10

Năm bài toán như vậy là hoà số 5 của trời với 10 của đất tức là số (10x5) =50

50 tức là cơ hỗn-hợp càn-khôn biến tướng để tạo nên Bát-quái Cao-Đài, là Trung-thiên-đồ, cũng là Bát-quái Đồ-thiên, là hình ảnh của 50 Thiên-nhãn Thầy.

* Số Thập thiên can và Thập nhị địa chi

Kế đến lấy 9 (9 vị Tiên) + 3 (ba người sống) là 12 người cả thảy. Số 12 là con số thập nhị địa chi. Lấy số 10 ở trên là số thập thiên can thêm vào để làm thành cặp âm dương định cho giờ, ngày, tháng, năm... cả đến hội, vận, thế, mà người Đông-phương đều xử-dụng.

Thập thiên-can là 10 can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí.

Thập nhị địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Người Đông-phương rất quan-trọng về sự phối-hợp can chi này trong cách tính ngày, giờ. Thí-dụ: Giáp-Tý, Ất-Sửu, Bính-Dần… Kinh Phật Mẫu có câu:

“Thập Thiên can bao-hàm vạn tượng,
“Tùng Địa chi hóa trưởng càn-khôn.
“Trùng huờn phục vị Thiên-môn,
“Nguơn-linh, Hóa chủng, quỉ hồn nhứt thăng."

*  “12 mụ Bà, 13 Đức Thầy”

Người Việt-Nam ta khi cúng thôi-nôi cho đứa bé thường vái “12 mụ Bà, 13 Đức Thầy” là đây. Bởi 12 vị trong Bàn hội-Yến là “nguồn gốc” sản-sanh con người, còn Phật-Mẫu là người Mẹ Thiêng-Liêng đó vậy. Tức nhiên 9 Tiên-Nương là 9 Đấng Nữ Tiên nơi Diêu-Trì-Cung + 3 người sống là ba ông Cư, Tắc, Sang là tượng cho Tinh, Khí, Thần của người hiệp nhứt thành số 12, gọi 12 Mụ Bà.

Nhưng người được thành hình do thụ Tinh cha trong cái khởi thuỷ, nên lúc ấy Đức Chí-Tôn nói rằng: ẩn danh là lý do ấy. Cọng 12 và 1 là 13, gọi là 13 Đức Thầy là thế.

Hội-Yến Diêu-Trì-Cung là gì?

Đức Hộ-Pháp giải thích rằng “Cả thảy con cái Đức Chí-Tôn đều biết, chúng ta tu cốt-yếu mong-mỏi một điều trọng-yếu hơn hết là đoạt cho đặng cơ giải-thoát hay là có phương thế trở lại cựu vị thiêng-liêng của chúng ta và các phẩm chơn-hồn trong càn-khôn vũ-trụ. Đức Chí-Tôn đã lấy quyền cho Phật-Mẫu đào-tạo tám phẩm chơn-hồn tức là chơn-hồn vật-chất, thảo-mộc, thú cầm, nhơn-loại, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Trong tám phẩm chơn-hồn ấy xuất hiện nơi Kim-Bàn do theo luật thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn đã định thì họ phải từ từ tăng tiến mãi, cái luật tăng tiến ấy nó buộc ta mỗi kiếp sanh đều kiếm phương tu, đặng chi? Đặng tạo thiêng-liêng-vị cho chúng ta, các đẳng chơn-hồn ấy khi đoạt đến nhơn-phẩm rồi chia ra hai phẩm hồn đặc biệt:

- Ở trong vật-loại tăng tiến lên đoạt nhơn phẩm của mình gọi là hóa-nhân.

- Các chơn-hồn ở trong Kim-Bàn đã xuất hiện với địa-vị nhơn-phẩm của mình là nguyên-nhân.

Hai phẩm hồn ấy nếu không noi theo đạo đức đặng từ từ bước lên đường Thánh-Đức của mình đặng đoạt cho tới địa-vị cuối cùng là Phật vị, lại làm tội-lỗi thì phải sa vào địa-vị Quỉ-vị.

Ấy vậy phần người có nguyên-nhân, hóa-nhân, quỉ-nhân.

Hại thay! Một trăm ức nguyên-nhân do Đức Chí-Tôn đã để lại mặt thế này đặng làm bạn với các đẳng chơn-hồn trong vạn-linh sanh-chúng của Ngài đã đào-tạo thì Phật-vị có 6 ức, Tiên-vị có 2 ức, còn 92 ức nguyên-nhân bị đọa trần.

Từ ngày Đạo bị bế họ có lắm công tu mà thành thì không thành. Tội nghiệp thay! Vì 92 ức nguyên-nhân ấy mà chính mình Đức Chí-Tôn phải giáng trần lập nền chơn-giáo của Ngài, chúng ta đã ngó thấy cái Thánh-ân, đặc biệt hơn hết là Đức Chí-Tôn đã thấy rõ rằng: các nguyên-nhân ấy không phương gì tự giải-thoát đặng, vì quá tội tình, quá mê-luyến hồng-trần, hoặc đào tạo quả kiếp nặng-nề quá đỗi. Vì cớ cho nên tu thì có tu mà thành thì không có thành, tức nhiên từ ngày Đạo bế, thì cơ siêu-thoát đã mất tại mặt thế này, chính mình Đức Chí-Tôn biết rằng không thế gì các nguyên-nhân tự mình đoạt cơ giải-thoát đặng.

Hôm nay Ngài đến lập nền chơn-giáo của Ngài, chúng ta đã ngó thấy lòng yêu-ái vô tận của Ngài là thế nào? Chúng ta thử suy-đoán: không ai nói cho mình nghe hơn Mẹ của mình, không ai dạy-dỗ mình có oai-quyền hơn Mẹ của mình, cái tình-trạng ấy đối với mặt thế chúng ta thế nào thì cái quyền-năng nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống như in, không có mảy-may chi khác.

Ngài lập giáo rồi còn một nỗi là kêu nó không đến. Ngài dạy mà không biết chi, chính mình Ngài đã nhiều lần hạ trần lập Đạo, mà 92 ức nguyên-nhân vẫn đui và điếc mà thôi, không biết để chung vào lòng yêu-ái vô tận của Ngài đặng hưởng cái hạnh-phúc vô biên của Ngài đã đào tạo. Vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn giao cho Đức Phật Mẫu và Bần-Đạo đã thuyết-minh là Người nắm quyền tạo-hóa của càn-khôn vũ-trụ hữu-hình trong tay, tức là Đức Phật-Mẫu, có thể nói vào xác thịt của chúng ta để cho chúng ta nghe lời nói tinh-thần thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn, lời nói mà từ trước tới giờ chúng ta không thế gì nghe được, nhưng Đức Chí-Tôn giao cho Đức Phật Mẫu cơ-quan siêu thoát ấy, phải làm thế nào đặng tận-độ 92 ức nguyên-nhân trở về cựu-vị.

Muốn cho đoạt đặng bí-pháp siêu thoát ấy, chúng ta ngó thấy Đức Phật-Mẫu đã làm gì?

Đức Chí-Tôn giao cho Đức Phật-Mẫu nắm quyền-hành để rước hết những chơn-hồn khi đã đoạt pháp, tức nhiên đoạt cơ siêu thoát, lập vị mình đặng vào cái địa-vị thiêng-liêng, đoạt đặng thì phải về Hội-Yến cùng Đức Phật-Mẫu. Lễ Diêu-Trì-Cung Hội-Yến mà người ta gọi là Hội, nhưng thật ra chúng ta về hội-hiệp vui cùng Mẹ Sanh của chúng ta đó vậy.

Đạo-Pháp gọi là Hội-Yến Diêu-Trì tức nhiên chúng ta đã đoạt đặng cơ siêu thoát nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống kia, chưa biết nếu chúng ta không tu thì con đường ấy là gì mà chớ?

Chính mình Đức Chí-Tôn biểu Đức Phật Mẫu tức nhiên Mẹ sanh của chúng ta cầm cả quyền-năng giải-thoát trong tay đến lập Hội-Yến Diêu-Trì tại mặt thế này và cả con cái của Ngài, nhứt là 92 ức nguyên-nhân ấy. Nếu nhập vào cửa Đạo tùng theo chơn-pháp thì đặng hồng-ân của Đức Chí-Tôn cho hưởng cái bí-pháp Diêu-Trì tại thế này, cái cơ siêu thoát thiên-hạ đã đoạt nơi tay họ sẵn, tức nhiên giờ phút cuối cùng này là giờ phút hứng thú, giờ phút chết của họ thì họ đoạt vị một cách dễ-dàng ngôi-vị vào cơ-quan siêu thoát. Đức Chí-Tôn đã cho không họ đó vậy!

Nhờ đó mà cơ-quan tận-độ vạn-linh của Đức Chí-Tôn đã lập lại tại thế này, từ đây sẽ mở rộng cửa Thiêng-Liêng Hằng-Sống đặng đến gom góp cả con cái của Ngài, trở về Hội hiệp một cùng Ngài, bí-pháp Hội-Yến Diêu-Trì là vậy đó.” (ĐHP Thuyết tháng 8 Tân-Mão)

Sự diệu-mầu của lễ Hội-Yến có liên-quan đến Bát-quái Đồ-thiên và Thập-Nhị Thời-Quân như sau:

9- Bát-quái Đồ-thiên nghịch chuyển

* Người đời như ba nguyên-lý của vật thể mà đường Đạo là con đường trở về, cho nên người tu phải biết quày chân trở lại.

Người sống trong vũ-trụ này không khác nào ba nguyên-lý của vật thể, chẳng hạng như NƯỚC.

- Bình thường nước ở trạng-thái thể lỏng, như nước trong sông rạch cứ luân-lưu đổ mãi ra biển cả, hoặc cứ theo dòng thủy-triều lên xuống. Người sống trong đời ví như nước ròng, nước lớn; cứ mãi lặn hụp trong vòng tử sanh, sanh tử, biết đến bao giờ mới đoạn hết trái căn? Giải-thoát kiếp luân-hồi, oan-nghiệt?

- Kế đến là nước đóng băng, lạnh giá, đứng dừng một chỗ, có khác nào người sống mà chịu cảnh tội tù. Nơi trần thế có địa-ngục trần-gian thì cõi vô-hình cũng có địa ngục vậy, để phạt người sai trái, những hồn vô căn, vô kiếp, căn quả buộc ràng tránh đâu cho khỏi luật quả báo muôn đời. Đó là vì không biết tu sửa bản tâm mình.

- Sau cùng là nước bốc hơi thành mây bay bảng-lảng khắp bốn phương trời, nguồn của nước là núi cao trời rộng. Nhưng muốn nước bốc hơi phải chịu dưới sức nóng cao độ. Người muốn vượt từng không để về đến cõi hư-vô tịch diệt thì cũng phải chịu sự kiên trì tu tâm sửa tánh, mới tạo Tiên tác Phật được, là phải quày đầu.

Thế nên Bát-quái Đồ-thiên phải chuyển nghịch lại với Bát-quái Hậu-thiên, tức là vận hành theo chiều nghịch với chiều kim đồng-hồ.

Thi văn dạy Đạo rằng:

“Bay đến Hồ Dương phụng gáy chiều,
“Thần Tiên giáng thế biết bao nhiêu.
“Trở chân ít kẻ lo đi ngược,
“Bước đọa xem qua lắm dập-dìu."

Bởi “Tu hành vẫn trái với thế tục, mà trái với thế tục mới đặng gần ánh thiêng-liêng”.

Như trước đây đã nói lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung có liên-quan đến Thập-Nhị Thời-Quân.

Vậy sự liên-quan như thế nào giữa Lễ Hội-Yến Diêu-Trì-Cung và Thập-Nhị Thời-Quân?

►Xem tiếp CHƯƠNG V / ... Thập-Nhị Thời-Quân là gì?

 

Cập nhật ngày: 09-09-2007